Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1356032

CHÚA GIÊSU GỌI NHÓM MƯỜI HAI

CHÚA GIÊSU GỌI NHÓM MƯỜI HAI

 

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Chúa Giêsu biết rằng Ngài chỉ sống ở trần gian một thời gian ngắn và sứ mệnh của Ngài phải được tiếp tục cho đến tận thế. Vì thế, Ngài đã kêu gọi một số người mà các thánh sử gọi là Nhóm Mười Hai và cả nhóm bảy mươi hai.

Ngài huấn luyện họ sống như Ngài, thâm hiểu giáo thuyết của Ngài và chỉ dẫn cho họ đi rao giảng Tin Mừng của Ngài.

Lần này ra quân, Ngài chỉ thị cho họ rõ ràng như một vị tướng trước khi ra trận. Công việc Ngài giao cho họ là rao giảng, vì thế, họ phải sống sứ mệnh cách triệt để.

Không bận tâm về những gì khác. Chỉ mang theo những gì cần thiết mà thôi. Họ phải đi đường xa, cây gậy là không thể thiếu. Đi đường đôi khi cũng có thể gặp chó sói, cây gậy cũng là vũ khí tự vệ. Đi đường xa cũng cần đi dép. Đa số dân đi chân không. Không được mang theo tiền bạc áo xống hay lương thực, vì đến nơi nào sẽ được nuôi ăn. Chỉ mang theo Lời Chúa mà thôi.

Đến nơi nào, vào nhà nào người ta đón tiếp phải ở đó cho đến khi ra đi vì không ở lâu. Không được đi từ nhà này sang nhà khác tìm nhà nào vừa ý. Thời bấy giờ, việc đón tiếp khách là một bổn phận của người Do Thái.

Thời bấy giờ, người ta có thể ngủ mà không cần phải đóng cửa nhà, vì không sợ trộm cướp. Hôm nay không còn được như thế. Cửa đóng then gài mà vẫn còn bị trộm cướp. Không ai dám đón tiếp một người khách lạ lỡ đường.

Người rao giảng Tin Mừng luôn là một lữ khách. Không bám trụ. Các tiên tri thời xưa vẫn là những lữ khách. Lời Chúa không chỉ dành cho một nơi nào. Phải loan truyền trên mọi mái nhà.

Chúa Giêsu chính là vị lữ hành. Ngài rảo khắp nơi và không mõi mệt, đến nỗi có lúc không có giờ dùng bữa. Người rao giảng Tin Mừng lắm khi cũng gặp sự từ chối. Chúa bảo hãy phủi bụi chân cảnh cáo họ. Tin Mừng là một hồng ân nhưng không. Chúng ta có quyền đón nhận và cũng có quyền từ chối, nhưng từ chối sẽ là một tai hại. Dân Nadaret đã từ chối và không được hưởng nhờ hồng ân của Chúa.

Chúa Giêsu không bảo phải giảng những gì. Thánh Maccô chỉ ghi lại: “Các ông ra đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”.

Có thể đó là nội dung đầu tiên và là một điểm quan trọng của cuộc rao giảng.

Lúc mới bước ra rao giảng, Chúa Giêsu cũng không rao giảng điều gì mới lạ, Ngài cũng kêu gọi: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến”.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Thánh Phêrô, sau khi được đầy tràn Thánh Thần, ngày lễ Ngũ Tuần, trong bài giảng đầu tiên, cũng kêu gọi mọi người sám hối.

Các tiên tri thời xưa luôn kêu gọi dân Israen trở về với Chúa, từ bỏ tà thần để được sống.

Thiên Chúa là cùng đích của cuộc đời. Phải trở về với Chúa mới được sống, vì chỉ có Chúa mới ban cho chúng ta sự sống thật, sự sống vĩnh cửu. Dân Do Thái nhiều lần đã bỏ Chúa và chỉ gặt hái được sự khốn khổ.

Hôm nay, chúng ta cũng cần trở về với Chúa, vì ít nhiều, chúng ta bị chi phối bởi đời sống vật chất và lãng quên nguồn sống của chúng ta. Nhiều người tưởng rằng tiền bạc của cải là bảo đảm cần thiết, nhưng thực tế cho chúng ta thấy, không có gì bảo đảm cả. Mọi sự đều mong manh, mọi sự đều qua. Tai nạn vẫn không ở trong tầm kiểm soát của chúng ta. Những người giàu cũng bị tai nạn máy bay. Những cuộc vui đầy hứa hẹn nhiều lúc kết thúc trong nước mắt. Chiếc tàu Titanic, đẹp nhất thế giới, mang theo hàng ngàn người giàu có đã đụng vào một tảng đá ngầm. Cuộc vui hứa hẹn đã kết thúc thảm hại.

Con người hôm nay càng cảm thấy mình nhỏ bé trước sự tàn phá của bạo lực. Cái gì có thể bảo đảm cho chúng ta nếu xảy ra thế chiến thứ ba?

Khoa học càng tân tiến, con người càng bị đe dọa. Đó là một thực tế trước mắt chúng ta.

Con người càng xa Chúa thì chỉ tiêu diệt lẫn nhau thôi. Những tranh chấp quyền lợi sẽ là tai họa ghê gớm nhất cho thế giới hôm nay.

Chúng ta hãy nghe lời Chúa mời gọi: Hãy trở về với Chúa là Tình Yêu, chúng ta mới mong thoát khỏi lo sợ và tuyệt vọng.

Có lẽ chúng ta không làm được gì. Chúng ta không thể ngăn cản sự gian ác đang lan tràn trên thế giới, nhưng chúng ta có thể tìm được sự bình an của Chúa khi trở về với Ngài. Đức Thánh Gioan-Phaolô II mời gọi mọi người thiện chí hãy xây dựng một nền văn minh hòa giải. Đó mới là con đường đưa đến bình an.

Sứ điệp của Chúa Giêsu là sứ điệp bình an. Ngài là sự bình an của chúng ta, khi chúng ta không còn một tham vọng nào khác mà chỉ còn một tham vọng duy nhất là được biết Ngài, và yêu mến Ngài mà thôi.

Các môn đệ đi rao giảng, trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho bệnh nhân và chữa lành họ. Như Chúa Giêsu, với quyền bính Ngài trao ban, các môn đệ xua trừ ma quỷ, chữa lành các bệnh nhân. Phải chăng đây là dấu hiệu của Nước Trời đang đến?

Giáo hội hôm nay cũng đi theo đường lối của Chúa, kêu gọi mọi người, nhất là giới trẻ bước theo Chúa, huấn luyện họ nhiều năm và sai đi rao giảng.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ để đáp ứng như cầu của các linh hồn. Chúng ta cũng vui mừng thấy nở rộ nhiều tu hội, nhiều sáng kiến truyền giáo trên thế giới, và rất nhiều tâm hồn quảng đại đã bỏ mọi sự theo Thầy Chí thánh.

Mỗi Kitô hữu cũng là một người được sai đi rao giảng Nước Trời, trong phạm vi của mình, trong mọi môi trường. Chúa vẫn cần nhiều tay thợ để làm vườn nho cho Chúa, dù ban sáng hay ban chiều. Mỗi người chúng ta cần đóng góp phần của chúng ta vào công việc của Giáo hội cho danh Cha cả sáng.

Chúa Giêsu luôn ở với Giáo hội, trong từng người vì Ngài vẫn mãi là của ăn cho mọi tâm hồn. Ngài vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống của mỗi người chúng ta. Đừng tưởng chúng ta vô dụng. Chúa có thể biến những hòn đá thành con cái Abraham, nhưng Ngài muốn chúng ta đem thiện chí của mình, cộng tác với Ngài để cứu rỗi thế gian.

Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay cần được nghe Tin Mừng bình an của Chúa. Đừng có ai trong chúng ta ngồi không và nói rằng không ai thuê mướn chúng tôi.

Lời kêu gọi của Chúa luôn vang vọng hằng ngày qua mọi biến cố: “Hãy vào làm vườn nho cho Ta”.

 

10.Phục vụ người nghèo

Như chúng ta đã biết: thánh Phanxicô Assisi, sinh trong một gia đình giàu có. Thuở niên thiếu, người là một cậu bé lêu lỏng hoang phí. Thế rồi vào năm 1202, thành phố Assisi và Perugia bỗng trở nên thù địch nhau. Phanxicô gia nhập quân đội Assisi và lên đường chiến đấu. Chàng bị bắt làm tù binh. Sau đó bị xiềng và giam trong hầm ngục dơ bẩn suốt một năm. Khi được trả tự do, phải mất một thời gian dài, sức khoẻ chàng mới được khôi phục. Chính biến cố này đã thay đổi cuộc đời chàng. Chàng dẹp bỏ những bộ quần áo đắt tiền và khoác lên người bộ quần áo công nhân nghèo khổ. Chàng từ giã gia đình để sống đời ẩn sĩ khổ hạnh. Chàng đặc biệt lưu tâm tới những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Sở dĩ tình thương ấy lớn mạnh trong tâm hồn chàng là do mối xúc cảm sâu xa trước hai lời giáo huấn trong Kinh Thánh.

Lời giáo huấn thứ nhất nằm trong sách Sáng Thế Ký, đó là mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh Chúa. Giáo huấn thứ hai nằm trong sách Phúc Âm, đó là sự gì chúng ta làm cho một kẻ bé nhỏ nhất là chúng ta đã làm cho chính Chúa vậy. Chàng đã xác tín và thực thi đúng với những lời giáo huấn kể trên. Lần kia, đang lúc đi đường, Phanxicô gặp một người cùi. Mặc dù rất ghê tởm, nhưng Phanxicô xấn tiến lại ôm hôn con người bất hạnh đó.

Hơn thế nữa, chính đoạn Tin Mừng hôm nay, ngài được nghe đọc trong một thánh lễ đã thay đổi toàn bộ nếp sống của ngài. Ngài từ giã nếp sống ẩn sĩ, dùng đức khó nghèo làm hành trang lên đường để rao giảng Tin Mừng. Nếp sống này chẳng bao lâu đã lôi cuốn được nhiều thanh niên. Và những tu sĩ đầu tiên của dòng Phanxicô này ra đi khắp nơi, chăm sóc các bệnh nhân và giúp đỡ những người nghèo. Họ lấy trời làm nhà và ăn uống bất cứ thứ gì người ta bố thí cho. Đức khó nghèo biến họ trở nên một với những kẻ nghèo khó. Và đó cũng chính là nếp sống mà Chúa Giêsu đã chọn.

Thánh Phanxiô kêu gọi mọi người giúp đỡ kẻ nghèo tuỳ theo hoàn cảnh của mình, và nhường cho kẻ khác trách nhiệm động viên quần chúng và chính quyền tấn công vào cội rễ phát sinh ra sự nghèo khổ. Điều đó dẫn chúng ta đến một kết luận thật quan trọng. Đó là ngày nay hơn bao giờ hết, xã hội đang cần những loại chứng từ phục vụ người nghèo như Chúa Giêsu, như thánh Phanxicô, như Mẹ Têrêsa...

Phải, thế giới đang rất cần những người biết giúp đỡ kẻ nghèo tuỳ theo hoành cảnh riêng của mình. Lời giáo huấn của Chúa trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay thật rõ ràng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi rao giảng Phúc Âm. Và chúng ta có thể rao giảng Phúc Âm bằng cách biểu lộ tình yêu và sự quan tâm đối với kẻ khác, nhất là những kẻ nghèo túng và khổ đau.

Và để kết luận, chúng ta hãy nhớ lại kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi: Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

 

11.Lên đường thực thi sứ vụ

(Suy niệm của Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng)

Tin Mừng Mc 6: 7-13: Loan báo không phãi bằng lời mà bằng chính cuộc sống chứng tá của mình.

Tục ngữ có câu: "Miệng người giàu có gang, có thép". Và người ta dạy đi tìm quyền lực trong tiền bạc, khí giới, trí thức, khoa học … Môn đệ của Đức Ki-tô không chạy theo tham vọng. Sứ vụ của họ là rao truyền lời Chúa, làm chứng nhân cho Chúa. Người môn đệ phải dành trọn vẹn tâm hồn và sức lực cho Thiên Chúa. Người ta chỉ tin lời của môn đệ khi họ sống lời đó như chân lý.

I. Khám Phá Sứ Điệp Tin Mừng: Mc 6, 7- 13

Mác-cô trình thuật cho chúng ta vài người bước theo Đức Ki-tô (1, 16- 20). Người qui tụ họ thành một Nhóm Mười Hai để "ở với Người" và chia sẻ sứ vụ với Người (3, 43- 19). Giờ đây, Người sai họ đi rao giảng (7).u5

Đức Giêsu "sai đi từng hai người một". Có phải đây là thói quen của người Do thái hay không ? Theo luật Môsê ít nhất phải có hai người chứng, thì điều làm chứng mới được nhìn nhận (Đnl 19, 15). Con số 2 cũng nói lên tinh thần tập thể: người sứ giả rao truyền Tin Mừng không được đi đơn độc, nhưng phải làm việc theo tập thể. Điều Đức Giêsu làm đã được cộng đoàn tiên khởi tuân giữ. Trong sách Công vụ, các nhà truyền giáo luôn đi từng hai người một: Phêrô và Gioan (3, 1; 4, 13). Phaolô và Barnabê (13, 2); Giuđa và Silas (15, 22b)… Đức Giêsu chia sẻ một phần quyền hành của Người cho những kẻ được sai đi: quyền trừ quỷ. Đó là một dấu chứng cho thấy Nước Thiên Chúa đã khởi đầu.

Điều làm chúng ta kinh ngạc ở đây là tinh thần khó nghèo của vị sứ giả Thiên Chúa. Những phương tiện sống (lương thực, tiền túi) họ chỉ được lãnh nhận từ những kẻ họ thăm viếng. Khi ra đi họ không được mang theo bao bị, cũng không được mặc hai áo. Gọn nhẹ và luôn sẵn sàng để đi tới. Họ được cầm gậy và mang dép. Vào thời đó, người ta thường đi chân đất; nếu mang dép và cầm gậy, cho thấy con đường mà họ phải đi rất xa, như một người hành hương, như nghi thức trong đêm Vượt qua: "Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy" (Xh 12, 11).

Lời nói về việc tiếp đón cũng gây kinh ngạc. Sứ giả truyền giáo, dù mang Tin Mừng cứu độ nhưng không, đến cho người ta, nhưng đôi khi vẫn bị từ chối. Tin Mừng không áp đặt ai, nhưng chỉ là lời mời gọi tự do, có thể được đón nhận hay bị từ chối. Khi người ta từ chối "Hãy giữ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ". Đó là một thói quen cổ xưa để nói lên sự cắt đứt dứt khoát (Cv 13, 51).

Như Đức Giêsu, Nhóm Mười Hai ra đi công bố "Nước Trời đã đến", kêu gọi con người sám hối để đón nhận. Các dấu lạ làm chứng điều các ông loan báo. Việc xức dầu chữa lành bệnh nhân là một phương dược thông thường vào thời đó, nhưng vì được hỗ trợ bằng quyền năng Đức Giêsu, nên trở thành hữu hiệu. Đây là mần mống cho Bí tích Xức Dầu bệnh nhân, do quyền năng Đấng Phục sinh nghi thức này chữa lành phần hồn, phần xác cho người tín hữu (x. Ge 5, 14).

II. Gợi Ý Suy Niệm

1. Kitô Hữu Được Chọn Để Sai Đi: Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày việc Chúa chọn gọi Amos ( Bài đọc I ) và chọn nhóm Mười hai ( Tin Mừng). Thiên Chúa chọn để sai đi, Amos được gọi sai đi nói tiên tri khuyến cáo những dân tội lỗi bất trung. Nhóm Mười hai được gọi để sai đi loan báo tin mừng, kêu gọi mọi người sám hối. Không cần quan tâm đến thành phần xuất thân, không lưu tâm đến danh phận cá nhân, Chúa muốn gọi ai là tùy theo ý định của Ngài. Cho dẫu có gọi ai đi nữa, nhưng vẫn chỉ có một mục đích duy nhất là Chúa gọi để người được gọi ở với Chúa và sai họ đi loan báo ý định yêu thương cứu độ. Kitô hữu cũng thế, qua Bí tích Thánh Tẩy, Kitô hữu được gọi để ở với Chúa. Ở với Chúa là đón nhận sự sống, đón nhận mọi ân sủng do lòng thương xót của Chúa ban tặng. Ở với Chúa để nên thánh thiện và tinh tuyền. Ở với Chúa là để nên nghĩa tử yếu dấu của Ngài. ( Bài đọc II ). Ở với Chúa để được Ngài sai đi. Không phải các Tông đồ đã chọn Chúa mà chính Chúa đã chọn các ông. Các ông ra đi rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa chứ không phải sứ điệp của các ông.

Mỗi Kitô hữu đều là những người được Chúa chọn gọi để sai đi. Sai đi vào chính môi trường mình đang sống để trở nên muối men ướp cho mặn đời; để nên ánh sáng chiếu soi bóng tối tội lỗi, u mê của thế gian. Tất cả cuộc sống phải thấm nhuần tinh thần phúc âm. Mỗi người đếu phải ý thức và nỗ lực chu toàn trách nhiệm truyền giáo của mình. Luôn phải tự hỏi và cảnh tỉnh bản thân: Tôi được gọi để sai đi, vậy tôi đã thi hành lệnh sai đi ấy như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của tôi.

2. Tinh Thần Khó Nghèo_Phó Thác Là Hành Trang Đời Kitô Hữu: Khi sai các môn đệ ra đi loan báo Tin mừng, Chúa truyền cho các ông không được mang gì cả, không gậy, không bị, không tiền … Đi đến đâu sống nhờ vào sự chăm sóc của dân nơi đó. Điều này này không phải Chúa làm khổ các môn đệ nhưng Chúa đòi hỏi nơi các ông một tinh thần khó nghèo và phó thác mọi sự trong tay Chúa. Sứ mạng Chúa trao thì Chúa sẽ lo liệu. Bên cạnh đó, khi để cho lòng mình thảnh thơi khỏi những của cải, vật chất và thực sự có một lòng tín thác vào Chúa, người môn đệ sẽ không ỷ lại vào mình mà luôn cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Có như vậy mới bền tâm chu toàn sứ mạng được giao phó. Trong thực tế của đời sống Kitô hữu ngày nay, ai cũng nhắm đến tiền tài, quyền lực danh vọng xã hội, thế gian và tìm mọi cách để đạt được điều đó. Ngay cả những gì xem ra là việc Chúa, việc Giáo Hội cũng nhuấm màu tính toán nặng tính thế gian với một lý luận đơn giản 'có thực mới vực được đạo', 'không có tiền làm sao lo việc xứ tổ chức việc Giáo Hội được'. Có một thực tế khó phủ nhận, ngày nay người ta đi tìm những phương thế, cậy dựa vào quyền thế của đồng tiền, của thế gian hơn là cậy dựa vào Thiên Chúa. Nếu có cậy dựa vào Chúa thì xem ra đó cũng là phương thế cuối cùng, chẳng biết chạy vào đâu thì chạy đến Chúa xem sao. Trong khi đó lẽ ra phải chạy đến Thiên Chúa trước hết và trên hết. Ngày nay mà sống tinh thần khó nghèo, tín thác vào Chúa xem ra là một nghịch lý.

Dù ở bất cứ đâu, bất cứ môi trường nào, địa vị nào, thì Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu luôn luôn phải sống tinh thần khó nghèo, tín thác mọi sự trong tay Chúa.

3. Đời Sống Kitô Hữu Dấu Chỉ Của Nước Trời: Sứ điệp Chúa Giêsu và các Tông đồ loan báo là sứ điệp Nước Trời: 'Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến'. Kitô hữu cũng được sai đi loan báo sứ điệp ấy. Khi sai các môn đệ đi,Chúa ban quyền cho các ông được trừ quỷ, chữa lành bệnh nhân. Đó là những dấu chỉ cho thấy Bàn tay Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa đã ở giữa thế gian. Chúa cũng sai các ông đi từng hai người một và đến đâu thì cùng sống với người dân ở đó. Tất cả cho thấy rằng toàn bộ đời sống các Tông đồ, các môn đệ của Chúa phải thấm nhuần tinh thần Nước Trời, tinh thần Phúc Âm. Nói cách khác, nếu Kitô hữu sống đúng đòi hỏi của Chúa là đang đưa màu nhiệm Nước Trời và những giá trị Tin mừng đến với thế gian và con người đồng thời của mình. Điều này làm cho đời sống người Kitô hữu trở nên dấu chỉ của Nước Trời. Loan báo không phãi bằng lời mà bằng chính cuộc sống chứng tá của mình.

Ngày hôm nay, qua các việc từ thiện chia sẻ bác ái, qua việc sống mưu sinh lương thiện, qua đời sống công chính dám hy sinh … sẽ làm cho đời Kitô hữu trở nên dấu chỉ của Nước Trời. Đó mới thực là những lời giảng hùng hồn nhất, có sức thuyết phục nhất.

home Mục lục Lưu trữ