Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 120

Tổng truy cập: 1356759

CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH

CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH

 

(Suy niệm của AM Trần Bình An)

Trong đàn, thường có chiên chưa ngoan, nghịch ngợm, hay dại dột ham vui, mải mê đuổi theo những cánh bướm lả lướt, sặc sỡ, quyến rũ, hoặc thích lân la tìm kiếm hoa thơm cỏ lạ. Rồi lang thang vui chân lạc bầy, vô tình sa vào vòng vây sói dữ. Chủ Chăn Nhân Lành liền vội vã chạy đến che chở, giải thoát, cất tiếng an ủi, vỗ về đừng sợ, ngọt ngào gọi chiên trở về. Chẳng hề chần chừ, phân vân, bối rối, hay giả đui giả điếc, giả dai làm ngây, lưỡng lự lên tiếng hay không lên tiếng?

1. Chủ Chăn luôn âu yếm gọi tên và chăm sóc từng con chiên.

Người không thích chạy theo đám đông, không hoa mắt với những dãy số dài ngoằng, không hề mặn mà chạy theo thành tích tập hợp số đông xô bồ, mà mỗi cá thể chỉ được hiển thị bằng một con số lạnh lùng. Trái lại, Người quan tâm đến từng thân phận nhỏ nhoi, hèn mọn, chăm lo, gần gũi và thân mật gọi tên từng con, rổi dẫn chúng ra(Ga 10, 3)

Thậm chí, khi thấy một chiên bị lạc, Người không nỡ bỏ rơi, mà vội vàng tìm về cho bằng được. “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. (Lc 15, 4-6)

2. Chủ Chăn luôn bảo vệ và dưỡng nuôi chiên

Người luôn yêu thương, chu đáo bảo vệ và dẫn dắt chiên khỏi lạc lối, khỏi nguy hiểm đồi cao, vực thẳm, khỏi lang sói hung tàn, khỏi dã thú đe dọa, khỏi cam bẫy ác nhân thù địch. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau. (Ga 10, 4) Chiên muốn được an toàn, khỏe mạnh, hồi sinh, phải cậy nhờ Người nuôi dưỡng, bằng những thảo dược thần linh. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (Ga 10, 9)

3. Chủ Chăn luôn luôn thấu hiểu và chiên luôn trông cậy Chủ.

Người luôn đồng hành, đồng cảm với chiên. Biết rõ những nhu cầu cấp bách của chiên, biết rành rẽ sức khỏe, sinh lực, lẫn năng lực, đồng thời biết cả những nhược điểm, yếu đuối, đam mê, dục vọng của chiên, để chăm sóc, giúp đỡ, vỗ về, hay bắt mạch kê toa chữa chạy. Ngược lại, nếu muốn ton tại, sống còn, chiên cũng chỉ biết cậy trông vào Chủ Chăn Nhân Lành.

Chiên xa lánh chủ chăn giả mạo, kẻ chăn thuê, hoặc kẻ lạ nói tiếng lạ, bẻo mép, xảo ngôn, ngụy biện, nham hiểm đầu độc chiên bằng những tà thuyet, tà đạo phản nghịch với Tin Mừng. Vì thế, ngôn sứ Êdêkien đã phải nhắc lại cơn cuồng nộ của Thiên Chúa:

Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các người làm thịt; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu các người không làm cho mạnh. Chiên bệnh tật, các ngươi khong chữa cho lành. Chiên bị thương các ngươi không băng bó. Chiên đi lạc các ngươi không đưa về. Chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi thú dữ…

Vì thế, hỡi các mục tử, hãy nghe lời Đức Chúa. Ta lấy mạng sống Ta mà thề.- sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng-, bởi chiên của Ta bị cướp phá và biến thành mồi cho mọi dã thú vì thiếu mục tử, bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình, mà không chăn dắt đàn chiên cũa Ta, nên các mục tử hãy nghe Lời Đức Chúa, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên…Ta sẽ giải thoát các chiên khỏi miệng chúng, để chiên Ta không còn làm mồi cho chúng nữa.(Ed 34, 2-10)

Chiên hiểu tấm lòng từ bi nhân ái của Chủ Chăn, cũng như đặt hết niềm trông cậy, phó thác vào Chủ Chăn. Chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì không nhận biết tiếng người lạ. (Ga 10, 5) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy.( Ga 10, 10) Người làm thuê, vì không phải là Mục Tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, không thiết gì đến chiên.(Ga 10, 12-13) Tôi biết Chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.(Ga 10, 14)

4. Chủ Chăn luôn tìm các chiên khác đem về chung một đàn.

Người không chỉ hài lòng với chiên ngoan đang chăn dắt, mà còn sẵn lòng tìm kiếm những chiên khác còn bơ vơ, lạc loài, đem về chung đàn. Sứ vụ muôn thuở của Chủ Chăn Nhân Lành, là quy tụ lại muôn chiên tứ phương, hầu chúng đều được no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi, được sống viên mãn. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ ghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đòan chiên và một mục tử. (Ga 10, 16)

5. Chủ Chăn hy sinh để cứu rỗi chiên

Người chẳng tiếc mạng sống, mà sẵn lòng chịu hy sinh, chịu khổ nạn, chịu chết đi, để cứu vớt chiên được sống, thoát khỏi kiếp trầm luân vĩnh viễn. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. (Ga 10, 10) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (Ga 10, 15)

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa gọi, mỗi khi con lỡ bước lạc bầy, để con tỉnh ngộ, nhận biết và đi theo Chúa luôn mãi.

Lạy Mẹ xin cho nhiều người mở lòng đón nhận tiếng Chúa mời gọi, để dâng hiến phục vụ tích cực Nước Chúa, cũng như nhắc nhở con luôn cộng tác vào việc chăm sóc Ơn Gọi. Amen.

 

26.Mục tử tốt lành & Kẻ làm thuê

(Suy niệm của John W. Martens - Văn Chính, SDB chuyển ngữ)

“Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10,12-13).

Trong 4 Ezra 5,19, một bản văn khải huyền Do thái vào thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, Ezra bị chất vấn bởi “Phaltiel, một thủ lãnh của dân” về việc ong có biết rằng “dân Ít-ra-en đã được ủy thác cho ông trong miền đất lưu đày không? Vậy hãy đứng lên và ăn chút bánh, đừng bỏ rơi chúng tôi như một người mục tử bỏ rơi đàn chiên trước sự tấn công của đàn sói dữ tợn”. Hình ảnh ở đây tương tự với hình ảnh người mục tử mà Tin mừng Gio-an đã viết, trong đó Đức Giê-su nói: “Ta là Mục tử tốt lành. Người mục tử tốt lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên”.

Trong tác phẩm “Hãy để các trẻ em đến với Ta”, Cornelia Horn và tôi đã viết “Trình thuật về Người Mục tử tốt lành trong Tin mừng Gioan chương 10 đã phác họa cho chúng ta thấy một dung mạo thần học về Tình yêu của Đức Giê-su đối với dân của Ngài, thế nhưng lối ám chỉ về Tình yêu của Đức Giê-su lại được lấy từ những gì rất quen thuộc trong cuộc sống. Đức Giê-su không phải là một “kẻ làm thuê” (misthotos), nhưng là một người biết chăm sóc đàn chiên, một người dám hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên (Ga 10,11-15). Trái lại, những kẻ làm thuê thì sẽ làm gì khi sói dữ đến tấn công? Nó sẽ chạy trốn”.

Những kẻ làm thuê được Đức Giê-su xác định rõ ràng trong lối ám dụ này. Vậy nếu Đức Giê-su là Mục Tử tốt lành, vậy ai là kẻ làm thuê? Đó là những kẻ mà trong 4 Ezra mô tả, những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái đã không chăm lo cho đàn chiên như một người mục tử tốt lành. Một khi dùng thứ hình ảnh thực te trong đời sống nông nghiệp và chăn nuôi rất quen thuộc với dân chúng, hẳn dân chúng sẽ hiểu ngay lập tức, và lên án những kẻ chăn thuê.

Đức Giê-su chăm sóc, lo lắng cho dân chúng là đàn chiên, vì họ là chiên của Ngai và Ngài sẽ bảo vệ họ. Chuyện này thật hiển nhiên, tuy thế hình ảnh người mục tử này xem ra có vẻ kỳ lạ, khi Đức Giê-su nói: “Và Tôi sẽ hiến mạng sống mình vì đàn chiên”. Những con chiên có xứng đáng với việc này không? Đàn chiên có đáng để người mục tử hy sinh mạng sống của mình không? Nếu người mục tử chết vì đàn chiên, thì ai sẽ bảo vệ chúng? Hình ảnh này xem ra có sự phi lý nào đó trong việc Đức Giê-su hy sinh mạng sống vì nhan loại. Thật ra, sự hy sinh này chỉ thực sự có nghĩa nếu như nhờ đó mà đàn chiên sẽ được bảo vệ tốt hơn nữa.

Đức Giê-su dùng chính trường hợp này để nói về cái chết của Ngài, một cái chết sẽ “đưa về những chiên khác không thuộc về ràn này… Như thế, sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử.” Đức Giê-su nói về việc hy sinh mạng sống của Ngài, nhưng “để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạmg sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.” Như vậy thoạt đầu, việc chết cho đàn chiên dường như để nhằm tới mục đích là chăm sóc đàn chien, thế nhưng đó cũng chính là lý do để cho đàn chiên được phát triển và lan rộng như ngày nay ở trên khắp thế giới.

Khi “các thủ lãnh trong dân và các kỳ mục” chất vấn Phê-rô để xem ông đã làm thế nào khiến người què được chữa lành; Phê-rô trả lời rằng chuyện đó là “do danh Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng mà các ông đã đóng đinh vào thập giá, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết. Chính Đức Giê-su là ‘viên đá bị các ong là thợ xây loại bỏ, nhưng lại trở thành đá góc tường’. Ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,8-12).

Vị mục tử tốt lành không chỉ cứu đàn chiên qua việc hy sinh mạng sống mình cho chúng, nhưng có khả năng làm cho chúng không còn là những con chiên nữa, mà “tất cả chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa… Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,1-2). Tất cả chúng ta được cứu độ và trở thành con cái Thiên Chúa, nhưng mục tiêu tối hậu, một điều chúng ta không tưởng tượng ra được, là chúng ta trở nên giống như vị Mục Tử Tốt Lành.

Suy nghĩ: Trở thành chiên trong đàn chiên của Đức Giê-su có nghĩa là thế nào? Trở thành con cái Thiên Chúa có nghĩa ra sao?

 

27.Chúa Nhật Chúa Chiên Lành

(Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông)

Cầu cho Ơn Thiên Triệu Linh mục và Tu sĩ

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Phục Sinh năm B này có chung một chủ đề: Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta.

Cv 4: 8-12

Khi bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, thánh Phê-rô giải thích cho những người đã kết án tử Đức Giê-su trước đây, rằng họ đã loại bỏ Đấng mà chỉ ở nơi Ngài con người mới gặp được ơn cứu độ.

1Ga 3: 1-2 

Trong thư thứ nhất của mình, thánh Gioan nhắc nhở rằng được liên kết với Đức Giê-su, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa và được bảo đãm dự phần vào số phận vinh quang của Ngài.

Ga 10: 11-18

Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giê-su là vị Mục Tử nhân lành, chỉ mình Ngài mới có thể dẫn chúng ta vào ràn chiên của Thiên Chúa, vì Ngài hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

BÀI ĐỌC I (Cv 4: 8-12)

Việc thánh Phê-rô bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng là kết quả của một sự kiện mà chúng ta đã đọc vào Chúa Nhật vừa qua: sau khi chữa lành một người què trước cửa Đền Thờ, vị thủ lãnh của các Tông Đồ đã ngỏ lời với đám đông kinh ngạc. Những lời phát biểu của thánh nhân đã làm bối rối các vị lãnh đạo Giê-ru-sa-lem và chắc chắn gây bực tức cho nhóm Sa-đu-xê-ô.

Chúng ta biết rằng nhóm Sa-đu-xê-ô không tin vào sự phục sinh của thân xác, vì cho rằng quan niệm nầy xuất hiện rất muộn thời trong niềm tin Ít-ra-en. Theo họ, sự tinh tuyền đạo lý đòi buộc người ta phải gắn bó với niềm tin thời kỳ trước lưu đày, ở đó không có dấu vết nào của niềm tin vào sự sống lại mai sau. Vì thế, họ không thể nào chấp nhận khi nghe nói về việc Đức Giê-su sống lại.

Thánh Phê-rô và thánh Gioan bị bắt cùng nhau ở Cửa Đền Thờ khi hai ngài lên Đền Thờ cầu nguyện và chữa lành người què. Cả hai ngài bị giam trong tù suốt đêm. Sáng hôm sau, họ bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, tức Tòa Thượng Thẩm Do thái, để bị chất vấn và tra hỏi.

1. Nơi diễn ra phiên tòa.

Hai vị Tông Đồ bị điệu ra trước những quan tòa mà, trước đây vài tuần, chính họ đã kết án tử Đức Giê-su: Thượng Tế đương nhiệm Cai-pha chủ trì Thượng Hội Đồng, Thượng Tế mãn nhiệm Kha-nan là bố vợ của Thượng Tế Cai-pha, cùng với các kỳ mục và các kinh sư.

Phiên tòa diễn ra cũng một nơi trước đây đã xử Đức Giê-su. Vào lúc Đức Giê-su bị bắt, trời đã tối nên các thành viên Thượng Hội Đồng tụ họp vội vàng trong dinh Thượng Tế Cai-pha. Dinh Thượng Tế Cai-pha có lẽ đã gợi cho thánh Phê-rô nhớ lại kỷ niệm đau buồn của mình. Nhưng thật là khác biệt biết bao giữa thái độ hèn nhát của người môn đệ sợ hãi vào đêm bi thảm đến nỗi đã chối thầy mình đến ba lần và cái dũng khí của vị Tông Đồ được biến cố Phục Sinh soi sáng và được đầy tràn Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần.

2. Chứng từ của thánh Phê-rô trước Thượng Hội Đồng.

Giờ của sự thật đã điểm. Thánh Phê-rô phục hồi quyền của Đức Giê-su mà họ đã kết án trước đây, buộc tội những kẻ giết Ngài và công bố sự phục sinh của Đấng chịu đóng đinh. Thánh nhân dạn dĩ phát biểu: “Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng” (4: 10a).

Thật ra, người ta tra hỏi các ngài là nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà hai ông đã chữa lành người què nầy. Thánh Phê-rô quả quyết: “Chính nhờ danh Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người đứng trước mặt quý vị đây được lành mạnh” (4: 10b) Và vị Tông Đồ còn cất cao giọng hơn nữa: “Đấng ấy là viên đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường” (4: 11).

Thật thú vị biết bao khi thánh Phê-rô công bố sứ điệp Phục Sinh trước Thượng Hội Đồng nầy đã lăng nhục và bêu xấu Đức Giê-su. Thật tốt đẹp biết mấy khi những người đại diện chính thức của dân Chúa chọn nghe trực tiếp lời loan báo ơn cứu độ từ nay đạt được nhờ Đấng mà họ đã giết chết. Khi trích dẫn Kinh Thánh: “Viên đá mà thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118), vị Tông Đồ minh chứng rằng chân lý thuộc về phía của mình, bởi vì các ngôn sứ đã báo trước rằng chính họ là những thợ xây nhà Ít-ra-en đã loại bỏ đá tảng góc tường nầy.

Hơn nữa, sự hiện diện của người què được chữa lành trước tòa án nầy không là lời chứng hùng hồn rằng Đức Giê-su là nguồn ơn cứu độ sao? Phải nói rằng chính nhờ sự hiện diện của người được chữa lành nầy mà hai vị Tông Đồ được cứu: “Họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào” (Cv 4: 14). Cuối cùng, hai ông được thả ra, vì Thượng Hội Đồng sợ đám đông dân chúng: “Ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra” (Cv 4: 21). Nhưng chẳng bao lâu sau, thánh Phê-rô và thánh Gioan bị bắt một lần nữa, lần nầy hai ông bị đánh đòn và cấm không được nói đến danh Đức Giê-su; nhưng các ngài không thể nín lặng được và sẽ không bao giờ còn nín lặng.

BÀI ĐỌC II (1Ga 3: 1-2)

Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Gioan tập trung vào một chủ đề duy nhất: “ơn làm con Thiên Chúa”. Người Ki-tô hữu là con Thiên Chúa ngay từ bây giờ, nhờ tình yêu của Chúa Cha. Nhưng ơn nghĩa tử nầy sẽ thăng hoa viên mãn chỉ khi chúng ta nên giống hoàn toàn với Con của Ngài vào ngày Ngài trở lại trong vinh quang.

1. Ơn làm con Thiên Chúa (3: 1):

Thiên Chúa là tình yêu, đó là chủ đề hàng đầu của thần học Gioan. Thánh Gioan ngây ngất trước điều kỳ diệu nầy: “Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (3: 1a). Đây không chỉ là tước hiệu mà Ngài ban tặng cho chúng ta, nhưng là một thực tại thâm sâu: “Thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (4: 1b). Theo văn hóa Do thái, một danh xưng diễn tả một thực tại tận căn của con người: như vậy, Chúa Cha yêu thương chúng ta đến mức Ngài liên kết chúng ta vào Con của Ngài khi gọi chúng ta là con của Ngài. Phẩm vị nầy làm cho chúng ta khác với thế gian: “Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người” (3: 1c). Lời phát biểu nầy vang dội những lời của Đức Giê-su cho các môn đệ của Ngài trong Tin Mừng Gioan: “Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15: 18).

Toàn bộ bức thư nầy được cấu trúc theo lối phản đề: cuộc sống người Ki tô hữu đối lập với cuộc sống của những kẻ cứng lòng tin hay những người lạc giáo. Ở đây, lối phản đề bao phủ một vùng rộng lớn: thế gian, được hiểu theo nghĩa tiêu cực, là thế giới của tội lỗi, bởi vì “thế gian đã không biết Thiên Chúa”.

2. Sự biến đổi trong tương lai (3: 2):

Đoạn trích nầy có thể được đặt nhan đề: “Từ phép Thánh Tẩy đến sự biến đổi làm con Thiên Chúa của chúng ta”. Chúng ta đã được biến đổi rồi bởi cuộc sống làm con Thiên Chúa của chúng ta, nhưng đây chỉ là giai đoạn đầu tiên. Ơn làm con Thiên Chúa được thành toàn chỉ khi chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài. Điều nầy sẽ chỉ xuất hiện vào thời chung cuộc “khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. Thánh Phao-lô cũng gợi lên sự biến đổi tương lai nầy trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3: 20-21). Thật ra, theo thánh Gioan, ngay từ bây giờ sự biến đổi này đã được ươm mầm rồi ở nơi chức năng làm con Thiên Chúa của chúng ta: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa”.

TIN MỪNG (Ga 10: 11-18)

Hình ảnh người mục tử với đàn chiên rất quen thuộc với dân Do thái vốn đã là dân du mục sống nghề chăn nuôi. Cựu Ước đã phác họa Đức Chúa là vị Mục Tử lý tưởng. Tước hiệu này diễn tả hai khía cạnh của mối quan hệ giữa Thiên Chúa với dân Ngài: uy quyền nhưng từ bi nhân hậu. Nhưng tước hiệu mục tử nầy được dành riêng đặc biệt hơn cho Đấng Thiên Sai trong tương lai, nhất là vào đầu thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, vào thời điểm của những tai họa lớn lao: Kinh Thành Giê-ru-sa-lem bị đạo quân Ba-by-lon đánh chiếm, Đền Thờ bị phá hủy và dân chúng bị dẫn đi lưu đày. Trong hoàn cảnh bi thảm đó, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tiên báo rằng rồi đến một ngày Thiên Chúa sẽ đòi lại đoàn chiên của Ngài khỏi những mục tử chỉ biết lo cho mình mà không quan tâm gì đến đoàn chiên để giao lại cho Tân Đa-vít, không là vua, nhưng là mục tử đích thật, tận tâm tận lực chăn dắt chúng (Ed ch. 34). Chính dụ ngôn của vị ngôn sứ nầy là nguồn cảm hứng cho diễn từ về “Người Mục Tử nhân lành” của Đức Giê-su.

Đức Giê-su công bố diễn từ về “Người Mục Tử nhân lành” tại Giê-ru-sa-lem sau khi Ngài cho một anh mù được sáng mắt. Trong bài diễn từ nầy, Đức Giê-su tự nhận mình là người mục tử đích thật, còn giai cấp lãnh đạo Do thái, họ là “những kẻ chăn chiên thuê”,“quân trộm cướp”, “những kẻ tiếm quyền mục tử”. Những người lãnh đạo Do thái đã trục xuất con chiên lẽ loi cô độc khỏi ràn chiên, tức là anh mù được sáng mắt, trong khi Đức Giê-su đã thu nhận anh, dẫn đưa anh vào ánh sáng đức tin… Như vậy chân dung của người mục tử nhân lành nêu bật sự đối lập nầy.

Trong ba năm Phụng Vụ, Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành”. Vào mỗi năm Phụng Vụ, chúng ta đọc một đoạn trích từ diễn từ của Đức Giê-su về “Người Mục Tử nhân lành” thuộc chương 10 Tin Mừng Gioan: Vào năm A, phần đầu (10: 1-10); vào năm B, phần thứ hai (10: 11-18); và vào năm C, phần cuối cùng (10: 27-30).

Trong phần thứ hai (10: 11-18) mà chúng ta đọc hôm nay,  Đức Giê-su vạch rõ cho thấy Ngài là “Mục Tử nhân lành” như thế nào qua những phẩm chất như sau:

- “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

- “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi”.

- “Chỉ một đoàn chiên và một mục tử”.

-Ý nghĩa về cái chết sắp đến của Ngài.

1. “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10: 11-13):

Ngay từ đầu đoạn văn này, Đức Giê-su xác định phẩm chất quan trọng nhất của người mục tử nhân lành là “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (10: 11). Tiếp đó, Đức Giê-su vạch rõ sự khác biệt giữa người mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên với kẻ chăn chiên thuê chỉ lo cho sự an toàn của mình mà “không thiết gì đến chiên” (10: 13). Đức Giê-su xác định ngay từ đầu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (10: 11), đồng thời Ngài cũng ám chỉ đến giai cấp lãnh đạo Do thái là kẻ chăn chiên thuê, họ chỉ lo làm sao giữ cho được địa vị, chức tước, quyền hành của mình mà không quan tâm đến hoàn cảnh sống của đoàn chiên.

2. “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (10: 14-15):

Theo Kinh Thánh, động từ “biết” có một phạm vi ngữ nghĩa rất rộng, không chi diễn tả sự hiểu biết của khối óc, nhưng còn sự chuyển động dạt dào của con tim. Sự kiện người mục tử “biết” từng con chiên cấu thành niềm tin tưởng phó thác của đoàn chiên vào người mục tử của mình. Đức Giê-su cho chúng ta nguyên mẫu mối quan hệ tuyệt vời này: “Như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha”. Đó cũng là khuôn mẫu mà Ngài muốn thiết lập với những người thuộc về Ngài: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. Để thực hiện mối tương giao tận mức như thế, Đức Giê-su phải trả bằng giá máu của Ngài. Đây là ý nghĩa căn bản của dụ ngôn.

3. “Chỉ một đoàn chiên và một mục tử” (10: 16):

Niềm hy vọng lớn lao chạy xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh: thời kỳ của Đấng Thiên Sai sẽ là thời kỳ hiệp nhất dân Thiên Chúa. Các ngôn sứ đã ôm ấp giấc mơ nầy sau khi dân Do Thái bị phân chia thành hai vương quốc (thế kỷ thứ mười trước Công Nguyên). Những người lưu đày ở Ba-by-lon (thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên) đặt trọn niềm hy vọng của mình vào sự can thiệp của Đấng Thiên Sai, Ngài đến thực hiện công việc khó khăn này, đó là quy tụ mọi con cái Ít-ra-en tản mác khắp nơi. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a hứa: “Đức Chúa sẽ quy tụ đoàn chiên của Ngài còn sót lại từ khắp mọi miền” (23: 3). Ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng hứa: “Sẽ chỉ có một mục tử duy nhất cho chúng hết thảy” (37: 24). Sự hiệp nhất sẽ là dấu chỉ của kỷ nguyên Thiên Sai như bước khởi đầu của sự quy tụ cánh chung vĩ đại vào thời sau hết, khi muôn dân nước đều nghe tiếng gọi của Đức Chúa, vì Ít-ra-en là ánh sáng muôn dân.

Khi công bố Ngài kiến tạo sự hiệp nhất của đoàn chiên, Đức Giê-su khẳng định Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Nhưng Đức Giê-su không chỉ nghĩ đến những con chiên của nhà Ít-ra-en chưa nhận biết Ngài, Ngài còn nghĩ đến cuộc hoán cải của thế giới lương dân. Khía cạnh Giáo Hội được diễn tả qua hình ảnh về một ràn chiên không còn được rào chắn vây bọc chung quanh, nhưng mở rộng ra với toàn thể thế giới. Chính Giáo Hội có sứ mạng hiệp nhất đoàn chiên trong cùng một ràn chiên và dưới cùng một vị mục tử, Đấng đã sinh ra trong hang lừa máng cỏ và đã hiến dâng mạng sống mình cho đoàn chiên.

4. Ý nghĩa về cái chết sắp đến của Đức Giê-su (10: 17-18):

Cuối cùng, Đức Giê-su kết thúc đoạn văn này và cũng toàn bộ bài diễn từ này khi khẳng định rằng việc Ngài hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên là do ý muốn của Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại” (10: 17).

Đó là lý do tại sao Đức Giê-su nghiêm túc đối mặt với cuộc Khổ Nạn sắp tới của mình, nhưng hoàn toàn độc lập đối với những kẻ gây ra cái chết của Ngài, tức là các vị lãnh đạo Do thái hay viên Tổng Trấn Rô-ma: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”. Đồng thời, Đức Giê-su cũng báo trước cuộc Phục Sinh của Ngài: “Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy”. Sở dĩ Ngài phải chịu như thế chỉ vì: “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (10: 18). Vì thế, không có chuyện Đức Giê-su hóa giải sự bất hòa giữa Thiên Chúa với nhân loại bằng giá máu của Ngài vì tội lỗi của con người.

Đức Giê-su công bố những lời này khi Ngài tham dự lễ Lều vào mùa thu tại Giê-ru-sa-lem. Những lời công bố này sẽ vang dội xuyên suốt thời gian sắp tới và sẽ được hiện thực khi Ngài tham dự lễ Vượt Qua vào mùa xuân sang năm tại Giê-ru-sa-lem. Đó là cuộc Vượt Qua của Đức Giê-su từ Tử Nạn đến Phục Sinh và Vinh Thăng.

 

home Mục lục Lưu trữ