Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 48
Tổng truy cập: 1355985
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN
(Suy niệm của Lm Nguyễn Văn Phan, CSsR.)
Trong số những hình ảnh Kitô giáo thời sơ khai vẽ trên những bức tường hang toại đạo ở Roma, người ta thấy hình vẽ Đức Kitô dưới hình ảnh một người chăn chiên trẻ trung không để râu, vai vác một con chiên. Chủ đề rất cổ xưa này trong nghệ thuật Kitô giáo thời sơ khai được nhắc lại trong bài Tin Mừng hôm nay, qua đó chúng ta chứng kiến Đức Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót đám đông quần chúng như là những con chiên không có người chăn.
Bối cảnh hôm ấy là khi các tông đồ trở về từ chuyến đi truyền giáo đầu tiên. Các ông mệt mỏi và cần nghỉ ngơi. Đức Chúa Giêsu biết thế, nên Người đưa các ông đến một nơi yên tĩnh để các ông có thể nghĩ ngơi và cầu nguyện đôi chút. Nhưng mọi chuyện đã không xẩy ra như ý. Đám đông đã xác định được nơi Thầy trò sẽ đến, nên họ đã kéo nhau đến đó trước. Ắt hẳn một số môn đệ của Đức Chúa Giêsu nghĩ rằng Thầy mình nên bảo họ trở về nhà, vì ngày hôm đó Người cũng đã làm việc nhiều rồi, nhưng Đức Giêsu đã không quay lưng lại với hoàn cảnh. Tình cảnh dân chúng thật đáng thương và Người đã ý thức đến nhu cầu của họ.
Chúng ta có thể rút ra một bài học từ thái độ quảng đại của Đức Chúa Giêsu khi Người đặt nhu cầu của tha nhân lên trên nhu cầu của chính mình. Nếu Đức Chúa Giêsu không giữ lại cho chính mình, thì những người đi theo Chúa cũng thế thôi. Qua ơn gọi thanh tẩy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm Kitô Hữu, đều có phần nào đó trong việc chăn dắt những người Chúa trao cho chúng ta. Nhiều khi hình như chẳng ai để ý gì đặc biệt trong đời sống gia đình. Nếu con cái đang tuổi lớn không được chăm lo cẩn trọng và chỉ dẩn đúng hướng, chúng sẽ có nguy cơ lạc lối và lang thang vô vọng suốt đời vì không có mục đích nào cả. Trở nên người chăn chiên lành như ý Đức Kitô mong muốn thật là cả một chuỗi công việc vất vả khó khăn. Con đường Người muốn chúng ta đi theo là một con đường thẳng và hẹp của Thập Giới. Nếu như chúng ta không liên tục kết hợp với Đức Kitô trong lời cầu nguyện, chúng ta có nguy cơ loanh quanh luẩn quẩn rồi lại tìm những con đường khác hấp dẫn hơn.
Tin Mừng hôm nay cũng nói đến tầm quan trọng của việc tìm một nơi yên tĩnh trong cuộc sống nơi mà chúng ta có thể một mình cầu nguyện với Đức Kitô. Giống như Đức Kitô, nhiều khi chúng ta phải tìm cách thoát khỏi những tiếng gọi liên tục, khỏi những áp lực luôn đè nặng, ngõ hầu chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa dịu êm chữa lành và bồi dưỡng chúng ta về mặt thiêng liêng. Người ta có thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa rõ nhất trong những giây phút lặng lẽ. Khi và chỉ khi nào Đức Kitô có chỗ cư ngụ trong trái tim chúng ta, chúng ta mới được khai mở đón nhận sức mạnh Thiên Chúa đến hỗ trợ đỡ nâng cuộc sống chúng ta.
Cầu nguyện một mình trong thinh lặng với Thiên Chúa là một trong những nhu cầu quan trọng nhất của chúng ta. Một mình đối diện với Ngài, chúng ta nên tự vấn mình sẽ đi đến đâu, sẽ cố gắng làm gì để đạt tới chỗ đó. Nếu chúng ta không tạo ra những khoảng trống dành cho Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, chúng ta sẽ lãng phí thời gian và không thấy gì ngoài những sinh hoạt hiện tại của mình thôi. Tất cả cuộc sống của chúng ta đã được thánh hiến, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được điều này nếu như chúng ta không trở nên môi miệng của Chúa; qua những nơi những người chúng ta thăm viếng, chúng ta trở nên đôi chân của Chúa.
34.Đời sống cần có Chúa
(Suy niệm của Cố Lm. Hồng Phúc)
Đời sống cần có Chúa: "Họ như bầy chiên không có kẻ chăn"
Sau Tiên tri Amos, xuất thân từ một người chăn chiên hiền lành biến thành một con sư tử “gầm thét” tội ác của các nhà lãnh đạo dân Chúa, nay đến Tiên tri Giêrêmia lên tiếng: “Khốn cho các mục tử làm tản mác và xâu xé đàn chiên”.
Họ đã làm cho nước mất nhà tan, hàng ngàn người chết, hàng vạn người phải lưu đầy qua Babylone, trong số chính nhà tiên tri là nạn nhân. Những nhà lãnh đạo Israel phải là kẻ đem lại hòa bình và hiệp nhất cho dân Chúa, trung thành với giao ước Sinai thì họ lại phản lại Thiên Chúa, gây khốn khổ cho Israel. Nhưng Thiên Chúa là Đấng trung thành, nhà Tiên tri nhìn thấy ở chân trời, một Đấng Mục Tử xuất hiện từ chi họ Đavít. Ngài sẽ đem lại hòa bình và công chính. Tuy nhiên, với điều kiện là đoàn chiên biết nghe lời Người. Lịch sử Do Thái là hình ảnh lịch sử nhân loại.
Thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, cho chúng ta thấy Đấng đã làm “cho đôi bên lên một, phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt hận thù”, chính là Chúa Giêsu. Ngài đến loan báo Tin mừng bình an. Ngài đến hiệp nhất chúng ta lại. Chúng ta hãy nhìn lên cây Thập giá, Ngài chịu treo lên, như gạch nối giữa đất và trời, hai tay giang ra như để ôn chầm cả nhân loại.
Qua bài Phúc Âm, chúng ta thấy Marcô mô tả việc Chúa Giêsu và các môn đệ sau những ngày làm việc mệt nhọc, đã để ra một vài ngày nghỉ ngơi trong yên tĩnh. Quần chúng bao quanh đến nỗi “Ngài không có cả thì giờ để ăn”. Một thời gian để tĩnh dưỡng cho mình và các môn đệ là điều hợp lý.
Và chúng ta thấy Chúa Giêsu biết chọn những chỗ thích hợp, như “trên một ngọn núi cao, xa vắng” (9,2), trên bức thành đá ven bờ hồ Tibêriađê (5,1), bờ biển Phênicia, (7, 24-31) hay gần nguồn sông Giodan dưới chân núi Hermon (8,27). Đây là một cuộc tĩnh tâm của Thầy và các môn đệ, vừa nghỉ ngơi vừa huấn luyện. Các Tông đồ thuật lại cho Thầy nghe các kinh nghiệm tông đồ của mình (6,30), Thầy thông cảm với các cộng sự của mình: “Sáng sớm tinh sương, Ngài chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó” (1,35). Như vậy, khi trở về gặp lại dân chúng, lời giảng pha lẫn với lời kinh của Chúa và của môn đệ hứa hẹn một mùa gặt tốt.
Nhưng Chúa Giêsu và môn đệ không thể tĩnh dưỡng lâu, xa quần chúng. Vì Ngài đến vì dân chúng và dân chúng cũng cảm thấy không thể thiếu Ngài. Họ đi tìm Chúa, “họ như bầy chiên không có kẻ chăn”. Họ cần có Chúa.
Tất cả chúng ta đều cảm thấy cần có Chúa, thiếu Chúa đời ta thiếu tất cả, bơ vơ và lạc lõng. Thánh Augustinô kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và tâm hồn con sẽ không bình yên khi nó không an nghỉ trong Chúa”.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu tỏ ra rất thương yêu và am tường các nhu cầu vật chất và tinh thần của các môn đệ. Đời sống tông đồ là một đờ sống tận hiến tất cả, đầy gian lao và xả thân, nhưng phải luôn luôn trở về nguồn. Phải để xa những ngày nghỉ ngơi, im lặng và cầu nguyện, những ngày sống thân mật với Chúa, chuẩn bị cho những ngày xuất quân mới, đầy nghị lực và tình thương.
Đức Gioan XVIII được gọi là vị Giáo Hoàng năng tĩnh tâm. Mặc dù công việc Giáo Hội bề bộn, với bao nhiêu vấn đề phải suy tư giải quyết. Ngài hằng “trở về nguồn”. Đặc biệt, Ngài rất năng tĩnh tâm, tạm dẹp công việc lại một bên, để dành cho Chúa một thời gian. Ngài dọn một phòng riêng ở Vatican, để sống những giờ âm thầm bên Chúa hoặc nghe lời giảng day…Trước khi khai mạc Công Đồng Vaticanô II. Ngài đã tĩnh tâm một thời gian rồi đi hành hương ở Loretto, nơi lưu giữ ngôi nhà của Đức Mẹ, để xin cho Công Đồng được kết quả.
“Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi…
Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi,
Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng”.
35.Mục tử và đàn chiên
Người Việt nam chúng ta không làm nghề chăn chiên, nên ít có ấn tượng về hình ảnh sống động và mối liên hệ mật thiết giữa chủ chiên và đàn chiên. Ở nước Do thái thời Chúa Giêsu thì khác, hình ảnh đàn chiên và chủ chăn rất quen thuộc. Môsê và các tiên tri đã dùng hình ảnh này để tiên báo về lời hứa cứu độ, về những mục tử tốt lành Chúa sẽ ban cho dân Chúa.
Từ sau thời Vua Salomon trở đi, không được mấy ông vua vừa lòng dân, nhiều vị vua sống ích kỷ, không màng chăm lo cho đất nước và dân tộc, làm cho dân chúng thất vọng về chế độ Quân Chủ. Trong thời gian đất nước chia đôi, và nhất là thời kỳ lưu đày, bị đô hộ, dân Israel càng mong mỏi có được vị vua công minh, vị mục tử nhân lành như lời Chúa đã hứa qua Môsê và các tiên tri: Chúa sẽ cho xuất hiện một Vị Tiên Tri lớn như Môsê, một Vị Cứu Tinh đem lại hoà bình cho trăm họ. Chính Tiên tri Giêrêmia cũng nhắc lại lời hứa của Chúa cho dân nghe: Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền, Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "ĐỨC CHÚA, sự công chính của chúng ta."
Lời Chúa hứa qua miệng tiên tri Giêrêmia đã được thực hiện. Đó là chính Đức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Đavid. Ngài đến chăn dắt đoàn chiên thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, không phải bằng bạo lực, quyền hành kiểu thế gian nhưng bằng tình thương, lòng nhân hậu, bằng hy sinh, phục vụ hết mình vì hạnh phúc và hoà bình của nhân loại. Ngài là vị vua, là mục tử tốt lành. Ngài đến không phải để tìm lợi lộc cho chính mình nhưng tìm lợi ích cho tha nhân, cho mọi người chúng ta. Ngài là mục tử tốt lành, biết xót thương, biết sống vì người khác. Chẳng hạn, như trong bài Phúc âm hôm nay: dù Chúa Giêsu và các tông đồ đang có nhu cầu nghỉ ngơi, nhưng thấy đoàn lũ dân chúng kéo đến thì không kể mệt mỏi, cực nhọc đã tiếp tục giảng dạy, ban bố ơn lành cho họ.
Đức Giêsu vì chúng ta mà chết trên thánh giá để giải gỡ chúng ta khỏi xích xiềng tội lỗi và sát nhập chúng ta vào đoàn chiên của Ngài. Vậy, để đáp lại sự lo lắng và công ơn cứu chuộc đó, chúng ta phải làm gì cho đẹp lòng Ngài được vui. Tôi nghĩ, điều đẹp ý Ngài là:
1) Mọi người biết tuân giữ lời Chúa đã dạy. Đó là những điều rất ích lợi cho phần hồn và cả phần xác chúng ta nữa. Mọi người hãy luôn tỏ lòng yêu mến Chúa qua việc đi lễ đọc kinh mỗi ngày, ít là lo giữ ngày Chúa nhựt, thương mến và sống hoà thuận với mọi người chung quanh chúng ta vì mọi người là con cùng một Cha trên trời.
2) Chúa yêu thương chúng ta bằng tình yêu vô biên, chúng ta cũng hãy yêu Chúa hết mình mới tương ứng phần nào với tình yêu Chúa. Đó là lẽ phải mà mọi người cần thực hiện ngay trên trần gian này. Theo gương Đức Giêsu, chúng ta hãy sẵn sàng đón tiếp mọi người, nhất là những sứ giả của Chúa: như quý linh mục, tu sĩ. Và vì lòng mến Chúa, chúng ta cũng giúp đỡ những người nghèo khổ vốn không có khả năng trả ơn chúng ta để chính Chúa sẽ trả công bội hậu cho chúng ta sau này.
Lạy Chúa Giêsu là Mục tử tốt lành, xin cho chúng con nhận ra tình yêu Chúa đối với chúng con và biết đáp trả cho cân xứng phần nào với tình yêu đó.
36.Nghỉ ngơi một chút
(Suy niệm của Lm. Ignatiô M. Hải Dương CRM)
Tin Mừng Chúa Nhật 16 hôm nay, Chúa Kitô nói tới nhu cầu nghỉ ngơi. Lời Chúa Kitô: "Các con hãy lui ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút". Điều khuyên rất thích hợp với thời điểm mùa hè này. Nhiều nơi thời tiết nóng bức lên tới cả trăm độ F thì việc nghỉ ngơi, ra biển, hay tới những chỗ mát mẻ là điều cần thiết.
Theo các nghiên cứu y học thì nhịp sống nghỉ ngơi rất cần thiết cho công việc làm hằng ngày. Sau khi nghỉ ngơi chúng ta có thể tiếp tục làm việc lại một cách đều đặn, vì trong lúc nghỉ ngơi thân xác chúng ta có thời gian thư dãn, phục hồi lại những năng lượng đã mất. Số năng lượng tái tạo mới này sẽ bổ sung cho nhịp độ làm việc kế tiếp. Nếu không có sự nghỉ ngơi, con người sẽ không thể nào tiếp tục làm việc một cách tích cực và hiệu quả được. Hy vọng sau những ngày nghỉ ngơi dài, ngắn, chúng ta vui tươi trở lại làm việc với tinh thần mới.
Đức Thánh Cha Bênêđict XVI vào những ngày hè này cũng rời Vatican để bắt đầu kỳ nghỉ hè kéo dài 2 tuần tại những vùng Bắc Ý, nơi cao, khí hậu mát mẻ. Chân Phước Giáo Hoàng John Paul II cũng rất hay lui tới vùng Bắc Ý qua các kỳ nghỉ hè trước đây. Và vì khí hậu Roma vào tháng 7 và tháng 8 rất nóng, nên tiếp theo sau thời gian nghỉ hè này các Đức Giáo Hoàng thường sẽ trở về cung điện mùa hè Castel Gandolfoi, cách Rome 18,5 dặm về phía Nam, để ở đó cho đến cuối tháng 09.
Nghỉ ngơi là điều được nhắc đến nhiều trong Thánh Kinh, như trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Ngôn sứ Giêrêmia nói: "Ta sẽ qui tụ phần còn lại của chiên Ta... và Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên, và tăng thêm" (Giêr. 23). Và trong bài Đáp Ca, Ngài sẽ: "dẫn tới dòng nước, chốn nghỉ ngơi, Người dẫn tôi đi, để làm sống lại tinh thần bải hoải." (T V. 22).
Những lời này qui chiếu về Chúa Kitô, Ngài cẩn thận chú ý đến từng thành phần trong nhân loại. Trong bài Tin Mừng, Chúa Kitô lo lắng cho các môn đệ, vì họ mệt nhọc sau sứ mệnh tông đồ, rong ruổi từ những làng mạc tới những thành lân cận. Ngài nói: "Các con hãy đến chỗ thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút." Vì nhiều khi các tông đồ bận rộn, không có thời giờ để ăn uống nữa.
Cuộc đời chúng ta cũng giống như cuộc đời các tông đồ là phụng sự Chúa Kitô, phục vụ gia đình và xã hội. Trong khi phục vụ, nhiều khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và rất cần tới sự nghỉ ngơi. Kinh nghiệm bản thân, khi cuộc sống bận rộn, mệt nhọc, chúng ta ít kiên nhẫn, hay sinh ra bẳn gắt, nóng nảy, ảnh hưởng không tốt đến những phẩm chất những việc tốt lành và có khi ngay cả công việc tông đồ. Rồi từ đó biết đâu chúng ta lại có những phản ứng tiêu cực xẩy đến cho vợ chồng, con cái, đến những người thân, và cả những bạn bè.
Trong những bận bịu của cuộc sống, con người cần sự nghỉ ngơi, vì theo lời Thánh Grêgoriô Naziana: "Sợi dây không thể căng mãi và người bắn cung cần phải nới lỏng hai đầu cung, nếu muốn sau này lại giương lên bắn nữa". Thánh Augustinô thì cho rằng Thiên Chúa muốn chúng ta càng làm việc thì càng phải ở trong tình trạng thể lý tốt, vì Chúa chờ đợi nhiều ở nơi chúng ta. Ngài nói: "Hỡi anh em, hãy coi Thiên Chúa yêu chúng ta dường nào, vì khi ta nghỉ ngơi, thật là Thiên Chúa nghỉ ngơi".
Mong ước rằng tuy sự nghỉ ngơi là một nhu cầu cần thiết, chúng ta cũng hãy biết thánh hoá những sự nghỉ ngơi và giải trí này.
Trong sự thanh vắng, nghỉ ngơi của tâm hồn và thân xác, mỗi người cũng hãy nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria để Mẹ dạy chúng ta yêu thích sự yên lặng và cầu nguyện.
37.Chúa Nhật 16 Thường Niên
(Suy niệm của Lm. Thu Băng)
Một hình ảnh được Thánh Kinh miêu tả lột được hết ý nghĩa nhân từ và thương yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, đó là hình ảnh của người chăn chiên nhân lành. Tìm đọc những trang Cựu Ước thân thương đó, Chúa Giêsu cũng lại ví mình như những mục tử nhân lành săn sóc đoàn chiên. Điểm nổi bật về tấm lòng mục tử của Chúa Giêsu là sự quan tâm, chăm sóc đến bày chiêm, từ việc dẫn chiên ra đồng, đến việc tìm đồng cỏ xanh tốt cho chiên ăn, từ việc chăm nom từng con chiên yếu đau bệnh tật, đến việc liều chết canh giữ bày sói rừng hung dữ...... Tất nói lên cái trách nhiệm lớn lao của một mục tử nhân lành.
Trách nhiệm của một Tổng thống cai trị một nước. Trách nhiệm của một Cha Xứ săn sóc một xứ đạo. Trách nhiệm của những người làm cha mẹ hướng dẫn và giáo dục một bày con trong gia đình...... thật lớn lao, thật quan trọng. Nhiều khi chúng ta cảm thấy sợ hãi trước trách nhiệm lãnh đạo của mình. Cũng có lúc chúng ta cảm thấy một gánh nặng đè trên vai. Dân chúng làm reo, bổn đạo không phục quyền, con cái cãi lại cha mẹ. Đứng trước những khó khăn như thế trong đời, chúng ta phải làm gì? Chúng ta nên làm điều mà Chúa Giêsu đã làm là " Các con hãy lui vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện" (Mc.6:31). Khi cầu nguyện chúng ta sẽ cảm nhận được sự ủi an, sự khích lệ và nâng đỡ của Chúa để chúng ta đương đầu với mọi khó khăn. Cũng như xưa, khi Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây dầu, thì "Một Thiên Sứ từ trời hiện xuống an ủi và nâng đỡ Người" (Lc.22:43).
Khi ban hành một tài liệu mới, không những Đức Thánh Cha Gioan thứ 23, mà cả các Đức Thánh Cha khác nữa, các ngài đã để giờ đọc đi đọc lại tài liệu đó đó nhiều lần và để giờ cầu nguyện xin ơn soi sáng và khích lệ trước khi ban hành.
Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn Thuận, kể lại: "Trong thời kỳ triệt thoái của Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, khi tôi còn là Giám Mục Giáo Phận Nha Trang, quân đội Mỹ vây quanh tòa Giám Mục với xe tăng thiết giáp, tối đến không ai dám đi lại, đèn đóm trong tòa Giám Mục cũng thắp có giới hạn. Tình hình khẩn cấp lâm nguy đến nơi. Đêm ấy, tôi vào bàn giấy đọc kinh cầu nguyện và phó thác mạng sống trong tay Chúa Mẹ, Cầu nguyện xong, tôi vừa bước ra khỏi bàn giấy mươi phút thì súng nổ nã vào bàn giấy tôi ngồi và phòng tôi ngủ. Điện đóm nỗ tung, khói mù mịt, màn chiếu rách toang. Nghe tiếng nổ, tôi nép vào bức tường trách né. Đạn xuyên thủng tường ngay trên đầu tôi. Sau hồi súng nổ, cha Quản Lý từ nhà dưới chạy lên xem sét sự tình. Tạ ơn Chúa Mẹ, tôi vẫn còn sống. Số mệnh của tôi còn vững trong tay Chúa. Sáng hôm sau tôi ra hỏi toán lính Mỹ, họ cho hay đêm qua có Bộ Đội lẩn vào Tòa Giám Mục, nên chúng tôi được lệnh giữ an ninh cho ngài.
Số mạng tôi ở trong tay Chúa, Chúa gìn giữ tôi qua mọi nẻo đường. Dù bước đi trong đen tối chông gai, suốt 13 năm tù với bao nhiêu lần tôi tưởng chết, nhưng Chúa chưa cho thí mạng cùi. Ngài vẫn là Hy Vọng của đời tôi, Ngài luôn ở cùng tôi. Lời cầu nguyện và tín thác vẫn là con thoi sinh mệnh của tôi". (Tâm sự riêng khi Ngài ghé thăm Đức Hồng Y Benadô Law tại Boston).
Tổng Thống Bush nhận thấy trách nhiệm nặng nề trên vai trước khi hạ lệnh đánh Iraq để tiêu diệt quân khủng bố, ông đã để nhiều thời giờ thăm dò dư luận của giới lãnh đạo thế giới và đắn đo suy nghĩ về kế hoạch mình sẽ thực hiện, cũng như ông đã dùng nhiều giờ cầu nguyện để được lòng can đảm và sức mạnh tiếp tục thi hành một bổn phận nặng nề và nguy hiểm trước thế giới. Cầu nguyện đã trở nên một sứ điệp thực tiễn và cần thiết để được Chúa ban ơn và nâng đỡ.
Để kết thúc, chúng ta hãy lập lại lời Thánh Vịnh 22, 1-3: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam