Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1352760

Chúa Bị Cám Dỗ Để Ta Khỏi Sa Chước Cám Dỗ

Chúa bị cám dỗ
để ta khỏi sa chước cám dỗ

 

Mở đầu Mùa Chay Thánh, Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu hãy nhìn vào cuộc sống của mình để thành tâm xám hối. Và để nói với chúng ta một cách đầy đủ, ý nghĩa hơn, Giáo Hội đã trưng dẫn tấm gương của chính Chúa Giêsu. Ngài đã bị thử thách và bị cám dỗ để chúng ta khỏi sa vào chước cám dỗ: “Khi ấy Thánh Thần dẫn người vào hoang địa và ở đó chịu ma quỷ cám dỗ” (Mt 4:1).

Thánh Thần hướng dẫn Chúa vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Đây là một hành động hết sức khó hiểu và nghịch lý. Vì Thánh Thần sao lại có thể làm thế cho Chúa Giêsu. Thế nhưng cũng qua việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ, mỗi khi chúng ta bị ma quỷ cám dỗ cũng có thể nói được là “Thánh Thần đã dẫn chúng ta đến chỗ để bị cám dỗ”, để qua đó, chúng ta có thể tránh khỏi sa chước cám dỗ.

CÁM DỖ

Thánh Kinh đã ghi nhận, từ buổi đầu sáng tạo đã có cám dỗ, và thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer, một thiên thần sáng láng như chính cái tên gọi của y. Rất tiếc Lucifer đã không vượt qua được cơn cám dỗ, và đã trở thành Satan tăm tối.

Tiếp đến, thụ tạo đầu tiên trong con người là Adong và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Và hai Nguyên Tổ này cũng đã gục ngã trước cám dỗ.

Như vậy cám dỗ là một cái gì hết sức mạnh mẽ, hết sức lôi cuốn, và rất khó chống cự. Chúa Giêsu sau khi đã trải qua những cám dỗ và thắng các cám dỗ cũng thấy được điều này, nên ngài đã dậy chúng ta không được coi thường bằng cách dựa vào sức lực, tài trí, và khả năng của riêng mình. Ngài dậy chúng ta phải cầu nguyện, và xin ơn trên ban xuống: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ”. Ngài gọi cám dỗ là một sự dữ. Sự dữ tồi tệ và khinh khủng đến độ chúng ta phải sa tránh và không được đến gần.

Vậy cám dỗ là gì mà kinh khủng và khó thắng vượt như vậy? Thánh Ký đã ghi nhận như sau:

“Sau khi đã ăn chay 40 đêm ngày, ngài thấy đói. Tên cám dỗ đến gần và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy biến những viên đá này thành bánh đi” (Mt 4:3). Và tiếp tới sau khi đã đưa ngài lên đỉnh cao của đền thờ, hắn nói với ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống đi. Vì có lời Thánh Kinh chép rằng ‘Ngài sẽ truyền cho các thiên thần nâng đỡ ông, để chân ông không vấp phải đá” (Mt 4:6). Rồi sau cùng khi đưa ngài lên đỉnh non cao, cho thấy tất cả vinh quang trần thế, hắn nói với ngài: “Nếu ông sấp mình thờ lậy ta, thì tất cả thuộc về ông” (Mt 4:9).

Đọc kỹ những gì Satan đã cám dỗ Chúa Giêsu như Thánh Ký đã ghi nhận, chúng ta thấy hiện ra ba hình thức cám dỗ:

  1. Các dỗ theo bản năng tự nhiên,
  2. Cám dỗ theo tình cảm,
  3. Cám dỗ theo lý trí. Tuần tự theo nhau từ cái dễ đến cái khó khăn. Từ bên ngoài vào đến bên trong.

1. Cám dỗ theo bản năng

Có lẽ vì thấy Chúa mang thân phận con người, nên Satan đã thử dùng bản năng để cám dỗ ngài trước: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy biến những viên đá này thành bánh đi” (Mt 4:3).

Là con người thì ai mà chả đói, nhất là sau khi đã ăn chay 40 đêm ngày. Đói thì tìm của ăn, khát tìm nước uống, không ai trong nhân loại thoái khỏi những hệ lụy này. Nhưng cái làm cho bản năng trở thành nguy hiểm và có thể làm cho con người bị ra hư hỏng đó là “tin vào bản năng của mình” “thần thánh hóa” bản năng ấy: “Nếu ông là Con Thiên Chúa”.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta tất cả đều cảm nhận được cái nguy hiểm và tinh vi của cơn cám dỗ này. Thái độ dối lòng mình, hoặc tự cho mình có khả năng thắng vượt thử thách đã làm cho nhiều người vấp ngã. Thí dụ, người uống rượu thường tự cho mình là có dư khả năng chừa được rượu. Hoặc uống một chút cho thiên hạ biết mình là người biết ăn chơi hoặc bản lãnh. Nhưng khi nói chuyện với một người say rượu mà bảo rằng họ là người nghiện rượu thì không bao giờ người đó nhận mình như vậy.

Những cám dỗ thuộc bản năng dầu sao cũng chỉ là những cám dỗ thuộc con người tự nhiên. Tuy vậy, cái thâm hiểm ở cám dỗ bản năng này là người bị cám dỗ không hề biết đó là những cám dỗ để cần phải xa tránh. Vì sau khi đã bị sa ngã ở đây, thường chúng ta sẽ tiếp tục vấp ngã ở những hình thức cám dỗ cao hơn do sự nghi ngờ về bản thể và bản chất của con người, cũng như tâm lý mặc cảm về những yếu đuối của mình.

Satan không trải qua những cám dỗ này, vì hắn thiêng liêng. Adong và Evà cũng không bị cám dỗ ở lãnh vực bản năng, vì lúc đó Nguyên Tổ còn đang trong thời gian mà lý trí có thể kìm hãm được bản năng. Không bị bản năng chi phối.

2. Cám dỗ theo tình cảm

Sau khi đã không thắng được Chúa Giêsu ở phương diện bản năng, Satan tiếp tục tấn công ngài về lãnh vực tình cảm. Đây là tình cảm tự tôn và tự đại. Từ trên đỉnh cao của đền thờ, hắn nói với ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống đi. Vì có lời Thánh Kinh ché rằng: Ngài sẽ truyền cho các thiên thần nâng đỡ ông, để chân ông không vấp phải đá” (Mt 4:6).

Cái cảm giác lâng lâng của một người nhẩy từ trên cao xuống, và nhất nữa là khi biết chắc được cha mình sẽ sai các người giúp việc đỡ lấy mình, không để chân mình chạm phải đá hẳn là thú vị lắm. Vì mình là Con Thiên Chúa mà.

Satan không qua cám dỗ này, nhưng đến Adong và Evà thì tình cảm đã nhen nhúm vào chước cám dỗ. Hai Nguyên Tổ tưởng rằng Thiên Chúa là cha thì cùng lắm cũng chỉ hù dọa thôi, làm gì đến độ phải ra tay xử nặng. Và từ cái cảm tình này đã dẫn Evà mon men đến gần cây Biết Lành Biết Dữ. Trái đẹp, thơm ngon, lại của Cha mình trồng, ăn một trái được lên cao trọng. Bất quá cha có xử thì cũng nhẹ tay mà (x. Sáng Thế 2:15; 3:6-7).

Tính chất thâm hiểm của cám dỗ đã lên cao hơn một bậc. Nó đã vượt qua bản năng tự nhiên để đi vào tâm lý và tình cảm của con người. Thất tình, lục dục là điều mà ít ai tránh khỏi. Hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Nó làm cho con người thường hay lẫn lộn Yêu thương và hờn ghét. Cảm tình và dục vọng. Buồn và vui. Thất vọng và Hy vọng.

Những cám dỗ này nếu được che dấu dưới cái mác đạo đức, thương người, dưới cái mác công bằng, tình thương, thì rất khó để chúng ta phân biệt. Nguyên Tổ đã vấp ngã. Và rất nhiều lần chúng ta đã vấp ngã.

3. Cám dỗ theo lý trí

Nhưng có lẽ cám dỗ đi vào thượng tầng trí tuệ của con người mới là những cám dỗ gây cấn và nguy hiểm. Sau khi đã thất bại cám dỗ Chúa dùng bản năng, dùng tình cảm của mình, giờ đây tên cám dỗ tấn công một “chưởng” cuối, đó là đánh vào tâm trí tự kiêu của con người. Thánh Kinh ghi khi đưa ngài lên đỉnh non cao, cho thấy tất cả vinh quang trần thế, hắn nói với ngài: “Nếu ông sấp mình thờ lậy ta, thì tất cả thuộc về ông” (Mt 4:9).

Được làm vua toàn thể trái đất, vinh quang nhất mực là điều mà ai cũng thèm khát và mong mỏi. Làm tổng thống Hoa Kỳ đã là một danh vọng tột bực mà nhiều người thèm khát. Làm đến Giáo Hoàng càng vinh quang và quyền lực hơn. Nhưng được tất cả mọi sự dưới gầm trời này thì đó là điều càng làm cho con người thèm thuồng và ham muốn hơn.

Lucifer đã ngã thua cám dỗ này khi hắn thấy mình quá khôn sáng. Hắn tưởng đã đến lúc có thể làm Chúa Trời được, nên đã hãnh diện tuyên bố:

“Ta sẽ lên trời.
Trên các vì sao của Thiên Chúa,
ta sẽ bác ngai ta.
Ta sẽ ngự trên núi Tao Phùng,
nơi bồng lai cực bắc.
Ta sẽ lên chót vót từng mây,
nơi ta sẽ đồng hàng với Thiên Chúa”

(Is 14:13-14).

Nhưng Lucifer đã không được như hắn muốn. Nơi chót vót tầng mây giờ đây trở thành vực sâu tối tăm. Và nơi bồng lai cực bắc trở thành hỏa hình muôn thuở. Hắn biết mình đã thua Thiên Chúa, nên hắn càng cao ngạo và không muốn bất cứ ai tốt lành và may mắn hơn hắn. Và vì thế mà thảm cảnh vườn Diệu Quang đã xẩy ra. Cũng bằng tâm thức cao ngạo muốn biết lành và biết dữ, muốn bằng Thiên Chúa mà Nguyên Tổ đã bị giáng phạt.

Vì không hoàn toàn tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nên hắn đã mang cái lý trí tự kiêu kia ra, để một lần nữa mong thắng được trận chiến cuối này, vì dầu sao chiếm được lý trí, chiếm được thượng tầng suy tư của con người cũng là chiếm được tất cả con người.

Trên đây là 3 hình thức cám dỗ mà qua trình thuật của Thánh Kinh chúng ta có thể nhìn thấy và hiểu ra được. Mang thân phận con người và để đồng cảm với con người, Chúa Giêsu đã trải qua cả 3 hình thức cám dỗ ấy. Ngài muốn cho chúng ta hiểu rằng muốn chiến thắng được bản năng cần phải chiến thắng được những dục vọng đang thôi thúc nó. Những dục vọng thầm kín, những thôi thúc con người tìm cầu và khỏa lấp những ước muốn thấp hèn trong đó bản năng dục vọng được kể là mạnh nhất.

Ngài cũng muốn cho chúng ta hiểu rằng, ngoài con người bản năng ra, chúng ta còn bị chi phối bởi những thu hút về mặt tình cảm, mà sự thu hút của nó khiến chúng ta dễ giận, dễ ghét, dễ bực bội, dễ cau có. Sống theo cảm tính cũng là sống theo những đòi hỏi của những xu hướng giác quan mà thị giác là một phần quan trọng. Thanh sắc. Ít ai có thể dễ dàng chống cự nổi những cám dỗ này. Trước những lời đường mật, và trước sức hấp dẫn thu hút của sắc đẹp mà cửa ngõ đi vào là con mắt. Và đó cũng là những cám dỗ mà con người cần phải xa tránh.

Và sau cùng là trí khôn, lòng muốn, mà sự kiêu căng tự phụ là điều hết sức quan trọng. Lucifer, Adong và Evà, và ngay tất cả mọi người chúng ta, khi nói đến những sa ngã và yếu thì thường liên kết với tính kiêu căng, tự phụ. Với ý tưởng và ước muốn làm Thiên Chúa hoặc ngang hàng với Thiên Chúa. Và đầu mối tội đầu chính là sự cao ngạo của mỗi con người.

CHÚA CHIẾN THẮNG CÁM DỖ

Mở đầu, trích đoạn Thánh Ký đã ghi nhận một điều khiến chúng ta tìm ra được cái ý nghĩa cốt lõi của thử thách và cám dỗ: “Ngài được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang điạ”. Như vậy, khi một chước cám dỗ đến, hay nếu vì yếu đuối mà ta để mình rơi vào cơn cám dỗ, chúng ta cũng có thể nhìn ra được cái ý nghĩa sau cùng của nó, chính là Thiên Chúa đã cho một cơ hội để con người chiến thắng thần dữ. Bằng cách chiến thắng chính bản năng của mình. Bằng cách chiến thắng chính cảm tình của mình. Và bằng cách chiến thắng chính ý chí của mình. Do lời cầu xin và thái độ khiêm nhường.

Chúa Giêsu đã dùng Lời Chúa: “Có lời chép rằng”. Lời chép đây là lời Thiên Chúa, là Thánh Kinh. Mà Thánh Kinh là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.

Riêng về thân phận yếu đuối của con ngưòi, chúng ta phải đến với Thiên Chúa nguồn sức mạnh và đỡ nâng để như Chúa Giêsu đã dậy, chúng ta phải hằng ngày cầu xin: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Cám dỗ. Đó là những thôi thúc, mời gọi chúng ta luôn luôn muốn tìm kiếm cái tôi, đề cao tự ái, thoả mãn dục vọng, thỏa mãn tình cảm, và nhất là dễ dàng suy phục Satan để tìm được những danh vọng, quyền lực chóng qua của trần gian mà chấp nhận mất phúc Thiên Đàng.

Lậy Chúa là Cha nhân lành, đầy tình yêu thương và săn sóc. Chúa đã bị cám dỗ và đã chiến thắng tên cám dỗ. Xin cho chúng con biết xa tránh và chiến thắng các chước cám dỗ nhân danh sức mạnh, tình thương, sự chở che, và quan phòng của Chúa. Amen.

 

T.s. Trần Quang Huy Khanh

home Mục lục Lưu trữ