Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 34
Tổng truy cập: 1362369
CHÚA ĐÃ PHỤC SINH
-
Chúa đã Phục Sinh
(R. Veritas)
Chúa Giêsu Kitô đã Phục Sinh… Thánh Gioan đã tường thuật trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay như một nhân chứng mắt thấy tai nghe. Ngài diễn tả hành trình mà các tông đồ, cụ thể là Maria Mácđala, Phêrô và Gioan đã trải qua để tiến đến niềm tin “Chúa đã Phục Sinh”.
Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích,… chúng ta là những người khờ dại nhất vì chúng ta tin tưởng vào một điều hão huyền” (1Cr 15,12-19).
Vậy Phục Sinh là gì? Đâu là ý nghĩa của biến cố Phục Sinh?
***
Để hiểu thấu mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta cần dừng lại thật lâu bên mộ Chúa. Một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai (Ga 19,41). Ngôi mộ này của ông Giô-xép, người trong Thượng Hội Đồng, và cũng là một môn đệ âm thầm của Đức Giêsu. Ông đã đến gặp chính quyền để xin xác của Thầy mình và tẩm liệm cẩn thận. Hãy đến thăm mộ Chúa vào ngày thứ Bảy, thật vắng lặng, không có ai. Ngôi mộ nằm im lìm như trăm ngàn ngôi mộ khác. Một tảng đá to ngạo nghễ che cửa mồ. Kẻ thù ghét Chúa đã hả hê vui sướng vì đã nhổ được một cái gai. Tử thần đắc ý vỗ tay reo vui vì Đấng là Sự Sống đã bị thất bại. Xác Đức Giêsu nằm trong mộ tối tăm, như hạt lúa ủ trong lòng đất. Có ai nghe được tiếng hạt giống cựa mình không? Có ai thấy được một mầm non đang nhú lên không?
Đêm dài quá! Ba phụ nữ chỉ mong cho chóng sáng. Họ thấp thỏm không ngủ được, chỉ nghĩ đến ngôi mộ với xác của Thầy nằm trong đó. Và khi lóe lên những tia nắng đầu tiên của mặt trời, thì cả ba bà đã sẵn sàng ra thăm mộ, với dầu thơm vừa mua được để ướp xác. Khi đi đường, họ chỉ có một nỗi bận tâm: “Ai sẽ lăn giùm tảng đá ra cho chúng ta?” Tảng đá thật to là một trở ngại… Nhưng lạ thay, khi đến nơi, các bà thấy tảng đá đã được lăn ra một bên, và xác của Thầy cũng không còn ở trong mồ.
Từ ngôi mộ, từ tối tăm chết chóc và rữa nát, sự sống đã bật dậy, làm bàng hoàng sửng sốt. Không cần phải lăn tảng đá. Không cần phải xức dầu thơm. Cửa mộ đã mở toang, vì ngôi mộ không thể chứa được Đấng đã phục sinh …
Phục Sinh của Đức Giêsu không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp con trai bà góa thành Na-im (Lc 7,11-17), như con gái ông Gia-ia (Lc 8,40-56), và đặc biệt như ông La-za-rô (Ga 11,1-45). Cả ba trường hợp này người chết đã sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ, và một ngày nào đó họ cũng phải theo số phận chung của loài người là phải chết một lần nữa, phải trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền thống trị của sự chết.
Phục Sinh của Đức Giêsu là Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngài không sống lại một thời gian để rồi lại phải chết. Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết. Sự chết không còn làm gì được Ngài. Không định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Ngài
Phục Sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta. “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,24)
Để đón nhận được ơn Phục Sinh và để ơn Phục Sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, ta phải cộng tác với Chúa, tẩy trừ mọi lực lượng sự chết ra khỏi tâm hồn ta. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt vì ta phải chiến đấu với chính bản thân mình. Nhưng với ơn Chúa Phục Sinh trợ giúp, chắc chắn ta sẽ toàn thắng.
***
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Vẫn có những ngôi mộ trong đời con. Những ngôi mộ chôn vùi bao ước mơ, hy vọng, bao điều con yêu mến và ấp ủ. Chúng như dấu hiệu của mất mát, đổ vỡ, khổ đau, thất bại … Nhưng sự Phục Sinh của Chúa làm con tin rằng chẳng có mất mát, khổ đau, thất bại nào lại không thể làm con bừng tỉnh, lớn lên và trưởng thành. Ước gì giữa nước mắt, con cảm nghiệm được niềm vui, dám chôn đi điều phải chôn, mất đi điều phải mất.
Lạy Đấng là Nguồn Mạch Sự Sống,
Xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con. Amen.
(TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Sau khi Đức Kitô phục sinh, các môn đệ biến đổi lạ lùng. Maria Mácđala buồn sầu ảm đạm trở nên phấn khởi vui tươi. Tô-ma cứng cỏi trở nên tin tưởng. Hai môn đệ Emmau lạnh lùng trở nên sốt mến. Tất cả các môn đệ hèn yếu trở nên vững mạnh, từ ích kỷ nhỏ nhen chỉ biết lo cho quyền lợi bản thân trở nên quảng đại hiến thân cho Nước Chúa, từ chia rẽ tranh dành địa vị trở nên đoàn kết yêu thương, từ khép kín trở nên cởi mở đi đến với mọi người.
Chúa Phục sinh đổ vào tâm hồn các ngài một nguồn sống mới. Tâm hồn các ngài được ơn phục sinh. Ơn phục sinh được tóm tắt trong một câu ngắn gọn: “Ông đã thấy và ông đã tin”. Nhờ đâu các ngài đã thấy?
Các ngài đã thấy nhờ gắn bó với Chúa. Thương nhớ Thày, nên khi ngày Sabbat vừa chấm dứt các ngài đã vội vã ra thăm mộ Thày. Các ngài không đi, nhưng chạy. Các ngài chạy vì muốn thu ngắn quãng đường. Các ngài chạy vì muốn thu ngắn mọi khoảng cách ngăn các ngài với Chúa. Các ngài muốn ở sát bên Chúa. Các ngài muốn kết hiệp với Chúa.
Các ngài đã thấy vì đã biết dứt bỏ quá khứ. Khi nhìn vào mộ, các ngài thấy gì? Các ngài không thấy gì hết! Ngôi mộ trống rỗng. Không có gì, nhưng các ngài thấy tất cả. Nếu xác Chúa còn đó thì thật đáng buồn. Xác còn có nghĩa là Chúa vẫn còn trong thế giới kẻ chết. Ngôi mộ còn xác là ngôi mộ gieo niềm tuyệt vọng. Ngôi mộ trống là ngôi mộ chứa đầy niềm hi vọng. Ngôi mộ trống là một khởi điểm mới, là khối hỗn mang để Chúa làm nên một trời mới đất mới. Các ngài hiểu rằng không nên gắn bó với xác chết nhưng nên gắn bó với Đức Kitô đang sống. Không nên gắn bó với quá khứ chết chóc, nhưng nên gắn bó với tương lai tràn đầy sự sống.
Các ngài đã thấy vì đã có thái độ khiêm nhường. Tin mừng thuật lại: Các ngài đã “cúi xuống nhìn vào ngôi mộ”. Khi cúi xuống nhìn vào ngôi mộ, các ngài không thấy Chúa. Nhưng càng cúi xuống sâu các ngài thấy rõ mình. Chìm xuống đáy lòng như chìm xuống đáy đại dương, xa mọi sóng gió xôn xao. Càng nhìn vào đáy lòng mình, càng bắt gặp niềm bình an. Bình an là quà tặng Chúa Phục sinh rộng rãi ban phát cho các môn đệ sau khi Người sống lại.
Các ngài đã thấy vì đã nhìn với ánh mắt tin yêu. Thánh Gioan quan sát kỹ hiện trường nên đã miêu tả rất cặn kẽ: Khi ở ngoài mộ nhìn vào “Ông thấy những băng vải còn ở đó”. Khi đã bước vào trong mộ, Ông “thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”.
Là người gần gũi, quen biết các thói quen của Thày, thánh Gioan lập tức nhận ra dấu vết Người để lại. Khăn liệm được xếp đặt gọn gàng chứng tỏ bàn tay Người tự xếp đặt. Người tự xếp đặt tức là Người đang sống. Người bỏ khăn liệm vì Người không còn trong thế giới kẻ chết.
Trái tim yêu mến đã làm cho thánh Gioan nhạy bén cảm nhận được mầu nhiệm phục sinh.
Hôm nay, Đức Kitô phục sinh đang tuôn đổ ơn lành xuống cho ta. Để đón nhận được ơn lành của Người, ta hãy học tập nơi các môn đệ, biết tha thiết gắn bó với Người trong lúc vui cũng như lúc buồn, biết dứt khoát với quá khứ tội lỗi lười biếng, trì trệ, biết khiêm nhường chìm vào đáy sâu tâm hồn, biết nhìn thế giới bằng ánh mắt tin yêu.
Với những phấn đấu như thế, ta sẽ đón nhận được ơn Chúa Phục sinh. Chúa sẽ tuôn đổ Ơn Phục Sinh tràn ngập tâm hồn ta, biến đổi ta nên người mới, tràn đầy niềm vui, tràn đầy niềm hi vọng, tràn đầy sự quảng đại, tràn đầy tình yêu mến.
Lạy Đức Kitô phục sinh, xin cho linh hồn con được sống lại thật. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Chỉ một lần mừng lễ Phục sinh, tâm hồn các tông đồ đã đổi mới hoàn toàn. Còn ta, đã bao lần mừng lễ Phục sinh, sao ta chưa thay đổi đời sống?
2) Khi ngắm thứ nhất mùa Mừng: “Đức Chúa Giêsu sống lại, ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn”, bạn suy nghĩ gì? Bạn có thực sự tha thiết đổi mới cuộc đời không?
3) Bạn sẽ làm gì để sống ơn Phục sinh Chúa ban?
-
Niềm tin vào Chúa Phục Sinh
(TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Kitô đã phục sinh. Đó là niềm vui của chúng ta. Còn hơn thế nữa, đó là đức tin của chúng ta, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh của chúng ta có cơ sở vững chắc ở những bằng chứng khác nhau.
Có bằng chứng tiêu cực của các lính canh mộ. Khi an táng Chúa Giêsu, các thượng tế đã cẩn thận xin Philatô cho đóng cửa mộ bằng một phiến đá lớn rất nặng rồi cho niêm phong và cắt cử lính canh cẩn thận. Nhưng khi Chúa sống lại, ánh sáng rực rỡ chiếu lên chói lòa, cửa mộ bật tung, lính canh hoảng sợ chạy trốn. Sau đó lính canh đi loan tin rằng: Trong khi chúng tôi ngủ, các môn đệ đến lấy trộm xác Chúa. Ai cũng biết đó là tin giả. Vì các môn đệ còn đang rất sợ hãi, trốn chạy, làm sao dám lấy trộm xác. Thánh Augustinô đã bài bác điều này khi nói: Lính canh ngủ hay thức. Nếu họ thức thì làm sao họ để cho các môn đệ lấy trộm xác Chúa. Nếu họ ngủ, làm sao họ biết là các môn đệ lấy trộm xác Chúa.
Có những bằng chứng tích cực của các môn đệ. Sáng sớm, ba người đầu tiên đã đến mộ và không thấy xác Chúa. Bà Mađalêna hốt hoảng cho rằng người ta đã lấy mất xác Chúa. Phêrô vào trước nhưng chưa có ý kiến gì. Gioan vào sau. Ông đã thấy và đã tin. Ông thấy gì? Ông thấy khăn che đầu và khăn liệm xếp đặt gọn gàng trong mộ. Là người môn đệ được Chúa yêu thương ông có một trực giác đặc biệt. Hơn nữa ông đã biết rõ thói quen của Chúa. Nhìn khăn liệm xếp đặt gọn gàng, ông nhận ra thói quen đó. Tuy nhiên niềm tin ban đầu còn mơ hồ. Niềm tin chỉ chắc chắn nhờ được củng cố bằng việc trực tiếp nhìn thấy Chúa.
Sau ngày phục sinh, Chúa hiện ra nhiều lần với nhiều người. Hiện ra với các môn đệ trong căn phòng đóng kín. Hiện ra với Tôma và cho ông xem các vết thương ở tay, chân và cạnh sườn. Hiện ra với hai môn đệ đi đường Emmaus. Hiện ra trên bờ biển và chỉ dẫn cho các môn đệ đánh một mẻ cá lạ lùng. Nhưng có lẽ cuộc hiện ra có tác động mãnh liệt nhất là với Phaolô. Thuở ấy Phaolô còn có tên là Saolê, một người Do Thái thù ghét Chúa Giêsu, hăng say đi tìm bắt những người tin Chúa. Ở Damas, ông bị một làn ánh sáng chói lọi chiếu vào khiến mù mắt. Con ngựa hất ông ngã lăn xuống đất. Và có tiếng từ trời phán bảo: “Saolê, Saolê, tại sao ngươi tìm bắt ta”. Hoảng sợ Saolê thưa: “Thưa ngài, ngài là ai”. Tiếng từ trời trả lời: “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt”. Từ đó Saolê tin vào Chúa Kitô Phục sinh, trở thành Phaolô, một tông đồ nhiệt thành đi loan Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người.
Những kết quả của việc Chúa Phục sinh được thấy rõ ràng. Trước hết là sự đột biến nơi các môn đệ. Ngày Chúa chịu chết, các ông là những người nhút nhát, trốn chạy, thậm chí còn phản bội, chối Chúa. Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, các ngài thay đổi một cách mãnh liệt. Đang nhút nhát, ẩn trốn bỗng hiên ngang xuất hiện ở chốn công khai. Đang phản bội, chối Chúa bỗng hăng hái ra đi làm chứng cho Chúa. Đang sợ hãi bỗng trở nên can đảm lạ thường. Không những vui mừng được chịu đau khổ vì Chúa mà còn sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Chắc chắn các ngài đã được gặp Chúa nên con người các ngài đã biến đổi tận gốc rễ. Chắc chắn các ngài đã gặp Chúa nên lời chứng của các ngài có sức thuyết phục.
Thật vậy, làm sao những người tín hữu đầu tiên tin vào lời chứng của các tông đồ đến nỗi sẵn sàng bỏ của cải làm của chung, sẵn sàng chịu sống chui rúc, trốn chạy cuộc bách hại của đế quốc La mã, sẵn sàng chịu chết vì đức tin của mình. Làm sao Giáo hội có thể tồn tại hơn 2.000 năm, qua biết bao nhiêu khó khăn thử thách do những người muốn tiêu diệt đạo gây nên. Nếu Chúa không Phục sinh, không thể giải thích được những việc đó.
Chúa Phục sinh, đó là nền tảng của đức tin. Đó là sự vững chắc của Giáo hội. Và đó là chính là niềm hy vọng lớn lao của chúng ta. Chúa phục sinh biến đổi thân phận chúng ta. Từ thân phận phải chết sẽ được sống lại với Chúa. Từ thân phận tội lỗi được trở nên trong sạch. Từ cát bụi phàm trần được trở lại làm con Chúa. Từ định mệnh mong manh phù du được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong nhà Cha trên trời.
Lễ Chúa Phục Sinh đem lại cho ta niềm vui lớn lao. Vì thế mừng lễ Chúa Phục Sinh mời gọi ta biến đổi đời sống nên tươi mới cho xứng đáng với niềm tin, xứng đáng với phẩm giá của con người được Chúa yêu thương cứu chuộc.
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen!
(Như Thầy Đã Yêu” – Thiên Phúc)
Một bề trên tu viện Công giáo đến tìm một ẩn sĩ Ấn giáo tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Ông lo âu trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.
Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân khắp nơi tuôn đến. Nhà dòng không còn chỗ nhận thêm người xin gia nhập. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người. Cuộc sống thật là buồn tẻ.
Vị bề trên hỏi tu sĩ Ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi nào đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ Ấn giáo ôn tồn bảo:
– Tội của cộng đoàn đó là tội vô tình.
Và ông giải thích:
– Đấng Cứu thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Người.
Từ đó, mọi người đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu bầu khí yêu thương huynh đệ thắm thiết, sức sống mới nảy sinh, và niềm vui tràn ngập tu viện. Khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện tĩnh tâm cầu nguyện. Nhiều bạn trẻ lại đến xin gia nhập cộng đoàn.
“Sao các bà lại tìm người sống giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi” (Lc 23, 5-6). Buổi sáng Phục Sinh đầu tiên, Đức Giêsu đã vinh thắng ra khỏi mộ tối, để mở đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu rỗi. Người đã hiện ra với Madalêna, với Phêrô, với hai môn đệ trên đường Emmau, với các môn đệ đang tập họp trong nhà cửa đóng kín, trên bờ biển Tibêria. Và Người vẫn còn hiện diện giữa chúng ta, những kẻ tin vào Người, ở mọi nơi, trong mọi thời đại. Đó là một Tin vui không chỉ cho thành Giêrusalem mà còn cho toàn thế giới.
Tin vui chính là Đức Giêsu Phục Sinh, ánh sáng rạng ngời đã xóa tan bóng tối của tử thần và tội lỗi, để dẫn đưa con người bước vào miền ánh sáng sự sống.
Tin vui chính là Đức Giêsu Phục Sinh luôn hiện diện giữa những kẻ tin Người sống lại để mang lại cho họ niềm vui và an bình trong cuộc sống mới. Nếu ngôi mộ tối đã không thể giam giữ Đức Giêsu Phục Sinh, và xiềng xích của sự chết đã bị Người bẻ gẫy, thì không còn gì có thể tiêu diệt chúng ta được. Thánh Phaolô viết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35).
Vì thế,
Sống niềm vui Phục Sinh chính là chết đi cho tội lỗi để sống lại với Chúa trong đời sống Phục Sinh.
Sống niềm vui Phục Sinh chính là tin rằng Chúa đã sống lại và đã cứu thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi, nên chúng ta hãy đặt niềm tin và hy vọng nơi Người.
Sống niềm vui Phục Sinh chính là sống vui tươi, an bình và yêu thương trong sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh.
Công đoàn tu viện trong câu chuyện kể trên chỉ tìm được bầu khí yêu thương và niềm vui huynh đệ khi mà mọi người nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ, trong người anh em.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vượt qua khổ nạn và cái chết để Phục Sinh về với Chúa Cha. Xin cho chúng con biết: Vượt qua ích kỷ nhỏ nhen để quảng đại yêu thương. Vượt qua tự ái, tự kiêu để tha thứ bao dung. Vượt qua đau khổ, cực nhọc để dấn thân hy sinh.
Ước gì cuộc sống chúng con luôn mãi tràn đầy niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh. Amen.
10. Đêm hoa đăng ngày đại hội (Ga 20,1-9)
(“Như Thầy Đã Yêu” của Thiên Phúc)
Một nhóm bạn trẻ từ nhiều quốc gia đang bàn thảo về cách làm cho Tin Mừng Chúa được lang rộng. Họi nói về sự truyên truyền, về các tài liệu, về các phương tiện truyền thông hiện đại, về internet… Một cô gái Phi Châu nói: “Khi muốn truyền đạo cho một dân làng, chúng tôi không cho họ sách, chúng tôi gởi một gia đình đến sống trong làng. Và họ sẽ làm cho mọi người thành Kitô hữu”.
Quả là một phương pháp loan báo Tin mừng tuyệt vời. Phương tây có câu: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”. Chính đời sống gương mẫu, chứ không phải những lưòi nói suông, đã lôi kéo bao tâm hồn nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.
Tin mừng viết về tông đồ Gioan: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8b). Thấy là thấy sự kiện ngôi mộ trống, và tin là tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh từ cõi chết.
Kitô hữu là người xác tin rằng Đức Giêsu đã tử nạn và đã phục sinh. Niềm tin ấy phải được biểu lộ trong từng chi tiết của cuộc sống đời thường. Niềm tin ấy phải được minh họa trong từng ánh mắt, nụ cười, trong từng nghĩa cử yêu thương. Niềm tin ấy phải chiếu tỏa bằng những tấm gương người sáng. Ngọn nến Phục sinh mà người tín hữu thắp lên trong đêm Cực thánh phải lung linh chiếu sáng như trong đêm hoa đăng ngày đại hội.
Niềm tin Phục sinh phải được loan báo cho muôn dâng bằng đời sống chứng nhân của các kitô hữu.
Niềm tin Phục sinh phải được bày tỏ bằng một tình yêu xả thân trọn vẹn cho anh em.
Sống niềm vui Phục sinh là bằng lòng chết đi cho những đam mê của xác thịt; mai táng tính ích kỷ , tham lam, háo danh trong mộ đá, để được Phục sinh trong vinh quang với Người.
Sống niềm vui Phục Sinh là trỗi dậy sau những lần thất bại đắng cay, những mắt mát đớn đau trong cuộc đời để sống lại cùng với Đấng Phục sinh.
Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm vượt qua những khổ đau và thử thách, vì Chúa đã Phục sinh. Ước gì những ai gặp được chúng con là gặp được sức sống Phục Sinh của Chúa bừng lên trong lòng họ. Amen.
11. Nẻo đường tìm Chúa Phục Sinh
(AM Trần Bình An)
Hôm nay Lễ Phục Sinh, bài Tin Mừng của Thánh sử Gioan, chỉ có 9 câu ngắn ngủi, nhưng gói ghém thật cô đọng hành trình đi tìm Chúa Phục Sinh của ba người: Bà Maria Mácđala, ông Phêrô và Gioan, Người Môn Đệ Đức Giêsu Thương Mến.
Nẻo đường của ông Phêrô
Ông Phêrô sau khi chối Chúa ba lần trước khi gà gáy, đã kịp thời ăn năn khóc lóc thảm thiết, ngay khi gặp cái nhìn đầy yêu thương trìu mến và thương xót của Chúa Giêsu (Lc 22, 61). Ông vẫn theo Chúa xa xa. Vẫn nhận thức vai trò Đá Tảng mà Chúa Giêsu trao phó. Vẫn hăng hái và nhiệt thành. Nên nghe bà Mácđala báo tin ngôi mộ trống, bèn cùng ông Gioan, chạy đến ngay.
Sự mau mắn của ông biểu lộ lòng chân thành và tinh thần trách nhiệm cao độ. Ông vẫn hăng hái hành động, như từng rút kiếm, tấn công quân dữ đến bắt Chúa Giêsu, nhưng lóng ngóng, chỉ dám chém đứt tai người đầy tớ của thượng tế. Đáng tiếc thay, ông Phêrô đã mất thói quen cầu nguyện, nên thay thế vào đó cách xử dụng hung bạo, làm mất cơ trí đi, và lòng nhiệt thành của ông trở thành một thứ hăng say trái mùa. (ĐGM Fulton Sheen)
Thậm chí, sau khi đã được Chúa Giêsu hiện ra an ủi, chúc bình an, thổi hơi, ban Đức Chúa Thánh Thần, ông vẫn chưa mấy biến chuyển. Vẫn vô tư rủ bạn chài đi đánh cá. Nhọc nhằn thâu đêm chẳng được gì, thì tảng sáng Chúa hiện đến, chỉ các ông thả lưới bên phải mạn thuyền. Tức thời trúng thật đậm. Người Môn Đệ Được Chúa Thương Mến mới nhắc ông: “Chúa đó!” (Ga, 21, 7) Ông Phêrô chỉ biến đổi hoàn toàn, sau ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi đã được tràn đầy hồng ân Đức Chúa Thánh Thần.
Hành trình tìm Chúa Phục Sinh thật gian nan với ông Phêrô, tuy ông cũng được thấy Chúa hiện ra, nhưng đúng hơn là Chúa chủ động tìm đến với ông, thay vì ngược lại. Những tấm khăn liệm, băng vải, khăn che đầu đã che khuất tầm nhìn của ông, những hoạt động hăng say quá bận rộn bên ngoài, đã khuấy động tâm hồn ông, vốn rất ngay lành, đâm ra u mê, tăm tối.
Như thế, nếu tôi cũng chỉ nhiệt thành giữ đạo theo thói quen, chỉ hành động xuông như tập quán, kinh sách đọc rổn rảng, vô hồi kỳ trận, mà thiếu mất tâm tình cầu nguyện sốt sắng, mật thiết, và còn thiếu lòng ăn năn thống hối như Phêrô, thiếu ý chí và cố gắng nên tốt lành hơn. Bởi vì những thứ trên chỉ là phương tiện giúp nên thánh, mà phải có ý chí sửa đổi thì ân sủng Chúa mới hoạt động, ân sủng Chúa chỉ sinh hoa trái, khi có sự hợp tác của linh hồn mà thôi. Hơn nữa, tôi còn thiếu cả Thánh Thể, Của Ăn Đi Đàng, lẫn thiếu Lời Chúa dẫn dắt, làm sao tìm và gặp được Chúa Sống Lại trong tôi?
Nẻo đường của ông Gioan
Người Môn Đệ Được Chúa Thương Mến trái lại, trẻ trung, mạnh khỏe, nhanh nhẹn, chạy đến ngôi mộ trống trước ông Phêrô. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào (Ga 20, 5). Ông Gioan được cho là chàng thanh niên đã bỏ chạy khi Chúa Giêsu bị bắt (Mc 14, 51). Nhưng sau đó, vẫn can đảm theo Chúa vào dinh cựu thượng tế Khanan, rồi còn giúp đỡ ông Phêrô lọt vào bên trong (Ga 18, 16). Cho đến khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, ông Gioan cũng đứng dưới chân thánh giá cùng với Đức Mẹ Maria, bà Maria vợ ông Cơlopat, và bà Maria Mácđala.
Tuy đến ngôi mộ trước, ông chỉ cúi xuống, nhìn thấy băng vải trong đó, không vào ngay, mà nhẫn nại chờ đợi đại huynh Phêrô đến. Có nhiều cách giải thích sự chờ đợi này. Có thể vì kính trọng quyền huynh thế phụ, không dám vô lễ qua mặt ông Phêrô, bậc đàn anh? Có thể còn nghi ngại sợ hãi, nhát đảm, sợ bóng vía chăng? Hoặc là sợ đụng chạm vào khăn liệm, băng vải lỗi phạm lề luật chăng?
Nhưng chắc chắn là ông Gioan đã theo cùng ông Phêrô vào mộ. “Thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi… Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 7- 8).
Khi nhìn thấy băng vải và khăn che đầu xếp lại gọn ghẽ, tươm tất, đâu đó, cách xa nhau, ông Gioan có lẽ liên tưởng ngay đến thói ngăn nắp thứ tự thường nhật của Đức Giêsu, mà trước đây ông vẫn thường chứng kiến và đã quá quen thuộc. Ông liền nhận ra dấu chỉ kín đáo đó và đã mạnh dạn tin tưởng Chúa Phục Sinh.
Tuy chưa được gặp Chúa sống lại, nhưng lòng trung thành, tâm hồn tỉnh thức, nhạy bén, đã giúp hành trình ông gặp Chúa Phục Sinh đạt kết quả mỹ mãn. Ông đã gặp được Chúa ngay trong tâm hồn, mặc dù ông cũng chưa hiểu lời Kinh Thánh đã tiên báo mầu nhiệm này.
Ngày nay, Chúa vẫn ban phát rộng rãi những dấu chỉ, để nhận ra, và hiểu được Thánh Ý Chúa. Nhưng tôi có biết mở mắt, mở tai, mở lòng ra đón nhận hay không? Hay chỉ biết chạy theo dư luận, chạy theo những thông tin, những điềm báo kỳ dị, quái gở, ma thuật, có thể đe dọa, lấn át, khuynh đảo đức tin của tôi, vốn đang rất mong manh, yếu đuối?
Nẻo đường của bà Maria Mácđala
Bà Maria Mácđala đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi bảy quỷ dữ (Lc 8, 3). Sau đó bà theo Chúa Giêsu và dùng tiền của giúp Ngài, cũng như các môn đệ đi truyền giáo. Bà đã âm thầm, can đảm đi theo Chúa suốt cuộc khổ nạn. Bà cũng hiện diện dưới chân Thánh Giá cùng với Mẹ Maria và bà Maria, vợ ông Cơlopat, cùng ông Gioan, để chia sẻ nỗi đau khổ tận cùng Chúa Giêsu (Ga 19, 25). Bà Mácđala cũng tham dự mai táng Chúa Giêsu trong huyệt mộ (Lc 24, 55).
Vào ngày thứ nhất trong tuần, khi trời còn tối, bà đã vội chạy ra mộ Đức Giêsu để xức dầu thơm trên thi thể Ngài. Nhưng phát hiện ngôi mộ trống, tảng đá chắn mộ đã lăn ra. Bà hốt hoảng, tức tốc về báo tin ngay cho các môn đệ, ông Phêrô và Gioan.
Thoạt tiên, tưởng chừng tảng đá chặn ngôi mộ đã cản trở bà Mácđala tìm thấy Chúa Phục Sinh. Nhưng không, bà đã kiên trì đi trở lại ngôi mộ trống lần nữa để nhớ nhung, tiếc thương và than thở khóc lóc. Bà đã cầu nguyện theo cách riêng cũa bà, biểu lộ công khai lòng yêu mến Chúa tột cùng. Thậm chí bà cũng chẳng để ý hai thiên sứ đột nhiên xuất hiện. Bà quay lại thấy Chúa Phục Sinh, lại tưởng người làm vườn. Nhưng khi nghe Chúa thân thương gọi: “Maria!” bà liền nhận ra ngay Chúa Giêsu đã sống lại (Ga 20, 16).
Bà Mácđala được Chúa ủy thác loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông đồ, để các ông đi rao truyền khắp thế gian “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là của Cha của anh em. Lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20, 17).
Bà Mácđala đắm mình vào cầu nguyện, tâm tình với Chúa Giêsu, không còn bận tâm đến môi trường chung quanh, không chia lòng chia trí, dù các thiên thần tận tình hỏi han. Chính nhờ sự chuyên tâm và khát khao Chúa tột độ, bà là người đầu tiên so với các tông đồ, được diễm phúc thấy Chúa Giêsu Phục Sinh vinh hiển. Nẻo đường tìm Chúa Phục Sinh của bà Macđala rất thực tiễn, viên mãn và hiệu quả nhất, so với hai nẻo đường vòng vo kia.
Người hy vọng là người cầu nguyện. Đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm họ đề hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài (Đường Hy Vọng, 964).
Lạy Chúa, xin dạy con biết tìm kiếm Chúa mọi nơi, mọi lúc, qua những lời cầu nguyện chân thành, để con được sống lại với Ngài. Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đồng hành cùng Chúa Giêsu trong mầu nhiệm khổ nạn, xin Mẹ dẫn dắt, chỉ bảo và cầu bầu cho con, cảm nhận được Chúa Sống Lại trong tâm hồn, để con được cứu rỗi, đồng thời trở nên Chứng Nhân, phục vụ mọi người. Amen.
12. Bài giảng của ĐTC Benedictô 16
THÔNG ĐIỆP URBI ET ORBI – Ngày 23 tháng Ba, 2008
(Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch)
Resurrexi et adhuc tecum sum. Alleluia! – Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha. Allêluia! Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại, lặp lại những lời công bố hân hoan này với chúng ta hôm nay: lời công bố Phục Sinh. Chúng ta hãy chào đón lời công bố này với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn sâu xa!
Resurrexi et adhuc tecum sum – Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha. Những lời này, trích từ một văn bản cổ xưa của Thánh Vịnh 138 (c. 18b), được hát lên trong phần đầu của Thánh Lễ hôm nay. Trong đó, vào lúc ánh mặt trời của ngày lễ Phục Sinh đang vươn lên, Giáo Hội nhận ra giọng nói của chính Chúa Giêsu, Đấng mà khi sống lại hướng về Chúa Cha với tất cả niềm hân hoan và mến yêu, đã thưa lên: Cha ơi, này con đây! Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha, và Con sẽ ở bên Cha mãi mãi; Thần Khí của Cha đã không bao giờ bỏ rơi Con. Qua đó, chúng ta có thể đi đến một nhận thức mới về những đoạn khác trong Thánh Vịnh này: “Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài… cả tối tăm cũng chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau.” (Tv 138: 8, 12). Thật thế: trong đêm canh thức Phục Sinh long trọng này, bóng tối trở thành ánh sáng, đêm đen nhường chỗ cho ngày sáng không có chiều tàn. Cái chết và sự phục sinh của Ngôi Lời nhập thể là một biến cố của tình yêu bất khả chiến bại, đó là chiến thắng của Tình Yêu giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết. Chiến thắng ấy đã thay đổi dòng lịch sử, ban cho sự sống nhân loại một ý nghĩa, một giá trị vĩnh cửu và mới mẻ.
“Con đã sống lại, Con vẫn ở gần bên Cha đến muôn đời.” Những lời này mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô Phục Sinh, trong khi để cho tiếng nói của Người vang vọng trong tim ta. Với hiến tế cứu độ của Người, Chúa Giêsu thành Na-da-rét đã làm cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, để cả chúng ta cũng được dự phần trong cuộc đối thoại mầu nhiệm giữa Người và Chúa Cha. Chúng ta được nhắc nhớ về những lời Người đã từng nói với những ai lắng nghe: “Mọi sự đã được Cha Ta giao phó cho Ta. Và không ai biết rõ Cha trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 27). Trong hướng nhìn này, chúng ta ghi nhận rằng những lời Chúa Giêsu Phục Sinh nói với Chúa Cha hôm nay – “Con vẫn hằng ở bên Cha” – cũng áp dụng gián tiếp cho cả chúng ta, “những con cái của Thiên Chúa và là những người đồng thừa tự với Chúa Kitô, miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người ngõ hầu chúng ta có thể cùng được hưởng vinh quang với Người” (x. Rm 8, 17). Qua sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, hôm nay chúng ta cũng vươn đến một cuộc sống mới, và khi liên kết tiếng nói của chúng ta với tiếng nói của Người, chúng ta công bố rằng chúng ta muốn lưu lại muôn đời bên Thiên Chúa, người Cha tốt lành và nhân hậu vô biên.
Bằng cách này, chúng ta tiến vào những chiều sâu của mầu nhiệm Vượt Qua. Biến cố đầy kinh ngạc về sự phục sinh của Chúa Giêsu bản chất là một biến cố của tình yêu: tình yêu của Chúa Cha khi trao ban Con của Người để cứu chuộc trần gian; tình yêu của Chúa Con trong sự vâng phục Chúa Cha vì tất cả chúng ta; tình yêu của Chúa Thánh Thần khi nâng Chúa Giêsu từ kẻ chết lên thân thể được biến đổi sáng láng của Người. Và còn nữa: tình yêu đáp trả của Chúa Cha “ôm ấp” Chúa Con “cách mới mẻ”, bao bọc Người trong vinh quang; tình yêu đáp trả của Chúa Con đối với Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, được trang hoàng bằng nhân loại đã được biến đổi. Từ nghi thức hôm nay, chúng ta sống lại cảm nghiệm tuyệt đối, một lần cho tất cả về sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta nhận được lời mời gọi hoán cải cho Tình Yêu; chúng ta nhận được lời mời gọi loại trừ thù hận và ích kỷ, và bước theo trong vâng phục những bước chân của Chiên Con bị sát tế vì ơn cứu độ chúng ta, để bắt chước Đấng Cứu Chuộc là Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, Đấng là “nơi yên nghỉ cho linh hồn chúng ta” (x. Mt 11, 29).
Anh chị em Kitô hữu mọi nơi trên thế giới thân mến, anh chị em là những người nam nữ có tinh thần chân thành mở rộng cho sự thật, xin đừng để con tim nào đóng lại trước quyền năng của tình yêu cứu độ này! Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại cho tất cả mọi người; Người là niềm hi vọng của chúng ta – là niềm hi vọng đích thực cho mỗi người. Hôm nay, như Người đã làm với các môn đệ tại Galilê trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến mọi nơi như những chứng nhân hi vọng, và Người bảo đảm với chúng ta: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). Khi hướng lòng trí chúng ta vào những vết thương nơi thân thể biến đổi của Người, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của đau khổ, chúng ta có thể chăm sóc cho nhiều vết thương đang tiếp tục làm biến dạng nhân loại trong chính thời đại chúng ta. Nơi những thương tích vinh quang của Người, chúng ta nhận ra những dấu chỉ không thể tàn phai của tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng mà các tiên tri loan báo: chính Người băng bó những tấm lòng tan nát, bảo vệ kẻ cô thế, công bố tự do cho kẻ bị giam cầm, an ủi mọi kẻ khóc than, ban cho họ dầu thơm hoan lạc thay tang chế, và bài tụng ca thay tâm hồn sầu não (x. Is 61, 1, 2, 3). Nếu chúng ta tiến lại gần Người với một lòng tín thác khiêm cung, chúng ta sẽ gặp thấy trong ánh mắt Người lời đáp trả cho những khát vọng sâu xa nhất trong tâm hồn chúng ta: đó là được biết Chúa và được thiết lập một tương quan sống động trong sự hiệp thông thực sự của tình yêu, một sự hiệp thông lấp đầy cuộc đời ta, và những quan hệ giữa con người và xã hội với cùng một tình yêu như thế. Vì lí do này, nhân loại cần Chúa Kitô: trong Người chúng ta có niềm hi vọng, “chúng ta được cứu rỗi” (x. Rm 8: 24).
Rất thường là những quan hệ giữa các cá nhân, giữa các nhóm và giữa các dân tộc đã không được đánh dấu bởi tình yêu mà bởi sự ích kỷ, bất công, thù hận và bạo lực! Đó là những tai ương của nhân loại, công khai và âm ỉ ở khắp chân trời góc biển, dù thường khi chúng bị lờ đi và đôi khi được cố ý che dấu; đó là những vết thương tra tấn những linh hồn và thân xác của biết bao người anh chị em chúng ta. Những vết thương đó đang chờ được chăm sóc và chữa lành bởi những vết thương vinh quang của Chúa Phục Sinh (x. Pr 2, 24-25) và bởi tình liên đới của những ai đang bước theo bước chân Người, thực thi những việc bác ái nhân danh Người, dấn thân tích cực cho công lí và loan truyền những dấu chỉ hi vọng rực sáng trong những miền đẫm máu bởi xung đột cũng như ở bất cứ nơi đâu mà phẩm giá con người tiếp tục bị sỉ nhục và chà đạp. Chúng ta hi vọng rằng đây chính là những nơi mà những hành động tự chế và tha thứ sẽ được gia tăng!
Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy để cho ánh sáng toả chiếu từ ngày long trọng này thắp sáng chúng ta; chúng ta hãy mở rộng con người chúng ta với lòng phó thác chân thành nơi Chúa Kitô phục sinh để cho vinh quang của Người trên tội lỗi và sự chết có thể chiến thắng khải hoàn nơi mỗi người chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong các thành phố và trong các quốc gia chúng ta. Hãy để ánh sáng này chiếu soi mọi miền thế giới. Cách riêng, làm sao chúng ta lại có thể quên một số nơi ở Châu Phi, như Dafur và Sô-ma-li-a, miền Trung Đông bị xâu xé, đặc biệt Thánh Địa, I-rắc, Li-Băng, và cuối cùng là Tây Tạng, tôi khích lệ tất cả mọi người hãy tìm ra những giải pháp bảo vệ hoà bình và thiện ích chung! Chúng ta hãy khấn xin sự viên mãn của hồng ân Vượt Qua của Người, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Đấng sau khi đã thông phần những đau khổ trong cuộc thương khó và khổ hình thập giá của người Con vô tội của Mẹ, cũng được hưởng niềm hân hoan khôn tả của sự phục sinh của Người. Được chia sẻ vinh quang của Chúa Kitô, xin Mẹ là người bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trên nẻo đường đi đến tình liên đới huynh đệ và hoà bình. Đó là những lời chúc Phục Sinh của tôi gửi đến những ai hiện diện nơi đây, cũng như những người nam nữ của mọi quốc gia và lục địa đang hiệp nhất với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Xin chúc mừng Phục Sinh!
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam