Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 182
Tổng truy cập: 1350176
CHÚA TỎ MÌNH RA CHO NHỮNG TÂM HỒN THIỆN CHÍ
CHÚA TỎ MÌNH RA CHO NHỮNG TÂM HỒN THIỆN CHÍ
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra những chi tiết tương phản lạ thường.
Tương phản giữa Giêrusalem và Bêlem: Giêrusalem, thủ đô hoa lệ, trung tâm văn hoá chính trị của nước Do thái, nhưng đã khước từ, không đón tiếp Đấng Cứu thế. Trong khi đó, Bêlem, một thị trấn bé nhỏ, nghèo nàn lại là nơi đón tiếp Đấng Cứu thế hạ sinh.
Tương phản giữa những người có đạo và những người ngoại đạo: Các bậc chức sắc thông thạo Kinh thánh, nhưng chỉ ngồi im tại kinh thành, không chịu lên đường, nên không gặp được Đấng Cứu thế. Trái lại, ba nhà đạo sĩ mà ta quen gọi là Ba Vua, là những người ngoại đạo, không am tường Kinh thánh, nhưng đã biết tìm tòi học hỏi, dấn thân lên đường, nên đã gặp được Chúa.
Tương phản giữa Vua giả và Vua thật: Hêrôđê được gọi là Vua, nhưng lại cứ nơm nớp lo âu, sợ mất ngai vàng, nên tìm cách tiêu diệt người khác. Trong khi đó, Đức Giêsu Kitô, Vua Trời lại thản nhiên bình an trong cảnh khó nghèo, mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người xa gần.
Tất cả những tương phản ấy đáng cho ta suy nghĩ. Đấng Cứu thế không đến theo cơ chế, nhưng rất bất ngờ. Người không đến trong những cung điện sang trọng nhưng đến trong một chuồng bò tăm tối, hôi tanh. Người không đến trong quyền lực nhưng trong sự yếu đuối, khiêm nhường.
Tất cả những tương phản ấy khiến ta phải lo sợ. Không phải cứ có đạo là gặp đựơc Chúa. Không phải cứ giỏi giáo lý là biết Chúa. Muốn gặp được Chúa phải có thiện chí đi tìm. Muốn biết Chúa, phải dấn thân lên đường.
Ba Vua là những người ngoại đạo đến từ rất xa, nhưng đã trở nên gương mẫu cho ta trong việc đi tìm và hiểu biết Chúa. Các Ngài là những tâm hồn thiện chí.
Là những tâm hồn thiện chí, luôn luôn khao khát điều lành, nên các Ngài luôn để tâm tìm kiếm. Đêm đêm ngước mắt lên trời cố dò tìm dấu vết thần linh. Chắc chắn không phải chỉ trong phút chốc mà các Ngài phát giác ra ngôi sao lạ, nhưng phải trải qua nhiều năm tháng kiên trì chiêm ngắm bầu trời, cặn kẽ theo dõi đường chuyển dịch của các vì tinh tú, các Ngài mới có thể nhận biết ngôi sao lạ khi nó xuất hiện.
Việc đi theo ngôi sao lạ cũng không giản đơn. Trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện trên đường đi. Thiện chí của các Ngài rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các Ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để đến gặp được Chúa. Chúa đã chúc lành cho thiện chí của các Ngài, nên đã cho các Ngài được gặp Chúa.
Đời sống chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa. Trong cuộc đi tìm, ta phải có thiện chí như Ba Vua, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách.
Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường. Hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao lạ, loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa. Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người. Qua những làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên chúa là ánh sáng chân thật.
Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện có thật. Một buổi chiều, một người lái xe con đi trên con đường miền núi vắng vẻ. ở một khúc quanh, người ấy phát hiện một gia đình bị hỏng xe. Đường vắng, trời tối, họ lo âu sợ hãi vì đó là đoạn đường thường xảy ra cướp bóc. Biết sửa chữa xe, nên người ấy đỗ xe, xuống giúp sửa chữa. Xe hỏng nặng. Người ấy phải chui vào gầm xe, tháo ra từng bộ phận. Tối mịt xe mới nổ máy. Cả gia đình mừng rỡ, muốn trả công cho người ấy. Nhưng người ấy không lấy công. Cả gia đình cám ơn rối rít và xin địa chỉ hẹn ngày lên thăm. Khi lên thăm, gia đình mới biết đó là một vị giám mục. Gia đình đem lòng cảm phục và xin theo đạo cả nhà. Vị Giám mục ấy chính là một Đức Cha ở cao nguyên Trung phần vào những năm 60.
Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin cầu chúc tất cả anh chị em có một đời sống đạo trong sáng như ngôi sao sáng để đưa dẫn nhiều tâm hồn về với Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Ba Vua thiện chí ở những điểm nào?
2. Bạn có gặp thử thách trong đời sống đạo không? Khi gặp thử thách, bạn đã ứng xử thế nào?
3. Theo bạn, cách nào hữu hiệu nhất để làm chứng cho Chúa: giảng giáo lý, tranh luận, sống bác ái?
4- Tuần này, bạn quyết tâm làm gì để thực hành Lời Chúa?
7.Thành tâm thiện chí sẽ gặp Chúa
(Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra. Việc Chúa sinh ra được loan báo cho mọi người biết dưới nhiều hình thức khác nhau như: lời các ngôn sứ loan báo từ nhiều thế kỷ trước, đạo binh thiên thần ca hát, ngôi sao lạ xuất hiện… Tuy nhiên không phải ai cũng gặp được Chúa.
Có những người không gặp Chúa, dù biết rõ những chỉ dẫn về Người.
Đó là những kinh sư, biệt phái. Họ hiểu biết Thánh Kinh. Khi ba nhà đạo sĩ đến hỏi thăm, họ đã đọc vanh vách lời ngôn sứ loan báo Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem. Nhưng họ không gặp được Chúa, vì họ hiểu biết lý thuyết mà không thực hành. Ngồi một chỗ mà không chịu lên đường. Chỉ chú ý tới chữ nghĩa sách vở mà không chú ý tới cuộc sống con người. Chỉ tìm trong sách vở mà không tìm những dấu chỉ trong đời thường.
Đó là Hêrôđê. Bạo vương này muốn tìm Chúa nhưng không gặp Chúa, dù ông có binh hùng tướng mạnh trong tay. Ông không gặp Chúa vì ông tìm Chúa không phải vì Chúa mà vì quyền lợi của ông. Ông tìm Chúa không phải để thờ lạy nhưng để giết chết. Ông tìm Chúa không phải để tôn vinh Chúa nhưng để tôn vinh bản thân. Ông tìm Chúa không phải để làm theo ý Chúa nhưng để bắt Chúa phải theo ý ông. Vì thế Chúa đã vượt thoát khỏi tầm tay của ông. Vĩnh viễn ông không gặp được Chúa.
Những người xem ra gần gũi nhất, hiểu biết nhất, có phương tiện nhất đã không gặp được Chúa. Trái lại, những người có vẻ nghèo hèn, thiếu thốn phương tiện, xa xôi cách trở lại gặp được Chúa. Đó là các mục đồng và đặc biệt ba nhà đạo sĩ mà ta nhớ đến trong thánh lễ hôm nay.
Họ đã gặp Chúa vì họ đã lên đường. Dù không biết lời tiên tri loan báo, không biết lời hứa, không thuộc Thánh Kinh, nhưng khi thấy ngôi sao lạ, họ đã lên đường ngay tức khắc. Lên đường nói lên thái độ ngoan ngoãn tuân theo ơn Chúa soi sáng. Lên đường nói lên thái độ dấn thân. Lên đường nói lên lòng cương quyết đi tìm. Lên đường là chấp nhận gian khổ để đạt được điều mơ ước.
Họ lên đường và đã gặp Chúa vì lòng họ khao khát. Khao khát chân lý nên đêm đêm họ không ngừng quan sát bầu trời tìm kiếm ánh sao, vì thế cả một bầu trời bao la, chỉ một ánh sao lạ xuất hiện, họ đã nhận biết. Khao khát chân lý nên khi Chúa vừa tỏ mình qua dấu hiệu ngôi sao, họ đã vội vã theo sát dấu ánh sao đi tìm. Khao khát gặp Chúa nên khi ánh sao vụt biến mất, họ đã không nản lòng, quyết tâm dò hỏi cho ra.
Họ đã gặp Chúa vì tâm hồn họ đơn sơ thành thực. Đi tìm Chúa chứ không tìm bản thân. Đi tìm Chúa để thỏa lòng khao khát chân lý chứ không để thỏa mãn những tham vọng đen tối. Đi tìm Chúa để thờ lạy Chúa chứ không vì lợi lộc cá nhân. Với tâm hồn đơn sơ, họ đã nhận ra ý Chúa, dù ý Chúa chỉ nhẹ nhàng qua một ánh sao. Với tâm hồn đơn sơ, họ đã nhận ra chính Chúa, dù Chúa có ẩn thân dưới hình dáng một em bé yếu ớt nghèo nàn, trong khung cảnh rất tồi tàn của chuồng bò hôi hám.
Đời sống đạo của tôi cũng là một cuộc đi tìm Chúa. Tôi sẽ chỉ gặp được Chúa nếu tôi noi gương ba vua, có tâm hồn đơn sơ thành thực, có lòng khao khát Chúa vì chính Chúa, và dám dấn thân thực hành những điều Chúa truyền dạy, đặc biệt là giới răn bác ái, phục vụ Chúa trong những anh em nghèo khổ.
Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường lối của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Tại sao những kinh sư, biệt phái và Hêrôđê không gặp được Chúa?
2) Có những người ngoại đạo thành tâm thiện chí như ba vua. Bạn đã gặp ai như thế chưa? Bạn nghĩ gì về họ?
3) Muốn gặp Chúa, bạn phải làm gì?
4) Ba vua nhờ ngôi sao dẫn đến gặp Chúa. Bạn phải làm gì để trở thành ngôi sao đưa người khác đến với Chúa?
8.Ánh sao đạo đức
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Hôm nay, Ba Vua trên đường tìm đến thờ lạy Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Ba Vua là những người phương xa, không có đạo. Các Ngài tìm đến Chúa theo ánh sáng của ngôi sao lạ. Theo ngôi sao, các Ngài đến được Giêrusalem và được nghe giải nghĩa Thánh Kinh. Theo ngôi sao đưa đường dẫn lối các Ngài đã gặp được Chúa. Ánh sao đã chiếu sáng bầu trời đen tối, giúp các Ngài nhận định được hướng đi. Lời Thánh Kinh là một ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp họ sáng lên niềm tin. Nhưng chính Đức Giêsu mới là ngôi sao mai dẫn họ đi vào một con đường mới, con đường chói ngời ngọn lửa đức mến.
Ngày nay có nhiều người đang tìm kiếm Chúa. Nhiều người muốn biết Chúa để theo Chúa. Nhưng họ không biết đường biết hướng. Cũng như Ba Vua, họ cần có những ánh sao soi đường dẫn lối.
Tìm đâu ra ngôi sao xưa đã soi đường cho Ba Vua? Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một vì sao soi dẫn mọi người đến với Chúa.
Là ngôi sao có nghĩa là phải có ánh sáng. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ mang ánh sáng, phản chiếu ánh sáng nhận tự nơi Thiên Chúa.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng hy vọng. Niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa giúp ta vừng bước trên đường lý tưởng. Niềm hy vọng vào một trời mới đất mới cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng giúp ta đánh gía đúng mức của cải vật chất đời này. Hy vọng là ánh sáng làm tươi đẹp con người và cuộc đời.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng tin yêu. Tin yêu Chúa và tin yêu người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu đẻ tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ, bất hoà. Tin yêu là làn ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi, con người trở nên thân thiện, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng mến.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng công bình, bác ái. Niềm hy vọng, niềm tin yêu được chứng minh bằng đời sống công bình, bác ái. Tin Chúa được biểu lộ qua sự công bình trong đời sống. Yêu Chúa được thể hiện qua tình bác ái với tha nhân.
Tất cả những làn ánh sáng nói trên góp lại thành ánh sáng đạo đức. Đắm chìm vào vật chất sẽ khiến con người rơi vào bóng tối tuyệt vọng, không lối thoát. Nghi ngờ con người sẽ khiến cuộc đời chìm vào bóng tối cô đơn. Thiếu công bình bác ái sẽ phủ lên thế giới mới một bóng tối phi nhân, tàn nhẫn. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới đủ sức phá tan những bóng tối ấy. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới làm cho thế giới thành vui tươi hạnh phúc.
Thế giới đang mong chờ ánh sao dẫn đường. Chúa đang mời gọi chúng ta trở thành một ngôi sao chiếu lên làn ánh sáng đạo đức. Chính qua làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và yêu mến Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con sống xứng đáng là người con của Chúa sự sáng. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn nghĩ gì về cuộc tìm kiếm của Ba Vua? Bạn có kiên trì tìm Chúa như Ba Vua không?
2. Bạn nghĩ gì về bổn phận làm chứng cho Chúa? Bạn có mong ước trở thành ngôi sao dẫn đưa mọi người đến với Chúa không?
3. Đâu là những ánh sáng người Kitô hữu phải có để dẫn người khác tới Chúa? Trong năm mới này, bạn sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa?
9.Gọi tên ngày lễ
(Trích trong ‘VỚI CẢ TÂM TÌNH’ – Trg. 31 – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống)
Trong dịp tĩnh tâm Mùa Vọng ở một giáo xứ, có người bạn trẻ đã nêu lên câu hỏi liên quan đến Thánh Lễ hôm nay: “Tại sao ngày nay Phụng Vụ không sử dụng tên gọi lễ Ba Vua nữa? Phải chăng rốt cuộc chẳng có ông vua nào đến viếng Hang đá cả?”.
Câu hỏi ấy trực tiếp về mặt kiến thức, không khó trả lời; nhưng gián tiếp về mặt tâm linh, lại hé mở cho thấy đức tin hôm nay xem ra đang có nhu cầu tìm hiểu. Đã đành, hiểu chưa phải là tin hay chưa hẳn đã tin, nhưng một phần nào cũng góp phần dẫn tới đức tin cho người chưa tin, đào sâu đức tin cho người đã biết, và cũng quan trọng không kém là củng cố sức mạnh cho những niềm tin đang ở trong tình trạng nhạt nhòa.
Niềm tin là một công trình còn phải dựng xây và là một hành trình còn phải tiếp tục. Trên cơ sở ấy, xin đi vào Thánh Lễ hôm nay.
1) Từ tên gọi “lễ Ba Vua”…
Đây là tên gọi quen dùng đối với tín hữu Việt Nam, để chỉ về việc các Đạo sĩ Đông Phương tìm đến Hang đá viếng Chúa Hài Đồng. Gọi là vua vì họ là những bậc quyền quý đến từ phương Đông theo nhãn giới của bài đọc thứ nhất; và xác định con số ba vì có ba sắc dân được nói đến trong Isaia 60, mà cũng vì lễ vật tiến dâng được liệt kê ba món rành rành là vàng, nhũ hương và mộc dược, như chuyện kể của Phúc Âm. Để rồi cứ thế theo truyền thống, Ba Vua đã trở nên tên gọi cho ngày lễ.
Nhưng điều quan trọng không phải là lo xác định họ là vua hay không phải là vua, họ có ba vị hay có thể có nhiều hơn nữa, mà chính là hãy nhìn họ như hình ảnh sống động của tất cả những ai trong đời đã có một lòng khát khao chân thành tìm kiếm Thiên Chúa khởi đi từ những thiện hảo tốt lành, để rồi với sự trợ giúp của ơn thánh, tới lúc Chúa muốn và bằng muôn ngàn cách thế linh động theo sáng kiến của Ngài, họ sẽ được dẫn tới gặp gỡ Đấng họ nỗ lực tìm kiếm.
Dưới cái tên gọi “lễ Ba Vua”, chính là một thiện chí tìm kiếm đức tin. Nhưng cũng dưới tên gọi ấy, trong bối cảnh của trang Tin Mừng, người ta lại còn thấy cả một đối chứng đau lòng. Trong khi dân ngoại từ xa, dẫu chẳng hề biết đến lời hứa để mà hy vọng, chẳng hề có được giao ước để mà tin tưởng, và cũng chẳng hề được dẫn đường bởi lề luật, nhưng lại chân thành tìm kiếm và sẵn sàng vượt qua những chặng đường gian khổ để mà tìm gặp; thì ngược lại, dân Do Thái ở gần, dẫu có tất cả thuận lợi của một truyền thống dài lâu chờ mong Đấng Cứu Thế, lại không mảy may kiếm tìm, và tệ hại hơn nữa, còn xôn xao về chính việc Chúa đến, không phải vì hối hận về việc mình không sẵn sàng, mà vì lo ngại rằng Chúa đến sẽ đặt dấu chấm hết cho cả một cơ chế họ đã bao đời gầy dựng. Không lạ gì nếu cơ chế ấy đã sản sinh ra những khuôn mặt như Hêrôđê!
Hóa ra, Ba Vua tìm Chúa với lễ vật lòng thành, khi về đã thấy mình là những kẻ tin; còn Hêrôđê tìm Chúa với ác tâm tận diệt, mãi mãi sẽ thấy mình chỉ là một bạo chúa.
2) … Đến tên gọi “lễ Hiển Linh”…
Mặc dù tên gọi “lễ Ba Vua” vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính, nhưng ngày nay Phụng Vụ thích sử dụng tên gọi “lễ Hiển Linh” hơn, chẳng phải vì tên gọi đó nghe kêu hơn hoặc hiểm hóc hơn, cũng chẳng phải để tránh né những câu hỏi không cần thiết về những chi tiết nhiều khi chỉ làm cho ngày lễ thêm rườm rà; mà thật ra là để làm nổi bật lên ý định mầu nhiệm chung nhất của Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh. Đó là: Ngài muốn tỏ mình ra cho tất cả mọi người, mọi thời, bất luận họ là ai và ở đâu, miễn là họ biết chân thành kiếm tìm Ngài.
Nếu “Ba Vua” là tên gọi nói lên thiện chí của con người, thì “Hiển Linh” là danh xưng khẳng định hồng ân của Thiên Chúa. Thiện chí thôi, dẫu rất lớn, vẫn chỉ là khởi điểm; nhưng chính hồng ân Hiển Linh mới là kết điểm mở ra những mùa gặp gỡ. Và tới phiên mình, mỗi lần gặp gỡ tại kết điểm hành trình, lại là một khởi điểm mới cho hành trình tìm kiếm mới, với những thiện chí mới nhằm vươn lên những đỉnh cao mới.
Và gặp gỡ như thế là một cuộc đổi đời. Vì thiện chí luôn tìm kiếm hồng ân, mà cũng vì hồng ân luôn đợi chờ một thiện chí biến đổi cuộc đời. Ba Vua gặp Chúa với cả tâm tình được thể hiện qua những lễ vật tiến dâng, họ đã được soi sáng để theo đường khác mà về nhà. Và ở đó sẽ là những cuộc Hiển Linh mới trong đời sống thường ngày.
Gặp ai thì cũng có thể gỡ ra được, nhưng thiện chí con người một khi đã gặp được Thiên Chúa vốn từ bao giờ đã sẵn tỏ mình ra, thì sẽ không thể gỡ ra được nữa. Người ta thành người nhà của Thiên Chúa, và trong mắt nhìn của Phaolô, người ta dẫu xa cũng hóa gần, dẫu lạ cũng nên quen, dẫu gốc gác thế nào đi nữa “cũng cùng được thừa hưởng gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (bài đọc thứ hai). Hiển Linh chính là tên gọi khác của mầu nhiệm Nhập Thể, của danh xưng Emmanuel và của bốn mùa gặp gỡ.
3) … Để dẫn tới sứ điệp đời sống.
“Lễ Ba Vua” hay “Lễ Hiển Linh”, mỗi tên gọi có những bước nhấn riêng, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một mầu nhiệm gặp gỡ mà Thiên Chúa từ bao thuở đã mở ra cho những kẻ biết kiếm tìm. Thế nên đây không chỉ là một biến cố của ngày đã qua, mà còn là một sứ điệp của ngày hôm nay và cho những ngày sẽ tới. Chúa vẫn tỏ mình, nhưng vấn đề là người ta có thiện chí đến gặp Ngài không.
Hôm qua đã có một nghịch lý là những kẻ đến gặp Chúa đều là những kẻ thành tâm như các mục đồng tại Bêlem, như cụ già Simêon tại Đền Thánh, như những Đạo sĩ hôm nay từ xa đến; còn toàn thể xã hội tôn giáo Do Thái lại hầu như vắng bóng, hay nếu có thì chỉ như một lực cản đáng buồn. Thế đấy! điều tưởng như thuận lợi lại là một cạm bẫy dẫn tới sự thảm bại, còn điều tưởng chừng như bất lợi lại trở nên lợi thế cho việc gặp Chúa. Liệu nghịch lý ấy hôm nay còn có mặt trong đời sống đức tin của cộng đoàn cũng như của mỗi cá nhân?
Trả lời câu hỏi ấy với quyết tâm khởi hành trên con đường mới, thiết tưởng sẽ là một điều tích cực trong Mùa Giáng Sinh. Nhưng điều tích cực hơn của ngày lễ hôm nay không chỉ là sứ điệp hoán cải, mà chính là lời mời gọi mở rộng tấm lòng, mà trân trọng tất cả những người không cùng chia sẻ một niềm tin với mình, bởi lẽ họ cũng có chỗ đứng trong tấm lòng hiển linh của Chúa. Ơn cứu độ là phổ quát. Và nếu nét đặc trưng của lễ Hiển Linh là ánh sao dẫn đường, thì trách nhiệm của những kẻ đã được gặp gỡ Thiên Chúa sẽ không chỉ thu hẹp trong đời sống cá nhân tu thân tích đức, mà còn hướng tới sứ vụ đối với những kẻ lân cận mình. Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc Âm chính là những ánh sao cụ thể soi đường truyền giáo.
Nếu mỗi kẻ tin là ánh sao, con đường gặp gỡ biết bao sáng ngời, và lời tiên báo của tiên tri Isaia sẽ nên hiện thực hiển linh cho đời.
Tóm lại, khởi đi từ cách hiểu về tên gọi của ngày lễ để dẫn tới đời sống đức tin, đó là chủ đích của những điều chia sẻ trên đây. Nhưng từ hiểu biết đến đức tin, khoảng cách vẫn không nhỏ. Chính Phúc Âm hôm nay là một kinh nghiệm. Xin đừng để kinh nghiệm ấy mãi còn là một nghịch lý không thể vượt qua. Nhưng hãy để kinh nghiệm ấy biến thành những kinh nguyện quyết tâm mở sang cuộc sống mới. Và đó chính là cách gọi tên cụ thể một ngày lễ.
10.Niềm tin: một chuyến đi
(Trích trong ‘LÀM NỤ HOA TRẮNG’ – ĐGM Giuse Vũ Duy Thống)
Phúc Âm hôm nay rất sống động. Cứ như cuốn phim mô tả cuộc hành trình đầy kịch tính của những khách lạ phương xa: từ ngạc nhiên khám phá ngôi sao lạ, qua xáo động tại Giêrusalem, tới Bêlem nghiêng mình thờ kính, rồi dắt díu nhau lặng lẽ tìm đường khác về nhà. Cứ như xô đẩy nhau xuất hiện trên màn ảnh những cuộc đối đầu càng lúc càng thêm căng thẳng: giữa chính diện và phản diện, giữa lo sợ của bên này và thanh thản của bên kia, giữa tìm gặp hướng tới và lạc mất nẻo đi. Cứ như í ới cơ man nào là tiếng nhỏ to bàn bạc chen lẫn tiếng ồn ào bàn tán của những kẻ bị xem là xa nhưng lại biết bàn vào và của những người được coi là gần nhưng chỉ biết bàn ra.
Nhưng giữa những chi tiết tưởng như bất ngờ trên hành trình rất dài và rất xa ấy, người ta thấy lấp lánh hình ảnh của niềm tin như một chuyến đi với những đặc tính tiêu biểu:
1) Niềm tin: một chuyến đi biết tiếp nhận hồng ân Thiên Chúa.
Những vai chính trong cuộc hành trình tìm tới Bêlem “triều bái Vua dân Do Thái mới sinh” được truyền thống giới thiệu bằng nhiều kiểu nói khác nhau, lúc thì gọi là Vua, lúc khác là Đạo sĩ hoặc Chiêm tinh gia. Gọi sao cũng được: Vua vì những của lễ tiến dâng, Đạo sĩ vì hành trình tìm kiếm, Chiêm tinh gia vì nhìn thấy ngôi sao và dựa vào ánh sao mà xác định lối đường. Chỉ biết họ là những người thiện chí kiếm tìm chân lý và vận dụng tốt những phương tiện đang có để tìm gặp chân lý bằng cách lên đường không mỏi mệt.
Khởi điểm cuộc hành trình là một ánh sao lạ xuất hiện phía trời Đông, tượng trưng cho ơn thánh dẫn khởi từ Thiên Chúa, để ai biết tiếp nhận, sẽ trở nên ánh sáng soi đường. Nhìn thấy ánh sao hằng hà sa số trên bầu trời đêm là một điều bình thường ai cũng có thể làm được, nhưng nhận thấy giữa muôn vàn lấp lánh ấy chỉ một ánh sao lạ thôi lại là chuyện chẳng bình thường chút nào, nếu không muốn nói là do tổng hợp giữa kiếm tìm và gặp gỡ, hay đúng ra giữa ơn Trời ban và lòng người biết mở ra tiếp nhận.
Tương tự, niềm tin trước hết là hồng ân đến từ tình thương Thiên Chúa dành cho hết mọi người, nhưng chỉ những ai biết tiếp nhận với tâm thành chí thiện, họ mới có thể có được niềm tin vào Chúa để sẵn sàng khăn gói lên đường khởi sự chuyến đi. Ra khỏi nếp nghĩ thường ngày để tiếp nhận ý Chúa, ra khỏi thói quen khô cứng lâu đời do cha ông truyền lại để mạo hiểm một phen bước theo ánh sáng trời cao, ra khỏi những tiện nghi đủ đầy dậm chân tại chỗ để cơm mắm cơm muối gieo bước lữ hành.
2) Niềm tin: một chuyến đi biết chấp nhận những thử thách
Là hồng ân Chúa ban, nhưng đức tin cũng còn là nỗ lực đóng góp không ngơi nghỉ của con người, để vượt qua những thử thách và kinh qua những thử luyện được xem là những thách đố trong chiều dài cuộc sống. Đây không chỉ là chuyện “thức lâu mới biết đêm dài” để con người chứng minh sức bền tin tưởng tháng năm, mà còn là chuyện “lửa thử vàng gian nan thử đức” trong những lúc Thiên Chúa xem ra ẩn mặt và hồng ân xem ra vắng bóng, như lúc “ba Vua toan mất hướng, ánh sao bỗng vụt lặn”. Đấy là chưa kể đến những lúc phải đối diện với âm mưu chủ ý của những người đồng đạo, cũng tin Chúa nhưng không thành tâm, thậm chí còn gài bẫy ngọt ngào giả nhân giả nghĩa như Hêrôđê; hay cũng biết cách quy chiếu Thánh Kinh nhưng không để tìm ra lối sống ngay chính, trái lại, chỉ lợi dụng để toa rập lừa gạt phỉnh phờ người khác như một số thượng tế và kinh sư trong dân.
Đêm Noel Chúa sinh ra đem xuống niềm vui, nhưng thành phố nào đó của Iran chẳng những không có niềm vui mà còn phải chịu động đất làm chết nửa thành phố. Chúa như vắng mặt. Thử thách. Đêm Noel thiên thần hát khúc bình an mà tại Bêlem chính nơi Chúa sinh ra hôm nay vẫn còn chiến tranh, chết chóc. Chúa như vắng mặt. Se lòng.
Thử thách đối với đức tin như gió đối với lửa: gió thổi tắt lửa yếu, nhưng làm bừng lên lửa sáng. Vấn đề là cần biết can đảm và bền chí. Những thử thách trong cuộc sống niềm tin không phải là dấu hiệu Thiên Chúa bỏ rơi con người, mà là những cơ hội để con người chứng minh phẩm chất niềm tin. Niềm tin không thử thách: niềm tin dễ dàng; niềm tin thất bại trước thử thách: niềm tin dễ dãi; niềm tin chấp nhận thử thách mới là niềm tin đích thực cho dẫu nhiều khi chẳng dễ chịu chút nào.
3) Niềm tin: chuyến đi biết đón nhận đồng hành
Không phải vô tình mà lễ Hiển Linh vẫn được truyền thống gọi là lễ Ba Vua, có nơi kể tên các vị đến hàng chục (theo kiểu đồng bằng sông Cửu Long thì còn có cả chục 12, chục 16 cơ đấy), nhưng chừng như hữu ý cho thấy niềm tin không phải là cuộc đơn hành mà là một chuyến đi biết đón nhận đồng hành, không chỉ vì lý do “càng đông càng vui” mà vì giới luật yêu thương là biểu hiện rõ nhất của đức tin cũng là cách cụ thể sống động nhất để diễn đạt đức tin. Con người thời nào cũng thế, không thích bị chinh phục bởi giáo điều nhưng lại tự nguyện buông mình chịu khuất phục vì gương sáng đức tin. Nhớ lại ở Thăng Long thuở hạt giống Tin Mừng mới được gieo vào thửa đất Việt Nam, tín hữu thương nhau quá trời đến nỗi người ngoài đời đã gọi tín hữu là những người theo “Đạo yêu nhau”, tức là những người cùng đi với nhau trên nẻo sáng yêu thương.
“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, tín hữu đồng hành bên nhau còn để nâng đỡ nhau, nhất là trong cơn nguy biến như Ba Vua gặp Chúa tại Hang đá rồi, phải dìu nhau lên con đường khác để tránh âm mưu đen tối của Hêrôđê. Ngoài miệng thì bảo là đi triều bái, còn trong hành động lại làm điều trái, tàn sát thê lương, “giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh”. Con đường khác ấy sẽ mới hơn, lạ hơn và cũng có thể sẽ gặp rủi ro nhiều hơn, nhưng đã có bạn bè thân quen bên cạnh đồng hành, nên cứ an lòng nương tựa vào nhau mà dấn bước.
Giống như Kinh Tin Kính, dẫu tín hữu tuyên xưng mang tính bản thân cá nhân “Tôi tin”, nhưng không là đơn độc một mình giữa nhà thờ trống vắng mà là giữa cộng đoàn Phụng Vụ một ngày lễ trọng, nên bỗng lấp lánh như thể đồng thanh tuyên tín “Chúng tôi tin”. Tôi và chúng ta chỉ là những cách biểu lộ khác nhau của cùng một niềm tin đón nhận đồng hành.
Tóm lại, dựa vào hành trình của những vai chính ngày lễ Hiển Linh để phác vẽ niềm tin như một chuyến đi biết tiếp nhận hồng ân Thiên Chúa, biết chấp nhận thử thách và biết đón nhận đồng hành là cùng lúc tích cực hòa mình vào biến cố Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Nếu Chúa luôn có cách tỏ mình của Ngài thì tín hữu cũng cần lên đường đúng cách Chúa tỏ ra cho mình biết. Như thế niềm tin mới là chuyến đi đẹp lên ý nghĩa kiếm tìm và gặp gỡ. Và đó cũng là những hình ảnh sinh động mang tính hiển linh của kẻ tin trước mắt người đồng thời, giống như hình ảnh của những vai chính trong chuyến đi hôm nay: ở bước truy tìm họ được mệnh danh là Chiêm tinh gia, khi đã bước lên đường họ được gọi là Đạo sĩ và khi tới đích với lễ dâng thành kính họ được xưng tụng là Ba Vua.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam