Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1362724

CHIÊN THIÊN CHÚA

CHIÊN THIÊN CHÚA (*)- Chú giải của Noel Quession

 

Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình…

Như ba Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng của Gioan mở đầu sứ vụ của Đức Giêsu bằng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Giođan. Những, như những Thánh sử khác, và còn hơn thế, Gioan khởi đi từ sự kiện lịch sử này (xảy ra khoảng năm 27) để cho chúng ta một suy tư thần học (mà ngài có thời gian nghiền ngẫm đến chín muồi đến khoảng năm 95 lúc biên soạn).

Gioan không mô tả “phép rửa” của Đức Giêsu, ngài chỉ dùng một từ để gợi ra ý đó.” Gioan không nói rộng việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả kêu gọi hoán cải. Sau phần lời tựa (Ga 1,1-18) là một thứ thi ca về Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, Gioan “xây dựng” một thứ “tuần lễ đầu tiên” của Đức Giêsu, nhắc lại tuần lễ cao trọng đầu tiên của việc Sáng Thế: ngày đầu tiên (Ga 1,19): chứng từ tiêu cực của Gioan Tẩy Giả: tôi không Phải là Đấng Kitô… nhưng kìa người đến ở giữa các ông”. ngày thứ hai (Ga 1,29): chứng từ tích cực của Gioan Tẩy Giả đây là một đoạn Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay. Ngày thứ ba (Ga 1,35): theo sự chỉ dần của Gioan Tẩy Giả, bốn môn đệ của ông đi theo Đức Giêsu. Ngày thứ tư (Ga 1,43): ơn gọi của Philípphê. Và của Na-tha-na-en. Ngày thứ bảy (Ga 2,1): “Ba ngày sau những cảnh diễn ra ở bờ ông Giođan gần với Gioan Tẩy Giả, có tiệc cưới ở Cana miền Galilê và Mẹ Đức Giêsu cũng ở đó, và Đức Giêsu cũng được mời các môn đệ” “Dấu chỉ” đầu tiên!

Trong suốt tuần lễ khai mạc này, và chắc chắn không phải bởi sự ngẫu nhiên, Gioan tích lũy những “tước hiệu” thần học mà những Tin Mừng khác tiết lộ tuần tự sau này.

Qua lởi tựa, Gioan đã tức khắc kéo chúng ta lên đỉnh cao. Đức Giêsu là “Ngôi Lời đã trở thành người phàm” (Ga 1,1-2-14) “Ánh sáng của thế gian” (Ga 1,4-9) “Con Một của Thiên Chúa Cha mà không một ai đã thấy bao giờ” (Ga 1,14-18) “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29-36) “Đấng có trước” (Ga 1,15-30) “Con của Thiên Chúa có Thần Khí từ trời xuống và ngự trên Người” (Ga 1, 32.33.34) “Thầy hay Rápbi” (Gioan 1,38-49) “Đấng Mêsia hay Kitô” (Ga 1,41) “Đức Giêsu Nagiarét con ông Giuse” (Ga 1,45) “Đấng mà Luật pháp vàcác Ngôn sứ đã nói” (Ga 1,45) “Con Thiên Chúa và Vua Israel” (Ga 1,49); và sau hết là Con Người (Ga 1,51). Bản văn rữc rỡ này, hoàn toàn đốt mọi giai đoạn mà các môn đệ phải từ từ khám phá ra căn tính của Đức Giêsu; nó báo cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể giữ mãi một cách đọc và lý giải nông cạn và có tính giai thoại.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con vượt qua những vẻ bề ngoài. Biết bao lần, chúng ta không biết nhìn những người sống với chúng ta, và khư khư với những sự đánh giá mặt ngoài.

Rất nhiều người vào thời Đức Giêsu. đã không hiểu Người là ai. Vậy chúng ta hãy lắng nghe những chứng từ của Gioan Tẩy Giả kèm theo một loại “phát xạ” bổ sung mà Gioan nhà thần học và là chứng nhân đã đưa vào bằng sự suy niệm lâu dài của ngài. Bởi vì lúc đó, Gioan Thánh sử cũng có mặt trên bờ sông Giođan ấy.

Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

“Đây là” không chỉ là môt tiếng bình thường, một từ dùng để chỉ. Từ gốc Do Thái ” in neh” hoặc “zeh” là một từ ngữ Kinh Thánh rất thường gặp để chỉ “một mặc khải”, bắt người ta phải tin: Chúng ta không trông mong gì, nhưng rồi đây là “Này (Đây là) trinh nữ sẽ thụ thai” (Is 7,14). “Đây là Môsê, chúng ta không biết điều đã xảy đến với ông” (Xh 32,1). “Đây là người sẽ nắm quyền trên dân Ta” (1 Sm 9,17).

“Chiên Thiên Chúa” “Đấng xóa bỏ tội trần gian”

“Chiên”! “Tội”! Hai tiếng ấy không đi vào trong những phạm trù trí tuệ của con người hiện đại hậu công nghiệp. Những từ mà chúng ta lặp lại và ca hát nhiều lần ở mỗi thánh lễ. Tuy nhiên, đó là những từ “phát xạ” nếu như chúng ta biết nhận ra sự tỏa sáng của chúng. Những từ dùng để tuyên xưng đức tin của các cộng đoàn đầu tiên.

Những từ chứa đựng cả một nền thần học cả một quan điểm về lịch sử và về con người. Những từ mà người ta không thể chỉ lấy ý nghĩa ngây thơ của chúng: sự hiền lành, yếu đuối và âu yếm của con chiên nhỏ. Những từ ấy chỉ có thể hiểu được trong sự sâu sắc của Kinh Thánh, bằng việc chấp nhận nền văn hóa mà những từ ấy chuyển chở. Chúng ta hãy thử để cho mình được “chiếu xạ” bởi sức chứa nóng bỏng của chúng, nhưng vẫn luôn ở trong hiện tại.

Đối với các thính giả Do Thái, sự ám chỉ về “chiên” xuất hiện rõ ràng ở đền thờ Giêrusalem, mỗi ngày, người ta hiến sinh một con chiên để thanh tẩy tội lỗi của dân. Với máu của một con chiên vượt qua bị cắt cổ vào mùa xuân khi sự sống hồi sinh sau mùa đông, người ta bôi máu đó lên cửa nhà; để nhớ lại kỷ niệm bồn chồn của ngày giải phóng khỏi sự áp bức của Ai Cập (Xh 12). Theo sau Giêrêmi, các ngôn sứ đã so sánh Israel bị lưu đầy với chiên con vô tội để người ta đem đi sát tế mà không mở miệng nói một lời nào (Is 53,7; Gr 11,19). Các giáo trưởng đã giới thiệu Đấng Mêsia sẽ đến như một con cừu đực vinh quang, với cặp sừng mạnh mẽ, sẽ quật ngã những kẻ thù của Thiên Chúa. Phải chăng chúng ta không còn có những chuồng chiên dịu dàng. Chúng ta bị chìm ngập trong tính thời sự khắp nơi. Bạo lực, đàn áp đủ loại. Mọi thời đại và thời đại của chúng ta cũng thế, niềm hy vọng giải phóng luôn chỗi dậy: NGÀY HÔM NAY. Khoa học tiến bộ kỹ thuật, những cuộc đấu tranh xã hội và chính trị được đẩy tới mức huyền thoại hóa những lãnh tụ đấu tranh thành những người cứu độ. Than ôi! Những cuộc cách mạng, khi đã hoàn thành thường chỉ là đổi chỗ những bất công và những sự chuyên chế áp bức. Và con người vẫn còn mãi đói khát một sự giải phóng, một sự cứu độ triệt để.

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Cơ cấu áp bức bên ngoài chỉ là sự biểu hiện một sức mạnh khác ở nội tâm: cái xấu, ác ở bên trong; trong tôi, trong bạn, trong họ. Tôi ở đây là danh từ dùng ở số ít, không phải là chuyện nhỏ mà phải hiểu là toàn thể! Đức Giêsu sẽ gánh lấy, và làm biến mất toàn thể tội lỗi của thế gian trong một cuộc chiến đấu đẫm máu, Người sẽ đổ hết máu mình làm vật hiến tế trước những tay đao phủ. Đức Giêsu, Cứu Chúa của chúng ta! Đấng cất bỏ tội lỗi. Ơ đây Thánh Gioan dùng một từ ngữ Hy Lạp có nghĩa kép mà thánh sử thích dùng cả hai: “airein”, vừa có nghĩa “gánh vác, lãnh nhận” vừa có nghĩa “cất đi, lấy đi làm biến mất” Đức Giêsu không phát triển công cuộc giải phóng bằng cuộc chiến đấu bên ngoài theo kiểu “đội đặc công” trả đũa áp bức bằng bạo lực; nhưng bằng cách lãnh nhận trên chính người, bằng cách chịu đựng trong sự liên đới với mọi người bị áp bức của thế giới.

Bạn hỡi! khi bạn hát đến những lời này trong thánh lễ, bạn hãy để cho những lời ấy làm bạn tỏa sáng, mà chớ dừng lại ở bề mặt các từ ngữ và cử chỉ. Đồng thời, nếu bạn làm một cử chỉ chúc bình an hãy nghĩ đến sự súc tích của cử chỉ ấy: Sự hòa giải chân thật, tình huynh đệ chân thật tình yêu thương chân thật với người đối diện. Mọi nỗ lực hiểu biết người khác không ở trong tầm tay của bạn, dù khi bạn luôn giơ tay mình ra. Đó là một ơn mà bạn phải nhận từ Thiên Chúa và mọi nỗ lực của bạn tuy cần thiết cũng không thể kiến tạo sự hiểu biết ấy. Bạn hãy mở bàn tay bạn ra. Bạn hãy nhận lấy Mình Chúa bi nộp vì bạn. Bạn hãy tiếp nhận Golgotha vào lòng bạn.

Chính Người là Đấng mà tôi đã nói tới khi bảo rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người. Nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel. tôi đến để làm phép rửa trong nước”.

Về mặt lịch sử và con người, Gioan Tẩy Giả đã được thụ thai và sinh ra trước Đức Giêsu. Nhưng phải vượt qua những vẻ bề ngoài, những sự hiển nhiên duy lý. Đức Giêsu đến từ nơi khác. Nếu Người có thể “cứu chúng ta một cách triệt để, bởi vì Người hơn một con người. Lấy lại sự suy niệm của lời tựa, Gioan nói lại với chúng ta sự có trước của Ngôi Lời. “Nhờ Người, vạn vật được tạo thành”, được Chúa Cha sinh ra từ thuở đời đời. Đức Giêsu thực hiện lại hành động Sáng Thế. Vũ trụ, bị tội lỗi làm hư hỏng, bị bao lực làm tổn thương, bị sự không có tình yêu làm cho nhiễm độc; sẽ được “tái tạo” toàn bộ, từ đầu đến cuối: Đó là “tuần lễ đầu tiên” của sự canh tân. “Tôi đã không biết Người” Gioan Tẩy Giả nói. Tuy nhiên đó là em họ của ông. Chúng ta không biết Đức Giêsu chừng nào chúng ta vẫn còn ở lại trên bình diện con người.

Ông Gioan còn làm chứng: tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuồng và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.

Đàng sau vẻ bề ngoài tầm thường của con người Nagiarét, Cả một mầu nhiệm được che giấu. Người được xức dầu, thánh hiến, được thấm nhuần. Thần Khí của Thiên Chúa xuống trên Người và ở lại trong Người! Sự hiện diện không ai biết. được che giấu. Tôi đã không biết Người. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận” (Ga 1,5-10). Đôi khi chúng ta thường nghĩ rằng mình biết Đức Giêsu, thật ra chúng ta không bao giờ hết chấm phá ra Người. Chúng ta phải hoàn toàn nhỏ bé, nghèo khó, hoàn toàn mở ra cho sự mạc khải.

Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.

Một vài thủ bản cho bản văn mà các nhà chú giải thấy đúng hơn và bản dịch tiếng Việt theo bản văn đó: “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” thay vì “Con Thiên Chúa”. Cách diễn tả này tương đương với “Người yêu dấu” “Con yêu dấu” “Con Một”; ám chỉ đến các bài thơ của Người Tôi Tớ mà chúng ta đọc hôm nay và Chúa nhật vừa qua trong bài đọc một (Is 42,1 – 49,5).

Bạn hỡi, vào lúc mà con yêu dấu bắt tay thực hiện một sự sáng thế mới, giải thoát mọi người khỏi tội lỗi đã bắt sự sáng thế đầu tiên phải hàng phục, lúc ấy bạn sẽ để cho mình được tái tạo. Phải chăng bạn sẽ chấp nhận Đức Kitô tái tạo bạn. Bạn sẽ chấp nhận phép rửa và sự nhúng chìm mình trong Chúa Thánh Thần, bạn sẽ để mình đổi mới từ bên trong; bạn sẽ để mình được nhân bản hóa đến cùng trong sự “tham dự vào bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Ngày nay, hai thanh niên gặp nhau đó là Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu. Một thế giới mới bắt đầu; một thế giới của tình yêu thương.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – A

ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA – Chú giải của Fiches Dominicales

Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa.

Trong một bối cảnh thù nghịch cuộc vận động của các thầy cả, thầy lêvi yêu cầu Gioan tự xác định vai trò trong cuộc chờ đợi Đấng Cứu Thế: “ông là ai”. Gioan Tẩy Giả đã trả lời trước hết bằng ba phủ định: ông không phải là Đấng Cứu Thế, không phải là Êlia, cũng không là một đại tiên tri. Rồi ông tuyên bố. “ở giữa anh”, “một người mà anh em không biết; chính Ngài đến sau tôi nhưng tôi không xứng đáng cởi dây giày cho người” (l,2-27).

Bây giờ, Gioan Phúc âm xác định là ngày hôm sau, đối diện với các môn đệ, sau khi nhóm người điều tra bỏ đi.

+ Gioan Tẩy Giả thấy Chúa Giêsu “tiến về phía Ngài”. Không phải là để xin rửa tội như ta tự nhiên nghĩ tới vì phép rửa đã xảy ra, nhưng để làm ứng nghiệm lời sấm của Isaia 40,10 “Chúa đến”.

+ Cũng trong chiều hướng làm ứng nghiệm lời tiên tri Isaia 40,2 đã loan báo cho Israel biết rằng “tội lỗi họ đã được tha thứ”, Gioan tuyên bố: “Đây là hiểu ngầm một lời mời hãy nhận xem chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội tràn gian. Một nhận dạng mà ta sẽ gặp lại ở chương 1,36.

Sự đối chiếu với Chiên Thiên Chúa có thể có 3 nền tảng trong Cựu ước. Hoặc con chiên của Israel 53,7: “Như con chiên bị đưa đến lò bát tế, như cừu đến trước mặt kẻ xén lông… Trong trường hợp này, thánh sử Gioan đã thấy nơi Đức Giêsu khuôn mặt của Người Tôi Tớ đau khổ gánh lấy tội lỗi thế giới. Nhưng cũng nên biết rằng cùng một từ ngữ Aram ấy có thể có 3 nghĩa: “trẻ em”, “tôi tớ” hoặc “con chiên”. Hoặc con chiên bị sát tế và đứng trong sách Khải Huyền, có thể thắng vượt tội lỗi và sự chết, là Đức Kitô phục sinh (Kh 5,6; 14,10; l.7,14). Hoặc con chiên vượt qua. Thực vậy, theo Gioan 19,14, Đức Giêsu bị kết án vào giờ mà các thầy cả bắt đầu sát tế chiên để mừng lễ Vượt qua. A. Marchadour nhận định: “Một tước hiệu như thế có thể có 3 ý nghĩa. Một độc giả không am hiểu bối cảnh Kinh Thánh của từ ngữ sẽ ghi nhận rằng có 2 so sánh vay mượn. Ở thế gian động vât: con chiên Thiên Chúa và chim bồ câu từ trời xuống. Hai hình ảnh của sự bất bạo động này rất thích hợp với bản chất của Đức Giêsu và với công cuộc nối kết với thế giới của Thiên Chúa”. Và làm chứng: “Chính Ngài là Con Thiên Chúa”. Rồi, khi gợi lại phép rửa ở sông Giođan, Gioan Baotixita, người đã loan báo trước về Đấng Messia mà không biết (“Tôi không biết Ngài câu 31 và 33), đã làm chứng: “người đã thấy Ngài quả quyết 2 lần như vậy (câu 32 và 34): “Mọi người sẽ nhìn thấy vinh quang của Chúa và ơn cứu độ Nơi Đức Giêsu, trên Ngài Gioan đã nhìn thấy “Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống từ trời và đậu lại”, Thiên Chúa đã mạc khải cho ông biết đó là Con Thiên Chúa…X lon Dufour nhận xét: “Sự chứng nhận này hiển nhiên phù hợp với lời tuyên bố của Thiên Chúa khi Đức Giêsu chịu phép rữa: Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người (Mt 3,17). Nhưng đây không phải là tiếng nói từ trời cao. Đó là tiếng nói của người phàm, Gioan Tiền hô đã nói.

Trong tước hiệu “Con Thiên Chúa” độc giả Kitô hữu tìm ra ý nghĩa vượt quá lời tuyên xưng về Đấng Messia, tước hiệu ấy nối kết với tước hiệu “Con duy nhất” đã được nhấn mạnh ở phần nhập đề. Đó chính là ý nghĩa mà bản văn này nhẩm tới, vì Phúc âm đã viết “để anh em tin rằng Đức Giêsu, Đấng Messia là con Thiên Chúa (20,31).

BÀI ĐỌC THÊM:

1/. Dấu chỉ đến từ Thiên Chúa. (Mgr. L. Daloz, “Nous avons vu ta gloire”, DDB).

Nơi ngọn nguồn của việc tỏ mình ra của Đức Giêsu, chứng từ của Chúa Cha: “Đấng mà trên Người ngươi sẽ thấy. Thần Linh xuống và ở lại, chính người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần”. Ta chỉ nhận biết Đức Giêsu sau lời mạc khải của Chúa Cha. Đức Giêsu thường nhắc lại: “Ai nghe lời Cha và đón nhận thì đến với Ta” (6,45). Và chính Thánh Thần do Chúa Cha sai đến đã chỉ cho Gioan Tẩy Giả biết Đức Giêsu. Nhờ ông, ta đi vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ta chỉ nhận biết Đức Giêsu khi Thánh Thần Thiên Chúa đến mở mắt và chỉ cho ta thấy. Nếu không có Thánh Thần, không có lời chứng của các chứng nhân, ta sẽ không nhận biết Người. Người đâu phải là đối tượng của khoa học nhân văn mà ta có thể nhận dạng nhờ việc nghiên cứu và suy gẫm. Người là ngôi vị Con Thiên Chúa mà ta chỉ nhận biết được khi chính Thiên Chúa tỏ ra cho ta. Người là đối tượng của một chứng từ, không ai có thể nhận biết Người nếu họ không có trái tim rộng mở đón nhạn những dấu chỉ của Chúa Thánh Thần.

2/. Con đường của Con Chiên. (H. Denis, 100 mots pour dire la foi. DDB).

Hằng bao lần ta đã chẳng đọc và nghe: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian sao? Thư thánh Phêrô sử dụng một đề tài Kinh Thánh cổ xưa như chuyện phiêu lưu của Môsê bên Ai Cập, tôi muốn cùng các bạn đi lại con đường của Con Chiên Thiên Chúa, Người đi từ sự báo oán giải phóng đến sự bất bạo động hoà bình.

Con đường ấy khởi đi từ một lịch sử đẫm máu. Dân Thiên Chúa được cứu khỏi Ai Cập nhờ máu Con Chiên. Con Chiên sẽ trở nên biểu tượng của công cuộc giải phóng Israel. Vì, ta đừng quên điều này, cuộc gặp gỡ của Môsê ở bụi gai cháy đỏ không, phải là một câu chuyện thần bí phóng đại hoặc truyện trẻ em ham thấy Chúa Mẹ hiện ra. Không, Môsê đã giết ngọt một tên Ai-cập đáng ngờ và Thiên Chúa của ông, dù chưa rõ tên Ngài, đã hứa nghe thấy dân Ngài đang bị nô lệ kêu xin. Như thế Con Chiên thuộc về phía cánh tay báo oán của Thiên Chúa, cùng với tất cả sức mạnh của Người. Nhưng chẳng bao lâu, đặc biệt với các ngôn sứ (Is 53, Gr 11…) Con Chiên này sẽ trở nên kiểu mẫu của những ai chết cho dân Người, như con cừu câm rùn bị dẫn tới lò sát sinh…

Thiên Chúa rời bỏ ngai Đấng toàn Năng. Ta nói rằng Người đứng về phía Con Chiên chịu đau khổ. Như thể thời gian dần dần chín mùi để đón nhận một Đức Giêsu nào đó, được Gioan tuyên xưng là Đấng xoá tội trần gian, còn thư Phêrô thì nhận là Con Chiên không khiếm khuyết, không tì vết, giải thoát ta khỏi cuộc sống không mục đích như là chiên vất vưởng lầm lạc. Nhưng sự đảo ngược hình ảnh chưa hoàn toàn. Cuộc giải phóng bằng việc báo oán của Thiên Chúa chưa chuyển hoá thành lễ dâng của một vát hy sinh tự nguyện và tự hạ. Thật vậy, Con Chiên phải mặc lấy những màu sắc và những hình thức của Sự Sống thực sự và của Vương triều thiên quốc. Đó chính là Con Chiên của sách Khải Huyền, hiện diện trong biết bao trang sách khi thời gian viên mãn. Điều đó nhắc tôi nhớ tới một bức bích hoạ rất đẹp và rất cổ xưa ở vùng ngoại ô Lyon, trong đó ta thấy Đức Kitô vinh hiển dưới hình Con Chiên mặt người. Đó là cuộc khải hoàn của niềm bình an, sức mạnh của sự bất bao động của Thiên Chúa. Vâng, chỉ Con Chiên mới có thể ban sự Bình An của lễ Phục Sinh, niềm bình an được hứa ban cho thế giới đã được giải phóng. Xin ban bình an cho chúng con.

home Mục lục Lưu trữ