Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 72

Tổng truy cập: 1356606

CHÚA LÊN TRỜI

CHÚA LÊN TRỜI

 

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

Suy Niệm

Ðức Giêsu được đưa về trời khiến cả nhân loại hoan hỷ.

Con Thiên Chúa làm người, long đong với phận người,

nếm cái nghèo đói, nhọc nhằn, nếm nỗi khổ đau, cay đắng.

Cuộc đời Ngài tưởng như là một thất bại ê chề.

nhưng rồi Ngài đã được phục sinh, đã hiện ra,

và được khải hoàn đưa vào thế giới của Thiên Chúa.

Ngài từ Cha mà đến và lại trở về với Cha.

Sứ mạng Cha giao, tuy khó khăn, nhưng Ngài đã hoàn tất.

Ta cần chiêm ngắm giây phút Ngài được siêu thăng.

Ngài giơ tay chúc lành cho các môn đệ như vị thượng tế.

Ngài về trời trong tư thế đang chúc lành.

Chúc lành cho trái đất mà Ngài đã sống.

Chúc lành cho mọi người là người như Ngài.

Hôm nay chúng ta vui vì biết mình có người Anh trưởng

đã được nâng lên đến tột đỉnh vinh quang thần linh.

Con người đầu tiên với tất cả nhân tính như ta

đã được siêu tôn trên trời, dưới đất và nơi âm phủ.

Sự thành công của Ðức Giêsu là niềm hy vọng cho ta.

Cùng đi với Ngài trên con đường cheo leo ấy,

Chúng ta tin mình sẽ đến nơi mà Ngài đã đến.

Ðức Giêsu về trời sau khi hoàn thành sứ vụ dưới đất.

Ngài muốn ta trưởng thành và gánh lấy trách nhiệm.

Bước chân Ngài mới chỉ đi hết xứ Palestina bé nhỏ.

Còn cả một thế giới mênh mông ngút ngàn.

Còn bao dân tộc xa gần chưa hề nghe rao giảng.

Ngài muốn ta làm chứng nhân của Ngài đến tận thế.

Thiên thần bảo chúng ta không được khoanh tay nhìn trời,

vì còn quá nhiều việc phải làm trước mắt.

Chúng ta phải nhiệt tình xây dựng quê hương này

huynh đệ hơn, công bằng hơn, bác ái hơn, văn minh hơn,

để nó xứng đáng đón ngày Ngài trở lại.

Chúng ta không được khoanh tay nhìn trời,

nhưng lòng chúng ta lại phải thường xuyên hướng lên trời.

Xây dựng trái đất mà không hướng lòng về trời,

thì sẽ không tìm được câu trả lời tối ưu.

Chúng ta cần sức mạnh từ trên cao của Thánh Thần

để giải quyết những vấn đề chằng chịt của trái đất:

ma túy, trụy lạc, tham nhũng, ô nhiễm, nghèo đói

và nhất là vấn đề xây dựng con người.

Khoa học kỹ thuật tiến bộ làm cuộc sống nhẹ nhàng

nhưng cũng thường làm con người thêm nặng nề.

Con người như bị dính vào những sản phẩm mình tạo ra,

bị nô lệ cho những nhu cầu không có thực.

Trái đất này vẫn có sức thu hút ghê gớm

khiến ta muốn chọn nó làm quê hương vĩnh hằng,

và quên rằng quê thật của ta ở trên trời cao (Pl 3,20).

“Hãy tìm kiếm những điều trên cao” (Cl 3,1).

Ðừng dập tắt nỗi khát khao những điều cao cả.

Ước gì Chúa Giêsu, Ðấng được đưa lên cao,

kéo ta lên khỏi cái tầm thường ô trọc mỗi ngày.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân chúng con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

 

3.Ngước mắt nhìn trời

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo. Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời. Không tha thiết gì với những người chung quanh. Không tham gia những sinh hoạt xã hội. Khinh chê tất cả những giá trị ở đời nay. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc đời. Chỉ coi trọng những giá trị vật chất. Chỉ biết có đời này. Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.

Việc Đức Giêsu lên trời và những lơi Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.

Đức Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mưc tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.

Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.

Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Đức Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đấy.

Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi gieo Tin Mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.

Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.

Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.

Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nỗ lực xây dựng trần gian trong niềm mong đợi hạnh phúc nước trời. Amen.

Gợi ý chia sẻ:

1) Tin có thiên đàng. Điều này có quan trọng đối với bạn?

2) Người môn đệ của Chúa phải có thái độ nào đối với của cải vật chất?

3) Khi ngắm thứ hai mùa mừng, đọc “Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”, bạn nghĩ gì? Bạn phải sống làm sao để thực hiện lời cầu nguyện này?

 

4.Hãy loan báo Tin Mừng

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Một đạo sĩ hỏi các đệ tử: Các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện, khi nào ánh sáng tới và bóng tối lui đi không? Các đệ tử thi nhau trả lời: Thưa thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi từ xa nhìn một đoàn vật người ta có thể phân biệt được con nào là con bò và con nào là con trâu không? Thày lắc đầu: Không phải. Đệ tử khác trả lời: Thưa thày có phải ánh sáng tới và bóng tối lui là khi từ xa nhìn vào vườn cây, người ta có thể phân biệt được cây nào là cây xoài cây nào là cây mít không? Thày vẫn lắc đầu: Không phải. Thấy không ai trả lời được, thày mới giải nghĩa: Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nào ta nhìn vào mặt người xa lạ và nhận ra đó là anh em mình.

Thật là khó hiểu. Tuy trên đời ta thấy có nhiều thứ ánh sáng. Có ánh sáng mặt trăng mặt trời. Có ánh sáng đèn dầu, đèn điện. Có những ánh sáng như tia X, tia hồng ngoại. Nhưng tất cả những ánh sáng đó chỉ giúp ta nhìn rõ sự vật. Không thấy có thứ ánh sáng nào soi vào mặt người xa lạ mà biến người ấy thành người thân của mình.

Mẹ Têrêxa dường như đã tìm ra thứ ánh sáng ấy.

Mẹ Têrêxa là một nữ tu người Anbani, được sai đến phục vụ người nghèo tại Ấn độ. Đến Ấn độ, thấy người nghèo khổ quá tội nghiệp. Biết bao người hấp hối ngoài lề đường. Chết rồi xác bị quẳng vào đống rác như xác thú vật. Biết bao trẻ thơ bị bỏ rơi. Biết bao gia đình chui rúc trong các căn nhà ổ chuột. Biết bao người đói khát không đủ cơm ăn áo mặc. Mẹ lăn xả vào phục vụ người nghèo.

Một hôm Mẹ đi thăm một ông già cô đơn trong căn lều tồi tàn. Bước vào lều Mẹ động lòng thương cảm. Vì tất cả đồ đạc chỉ là một mớ giẻ rách. Căn lều bụi bặm bẩn thỉu ngoài sức tưởng tượng. Và nhất là ông già thu mình lại không muốn giao tiếp với ai. Mẹ chào hỏi ông cũng không buồn trả lời. Mẹ xin phép dọn dẹp căn lều ông cũng làm thinh. Đang khi dọn dẹp, Mẹ thấy trong góc lều có một cây đèn dầu bụi bám đen đủi. Sau khi lau chùi, Mẹ kêu lên: Ô, cây đèn đẹp quá. Ông già nói: Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi ngày cưới. Từ khi bà ấy chết, tôi không bao giờ đốt đèn nữa. Thấy ông đã cởi mở, Mẹ Têrêxa đề nghị: Thế ông có bằng lòng cho các chị nữ tu mỗi ngày đến thăm và đốt đèn cho ông không? Ông đồng ý. Từ đó mỗi buổi chiều, các chị tới thăm ông, dọn dẹp nhà cửa, nói chuyện với ông. Ngọn đèn ấm áp trong căn lều ấm cúng. Ông trở nên vui vẻ hơn. Ông đã đi thăm mọi người. Mọi người đến thăm ông. Cuộc đời ông vui tươi trở lại.

Trước kia cuộc đời ông tăm tối không phải vì ông không thắp đèn. Nhưng vì ngọn đèn trong trái tim ông đã tắt. Trái tim khép kín nên ông mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Ông nhìn mọi người như thù địch. Từ ngày các nữ tu đến đốt đèn đời ông vui lên, sáng lên. Đời ông sáng lên không phải vì có ngọn đèn dầu hoả soi sáng. Nhưng vì trái tim ông bừng sáng. Ngọn đèn tâm hồn ông rạng rỡ. Tâm hồn ông cởi mở và ông nhìn thấy mọi người là anh em. Thứ ánh sáng ấy ta thấy trong Phúc Âm. Khi người Samaritano nhân hậu cúi xuống săn sóc, băng bó vết thương cho người bị nạn bên đường. Hai người nhìn nhau. Một làn ánh sáng loé lên. Và họ nhận ra nhau là anh em.

Cứ như thế Mẹ Têrêxa miệt mài phục vụ người nghèo. Lập những trung tâm đón tiếp những người hấp hối, săn sóc để họ được chết, được chôn cất như một con người. Nuôi trẻ mồ côi. Xây bệnh viện. Xây trường học. Công việc càng ngày càng mở rộng. Số người theo Mẹ ngày càng đông và Mẹ đã lập dòng Nữ tử Thừa sai Bác ái chuyên phục vụ người nghèo. Hiện nay nhà dòng đã có mặt trên 132 quốc gia. Mẹ được thế giới biết tiếng. Mẹ đươc nhiều giải thưởng trong đó có giải Nobel Hoà bình. Năm 1997, khi Mẹ qua đời, 80 nguyên thủ quốc gia, trong đó có phu nhân tổng thống Mỹ Bill Cliton và phu nhân tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến dự đám tang. Và nước Ấn độ, đa số dân theo Ấn độ giáo, vốn không ưa đạo Công giáo, đã chôn cất Mẹ theo nghi thức quốc táng. Hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa linh hồn Mẹ về trời.

Mẹ Têrêxa là một nhà truyền giáo thành công của thế kỷ 20. Vì Mẹ đã biết thắp lên ngọn đèn soi trong đêm tối. Giữa đêm tối vật chất hưởng thụ, Mẹ đã thắp lên ngọn đèn siêu nhiên của thiên đàng. Giữa đêm tối rụt rè nghi kỵ Mẹ đã thắp lên ngọn đèn cởi mở tin yêu. Giữa đêm tối lạnh lẽo cô đơn. Mẹ đã thắp lên một ngọn đèn ấm áp tình người. Trái tim Mẹ là một ngọn đèn sáng. Ánh sáng ấy toả lan tới muôn người làm cho mọi người nhận biết khuôn mặt hiền lành khiêm nhường của Đức Kitô và làm cho mọi người nhìn nhau là anh em.

Vào thời Cộng sản còn mạnh và còn chống đối Công giáo kịch liệt. Mẹ Têrêxa vẫn có thể lập nhà ở Nga, ở Cuba và cả ở Việt Nam. Với tấm lòng bác ái, Mẹ đã chiếu toả ánh sáng Tin Mừng khắp thế giới.

Hôm nay Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền giáo. Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta góp phần vào việc truyền giáo. Không gì bằng ta hãy noi gương Mẹ Têrêxa, thắp lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mình, đem ngọn lửa yêu thương phục vụ soi sáng khắp nơi. Thế giới sẽ bừng sáng và mọi người sẽ nhìn nhận nhau là anh em.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Nhờ đâu Mẹ Têrêxa đến được cả những nước Cộng sản?

2- Nhờ đâu việc truyền giáo cua Mẹ Têrêxa thành công tốt đẹp?

3- Đời sống bạn là ánh sáng hay là bóng tối cho những người chung quanh?

4- Bạn quyết tâm làm gì để loan báo Tin Mừng cho mọi người?

home Mục lục Lưu trữ