Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1363841

CHÚA SAI TÔI ĐI

CHÚA SAI TÔI ĐI-  ĐTGM. Jos. Ngô Quang Kiệt

Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường. Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng. Đó là thành phần ưu tuyển. Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ. Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng. Đó là một đám đông không xác định. Đó là tất cả mọi người giáo dân. Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.

Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào?

– Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng. Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa. Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa. Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa. Ta phải mau mắn để khỏi lở mất cơ hội.

– Thứ đến ta phải cầu nguyện. Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gươngThánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín. Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.

– Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo. Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình. Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất. Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.

– Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người. Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.

Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân. Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo. Mọi người đều có thể cầu nguyện. Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa. Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác

Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.

Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Bạn có thấy việc truyền giáo là cấp thiết không?

2) Theo ý bạn, muốn truyền giáo thành công trong vùng này, người tông đồ cần có những đức tính nào?

3) Bạn có bao giờ cầu nguyện cho việc truyền giáo, cho người làm việc truyền giáo, cho những người chưa biết Chúa ở chung quanh bạn không? Bạn đã bao giờ tham gia vào việc truyền giáo trong Giáo xứ, trong Giáo phận chưa?

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

TRUYỀN GIÁO BẰNG CHỨNG TÁ…- Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Có lẽ chúng ta đã nghe nói nhiều đến việc truyền giáo. Và thường chúng ta nghĩ rằng đó là việc của các linh mục, các nam nữ tu sĩ, của tiểu ban truyền giáo, hay của một số người có ơn gọi đặc biệt như Thánh Phaolô, Thánh Phanxicô Xaviê,… chứ chẳng phải là việc của mình. Tuy nhiên, truyền giáo là ơn gọi, là trách nhiệm gắn liền với mọi người Kitô hữu. Bao lâu còn là Kitô hữu, bấy lâu còn phải loan báo Tin Mừng. Có thể chúng ta không có khả năng lôi kéo, thuyết phục để cho người khác theo đạo, nhưng “nói” cho người khác biết về đạo bằng chứng tá đời sống thì ai ai cũng có thể làm được. Vậy chứng tá cụ thể đó là gì?

– Trước hết là chứng tá bằng đời sống cầu nguyện hy sinh

Đây là hoạt động đi đầu và không thể thiếu trong việc loan báo Tin Mừng. Nhìn thấy gương chúng ta cầu nguyện, gương chúng ta hy sinh, người ta sẽ được đánh động, được cảm hoá. Nếu đời sống tâm linh của chúng ta được cắm rễ sâu trong đời sống cầu nguyện hy sinh, thì mọi việc ta làm đều có giá trị truyền giáo, đều có khả năng làm cho người khác nhận biết Chúa và đem lại rất nhiều lợi ích cho các linh hồn. Như vậy, ngồi ở nhà, chúng ta vẫn có thể truyền giáo. Về điểm này, Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Ngài nói: “Dù cúi xuống nhặt một cây kim vì lòng yêu mến Chúa, tôi cũng có thể cứu được một linh hồn”.

Không ai có thể nói là tôi không có thì giờ để cầu nguyện. Không ai có thể nói là tôi không có cơ hội để hy sinh. Và để rèn luyện được nếp sống thấm nhuần tinh thần cầu nguyện hy sinh, có sức giới thiệu Đức Kitô cho người khác, thiết tưởng chúng ta có thể nhờ đến Chuỗi Kinh Mân Côi. Nhờ Mẹ dẫn chúng ta bước đi từng bước nhỏ trên đường vâng phục thánh ý Chúa và phục vụ các linh hồn.

– Thứ đến là chứng tá bằng lối sống hiệp nhất yêu thương

Truyền giáo bằng việc giảng dạy, bằng sách báo, bằng các lớp Giáo lý, bằng các lễ nghi, bằng các hoạt động tôn giáo, thực tế là rất cần. Nhưng cách truyền giáo hữu hiệu nữa là chính nếp sống đạo đức nổi trội của chúng ta về sự hiệp nhất yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em hãy thương yêu nhau”. Tình yêu thương hiệp nhất ấy được thể hiện qua cách suy nghĩ, cách phán đoán, cách chọn lựa, cách đối xử, cách phản ứng, cách hiện diện, cách phục vụ nói năng, ăn uống, giải trí, cách dùng thời giờ, sức khoẻ, của cải,…

Những dấu chỉ yêu thương hiệp nhất giữa mọi người trong gia đình, trong hội đoàn, trong giáo họ, giáo xứ là dấu chỉ loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất, giá trị nhất. Ngược lại, nếu thiếu tình bác ái yêu thương thì những việc tông đồ truyền giáo sẽ phản tác dụng. Xin dẫn chứng:

Một cô gái ngoại giáo lấy người Công giáo, láng giềng, bà con thấy cô ta đẹp người đẹp nết, nên giục cô ta vào đạo. Cô ta trả lời: “Khi nào cháu thấy đạo Chúa hơn đạo Phật, cháu mới vào”. Tìm hiểu, người ta mới biết được bà mẹ chồng dù rất siêng năng đọc kinh, dự lễ và đã từng bỏ ra gần cả một chục triệu bạc cùng với nhiều bà khác giúp cha sở đi Roma xin ơn Đức Giáo hoàng, nhưng bà đã từng sang giật nồi, lấy niêu của một bà hàng xóm nghèo chưa có tiền trả nợ cho bà. Cô dâu in trong lòng hình ảnh không tốt về mẹ chồng và về đạo. Do đó cô nhất quyết không theo đạo bao lâu chưa thấy người theo đạo sống tốt hơn.

Một khi tất cả nếp sống của chúng ta phảng phất hương thơm của tình hiệp nhất yêu thương thì dù ở đâu, nếp sống ấy cũng là truyền giáo.

– Sau nữa là chứng tá bằng nếp sống có văn hoá, văn minh

Ngày hôm nay, xã hội đang phải đối diện với biết bao tệ nạn, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, các giá trị đạo đức luân lý bị băng hoại. Chính vì thế, nỗ lực của xã hội là xây dựng nếp sống lành mạnh, có văn hoá, văn minh. Đi đâu chúng ta cũng thấy có các bảng hiệu “khu phố văn hoá”, “thôn văn hoá, ấp văn hoá”…, lẽ nào chúng ta lại đứng ngoài, lẽ nào chúng ta lại không chung tay góp sức mình vào việc đó. Dĩ nhiên, nền văn hoá mà chúng ta phải xây dựng không phải là văn hoá sự chết, văn hoá tiêu diệt sự sống, mà là nền văn hoá bảo vệ và thăng tiến sự sống, sự sống ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Nền văn minh mà chúng ta phải kiến tạo không phải là văn minh của nền khoa học kỹ thuật khô cứng hay của chủ nghĩa duy vật hưởng thụ cực đoan, mà là nền văn minh của tình thương, nền văn minh của lòng bao dung tha thứ.

Như mọi người khác, người Công giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi trường xã hội hôm nay. Chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất, buôn bán… với mọi hoàn cảnh từ thương gia đến kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công nhân viên. Cũng làm việc, cũng mưu sinh, nhưng chúng ta làm việc với tinh thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn ý thức được sứ mạng truyền giáo bằng chứng tá của mình, đặc biệt trong Năm Đức Tin, để ra sức sống tinh thần cầu nguyện hy sinh, yêu thương hiệp nhất, đồng thời nỗ lực xây dựng một cuộc sống tốt đạo đẹp đời hầu cho danh Chúa được ngày một cả sáng hơn. Amen.

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

ĐỨC MARIA, MẪU GƯƠNG TRUYỀN GIÁO- Lm. Hoàng Kim Toan

Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao Chúa Nhật Truyền Giáo lại được nhắc trong tháng Mân Côi, tháng dâng kính Đức Mẹ, cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm tình thương của Thiên Chúa, bằng những tràng chuỗi đơn sơ và thành kính nhất qua lối cầu nguyện theo Tin Mừng. Những dòng suy niệm này trả lời cho tôi câu hỏi đó.

Những trang Tin Mừng về Đức Maria thật là phấn khởi cho trần thế chúng ta. Có một người phụ nữ, mang trọn vẹn sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa vào trong lòng nhân thế. Nhân loại vui mừng bởi sự đón nhận này của Mẹ Maria, “để từ nay mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những kỳ công lớn lao nơi Mẹ và còn làm những điều lớn lao ấy cho nhiều tâm hồn nhân thế chúng ta.

Sự chuẩn bị một tâm hồn vô tì tích là sự chuẩn bị của Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Đức maria những điều lớn lao, bởi Mẹ là người đã để Chúa Thánh Thần hoạt động và làm phát sinh hoa trái của Người. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1, 35), hoa trái của Chúa Thánh Thần là hoan lạc và bình an. Mẹ đã mang hoan lạc và bình an của Thiên Chúa cắm rễ vào trong trái đất. Maria, công trình tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần, nhân thế có một con người được Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho sự toàn vẹn để xứng đáng đón nhận Đức Giêsu, Con thiên Chúa vào trong lòng nhân thế, lịch sử đã đổi hướng đi về nguồn ơn cứu độ, về niềm vui của Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa, và trở nên hiện thực trong sự cưu mang này. Đức Maria trở nên người diễm phúc là nhờ sự chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần có thể làm cho con người tội nhân của Eva cũ, xuất hiện một Eva mới vô tì tích, trong trắng đẹp lòng trước mặt Thiên Chúa. Maria, công trình của Chúa Thánh Thần thực hiện cho nhân loại.

Maria, là người Mẹ truyền giáo đúng nghĩa nhất, bởi sự tinh tuyền của Mẹ, bởi Mẹ là kỳ công của Chúa Thánh Thần hoạt động trên trái đất này. Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa cho thế gian và đưa Con Thiên Chúa vào trong thế gian và đó là Tin Mừng đúng nghĩa nhất cho trần thế. Từ nay, nhân loại nhận ra rằng: Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương. Đức Giêsu Con lòng Mẹ, một Người Con của nhân loại, một người Con của Thiên Chúa là nguồn ơn cứu độ, suối trào niềm vui cho nhân thế.

Người loan báo Tin Mừng là người được Chúa Thánh Thần tác động cách đặc biệt trên cuộc đời của họ. “Đức Maria lên đường vội vã” (Lc 1, 39). Sự vội vã của con người mang niềm vui khôn tả, thúc đẩy mau mắn lên đường, nhắc lại hình ảnh xưa Isaia đã tiên báo: “Đẹp thay trên núi đồi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị” ”. (Is 52, 7). Đức Maria mang trọn niềm vui Đấng Cứu Độ mà nhân loại đón đợi, không thể không vui và niềm vui chất ngất, thúc đẩy lên đường loan báo tin vui. Nếu trong lòng tôi và trong lòng bạn mang niềm vui ngập tràn như thế tôi và bạn cũng sẽ vội vã lên đường loan báo. Đức Maria trở nên người loan báo Tin Mừng đúng nghĩa bởi vì Mẹ mang trọn niềm vui Chúa Thánh Thần. Ai để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời của mình cũng là người mang trọn niềm vui loan báo.

Không chỉ là loan báo mà thôi, Đức maria còn là người công bố Tin Mừng. Người công bố là người đã xác tín một cách chắc chắn về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đức Maria đã nghiệm thấy như thế trong cuộc đời của Mẹ: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 49). Thấy được tình thương Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời mình, người loan báo sẽ đi xa hơn nữa để, công bố Tin Mừng Thiên Chúa đã làm cho mình. Sự công bố mang một niềm tin xác tín, đã gặp và đã thấy. Sứ vụ loan báo Tin Mừng hôm nay, cần chứng nghiệm nơi người loan báo Tin Mừng như thế, bởi vì người ta đang cần chứng nhân hơn thày dạy. Đức Maria nhận ra bàn tay Toàn Năng của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nên Mẹ là người công bố sứ điệp chắc chắn về Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho nhân loại.

Niềm xác tín của Đức Maria mang một chiều kích rất riêng tư, nhờ Mẹ đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 3, 51). Cầu nguyện là chiêm ngắm những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình, là cuộc trao đổi, đối thoại giữa nhưng khó khăn, thử thách. Đức Maria trở thành người công bố Tin Mừng, bởi Mẹ đã chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa thực hiện cho dân tộc, cho chính Mẹ. Sự chiêm ngắm, đối thoại dẫn đến một xác tín riêng tư chắc chắn để đi đến một công bố cho muôn người. Con đường cầu nguyện của Đức maria đã đi qua là con đường mời gọi những người truyền giáo hôm nay thực hiện.

Truyền giáo không là công cuộc cày xới những mảnh đất hoang, cũng không là công cuộc cải đạo cho những người khác niềm tin. Đối với Đức Maria truyền giáo có nghĩa là đem chính Đức Giêsu cho nhân loại. Đức Giêsu có là niềm vui cho bạn không? trước khi là niềm vui công bố cho người chung quanh bạn, trở lại niềm xác tín này chúng ta trở lại niềm xác tín của Đức Maria, khi Mẹ xác tín: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1, 46). Tràn ngập niềm hân hoan bởi Mẹ đã gặp thấy và cưu mang chính niềm vui của Đức Giêsu trong lòng Mẹ. Đức Maria không mang niềm vui nào khác ngoài niềm vui: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 47). Niềm vui của Thiên Chúa trong ngày Thiên Chúa đoái thương, ngày nào không là ngày Thiên Chúa đoái thương, nhưng đôi lúc chúng ta lại quên mất cảm nghiệm thực sự điều này, để rồi sứ vụ truyền giáo của mỗi thành viên chúng ta cứ hoài dang dở. Đức Maria đã mang chính Đức Giêsu, quà tặng tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa, nguồn ơn cứu rỗi duy nhất, công bố, trao tặng cho nhân loại.

Dù là người loan báo, dù là người công bố Tin Mừng đi chăng nữa, Đức Maria luôn đặt mình dưới sự bảo trợ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Không thể tách rời Đức Maria khỏi hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria là công trình tuyệt hảo của Chúa Thánh Thần. Dù Đức Maria có được như thế nào chăng nữa, Mẹ cũng luôn đặt mình trong tâm khảm của người: “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48). Người truyền giáo cũng thế, không thể tách rời Chúa Thánh Thần với hoạt động của mình được. Ai có thể chinh phục sự sâu thẳm của lòng người quy hướng về Thiên Chúa, nếu đó không phải là tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mời gọi con người theo nhiều nẻo đường khác nhau, để quy tụ cho Thiên Chúa một Dân được hiến thánh. Chúng ta là những dụng cụ Thiên Chúa dùng, và hãy đặt cuộc đời mình vào bàn tay của Thiên Chúa.

Không có công trình nào là thua mất cả với ánh mắt nhìn đức tin của Đức Maria, đôi khi gặp những người cứng cỏi quá sức, hãy phó dâng cho Thiên Chúa, như người gieo giống chỉ biết chờ đợi cho hạt giống nảy mầm. Đức Maria đã thấy nghiệm điều này trong cuộc đời của Mẹ: “Chúa biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 51). Chúng ta cần biết chờ đợi điều Thiên Chúa sẽ cho mọc lên, sự chờ đợi là một bài học cuối kết thúc cho sứ vụ truyền giáo chúng ta học nơi Đức Maria.

Kính dâng Mẹ những suy nghĩ này, bởi hơn ai hết Mẹ là vị Thày tốt nhất dạy chúng con sống sứ vụ truyền giáo.

home Mục lục Lưu trữ