Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 66
Tổng truy cập: 1356575
CHÚA VỀ TRỜI
CHÚA VỀ TRỜI
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu ở lại với các môn đệ 40 ngày, và trước mặt các môn đệ, Ngài lên trời. Ngài khép lại một cánh cửa để mở ra một chân trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài tạo vật…”
Đoạn Tin Mừng của thánh Maccô thuật lại việc Chúa lên trời quá ngắn gọn, phải được bổ túc bằng tường thuật của thánh Luca trong sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta mới thấy toàn cảnh.
Việc Chúa lên trời là một biến cố có tầm vóc rộng lớn hơn chúng ta tưởng. Ngài lên trời chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa chứ không chỉ là con người. Chính Ngài đã nói với ông Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”.
Các môn đệ trước kia, khi Thầy còn sống giữa họ, mặc dù Phêrô đã tuyên xưng: Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống. Dù ông đã chứng kiến vinh quang của Ngài trên đỉnh núi biến hình, các ông vẫn xem Ngài là Thầy như là một con người. Giờ đây, khi Ngài được cất lên trời, các ông mới biết Ngài là ai, là người Con Một đầy ân sủng và chân lý”.
“Ngài được cất lên”, câu nầy không thể hiểu theo nghĩa thông thường. Thánh sử phải dùng ngôn ngữ thông thường để diễn tả những thực tại thiêng liêng, vì thế chúng ta không thể hiểu theo những hình ảnh thực tế mà phải tìm thấy những gì thánh sử muốn nói. “Ngài được cất lên” nghĩa là Ngài không còn thuộc về thế giới vật chất của chúng ta, Ngài là Thiên Chúa. Ngôn ngữ của chúng ta nghèo nàn không thể diễn tả những gì vượt xa tầm mức của chúng ta.
Các môn đệ nhìn trời, luyến tiếc. Họ cảm thấy mất đi cái gì họ đang nắm trong tay. Thầy vẫn là nơi họ nương tựa, giờ đây không còn ở với họ nữa. Một người thân của chúng ta đi xa và sẽ không trở về, chúng ta cảm thấy thế nào ?
Ngài không lên không trung. Thiên đàng không ở trên không trung. Một áng mây bao phủ lấy Ngài. Áng mây, theo Cựu Ước là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, và chính Chúa đã nói giữa Hội Đồng Do thái: “Rồi đây các ông sẽ thấy Con Người ngự trên áng mây”, nghĩa là các ông sẽ biết tôi là Thiên Chúa. Ngài rời bỏ thế gian, rời bỏ các môn đệ nhưng sẽ hiện diện một cách khác, Ngài “ở trong”. Thân xác hạn chế Ngài, giờ đây, Ngài có thể hiện diện trong mọi người và như thế, Ngài hoạt động hữu hiệu hơn, rộng rãi hơn. Ngài làm việc trong mọi người, trong Giáo Hội Ngài. Ngài cắt tỉa những cành nho của Ngài.
Trước khi ra đi, về với Chúa Cha, Ngài đã cẩn thận báo trước: “Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em, và Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy… Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em sẽ vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha”. Ngài cũng hứa là sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế. Nhưng khi Ngài lên trời, các ông cứ đứng nhìn trời luyến tiếc. Họ vẫn không thể hiểu được rằng Thầy không lìa bỏ họ, mà ngược lại, Ngài sẽ có mặt một cách hữu hiệu hơn, rộng rãi hơn.
Ngài trao cho họ một sứ vụ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Ngài không bảo họ ở lại trong cuộc sống nhàn hạ của mình, chỉ lo cho cuộc sống vật chất, mà phải ra đi. Ra đi là từ bỏ mọi cái gì mình thích, bỏ cả những mơ mộng trần thế: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá và theo Ta”. Lúc Chúa lên trời là lúc chúng ta phải đi ra, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói. Ra đi loan báo những gì Chúa đã làm, loan báo ơn cứu độ, loan báo tình yêu của Chúa. Chúng ta không thể đứng nhìn trời hay trông đợi Ngài khôi phục nước Itraen như các môn đệ đã ước mơ, hay cứ đặt câu hỏi: tại sao. Tại sao có chiến tranh, tại sao sự ác và đau khổ cứ tràn ngập cuộc sống ?
Không có lúc nào thế giới cần Tin Mừng như hôm nay. Khoa học đem lại tiện nghi nhưng không đem lại được bình an. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, chúng ta đang sống trong một nền văn minh của sự chết, hãy xây dựng một nền văn minh của sự sống và của tình thương. Ông Gabriel Marcel đã nói từ lâu: Chúng ta đang sống trong một thế giới đã gãy đổ. Chỉ có Tin Mừng của Chúa mới khôi phục lại sự bình an và giá trị cho con người. Chỉ khi con người biết mình là con Thiên Chúa, con người mới biết yêu thương nhau. Đó là điều chúng ta phải loan báo không ngơi nghỉ.
Loan báo Tin Mừng. Sứ vụ của chúng ta thật lớn lao! Chúng ta có rất nhiều phương tiện và khả năng, nhưng gần như chúng ta không sử dụng một cách chính xác, chúng ta không tận dụng mà bỏ rơi và chúng ta nói rằng tôi không biết làm sao loan báo Tin Mừng. Như thánh Phaolô nói, mỗi người được một ơn gọi khác nhau, nhưng mọi người đếu là một thân thể, hoạt động trong thân thể đó theo hoàn cảnh của mình. Công Đồng Vatican II cũng thối thúc tất cả con cái Giáo Hội đem hết năng lực loan báo kho tàng tình yêu Chúa.
Chúng ta làm được gì? Cầu nguyện. Đó là phương tiện mà mọi người không trừ ai có thể làm và bất cứ lúc nào. Đa số chúng ta quên cầu nguyện cho việc truyền giáo, quên cầu nguyện cho những người đang chờ đợi Tin Mừng. Có ai trong chúng ta đứng giữa đường, nhìn thấy những người đi qua mà cầu nguyện cho họ?
Chúa bảo chúng ta làm chứng cho Ngài. Làm chứng bằng chính bản thân chúng ta, bằng chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hãy sống tốt, và thật tốt để mọi người thấy những việc lành chúng con mà ngợi khen Cha trên trời. Đây cũng là một phương tiện trong tầm tay chúng ta, và là một phương tiện hữu hiệu nhất, hơn cả những bài giảng hùng hồn nhất.
Một phương tiện khác: yêu thương. Đây cũng là một phương tiện mà chúng ta vẫn có sẵn. Ở đâu tình yêu được tỏ hiện thì nơi đó Thiên Chúa được loan báo. Tin Mừng là chính Chúa và Thiên Chúa là Yêu thương. Một người Công giáo và là một triết gia nói: “Từ khi có Chúa Giêsu trên trần gian thì cuộc đời của mỗi tín hữu là một quyển sách Tin Mừng được mở ra”.
Thánh Maccô cũng nói: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Chúng ta làm những gì có thể làm được và chính Chúa hoạt động trong các tâm hồn. và trong mỗi người chúng ta. Có lẽ chúng ta không trừ quỷ, không cầm rắn trong tay, không nói tiếng mới lạ, nhưng chúng ta có thể giúp người khác thấy được Thiên Chúa một cách nào đó mà chúng ta không thể biết.
Ngày hôm nay, Chúa thăng thiên chính là ngày xuất hành của chúng ta. Có lẽ chúng ta sẽ đi trong sa mạc loài người, chúng ta sẽ gặp khó khăn, trở ngại. Nếu chúng ta tin tưởng vào tình thương của Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng không có gì vô ích. Cứ ra đi trong cuộc đời với một khí giới duy nhất là niềm tin. Hãy đứng lên và đi. Chúa đã nói với người bất toại như thế, Ngài cũng bảo chúng ta như thế. Hãy đi, mang trong tâm hồn sự hiện diện vô hình của Chúa, mang kinh nghiệm của chúng ta là sự hiện diện của Lời nhập thể. Lời nhập thể không phải là của chúng ta mà là của những người đang mong đợi Lời đó.
Chúa Giêsu không đòi những gì quá sức chúng ta, Ngài chỉ mong chúng ta bước một bước đầu tiên và Ngài sẽ cầm tay chúng ta giúp chúng ta bước tới. Chúng ta không là một Phaolô vĩ đại, một Phanxicô Saviê hăng say nhưng chúng ta có thể là một tiếng kêu trong sa mạc loài người. Hãy cầu xin cho mọi người anh em chúng ta nhận thấy tiếng gọi ra đi của Chúa để cùng nhau, mọi người đều trở thành một loan báo sống động của Chúa, để ngày nào đó, chúng ta cùng thăng thiên, vì Thầy ở đâu anh em cũng sẽ ở đó với Thầy.
Chúa về trời, nhưng Ngài vẫn còn đây, là tấm bánh hằng sống. Ngài không lệ thuộc vào thời gian, không gian nữa, Ngài đi và vẫn ở lại bằng nhiều cách, và cách rõ rệt nhất là Thánh Thể của Ngài trao ban làm của ăn để giúp chúng ta đủ sức lên đường mỗi ngày. Ăn lấy Tấm Bánh Tình Yêu nầy, chúng ta sẽ thấy vững mạnh hơn, can đảm hơn. Thật kỳ diệu những gì Chúa làm cho chúng ta ! Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta thành những con người nhỏ hèn mà thật lớn lao, là những người được tham gia vào công việc cứu độ của Ngài.
57.Lễ Chúa Thăng Thiên--Lm. Fx Nguyễn Hùng Oánh
CHÚA GIÊSU KITÔ LÊN TRỜI MÀ VẪN Ở DƯỚI ĐẤT?
1- Quan niệm về "trời đất"
a- Theo vũ trụ quan của người Việt nam:
- Trời là một quãng không (impersonnel) ở trên đầu ta đối với đất ta đang đứng đây:
Trên trờì có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng.
Trời quang, mây tạnh, trời u ám, trời nắng, trời mưa.
- Trời là Ông Trời (personnel):
Trời sinh voi, trời sinh cỏ.
Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân. (Kiều, câu 3241)
...
"Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa". (Kiều, câu 3249)
b- Theo Thánh Kinh
Dưới mắt người Do thái, trời là công trình tạo dựng của Thiên Chúa, là một kiến trúc vững chắc có các cột trụ chống giữ (Giop 26,11), có nền móng chắc chắn (2 Sm 22,8), có bể chứa nước, tuyết, băng giá, gió (Giop 38,22; Tv 33,7), có các cửa cống để tuôn các chất đó ra: tháo cống nước làm mưa, tháo cống gió làm gió (Stk 7,11; 2 V 7,2; Mal 3,10).
Trời ở trên, đất ở dưới. Trời là nhà của Thiên Chúa (Is 66,1) và đất là phần Thiên Chúa ban cho loài người (Tv 115, 16). Không ai lên trời được (Gioan 3,13; Cn 30,4; Rm 10,6). Kẻ mơ ước lên trời là người điên (xem Stk 11,4) vì tự xem mình đồng hàng vơi Thiên Chúa (Is 14,13).
2- Chỉ có Chúa Giêsu Kytô đã lên trời vì Ngài từ trời xuống:
"Thầy từ trời mà xuống, không phải làm theo ý Thầy, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Thầy" (Gioan 6,38). Thầy phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến"(nt 8,42).
Và khi Chúa Kytô đã thi hành Thánh Ý Chúa Cha trong mầu nhiệm Vượt qua (chết và sống lại), Ngài trở về với Chúa Cha bằng "con đường thăng thiên":
"Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa" (Marcô 16,19).
" Đang khi chúc lành cho họ, thì Người rời khỏi họ và được đem lên trời" (Luca 24,51)
"Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa "(Công vụ 1,9)
"Thiên Chúa đã biểu dương nơi Đức Kytô, khi làm cho Đức Kytô sống lại từ cõi chết, và đặt ngư bên hữu Người trên trời" (Ephêso 1,20)
"Thiên Chúa ban cho ta một lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kytô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời" (I Phêrô 3,21-22).
Đức Tin dạy chúng ta biết Ngôi Hai Thiên Chúa xuống mặc lấy thân xác người phàm như chúng ta ngoại trư tội lỗi, gọi là Đức Chúa Giêsu Kytô. Vậy Chúa Giêsu Kytô là Thiên Chúa thật và là người thật. Là Thiên Chúa Ngôi Hai, Ngài ở khắp mọi nơi bằng bản tính và Ngôi Vị nên không thể nói Ngài "lên trời hoặc xuống trần gian ". Nhưng Ngài mặc lấy xác phàm của chúng ta, như vậy khi sống như con người thì phải hoạt động trong Thân xác có giới hạn trong phạm vi của nó trên bình diện tự nhiên. Khi sống lại, vào trong vinh quang (siêu nhiên), than xác Chúa biến đổi hợp với tính siêu nhiên, nhưng vẫn là thân xác loài người, có những hạn chế, giới hạn. Chúa Kytô lên trời tức là thân xác của Ngài lên trời nghĩa là được đưa lên trời, được vinh thăng trong Nươc Trơi, Ngài làm chủ, làm vua trời đất muôn loài, muôn vật. Và khi Ngài hiện ra, không có nghĩa là Ngài từ trời xuống, nhưng là Ngài ban ơn đặc biệt để các Tông đồ thấy con người của Ngài, nghe tiếng Ngài nói như cũ.
Hiểu như trẻ thơ thế nầy: Chúa sống lại, hiện ra cho các Tông đồ thấy rồi biến đi, trốn vào một nơi bí mật, rồi lại hiện ra. Cứ thế trong vòng bốn mươi ngày, sau đó Chúa mới lên trời. Thật ra, khi sống lại, thân xác Chúa đã ơ cõi siêu nhiên, cõi trời rồi và Ngài hiện ra tức là Ngài ban ơn cho người ta thấy,nghe Ngài nói. Đến ngày thứ bốn mươi, Chúa hiện ra lần chót bằng một "cử chỉ lên trời" đề cho các Tông đồ biết Ngài không còn hiện ra như thế nữa.
Nhưng sự kiện Chúa thăng thiên có một tầm rất quan trọng nên thánh Phaolô đã nói rất mạnh: "Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải Người đã xuống tận các vùng sâu thẩm dưới mặt đất. Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi từng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn"(Eph 4,9-10). Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. Người đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã công khai bêu xấu chúng, đã điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người" (Col 2,14-15). Bản văn nhấn mạnh đến cuộc "đảo chính" (truất phế) vì một nhóm người xem Chúa Kytô ngang hàng với thiên thần nên phải "truất phế, bêu xấu, trói tay" điệu chúng đi trong đám rước chiến thắng của Chúa Kytô.
Về phần tín hữu của Chúa Kytô, vì Chúa lên trời mở đầu cho việc Chúa trở lại trong vinh quang giữa hàng thần thánh, ban ơn cứ độ viên mãn (xác sống lại trong vinh quang), đây là thời gian "trời đất giao hòa" vì Chúa lên trời mà còn ỡ trần gian. Ngay từ bây giờ, dầu chúng ta còn sống trên cõi trần, "Chúa Kytô đã cho chúng ta được cùng sống lại với Người và cùng ngự trị với Người trên cõi trời"(Eph 2, 6), "cũng như chúng ta dã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì nay chúng ta đang mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến (1 Cor 1,49). Tín hữu giống như người thiên quốc, "không thuộc thế gian nhưng không được cất khỏi thế gian" (Ga 17,15-16) và phải hoàn thành sứ mệnh Chúa trao phó trước khi Chúa lên trời nên rất cần sự hiện diện của Chúa tức là Chúâ ở lại cùng Hội Thánh cho đến tận thế. Công đồng Vatcan II đã dạy như thế nầy: Chúa Kytô hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy lễ, không những trong con người của thừa tác viên, vì " như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục", nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể. Người hiện diện thiết thực trong các Bí tích nhờ quyền năng của Người; vì thế, ai rửa tội thì chính là Chúa Kytô rửa. Người hiện diện thiết thực trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh. Sau hết, Người hiện diện khi Hội Thánh cầu nguyện và hát Thánh vịnh, như chính Người đã hứa: "Ở đâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20) (Hiến chế Phụng vụ, số 7).
58.Suy niệm của JKN
Những lời cuối cùng của Đức Giêsu trước khi Người lên trời
Câu hỏi gợi ý:
1. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã trăn trối lại những gì cho chúng ta, là những môn đệ của Ngài? Chúng ta có quan tâm thực hiện những điều ấy không? thực hiện thế nào?
2. Những dấu lạ - mà Đức Giêsu hứa sẽ đi theo những kẻ có lòng tin - có ứng nghiệm với chúng ta không? Nếu không thì tại vì Ngài hứa “cuội» hay vì chúng ta chưa có đức tin đích thực? Đức tin đích thực là gì? Ta đã có chưa?
3. Là người đang rao giảng Tin Mừng, ta đã có đức tin thật sự chưa, hay mới chỉ là thứ đức tin được tuyên xưng chứ chưa được sống? Có những “dấu lạ» đi kèm theo lời ta rao giảng để những ai nghe ta dễ tin tưởng không?
Suy tư gợi ý:
1. Lời trăn trối cuối cùng
Trước khi từ giã các môn đệ để về trời và để hiện hữu một cách khác bên cạnh các ông, Đức Giêsu đã trăn trối nhiều điều. Những lời trăn trối quan trọng nhất là những lời Ngài nói ra trong bữa tiệc ly trước khi ra đi chịu tử nạn và ngay trước khi về trời. - Những trăn trối trong bữa tiệc ly nói lên tinh thần mà môn đệ của Ngài phải có: chủ yếu là yêu thương nhau (Ga 13), tin và hợp tác với Thánh Thần (Ga 14; 16), liên kết chặt chẽ với Ngài (Ga 15), hiệp nhất với nhau (Ga 17), mong đợi Ngài trở lại (Ga 16).
- Còn lời trăn trối ngay trước khi Ngài về trời nói lên việc mà các môn đệ Ngài phải làm là “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo» để tiếp tục sự nghiệp mà Ngài đã khởi sự. Đó cũng chính là công việc phúc âm hóa và tái phúc âm hóa, để mọi người không chỉ biết Tin Mừng mà còn thật sự sống tinh thần Tin Mừng nữa.
Về lời trăn trối sau, rất nhiều Kitô hữu chỉ hiểu một cách nông cạn, là chỉ nghĩ tới việc rao giảng cho người ta biết Thiên Chúa, biết Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu, và dừng lại tại đấy! Nhưng thử hỏi nếu chỉ biết thôi thì ích lợi gì? Chẳng hạn biết rõ sự cần thiết và ích lợi của thức ăn, hay biết rõ mình cần phải ăn gì để mạnh khỏe mà lại không chịu ăn, thì sự biết rõ ấy có ích lợi gì? Nếu biết mà không sống điều mình biết, không đem nó ra áp dụng thì chẳng những vô ích mà còn phải chịu trách nhiệm về cái biết ấy nữa. Vì kẻ nhận 1 nén bạc thì chỉ phải làm lợi thành 1 nén khác thôi, nhưng kẻ nhận 5 nén thì có trách nhiệm làm lợi thành những 5 nén khác kia! (x. Mt 25,14-30; Lc 19,12-27).
Vì vậy, biết Tin Mừng mà không chịu sống Tin Mừng là tự làm cho mình bị kết án nặng hơn. Cũng vậy, rao giảng cho người ta biết Tin Mừng mà không giúp người ta sống Tin Mừng thì chỉ làm cho người ta bị kết án nặng hơn chứ chẳng đem lại lợi ích gì cho họ. “Đức tin chết» hay “đức tin không có việc làm» (Gc 2,17.26) đâu thể đem lại ơn cứu độ? Cũng như có đo mà không đem ra dùng thì đồ ấy có ích lợi gì? hoặc cho người ta đồ mà không chỉ cho người ta cách sử dụng thì coi chừng kẻo làm hại người ta? Việc rao giảng Tin Mừng cần phải đi xa hơn một chút là giúp người ta sống Tin Mưng, như thế sẽ làm lợi cho họ vô cùng. Như vậy, điều quan trọng là chính chúng ta phải sống tinh thần Tin Mừng và làm cho mọi người cũng sống tinh thần Tin Mừng. Biết và sống Tin Mừng, hoặc làm cho người ta biết và sống Tin Mừng, hai thứ ấy phải đi đôi với nhau mới không có hại mà sinh ích lợi vô cùng cho mình và cho người. Nên đã biết Tin Mừng hoặc giúp ai về mặt Tin Mừng thì hãy biết hoặc giúp “tới nơi tới chốn», với tinh thần trách nhiem. Đừng “đánh trống bỏ dùi», “đem con bỏ chợ», tức giúp nửa vời, rất tai hại!
2. Những dấu lạ đi theo những ai có lòng tin
Theo lời của Đức Giêsu thì những kẻ có lòng tin đích thực - tức tin và sống điều mình tin - sẽ có được những dấu lạ theo mình: “Họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ đươc mạnh khoẻ». Đó là những điều mà tôi nghĩ rằng thời nào cũng đều ứng nghiệm, không chỉ là thời các tông đồ. Và những điều này trước tiên được ứng nghiệm ngay nơi bản thân những người tin rồi sau đó mới ứng nghiệm ra bên ngoài, tức với người khác hay với ngoại cảnh. Tuy nhiên, lời Ngài nói cần phải hiểu theo nghĩa tâm linh, chứ không nên hiểu theo nghĩa đen: tôi không tin rằng bất kỳ người mạnh tin nào cũng đều có thể uống thuốc độc mà không chết, hay bị rắn cắn mà không sao! Vì thế, những dấu lạ nói trên cần được hiểu như sau:
- “trừ được quỉ»: quỉ tượng trưng cho thế lực của sự ác. Người thật sự tin vào Thiên Chúa - là nguồn sức mạnh của mình - co thể thắng được những thế lực của sự ác hay của tội lỗi ngay trong bản thân mình. Cụ thể là thắng được những cám dỗ, những tư tưởng xấu, những khuynh hướng xấu, v.v… Nếu đức tin của họ mạnh hơn nữa, họ có thể giúp nhưng người yếu tin cũng thắng được thế lực ác giống như họ.
- “nói được những tiếng mới lạ»: người có đức tin đích thực và sống nhuần nhuyễn đức tin ấy sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa và Đức Giêsu, tức chứng ngộ được chân lý nơi bản thân mình. Nhờ đó họ có thể tự diễn đạt đức tin của mình theo đủ mọi phương thức khác nhau, chứ không dùng những kiểu nói sáo mòn, trống rỗng, thiếu chất sống. Họ luôn luôn dùng những cach diễn tả mới lạ, phù hợp với thời đại, với trình độ của người nghe, giúp người nghe cũng cảm nghiệm được thực tế đức tin như họ. Họ như một y sĩ đã nắm thật vững cốt yếu của y lý nên biết tùy bệnh mà tự mình cho thuốc thật hữu hiệu, phù hợp với từng căn bệnh. Họ không sao y những bài thuốc có sẵn của người khác để áp dụng chữa bệnh một cách máy móc giống như những y sĩ chưa nắm vững y lý. Hay như một thầy giáo đã tiêu hóa that kỹ môn mình dạy nên chỉ cần nói tất cả những gì đang có sẵn trong bụng không phải lệ thuộc một bài bản nào cả. Họ có thể nói một cách sáng tạo theo đủ kiểu đủ cách mới lạ để học sinh dễ hiểu mà vẫn luôn luôn chính xác, chứ không nô lệ vào những giáo trình mẫu do người khác soạn sẵn.
- “cầm được rắn trong tay»: người có đức tin đích thực ắt nhiên có tâm hồn an bình và đầy tràn tình yêu. Họ coi mọi người - dù xấu ác hay ghét họ, muốn làm hại họ - như anh em ruột thịt và sẵn sàng hy sinh cho những người ấy. Vì thế, họ có thể tiếp cận và sống chung cả với những người xấu ác mà không hề bị hại, vì những người nguy hiểm này vẫn luôn cảm nghiệm đươc tình thương của họ dành cho mình: không ai lại muốn hại người đang yêu thương mình.
- “dù có uống nhằm thuốc độc cũng chẳng sao»: tất cả những nghịch cảnh, những đau khổ trong cuộc đời không thể làm mất được sự bình an và hạnh phúc của những người có đức tin thật sự. Với đức tin, họ biết rằng tất cả những đau khổ hay nghịch cảnh Chúa gửi tới đều là những hồng ân do tình thương của Ngài. Họ tin rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người» (Rm 8,28) và “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta» (8,18). Vì thế, họ rất vui khi đau khổ hay nghịch cảnh xảy tới, nên đau khổ hay nghịch cảnh cỡ nào cũng không hề làm hại được họ.
- “nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ»: Ngoài ra người có đức tin đích thực còn có sức cảm hóa và giúp những người xấu ác - là người bị bệnh về tâm linh - trở về đường ngay nẻo chính. Họ có khả năng nâng đỡ và thêm sức mạnh cho những người yếu đuối tinh thần. Ai gần họ cũng cảm thấy mình bình an hạnh phúc hơn, tin vững mạnh vào Thiên Chúa, vào chính bản thân và tương lai mình hơn.
3. “Có Chúa cùng hoạt động» với người rao giảng Tin Mừng
Bài Tin Mừng kết thúc bằng một câu thật tuyệt vời, làm an lòng tất cả những ai đang rao truyền Tin Mừng: “Các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng». Điều quan trọng nhất để việc loan báo Tin Mừng trở nên hữu hiệu - nghĩa là không chỉ giúp người ta biết Tin Mừng, mà còn làm cho họ sống Tin Mừng nữa - đó là “có Chúa cùng hoạt động với họ». Nhưng làm sao để có Chúa ở cùng? - Họ chỉ có Chúa ở cùng khi họ thường xuyên ý thức sự hiện diện của Ngài, và luôn gắn bó với Ngài bằng tình yêu chân thành có khả năng thúc đẩy họ hy sinh, dấn thân thật sự. Nhờ đó, họ có “những dấu lạ kèm theo» xác nhận những gì họ rao giảng là chân lý. Dấu lạ quan trọng và căn bản nhất - có khả năng thuyết phục những người nghe họ - chính là họ đã thật sự sống được những điều họ rao giảng. Nhờ sống điều mình nói mà lời họ nói trở nên sống động, mạnh mẽ, đầy sức hấp dẫn, khiến người nghe luôn “tâm phục khẩu phục», đồng thời cảm nghiệm được sự hiện diện cụ thể của Thiên Chúa ở nơi họ. Ước gì mọi người loan báo Tin Mừng đều luôn “có Chúa cùng hoạt động» như vậy!
Cầu nguyện
Lạy Cha, xin cho con biết sống đức tin của mình một cách thực tế và sống động. Vì quả thật rất nhiều khi con tuyên xưng đức tin của mình hết sức mạnh mẽ trước mặt mọi người, nhưng đời sống con lại chứng tỏ con chẳng tin bao nhiêu! Thế mà con lại rao giảng thật hùng hon về đức tin ấy khiến người nghe con cảm thấy những lời con nói chỉ là những sáo ngữ, những lời giả dối, không thể tin nổi. Xin Cha giúp con thật sự sống những điều con tin, và rao giảng những điều con sống.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam