Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 56
Tổng truy cập: 1361775
CHÚA GIÊSU KHÔNG ĐỂ CÁC ĐỒ ĐỆ ĐƠN CÔI
CHÚA GIÊSU KHÔNG ĐỂ CÁC ĐỒ ĐỆ ĐƠN CÔI
Trước khi bước vào con đường tử nạn và phục sinh vinh quang, Chúa Giêsu đã để lại di huấn cho các tông đồ: Ngài ra đi, nhưng Ngài không bỏ các ông mồ côi (x. Ga 14,18). Ngài cũng đảm bảo với các ông, trước khi về trời, khi sai các ông đi loan báo tin mừng cứu độ cho muôn dân: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đồng thời, để củng cố niềm tin của các ông, Chúa Giêsu còn hứa ban cho các ông một Đấng Bảo Trợ khác, đó là Chúa Thánh Thần.
Thật ra chính Chúa Giêsu cũng là Đấng Bàu Chữa cho tội nhân bên cạnh Chúa Cha (x.1ga 2,1), nhưng khi Ngài phục sinh vinh quang, không còn hiện diện hữu hình bên cạnh các tông đồ nữa, thì Thánh Thần được Chúa Cha sai đến giúp chúng ta sống tâm tình nghĩa tử, mà chính Chúa Giêsu, qua công cuộc nhập thể của người đã mang lại thân phận ấy cho chúng ta. Là Thần Khí Sự Thật (x.ga 14,17), Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về mầu nhiệm Chúa Giêsu, cử chỉ, lời nói, cách sống của ngài, để giúp chúng ta can đảm sống đức tin trong hoàn cảnh hiện tại của mỗi người. như vậy, dù chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất là Chúa Giêsu Kitô (1tm 2,5), nhưng có hai Đấng Bàu Chữa: Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu về trời, nhưng không bỏ các tông đồ mồ côi. Ngài đã xa cách các ông về mặt thể lý, khiến các ông không còn sờ đụng, xem thấy hoặc nghe tiếng nói từ chính miệng Ngài nữa, nhưng thực ra Ngài vẫn hiện diện bên các ông, trong các ông. Bởi vì thân xác Chúa phục sinh đã được biến đổi trở nên thiêng liêng, không còn bị lệ thuộc bởi vật chất, không gian và thời gian, nên giờ đây, Ngài hiện diện một cách sâu xa hơn, gần gủi, gắn bó hơn trong Hội Thánh, nơi nhà tạm, trong tâm hồn mọi tín hữu có ơn thánh hoá và ở khắp mọi nơi.
Là Kitô hữu, chúng ta có Chúa Giêsu trong tâm hồn. mà ở đâu có Chúa Giêsu thì ở đó có Chúa Ba Ngôi và chính Chúa Thánh Thần, Đấng Bàu Chữa sẽ chứng thực, soi sáng, làm cho chúng ta nhận ra sự kết hiệp mật thiết nầy. Như vậy, đường đời các tông đồ và chúng ta, những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô đâu có đơn côi!
Chúa Giêsu vừa là Chúa Cứu Độ, vừa là Thầy, vừa là bạn đồng hành của những kẻ tin vào người. được Chúa yêu thương ban ơn cứu rỗi, được Thầy dẫn dắt trên nẻo đường đời gian nan bất trắc, được có bạn đường chung thủy không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả lúc chết… như thế còn hạnh phúc nào lớn hơn cho chúng ta! đời Kitô hữu chính là sống trong niềm hy vọng, phó thác, buông mình vào tay Thiên Chúa tình thương, không chỉ một lần, mà là sự chọn lựa hằng ngày của mỗi người.
Đâu đó vang lên bài thánh ca: “Đường đi có Chúa gian nguy con có lo chi…”
19.Thể hiện lòng yêu mến
(Suy niệm của Lm. Inhaxiô Trần Ngà)
Chàng trai bày tỏ tình yêu đối với cô bạn gái bằng cách tặng cho nàng một bó hoa hồng tươi thắm; Cha mẹ thể hiện tình yêu đối với con cái bằng cách miệt mài chăm sóc nuôi dưỡng ngày đêm; Thầy cô thể hiện tình yêu đối với học trò bằng ân cần khuyên răn, dạy dỗ…
Còn Chúa Giê-su, Ngài thể hiện tình yêu đối với Chúa Cha bằng cách nào?
Thưa, bằng sự vâng phục tuyệt đối: Ngài vâng theo ý Chúa Cha cho dù phải hiến thân chết thay cho muôn người.
Trước khi nộp mình chịu khổ nạn, Chúa Giê-su cho các môn đệ biết sở dĩ Ngài để cho thủ lãnh thế gian này, là Sa-tan và bè lũ của nó, hành hình và tiêu diệt Ngài là vì Ngài yêu mến Chúa Cha nên đã làm như Chúa Cha truyền dạy.
Ngài nói: “Thủ lãnh thế gian này đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy” nhưng Thầy chấp nhận chịu khổ nạn dưới tay nó “để thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14, 30-31).
Thế là,
- Để thể hiện lòng yêu mến Chúa Cha, Chúa Giê-su đã vâng lời Chúa Cha tuyệt đối, đến nỗi để cho người ta bắt bớ, vu cáo, phỉ nhổ, tát vào mặt... mà không hề chống đối;
- Để thể hiện lòng yêu mến Chúa Cha, Chúa Giê-su vâng theo ý Chúa Cha, để cho người ta đánh đòn rách nát thịt da, để cho vòng gai nhọn cắm sâu vào đầu, rồi kê vai vác thập giá lên đồi Sọ, chịu đóng đinh vào thập giá và chấp nhận chết quằn quại đau thương tủi nhục để đền tội cho muôn người.
Chúa Giê-su đã vâng lời Chúa Cha đến mức phải chết thảm thương như thế cho thấy tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha là vô biên, vô hạn.
Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta thể hiện lòng yêu mến bằng cách nào?
Chúa Giê-su thể hiện lòng yêu mến Chúa Cha bằng cách vâng phục Chúa Cha cách tuyệt đối, thì nay, Ngài cũng yêu cầu những ai yêu mến Ngài cũng hãy vâng giữ huấn lệnh của Ngài như vậy.
Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”(Ga 14,15) và một lát sau, Ngài nhấn mạnh: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14, 21).
Như vậy, nếu chúng ta không vâng giữ điều răn của Chúa Giê-su, là chúng ta không yêu mến Ngài.
Chúa Giê-su muốn chúng ta tuân giữ giới răn nào?
Giới răn số một, giới răn nền tảng và cũng là giới răn trọng nhất được Chúa Giê-su công bố như sau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 13, 34).
Như thế, ai yêu mến Chúa thì phải thể hiện tình thương đó bằng việc yêu thương anh chị em chung quanh. Khi sống vô cảm với người chung quanh, khi thờ ơ trước những nỗi đau của người khác, khi không ra tay giúp đỡ kẻ khốn khổ bần cùng… là chúng ta quay lưng lại với Chúa, chẳng có chút tình thương nào dành cho Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng những lời ca khen chúc tụng, bằng những câu kinh lời nguyện thì dễ, nhưng thể hiện lòng mến Chúa bằng cách tuân giữ điều răn mới của Chúa là điều rất khó.
Tuy nhiên, nếu chúng con không thể hiện lòng mến Chúa bằng cách yêu thương tha nhân như Chúa đòi buộc thì chẳng được ích gì.
Xin mở rộng con tim vô cảm và đổ đầy tình thương Chúa vào lòng chúng con, để chúng con hết lòng yêu mến Chúa hiện diện nơi anh chị em chung quanh như Chúa đã truyền.
20.Trở nên hình ảnh Chúa Giêsu
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatiô Trần Ngà)
Nhiều lần Chúa Giêsu nói về Chúa Cha khiến các môn đệ đâm ra tò mò. Chúa Cha là Ai? Ngài ở đâu? Ngài là Đấng thế nào?
Thế nên Philípphê mới đề nghị với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."
Dùng ngôn ngữ vốn rất hạn hẹp của con người để diễn tả mầu nhiệm cao vời về Chúa Cha thì khác chi lấy gang tay đo chín tầng trời. Vì vậy, thay vì dùng lời để diễn giải, Chúa Giêsu dùng phương pháp trực quan. Ngài chỉ cho Phi-líp-phê cũng như các môn đệ xem chân dung, xem hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Cha. Chân dung đó, hình ảnh đó chính là Ngài: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha".
Tiếp theo, Chúa Giêsu cũng tỏ cho các môn đệ biết giữa Ngài và Chúa Cha có một mối hiệp thông hết sức mật thiết. Những lời Chúa Giêsu nói chính là những lời của Chúa Cha được phát ra qua môi miệng Chúa Giêsu: "Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (Ga 14,10). Những gì Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời đều cũng là những hành động của Chúa Cha...
Thế là Chúa Cha tự tỏ mình qua Chúa Giêsu. Nhìn vào Chúa Giêsu, nhân loại sẽ biết được Thiên Chúa Cha.
* * *
Thánh Athanasiô đã diễn tả chân lý nầy như sau: "Chúa Cha được bày tỏ qua Chúa Con và Chúa Con được bày tỏ qua Giáo Hội." Nói khác đi, Chúa Con là hình ảnh trung thực của Chúa Cha, còn Giáo Hội là hình ảnh trung thực của Chúa Con, và chúng ta, vì là thành phần của Giáo Hội, nên cũng phải là hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu.
Theo nhật báo Chứng Nhân kitô hữu (Témoignage Chrétien), vào năm 1941 có một vị linh mục bị Đức Quốc Xã giam trong trại tập trung dành cho người gốc Do thái. Như bao tù nhân khác, ngài cũng bị hành hạ và ngược đãi thậm tệ. Tuy nhiên ngài vẫn vui vẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ anh em đồng cảnh ngộ đang lâm vào tình trạng khủng hoảng và tuyệt vọng.
Trong cảnh tù đày đói khát, một vụn bánh còn quý hơn vàng, vậy mà ngài dám chia sớt phần ăn ít ỏi của mình cho những bạn tù yếu sức hơn.
Những lúc trời rét buốt xương, tấm áo len được xem là kho tàng vô giá, thế mà có lần ngài tặng không chiếc áo len đang mặc cho bạn tù đang lâm trọng bệnh nằm run cầm cập trong xó nhà.
Ngài là nhịp cầu yêu thương giữa những kẻ bất hoà, đem sự khích lệ tinh thần cho những tâm hồn sầu muộn... Ngài đã cứu được mấy bạn tù tuyệt vọng khỏi tự huỷ mình nhờ những khuyên lơn an ủi... Vì thế, các tù nhân trong trại rất yêu quý và xem ngài như người cha thứ hai. Họ đều gọi ngài cách thân thương là... Bố.
Trong trại tù còn có một thanh niên bụi đời, lớn lên nơi đầu đường xó chợ, căm hờn mọi người, không ngần ngại phạm bất kỳ tội ác nào.
Vị linh mục khả ái từng bước tiếp cận, trò chuyện, giúp đỡ, khuyên răn, và cuối cùng đã cảm hoá được chàng thanh niên chai đá và tưởng chừng như vô phương cứu chữa nầy. Ngài cũng mong ước dần dần dẫn dắt cậu về với đạo thánh Chúa.
Thế rồi, một hôm, có lệnh chuyển cha sang trại Ao-sơ-vích (Auschwitz), một trại tập trung mà chỉ mới nghe danh xưng, mọi trại viên đều phải kinh hoàng. Đó là lò hủy diệt con người bằng những hầm hơi ngạt và lò thiêu xác.
Trước khi chia tay với các bạn tù và đặc biệt với cậu thanh niên mới hoàn lương, ngài quyết định phải giới thiệu đôi nét về Chúa Giêsu cho cậu với hy vọng cậu sẽ trở thành người con Chúa.
Ngài vỗ vai cậu và ôn tồn nói "Này, con yêu của Bố, đã từ lâu Bố rất mong con nhận biết và trở thành môn đệ Chúa Giêsu."
Cậu thanh niên thưa lại: "Nhưng con chưa biết gì về Chúa Giêsu cả. Bố có thể kể sơ lược về Ngài cho con biết được không?"
Biết mình không còn thời gian để giới thiệu dông dài vì giờ chuyển trại sắp đến, vị linh mục già thinh lặng cúi đầu, cầu nguyện giây lát, rồi ngài ngẩng lên khiêm tốn đáp: "Chúa Giêsu mà Bố muốn cho con tin và yêu mến, Ngài giống như Bố đây!"
Bấy giờ cậu thanh niên nhìn thẳng vào mắt ngài cách trìu mến và chân thành đáp lại: "Nếu Chúa Giêsu mà giống Bố thì có thể một ngày nào đó, con sẽ tin và yêu mến Chúa Giêsu!"
Sau thế chiến thứ hai, người ta không còn gặp lại vị linh mục nầy nữa. Còn cậu thanh niên thì được sống sót qua các trại tập trung trở về với gia đình và đã thuật lại câu chuyện trên đây về một mục tử đã thực sự trở thành hình ảnh trung thực của Chúa Cứu Thế. Cũng chính nhờ hình ảnh Chúa Giêsu ngời sáng lên nơi con người và cuộc đời của vị mục tử tốt lành nầy, chàng thanh niên được cảm hoá và trở thành người con Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Đã bao lần chúng con làm cho khuôn mặt Chúa trở méo mó, biến dạng và có thể là rất khó thương vì đời sống không đẹp của chúng con.
Xin cho chúng con biết nhìn lên Chúa như một khuôn mẫu tuyệt vời để đào tạo bản thân mình thành con người mới, có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức và văn hoá để nhờ đó, chúng con trở thành hình ảnh trung thực về Chúa cho thế giới hôm nay.
21.Mối tình Châu Long
(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Chuyện cổ tích Việt Nam kể rằng: Có đôi bạn chí thân là Lưu Bình và Dương Lễ. Lưu Bình cùng họ với Lưu Linh. Ham chơi hơn ham học. Dòng dõi giầu sang phú quý nhưng lêu lổng ăn chơi trác táng. Dương Lễ nhà nghèo nhưng ham học. Lấy đèn sách làm thú vui. Nhờ chí thú học hành mà Dương Lễ đã đỗ trạng nguyên làm quan lớn triều đình. Ngược lại, Lưu Bình vì ham chơi nên công không thành và danh thì bại. Thân xác tiều tuỵ và đói khổ bần hàn. Dương Lễ nhìn cảnh bạn sa cơ thất thế nên động lòng trắc ẩn, dầu vậy, bên ngoài ông vẫn làm như không nhìn nhận tình bạn. Ông đã ngầm cho vợ là Châu Long giả dạng là người con gái đến giúp Lưu Bình làm lại cuộc đời. Châu Long đã theo lời chồng đến ở với Lưu Bình để động viên, giúp đỡ Lưu Bình. Nhờ đó mà Lưu Bình đã cố gắng ăn học và sau này cũng thành tài. Về phần Châu Long tuy sống với Lưu Bình nhưng lại không thuộc về Lưu Bình. Nàng vẫn thuộc về Dương Lễ. Nàng vẫn phải trung thành tuyệt đối với Dương Lễ. Cho dù Lưu Bình đã nhiều lần đề nghị nàng kết mối duyên tình, nhưng nàng đã khéo léo từ chối. Nàng khuyên nhủ Lưu Bình hãy chuyên chăm học hành để công thành danh toại mới tính đến chuyện trăm năm. Cho đến khi Lưu Bình thi đỗ mới vỡ lẽ ra: Châu Long chính là vợ của bạn được gởi đến để giúp đỡ mình.
Cuộc đời ky-tô hữu chúng ta cũng giống như nàng Châu Long. Sống giữa thế gian để canh tân đổi mới thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Sống giữa thế gian nhưng phải trung thành với thầy Chí Thánh Giêsu. Không để lòng mình buông theo những cám dỗ tội lỗi, những thói đời điêu ngoa, những đam mê thấp hèn. Trong kinh lạy Cha, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: Hãy xin cùng Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi sa chước cám dỗ và gìn giữ chúng ta khỏi mọi sự dữ. Chúa không bảo chúng ta xin cùng Chúa Cha cất nhắc chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng vẫn ở giữa thế gian, đồng thời vẫn phải trung tín với Chúa. Như Châu Long sống với Lưu Bình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Dương Lễ đã trao.
Có thể nói, Châu Long phải có một tình yêu thật cao cả, thật thuỷ chung lắm mới có thể sống với Lưu Bình mà vẫn giữ trọn giao ước với Dương Lễ. Người ky-tô hữu cũng phải có một tình yêu thật thâm sâu với Thiên Chúa mới có thể tuân giữ giới răn Chúa khi sống giữa thế gian đầy mời mọc hấp dẫn luôn lôi kéo con người bất trung, phản bội với Chúa. Vâng, chúng ta đang ở giữa một thế gian đầy gian tà, một thế gian sa đoạ, tội lỗi, người ky-tô hữu phải có một tình yêu sắt son trung kiên mới có thể giữ lòng thanh khiết như đoá sen "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Lời Chúa hôm nay cũng căn dặn chúng ta: "Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy". Như thế, tuân giữ giới răn Chúa là dấu chỉ cho lòng yêu mến Chúa. Tuân giữ giới răn Chúa còn là dấu chỉ sự trung tín và chu toàn bổn phận của Chúa giữa thế gian. Không thể nói rằng mình yêu mến Chúa mà lại không dám thực thi lời Chúa. Nếu chúng ta nói yêu mến Chúa mà không dám sống đạo và giữ đạo, đó chỉ là sự giả tạo vì Chúa đã từng trách rằng: "Dân này chỉ thờ Ta bằng môi bằng miệng mà lòng chúng lại xa cách Ta". Tuân hứa giới răn Chúa không chỉ dừng lại trên môi miệng mà còn là một dấn thân để ý Chúa được thể diện trong cuộc đời chúng ta. Như Chúa Giêsu, ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự. Người ky-tô hữu cũng phải vâng phục theo giáo huấn của Chúa, cho dẫu có phải chịu thiệt thòi, mất mát hay phải hy sinh cả tính mạng vì lòng yêu mến Chúa.
Nhìn vào thế gian hôm nay với bao nhiêu cám dỗ mời mọc, bao nhiêu cạm bẫy rình chờ, khiến đức tin của chúng ta đã nhiều lần chao đảo, muốn buông xuôi theo cám dỗ của tiền tài, danh vọng và thú vui thể xác. Giữa một thế giới có quá nhiều cám dỗ hưởng thụ, làm sao chúng ta có thể trung thành với Chúa? Có lẽ vì nguyên nhân đó, mà Chúa Giêsu đã hứa ở cùng chúng ta, đồng thời, ngài còn ban Thần Khí đến cho chúng ta. Ngài sẽ an ủi khi chúng ta gặp u buồn. Ngài sẽ soi sáng khi lòng trí chúng ta gặp hoang mang, lo lắng. Ngài sẽ nâng đỡ khi bước đường chúng ta gặp gian nan. Ngài sẽ ban sức mạnh khi chúng ta cần sức mạnh để vượt qua cám dỗ tội lỗi và làm lại cuộc đời. Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta hoàn thành sứ mạng cuộc đời như một tôi tớ trung tín và khôn ngoan, vì Chúa đã hứa hằng: "Ơn Ta đủ cho người và quyền năng Ta hiển trị nơi sự yếu hèn của con".
Nguyện xin Chúa Kytô Phục sinh luôn đồng hành với chúng ta và chúc lành cho cuộc đời chúng ta luôn bình an để chúng ta mãi trung thành với Chúa. Amen.
22.Thần tình yêu và chân lý
(Suy niệm của Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR)
Henry Manning vốn là một mục sư Anh giáo, nổi tiếng về giảng thuyết. Ngài xuất bản một cuốn sách về các bài giảng và được dân chúng hưởng ứng nồng nhiệt.
Một hôm, có người bạn thân ghé thăm và bình luận về tác phẩm mới phát hành của Henry. Trong câu chuyện, người bạn đề cập đến việc tác giả đã không có một lời nói nào về Chúa Thánh Thần trong cuốn sách rất "giá trị" của mình.
Đây là một sự thiếu sót ngoài ý muốn của Henry. Ngài cám ơn ý kiến chân tình của người bạn. Thế rồi suốt hai năm tiếp theo, người ta thấy mục sự Henry Manning miệt mài học hỏi về Chúa Thánh Thần. Ngài đọc và nghiên cứu tất cả những cuốn sách liên quan đến đề tài Chúa Thánh Thần. Kết quả của sự học hỏi chân thành này là việc khám phá Ánh Sáng do Thần Chân Lý mang lại. Henry đã trở về với Giáo hội Công giáo vào năm 1851. Hai tháng sau ngài được phong chức Linh mục. Năm 1865, ngài trở thành Tổng giám mục Giáo phận Westminter, Anh quốc.
Tại Công đồng Vaticanô I (1869-1870), Giám mục Henry Manning nổi bật trong vai trò bảo vệ vững chắc tính chất Vô ngộ của Đức giáo hoàng. Năm 1875, ngài được tấn phong Hồng y. Từ khi trở lại Công giáo cho đến lúc qua đời năm 1892, Đức Hồng y Manning luôn có lòng yêu mến Chúa Thánh Thần cách đặc biệt.
"Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Bàu Chữa khác để ở cùng các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì nó không thấy cũng không biết Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở mãi nơi các con và trong các con" (Ga 14,16-17).
Đó là lời hứa mà Chúa Giêsu, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, đã trao lại cho các môn đệ như một lời an ủi thân tình.
Chúa Thánh Thần là Đấng Bàu Chữa. Ngài là luật sư biện hộ cho những tín hữu khi phải đương đầu với những mưu mẹo ác độc của thế gian. Ngài đem đến tất cả sự thật và làm chứng về Đức Kitô. Dưới ánh sáng và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người sẽ tìm thấy chân lý toàn vẹn trong Chúa Giêsu.
Chúa Thánh Thần là Tình yêu liên kết. Ngài cũng là Thần Chân lý, Đấng dạy người ta yêu thương trong sự thật. Tình yêu trong chân lý mới là tình yêu toàn vẹn, vì được Thiên Chúa Ngôi Ba tác động và dẫn lối.
Thánh Thần mà Chúa Giêsu hứa ban sẽ dẫn đưa con người bước đi trong yêu thương và sự thật. Không phải cứ hễ yêu nhau là cái gì cũng có thể trao ban hay lấy đi. Những quan hệ bất chính, những kiếm tìm bất công, những đam mê bất hợp pháp đều là những nẻo đường đưa đến bất hạnh. Bởi vì thiếu chân lý là thiếu tự do và hạnh phúc: "Chân lý sẽ giải thoát con người," Đức Giêsu đã nói với Philatô như thế.
Yêu thương phải song hành với sự thật. Để sống yêu thương trong sự thật, lắm khi người ta phải dám chấp nhận hy sinh rất nhiều.
Cha Flor McCarthy, một linh mục Dòng Don Boscô có kể lại rằng:
Steve, cậu bé 12 tuổi, đã bị teo hai chân sau một cơn sốt tê liệt. Steve có đức em 10 tuổi tên Mark. Như bao đức trẻ khác, Steve và Mark cũng hay cãi nhau, đánh nhau, và đôi khi Steve còn cảm thấy ghen tị với đôi chân khỏe mạnh của em mình.
Một đêm kia Steve mơ thấy mình đi lạc vào một khu rừng vắng. Cậu bắt gặp một chiếc hang. Bị thúc đẩy bởi lòng mạo hiểm và tính tò mò, Steve tiến sâu vào bên trong. Bất ngờ một ông già xuất hiện. Ông ta tự xưng là phù thủy, và để thưởng cho ai đầu tiên khám phá ra chiếc hang, ông sẽ ban cho người đó được những gì họ mong ước, nhưng chỉ một lần thôi.
Không cần suy nghĩ, Steve xin ngay cho đôi chân được khỏe mạnh như xưa. Lão phù thủy liền tung chiếc áo choàng lên và trong nháy mắt Steve thấy mình đang nằm trên giường, bên cạnh Mark đang ngủ say như chết.
Lão phù thủy mở tấm mền che đôi chân của Mark ra. Steve thấy vậy thì ngạc nhiên hỏi:
- "Ông làm gì thế?"
- "Ta phải giải phẫu để thay cho ngươi đôi chân tốt."
- "Thế ông tính thay đôi chân của Mark cho tôi à?" Steve ngạc nhiên hỏi lại.
Ông già đáp:
- "Vậy chứ ngươi tưởng ta lấy nó từ trong không khí ra à? Nhưng không sao đâu. Chẳng ai biết chuyện gì xảy ra đâu. Mọi người sẽ coi như đãxảy ra như từ lúc mới sinh vậy."
Steve cảm thấy sửng sốt. Nó đâu ngờ là ông già phải lấy đôi chân của Mark để đổi cho nó. Cậu bé nghĩ đến giây phút mình chạy nhảy với đôi chân tốt, trong khi Mark em cậu sẽ lê lết với đôi chân bại liệt. Như thế là không thể được! Rồi Steve hét lớn: "Tôi không muốn như vậy đâu". Nghe thế lão phù thủy bực mình bỏ đi.
Sáng hôm sau, thức dậy nhìn qua em mình, nhớ lại những gì thấy được trong giấc mơ đêm qua, Steve đã nở một nụ cười rất vui.
Điều tôi đọc được trong nụ cười của Steve là một tình yêu song hành với chân lý. Từ trong tiềm thức, cậu đã không muốn làm điều xấu, dù rằng phần lợi sẽ về mình và dù rằng không ai biết. Nhưng chấp nhận cuộc sống trong một tình yêu chân thành, Steve đã không những không hủy diệt sự sống của người khác, những còn làm phát sinh trong tim mình bình an và niềm vui thẳm sâu.
23.Chúa Giêsu không để các đồ đệ mồ côi
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)
Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước (Ga 14, 1-12) nói về cộng đoàn các đồ đệ của Đức Giêsu trong hành trình đi đến cùng Chúa Cha. Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 14, 15-21) sẽ nói về sự gắn bó nên một của cộng đoàn và của từng thành viên trong cộng đoàn với Thiên Chúa.
1. Thần Khí sự thật luôn ở giữa cộng đoàn (cc.15-17)
Sự hiện diện thể lý và thế tạm của Đức Giêsu giữa cộng đoàn các đồ đệ sẽ chấm dứt. Nhưng Thần Khí sự thật sẽ được Chúa Cha sai đến, để Người ở mãi với các đồ đệ, ở bên cạnh và ở trong các đồ đệ.
Trước khi nói đến việc Thần Khí sự thật đến, Đức Giêsu nói đến tình yêu của các đồ đệ đối với Người, và về sự cần thiết phải tuân giữ các điều răn của Người: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (c.15). Tình yêu đối với Đức Giêsu là điều kiện để giữ các điều răn của Người (nếu A thì B), và đàng khác, việc thực hiện những lệnh truyền của Đức Giêsu sẽ là bằng chứng của tình yêu đối với Người (c. 21: Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy).
Đây là lần đầu tiên Đức Giêsu nói về tình yêu của các đồ đệ đối với Người. Lòng tin vào Chúa Giêsu đạt đến đỉnh cao trong sự gắn bó thiết thân và đầy tình yêu mến đối với Người. Sự gắn bó ấy được thể hiện trong việc thực hiện những điều răn của Người. Ở 13,34 Đức Giêsu nói về điều răn mới của Người, và bây giờ, Người nói về “các điều răn” của Người (14,15.21; 15,10). Điều răn mới (“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”) là mẫu gộp tóm tất cả mọi điều răn khác. Và tuân giữ các điều răn là đón nhận trong lòng tin toàn bộ Lời của Đức Giêsu và ký thác bản thân cho Người (x. 14, 23-24).
Với các đồ đệ yêu mến Đức Giêsu như thế, Người hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (cc.16-17a). Đức Giêsu thực hiện vai trò trung gian bên Chúa Cha để Chúa Cha ban Thánh Thần cho những kẻ thuộc về Người, và cộng đoàn những kẻ thuộc về Đức Giêsu sẽ lãnh nhận được Thánh Thần nhờ Người.
Thánh Thần được gọi là Đấng Bảo Trợ. Người sẽ thực hiện một vai trò kép: trong cộng đoàn đồ đệ và trong cuộc đối diện của cộng đoàn với thế gian. Bên trong cộng đoàn, Người dạy dỗ các đồ đệ mọi điều và làm cho các đồ đệ nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã truyền dạy (14,26). Người dẫn họ đến sự thật toàn vẹn (16,13). Người làm chứng về Đức Giêsu trước các đồ đệ (15,26). Người tôn vinh Đức Giêsu và loan báo cho các đồ đệ những gì là của Đức Giêsu (16,14). Còn trong cuộc đối diện của cộng đoàn với thế gian, Người soi sáng hướng dẫn các đồ đệ và làm cho các đồ đệ biết rằng thế gian sai lầm (16,9-11).
Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác. Khi còn ở với các đồ đệ, Đức Giêsu gìn giữ, bảo vệ và dạy dỗ họ (17,12). Từ nay, Thánh Thần sẽ đảm nhận vai trò đó.
Người là Thần Khí sự thật. Có hai cách hiểu danh ngữ “Thần Khí sự thật” (to pneuma tês alêtheias): (1) Thần Khí là sự thật; và (2) Thần Khí thông ban sự thật. Cũng có thể hiểu theo nghĩa Thần Khí là sự thật, thông ban sự thật và làm cho sống trong sự thật. Trong tư cách là Thần Khí sự thật, Người cũng là Thần Khí giải thoát, vì sự thật đem đến sự giải thoát (8,31-32).
Thế gian không biết Thần Khí sự thật. Người là “Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người” (c.17b). Hạn từ “thế gian” ở đây được sử dụng theo nghĩa xấu, chỉ trật tự bất chính, đối nghịch với Thiên Chúa. Thế gian này tin tưởng vào sự dối trá và kềm hãm con người trong bóng tối của sự dối trá. Nó phục tùng ma quỷ. “Ngay từ đầu, ma quỷ đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (8,44). Vì vậy, thế gian không thể biết Thần Khí sự thật và càng không thể đón nhận Thần Khí sự thật.
“Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (c.17c). Các đồ đệ biết Thần Khí sự thật là nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu, Đấng ở trong Chúa Cha (14,10). Một khi được Đức Giêsu sai đến (7,39), Thần Khí sẽ luôn ở giữa các đồ đệ và ở trong mỗi đồ đệ.
2. Chúa Giêsu trở lại và cộng đoàn được Chúa Cha yêu mến (cc.18-21)
Đứng trước sự ra đi của Đức Giêsu, các đồ đệ xao xuyến (x. 14,1). Vì thế, khi chuẩn bị cho các đồ đệ đối diện với thực tại là sự vắng mặt của Người, Đức Giêsu muốn giúp các ông tránh khỏi sự xao xuyến ấy. Người tuyên bố: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống” (cc.18-19).
Đức Giêsu sẽ không bỏ các đồ đệ mồ côi. Hạn từ “mồ côi” mang một sắc thái nghĩa khá đặc biệt trong Cựu Ước. Kẻ mồ côi được hình dung như là một dạng điển hình cho những người không có ai bảo vệ và luôn phải đối diện với nguy cơ bị đối xử một cách bất công (x. Is 1,17-23; 10,2; Gr 5,28; 7,6; 22,3; Ed 22,7; Hs 14,4). Đức Giêsu hứa rằng Người sẽ không để các đồ đệ rơi vào tình trạng bi đát đó.
Đức Giêsu đang đi đến cái chết. Nhưng sự vắng mặt của Người sẽ không phải là một tình trạng vĩnh viễn. Người hứa sẽ đến cùng các đồ đệ. Có lẽ nên hiểu cặp đối lập “thấy – không thấy” ở đây trong liên kết với cắp “tỏ mình ra – không tỏ mình ra” trong 14, 21-22. Thế gian sẽ không còn được thấy Đức Giêsu sau khi Người đi vào cõi chết là bởi vì Người không tỏ mình ra cho thế gian. Nhưng các đồ đệ sẽ được thấy Người, vì Người yêu mến họ và tỏ mình cho họ, như lời Người sẽ nói ở cuối bài Tin MỪng: “Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (c.21c).
Thực tại “thấy” Đức Giêsu lại được miêu tả như là sự hiệp thông sự sống với Người. “Anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống” (c.19). “Thấy” ở đây, như thế, là tham dự vào sự sống của chính Đức Giêsu.
“Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha của Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (c.20). Đó là kết quả của sự tình các độ đệ được tham dự vào sự sống của Đức Giêsu. Đó cũng chính là hiệu quả của việc Đức Giêsu ban Thần Khí cho các đồ đệ. Thần Khí, Đấng phát xuất từ Chúa Cha và làm chứng về Chúa Giêsu (15,26) sẽ làm cho các đồ đệ biết rằng Đức Giêsu và Chúa Cha là một (10,30), tức là biết rằng “Thầy ở trong Cha của Thầy”. Và các đồ đệ, trong Thần Khí sự thật, sẽ nên một với Đức Giêsu. Khi ấy, “anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em”.
Sự gắn bó nên một như thế với Chúa Giêsu chính là điều kiện để các đồ đệ tuân giữ các điều răn của Người, như đã được khẳng định từ câu đầu tiên của bài Tin Mừng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (c.15). Và đàng khác, “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (c.21a). Tình yêu đối với Đức Giêsu hệ tại ở chỗ người đồ đệ sống chính những giá trị của Đức Giêsu và hành xử như chính Người đã hành xử.
Khi ấy, chính người đồ đệ sẽ được Chúa Cha yêu mến: “Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến” (c.21b). Chúa Cha yêu mến họ bằng chính tình yêu mà Ngài yêu mến Đức Giêsu. Trong lời cầu nguyện ở Ga 17, Đức Giêsu thưa với Chúa Cha như sau về các đồ đệ của Người: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (17,23).
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Tình yêu đích thực đối với Đức Giêsu hệ tại ở sự thi hành ý muốn của Đức Giêsu. Ý muốn ấy được thể hiện trong Lời của Người và trong các điều răn của Người. Ai yêu mến Đức Giêsu thì thực hiện các lệnh truyền của Người (x. c.21). Và đàng khác, chính trong lòng yêu mến đối với Đức Giêsu mà chúng ta mới có thể sống chính những giá trị của Đức Giêsu và hành xử như chính Người đã hành xử (x.c.15). Hai yếu tố “yêu mến Đức Giêsu” và “tuân giữ lời Đức Giêsu” có mối tương quan biện chứng.
2. Thần Khí sự thật được Chúa Cha ban cho các đồ đệ yêu mến Chúa Giêsu. Người là sự thật và Người thông ban sự thật, giúp các đồ đệ sống trong sự thật của Chúa Giêsu. Người là Đấng Bảo Trợ, sẽ dạy dỗ, bảo vệ, hướng dẫn… các đồ đệ của Chúa Giêsu.
3. Chúa Giêsu hứa không để các đồ đệ mồ côi. Ở giữa thế gian, họ có thể sẽ phải hiện diện như là đối tượng của những cách hành xử bất công, bạo tàn. Nhưng Chúa Giêsu luôn đến với họ và cho họ được hiệp thông với chính sự sống thần linh của Người. Chính nhờ đức tin mà các đồ đệ sẽ cảm nghiệm sâu xa sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh và sẽ được hưởng sự sống của Người.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam