Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 46
Tổng truy cập: 1364009
CHÍN NGƯỜI KIA ĐÂU?
CHÍN NGƯỜI KIA ĐÂU?
(Suy niệm của Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)
Suy Niệm
Mười người phong đón gặp Đức Giêsu. Họ chỉ dám đứng xa, nài xin Ngài thương xót. Đức Giêsu không chữa cho họ ngay, Ngài muốn thử thách lòng tin của họ. Ngài bảo họ hãy đi trình diện với các tư tế như thể họ đã được khỏi bệnh rồi. Mười người phong đã vâng phục lên đường, và chính trên đường đi, tất cả được khỏi bệnh.
Niềm vui bất ngờ ùa vào lòng mọi người. Cả nhóm tiếp tục cuộc hành trình, trừ một người phong ở vùng Samari.
Lòng biết ơn đối với Đức Giêsu khiến anh quay lại, sấp mình dưới chân Ngài mà tạ ơn.
Chín người kia đâu?
Đức Giêsu ngạc nhiên đặt câu hỏi.
Chắc họ đã đi trình diện các tư tế như lời Đức Giêsu, nhưng họ quên Đấng mới ban ơn cho họ.
Họ vui mừng ngừng lại ở quà tặng, nhưng không vươn tới người tặng quà.
Họ đã có lòng tin nên được khỏi bệnh, nhưng họ lại thiếu lòng biết ơn cần thiết.
Lòng biết ơn khiến lòng tin trở nên sâu xa hơn, vì là gặp lại chính Đấng đã ban tặng.
Chín người kia đâu?
Đức Giêsu không làm phép lạ để được biết ơn. Ngài mong những người kia trở lại để gặp họ, và trao cho họ chính con người Ngài. Điều này còn quý hơn cả ơn được khỏi bệnh.
Ơn lành bệnh chỉ là nhịp cầu để ta gặp gỡ Đấng ban ơn, và lớn lên trong niềm tin cậy mến.
Chín người kia đâu?
Có khi tôi thường thuộc về nhóm chín người. Tôi quá quen với những ơn Chúa ban, đến độ thấy đó là chuyện bình thường, đến độ không thấy cần phải tỏ lòng biết ơn.
Thật ra, biết ơn phải là tâm tình chủ yếu chi phối lời cầu nguyện và cuộc sống của tôi.
Toàn bộ đời tôi là một hồng ân, một quà tặng. Tôi muốn sống đời tôi như một lời tạ ơn không ngừng.
Tạ ơn là mãn nguyện về những gì đã lãnh nhận, là thấy mình được bao bọc bởi Tình Yêu, và muốn làm mọi sự để đáp lại Tình Yêu đó.
Người phong vùng Samari đã trở lại tôn vinh Thiên Chúa, vì Ngài đã chữa anh lành bệnh qua Đức Giêsu.
Chúng ta cũng đã nhận được biết bao ơn Chúa từ tay những người xa lạ hay thân quen.
Xin cảm ơn cuộc đời, cám on mọi người.
Đời tôi là quà tặng của Chúa cho tôi. Ước gì nó thành quà tặng của tôi cho mọi người.
Gợi Ý Chia Sẻ
Ngày nay người ta nói nhiều về lòng biết ơn đối với thầy cô, cha mẹ. Theo bạn, tại sao nhiều bạn trẻ vẫn sống một cách lãnh đạm, vô ơn?
Có khi nào bạn tạ ơn Chúa vì những khó khăn và vấp ngã trong cuộc sống không? Bạn có thấy những mảng tối trong đời bạn cũng có thể là một ơn không?
Cầu Nguyện
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha đã ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.
2.Lòng biết ơn
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Ở đời, người ta nhận ơn thì nhiều và cảm ơn thì chẳng mấy khi. Khi chọn các Bài đọc Lời Chúa cho các Thánh lễ tạ ơn, mới thấy trong Kinh Thánh rất ít đoạn nói tới việc người đã nhận ơn mà biết tạ ơn Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong số ít ỏi đó, mà nội dung cũng cho thấy tỷ lệ rất thấp (1/10) những người tạ ơn, vì trong số mười người được chữa lành, chỉ có một người trở lại nói lời cảm ơn vì đã được khỏi bệnh. Lòng biết ơn hiếm hoi là vậy, ngay cả trong mối tương quan giữa con người với nhau. Người ta dễ quên những điều tốt đẹp người khác làm cho mình. Trong khi đó, những sơ suất, những xúc phạm thì lại nhớ rất lâu và biến thành “thù dai”, đợi cơ hội trả thù.
Naaman là một tướng lĩnh người Syria, tức là người “ngoại đạo” theo cái nhìn của người Do Thái. Câu chuyện ông được chữa lành cũng nhiều rắc rối gian truân. Ông đã qua bao nhiêu thày mà chẳng khỏi bệnh cùi. Trong khi đó, tương lai và sự nghiệp của ông có nguy cơ bị tiêu tan do chứng bệnh nan y này. Hành trình đến gặp ngôn sứ Elisê, người của Thiên Chúa, cũng gian truân không kém. Vị ngôn sứ xem ra không mặn mà, trong khi “bệnh nhân” nghĩ mình phải được ưu tiên trọng vọng và chăm sóc đặc biệt. Người của Thiên Chúa chỉ có một lời chỉ dẫn duy nhất: ra tắm bảy lần nước sông Giođan. Sau nhiều phản ứng dữ dội, vị tướng người Syria đã chấp nhận lời khuyên này và ông đã đạt được kết quả như lòng mong muốn. Da thịt ông trở nên như da thịt của đứa trẻ. Ông trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Dưới ngòi bút của tác giả sách Các Vua, không chỉ cá nhân ông Naaman nhận ra quyền năng của Thiên Chúa, nhưng còn cả mọi dân ngoại. Vị tướng người Syria đại diện cho các dân ngoại tuyên xưng: “Thật, tôi không biết có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israen”. Naaman đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa, là Đấng đã chữa lành ông. Nếu vị Ngôn sứ ra đón tiếp ông nồng hậu và dùng phương pháp trần gian để chữa ông lành bệnh cùi, chưa chắc ông đã nhận ra quyền năng của Chúa, mà sự thán phục chỉ dừng lại nơi một con người là vị Ngôn sứ mà thôi. Việc Naaman xin đất chở về quê, cho thấy niềm tin tuyệt đối của Ông vào Thiên Chúa, để rồi từ nay, ông sẽ chỉ tôn thờ một mình Ngài.
Niềm tin vào Thiên Chúa được củng cố khi người tin nhận ra những điều kỳ diệu Ngài đã làm. Phaolô là một chứng nhân về điều này, qua việc ông bị giam tù. Mặc dù thân xác ông bị xiềng xích, nhưng Lời Chúa không bao giờ bị xiềng xích. Ông khẳng định điều ấy, vì thấy Chúa vẫn thực hiện những điều kỳ diệu qua lời rao giảng của Ông. Lời Chúa vẫn tiếp tục sinh hoa kết trái, ngay trong chính cảnh tù đày. Vì vậy, Phaolô khuyên nhủ người môn sinh của mình là Timôthê hãy noi gương ông mà kiên trì, đồng thời nhận ra: giữa những đau khổ thân xác, tâm hồn vẫn chan chứa niềm vui và hy vọng. Như Đức Giêsu đã chịu khổ hình và đã sống lại vinh quang, nếu ai chịu khổ hình với Người thì cũng sẽ được vinh quang với Người.
Cũng như Naaman là một người ngoại, người cùi được chữa lành trong Tin Mừng cũng là người Samari. Người Do Thái thường nhìn người Samari một cách khinh bỉ và coi thường. Ấy vậy mà anh lại nhận ra quyền năng của Đấng vừa chữa mình khỏi bệnh, để rồi trở lại sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người. Cử chỉ sấp mình nói lên sự thờ phượng kính tôn. Khi diễn tả chi tiết này, tác giả Luca muốn nói với chúng ta: người được chữa lành tuy là người ngoại, mà anh lại tôn thờ Đức Giêsu và tôn xưng Người là Đấng Tối cao. Sự tôn thờ cũng được thể hiện trong lời van xin của mười người cùi: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!”. Đó cũng chính là lời van xin của chúng ta khi sám hối khởi đầu phụng vụ Thánh Thể. Thánh sử Luca cũng nói với chúng ta: đừng nhìn người khác với cái nhìn thành kiến, nhưng hãy thấy cái tâm và lòng tốt của họ.
Mỗi phút giây trong cuộc đời, chúng ta đều đón nhận những ơn lành Chúa ban. Người vô tín không nhận ra điều đó và họ cho là ngẫu nhiên. William Arthur Ward đã viết: “Ngày hôm nay Chúa đã cho bạn món quà là 86,400 giây. Bạn đã dùng giây nào để nói ‘cảm ơn’ chưa?”. Nhân vật người cùi trong Tin Mừng, như một lời nhắc nhở chúng ta hãy nhận ra ơn của Chúa để cảm tạ Ngài. Tạ ơn và tôn vinh Chúa còn giúp chúng ta đón nhận thêm những ơn khác Chúa ban.
Cảm ơn Chúa, chúng ta cũng biết nói lời cảm ơn đối với nhau. Bởi lẽ con người sống trên trần gian không phải là những ốc đảo riêng biệt, nhưng liên đới và phụ thuộc vào nhau. Ý thức điều đó sẽ giúp chúng ta sống hài hoà với tha nhân, tôn trọng những khác biệt để xây dựng cuộc sống nhân ái hòa bình.
“Trái tim không biết ơn sẽ không tìm được sự hạnh phúc. Khi có lòng biết ơn, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc từng giờ” ( Henry Ward Beecher).
3.Đức tin của người cùi - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới hai miền Galilê và Samari, nơi lưu đầy những người cùi của hai dân tộc thù ghét nhau. Đức Giêsu đã cứu chữa mười người cùi được lành sạch. Nhưng chỉ có một người ngoại đạo trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.
Hai người cùi khác nổi tiếng nhất Việt Nam, không được chữa lành thân xác, nhưng được ban đức tin lạ lùng, đã tôn vinh Thiên Chúa bằng cả cuộc đời cùi của mình, đó là Thi sĩ Hàn Mạc Tử và Đức Cha Cassaigne (Cát-xe).
Hàn Mạc Tử sinh năm 1912. Ông chết mới 28 tuổi. Thế mà nhà thơ trí tuệ Chế Lan Viên đã hết lời ca ngợi: “Tử là đỉnh cao lòa chói trong văn học đầu thế kỷ, thậm chí qua các thế kỷ”. Hàn Mạc Tử chói lòa bằng những vần thơ như:
“Ave Maria linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng,
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”
Nhạc sư Hải Linh đã phổ nhạc bài thơ trên với cung điệu thần nhạc đầy ơn phúc. Ơn phúc của Hàn Mạc Tử không phải ở chỗ là Thi sĩ trần gian mà là Thi sĩ nước trời.
“Đức tin của con đã cứu con”. Đức Giêsu đã an ủi khích lệ người cùi biết cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa như thế.
Đức tin của Hàn Mạc Tử cũng đã chữa thân xác nặng trĩu đau khổ bằng những bài thơ tuyệt diệu, cảm tạ tôn vinh Mẹ Chúa Thiên đình. Đức tin của Hàn Mạc Tử đã làm dịu đi đôi bàn tay bị gậm nhấm, quên đi đôi mắt bị đục khoét, để tâm tư lắng đọng trong dòng nước thánh, cho hồn bay bổng, lặng nghe trời giải nghĩa chữ yêu:
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Để nghe trời giải nghĩa chữ yêu”.
Đức tin của Tử đã giải thoát tâm hồn Tử khỏi cảnh cô đơn đầy đọa, để hòa nhập vào thần nhạc sáng hơn trăng, ngợp trong vạn ánh hào quang ngời chói:
“Hồn tôi bay tới bao giờ mới đậu,
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang”.
Người cùi nổi tiếng thứ hai ở Việt Nam là Đức Cha Cassaigne đã được báo chí rầm rộ ca ngợi. Năm 1972 một phái đoàn dưới quyền lãnh đạo của vị Nguyên thủ quốc gia đã đến gắn huy chương cao quý cho Ngài. Đức Giám Mục Phạm Ngọc Chi đã đến ôm hôn Ngài, ôm hôn tấm lòng vô cùng quảng đại hy sinh của Ngài. Hồng Thập Tự quốc tế đã quan tâm đặc biệt đến Ngài và sẵn sàng trợ giúp rất nhiều cho những trại cùi ở Việt Nam. Đức tin của Đức Cha Cassaigne không những cứu bao nhiêu người cùi đau khổ mà còn giúp cho bao nhiêu người biết tôn vinh Thiên Chúa.
Từ địa vị một Giám Mục lớn nhất Việt Nam, đức tin đã thúc đẩy Ngài từ bỏ tòa Giám Mục Sài Gòn năm 1955 đến sống lăn lộn, phục vụ những gia đình cùi trong rừng núi hoang vu ở Di Linh.
Nếu chỉ một bát nước cho kẻ bé mọn, được Chúa kể là cho chính Chúa, thì ở đây, thân lạy Đức Cha, Ngài đã cho cả ngai vàng, cho hết mọi sự, và thí cả mạng sống của Ngài không phải cho một người, mà cho hàng ngàn người khốn cùng trong xã hội, Chúa phải kể là làm cho chính Chúa biết chừng nào!
Lòng tin của người cùi xứ Samari biết trở lại tôn vinh cảm tạ Chúa, khi được lành sạch, là việc làm hợp tình hợp lý.
Lòng tin của Đại tướng nước Syri khi được khỏi bệnh cùi đã suốt đời trở lại tế lễ Thiên Chúa là một lòng tin trung tín.
Đức tin của Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã hy sinh vác thập giá mình theo Chúa là một đức tin quả cảm mạnh mẽ tử đạo.
Đức tin của Đức Cha Cassaigne đã thí mạng sống mình làm của lễ hiến tế trên thập giá là một đức tin của Đấng cứu độ.
Các Ngài đã tôn vinh Thiên Chúa như thế. Còn chúng ta thì sao? Đức Giêsu đang hỏi mỗi người chúng ta: Không phải các ngươi cũng được khỏi bệnh sao? Bệnh của chúng ta là thứ bùn đất đã được nắn bóp thành người, bệnh của chúng ta là kẻ chết trong tội lỗi mà đã được cứu sống, là kẻ đói khổ mà được dư đầy của ăn áo mặc trong cái vũ trụ này, là những kẻ mù lòa mà được cho trí khôn sáng suốt, là những kẻ trần thế mà được làm con trời, là những kẻ đói khát ơn phúc, mà được cho bánh trường sinh, là những kẻ chỉ có cha mẹ xác thịt tan rữa mà lại được có cha mẹ hằng sống vinh quang là Thiên Chúa. Chúng ta được chữa khỏi muôn vàn thứ bệnh khốn cùng mà có biết trở lại tạ ơn tôn vinh Thiên Chúa không? Chúng ta không tôn vinh Thiên Chúa được như Đức Cha Cassaigne và Thi sĩ Hàn Mạc Tử, thì ít nhất cũng biết tôn vinh Thiên Chúa như người cùi Samari và Đại tướng Naaman.
Lạy Chúa, chúng con có được Chúa công nhận: “Lòng tin của con đã cứu con” hay lại bị Chúa hạch hỏi “còn chín kẻ kia đâu?”. Lạy Chúa, xin cho con biết sấp mình cảm tạ tôn vinh Chúa suốt cả cuộc đời. Amen.
4.Tỏ lòng biết ơn - Dã Quỳ
Đang suy tư về bài Tin Mừng "Mười người phong hủi", Chúa cho tôi thấy những hình ảnh thật đẹp của anh chị em xung quanh. Một chiếc taxi vòng vào bãi đậu xe. Bước ra khỏi xe, chú tài xế tiến thẳng vào cửa nhà nguyện. Tôi thật ngạc nhiên! Ngay lúc ấy, đôi vợ chồng trẻ da màu từ trong nhà nguyện đi ra. Sau một ngày lao nhọc... họ đã đến điểm hẹn với Thầy Giêsu. Hôm sau, vào cử hành giờ kinh trưa, tôi thấy một phụ nữ đang quỳ và băng ghế trước mặt chị là bé trai khoảng 4 tuổi. Hai mẹ con chị đang hiện diện trước Chúa Giêsu. Xế trưa, khi vừa ra khỏi nhà, trông thấy người đàn ông với y phục veston chỉnh tề bước ra khỏi nhà nguyện. Chị đi cùng nói thường thấy ông này vào viếng Chúa mỗi buổi trưa. Ông đi bộ vì có lẽ nơi làm việc gần đây. Chiều, hình ảnh người đàn ông với chiếc áo khoác màu cam sặc sỡ, đang đứng nơi cuối nhà nguyện làm tôi giật mình. Người mang chiếc áo này phải là một công nhân xây dựng hay làm cầu đường. Cuối ngày làm việc, ông đến trước Chúa với nguyên cả đồ bảo hộ lao động và tất cả những gì là chính ông.
Vâng, dọc dài hành trình cuộc sống của chúng ta, chắc chắn sẽ có biết bao khó khăn, sầu khổ... xảy đến. Chúng ta phải làm gì trong những lúc đau khổ vì bệnh tật, thất bại, thiếu thốn... tệ hại ấy? Như mười người phong hủi trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy tha thiết khẩn cầu "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng con!" Chúng ta đừng bao giờ ngừng cầu nguyện, kêu lên cùng Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, luôn đón chờ, lắng nghe những nỗi khốn cùng, đau đớn của chúng ta và ban muôn phúc lành cho ta. Và lời cầu nguyện Nhân Danh Chúa Giêsu sẽ đụng chạm đến Trái Tim của Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu dạy "Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi Người Con."(Ga 14,13) Cuộc đời của mỗi người Kitô hữu là một đời đón nhận muôn ân phúc từ Thiên Chúa. Thế nhưng, thái độ của ta sẽ như thế nào với Chúa khi được yêu thương, ban ơn và che chở giữ gìn? Ta đến với Chúa không chỉ là xin ơn, cầu khấn, nhưng còn phải là trở về gặp Chúa để tôn vinh Chúa, tạ ơn Chúa với tất cả tấm lòng tin yêu.
"Một người trong nhóm họ thấy mình được chữa lành, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa." Đây là thái độ cốt yếu của kẻ "Được Cứu". Nhận ra ân huệ cứu mạng mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho mình, người Samari tức khắc "Quay Trở Lại" gặp Chúa. Với niềm vui và hạnh phúc tột cùng, anh "Lớn Tiếng Tôn Vinh Thiên Chúa". Anh không cần phải thi hành luật Môsê nhưng cần kíp thực hiện luật Tin Yêu. Anh nhận biết Quyền Năng của Thiên Chúa nơi Thầy Giêsu. Anh tin Người là Chúa, là Chủ sự sống và vận mạng của anh. Anh yêu mến Người và suy phục Người.
"Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn." Dưới mắt những người Do thái, anh là kẻ tội lỗi vì bệnh phong hủi, và lại là người Samari-thù nghịch của người Do thái. Thế nên, khi kêu xin Thầy Giêsu thương xót, chắc chắn anh Samaritanô đã khẩn cầu với tất cả lòng khiêm tốn, chân thành và tin tưởng. Chúa Giêsu hẳn đã đem lòng yêu mến anh và chữa lành anh, vì trái tim anh thật cao quí, và vì lời cầu xin rất khiêm nhường của anh đã chạm đến lòng thương xót của Chúa. Anh vui mừng đón nhận ơn phúc khỏi bệnh và anh bày tỏ tấm lòng tri ân với Chúa Giêsu. Giờ đây anh "Sấp mình mà tạ ơn", là cử chỉ khiêm hạ của kẻ Biết Ơn. Cử chỉ sấp mình người ta chỉ làm trước thần minh của họ mà thôi. Nhưng với anh, anh sấp mình trước Thầy Giêsu để tạ ơn vì anh tin nhận Người là Thiên Chúa- Đấng quyền năng chứ không chỉ là một thầy thuốc. Thái độ Biết Ơn và Tạ Ơn của anh là thái độ của người có đức tin. Và rồi anh đã có một cuộc gặp gỡ tiếp xúc thân mật hơn với Đấng ban ân sủng và là nguồn mọi ơn lành.
Đối với mỗi người Kitô hữu, lời Chúa luôn chất vấn ta "Thế chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con cái. Chúng ta biết Thiên Chúa, nhưng có Tin nhận Người là Chúa của chúng ta, Đấng yêu thương dựng nên ta, chăm sóc, quan phòng và ban mọi ơn lành hồn xác cho ta không? Từ nguồn sung mãn của Thiên Chúa, chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác như lời thánh Phaolô nói: "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?" (1Cr 4,7b) nhưng ta có biết ơn và tạ ơn Người? Chắc chắnThiên Chúa không cần lời tôn vinh và lòng biết ơn của ta cho vinh quang Người, vì "lời ca tụng của chúng ta không thêm gì cho Chúa", nhưng lòng biết ơn được tỏ ra bằng lời ca ngợi tôn vinh Chúa sẽ mang lại bao ơn phúc cho chúng ta.
Chúng ta cần bày tỏ tấm lòng biết ơn Thiên Chúa bởi vì chính sự sống của ta, sự hiện hữu của ta trên trần gian này, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu của ta đều đến từ Thiên Chúa. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa là thái độ của người con đã đón nhận tất cả từ Cha và yêu mến tôn thờ Người là Đấng quyền năng cao cả. Chúng ta thường rất hay quên tôn vinh và tạ ơn Chúa mà chỉ biết Xin. Đừng quên Chúa Giêsu đã dạy ta cầu nguyện với lời ca ngợi và tạ ơn trước khi cầu xin. Thánh Phaolô cũng nhắc chúng ta "Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa Cha." (Ep 5,20)
Đôi khi ta thấy cuộc đời mình đầy khổ ải, gian nan... ta cầu nguyện nhiều mà dường như Chúa chưa nghe thấu và chẳng đáp lời! Thế nhưng, phải chăng chỉ những gì ta xin và muốn nhận được mới là Ơn phúc? Hãy biết nhìn vào chính con người của mình: mạng sống, sự sống, sức khỏe, không khí ta thở, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng và con cái, công việc, ngôi nhà... Rất nhiều điều ta đang được, thế mà ta lại chẳng nhận ra và biết ơn! Mỗi sớm mai thức dậy, ta còn sống và sau một ngày làm việc, ta còn mạnh khỏe bình an, chẳng là ơn phúc hay sao? Chúng ta hãy biết nhìn xa hơn, sâu hơn một chút, ta sẽ nhận ra sức mạnh từ đâu ta có để can trường đón nhận và vượt qua những thử thách, khó khăn? Sự sống, niềm tin, tình yêu, sức mạnh, bình an... là những ơn cao trọng mà chỉ Thiên Chúa mới ban cho ta chứ chẳng có người trần nào có thể cho ta được.
Vậy ước mong sao mỗi Kitô hữu hãy luôn có thái độ Biết Ơn Thiên Chúa và bày tỏ lòng biết ơn bằng việc đến gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, trong cử hành Thánh Thể - là Bí tích Tạ Ơn, để ca tụng, tôn thờ Chúa, như thánh Phaolô nhắc "Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng." (Cl 3,16) Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy vững tin vào Chúa, kiên tâm cầu nguyện và khiêm tốn khẩn cầu Chúa như với người Cha. Chắc chắn Chúa sẽ xót thương ban ơn và phù trợ ta nếu ta đặt trọn lòng tín thác nơi Người, vì "Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Rồi khi đã gặp Chúa, Chúa cũng bảo ta "đứng dậy, về đi". Về để tỏ lòng Biết Ơn Chúa bằng yêu thương, chia sẻ, chăm sóc, phục vụ anh chị em, những người đang đau khổ, bệnh tật, bị gạt ra lề xã hội... như ta trước đây! Đó sẽ là thái độ của tấm lòng Biết Ơn đẹp nhất.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt con, để con nhận ra biết bao ân huệ Chúa đã và đang ban tràn trên con. Xin mở trái tim con, để con biết ơn Chúa và tôn vinh chúc tụng Chúa từ rạng đông tới lúc chiều tà, trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố cuộc đời con. Amen.
5.Biết ơn. – Lm. GB. Trần Văn Hào
Trong tập sách ‘Nói với chính mình’, Đức Cha Bùi Tuấn đã chia sẻ: “Tôi rất thích chó, vì chó là con vật biết ơn. Sự biết ơn của chó khác với lòng biết ơn của con người, nhưng không thiếu vẻ đẹp. Cho chó một miếng xương nó cũng tỏ dấu biết ơn bằng cách vẫy đuôi, quấn quýt người cho. Càng được cho, nó lại càng biết ơn và ra sức bảo vệ chủ. Nhiều người không biết ơn bằng chó.” Lời nhận định của Đức Cha có thể làm nhiều người dị ứng và khó chịu, nhưng nếu suy nghĩ cho kỹ thì quả không sai. Câu chuyện trong Tin mừng hôm nay là một minh dẫn cụ thể.
Sự vô ơn rất thường xảy ra.
Thánh Luca thuật lại câu chuyện về 10 người phong hủi được chữa lành, nhưng chỉ duy nhất một người quay lại bày tỏ lòng biết ơn. Rất bẽ bàng, đó lại là người ngoại giáo, một người Samari. Cũng vậy, cả đám đông khổng lồ đã được Chúa cho ăn no nê và chứng kiến biết bao phép lạ Ngài làm, nhưng khi Chúa oằn vai vác Thập Giá, chỉ duy nhất Simon thành Cyrênê ghé vai giúp Ngài, lại cũng là một người ngoại giáo. Sự vô ơn đạt đến cao điểm khi toàn dân quay lưng, đồng thanh đả đảo và kết án Chúa Giêsu như một tên tội phạm. Trên đỉnh cao núi sọ, chỉ duy nhất một người khám phá ra bầu trời yêu thương từ đôi mắt Chúa, và đó cũng chỉ là một tay ăn trộm khét tiếng.
Lịch sử dân Do Thái, một dân được Thiên Chúa ưu tuyển, được đan dệt bằng những hành vi phản bội và vô ơn. Hình tượng con bò vàng dưới chân núi Sinai rất tiêu biểu nói lên sự vô ơn này. Vết xe cũ của sự vô ơn nơi người Do Thái năm xưa, có thể vẫn đang được lặp lại nơi mỗi người chúng ta hôm nay. Mỗi tội chúng ta phạm là một sự phản bội. Mỗi điều ác chúng ta làm là một hành vi chống lại Thiên Chúa, và thể hiện sự vô ơn đối với Ngài.
Tại sao phải biết ơn.
‘Không ai là một hòn đảo’. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, đều cần có sự tương tác và trợ giúp từ người khác. Miếng cơm chúng ta ăn, manh áo chúng ta mặc đều có sự đóng góp công sức của nhiều người. Chúng ta có làm được ông này hay bà nọ cũng nhờ công ơn sinh thành của cha mẹ, công lao dạy dỗ của thầy cô. Song trên hết, những gì chúng ta đang hưởng dùng như tiền bạc, nhà cửa, tài năng, sức khỏe, thời giờ…tất cả đều là hồng ân Thiên Chúa ban tặng. Vì vậy, Đấng mà chúng ta phải tỏ bày lòng biết ơn đầu tiên là chính Thiên Chúa.
Cha sở họ Ars trong một bài giảng đã kể một câu chuyện rất ý nghĩa. Hằng ngày Chúa sai hai Thiên Thần đi xuống trần gian để nhận những lời khấn nguyện của con người. Hai vị cầm hai giỏ, một để đựng những lời cầu xin, một để đựng những tâm tình tạ ơn. Ngày nào cũng vậy, giỏ đựng những lời cầu xin thì đầy ắp, còn giỏ đựng những tâm tình tri ân thì quá ít, hầu như không có gì. Chúa nói với các Thiên Thần: “Con người thường chỉ biết nhận và không biết cho đi. Họ cứ xin xỏ điều này điều kia, nhưng chỉ biết thụ ơn mà không nhớ đến kẻ đã thi ân cho mình.” Một nhà tu đức đã phát biểu: “Thiên Chúa cư ngụ ở hai nơi: Trên thiên đàng và trong tâm hồn những người có lòng biết ơn.” Khoa sư phạm giáo dục của Cha Thánh Gioan Bosco luôn nhấn mạnh đến lòng biết ơn, và đây là yếu tố để việc giáo dục đạt được kết quả. Ngài nói: “Hãy đem đến cho tôi một đứa trẻ có lòng biết ơn, tôi bảo đảm nó sẽ là một đứa trẻ tốt lành.”
Cách thể hiện lòng biết ơn.
Tại các nước văn minh, bài học đầu tiên người ta dạy cho các học sinh trong nhà trường là tập nói câu ‘xin lỗi’ và ‘cảm ơn’. Ở Việt Nam, một cơ quan nọ đã phát động chiến dịch để các nhân viên tập mở miệng nói 2 câu này trong những giao tiếp hằng ngày, nhưng có lẽ không thành công lắm. Sự vô ơn, chỉ biết ngửa tay đón nhận và không biết mở lòng để cho, là một căn bệnh trầm kha rất khó chữa trị. Trong đời sống đức tin cũng vậy, sự vô ơn gắn liền với lối sống ích kỷ và hưởng thụ, là nguyên nhân làm sói mòn đức tin nơi người Kitô hữu. Chúng ta hãy đọc lại câu kết của bài Tin mừng hôm nay, khi Đức Giêsu nói với người Samari đã quay lại cảm ơn Chúa: “Đứng dậy về đi. Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Sự biết ơn là dấu biểu thị đức tin. Sống đức tin không phải chỉ là đi đến nhà thờ để đọc kinh, dự lễ một cách máy móc. Đức tin được diễn tả bằng hành động giống như người Samari mà Thánh Luca nhắc đến hôm nay. Những người có cảm thức đức tin sâu xa, sẽ rất quảng đại dấn thân phục vụ, nhất là qua sứ vụ truyền giáo, để diễn bày lòng biết ơn đối với Chúa.
Kết luận
Báo Digest có viết lại một giai thoại. Có một chàng thanh niên nọ đã sống rất quảng đại và rộng rãi giúp đỡ mọi người. Anh ta tình nguyện đến chăm sóc một người bạn bị tâm thần nằm trong bệnh viện mà không quản ngại vất vả. Anh ta cũng mở lòng đem tiền bạc đến giúp một anh bạn da đen chẳng may bị sa cơ thất thế. Khi được mời gọi đóng góp vào những việc từ thiện, anh ta không hề so đo tính toán. Nói chung, anh ta làm những gì có thể để mở lòng nhân ái giúp đỡ những ai cần đến. Bỗng dưng một bữa nọ, những người hàng xóm chung quanh phát hiện ra, con người tốt bụng ấy đã dùng súng để tự sát. Lý do dẫn đến cái chết đã được anh ta ghi lại trong quyển nhật ký: “Tôi đã nghĩ đến mọi người, nhưng chẳng ai thèm nghĩ đến tôi. Tôi đã sống tốt với tất cả, nhưng tôi đã không được đáp lại bằng sự tử tế. Điều duy nhất tôi nhận được, chính là sự vô ơn và bạc nghĩa”.
Để diễn bày lòng biết ơn, chúng ta hãy học lấy thái độ của người Samari trong bài Tin mừng hôm nay. Cũng tương tự, tướng Naaman, vua nước Aram sau khi khỏi bệnh đã đến cảm ơn ngôn sứ Elisa, và dâng lễ vật tạ ơn Đức Chúa (bài đọc 1). Còn chúng ta, chúng ta thực hành lòng biết ơn như thế nào.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam