Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 122

Tổng truy cập: 1356763

CHÚA PHỤC SINH TÁI TẠO CHÚNG TA NÊN NGƯỜI MỚI.

CHÚA PHỤC SINH TÁI TẠO CHÚNG TA NÊN NGƯỜI MỚI.

 

Kính thưa quý cố ông bà và anh chị em,

Truyền thống Kinh Thánh gọi thế giới và con người bị ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ là thế giới cũ, con người cũ. Cũ là tình trạng sa sút, tổn thương, yếu đuối, tội lỗi... đang gặm nhấm, hủy hoại thế giới, hủy hoại con người. Lòng con người ra hư hốt, buông theo những đam mê lầm lạc và đủ thứ tệ đoan, khiến con người trượt dốc trên tội ác và sự dữ, đẩy họ tới diệt vong.

Con người không thể tự cứu mình. Chúa mới là Đấng giải phóng họ khỏi hành vi mang sự chết, để xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống, mà được sống muôn đời.

Hồng ân sự sống đời đời gọi là công trình tái tạo, công trình sáng tạo mới, được thực hiện trong Đấng Phục Sinh. Nhờ sự chết của Người chúng ta khỏi phải chết, trong sự phục sinh của Người, chúng ta được đổi mới và sự sống nguyên tuyền được phục hồi cho chúng ta trong Chúa Kitô.

Chúa Phục Sinh là Tin Mừng lớn lao nhất phải được loan báo cho muôn dân, để họ tin nhận mà được tái tạo, đổi mới trong Chúa Kitô, gia nhập đoàn chiên Chúa hưởng sự sống muôn đời.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày con đường phục hồi, tái tạo, con đường sáng tạo mới được thực hiện trong Chúa Giê-su, nhờ sức mạnh Thánh Thần.

Bài đọc I, trích sách Tông Đồ Công Vụ, mô tả cách thức Chúa Phục Sinh cải hóa, đổi mới Phao-lô, nhân vật một thời ghét đạo, ra công bức bách môn đệ Chúa.

Trên đường đi Damas, Phao-lô lòng sôi sục căm hờn với thứ đạo, ông cho là đối nghịch với lề luật Mô-sê, cần phải được loại bỏ. Ông nghĩ như vậy, nhưng ông đã lầm, vì giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho chân.

Chúa thương, đã bắt chợt ông, khi đang mưu toan hành động chống lại các tín hữu tại thành Damas. Ngài đã gặp và ra lệnh cho ông vào thành. Ở đó Phao-lô được ơn biến đổi, canh tân lòng trí nên mới, thành lợi khí của Tin Mừng.

Cuộc cải đạo của Phao-lô là rất ngoạn mục, quyết liệt, chóng vánh, khiến cả giới luật sỹ, biệt phái và các môn đệ Giê-su, cũng sửng sốt ngạc nhiên về sự thay đổi thần tốc này.

Phao-lô nhập đoàn với các môn đệ, dạn dĩ làm chứng Chúa Giê-su Phục Sinh cho người Do Thái, cũng như cho dân ngoại. Thành công tông đồ của ngài là đáng khâm phục.

Hội Thánh được bình an, đức tin được củng cố trong niềm kính sợ Chúa, số tín đồ gia tăng, nhờ ơn Thánh Thần của Đấng Phục Sinh nâng đỡ.

Thưa anh chị em,

Giáo Hội thời sơ khai gặt hái những thành quả mỹ mãn về mọi phương diện, là nhờ ơn Chúa và nhờ sự gắn kết nên một của người tín hữu với Chúa mình, ví như cành gắn liền với thân cây, nên không thể không sinh nhiều hoa trái.

Bài Tin Mừng vừa tuyên đọc mạc khải sự sống thật ban tặng nhân loại, nhờ liên kết với Chúa Phục Sinh.

Dụ ngôn cây nho vừa tuyên đọc xác nhận Giê-su là cây nho thật, Chúa Cha đem trồng trong vườn nhân loại, bằng việc “Nhập thể làm người”. Bản tính Thiên Chúa đảm nhận lấy nhân tính Giê-su được so sánh với cành nho gắn liền với thân cây. Sự liên kết này thực hiện lời hứa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” luôn mãi.

Nhờ sự chết và sự phục sinh, Chúa Giê-su liên kết kẻ tin vào thân mình mầu nhiệm Ngài, để nhờ sự sống của Cha là gốc rễ thông truyền cho Giê-su là thân cây, rồi từ Chúa Giê-su, sự sống truyền tới chúng ta là những cành nho.

Dụ ngôn cây nho và nhành nho cho thấy bản chất sự sống thật là phải kết hợp, gắn liền với Chúa, ngoài Ngài, không gì có thể tồn tại và phát triển. Dụ ngôn cây nho thật, giúp người tín hữu hiểu thấu đáo hơn mầu nhiệm Thánh Thể và các nhiệm tích cứu độ. Đón rước Mình Máu Thánh Ngài là lương thực sự sống đời đời: “Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta như vậy” (Jn 6, 51).

Cộng đoàn tín hữu thời sơ khai ham thích lắng nghe giáo huấn các Tông Đồ, chuyên chăm cầu nguyện và cử hành bữa tối của Chúa, nên không ngạc nhiên khi thấy cộng đoàn gia tăng phong phú.

Thời đại hiện tại, cũng không thể xem nhẹ các tiêu chí nền tảng đó. Nếu theo sát giáo huấn Hội Thánh, siêng năng cầu nguyện, chăm chỉ lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, nhiệt tâm sống bác ái yêu thương, chúng ta sẽ là những nhánh nho gắn liền với Chúa Kitô, cây nho thật, nhất định, sẽ chứng kiến một lễ “Hiện Xuống mới” bao trùm khắp thế gian, muôn dân sẽ được hưởng một nền hòa bình viên mãn.

Bài đọc II, trích thư của thánh Gio-an Tông Đồ, nêu các tiêu chí, giúp nhận diện: ai thuộc về Chúa, ai đang ở lại trong tình yêu Chúa !

* Một là: Phải chống lại mọi hình thức yêu thương môi mép, giả hình. Mỗi người hãy sống thật với lòng mình: “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5, 37). Mối tương quan của chúng ta với tha nhân phải được xây trên một tình yêu không giả dối.

Đức cha cố Phao-lô Bùi Chu Tạo đã chọn câu châm ngôn “In caritate non ficta” (trong tình yêu không giả dối). Ngài đã sống tốt, sống đẹp, đã trở nên chứng nhân cho đoàn chiên về một tình yêu không giả dối. Cuộc đời ngài đã trổ sinh vô vàn hoa trái cho giáo dân Phát Diệm. Con cái giáo phận rất kính cẩn, tự hào, biết ơn, mỗi khi nhắc đến đời sống gương mẫu của vị mục tử nhân lành, chủ chăn thánh thiện này.

* Hai là: Ở lại trong tình yêu Chúa là tuân giữ các giới răn, vì đó là bằng chứng chúng ta chọn Chúa và không gì thay đổi được quyết định chọn lựa ấy.

* Ba là: Ham thích lắng nghe thực thi Lời Chúa, nhiệt tâm cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bích tích Thánh Thể, vì đó là nguồn sống của chúng ta.

Bao nhiêu con người từ xưa tới nay đã sống, đã luôn ở lại trong tình yêu Giê-su, họ đã làm cho Danh Cha vinh hiển, Nước Cha trị đến.

Cuộc sống các ngài vẫy gọi chúng ta tiến lên, tìm về Giê-su, liên kết, ở lại trong Giê-su, chúng ta cũng sẽ sinh nhiều hoa trái, cũng sẽ làm Chúa Cha vinh hiển và trở nên môn đệ của Ngài. Amen!

 

45.Xây dựng Giáo Hội

(Suy niệm của Jean-Yves Garneau)

MỘT HỢP ĐỒNG KHÁC HẲN.

Trong sách Tông đồ Công vụ, người ta kể lại rằng nhờ hoạt động của thánh Phaolô và các môn đệ khác, “Giáo Hội (sơ khai) được xây dựng, tiến triển và lớn lên” trong tất cả vùng Giuđê, Galilê và Samari. Khi đọc những dòng này, chúng ta không nên chỉ nghĩ về quá khứ mà thôi; chúng ta cũng phải xem hiện tại nữa vì ngày nay Giáo Hội còn phải được xây dựng. Và chính chúng ta theo gương thánh Phaolô và các môn đệ đầu tiên, phải là các nghệ nhân của việc xây dựng này. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta xây dựng Giáo Hội của Ngài.

Lời mời gọi bắt tay vào việc và hiến dâng tất cả năng lực của chúng ta để cộng tác vào việc xây dựng Giáo Hội, lời đó chúng ta đã thường được nghe, nhất là từ Công đồng Vatican II.

Phải thú nhận rằng lời mời gọi đó khiến chúng ta hơi khó chịu một chút. Quả thật, chúng ta ít có thói quen xây dựng Giáo Hội. Hồi trẻ, người ta đã không thực sự dạy chúng ta truyền đạt cho kẻ khác đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Người ta đã không khai tâm chúng ta để trở thành thừa sai và chứng nhân trong một môi trường ngày càng không biết đến Thiên Chúa hoặc ở đó người ta thường sống như thể không có Ngài. Làm gì đây, phải hành động thế nào để xây dựng Giáo Hội tại nơi nay và hôm nay? Những bài Thánh Kinh chúng ta vừa nghe đã mang đến lời giải đáp cho câu hỏi này, chúng thu hút sự chú ý của ta về nhiều điểm quan trọng. Chúng ta sẽ ghi nhận ba điểm.

1. Tin vào Chúa Kitô và lưu lại nơi Ngài.

Để xây dựng Giáo Hội, trước hết phải tin vào Chúa Kitô. Người ta sẽ nói đó là chuyện hiển nhiên rồi. Có lẽ. Tuy nhiên, ta hãy nhớ rằng đức tin mà thánh Gioan nói đến không phải chỉ là chấp nhận sứ điệp của Chúa Kitô và những chân lý mặc khải trong trí mà thôi. Phải làm hơn thế nữa. Đó là gắn bó với Chúa Kitô. Đó là hiệp thông với Ngài. “Ai lưu lại nơi Thầy và Thầy lưu lại nơi người đó, kẻ ấy mang nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

Thánh Phaolô, vị tông đồ vĩ đại đã chăm lo rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, một ngày nọ đã được Chúa Kitô thu hút và đã hiến dâng mình cho Ngài. Thánh Phêrô, Andrê, Giacôbê, Gioan và những vị khác trong nhóm Mười Hai cũng đa say mê Chúa Giêsu và họ đã từ bỏ mọi sự vì Ngài. Họ đã sống nhờ Ngài, trong Ngài… bởi Thần Khí của Ngài. Vậy nên, hết thảy họ đều là những kẻ xây dựng Giáo Hội cách tuyệt vời vào thời đại của họ. Bao giờ cũng thế thôi. Những kẻ lưu lại nơi Chúa Kitô sẽ làm được nhiều việc cho Ngài và cho Giáo Hội của Ngài.

2. Thương yêu nhau.

Điều kiện thứ nhì để xây dựng Giáo Hội được nêu lên trong thư thứ nhất của thánh Gioan: Đó là “thương yêu nhau như Chúa Kitô đã căn dặn chúng ta” (1Ga 2,23). Có sự mâu thuẫn rõ rệt khi muốn xây dựng Giáo Hội mà không thương yêu nhau, vì Giáo Hội là nơi của tình hữu nghị, nơi mà những con người –tứ xứ và hết thảy đều có những đức tính tốt và tật xấu- tụ họp nhau lại và nhận nhau là anh em. Không những chỉ bằng lời nói (điều này bao giờ cũng dễ dàng), nhưng trong sự thật.

Mỗi lần tình yêu thương giữa chúng ta lớn lên và được phát triển –tình yêu thương cụ thể được biểu hiện trong việc đón tiếp kẻ khác, trong việc thông cảm với kẻ khác, tha thứ cho kẻ khác…- thì chính Giáo Hội lớn lên và được phát triển.

3. Dám mạo hiểm.

Điều kiện thứ ba để góp phần xây dựng Giáo Hội: dám mạo hiểm. Ở đây, ta phải nhờ gương thánh Phaolô tông đồ. Ngài biết lên tiếng, dám lên tiếng ngay cả khi điều đó không làm hài lòng mọi người. Ngài không sợ tự khẳng định mình ngay cả khi ngài chắc chắn rằng sự can thiệp của ngài sẽ gây khó khăn cho ngài. Những người Do Thái nói tiếng Hy lạp, đã tranh luận với ngài tại Giêrusalem, tìm cách thủ tiêu ngài, sách tông đồ Công vụ (9,29) kể lại cho chúng ta như thế. Có bao giờ chúng ta dám mạo hiểm… dù là trong những điều rất nhỏ, nhân danh Chúa Kitô… vì quyền lợi và sự phát triển của Giáo Hội Ngài không?

Tóm lại, chúng ta phải xây dựng Giáo Hội và phải có ít nhất ba điều kiện để lam việc đó: kết hợp với Chúa Kitô, thương yêu nhau và đôi khi dám mạo hiểm. Và bây giờ, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có phải là những người tích cực xây dựng Giáo Hội trong môi trường sống của mình không?

 

46.Như cành liền cây

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một trong những chất liệu cần thiết được sử dụng trong Thánh Lễ đó là rượu nho. Rượu nho này được làm thành từ trăm ngàn trái nho ép lấy nước và để lên men đến một nồng độ và chất lượng do Toà Thánh ấn định để được sử dụng làm rượu lễ. Rượu nho ở nước ta chưa đủ tiêu chuẩn để được phép sử dụng trong Thánh Lễ. Vì thế phải nhập khẩu từ các nước Âu Châu, như Pháp, Tây Ban Nha, những nước có truyền thống trồng nho từ lâu đời và chuyên môn sản xuất những loại rượu nho nổi tiếng thế giới. Rượu lễ chúng ta đang sử dụng được nhập khẩu từ Công ty De Muller, S.A. ở Tarragona, Tây Ban Nha.

Nhìn những vườn nho, ai không có kinh nghiệm trong nghề trồng nho chắc chắn phải tiếc xót khi thấy những cành nho bị cắt tỉa khỏi thân nho. Thế nhưng, đây là định luật cơ bản trong nghề trồng nho: có được cắt tỉa, cành nho mới sinh hoa kết quả. Vào tháng hai, tháng ba, người trồng nho cắt những cành nào thấy không thể sinh trái, nhiều khi để lại thân cây trơ trụi. Đến tháng tám khi nho đâm ngành trổ lá, ông lại tỉa hết những nhánh con, để những nhánh lớn có trái được sức sống của thân cây nhiều hơn..

Hình ảnh của vườn nho và cây nho là hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh và thường được dùng để cảnh cáo, đe doạ, khiển trách dân Israel: Ngôn sứ Giêrêmia đã nói: “Ta trồng người như cây nho sai trái, được tuyển chọn giống tốt. Sao người lại trở thành cây nho dại, sinh trái chua lòm” (Gr 2,21). Ngôn sứ Isaia cũng đã có cả một bài ca về vườn nho, vì dân Israel như nho quí, nhưng đã trở thành nho dại, khiến chủ vườn nho phải bỏ hoang phế (x. ls, 1-7).

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự nhận là “cây nho thật” và “Chúa Cha là người trồng nho”, để xác minh rằng: đây là cây nho dại sinh trái chua lòm. Cây nho thật này do Chúa Cha trong tỉa để đem lại hoa trái sự sống dồi dào:

“Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh trái nhiều hơn”… “Thầy là cây nho, anh em là cành”.

Như cành gắn liền với thân cây nho mới sống được và sinh hoa trái. Nếu cành nào tách rời khỏi thân cây nho, sẽ khô héo và làm mồi cho lửa. Cũng vậy, người tín hữu phải sống kết hợp với Chúa Kitô mới có sự sống của Thiên Chúa và được sống đời đời, nếu không, sẽ chết đi và bị quăng vào lửa. Vì vậy, mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và các Kitô hữu là một mối quan hệ mật thiết đến nỗi cả hai trở nên như một, vì cùng sống chung một sự sống. Chúa Kitô và các Kitô hữu tạo thành một cộng đồng sự sống, như các chi thể trong một thân thể mà Thánh Phaolô gọi là Nhiệm Thể, hay là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô. Trong Nhiệm Thể ấy, các chi thể liên kết với nhau và liên kết với một đầu như các cành nho liên kết với thân cây nho và một gốc nho. Cũng như nhựa sống giao lưu từ gốc nho đến các cành cây, thì sự sống cua Thiên Chúa cũng được chuyển đến các chi thể như trong một thân thể. Như thế, các Kitô hữu được gắn với nhau vào một gốc là Chúa Giêsu: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”.

Một điểm khác cũng được Chúa Giêsu nhấn mạnh ở đây, đó là “cành nho phải sinh hoa trái”. Người Kitô hữu không chỉ gắn với thân cây mà còn phải sinh hoa trái nữa. Bởi vì, không thiếu những cành gắn chặt với cây mà không sinh trái nào. Những cành đó sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa. Không sinh trái là bằng chứng không còn “ở trong Thầy”. Không còn kết hợp với Thầy, mặc dầu bên ngoài vẫn là một cây “xanh rờn”! Sinh hoa kết quả dồi dào mới trở thành người môn đệ thật cua Thầy. Hình ảnh có thể làm cho chúng ta sửng sốt. Đâu phải đợi đến khi bị liệt vào hạng khô khan, nguội lạnh hay phạm những tôị tầy đình mới bị loại khỏi cộng đoàn của Chúa. Sự sống từ Chúa Giêsu chỉ có hai trạng thái: sinh trái hoặc không sinh trái, không có trạng thái thứ ba, hiểu theo nghĩa “cầm hơi”, “cầm chừng”. Người Kitô hữu trở thành môn đệ của Chúa Kitô bằng chính việc sinh nhiều hoa trái và Thiên Chúa được tôn vinh cũng bằng chính việc người Kitô hữu sinh nhiều hoa trái. Chúa Giêsu đã khẳng định: Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.

Thế nào là sinh hoa kết trái? Chúng ta có thể tìm thấy cây trả lời ngay trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Gioan nói: “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. Do đó, chúng ta có thể hiểu được rằng, “sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, tạo dựng hạnh phúc cho người khác. Phải phục vụ lợi ích thật của anh em, thì mới nói được rằng chúng ta đang ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta. Chỉ có tình thương yêu đích thực, thực từ trong lòng ra hành động, mới là tình yêu thương hiệp nhất, hiệp nhất chúng ta nên một với anh em, hiệp nhất chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô là “cây nho Chúa Cha trồng tỉa” để sinh nhiều hoa thơm trái ngọt.

Hình ảnh của sự cắt tỉa còn gợi lên một sự mất mát, đau đớn. Thế nhưng, mất mát dẫn đến thắng lợi, khổ đau dẫn đến vinh quang, sự chết dẫn đến Phục Sinh. Đó là bài học xuyên suốt cuộc đời, lời rao giảng và cái chết của Chúa Giêsu. Trong suốt hơn 2000 năm qua, Giáo Hội đã tiến bước với niềm xác tín ấy. Nhựa sống từ thân cây nho là Chúa Giêsu đã không ngừng nuôi sống Giáo Hội. Với cái nhìn đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất: Qua việc trở lại với những giá trị của Tin Mừng, với cốt lõi của Tin Mừng, Giáo Hội cởi bỏ được chiếc áo của quyền lực và hào nhoáng, để mặc lấy tinh thần phục vụ, khiêm tốn, đơn nghèo. Sự hoán cải của nhiều Kitô hữu trở thành con đường cho những người thành tâm thiện chí tìm gặp được Chúa Kitô. Giáo Hội sinh nhiều con cái là nhờ các chi thể của mình là những cành nho luôn đươc cắt tỉa.

Như cành liền cây mới sống được và phải cắt tỉa mới sinh nhiều hoa trái, người Kitô hữu phải sống nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô mới có thể sống như Chúa Kitô, sống cho Thiên Chúa và cho mọi người anh em. Đó là đòi hỏi căn bản của đời sống Kitô hữu. Người Kitô hữu nào yêu thương mọi người anh chị em một cách chân thành, có hiệu quả bằng việc làm cụ thể, giúp đỡ, bảo vệ, xây dựng xã hội, đồng bào, đất nước… người Kitô hữu ấy mới thật là người ở trong Thiên Chúa, kết hợp với Chúa Kitô, mới thật là cành nho gắn liền với cây nho.

 

home Mục lục Lưu trữ