Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1356387

CHÚA NGẠC NHIÊN VÌ HỌ THIẾU LÒNG TIN

CHÚA NGẠC NHIÊN VÌ HỌ THIẾU LÒNG TIN

Thánh Antôn, người khởi xướng cuộc sống ẩn tu trong Giáo Hội, một hôm sau khi giảng về Bài Giảng Trên Núi, có một số giáo dân tới hỏi:

- Thưa cha, chúng con phải làm gì để nên trọn lành?

Thánh nhân trả lời:

- Tin Mừng đã dạy: “Ai tát vào má phải ngươi, hãy giơ má trái cho nó.”

Họ thưa:

- Chuyện này khó quá, chắc làm không nổi.

Thánh Antôn nói:

- Nếu không, ít ra cũng không được báo thù. Phải tha thứ cho những người xúc phạm đến mình.

Nhóm giáo dân thưa:

- Việc này vẫn quá khó, không thể để yên những người xúc phạm đến mình được.

Thánh Antôn nghe xong, quay bảo người môn đệ:

- Con hãy đi nấu cháo cho những người này ăn, vì họ quá yếu đuối, ta hãy cầu nguyện cho họ.

Là nhà giảng thuyết, là nhà truyền giáo, thế nào cũng có lần gặp thất bại trong việc rao giảng Tin Mừng. Ngay Chúa Giêsu, nhà giảng thuyết đại tài mà cũng đã từng thất bại trước nhóm bà con xóm làng quen thuộc.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết từ Capharnaum Chúa trở về thăm quê nhà, giảng trong hội đường. Tại Capharnaum, Chúa đã làm nhiều phép lạ. Có nhiều phép lạ nghĩa là có nhiều người tin Chúa, người ta lũ lượt theo Chúa đến quên ăn quên ngủ. Việc này gây xôn xao khắp miền Galilê, và chắc chắn những người đồng hương của Chúa cũng đã nghe biết. Bây giờ Chúa trở về quê nhà với nhóm môn đệ, có lẽ ai cũng tưởng người anh em đồng hương hân hoan đón nhận. Nhưng tình hình biến chuyển khác hẳn. Khi nghe Chúa đọc và giải nghĩa Thánh kinh ở Hội đường, họ cũng nhận là có những điều hay, nhưng nghĩ tới gốc gác tầm thường của Chúa, họ cho Ngài là một người không đáng tin. Bởi không tin nên họ cũng không nhận được phép lạ nào.

Có thể nói Chúa thất bại nơi quê hương. Cũng vậy, Giáo Hội nhiều lúc đã thất bại. Có người nói: “Tôi tin Đức Kitô, nhưng không tin Giáo Hội”. Thực ra Giáo Hội lại chính là khía cạnh nhân tính của Đức Kitô. Giáo Hội gồm những con người: các giám mục, linh mục, giáo dân. Những con người đó chẳng những quá quen thuộc mà có khi còn bất toàn nữa. Nhiều người thời nay đã vấp ngã vì Giáo Hội, cũng như những người đồng hương của Chúa Giêsu đã từ chối, không tin nhận Ngài. Đoạn Tin Mừng kết thúc bằng những lời than phiền: “Chúa Giêsu ngạc nhiên vì họ thiếu lòng tin”. Thực ra, Chúa đâu có ngạc nhiên vì Chúa đã dựng nên con người có tự do. Chúa quá rõ tâm địa những con người đó, có ngày họ sẽ nổi lên chống lại Chúa, sẽ làm theo ý họ chứ không theo ý Chúa. Nhưng một khi đã cho con người tự do thì Chúa không rút lại, Chúa tôn trọng tự do của con người dù chúng làm cho Chúa buồn lòng. Chính vì vậy, chúng ta thấy ân huệ đức tin thật là cao quí.

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa đã nhập thể làm người để cứu chuộc chúng con. Xin ban ơn đức tin cho những người đã được nghe biết Tin Mừng để họ đón nhận Chúa và được Ngài cứu độ. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

 

37.Chúa Nhật 14 Thường Niên

CHÚA HIỆN DIỆN TRONG CUỘC SỐNG

Con người dễ có định kiến về tha nhân. Khi một vĩ nhân về quê hương, thông thường dân làng tìm đến vì tò mò hơn là vì kính nể. Nếu ai không có những suy nghĩ sâu xa thì sẽ không xem trọng vĩ nhân đó bao nhiêu, nhất là khi người đó xuất thân từ gia đình nghèo, không có địa vị gì ở quê hương. Chúa Giêsu trở về quê nhà cũng bị dân làng nhìn theo kiểu đó: Giêsu, con của ông thợ mộc Giuse chứ có gì hay đâu và họ không muốn thay đổi quan niệm về Người. Chúa Giêsu biết rõ tâm lý của họ, nên đã nói: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình (Lc 4,24). Tuy Chúa Giêsu về với tư cách là Messia loan báo Tin mừng cho dân làng mình nhưng chẳng mấy ai để ý đến tư cách đó, họ không muốn tìm hiểu thêm về vai trò và con người thật của Người và tự nhốt mình trong những định kiến. Họ chỉ nhìn thấy Ngài với những nét dạng của người đồng hương nghèo khó, học từ làng quê. Tuy họ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, nhưng những thành kiến đã chôn chặt họ không cho họ nghĩ xa hơn. Họ chỉ thắc mắc cách hời hợt: bởi đâu ông ta được như vậy như thể Chúa Giêsu ngẫu nhiên uyên bác mà thôi. Họ tò mò tìm đến với ý phủ nhận hơn là tin nhận!

Chúa Giêsu nhận thấy rõ thái độ của họ và người đã không làm phép lạ vì họ không có lòng tin, không có lòng thành tìm hiểu về sứ mạng của ngài. Ngày hôm nay, kitô hữu chúng ta biết về Chúa nhiều hơn, biết rõ hơn người Do thái xưa kia về lời giảng và thân phận của người. Tuy nhiên, chính chúng ta nhiều khi cũng chưa tỏ niềm tin của mình trước mặt mọi người. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi mình: có khi nào tôi có thái độ giống như người Do thái xưa đối với Chúa giêsu không. Cuộc sống tôn giáo với những nghi lễ thiêng liêng thánh thiện nhưng tôi không ý thức là mình đang được tiếp xúc với Chúa. Có lẽ vì lòng tin yếu kém hay lo lắng chuyện đời mà không nhận ra Chúa đang hiện diện với mình. Nếu tôi có lòng tin, tôi sẽ rất nghiêm trang, cung kính hết lòng khi khi tham dự thánh lễ, đặc biệt là khi rước Chúa và cầu nguyện vì biết Chúa hiện diện trong lời Kinh thánh và Bí tích Thánh thể, tôi sẽ nhận ra Chúa trong trong lương tâm của mình và trong những biến cố cuộc sống.

Xét lại chính mình, tôi biết Chúa đến cứu chuộc thế giới trong đó có tôi và bổn phận của tôi là nói về Chúa và làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống của mình nhưng tôi đã thực hiện bổn phận này như thế nào. Cuộc sống đạo chúng ta nhiều lúc còn bị động, không thua gì những người làng Nazaret bao nhiêu: cho là mình quen biết nên không nhận ra Chúa hiện diện với mình mà chỉ coi ngài như phàm nhân, chỉ hơn mình một chút mà thôi, không hăng hái thêm được bao nhiêu, không biến đổi nên tốt hơn, không vui mừng về tình thương của Chúa đối với mình.

Điều đáng lo ngại nhất cho loài người chúng ta hôm nay là đi tìm những cái trước mắt, không để thời giờ đến với Chúa và tìm hiểu thực hư, hàng quãng cáo nào gây ấn tượng thì mua. Các nhà sản xuất thi nhau kích thích nhu cầu của chúng ta để tăng thu nhập và chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi xã hội hưởng thụ dễ dãi này. Dường như chúng ta không giờ thinh lặng để nghe tiếng Chúa thì thầm và suy nghĩ về chuyện đạo đức bao nhiêu, nhất là thế hệ trẻ dễ bị những phim ảnh hấp dẫn, chat, games cám dỗ nhiều: sau giờ học thì nhiều học sinh "nhào vô" những thứ vui chơi giải trí tiện lợi này, không dành thời gian cho việc thờ phượng Chúa như trước nữa!

Để thắng vượt chính mình và nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc sống, mỗi người chúng ta hãy năng đến với Chúa, xin Chúa mở lòng trí, mở đôi mắt đức tin để chúng ta sống đạo cho nên, và nhận biết trong những sự kiện lớn nhỏ đều có sự can thiệp của Chúa. Từ đó, chúng ta có đức tin ngày càng vững mạnh, vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống và giúp cho mọi người xung quanh cảm thấy hạnh phúc vì biết rằng Chúa yêu thương đang mời gọi con người cộng tác vào chương trình của Chúa và mai sau ban thưởng trên nước Ngài hiển trị.

 

38.Chúa Nhật 14 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. GB. Phạm Hồng Thái)

Các tân linh mục năm nay vì lí do dịch bệnh nên sau khi được thụ phong, về lại giáo xứ hay làng quê của mình trong âm thầm không có tổ chức lễ tạ ơn trọng thể, không đón rước linh đình và tiệc tùng như trước đây, điều này chắc chắc làm cho gia đình cũng như bản thân tân linh mục rất buồn, nhưng vì dịch bệnh nên phải hi sinh chấp nhận thôi!

Chúa Giêsu ra rao giảng Tin mừng. Chúa chọn thành Capharnaum làm nơi đầu tiên để hoạt động. Không bao lâu nhiều người biết tới danh Chúa vì lời rao giảng và những phép lạ Chúa làm. Nhưng Chúa Giêsu không quên quê hương của Ngài là thành Nazareth nơi mà Chúa đã sống tới 30 năm với biết bao nhiêu là kỉ niệm vui buồn. Nên lần này Chúa trở về quê hương. Ngày Sa-bat Chúa cũng vào hội đường tham gia cầu nguyện cùng với bà con. Do thái giáo có đền thờ ở Giêrusalem nơi người Do thái tới để dự những cuộc lễ lớn và để dâng của lễ chiên bò lên Thiên Chúa, còn các hội đường ở tại địa phương, họ tới để cầu nguyện, nghe lời Chúa trong kinh thánh, hát thánh vịnh...

Trong mỗi buổi cầu nguyện như vậy, thường vị trưởng hội đường mời một người lên đọc sách thánh và diễn giảng Lời Chúa. Chúa Giêsu được mời lên đọc sách thánh và diễn giảng. Theo Tin Mừng Luca, người ta trao cho Chúa cuốn sách ngôn sứ Isaia, Chúa mở ra và gặp đoạn chép rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa  đã  xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức và công bố năm hồng ân của Chúa" (Lc 4, 17-19)

Khi diễn giải, Chúa Giêsu cho biết lời sách tiên tri Isaia quí vị vừa nghe giờ đây được ứng nghiện nơi chính Chúa. Dân thành Nazareth đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Họ không dè ông Giêsu, người đồng hương với mình giờ đây lại giỏi giang và giảng hay đến thế! Nhưng họ lại  tự hào là biết rõ nguồn gốc của Chúa, nên họ nói: "Ông này chẳng phải là bác thợ mộc con bà Maria, anh em ông và chị em ông lại không ở với chúng ta đây sao?" Thánh Marcô nói họ vấp phạm vì Người. Họ nhận thấy Chúa Giêsu giảng lời Thiên Chúa rất đặc biệt và họ cũng nghe biết Chúa thực hiện nhiều phép lạ ở  Capharnaum  không có xa đây nhưng họ vẫn vấp phạm vì Chúa vì  họ không thể mở lòng đón nhận Chúa Giêsu là Vị Ngôn sứ chứ chưa nói là Đấng Thiên sai Cứu thế. Nếu nhận Chúa Giêsu là vị Ngôn sứ nói lời Thiên Chúa cho họ thì họ phải có lòng tin mà Chúa Giêsu lại phải ngạc nhiên và buồn vì thấy họ cứng lòng tin. Vì thế dù Chúa muốn làm phép lạ ở Nazaret để giúp ích cho bà con quê hương cũng không được vì phép lạ Chúa chỉ thực hiện được khi người ta có lòng tin, đúng như lời Tin Mừng Gioan đã nói ngay từ chương đầu khi suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể: "Người đã đến nhà mình nhưng người nhà lại chẳng chịu đón nhận" (Ga 1,11).

Chúng ta có thể bào chữa cho người Nazaret vì tâm lí như người Việt nam thường nói "Gần chùa gọi Bụt bằng anh" và "quen quá hóa nhàm" nhưng dầu sao đó chính là mấu chốt và là tượng trưng cho  tình trạng chung dân Do thái khước từ Chúa Giêsu để sau này trong cuộc Philatô  xử án Chúa, họ còn kêu lên: "Đóng đinh nó vào Thập giá!"(Mt 27, 22) Chính thánh Phaolô  khi đi truyền giáo cũng rất bức súc và Ngài nói với đồng bào của mình như sau: "Anh em là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa nhưng vì anh em khước từ Lời ấy và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời thì  đây  chúng tôi quay về phía dân ngoại" (Tđcv 13,46)

Chúng ta thấy người Nazaret nói Chúa Giêsu là con Bà Maria, qua lời này có người kết luận: Ông Giuse đã từ trần trước khi CG ra rao giảng Tin Mừng nhưng thiết tưởng chỉ với chi tiết này thì chưa đủ để nói như vậy vì cho dù thánh Giuse có qua đời thì theo thói quen thời đó, người ta vẫn gọi một người là con cha chứ không gọi là con bà mẹ. Vậy gọi Chúa Giêsu là con bà góa Maria có lẽ họ ngầm ý khinh bỉ Chúa đồng thời dù sao cũng là phản ảnh niềm tin của kitô hữu ngay từ ban đầu: Chúa Giêsu là con Đức Mẹ Maria đồng trinh, còn những anh em và chị em họ nói đó là anh em con chú bác, con cô cậu trong đó có Giacôbê sau này là giám mục tiên khởi giáo đoàn Giêrusalem và Gioxép là con bà Maria, vợ ông  Cleopas, bà cùng đứng dưới chân Thánh giá Chúa Giêsu  với Đức Mẹ Maria

Câu chuyện: Dương Phủ từ nhỏ nhà nghèo, phải cầy cấy để phụng dưỡng cha mẹ. Ngày kia anh nghe nói ở đất Thục có ông Võ Tề là đại sư, nên xin phép cha mẹ cho qua học. Đi nửa đường thì Dương Phủ gặp vị lão tăng nói: Gặp Võ Tề không bằng gặp Phật. Anh hỏi lại: Phật ở đâu? Lão tăng đáp: Ngươi hãy trở về và gặp người nào quấn vải trên mình và đi dép ngược đó là Phật. Dương Phủ trở về tới nhà lúc đêm tối gọi cửa, mẹ chàng vội chạy ra và quấn mền lên người, xỏ dép ngược mở cửa cho chàng. Anh nhìn mẹ đúng như Đức Phật mà vị lão tăng mô tả. Từ đó Dương Phủ nghiệm ra rằng: "Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới  là chân tu"

Chúng ta xưng ra lòng tin Chúa Giêsu là tiên tri, là vị ngôn sứ của Thiên Chúa xuống thế để giảng  dạy lời Chúa và nói chân lý cho chúng ta, dẫn đường cho chúng ta về Nước Trời để được sự sống đời đời. Amen.

 

39.Chúa Giêsu bị khước từ

Trước đây, trên một trang báo Tuổi Trẻ, người ta có đăng hình hai người nhạc sĩ già, hai cây cổ thụ của âm nhạc Việt Nam, đó là nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Trần Văn Khê. Nội dung bài báo nói lên ước mơ của nhạc sĩ Phạm Duy là được trở về lại quê hương Việt Nam, định cư trên mảnh đất thân yêu này và góp phần làm một điều gì đó cho quê hương đất nước, rồi bài báo ấy kết luận: ai đi xa xứ mà không ao ước được trở lại quê hương của mình. Nếu tâm tình của nhạc sĩ Phạm Duy là như vậy thì chẳng có gì là ngạc nhiên cả, bởi nó rất là con người, rất là nhân bản. Con người có nguồn cội, có quê hương, dù thế nào đi nữa thì con người cũng không thể quên được quê hương của mình.

Quê hương, hai tiếng thân thương và ngọt ngào, thế nhưng quê hương đôi khi cũng làm cho con tim của con người rỉ máu. Chúa Giêsu đã nhiều lần về quê, nhưng lần nào quê hương cũng để lại nơi Ngài một nỗi niềm chua xót, đến nổi Ngài phải đau đớn mà thốt lên: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi". Họ khước từ Chúa Giêsu, có lẽ một phần bởi Chúa Giêsu không cùng quan điểm với họ, nhưng phần khác, vì họ không thể chấp nhận "con một ông thợ mộc lại có thể làm lớn", vì họ nghĩ rằng "con vua thì lại làm vua, con sãi ở Chùa thì quét lá đa". Chính vì thế, Chúa Giêsu đã bị những người đồng hương của Ngài khước từ, chống đối mãnh liệt.

Từ kinh nghiệm của Chúa Giêsu khi trở về quê hương phải chăng cũng là kinh nghiệm của chúng ta khi sống trong một cộng đoàn họ đạo. Một cộng đoàn hiệp thông, một cộng đoàn yêu thương, những từ ngữ rất hay, rất đẹp và rất tình người. Thế nhưng, chẳng phải chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm được rằng: Nơi cộng đoàn họ đạo, chúng ta tìm được sự cảm thông, tìm được sự lắng nghe, chia sẻ. Cộng đoàn họ đạo có thể là nơi người anh chị em của mình được chữa lành, nhưng cộng đoàn họ đạo cũng có thể làm cho vết thương của người anh chị em mình mãi rỉ máu.

Trong cuộc sống đời thường, có lẽ chúng ta cũng hiểu được những cái mất đáng thương hơn là đáng trách, có những lầm lỡ đáng tiếc hơn là đáng tội. Với những người lầm lỡ, cuộc đời đã lưu lại nơi tâm hồn họ quá nhiều những vết thương rồi, chúng ta đâu cần phải góp phần làm cho những vết thương trong họ thêm nhức nhối! Chỉ sự cứu vớt mới có khả năng chữa lành, chỉ sự đón nhận quảng đại mới mở ra cho người ta một con đường sống, một chân trời hy vọng. Cho nên, cộng đoàn họ đạo có thể vực dậy một người anh chị em của mình sa ngã, nhưng cộng đoàn họ đạo cũng có thể đẩy người anh chị em đang chao đảo xuống tận đáy vực sâu.

Và đồng thời, chuyện của những người đồng hương của Chúa Giêsu đã khước từ Ngài cũng là chuyện của cái nhìn. Sở dĩ, họ không công nhận Chúa Giêsu là ngôn sứ, là Đấng Cứu Thế, bởi họ đã có cái nhìn khép kín Chúa Giêsu trong những quan niệm của họ, họ không vượt qua được cái nhìn về quá khứ của Chúa Giêsu, về mối dây hàng xóm láng giềng. Và chính từ cái nhìn khép kín về Chúa Giêsu như vậy, cho dù Chúa Giêsu có đến với họ, họ cũng chẳng nhận được ơn nào của Ngài.

Cũng từ kinh nghiệm về cái nhìn khép kín của những người đồng hương với Chúa Giêsu, chẳng phải cũng là kinh nghiệm của chúng ta về cái nhìn khép kín của mình đối với người khác hay sao?

Trong thực tế của cuộc đời, khi nhìn về tha nhân, xem ra chúng ta vẫn hay khép kín người anh chị em của mình trong quá khứ hơn là mở ra với tương lai. Có phải biết bao nhiêu lần trong đời, chúng ta đã từng khóa chặt người anh chị em của mình trong cái quá khứ lỗi lầm, nhiều khi chỉ là một lỗi lầm nhỏ trong đời. Vậy mà chúng ta lấy lỗi lầm ấy bọc kín quá khứ của người anh chị em lại và cứ nhìn họ là nhìn vào lỗi lầm ấy mà phủ nhận, phán đoán và đánh giá chính con người của họ. Chúng ta cũng thường nghe nói: "Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai". Thế mà dường như chúng ta dễ dàng chấp nhận cái quá khứ không đẹp của một thánh nhân hơn là tin vào cái tương lai tươi sáng của một người tội nhân. Như vậy chẳng bất công lắm sao?

Chính từ những kinh nghiệm đó mà Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần phải có một cái nhìn lạc quan hơn để dám tin vào những giá trị tốt đẹp nơi cuộc đời, nơi con người. Cũng như câu ngạn ngữ: "Chẳng có hồng nào mà không có gai, nhưng trong bụi gai ấy lại có đóa hồng". Giữa những lầm lỗi thiếu xót của con người thì vẫn luôn có những giá trị tốt đẹp nơi cuộc sống. Thực ra, làm người ai cũng được ban cho nhiều nét đẹp riêng. Có những nét đẹp bị bao bọc bởi cái vỏ bề ngoài sần sùi xấu xí. Để có thể nhìn ra giá trị thực ẩn đằng sau cái lớp vỏ ấy, chúng ta cần phải có một cặp mắt tinh tường và một con tim yêu chuộng cái đẹp. Thật vậy, công trình của người thợ mộc bao giờ cũng bắt đầu với những khúc gỗ sần sùi xấu xí. Nhìn bề ngoài, người ta dễ tưởng rằng chúng vô dụng, chỉ có vứt đi. Phải có cặp mắt tinh tường của người thợ, người ta mới nhận ra được giá trị thực của khúc gỗ. Cũng vậy, để có thể nhìn ra giá trị tốt của một con người đã có những sai lầm lỗi phạm. Chúng ta cần phải có cái nhìn của một con tim bao dung và tha thứ.

Qua Lời Chúa hôm nay, từ những kinh nghiệm của Chúa Giêsu bị khước từ khi trở về quê hương, tôi xin gợi lên một vài kinh nghiệm về đời sống cộng đoàn họ đạo, về cái nhìn của chúng ta đối với người khác, để mỗi người chúng ta sống lại, ý thức lại đời sống của mình, để có thể xây dựng đời sống cộng đoàn họ đạo của chúng ta ngày càng thật sự trở thành một cộng đoàn hiệp thông, một cộng đoàn yêu thương trong tình yêu của Chúa Giêsu. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ