Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1363831

CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

 

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

"Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa" hay "vì Chúa." (Lc 20, 37-38)

Augustine nói rất đúng: Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để từng phút giây "hướng về Ngài". Quả thật, Thiên Chúa trao ban sự Thiện tốt hảo, kể cả chính mình cho con người để con người được sống.

Cái chết không là một phần kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa: "Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu" (Kn 1, 13-14). Do tội, sự chết đã du nhập vào trong tạo dựng, Thánh Phaolô nói: "Nọc của sự chết là Tội, mãnh lực của Tội là Lề luật" (1Cr 15, 56), đúng là tội lỗi sinh ra sự chết vì sự chết cắt đứt mối liên hệ với Đấng Hằng Sống làm ra sự sống. Nhưng "Đội ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban toàn thắng cho ta nhờ Chúa chúng ta, Đức Yêsu Kitô!" (1 Cr 15, 57).

Vâng, vinh quang cho Đức Giêsu Chúa chúng ta, Đấng đã chiến thắng kẻ thù trên trần gian! Lời Hằng Sống đã kết thân với phận người, được đánh dấu bằng cái chết, để chiến thắng sự chết vào buổi sáng Phục Sinh. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa đã xuống đầy lòng chúng ta, những người chịu phép Rửa tội, ngõ hầu chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh hiện diện trong đời ta.

Đức Kitô đã phục sinh, sự chết không làm gì được Ngài nữa. Nên "nếu ta sống, chính cho Chúa mà ta sống; và nếu ta chết, thì chính cho Chúa mà ta chết. Vậy dù sống, dù chết, ta vẫn thuộc về Chúa," (Rm 14, 8 ). Làm sao không ngạc nhiên cùng với Thánh Phaolô kêu lên: "Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu?" ( 1Cr 15, 55 ) Đó là lý do tại sao "những người được coi là xứng đáng lãnh phần thưởng trong thế giới mai ngày và sự sống lại từ cõi chết, nghĩa là những người đã được rửa tội, không thể chết nữa: họ là con cái Thiên Chúa, thừa hưởng sự sống lại."

Tất nhiên, chúng ta không thể tưởng tượng được sự viên mãn ở đời sau sẽ ra sao, các thiên thần gợi ý cho thấy một cuộc sống hoàn toàn dành cho việc ngợi khen Chúa, trong sự hiệp thông hoàn hảo và tạ ơn muôn đời. Vì sự chết sẽ không làm gì được nữa, không cần thiết để đảm bảo sự sống còn của muôn loài: hôn nhân như một tổ chức để duy trì cuộc sống không có lý do để tồn tại nữa. Chúng ta sống trong một mối quan hệ tình yêu hoàn hảo với Thiên Chúa và với nhau, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.

Như thế chúng ta sẽ hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu cho phái Sađốc: "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại". (Lc 20, 34-36)

Câu trả lời của Chúa Giêsu trước vấn nạn kẻ chết sống lại của nhóm Sađốc cho thấy: Cái nhìn của họ về cuộc sống đời sau còn quá hẹp hòi. Họ không hiểu ý nghĩa của sự phục sinh hàm chứa trong câu Thánh Kinh: Thiên Chúa là Chúa các tổ phụ. Người là Thiên Chúa của kẻ sống (x. Lc 20, 37-38). Nếu tin Thiên Chúa hằng hữu thì phải tin con người có cuộc sống vĩnh cửu. Họ không chấp nhận sự kiện con người sẽ sống lại là vì họ không chịu tìm hiểu Kinh Thánh. Đó là điểm đáng trách của họ. Họ không biết vì không chịu tìm hiểu và xin Chúa soi sang.

Ước gì các cặp vợ chồng đừng có lo lắng: vì tình yêu đích thực của chúng ta trong cuộc sống hay chết này không chỉ bảo toàn nhưng biến đổi: vợ chồng nhận biết Thiên Chúa trong ánh sáng của tình yêu liên kết họ với nhau cách hoàn toàn trong một nụ hôn vĩnh cửu. Hôn nhân không kết thúc với cái chết, nhưng biến đổi. Chúa chúng ta làm mất đi tất cả những hạn chế đặc trưng của sự sống trên trái đất. Tương tự như thế, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hoặc giữa bạn bè với nhau sẽ không bị quên lãng. Nhưng nói rằng hôn nhân trần thế là một kinh nghiệm tiêu cực, hiểu lầm và đau khổ. Cái chết không cắt đứt các mối liên hệ có còn là lý do để sợ hãi nữa không? Không, bởi vượt qua thời gian vào cõi đời đời, cái xấu sẽ biến mất chỉ còn cái tốt. Tình yêu hiệp nhất họ với nhau, ngay cả khi nó chỉ kéo dài một thời gian ngắn, thấy phát triển đầy đủ, trong khi các khuyết điểm, hiểu lầm, đau khổ mà họ đã gây ra cho nhau sẽ tan biến.

Nhiều cặp vợ chồng sẽ được trải nghiệm tình yêu đích thực giữa họ với tình yêu, niềm vui và sự viên mãn của hiệp thông mà họ đã không được biết đến trên trái đất cho đến khi họ được đoàn tụ "trong Thiên Chúa", vì Ngài sẽ hiểu tất cả, người ta sẽ bảo đảm tất cả, tha thứ tất cả.

Vậy, nói gì về những người đã lập gia đình cách hợp pháp với nhiều người như góa vợ và góa chồng rồi tái hôn? (Cụ thể trường hợp phái Sađốc giới thiệu về Chúa Giêsu, bảy anh em đã liên tục kết hôn với cùng một người phụ nữ). Đối với họ là bằng nhau, lặp đi lặp lại cùng một điều: đó là tình yêu đích thực và món quà mỗi cặp vợ chồng, khách quan tất cả đều tốt, Thiên Chúa sẽ không xóa nhòa nhưng hoàn tất nó ở trên trời. Trong Thiên Chúa sẽ không có sự cạnh tranh hay ghen tuông: những điều không thuộc về tình yêu đích thực, hay dưới ách thống trị do hậu quả của tội lỗi, sẽ không tồn tại ở trên trời.

Tóm lại có "một cuộc sống khác" đang chờ đợi chúng ta, như Đức Giêsu nói: "Họ là con cái Thiên Chúa". Đối với Chúa Giêsu chắc chắn rằng một vài lời nói lên tất cả, bởi vì đối với Ngài không có hạnh phúc lớn hơn: là con cái Thiên Chúa được chia sẻ trọn vẹn sự sống của Thiên Chúa.

Sống, yêu, ca tụng, vui mừng... tất cả những động từ này sẽ đề cập đến thực tế duy nhất tồn tại ở nơi Thiên Chúa, những người cuối cùng sẽ là "tất cả trong mọi sự"; "Bởi lòng yêu mến Người đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Yêsu Kitô, và vì Người, chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Người,"(Ep 1, 5 ).

Lạy Chúa, "Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!" (Tv 16). Amen.

 

27.Thiên Chúa của kẻ sống

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng)

Thiên đàng theo ý con người

Không có một tôn giáo nào mô tả Thiên Đàng là một khu vườn với những lạc thú vật chất và nhất là những lạc thú nhục dục tuyệt đỉnh với những cô gái trinh đẹp tuyệt vời và trẻ mãi không già... như trong kinh Koran. Người ta gọi Thiên Đàng của Hồi Giáo là Thiên Đàng của lạc thú (The Paradise of Delights) hoặc Thiên Đàng của Kinh Koran (The Koranic Paradise).

Kinh Koran (47:15) cho biết trên thiên đàng có những con sông với những dòng nước nguyên chất (rivers of purest water) những con sông sữa tươi không bao giờ hư (rivers of milk for ever fresh) và những con sông mật ong trong sạch nhất (rivers of clearest honey). Chương 56:16-39 mô tả thiên đàng là những khu vườn lạc thú (garden of delights) và mọi người lên thiên đàng đều trở thành những thanh niên trẻ mãi không già (Immortal Youth). Điều đặc biệt nhất là trên thiên đàng Hồi Giáo có các cô gái trinh đẹp tuyệt vời với những cặp mắt đen huyền vô cùng quyến rũ (the dark-eye houris).

Thiên Chúa Allah đã phán rằng: "Ta đã tạo ra các cô trinh nữ tuyệt vời đó, giữ cho họ mãi mãi trinh trắng với tình yêu nồng nàn để làm phần thưởng cho những ai làm việc phải" (We created the hourist and made them virgins, loving compassion, a reward for those on the right hand - Koran: surah 56).

Hầu hết các thanh niên Hồi Giáo cuồng tín đều ước mơ sớm được lên thiên đàng lạc thú. Con đường ngắn nhất và bảo đảm nhất để họ đạt được mục đích này là sẵn sàng tử đạo trong các cuộc thánh chiến (Jihad). Kinh Koran hứa rằng: "Những ai bị giết vì Chúa đều được vào thiên đàng lạc thú" (As for those who are slain in the cause of God, He will admit them to the Paradise of Delight). "Đừng bao giờ nghĩ rằng những người bị giết vì Chúa sẽ chết. Họ sẽ sống mãi, không có gì phải sợ hãi hoặc hối hận, hãy vui hưởng các hồng ân của Chúa. Chúa không bao giờ từ chối phần thưởng dành cho các tín đồ của Ngài" (Never think that those who were slain in the cause of God are dead. They are alive and well provided for by the Lord. Have nothing to fear or to regret, rejoicing in God's grace. God will not deny the faithful their reward - Koran 3:169). (Internet)

Ở Trung Quốc, khi người ta khai quật những phần mộ cổ xưa, đặc biệt hạng người giàu có, và vua chúa, người ta khám phá nhiều thứ đồ mang theo để phục vụ cho “cuộc sống mai sau” được sung túc như cuộc sống trần gian họ từng được hưởng. Tần Thủy Hoàng là một thí dụ. Năm 1974, người ta bắt đầu khai quật và khám phá hàng ngàn tượng lính đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Theo tài liệu sử học Trung Quốc và những truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi, nó giống như một phần bản đồ thành phố với những bức tường, cung điện, nghĩa trang, tức là có thể phục vụ Tần Thủy Hoàng khi ông sang thế giới bên kia.

Ở Việt Nam, cũng có tục lệ đốt “hàng mã”. Hàng mã gồm đủ loại, từ nhà lầu, xe hơi, xe Honda, đến quần áo, tiền bạc, để người chết dùng khi về cõi âm phủ.

Hóa ra, hạnh phúc trên Thiên Đàng, trong cõi vĩnh hằng, cũng tầm thường, nhàm chán đến thế sao? Và chính cái tầm thường, nhàm chán, chóng qua ấy, lại chính là sự cản trở bước tiến con người, cản trở sự vươn cao, sự thăng hoa của con người. Hạnh phúc của cuộc sống sau khi chết cũng không khác gì cuộc sống trần thế, nên phải thụ hưởng những gì ta đang có trên cõi đời này, cần gì tin những hứa hẹn xa xôi về hạnh phúc mà mình sẽ có.

Những thứ hạnh phúc giới hạn phù phiếm kiểu trần gian ấy rồi cũng dẫn đến những giới hạn của cuộc sống, những ngang trái, u sầu, những khát vọng vô tận không thể đáp ứng được…

Tình huống người vợ có bảy đời chồng mà nhóm Xa-đốc đặt ra thật khó xử nếu con người sống lại và “cuộc sống trần gian” lập lại ở… bên kia thế giới! Khi đưa ra trường hợp này, phái Xa-đốc thật có lý khi nhìn thấy bao điều rắc rối của cuộc sống sau khi con người sống lại và nếu cuộc sống “kiếp sau” này giống hệt đời người đã đi qua. Và như thế, con người phải giải quyết những gì cuộc sống trần gian còn dang dở.

Thực tế, câu chuyện mà nhóm Xa-đốc đưa ra chỉ là một trong muôn thứ vấn đề rắc rối khó giải quyết khi con người từ cõi chết sống lại và tiếp tục sống như chưa từng chết. Hãy thử tưởng tượng còn biết bao nhiêu chuyện ngang trái, biết bao nhiêu nghịch cảnh, biết bao chuyện trắng đen, con người sẽ giải quyết ra sau khi con người sống lại.

Thật, nhóm Xa-đốc cũng có lý của họ khi dựa vào đó để bảo vệ lập trường của mình. Vì họ không tìm thấy câu giải đáp cho vấn đề.

Sở dĩ họ không thể tìm thấy câu giải đáp, vì họ quan niệm sự sống lại - cõi vĩnh hằng - hay vào Thiên Đàng - không khác gì cuộc đời trần thế. Con người sau khi sống lại, vẫn là con người của ngày nào khi còn sống ở trần gian!

Thế thì, bản thân con người, sự sống lại đó có khác gì sự thức dậy từ một giấc ngủ? Và cuộc sống sau khi chết, có khác gì thay đổi một chđịnh cư?

Thiên đàng theo thánh ý Chúa.

Sự sống lại.

Cuộc hành trình của con người là một cuộc hành trình lột xác, không ngừng thay đổi và lớn lên trong Thánh Thần.

Con người phải nhận ra những tội lỗi thấp hèn của mình và sống trong tình yêu của Thiên Chúa. - Sống trong tình yêu Thiên Chúa, là sự sống lại trong Đức Giêsu Kitô. “Khi còn nô lệ tội lỗi, anh em được tự do không phải làm điều công chính. Bấy giờ anh em thu được kết quả nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ? Vì rốt cuộc những việc ấy đưa đến chổ chết. Nhưng giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc sự sống đời đời. Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô, Chúa chúng ta”. (Rm.6,20-23).

Chính nhờ sự sống trong Đức Kitô, con người được thanh sạch, trong trắng. Sự sống lại ấy làm con người trở nên như thiên thần. Cuộc sống của một con người mới trong một thế giới mới.

“Phép rửa nay đã cứu thoát anh em. Nhờ phép rửa này, không phải là anh em được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cầu xin Thiên Chúa ban cho mình một lương tâm trong trắng, nhờ Đức Kitô phục sinh, Đấng đã lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (1Pr.3,21-22).

Thế giới vĩnh hằng

Thiên Chúa ban sự sống cho mọi loài thụ tạo. Và sự sống bởi Ngài mà có. Ngài yêu thương sự sống mà Ngài tạo dựng ra.

Do đó, Ngài không bao giờ hủy diệt sự sống, điều mà Ngài đã tạo dựng và Ngài thấy tốt lành. “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”(Lc.20,28).

Thế giới vĩnh hằng không phải là thế giới trần gian kéo dài để tiếp nhận con người từ cõi chết sống lại. Cõi Vĩnh Hằng là một thế giới hoàn toàn mới với hạnh phúc vô biên vượt qua thứ hạnh phúc dục vọng phàm phu của kiếp người trần thế. Thế giới ấy là “Trời mới Đất mới” mà những con người đã được thanh luyện và sống lại trong Đức Kitô mới hiểu được và vào được. “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem mới, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm đến đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh. 21,1-4).

Những điều cũ đã biến mất, nên không có sự tồn tại của câu chuyện “người đàn bà có bảy đời chồng” hay những “chuyện cũ” tương tự. Tất cả đã trở nên tinh tuyền trong Đức Kitô. Và tất cả chỉ còn là niềm hạnh phúc vô tận trong Tình Yêu Thiên Chúa. “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người”. (Kh.7,14).

Nếu con người vẫn còn mê ngủ trong những cuộc vui hưởng thụ trần thế, họ sẽ dừng lại hạnh phúc đời người ở giới hạn đó. Nếu con người không vươn cao lên, con người không thể nào hiểu được thế nào là sống lại và thế nào là hạnh phúc trong Đức Kitô. Không thể nào hiểu được thì không thể nào tin được con người sẽ sống lại, như những người thuộc nhóm Xa-đốc. Vì, mọi sự chỉ sáng tỏ trong ánh sáng Đức Kitô. Và Nước Trời chỉ thuộc về những ai Ngài tuyển chọn. “Kìa đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhàn lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: ‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta’”. (Kh.7,9-10).

Thực tế, con người ngày nay với những bước tiến khoa học, đã vươn ra rất xa. Vươn xa đến tận cuối chân trời, vươn xa vào vũ trụ mênh mông, nhưng con người đã không vươn cao được, ngược lại con người còn tuột dốc. Những giá trị đạo đức của con người ngày nay thu hẹp lại, còn những điều phi nhân phi nghĩa thì phình to ra. Con người vươn rộng chiều ngang nhưng lại thu ngắn chiều cao. Tâm hồn của con người cạn dần sức sống thiêng liêng và những giá trị nhất thời thay thế dần những giá trị cao siêu bền vững.

Thật sự, sống lại, phải được hiểu là sự sống lại trọn vẹn xác hồn. Sống dồi dào. Sống hạnh phúc. Và như thế, không có sự sống lại và không có thiên đường trong những con tim không có tình yêu Thiên Chúa ngự trị.

Lạy Chúa,

Xin cho con từng ngày luôn tỉnh thức, từng ngày đổi mới, từng ngày sống lại, trong tình yêu Chúa. Amen.

 

28.Đời Này và Đời Sau – R. Veritas

Bạn đã làm người được bao nhiêu năm?

Chết hết làm người, bạn dự định sẽ làm gì?

Sống và chết là điều mà mọi người đều nghĩ tới. Và hơn thế nữa, ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời này luôn luôn là điều mà ta hằng quan tâm suy nghĩ. Ngay cả những người vô thần, dù không tin có cuộc sống ở đời sau, vẫn băn khoăn lo lắng cho những gì xảy ra sau khi ta chết: Lúc đó ta sẽ ra sao? Sẽ làm gì? Sẽ đi về đâu? Về cõi trường sinh vĩnh phúc, hay nơi trầm luân đời đời?

***

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến đời sau, nơi mà con người không còn đói khát nên sẽ không cần ăn uống. Sẽ chẳng cần lấy vợ lấy chồng. Sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì người ta không bao giờ chết nữa. Nhưng đời sau vẫn là một nhiệm mầu, vì chẳng ai tận mắt nhìn thấy đời sau, chẳng ai chụp hình quay phim được thiên đàng hay hỏa ngục. Người đã chết cũng chẳng bao giờ trở lại đời này để kể cho ta nghe về đời sau. Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau. Đời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ, cho nên con người bị cuốn hút bởi “tham sân si” của đời này, sống như thể chỉ có đời này, bám dính lấy đời này. Thế nhưng, đời này được kết thúc bằng cái chết. Mọi người đều phải đi qua sự chết. Cái chết là cánh cửa mở ra cho con người đi vào cuộc sống mới ở đời sau. Nơi đó những người công chính không còn phải chết nữa, nhưng được sống lại, và sống đến muôn muôn đời.

Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp. Giáo lý Công giáo khẳng định chỉ có một kiếp người, đó là cuộc đời ta đang sống. Chính cuộc đời duy nhất này định đoạt số phận của ta ở đời sau. Lúc đó ta sẽ ra sao? Sẽ đi về đâu? Về nơi trường sinh vĩnh phúc hay cõi trầm luân đời đời?

Chúng ta chỉ đi qua cuộc đời này một lần mà thôi, không có một cơ hội thứ hai để ta làm lại. Chính vì thế ta phải cố gắng nỗ lực sống hết mình trong cuộc đời này, để đời sau ta được sống lại với Thiên Chúa, vì “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, và đối với Ngài, tất cả đều đang sống.” (Lc 20,38). Và đó cũng là cơ sở vững chắc cho ta mạnh dạn tuyên xưng đức tin trong kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.

Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng. Hy vọng vì đời ta sẽ không đi trong bất định, không lạc vào hư vô, nhưng có một cùng đích là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta. Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên trong hạnh phúc; hạnh phúc được làm con cái Thiên Chúa, hạnh phúc được chia sẻ sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta tin tưởng vững vàng và hy vọng chắc chắn rằng: Cũng như Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì sau khi chết, người công chính cũng được sống mãi với Đức Kitô Phục sinh và Người sẽ cho họ sống lại ngày sau hết. (GLHTCG, số 989)

Lạy Chúa Giêsu, trần gian này quá đẹp khiến con mải mê, quên mình là lữ khách. Thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong lòng con. Con loay hoay vun quén cho đời sống cá nhân, như thể con sẽ sống mãi trong cuộc đời này. Xin khơi dậy trong con niềm khát khao những điều cao cả trên trời, và đừng để con mãn nguyện với những cái tầm thường nơi trần thế tạm bợ này. Amen.

 

29.Thiên Giới – Lm Vũ Đình Tường

Mỗi lần tham dự lễ mừng ngân khánh, kim khánh kỷ niệm đám cưới đều là những dịp đặc biệt vui không phải riêng cho đôi hôn nhân mà còn cho con cháu và mọi người tham dự.

Mừng vui vì họ đã trải qua một chặng đường dài nhiều chông gai trong cuộc sống hôn nhân. Đời sống hôn nhân được ví như người đi biển hoặc như người đi trong đêm. Tựa như lênh đênh trên biển cả bởi họ không biết khi nào sóng to gió lớn ập đến. Có khi là mây đen che phủ, có khi là bão tố ầm ầm. Đời sống hôn nhân ví như người lữ hành trong đêm không biết bước kế tiếp là an hay nguy, đắt bằng hay bước bỗng, vấp té vì thế mỗi bước chân đều quan trọng. Mỗi bước chân dẫn họ đến gần ngày mừng. Họ có thể không là những vĩ nhân, bằng cấp cao, có vai vế trong xã hội. Họ là những người dân bình thường, sống âm thầm nhưng học được nghệ thuật sống, nắm được chân lí khôn ngoan cách sống. Đời sống hôn nhân của họ cũng đủ vị đắng cay, ngọt bùi nhưng họ vượt qua được những hương vị đắng chát đó. Vì thế họ đáng ca tụng, đáng chúc mừng trong ngày mừng kim khánh, ngân khánh. Hôn nhân chấm dứt khi một trong hai người qua đời nhưng tình yêu họ dành cho nhau sâu đậm nhiều năm sau đó. Tôi may mắn gặp nhiều người dù người phối ngẫu đã mất nhiều năm trước nhưng mỗi lần nhắc đến họ nhắc với tâm tình thương mến, kính trọng và nuối tiếc vì người kia ra đi quá sớm. Điều này cho thấy lời thề hôn phối ‘Những gì Thiên Chúa liên kết con người không được phân li’ trở thành huyền thoại cho một số nhưng trở thành hiện thực được cho những đôi hôn nhân biết mở rộng tâm hồn đón ơn Chúa, trung thành với lời hứa.

Nhóm Sađốc không tin có sự sống lại nhưng lại dùng điều này gày bẫy Đức Kitô. Họ hỏi Ngài về đời sống hôn nhân sau khi con người qua đời. Đức Kitô dùng dịp này để giải thích cho họ về đời sống thiên giới.

Thứ nhất có sự khác biệt về cuộc sống hiện tại và cuộc sống tương lai. Con cái đời này cưới vợ gả chồng để duy trì và nối tiếp cuộc sống trần thế nhưng điều này không cần thiết nơi cuộc sống thiên quốc. Vì sao? Vì họ sống như thiên thần. Không còn dựng vợ, gả chồng. Ngay cả đau khổ thân xác tinh thần cũng biết mất. Cuộc sống mới tràn đầy hạnh phúc và yêu thương. Vì tràn đầy hạnh phúc, yêu thương nên không cảm thấy thiếu và như thế không có những nhu cầu như cuộc sống trần thế. Mọi người sống trong thiên quốc yêu thương nhau như anh chị em cùng một đại gia đình Chúa.

Thứ hai người Sađốc hiểu sai lầm vđời sau. Vì sao? Vì họ thiếu hiểu biết về Kinh Thánh. Họ là thầy dậy muôn dân như họ tự hãnh diện nhưng lại thiếu kiến thức, hiểu biết về điều họ rao giảng. Họ dùng hiểu biết trần thế giải thích nước trời nên giải thích của họ dẫn vào ngõ cụt, không lối thoát. Đức Kitô rao giảng tình yêu Thiên Chúa là tình yêu vô vị lợi và vĩnh cửu. Kẻ tin thể hiện tình yêu này qua cử chí bác ái, yêu thương, tha thứ, công bình. Chính bác ái, yêu thương là hành trang đi với họ vào Thiên quốc.

Thứ ba, Đức Kitô xác nhận tổ phụ Abraham, Isaac, Giacob không phải đã chết như nhóm Sađốc tin mà họ còn sống bên Chúa. Họ nhận biết Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên họ. Chính nhận thức này xác định họ sống, và sống trong hạnh phúc và yêu thương. Chỉ riêng điểm này đủ xác định họ còn sống vì nếu họ đã chết họ sẽ không thể nhận biết Thiên Chúa. Họ nhận biết Thiên Chúa bởi họ còn sống.

Nhóm Pharisiêu xem ra có vẻ cởi mở hơn nhóm Sađốc vì Pharisiêu tin vào thiên thần và tin vào sự sống lại còn nhóm Sađốc thì không.

 

30.Cuộc sống mới - AM Trần Bình An

Kimberly Clark Sharp với cuốn “Sau Ánh Sáng” (After the Light) và Betty Eadie với cuốn “Ðược Ánh Sáng Ấp Ủ” (Embraced by the Light) là hai trường hợp kể lại kinh nghiệm của chính mình đã thấy gì ở bên kia cửa tử. Truyện bà Betty Eadie là một trường hợp điển hình cho tất cả những người đã chết rồi sống lại. Những gì thấy được có thể tóm lược vào 4 điểm chính:

1. Sau khi chết thì hồn ra khỏi xác nhìn thấy chính xác của mình và mọi sinh hoạt chung quanh.

2. Rồi hồn như đi nhanh qua một ống tối dài, như Bà Betty Eadie kể lại trong cuốn “Ðược Ánh Sáng Ấp Ủ” (trang 39). Ðây đúng là thung lũng bóng tối sự chết như Kinh Thánh đã từng nói tới.

3. Gặp được Nguồn Sáng: Có người cảm nghiệm thấy Chúa, có người thấy Ðức Maria như bà Betty Eadie: “Thấy tắm trong ánh sáng và thấy một bà mầu nhiệm mặc áo trắng đến cầm tay nâng đỡ tôi” (trang 191). “Bây giờ thì tôi biết có Chúa thật. Không còn chỉ tin vào một lực vũ trụ, mà tin vào một Ðấng đàng sau sức mạnh đó. Tôi thấy Ðấng đầy yêu thương đã dựng nên vũ trụ và đặt mọi khôn ngoan vào đó. Tôi thấy Ngài điều khiển trí khôn ngoan và sức mạnh này. Tôi thấy trực tiếp rằng, Chúa muốn chúng ta trở nên giống như Ngài, và Ngài cho chúng ta những đặc tính giống như Chúa, như óc tưởng tượng và sáng tạo, ý chí tự do, trí thông minh, và nhất là khả năng yêu thương...” (trang 61). “Tôi cảm nhận tình yêu của Chúa vô điều kiện, vượt trên mọi tình yêu trần thế... Và tôi được ấp ủ trong cánh tay của ánh sáng vĩnh cửu này” (trang 53).

Lúc đó hồn được soi sáng nhìn lại và thấy tất cả cuộc đời của mình hiện lên trong một nháy mắt. Ðạo Chúa vẫn gọi là phán xét. Cũng có những trường hợp, thay vì gặp vùng ánh sáng yêu thương, thì lại gặp vùng đen tối, hiện hình thành quỉ dữ trong biển lửa khủng khiếp ghê rợn, như bác sĩ Raymond Moody thuật lại trong “Ánh Sáng Muôn Năm” (Light Beyond, Bantam Books 1989, trang 26-27).

4. Ðược biến đổi: “Tất cả mọi trường hợp đều được biến đổi sau khi đã gặp ánh sáng này... Họ trở nên đầy nhiệt lực và dễ thương hơn, đôi khi họ được sức cảm thụ lạ về những lãnh vực tâm linh trước kia không hề biết” (Ðược Ánh Sáng Biến Ðổi, trang 6). Một số người biết trước truyện sẽ xảy ra trong tương lai hay ở xa “Họ ít sợ hoặc không sợ chết nữa, vì họ biết có một cuộc sống mới. (trang 9-10). (Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường, Vũ Khúc Thăng Ca)

Hôm nay, nhân dịp phái Sađốc hỏi về chuyện đời sau, Đức Giêsu tiết lộ khá chi tiết về cuộc sống mới, một khi xác đất vật hèn này qua đi.

Sinh ký tử quy

Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. (St 1. 7) Adam và Eva sống sung sướng trong Vườn Địa Đàng. Thiên Chúa chỉ cấm không được ăn “trái của cây cho biết điều thiện điều ác. “Vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” (St 2, 17). Nhưng qua chước cám dỗ của ma quỷ, Adam và Eva đã bất tuân, phạm tội. Thiên Chúa đã luận phạt: “Ngươi sẽ phải đổ môi hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, sẽ trở về với bụi đất.” (St 3, 19) Vậy, cái chết là quy luật tất nhiên của con người, nhưng hình như ai cũng cố quên đi cái chết của mình.

Thánh Phaolô cũng không quên nhắn nhủ với tín hữu Corinhtô: “Chúng ta biết rằng, nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”(1Cr 5,1).

Chắc chắn thân xác chỉ là nơi sống tạm, để khi chết đi phần hồn trở về nơi phát xuất. Chính là trở về với Đấng Tạo Hóa. Sách Giáo Lý Công Giáo đã công khai xác nhận chết đi là hồn lìa khỏi xác.

Vì cố quên đi, cố gắng chối bỏ cái chết, con người mới ra sức ham sống, tham sống, nỗ lực phấn đấu lo toan cho bản thân. Mới quá nuông chiều thân xác mình, thể diện, danh giá mình, mà cư xử thất nhân, thất đức với tha nhân. Mới khinh khi, rẻ rúng, chà đạp, ức hiếp kẻ khác. Mỗi khi chiều theo dục vọng, ý riêng, hay tự ái, kiêu ngạo là lúc tôi đang ngộ nhận rằng, mình sống mãi, trường sinh bất tử. Mỗi khi tôi tham lam vơ vét, gian lận, lừa đảo, tham quyền cố vị, tôi chỉ biết sống ích kỷ, hưởng thụ, cố tình quên đi, không cần biết rằng, cái chết đang âm thầm đến từng giây, từng phút, từng giờ và từng ngày.

“Biết trần gian là nơi tạm trú, sao con còn bo bo dành cho được sở này, chức kia, tiêc nuối chiếc bàn chiếc ghế,..? Con sẽ mang nó theo vào Thiên Đàng “hưởng phúc” đời đời sao? Phi lý và điên khùng.” (Đường Hy Vọng, số 672)

Như vậy, thân xác này chỉ là cõi tạm. Nếu cứ mù quáng, ra sức o bế, vuốt ve nuông chiều, hưởng thụ, để rồi mai này chung cuộc tan rã trở về cát bụi, thì thật là phi lý và hoài công, vô ích. Càng lo toan phục vụ cho thân xác, tôi càng xa rời tha nhân, anh chị em chung quanh, càng xa lìa Thiên Chúa. Thánh Phaolô tha thiết nhắc nhủ:”Ở trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa… Điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa”(2Cr 5,6-7).

Cuộc sống mới

Đức Giêsu đã mặc khải về cuộc sống mới. Linh hồn được siêu thoát, trong sáng như thiên thần:"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa”. Vì được ngang hàng với các thiên thần.”

Đức Giêsu đã an ủi Martha trước nấm mồ Lazarô: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống và ai sống mà tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ.”

Qua cái chết, linh hồn mới thoát ra khỏi thân xác hư nát, bước vào cuộc sống mới. Không còn bị giới hạn trong không gian ba chiều, không còn chịu ảnh hưởng từ trường, hay trọng lực, không bị nhiễu loạn âm thanh, sóng điện, không còn trao đổi bằng ngôn ngữ hay ký hiệu, linh hồn tiếp cận một thế giói mới, siêu hình, thanh thoát và kỳ diệu, mà không ngôn từ nào có thể diễn tả chính xác.

Hiện tượng này được diễn tả phần nào qua “kinh nghiệm cận tử” (NDE) trong “Life After Life”, một cuốn sách được xuất bản năm 1975 của Raymond Moody. Ông là một bác sỹ y khoa và là tiến sĩ triết học và tâm lý học. Trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Đại Kỷ Nguyên, Moody kể lại một bằng chứng thậm chí còn cụ thể hơn, đó là trường hợp của một linh mục và một nữ tu sĩ ở Nam Phi cùng bị tai nạn xe hơi. Tim của cả hai đã ngừng đập và sau đó là một trải nghiệm cận tử (NDE). Sau khi họ được cứu sống lại, cả hai đã kể lại trải nghiệm thoát ra khỏi cơ thể và cùng nhau đi vào ánh sáng, với các tình tiết giống hệt như nhau.

“Đối với người không biết đích, giờ chết là giờ thất vọng, vì mất tiền tài, mất khoái lạc, mất bằng hữu; trước mắt họ, toàn tối tăm, hư vô, sụp đổ. Đối với con, cuối con đường hy vọng tràn ngập ánh sáng.” (Đường Hy Vọng, số 665)

Lạy Chúa,"Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ." (Tv 16,10). Xin thương xót linh hồn tội lỗi chúng con, được cứu độ khỏi án phạt muôn đời.

Lạy Mẹ Maria, xin biến đổi chúng con trở nên con cái Thiên Chúa thật sự. Nhờ ơn cứu độ của Chúa Giêsu, hy vọng chúng con xứng đáng là con cái sự sống lại. Amen.

 

31.Giống như Thiên thần - AM Trần Bình An

Cuối tháng 4 năm 1987, người ta chở bà Hary Houghton, 68 tuổi, vào bệnh viện Boston vì chứng đau tim. Bệnh nhân ngưng thở lúc 6 giờ tối, mọi cứu chữa đều vô hiệu và bác sĩ tuyên bố bệnh nhân đã chết. Xác bà được tạm đặt trong một căn phòng riêng chờ thân nhân đến làm giấy tờ tẩm liệm. Khoảng 11 giờ đêm, bà Houghton tỉnh lại bấm chuông gọi y tá. Bác sĩ trực đến khám va xác nhận bà lão đã hồi sinh. Nhớ lại những diễn tiến sau khi chết bà kể lại:

"Tôi đang ngồi nhà đọc báo thì thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày và tự nhiên hôn mê. Khi tôi tỉnh dậy tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, chung quanh tôi là một lớp sương khói dày đặc khiến tôi bỡ ngỡ không biết mình đang ở đâu. Một lúc thì nhận thức rằng có lẽ mình đã chết. Tôi thấy mình đang đứng ngay bên cạnh giường quan sát thân thể của tôi nằm bất động trên đó. Tôi bèn lên tiếng cầu nguyện thì thấy mình dễ chịu lạ thường, lớp ánh sáng bao quanh dần dần trở nên quang đãng hơn. Một lúc sau tôi thấy thân thể nhẹ hẫng như có thể bay bổng lên được. Lúc đó ở trên cao nhìn xuống, tôi thấy một chùm chìa khóa màu đỏ của ai để trên nóc tủ thuốc. Tôi thấy mình đã đi xuyên qua trần nhà để lên lầu trên và thấy hai người y tá đang xem một trận bóng rổ trên tivi, trận đấu vừa kết thúc khi đội Los Angeles Lakers thắng Boston Celtics và một người y tá đánh cuộc thua… Tôi nghĩ đến các con của tôi và lập tức thấy mình đang đứng trước mặt đứa con gái lớn. Con gái tôi đang khóc. Mỗi khi trong người khó chịu thì lớp ánh sáng bao quanh tôi lại chuyển sang một màu đen tối, nhầy nhụa khiến tôi sợ hãi. Hai đứa con đang bàn việc tôi đã không chịu mua bảo hiểm nhân thọ.... Tôi không biết sẽ đi đâu. Tôi chẳng có thân nhân hay bạn bè nào cả. Hình như tôi đã sống một cách ích kỷ, không giao thiệp với ai và cũng không có ai là bạn thân thiết.. Tôi bắt đầu cầu nguyện và tự nhiên thấy lớp ánh sáng bao quanh bỗng sáng chói một cách lạ lùng. Tôi là một người quá tự hào về mình, quá hãnh diện về những giá trị viển vông, tạm bợ mà không hề biết rằng nhiều điều đó hoàn toàn vô giá trị khi người ta từ bỏ cõi sống nầy. Hậu quả là tôi có một đời sống khô khan, không bạn bè thân thiết, ai ai cũng muốn xa lánh tôi, ngay cả những đứa con của tôi nữa. Tự nhiên tôi lên tiếng cầu nguyện. Tự nhiên tai tôi bỗng ù đi, luồng ánh sáng bao quanh tôi trở nên sáng chói một cách lạ lùng, tôi thấy bình tĩnh như có một sự an ủi lớn lao nào đó vừa đến với tôi, và tôi cương quyết rằng tôi sẽ chuộc lại lỗi lầm khi xưa. Tôi chắp tay cầu nguyện Thiên Chúa hãy cho tôi một cơ hội nữa và luồng ánh sáng chung quanh tôi tự nhiên sáng chói một cách mãnh liệt khiến tôi phải nhắm mắt lại và bất chợt tôi nghe được âm thanh quen thuộc. Tôi thấy minh đang nằm trên giường bệnh viện... Tôi đã tỉnh lại." Lời khai của bà Houghton đều được bác sĩ Elizabeth Kubler Ros và những người liên quan, xác nhận hoàn toàn đúng. (Betty Eadie, Embraced By The Light)

Lời tường thuật của bà bà Hary Houghton thêm khẳng định linh hồn luôn hiện hữu trong mỗi người. Trong Tin Mừng thánh Luca hôm nay, Đức Giêsu giải đáp con người đi về đâu sau cái chết cho đám người theo phái Sa đốc, vốn không tin có đời sau.

Linh hồn hiện hữu

Nhân câu hỏi nếu người phụ nữ phải lấy bảy anh em ruột làm chồng rồi tất cả đều chết, thì khi sống lại sẽ là vợ của ai, Đức Giêsu thẳng thắn trả lời về đời sau: “(Ai) được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng.”

Đức Giêsu đã gián tiếp xác nhận linh hồn hiện hữu trong thân xác, khi an ủi các môn đệ đừng sợ hãi những kẻ dữ hãm hại."Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10, 28)

Sinh ký tử quy

Sống gửi thác về, sống là ở gửi tạm, chết trở về cội nguồn, Đấng Tạo Hoá. Chính vì thế, khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi vang lời ca hát, ngàn dân tung hô, tôi thật vinh phúc.” (Lm Kim Long, Ngày Về 1)

Hội Thánh cũng dạy rằng, linh hồn bất tử, (Cđ Latran 1513) không hư mất khi lìa khỏi xác trong giờ chết, và sẽ tái hợp trở lại với thân xác trong ngày phục sinh cánh chung. (GLHTCG, số 366)

Linh hồn tuy không hình hài, nhưng vẫn nhận biết mọi sự qua tư tưởng, trở nên siêu nhiên như các thiên thần. “Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần.”

Ngày cánh chung

“Những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết.” Thánh Luca gọi đó là “Ngày Của Chúa,” ngày phán xét chung, Đức Giêsu còn hoa mỹ gọi là “mùa gặt” trong dụ ngôn cỏ lùng, tất cả các linh hồn được xét xử công minh để thưởng phạt.

“Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy…Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.”(Mt 13, 39-43)

Hoặc như trong dụ ngôn tiêc cưới, chiếc áo cưới mà những người được mời phải mặc vào khi dự tiệc, là những tâm tình hãm mình, xả kỷ vị tha, yêu thương, chia sẻ, bác ái, hiến dâng, cho đi, thì mới được vào tham dự Nước Trời. Nếu không, kẻ cố chấp bất tuân sẽ bị trừng phạt. "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo: ”Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít." (Mt 22, 12-14)

“Giữa những đau khổ, oan ức, những giả dối, bất công, con hãy vững vàng tuyên xưng với toàn thể dân Chúa: "Và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng." (Đường Hy Vọng, số 679)

Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn. (Lời nguyện của Đức Mẹ Fatima dạy ba trẻ)

Khấn xin Mẹ Maria cầu bầu chúng con luôn cố gắng sống trung thành với Chúa luôn. Xin giúp chúng con mau hồi tâm, ăn năn sám hối, ngay mỗi khi sa chước cám dỗ. Amen.

 

32.Sống – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực

Càng bị đe dọa, sự sống càng vùng dậy mãnh liệt. Cái chết là một đe dọa lớn nhất và ghê sợ nhất. Muốn vươn đạt tới sự sống vĩnh hằng, con người phải có một sức mạnh hơn tử thần. Hôm nay, Đức Giêsu dẫn ta tới một cuộc sống trên cõi thiên thần.

HAI CUỘC SỐNG.

Cuộc sống rất tương đối. Sự sống thật hữu hạn. Thế nhưng niềm tin mở ra một chân trời mới. Thế giới đang tiến về một đỉnh cao dành cho “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” (Lc 20,35) Sống trong thế giới đó, con người không còn bị lệ thuộc vào những điều kiện vật chất hữu hạn nữa. Tất cả đều “là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,36) Một cuộc lột xác hoàn toàn sẽ đem lại cho nhân loại một sự sống mới chưa từng thấy.

Sự sống bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Bởi vậy, sự sống không thể thua sự chết, không thể bị tắc nghẽn vì những giới hạn tử thần. “Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1 Cr 15,56-57) Nếu không có Đức Giêsu, chắc chắn tất cả nhân loại sẽ bị tử thần khuất phục. Đó là điều sỉ nhục đối với Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu đã phục sinh để chứng minh Thiên Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,38) nhờ máu Đức Giêsu đổ ra trên thập giá. Chính niềm xác tín vào sự sống như thế đã cho ta có quyền hi vọng vào chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa, Đấng “đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp.” (2 Tx 2,16)

Nếu chỉ nhìn theo nhãn quan trần thế, không thể nào có được niềm an ủi và cậy trông đó. Nhóm Xađốc đã dựa trên hiện tại để củng cố “chủ trương không có sự sống lại.” (Lc 20,27) Họ hoàn toàn căn cứ vào tương quan hôn nhân để phi bác cả một thế giới thiêng liêng, nơi con người “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với thiên thần.” (Lc 20,35) Chỉ trong cuộc sinh tồn đắp đổi này, con người mới cần đến hôn nhân để duy trì cuộc sống. Còn trong cõi vĩnh hằng, tại sao cần phải duy trì sự sống bằng những phương tiện của thế giới vật chất nữa? Hai thế giới khác nhau không thể dựa trên cùng một nền tảng. Lập luận của nhóm Xađốc hoàn toàn nằm ngoài qui luật thiên giới. Họ không thể vượt ra ngoài cõi tục để thấy được cuộc sống của con cái Thiên Chúa, vì họ không phải là con cái sự sống lại. Cuộc sống đó thật là mầu nhiệm và siêu việt, nhưng lại rất thực tiễn vì đáp ứng được niềm ước vọng bất tử của nhân loại và vào chính sự phục sinh của Đức Giêsu. Thật vậy, “nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.” (1 Cr 15,13.16) Nếu niềm tin chúng ta hoàn toàn hão huyền, làm sao Kitô giáo lại có thể đem lại cho nhân loại một nền văn minh tốt đẹp như vậy? Thực tế, nhân loại đã được giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi nhờ cuộc phục sinh của Đức Giêsu. Bởi thế, không thể không có sự sống lại. Đó là niềm tin căn bản nhất và vững chắc nhất, chi phối toàn thể cuộc sống Kitô hữu.

Niềm tin đó đã bắt nguồn rất sâu xa trong Kinh thánh. Quả thế, “hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ” (2 Mcb 7,1) dưới thời vua Antiôkhô. Họ đã có tất cả sức mạnh chiến thắng tử thần nhờ “dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hi vọng sẽ được Người cho sống lại.” (2 Mcb 7,14) Bao nhiêu cực hình đã không chiến thắng nổi niềm tin vững chắc và đầy quả cảm đó. Nếu “luật pháp của cha ông” (2 Mcb 7,8) đã khiến cho họ có sức mạnh lớn lao đến thế, thì “Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8,11) Thế nên, niềm tin vào sự sống lại được chính Ba Ngôi bảo đảm. Niềm tin đó đang trổ sinh những mùa màng tươi tốt trên toàn thế giới.

Như vậy Đức Giêsu đã dùng một lập luận vững chắc để phi bác niềm tin của phai Xađốc. Lập luận đó căn cứ trên thực tế cuộc sống thiên thần và qui chiếu vào Kinh thánh. Chính thực tại lớn lao là “Thiên Chúa của kẻ sống” đã đủ mạnh để áp đảo tất cả những lập luận bênh vực cho sự chết. Đối với Thiên Chúa, không có vấn đề chết. Vì tất cả đã được Đức Kitô trả lại sự sống mới bắt nguồn từ Thiên Chúa.

MỞ RỘNG TẦM NHÌN.

Không có sự sống mới đó, cuộc sống hiện tại sẽ trở thành nhàm chán và vô nghĩa. Nói khác sự sống lại không phải là sự nối tiếp cuộc sống hiện tại. Bởi vậy vấn đề các người Xađốc đặt ra hoàn toàn “trật dơ”. Sự sống lại khác tự bản chất, vì con người sẽ “ngang hàng với các thiên thần.” (Lc 20,36) Không có niềm hi vọng sống lại, không thể đủ nghị lực và phấn khởi vượt qua những thách đố phi lý của cuộc sống hiện tại. Trái lại, sự sống lại là động cơ thúc đẩy con người vươn tới những mục tiêu siêu việt.

Không mở rộng tầm nhìn, không thể thấy được tất cả ý nghĩa sự sống lại đem lại cho sự sống hôm nay. Sự sống hôm nay đang dẫn tới cái chết. Đó là một sự phi lý hoàn toàn. Nhưng sự sống lại giúp con người hiểu được tại sao mình sống và đang đi về đâu. Sự sống lại sẽ dẫn con người tới một sự thật: Thiên Chúa là “Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20,38) Nghĩa là, đối với các tín hữu, không gì, kể cả cái chết, có thể làm họ thất vọng. Những người không có niềm tin vào “Thiên Chúa của kẻ sống”, chỉ thích chọn giải pháp dễ dãi của tử thần. Chẳng hạn, những người chủ trương cho chết êm dịu, phá thai, triệt sản, khủng bố v.v hoàn toàn đóng khung tầm nhìn vào những giới hạn trần giới.

Bởi đấy, cần phải mở rộng tầm nhìn vào cõi sống của “con cái sự sống lại” để tìm một giải pháp toàn diện cho những bế tắc hôm nay. Nhưng đừng để bị những kẻ mơ mộng đánh lừa. Họ có thể nhân danh sự sống đời sau để đẩy con người vào cõi chết. Những kẻ khủng bố 11/9/2001 vừa qua cũng tin vào sự sống bất diệt nơi Thiên Chúa. Nhưng họ đã tạo ra bao đau thương cho chính mình và nhân loại. Có một sự mâu thuẫn giữa cuộc sống hiện tại và tương lai trong niềm tin của họ. Mặc dù có sự khác biệt sâu xa, nhưng niềm tin vào cõi bất tử không thể là một lối thoát cho những người tuyệt vọng như vậy.

Bởi đấy niềm tin vào sự sống lại chỉ chính đáng khi đem lại cho con người sức mạnh xây dựng cuộc sống hiện tại tốt đẹp hơn. Niềm tin đó đang là điểm tựa cho nhiều người trong cuộc chiến chống lại tử thần. Đó là lý do tại sao Kitô hữu không ngừng vận dụng mọi nỗ lực xây dựng nền văn minh sự sống, chống lại nền văn minh sự chết. Từ nay nhờ Đức Giêsu, trong văn minh sự sống Kitô hữu có thể đem lại niềm hi vọng lớn lao cho nhân loại.

Tất cả đều “dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại.” (2 Mcb 7,14) Lời hứa đó thực sự đã được thực hiện trên thập giá Đức Giêsu. Chính Người “là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25) của chúng ta. Không có Người, tất cả sẽ trở thành vô nghĩa và vô giá trị, vì tất cả bị thần chết tiêu diệt. Nhưng nếu muốn thoát ách tử thần, Kitô hữu phải “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hi vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3,10) Thập giá là con đường dẫn tới sự sống và sự sống lại trong Đức Giêsu Kitô.

 

33.Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

Người Sađốc không tin có sự sống lại, và họ tìm được một vấn đề mà theo họ không có lời giải đáp nếu có sự sống lại. Đức Giêsu tuy có câu trả lời cho thắc mắc của họ, nhưng Ngài không dựa vào đó để khẳng định có sự sống lại. Ngài đưa người ta trở về với niềm tin của Abraham, của Isaac, của Giacob, đúng hơn là đưa mọi người về với niềm tin truyền thống. Trong niềm tin ấy, dân Israel đã khẳng định Abraham, Isaac, Giacob tổ phụ của họ vẫn hiện diện trong dân tộc họ, không phải chỉ như những kỷ niệm không bao giờ quên, nhưng với tất cả uy quyền của sự sống trong Thiên Chúa, vẫn đang chở che và cầu phúc cho con cháu qua muôn thế hệ. Cách giải đáp của Chúa Giêsu cho vấn đề có sự sống lại, là vì theo mạc khải Thiên Chúa được Môsê kêu cầu là "Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacob", và theo Đức Giêsu thì diều gì gắn liền với Thiên Chúa thì cũng mang sự sống vĩnh hằng của Người.

Thánh Phaolô cũng khẳng định như thế khi trình bày với dân Thessalonica: "Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã lấy lòng nhân hậu mà ban cho chúng ta niềm phấn khởi bất diệt...".

Chính niềm tin truyền thống ấy đã làm nẩy sinh những chứng từ Tử Đạo ngay từ thời Cựu Ước như sách Macabêô đã thuật lại: mọi người Tử Đạo tin mình sẽ nhận lại sự sống từ tay Thiên Chúa, nếu họ trung tín liều chết để giữ trọn giao ước của Người.

Chính vì sự sống lại gắn liền với giao ước của Thiên Chúa, nên niềm tin này cũng đã tiến triển theo lịch sử giao ước. Đây là một khía cạnh cần phải được suy niệm nhiều hơn trong thời đại chúng ta, thời đại mà cá nhân chủ nghĩa đang làm băng hoại mọi giao ước, và do đó cũng làm băng hoại chính Giao Ước của Thiên Chúa.

Công đồng Vaticanô II trong hiến chế tín lý về Hội Thánh cũng đã long trọng nhắc lại niềm tin này trong khẳng định "Thiên Chúa không muốn cứu độ con người từng cá nhân riêng lẻ, nhưng kêu gọi họ làm thành một Dân Tộc." Trong cách nhìn ấy, mọi lề luật của Thiên Chúa không phải là những thứ để cưỡng chế hay làm mất tự do của con người, nhưng đó là những cam kết để đi vào Giao Ước yêu thương, nơi mà sự tự do đạt tới mức phong phú tột đỉnh, vì là tự do phục vụ cho sự sống.

Nhưng thánh Phaolô nói "không phải ai cũng có đức tin" như vậy!

Con người ngày nay thường có suy nghĩ rằng sự sống là lợi ích của cá nhân, và định luật cạnh tranh sinh tồn dường như là điều tất yếu của lịch sử. Thế nhưng thực tế lịch sử nhân loại cho thấy cách suy nghĩ ấy chỉ đem lại hết thảm họa này tới thảm họa kia. Người ta bảo rằng cái chiến tranh khủng bố có nguyên ủy từ lối sống vị kỷ của những giới lãnh đạo...muốn đẩy những dân tộc nghèo mạt vào đường cùng. Nhưng chính khủng bố cũng là một thái độ bảo vệ ích kỷ không kém. Chỉ có lối nhìn của Lời Chúa mới giúp nhân loại thoát ra khỏi cái ngõ cụt của mọi suy nghĩ và hành động tự sát này. Sự sống vốn là hồng ân gắn liền với Giao Ước, người ta phải xây dựng Giao Ước này trong những giao ước gia đình, bộ tộc, quốc gia và quốc tế, để cho gia đình, bộ tộc, quốc gia và nhân loại mãi mãi là lời tiên báo của sự sống và sự sống lại.

Rõ ràng, có một sự khác biệt rất lớn, sự khác biệt giữa cuộc sống tại thế và cuộc sống đời sau như Đức Giêsu đã cho thấy trong cái giây hôn nhân. Tuy nhiên có một sự thống nhất nội tại giữa hai cuộc sống ấy: chính là cùng thuộc về Thiên Chúa hằng sống. Chối bỏ điều thống nhất nội tại này là nguyên nhân đưa đến cái chết của mình hay gây nên cái chết cho người khác.

 

home Mục lục Lưu trữ