Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 106
Tổng truy cập: 1349885
CHIẾU TỎ ĐỨC TIN VÀ TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA
CHIẾU TỎ ĐỨC TIN
VÀ TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA
Biến cố Chúa Giáng sinh là biến cố trọng đại cho vũ trụ, cho muôn dân muôn nước. Thiên Chúa đã cho các mục đồng chứng kiến biến cố này. Đồng thời Ngài cũng cho lương dân mà đại diện là ba nhà đạo sĩ như những tâm hồn chân thành tìm kiếm Thiên Chúa được chứng kiến tận mắt biến cố lớn lao này.
Lễ Hiển Linh được gọi là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Thiên Chúa không chỉ tỏ mình ra cho riêng dân tộc Do Thái mà còn cho muôn dân khác nữa. Bởi đó, mọi người trong chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa để làm bừng sáng lên ánh sáng đã xuất hiện từ Phương Đông. Chúng ta phải là ánh sao dẫn đường cho mọi người đến với Chúa. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, tiên tri Isaia đã mở ra cả một viễn tượng lớn lao: đó là ngày và thời vinh quang của Thiên Chúa chiếu trên Dân Chúa và biến Dân Chúa thành điểm thu phục muôn dân. Mọi người từ mọi phương hướng sẽ cùng qui về một mối trong tiếng ngợi ca Thiên Chúa. (x Is 60, 1 - 6)
Nội dung của lòng tin tưởng này đã được Thánh Matthêu diễn tả một cách sống động qua câu chuyện về ba nhà đạo sĩ đi tìm gặp Đức Giêsu mới sinh tại Bêlem. Xưa chúng ta quen gọi đây là ba vua, do đó lễ Hiển Linh này cũng gọi là lễ Ba Vua. Nhưng điều mà đoạn Tin Mừng ở đây muốn nhấn mạnh đến là các đạo sĩ. Họ là những người ở ngoài Dân riêng của Chúa, không thuộc dân Do Thái nhưng họ đã tìm đến và được lãnh nhận ơn cứu độ. Có thể nói, đoạn Tin Mừng này đã diễn tả tất cả tấn bi kịch của công cuộc cứu chuộc đới với Dân riêng của Chúa và đồng thời cũng nói lên tấm lòng đại đội của Thiên Chúa: Hêrôđê tượng trưng cho quyền lực, một thứ quyền lực xảo quyệt chỉ biết khư khư giữ lấy ngai vàng của mình như một lẽ sống. Còn dân thành Giêrusalem đáng lý ra phải vui mừng khi hay tin "Vua người Do Thái mới sinh", Đấng họ trông chờ như Vị Cứu Tinh, thì trái lại, họ đã hoảng hốt cùng với Hêrôđê người cai trị trên họ. Dường như họ ngại phải dấn mình vào một sự đổi thay, dù họ tin rằng sự đổi thay đó đem lại sự giải thoát cho họ. Còn những Tư Tế và những nhà thông luật, biết rõ nơi Vị Cứu Tinh ra đời, nhưng chẳng ai màng đến với Ngài. Để rồi cuối cùng, chỉ có những người bị liệt vào hàng "dân ngoại" lại hăm hở đến với "Vua người Do Thái", cũng là Vị Cứu Tinh của nhân loại.
Lễ Hiễn Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra. Chúng ta biết được qua bài Tin mừng, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho muôn dân. Thánh Gioan viết: "Thiên Chúa nào có ai thấy Ngài bao giờ, và làm sao thấy Ngài được? Nhưng người Con duy nhất của Ngài đã làm người, và cho ta thấy được Thiên Chúa mang bản tính con người, làm người như chúng ta và ở giữa chúng ta" (Ga 1, 18; 6, 46). Từ khi Ngôi Lời nhập thể, ai tin nhận Đức Kitô là tin nhận Thiên Chúa, ai từ khước Đức Kitô là từ khước Thiên Chúa.
Vấn đề được nêu lên hôm nay, là ai làm cho người ta biết Đức Kitô, nếu không phải là mỗi người chúng ta? Tuy nhiên, chúng ta đã biết Đức Kitô đến mức độ nào? Nhất định là chúng ta chỉ biết Ngài với một mức độ thật giới hạn. Còn nếu chứng minh bằng chính đời sống, để nói được với bất cứ ai, như Thánh Phaolô đã nói: "Xin ông bà, anh chị, hãy bắt chước tôi, như tôi đã sống noi gương Đức Kitô", thì lắm kẻ không dám nói, và không được phép nói. Bởi vì cuộc sống hiện tại của họ, mọi người đều biết nó như thế nào rồi! Nói cách khác, bản thân tôi chưa gặp được Thiên Chúa, mặc dù miệng tôi luôn nói: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Thiên Chúa ở trong tôi, Thiên Chúa ở trong mọi người. Nhưng thực sự, tôi không thấy Thiên Chúa nơi ai cả, ít là trong những cử chỉ tôi đối với những người chung quanh đã nói lên rõ rệt như vậy. Và cũng thế, chưa ai thấy Thiên Chúa ở nơi tôi cả vì chính cuộc sống của tôi đã nói lên rõ ràng như vậy.
Thật vậy, còn có biết bao người đang sống trong tăm tối thiêng liêng; họ đang bước đi trong lầm lạc; họ đang khao khát chân lý; họ không ngừng đặt vấn nạn với chúng ta: "Đức Vua Dân Do Thái sinh ra ở đâu?". Thế nên, chúng ta có trách nhiệm trả lời cho họ. Trả lời một Đức Kitô sống động qua con người của chúng ta, qua cách sống của mình. Không có con đường nào khác đưa người ta trở về hoặc khám phá ra Chúa Kitô ngoài cách sống đức tin của mình, lòng quảng đại, sự tha thứ, tinh thần quan tâm, chia sẻ trong tình yêu thương của Chúa Kitô. Chính tình yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất nhưng lại mãnh liệt nhất để đưa con người đến với nguồn chân lý.
Khi người Kitô hữu chỉ đóng khung đời sống đạo của mình trong nhà thờ, giữa những nghi lễ, mà không nhận ra những nhu cầu, những đòi hỏi của xã hội chung quanh; khi một cộng đoàn Kitô hữu quá bám víu vào những thứ gọi là quyền lợi tôn giáo của mình mà làm ngơ trước những đau khổ, bất hạnh của kẻ khác thì chính họ đang làm dập tắt những ánh sáng dẫn đường tới Chúa Kitô.
Thiên Chúa là Thiên Chúa tình thương, hy sinh Con một cho nhân loại phản bội. Thiên Chúa là Đức Kitô dám chết cho kẻ mình yêu tuy chúng ta không đáng yêu. Trong xã hội chúng ta, ngay giữa chúng ta, có nhiều mẫu người hy sinh, quên mình, lo cho người đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, trong các bệnh viện, đặc biệt ở những trại cùi. Có nhiều người đang âm thầm vào các bệnh viện, tìm thăm những bệnh nhân không gia đình thăm viếng, chăm sóc. Những con người đó đang sống đức tin của mình cách công khai, họ chính là những nhân chứng đích thực của Chúa Kitô.
Xin Chúa ban cho có nhiều tông đồ, nhân chứng của tình yêu Chúa với những việc làm cụ thể như thế để tạo được sự Hiển Linh, làm cho mọi người được thấy Thiên Chúa tình thương.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con dám sống quảng đại, vị tha, quan tâm giúp đỡ đến nhu cầu của tha nhân. Xin cho chúng con trở nên những ánh sao chiếu toả đức tin, tình thương, lòng nhân hậu của Chúa cho mọi người. Amen.
29.Hiển Linh
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)
Lễ Hiển Linh ngày xưa thường được gọi là lễ Ba Vua. Tin Mừng hôm nay cho thấy các đạo sĩ đi tìm để dâng lễ vật lên vua người Do Thái. Các đạo sĩ là những người có học, họ đại diện cho những người luôn quan sát thiên nhiên và truy tìm chân lý. Họ đã không quản ngại đường xa để tìm đến với Sự Thật.
Nhận biết Thiên Chúa nhập thể là một ân sủng
Các mục đồng được Thiên Chúa cho biết về Đấng Cứu Thế, Đấng là qùa tặng của Thiên Chúa cho tất cả loài người, qua các thiên thần. Còn những người học thức, được Thiên Chúa cho biết về Đấng Vua đặc biệt của người Do Thái qua ánh sao, qua những dấu chỉ tự nhiên. Các mục đồng đơn sơ được gặp Đức Giêsu cách dễ dàng và giản dị, còn ba nhà đạo sĩ uyên thâm đã phải trải qua khoảng đường dài, những cuộc truy tìm qua những trung gian, chẳng hạn với vua Hêrôđê, mới có thể gặp được Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Tất cả đều nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nhờ sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa để các vị đạo sĩ có thể tìm được và nhận ra vị Vua đặc biệt nhưng bình thường này. Vì làm sao chỉ với ánh sao, các vị đạo sĩ có thể biết đâu là em bé giữa bao nhiêu em bé ở Bêlem? Vua Hêrôđê không thể nhận ra đâu là vị vua đặc biệt này, nên đã giết tất cả các em bé, còn các vị đạo sĩ làm sao nhận ra được “chính là Ngài”? Dù là người đơn sơ hay người có học, nhận ra được Thiên Chúa, đều là ân sủng.
Đón nhận con người, là đón nhận Thiên Chúa
Người làng Bêlem không đón nhận Đức Mẹ, thánh Yuse, là không đón nhận Thiên Chúa. Vua Hêrođê không đón nhận hài nhi “vua người Do Thái”, là không đón nhận Thiên Chúa. Dân chúng và những người lãnh đạo dân tìm cách giết Đức Giêsu, là họ giết Thiên Chúa.
Dân Do Thái không biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể nên đã giết Ngài. Người Bêlem không biết hài nhi trong dạ người phụ nữ trẻ đói nghèo là Thiên Chúa nhập thể, nên đã từ khước cho các ngài một chỗ trú chân. Người làng Nazarét không biết em bé Giêsu là Thiên Chúa làm người, nên không nhận ra ân sủng mà họ đang được hưởng: sống gần bên Thiên Chúa nhập thể. Không biết, nên không đón nhận. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người về điều này, ngay cả với những người giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Lc.23, 34).
Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho con người, nhưng những mục đồng thì nhận biết còn người giầu làng Bêlem thì không nhận biết, các đạo sĩ nhận biết nhưng Hêrôđê và những người thông luật ở Yêrusalem không nhận biết, ông già Simêon nhận biết nhưng tư tế dâng tiến Ngài cho Thiên Chúa thì không nhận biết Ngài. Xin cho chúng ta có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn để nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện với chúng ta trong từng giây phút của cuộc đời.
Mầu nhiệm dấu kín nay được tỏ lộ
Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, mọi tầng lớp dù vô học hay trí thức. Ba nhà đạo sĩ là những người có học, quan sát thiên nhiên để truy tìm chân lý, và Thiên Chúa đã tỏ lộ cho họ qua thiên nhiên. Vì thế rất có lý để tin rằng những người nghiên cứu khoa học xã hội hay tự nhiên đều có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua công việc của họ.
Thiên Chúa dùng mọi cách để đến với con người. Có thể là ánh sao, có thể là lời thỉnh vấn, có thể là dấu chỉ đơn sơ đối với người tin chất phác như “hài nhi vấn tã nằm trong máng cỏ” (Lc.2, 12). Trong mọi trường hợp, đều cần tấm lòng đơn sơ, dù là người chất phác vô học hay người trí thức. Một người ít học hay có học, nhưng không có lòng sẵn sàng đón nhận chân lý thì không thể gặp gỡ Thiên Chúa được, cụ thể như người làng Bêlem hay các luật sĩ ở Yêrusalem.
Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể. Đây là mầu nhiệm vô cùng lớn, được ẩn dấu từ muôn thuở nay tỏ lộ cho con người. Làm sao Thiên Chúa lại có thể thành người? Làm sao Đấng vô hạn lại có thể thành con người “hữu hạn”? Làm sao Thiên Chúa duy nhất lại có thể là ba? Người Hy-Lạp không thể chấp nhận điều này, vì không hợp lý. Người Do Thái không thể chấp nhận Đấng Thiên Sai có thể bị giết trên thập giá. Kitô-hữu là người “không logic” theo một nghĩa nào đó, vì đã chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, đã tin Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi Vị.
Xin cho con người vâng phục Thánh Thần, để có thể đón nhận mặc khải của Thiên Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Theo bạn, người ít học và người học cao hiểu rộng, ai dễ tin Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể hơn? Tại sao?
2. Làm sao con người biết rằng Thiên Chúa yêu thương con người?
3. Thiên Chúa có yêu thương những người ngoại không? Tại sao?
30.Thiên Chúa tỏ mình
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)
Ngày xưa người ta quen gọi lễ Hiển Linh là lễ Ba Vua, sở dĩ vậy vì trong Tin Mừng đọc trong Thánh Lễ hôm nay, ba nhà đạo sĩ tìm kiếm để bái yết hài nhi Giêsu. Ba nhà đạo sĩ là những người trổi trang về kiến thức uyên bác; họ có thể đọc dấu chỉ thiên nhiên để nhận ra sự xuất hiện của những người đặc biệt. Từ ngữ “vua” được dùng trong “ba vua” là để chỉ người trổi trang hơn người khác về phương diện nào đó.
Qua biến cố mục đồng tới viếng hài nhi, người ta nhận ra Thiên Chúa đã tỏ mình cho những người Do Thái nghèo nhưng có tâm hồn mở rộng sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa. Với biến cố ba nhà đạo sĩ đi viếng hài nhi, Giáo Hội nhận ra Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.
Người Do Thái cho rằng họ là dân được tuyển chọn, còn các dân tộc khác là dân ngoại. Với biến cố Đức Giêsu và việc các dân tộc khác đón nhận Tin Mừng, người ta nhận ra rằng tất cả mọi dân tộc đều thuộc về Thiên Chúa, tất cả các dân tộc đều được Thiên Chúa yêu thương như dân tộc Do Thái. Hôm nay với trình thuật các đạo sĩ tìm kiếm và bái lạy Đức Giêsu, Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa cũng mặc khải cho dân ngoại. Thiên Chúa yêu thương dân ngoại như Ngài đã từng yêu thương dân tộc Do Thái. Mọi dân tộc đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc, mọi con người, chứ không phải chỉ riêng dân tộc Do Thái.
Kitô hữu phải là người cảm nghiệm sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, và đặc biệt cho chính mình. Kitô hữu cũng phải là người sống bình an và hạnh phúc, vì ý thức mình là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương. Ngài tha thứ mọi lỗi lầm, và không chỉ vậy, còn mời gọi mọi người vào chia sẻ sự sống vĩnh cửu hạnh phúc với Thiên Chúa. Một khi phần nào cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và bình an hạnh phúc, Kitô hữu thấy mình phải chia sẻ niềm vui này, tin mừng này cho những người anh em của mình chưa biết Đức Giêsu, ngõ hầu họ cũng có niềm vui này. Bản chất Kitô hữu là rao giảng Tin Mừng, làm cho muôn dân được nghe, hiểu và sống đáp trả tình yêu Thiên Chúa.
Ngày nay nhiều người “dị ứng” với từ ngữ truyền giáo, vì từ ngữ này gợi lên nơi người ta ấn tượng rao giảng để kéo người khác bỏ đạo của họ để theo Kitô giáo. Nếu có ý hướng như vậy, người ta mang nặng tính phe phái và giành giựt nhiều hơn là chia sẻ tin mừng. Một Kitô hữu đúng nghĩa phải là người muốn chia sẻ tin mừng với người khác, vì mình nghĩ rằng biết Đức Giêsu là điều rất tốt và ích lợi cho mọi người. Tuy nhiên, Kitô hữu phải là người luôn tôn trọng người khác, tôn trọng tự do và tín ngưỡng của tha nhân; nếu ai đó đón nhận Tin Mừng, thì đó là vì chính họ thấy sự thật, họ cũng được bình an và hạnh phúc hơn khi trở thành Kitô hữu.
Khi một Kitô hữu muốn rao giảng tin mừng, họ phải tự vấn chính mình: “niềm tin vào Đức Giêsu mang gì lại cho tôi? Tin vào Đức Giêsu, có làm cho tôi sống bình an và hạnh phúc hơn không? Nếu tin vào Đức Giêsu Phục Sinh không giúp gì cho tôi, thì tại sao tôi lại muốn làm cho người khác trở thành Kitô hữu như tôi?” Lời mời gọi rao giảng tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh đòi Kitô hữu phải xét lại niềm tin của mình, lối sống của mình. Nếu đời sống của tôi không là đời sống toát lên nét tươi vui của một người hạnh phúc, thì làm sao tôi có thể rao giảng tin mừng được! Nếu tôi sống u buồn thất vọng, tôi là phản chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Tôi phải sống sao, để đời sống của tôi không trở thành phản chứng.
Kitô hữu là người có Chúa Kitô nơi mình, là người bạn của Đức Giêsu Kitô, là người muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Cách sống của Đức Giêsu Kitô phải là cách sống của mỗi Kitô hữu. Kitô hữu phải là người có cùng chọn lựa với Đức Giêsu Kitô, phải biết yêu thương con người hôm nay như chính Đức Giêsu đã yêu, phải là người yêu đến cùng anh em mình, người thân mình, những người mình gặp gỡ, và thậm chí cả những kẻ không ưa và ghét mình. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài, Kitô hữu cũng phải tha thứ cho những người làm hại họ.
Kitô hữu phải là người trung thành như Thiên Chúa là Đấng Thành Tín. Thiên Chúa không bao giờ phản bội, và Kitô hữu cũng không bao giờ được phản bội ai. Không làm hại ai. Chỉ muốn điều tốt cho tha nhân, chỉ tìm lợi ích cho người khác chứ không làm hại họ, đó phải là cách sống của Kitô hữu. Có được như vậy, nhiều người sẽ ngạc nhiên và sẽ tìm hiểu niềm tin của Kitô hữu; để rồi nếu họ muốn họ có thể chia sẻ niềm tin Kitô hữu, để họ cũng được bình an và hạnh phúc như những Kitô hữu. Kitô hữu phải là men trong bột, phải là ánh sáng cho thế gian. Kitô hữu tuy có cùng nỗi bận tâm và gian nan như bất cứ con người nào sống trên đời, nhưng ánh sáng đức tin đã soi sáng cho họ, giúp họ tuy sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có muốn người khác có cùng niềm tin với bạn không? Tại sao?
2. Nếu không tin vào Đức Giêsu, bạn có được như hiện tại không? Tại sao?
3. Phải rao giảng thế nào để con người ngày nay dễ đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu Kitô?
31.Đi tìm Chúa hôm nay
(Suy niệm của Lm. Damien OFM.)
Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đấng Messia không còn là của riêng người Do thái nữa, nhưng Ngài tỏ mình ra cho mọi dân tộc.
Ngôi sao dẫn đường.
Do thái thuộc đông phương; và theo văn hóa và khoa chiêm tinh của người đông phương thì mỗi vị vua sinh ra đêù có một ngôi sao chiếu mệnh. Ba nhà đạo sĩ có lẽ là những nhà chiêm tinh học, nên đã nhận ra ngôi sao chiếu mệnh của vua người Do thái mới sinh ra.
Ngôi sao chiếu mệnh nầy không như những ngôi sao chiếu mệnh của các vị vua khác, vì nó còn là ngôi sao đi trước ba nhà đạo sĩ, dẫn đường cho họ đến với Chúa. Thiên Chúa đã dùng các thiên thần để báo cho các mục đồng biết Chúa đã đến trong thế gian. Nay Thiên Chúa dùng một tinh thể làm dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa Giêsu và dẫn ba nhà đạo sĩ đến với Chúa. Xưa trong sa mạc, Thiên Chúa cũng đã dùng cột mây và cột lửa để nói với dân về sự hiện diện của người giữa dân. Thiên Chúa có thể dùng thiên thần, con người(các mục đồng) hay một vật(ngôi sao) để làm dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa.
Ngày nay, ai là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta đến với Chúa? Ngôi sao đó trước hết la Giáo Hội(“chúng con là ánh sáng thế gian”), là một vị thánh, là một linh mục, là một kitô hữu gương mẫu…Và ngôi sao soi sáng và dẫn đường cách đặc biệt là Phúc Âm.
Với lời dạy của Chúa Giêsu: “Chúng con là ánh sáng thế gian… ngọn đèn phải để trên đế, để soi sáng cho mọi người trong nhà”, mỗi người kitô hữu phải là một ngọn đèn, nghĩa là một ngôi sao dẫn đường cho kẻ khác. Cha mẹ là ngôi sao dẫn đường cho con cái, những người có trách nhiệm phải là ngôi sao dẫn đường cho những người mình chịu trách nhiệm; linh mục tu sĩ phải là ngôi sao dẫn đường cho dân Chúa; và mỗi người kitô hữu phải là ngôi sao dẫn đường cho những ai chưa biết Chúa.
Tính phổ quát của vì Vua mới.
Sự hiện diện của các mục đồng, của ngôi sao và của ba nhà đạo sĩ nói lên rằng: Đấng Messia mới sinh ra không còn là của riêng của những kẻ tử tế, Biệt Phái và Kinh sư nữa, nhưng trước hết Ngài là của những kẻ thấp hèn tội lỗi hay bị khinh chê, như các mục đồng, vì họ là những người đầu tiên được vinh dự đến với Chúa. Ngài không còn là của riêng của dân Do thái mà thôi, nhưng còn là vua của những kẻ ngoại giáo, xa xôi mà ba nhà đạo sĩ là ba đại diện; sự hiện diện của ngôi sao cũng nói lên rằng, Ngài còn là vua của cả vũ trụ nữa. Ngôi sao cũng phải phục vụ Chúa.
Vua Herôđê bối rối
“Nghe nói thế,vua Herôđê bối rối, và tất cả Giêru- salem cùng với nhà vua”: Chúa sinh ra, các thiên thần ca hát, các mục đồng vui mừng, ba nhà đạo sĩ từ phương đông xa xôi đến thờ lạy, còn vua Herôđê và cả Giêrusalem thì bối rối. Hêrôđê bối rối lo lắng vì sợ mất ngôi vua của mình. Các giáo trưởng và luật sĩ bối rối vì vị vua nầy đến mà không thông báo gì cho họ lại tỏ mình ra cho dân ngoại. Họ thấy chỗ đứng của mình bị lung lay. Thế là họ tìm cách tiêu diệt Ngài.
Họ không hiểu rằng vị vua nầy đâu có thèm gì ngôi báu một khi đã chấp nhận sinh ra trong chuồng bò. Họ không hiểu rằng vị vua nầy, đâu phải để cai trị nhưng để cứu vớt.
Ngày nay cũng thế, người kitô hữu phải hiểu rằng Thiên Chúa không phải là của riêng người công giáo mà là Thiên Chuá của mọi người, và Giáo Hội không chỉ là của riêng người có đạo mà là Giáo Hội của mọi dân tộc, của kẻ lành cũng như người bất lương. Vì Con Thiên Chúa đến để cứu vớt chứ không phải để lên án hay cai trị. Chúa sinh ra trong ngheo khó và sau nầy bị khinh chê và bắt bớ. Nên phải bỏ đi cái mơ ước hảo huyền một Giáo Hội giàu sang và quyền thế trước mặt người đời. Phải bỏ đi cái quan niệm một thứ đạo phô trương. Đừng lặp lại cái lỗi lầm của người Do thái, mơ ước một vị vua quyền thế và cao sang. Nếu không thì Chúa sẽ làm cho chúng ta thất vọng vì ngài không hề đáp ứng những mơ ước hảo huyền của ta. Và rồi chúng ta cũng sẽ bối rối như Herôđê, các Biệt Phái và kinh sư xưa trước sự hiện diện khiêm tốn của Chúa.
Đi tìm Chúa hôm nay.
Chúng ta đã thấy, một những ngôi sao dẫn đường cho chúng ta hôm nay đến với Chúa là Lời Chúa.Chính nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa mà chúng ta nhận ra Chúa trong cuộc sống. Phúc Âm sẽ vẽ lên cho chúng ta gương mặt đích thực của Chúa Kitô chứ không phải khuôn mặt theo những mơ ước trần tục của chúng ta. Phúc Am sẽ là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta đến với Chúa Giêsu.
Vị vua thứ tư.
Chuyện kể rằng, khi Ba vua Gaspar, Melchior, Balthazar và đoàn tùy tùng vừa đi khỏi làng Bêlem, thì vị vua thứ tư hớt ha hớt hải chạy đến. Ông cũng đã thấy ngôi sao, ông dắt vào lưng ba viên ngọc quí, gia sản quí nhất của ông và vội vã lên đường cho kịp Nhưng ông đến trễ, ba vua kia đã về mất rồi!…Ông đến trễ và nhất là đến với hai bàn tay không… ông không còn các viên ngọc quí nào nữa…
Ông từ từ nhẹ tay mở cửa chuồng bò, nơi có Con Thiên Chúa, Mẹ người và người cha nuôi của Người. Trời tối, Giuse đang trở mớ rơm để qua đêm, bé Giêsu nằm trên tay Mẹ.
Rón rén, vị vua thứ tư tiến lại gần, phục mình dưới chân bé Giêsu và Mẹ Người và bắt đầu nói qua giòng nước mắt:
- Lạy Chúa, con đến để dâng lên ngài lễ vật như ba vị vừa rồi, dâng cho Chúa ba viên ngọc to như trứng bồ câu, ba viên ngọc thứ thiệt. Nhưng giờ đây không còn nữa…Con thấy ba vị kia đi trước con trên lưng lạc đà, con định tiến lên đi với họ. Nhưng rồi rượu ngọn, tiếng chim họa mi hót làm con say mê. Đêm đó con ở lại trong một quán trọ. Khi con bước vào, con thấy một cụ già lên cơn sốt rét, nằm co quắp bên lò sưởi. Không ai biết ông ta là ai. Túi tiền ông rổng tuếch. Ông không có tiền trả tiền thuốc và những thứ cần thiết. Ngày mai, ông sẽ bị đuổi ra ngoài. Lạy Chúa, đó là một cụ già, rất già, nước da sậm và có bộ râu trắng. Ông làm con nhớ đến cha con. Lạy Chúa, xin tha cho con, con lấy một viên ngọc trong túi và đưa cho chủ quán để ông lo tìm thầy chạy thuốc và nếu ông ấy chết, thì có một cỗ quan tài che xác ông.
Ngày hôm sau, con ra đi, dục con lừa của con chạy cho kịp ba vị kia vì lạc đà họ đi chậm. Con đường con đi qua vắng vẻ, có nhiều bụi rậm. Bổng con nghe tiếng kêu cứu từ một bụi rậm. Con nhảy xuống lừa và thấy mấy chú lính đang bắt nạt một thiếu phụ trẻ. Họ đông quá, con thấy mình không đủ sức đọ lại với họ. Hơn nữa con đã già rồi. Lạy Chúa, xin tha cho con lần nầy nữa. Con đưa tay vào túi lấy một viên ngọc thứ hai và chuộc lại người thiếu phụ. Cô ta hôn tay con rồi chạy như bay vào miền núi như một con sóc.
Giờ đây chỉ còn lại có một viên nữa thôi, nhưng con nghĩ, có còn hơn không. Lúc đó đã quá trưa, và con nghĩ mình có thể đến Bêlem trước lúc trời tối. Nhưng kìa lính Hêrôđê đang hung hăng đốt cháy một làng gần Bêlem. Con chạy tới và và hỏi thăm thì con biết lính tráng đang thi hành lênh của vua: giết tất cả các con trẻ từ hai tuổi trở xuống. Ngoài một căn nhà đốt cháy, một tên lính to khỏe, đang nắm trong tay một em bé trần truồng, đưa đi đưa lại. Đứa bé hết sức dãy dụa và khóc thét lên vì sợ. Người mẹ thì đang quì lạy và khóc ngất. Anh lính nói với mẹ nó ”Bây giờ tao sẽ cho nó vào lửa và nó sẽ cháy như một con heo sữa quay!” Mẹ nó la lên thảm thiết…
Lạy Chúa, xin tha cho con! Không chịu nổi, con lấy viên ngọc cuối cùng trao cho tên lính để nó trao em bé cho mẹ nó. Mẹ nó ôm chặt lấy con, áp cứng vào lòng, không một tiếng cám ơn, chạy trốn như một con chó tìm được miếng xương. Lạy Chúa thế là con đến đây với hai bàn tay không. Xin Chúa tha cho con, xin tha cho con…
Nói xong ông sấp mặt sát đất hồi lâu. Thinh lặng bao trùm chuồng bò. Rồi ông ngước đầu lên, thấy Giuse đã trở rơm xong, Chuá vẫn nằm trong tay Đức Mẹ. Từ từ, Chúa quay về phía ông, gương mặt Ngài rạng rỡ. Chúa chìa đôi tay tí hon cho đôi tay trống không của vị vua thứ tư, bé Giêsu và Mẹ đều mỉm cười…
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam