Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1361133

CHỮA LÀNH CON GÁI MỘT PHỤ NỮ CANAAN

CHỮA LÀNH CON GÁI MỘT PHỤ NỮ CANAAN- Chú giải của Giáo hoàng Học viện Đà Lạt

 

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui đến miền Tyrô và Siđôn”. Đừng tìm cách xác định lộ trình của Chúa Giêsu từ chỗ ra khỏi đó, một thành ngữ rất mơ hồ, đến miền Tyrô và Siđôn. Đúng hơn việc định vị này có một ý nghĩa thần học: Matthêu muốn nói Chúa Giêsu tiếp xúc với lương dân sống trong các miền ấy, nơi cũng có rất nhiều người Do thái ở. Thành ngữ Tyrô và Siđôn, theo cựu truyền, chỉ vùng đất của dân ngoại dọc theo biên giới bắc-đông bắc của Palestine, mà ta cũng còn gọi là xứ Phênixia. Dân Phênixia tự gọi mình là người Canaan, và Cựu ước lẫn Tân ước cũng kêu họ như vậy.

“Một phụ nữ Canaan…”: Thành ra bà này không phải là một người Do thái sống trong vùng ngoại đạo nhưng, như phần tiếp trình thuật cho thấy, là một người ngoại đạo biết rõ hoạt động của Chúa Giêsu và có lẽ cũng nhiễm ít nhiều niềm tin Do thái. Đừng quá ngạc nhiên khi thấy bà ta gọi Chúa Giêsu là con Đavít: theo Mc 3, 8 danh tiếng Người đã vang nhanh đến các vùng này. Thành thử khi gán tước hiệu đó cho Chúa Giêsu, không chắc bà tin Người là Đấng Messia; có lẽ đúng hơn bà chỉ lặp lại điều đã nghe dân Do thái trong vùng nói về Người; vì thế, niềm tin mà Chúa Giêsu thán phục ở c. 28 đúng ra là chính niềm tin được biểu lộ trong câu đáp đầy khiêm tốn ở c.27, nơi người đàn bà Canaan minh nhiên công nhận, dù là ngoại giáo, quyền ưu tiên được cứu rỗi của Israel.

“Ra khỏi vùng đó… “: BJ dịch ra như thế các chữ Hy lạp apo ton horion ekeinon exelthousa và còn ghi chú thêm: “ân huệ mà cuối cùng Chúa Giêsu đã ban cho bà ngoại giáo ấy cũng chỉ được ban trong đất Israel”. Nhưng hình như c.21 cho thấy là Chúa Giêsu ra khỏi lãnh thổ Israel để đến các vùng ngoại đạo mà? Kỳ thực, ranh giới địa dư, chính trị và chủng tộc giữa Galilê, Syria và Phênixia không có gì rõ ràng. Đàng khác động từ Hy lạp ra khỏi (exelthousa) với giới từ apo cũng có thể chỉ muốn nói bà này có xuất xứ ngoại đạo. Thành ra có thể dịch phần đầu của c.22 như sau: “Và này môt người đàn bà Canaan ở vùng đó…”. Cách dịch này ăn khớp hẳn với câu trước vậy (c. 21).

“Ta chỉ được sai đến cho những chiên lạc nhà Israel thôi”. Một câu trả lời nặng óc địa phương như thế hẳn là chướng tai đối với Giáo Hội, vì ngay từ trước thời Phaolô, Giáo Hội đã bắt đầu hoạt động truyền giáo giữa lương dân (Cv 10, 44-48). Thật ra Chúa Giêsu nhắc tời một ủy nhiệm lãnh từ Thiên Chúa động từ ở thể thụ động, không túc từ động tác, là một cách nói bóng gió về Thiên Chúa mà không nêu danh Ngài). Và ủy nhiệm này hoàn toàn phù hợp với các sấm ngôn tiên báo sẽ có ngày giao đuổi các mục tử giả nhà Israel để ban trách vụ mục tử cho Đấng Messia (Ed 34, 23). Chúa Giêsu loan báo giờ đó đã đến. Vai trò của Người là tái lập Israel thành một đàn chiên duy nhất, trung tín với Giavê. Khi dân Israel lại được quy tụ và đi theo Thiên Chúa, mục tử chân chính của nó, thì bấy giờ các dân tộc trên thế giới mới được quy tụ quanh Thiên Chúa thật. Nhưng giai đoạn thứ hai này của chương trình cứu rỗi không trực tiếp liên hệ đến sứ mệnh của Người, xét như là Đấng Messia. Người chỉ chuẩn bị giai đoạn đó thôi.

“Chó con”: Hy ngữ kunarion (chó con) là hình thức yếu nghĩa (diminutit) của chữ khôn (chó). Đa số các nhà chú giải xem việc dùng yếu nghĩa từ này là cách làm dịu bớt sự khinh miệt trong lời nói của Chúa Giêsu (người Do thái gọi dân ngoại là “chó” chứ không phải chó con). Nhưng về ý kiến này, ta có hai nhận xét:

1/ Không chắc hình thức yếu nghĩa trong Hy ngữ bình dân có giá trị như một cách làm dịu bớt;

2/ Ngôn ngữ Aram không có yếu nghĩa từ tương ứng với “chó con”; chữ Chúa Giêsu nói hẳn là chữ quen dùng để chỉ người lương dân kaloba (chó) hơn là gurâ (con thú nhỏ).

“Lòng tin của bà lớn thật”: người đàn bà Canaan đã hiểu rằng Chúa Giêsu không phải là một nhà thần thông nào đó hoạt động một cách cá nhân nhưng là thừa tác viên thi hành một kế hoạch của Thiên Chúa, mà trước tiên liên hệ đến tuyển dân; và bà đã khiêm tốn nhìn nhận tuyển dân này được ưu tiên trong chương trình cứu rỗi đó. Chính việc nhìn nhận như vậy làm nên đức tin của bà.

KẾT LUẬN

Chúa Giêsu giúp bà này chẳng phải vì bà là kẻ ngoại giáo, song vì bà có một đức tin lớn lao. Trật tự cứu rỗi được tôn trọng, các giới hạn của sứ mệnh ủy thác cho Chúa Giêsu được xác định rõ ràng. Nhưng một niềm hy vọng vĩ đại đã bừng dậy. Trong niềm hy vọng đó ta thấy hiện ra một dân Israel mới được xây trên một lòng tin cũng thật lớn lao. Trường hợp viên sĩ quan trước đó cũng thế (8, 10. 13). Vì như Thiên Chúa hoàn toàn đủ sức biến các “viên đá” thành con cái cho Abraham, thì ngày kia Ngài cũng sẽ gây dựng một Israel mới lừ những kẻ có lòng tin như vậy. Ơn cứu rỗi chưa đến với lương dân; Chúa Giêsu còn trở về Israel (c. 29) để bẻ bánh cho con cái dân Người. Nhưng rải rác đó đây, trong nhiều trường hợp xác định, người ta thoáng thấy một thực tại mới, một tương lai mới trong đó Thiên Chúa sẽ hoàn tất trật tự cứu rỗi đã thiết lập ngay từ đầu. Vì ơn cứu rỗi phải đến với mọi dân trên toàn cõi trái đất.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

*1) Vì được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo, vì có niềm tin, nên đôi khi ta tưởng các con “chó ” ở ngoài, nghĩa là lương dân quanh ta, không có cùng quyền lợi được cứu rỗi như ta. Giai thoại người đàn bà Canaan nhắc ta nhớ Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi các cơ cấu tôn giáo. Cũng như Chúa Giêsu đã gặp “một lòng tin lớn” ngoài Israel trong khi chính Israel lại cứng lòng tin, thì ngày nay Người cũng có thể gặp một lòng tin lớn lao như thế, nghĩa là một lòng đói khát Thiên Chúa thực sự, ở ngoài Giáo Hội. Vì thiếu mặc khải minh nhiên và thiếu ánh sáng soi dẫn, nên lòng đói khát này là một nỗi mong chờ được nuôi dưỡng bằng những vụn bánh rơi tư bàn ăn của Thiên Chúa. Những người đói khát như vậy có lẽ có, dầu họ không biết, một đức tin tinh tuyền hơn lòng tin của ta, nếu ta khinh chê lương dân thì có khác gì những người Do thái tự mãn đã không chịu khiêm tốn tin vào Chúa Giêsu, viện cớ mình là “con cái Abraham”!.

*2) Thiên Chúa thường bắt đầu tỏ ra giả điếc làm ngơ trước lời cầu xin của ta, như Chúa Giêsu đối với người đàn bà xứ Canaan, nhưng là để sau đó nhậm lời nếu ta biết khiêm tốn kiên trì van vái. Chính đó là cách Ngài giáo dục ta cho có một lòng tin chân thật vậy.

*3) Lời cầu xin thực sự làm đẹp lòng Thiên Chúa là lời cầu xin không ỷ lại vào một quyền lợi nào, mà chỉ hoàn toàn trông chờ vào lòng tốt của Thiên Chúa như chó con đón lấy các mảnh vụn rơi từ bàn ăn gia đình.

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN- A

TIN YÊU SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ– ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt

Đoạn Tin Mừng hôm nay thật lôi cuốn. Lôi cuốn trước hết ở diễn tiến bất ngờ của phép lạ. Bất ngờ đầu tiên: người phụ nữ ngoại đạo dám đến xin phép lạ cho con mình. Người ngoại với người Do Thái không bao giờ liên hệ với nhau. Với người phụ nữ ngoại giáo, khoảng cách càng xa diệu vợi. Thế mà người phụ nữ này dám vượt qua hết những rào cản để đến với Chúa. Bất ngờ thứ hai: Chúa đã có thái độ từ chối quyết liệt. Từ chối bằng im lặng không trả lời. Từ chối thẳng thừng bằng lời nói quyết liệt: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel thôi”. Và căng thẳng đến tàn nhẫn: “Không được lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”. Bất ngờ thứ ba: người phụ nữ chấp nhận tất cả những thử thách, và đã có câu trả lời thông minh: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Thật là khiêm tốn, nhưng cũng đầy tin tưởng. Thật bất ngờ mà cũng thật đẹp đẽ.

Lôi cuốn ở nét đẹp tâm hồn người phụ nữ. Ẩn sâu trong vẻ đẹp của thái độ người phụ nữ ngoại đạo, ta thấy nổi bật hai phẩm chất cao quí đó là: Tin và Yêu. Yêu con tha thiết nên bà không thể nhẫn tâm ngồi nhìn ma quỷ hành hạ đứa con yêu quí. Yêu con tha thiết nên bà không ngần ngại đi tìm thầy tìm thuốc ở khắp mọi nơi, kể cả những nơi bị coi là cấm kỵ. Yêu con tha thiết nên bà chấp nhận tất cả, không chỉ sự mệt nhọc tìm kiếm mà cả sự dửng dưng lạnh nhạt và nhất là sự khinh khi nhục mạ. Yêu con nên bà tin Chúa. Tin Chúa có quyền năng thống trị ma quỷ. Tin Chúa có lòng thương xót sẽ ra tay cứu chữa. Tin Chúa có trái tim rộng mở sẽ không phân biệt người ngoại kẻ đạo. Tin và Yêu giống như đôi cánh đã giúp người phụ nữ bay lên rất cao và bay đi rất xa. Cao lên tới Thiên Chúa. Xa khỏi những ngăn cách trắc trở. Tin và Yêu giống như giòng thác nước. Càng gặp đập ngăn cản càng dâng lên cao. Càng dâng lên cao sức mạnh càng tăng. Và khi đổ ào xuống sẽ phát sinh công hiệu quả lớn. Tin và Yêu giống như chiếc chìa khoá vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa. Mở được cánh cửa Nước Trời. Mở được cả tâm hồn Thiên Chúa.

Trong bối cảnh của Năm Thánh Thể, thái độ người phụ nữ ngoại đạo khiến ta liên tưởng đến Đức Mẹ, người phụ nữ Thánh Thể. Người phụ nữ ngoại đạo này là một bà mẹ hiền. Vì thương con đói khổ nên bà đã lặn lội đi tìm tấm bánh về nuôi con. Vì thương con nên bà chấp nhận tất cả mọi vất vả, khổ cực, nhục nhã. Và Chúa đã thưởng công bà. Bà chỉ mong tìm được những mẩu bánh vụn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã ban cho bà trọn vẹn tấm bánh thơm ngon của những đứa con. Bà chỉ mong được như lũ chó con chực chờ thức ăn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã cho bà và con gái bà được đồng bàn với con cái Chúa. Chúa đã ban cho bà tấm bánh hạnh phúc. Đó là tấm bánh cứu độ. Cho bà được gia nhập gia đình Chúa, trở nên con cái Chúa. Bà đã mở được đường lên Nước Trời, đã làm cho Chúa thay đổi chương trình, thu nhận dân ngoại vào Nước Chúa.

Cũng thế, Đức Mẹ là người mẹ rất hiền từ. Vì thương yêu chúng ta nên Mẹ cũng lặn lội đi tìm cho ta tấm bánh hạnh phúc. Mẹ đã trao ban cho ta tấm bánh cứu độ. Đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Nếu hiểu rằng Thịt Máu Chúa Giêsu Thánh Thể cũng chính là thịt máu Mẹ đã cưu mang trong lòng, ta mới rõ Đức Mẹ là người Mẹ hiền đã tìm cho con cái tấm bánh cứu độ thơm ngon hạnh phúc. Và để có được tấm bánh đó, Đức Mẹ đã phải chịu rất nhiều vất vả, đau đớn, khổ nhục như lời tiên tri Simêon tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”. Chính nhờ Mẹ, ta được ăn bánh các thiên thần, được đồng bàn với thần thánh, được nên con Thiên Chúa.

Không những ban cho ta tấm bánh cứu độ, Đức Mẹ còn dạy ta sống bí tích Thánh Thể trong đức tin và tình yêu.

Đức Mẹ dạy ta hãy tin thật Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, noi gương Mẹ khi xưa nghe lời thiên thần truyền tin đã hoàn toàn tin rằng bào thai trong lòng Mẹ là Con Thiên Chúa.

Đức Mẹ dạy ta hãy tin vào quyền năng của Chúa. Như xưa tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã bảo các gia nhân: “Người bảo gì thì hãy cứ làm theo”. Hôm nay, trong Năm Thánh Thể, Đức Mẹ cũng muốn nói với ta: Nếu Chúa đã dạy: “ Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, thì hãy sốt sắng tin tưởng cử hành bí tích Thánh Thể. Hãy vững tin vì Đấng đã có thể biến nước lã hoá thành rượu ngon cũng có thể làm cho bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người.

Đức Mẹ dạy ta hãy luôn hướng về bí tích Thánh Thể như xưa Mẹ đã theo Chúa Giêsu trên mọi bước đường, dù gian nan khổ cực.

Đức Mẹ dạy ta dâng mình làm hy lễ. Như xưa Mẹ đã đứng dưới chân Thánh giá, cùng Chúa Giêsu dâng hiến những đau khổ làm hy lễ dâng Thiên Chúa Cha.

Và cũng như xưa Đức Mẹ đã đem Chúa Giêsu đến với bà Elisabet, đem lại niềm vui lớn lao cho bà, vì đã cho Thánh Gioan Baotixita được khỏi tổ tông truyền khi còn trong lòng mẹ, Đức Mẹ cũng dạy ta khi sống bí tích Thánh Thể, hãy trở nên những nhà tạm sống động đem Chúa Giêsu Thánh Thể đến khắp mọi nơi, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Hôm nay khi cho người phụ nữ ngoại đạo được tấm bánh của con cái, được đồng bàn với con cái Chúa, Chúa cho bà được gia nhập dân riêng Chúa. Điều đó nhắc nhở ta khi sống bí tích Thánh Thể cũng hãy chăm lo việc truyền giáo, đi quy tụ nhiều người về bàn tiệc Thánh Thể, vào dự tiệc Nước Trời. Đức Mẹ La Vang luôn quan tâm đến việc truyền giáo, nên Mẹ không ngừng yêu thương và ban ơn lành cho những lương dân chạy đến với Mẹ. Trong những buổi cử hành sắp tới, ta sẽ được nghe những chứng từ rất sống động về tình thương của Mẹ.

Đức Mẹ là thầy dạy về bí tích Thánh Thể một cách tuyệt hảo. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị khuyên mời ta hãy đến nơi trường của Đức Mẹ. Hôm nay, họp nhau đông đảo về đây, ta hãy tạ ơn Mẹ La Vang đã ban cho ta Chúa Giêsu là tấm bánh cứu độ hạnh phúc. Ta hãy xin Mẹ dạy ta biết sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời. Hãy noi gương Mẹ đem Thánh Thể đến khắp các nẻo đường, quy tụ một dân đông đảo về dự tiệc Thánh Thể, dự tiệc Nước Chúa.

Lạy Mẹ La Vang xin nhận lời chúng con. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bí quyết nào khiến bà mẹ ngoại đạo đạt được ước nguyện?

2) Người phụ nữ ngoại đạo nêu gương cầu nguyện cho ta thế nào?

3) Đức Mẹ đã sống đức tin vào tình yêu thế nào trong cuộc đời?

home Mục lục Lưu trữ