Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 48
Tổng truy cập: 1363988
CHỨNG NHÂN BẰNG SỐNG HIỆP NHẤT YÊU THƯƠNG
CHỨNG NHÂN BẰNG SỐNG HIỆP NHẤT YÊU THƯƠNG
(Suy niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
Thế giới ngày hôm qua cũng như hôm nay luôn ngưỡng mộ những chứng nhân cho tình yêu. Một Têrêsa thành Calcutta nhỏ bé nhưng có một trái tim lớn lao đã làm cho cả thế giới kính phục. Ở Việt Nam, người công giáo hay không công giáo họ vẫn nói với nhau về một vị giám mục dám bỏ ngai tòa để đến ở cùng những người cùi tại trại cùi Di linh. Đó chính là Đức Giám mục Cassien. Ngài đã dùng tình yêu để xoa dịu những những đau đớn cho người cùng khổ. Ngài đã chết cho tình yêu, nên tình yêu của Ngài mãi ở lại nơi dương thế qua mọi thời đại.
Hôm nay ngày khánh nhật truyền giáo, thiết tưởng là dịp thuận lợi để chúng ta nhìn lại tinh thần chứng nhân tin mừng của giáo hội sơ khai. Một giáo hội non trẻ nhưng có sức mạnh biến đổi trần gian. Một giáo hội bị cấm đoán nhưng vẫn lan tỏa đến tận cùng thế giới. Một giáo hội nhỏ bé nhưng ai cũng có tinh thần truyền giáo, khiến thánh Phaolô đã từng nói rằng: "Tôi trồng, Apolo tưới, Thiên Chúa mới cho mọc lên". Vậy đâu là điểm son để giáo hội có thể vượt qua mọi trở ngại để phát triển và canh tân bộ mặt trái đất? Thưa đó chính là tinh thần hiệp nhất yêu thương.
Theo sách tông đồ công vụ, thời giáo hội sơ khai, các tín hữu "sống hiệp nhất với nhau, và để mọi sự là của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu" (Tđcv 2, 44). Họ hợp nhất với nhau không chỉ về niềm tin mà còn hiệp nhất trong tình liên đới chia sẻ của cải vật chất cho nhau. Sự liên đới này tạo nên một cộng đoàn bác ái yêu thương, trong đó mỗi người đều được cộng đồng quan tâm, nâng đỡ và chia sẻ cho nhau tùy theo nhu cầu của từng người.
Chính đời sống yêu mến nhau nơi các tín hữu mà Giáo hội sơ khai đã được toàn dân thương mến. Sự thương mến đó đã đem nhiều người về với Chúa. Sự thương mến đó cũng là nơi bảo vệ các tín hữu khỏi những cuộc tàn sát của bạo chúa hung tàn. Vâng, nếu ngày xưa cộng đoàn Giáo hội sơ khai đã được "toàn dân thương mến" (Tđcv 2,47a), thì đời sống của xứ đạo chúng ta hôm nay, cũng phải là một cộng đoàn được những người chung quanh nhìn bằng ánh mắt trìu mến thân thương. Đó cũng là cách chúng ta ca tụng Chúa và giúp cho "càng ngày càng có nhiều người gia nhập Giáo hội" (Tđcv 2, 47b).
Thế nên, tinh thần truyền giáo mời gọi chúng ta hỗ trợ nhau không chỉ về tinh thần mà còn cả về vật chất, không chỉ là những người có đạo mà còn cả những người lương dân. Đồng thời sự chia sẻ này cũng nói lên sự xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét trong cộng đoàn để đón nhận nhau trong tinh thần bác ái huynh đệ. Lấy "dĩ hòa vi quý" để sống hài hòa, nâng đỡ đùm bọc lẫn nhau tạo nên một cộng đoàn chan hòa yêu thương, bác ái, chia sẻ, cảm thông. Đó cũng là dấu chỉ cho thấy chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu, là chứng nhân của Tin mừng giữa lòng dân tộc Việt Nam.
Vì chưng, giới luật quan trọng nhất của Kitô giáo chính là Mến Chúa - yêu người, thì người người Kitô hữu chúng ta phải thể hiện điều đó qua từng lời nói, từng việc làm, luôn được cân nhắc cho vừa ý trời và phù hợp với luân thường đạo lý làm người. Vì vậy, một đời sống chứng nhân Tin mừng cũng phải thể hiện bằng một đời sống hòa hợp với cộng đồng, với tha nhân. Nhất là biết thể hiện sự tương thân tương ái nơi cộng đồng giáo xứ, sự hiệp nhất yêu thương trong tình huynh đệ với tha nhân, nhờ đó mà Tin mừng mới nở hoa trên từng môi trường sống của người tín hữu. Chúng ta không thể là một người Kitô hữu tốt mà lại đối xử thật tồi tệ với anh chị em chung quanh. Lối sống này không chỉ là lỗi luật Chúa mà còn là cớ vấp phạm cho những người chưa biết Chúa. Nhà lãnh tụ Ganhi của An Độ đã từng nói: "Nếu những người Kitô giáo sống đúng tinh thần giáo lý của họ. Tôi sẽ mời gọi cả dân tộc Ấn trở lại". Chúng ta không thể truyền giáo mà còn mang nặng tính bè phái, tỵ hiềm, chia rẽ. Lối sống này đã không thu góp về cho giáo hội những tín đồ mới mà còn đẩy biết bao người ra khỏi giáo hội bởi lối sống ích kỷ, độc đoán của chúng ta. Thực tế đã có rất nhiều những cộng đoàn, những xứ đạo đổ vỡ vì sự bè phái đã phá đổ tình hiệp nhất yêu thương. Đã có rất nhiều người bỏ đạo, chối đạo vì sự bất khoan dung của chúng ta đã đẩy họ ra khỏi Giáo hội, khỏi cộng đoàn. Và cũng có rất nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm của anh em lương dân nhìn đến chúng ta, chỉ vì chúng ta sống thiếu công bình, thiếu lòng bác ái, thiếu lòng bao dung.
Thế nên mỗi người tín hữu phải biết sống tinh thần truyền giáo khởi đi từ lòng mến Chúa, yêu người nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta mến Chúa nên chúng ta hăng say truyền giáo. Chúng ta yêu mến tha nhân nên chúng ta muốn chia sẻ niềm vui với tha nhân. Tình yêu mến mời gọi chúng ta đi đến với tha nhân bằng một tình yêu chân thành, không khoe khoang, không giả dối. Tình yêu mến mời gọi chúng ta dấn thân một cách quảng đại để đem tình yêu Chúa nối kết tình người, đưa con người đến cùng Thiên Chúa và giúp con người xích lại gần nhau.
Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đã từ trời xuống để gieo tin mừng yêu thương vào cho nhân thế, nâng đỡ và giúp chúng ta sống ơn gọi truyền giáo bằng một tình yêu mến nồng nàn. Ước gì đời sống chúng ta cũng trở thành một lời chứng sống động cho tin mừng khi chúng ta dám sống triệt để theo những đòi hỏi của tin mừng là mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Amen.
34.Cầu nguyện cho việc truyền giáo
(Suy niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
Có người nói với tôi: “Thưa cha gia đình ông B sống trong giáo xứ bao nhiêu năm mà chẳng chịu theo đạo?” Tôi hỏi lại: “Bạn đã bao giờ cầu nguyện cho ông B đó theo đạo chưa? Nếu không làm gì mà họ theo đạo mình cũng khó phải không?”. Cũng có người nói: “anh C đó hay đi chơi với chúng con mà chẳng thấy theo đạo?”. Tôi nói: “Chúng con có ai cầu nguyện cho anh C theo đạo chưa mới là vấn đề?”.
Thực vậy, việc truyền giáo không dựa theo khả năng của chúng ta mà dựa vào sức mạnh của quyền năng Thiên Chúa. Chúa Giê-su khi sai 72 môn đệ ra đi thì Ngài đã nhắc các ông việc làm đầu tiên là cầu nguyện : “các con hãy cầu nguyện xin chủ ruộng sai thợ đến gặt”. Chúa muốn nhắc chúng ta việc truyền giáo không thể dựa vào sức mình mà phải dựa vào quyền năng của Chúa. Thế nên phải cầu nguyện để ơn Chúa tác động, lôi kéo, còn chúng ta chỉ là khí cụ nhỏ bé trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà thôi.
Vậy cầu nguyện là gì?
Cầu nguyện theo thánh Augstinô là thưa chuyện với Chúa, như một người con hiếu thảo thưa chuyện với cha mẹ, hoặc như hai người bạn chân tình tâm sự với nhau.
Và cầu nguyện như thế nào?
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện trong kiên trì và tín thác. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những ai kêu cầu Người, nhất là những người thấp hèn, bé nhỏ, miễn là biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa.
Bà goá mà Phúc âm nhắc tới là một phụ nữ nghèo và “thấp cổ bé miệng”, bà ta chẳng hy vọng được xét theo lẽ công bằng. Nhưng bà có khí giới là sự kiên trì. Sự kiên trì đã đánh gục tính kiêu ngạo của ông quan, trời chẳng sợ, người chẳng nể, thế mà phải nhượng bộ xử tốt cho bà.
Việc truyền giáo cũng phải khởi đi từ lời cầu nguyện của mọi thành phần dân Chúa. Cầu nguyện trong kiên trì để Chúa sẽ làm những điều tốt nhất cho giáo hội của Chúa.
Mỗi năm chúng ta tổ chức ngày khánh nhật truyền giáo rất linh đình nhưng thử hỏi con số theo đạo được bao nhiêu? Chúng ta tự hào có một lực lượng rất đông tông đồ giáo dân nhiệt thành thăm viếng, tặng quà cho anh chị em lương dân, nhưng thử hỏi được mấy người đã nhờ những cuộc thăm viếng phát quà của chúng ta mà họ theo đạo? Chúng ta tự hào là Đạo chúng ta là đạo yêu thương, nhưng thử lắng nghe lương dân họ nói gì về người có đạo? Người có đạo vẫn sống thiếu tình yêu, vẫn sống lỗi công bằng và bác ái? Nơi xứ đạo vẫn còn nhiều tệ nạn xì ke ma tuý, băng nhóm “Đức ma tuý” hay “Huy cần sa” mà không ai dám ý kiến chỉ làm ngơ cho cái xấu lộng hành? Nơi xứ đạo vẫn còn tụ điểm cờ bạc, cá độ làm sao có thể thu hút người ngoại theo đạo? . . .
Thế nên, chúng ta cần phải nhắc lại với nhau rằng việc truyền giáo không dựa trên con người mà là dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Các tông đồ năm xưa từng cầu nguyện và khi tràn đầy Chúa Thánh Thần họ mới ra đi loan báo Tin mừng. Các ngài đã ra đi dưới bóng của Chúa Thánh Thần nên đã mang lại mùa xuân cứu độ trải rộng khắp mọi nơi trên địa cầu.
Thiết tưởng việc truyền giáo phải khởi đi bằng một cuộc hiệu triệu cho toàn thể tín hữu về bổn phận cầu nguyện trong việc truyền giáo. Cầu nguyện không chỉ cho có nhiều nhà truyền giáo để đến với lương dân. Cầu nguyện một cách cụ thể cho ông A, anh B mà mình quen biết được ơn trở về với Chúa. Cầu nguyện kèm theo những dịp thăm viếng chia sẻ bác ái sẽ làm cho muôn dân cảm mến Thiên Chúa và khao khát tìm kiếm Ngài. Đó mới là cách chúng ta đang biến mình làm khí cụ của Chúa để mang tin mừng đến cho mọi nơi. Chúng ta đừng nói “tại sao anh A không theo đạo?”, mà phải nói: “tại sao tôi không cầu nguyện cho anh A, người bạn thân của tôi được gặp Chúa?”. Đó mới là cách thức truyền giáo hữu hiệu nhất.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức việc truyền giáo và sống tinh thần truyền giáo trong lời cầu nguyện và đời sống chứng nhân hằng ngày của mình. Amen.
35.Cách thức truyền giáo – Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Hôm nay ngày khánh nhật truyền giáo, chúng ta nghe âm vang lời mời gọi của Chúa vẫn còn vang vọng tới hôm nay: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo". Chúa không nói riêng một ai. Chúa mời gọi tất cả. Chúa không đòi hỏi khả năng, bằng cấp, học vị mà chỉ cần có nhiệt huyết làm tông đồ cho Chúa. Chúa cũng không đòi hỏi người truyền giáo phải hiểu biết tín lý thần học sâu xa, hay luân lý uyên thâm, Chúa chỉ cần có lòng quảng đại dấn thân mở mang nước Chúa. Chúa đã sai 72 môn đệ ra đi với đôi bàn tay trắng, thế mà khi trở về ai cũng vui mừng vì thành quả họ đã đạt được. Chúa đã thưởng công cho mỗi người như nhau, không phân biệt người đến sớm, kẻ đến muộn, người đạo gốc hay mới theo đạo. Từ người thợ giờ thứ 9 cho tới giờ thứ 11 đều được ân thưởng theo lòng nhân từ của Chúa.
Vậy đâu là cách thức truyền giáo hữu hiệu nhất cho người tông đồ của Chúa?
Thánh Gioan Tông đồ đã viết: "Ngôi lời đã hoá thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta". Chúa Giêsu là Lời hằng sống gieo vào thế gian, nhưng Lời đã mang lấy xác phàm giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngôi Lời đã trở thành nguồn ơn cứu độ để những ai tiếp xúc với Ngài đều có thể nhận lãnh được sự sống dồi dào cả tinh thần lẫn thể xác. Ngôi Lời đã mặc lấy thân phận con người, để có thể gần gũi, cảm thông và chia sẻ với những khổ đau của con người. Cuộc sống của Ngài đã trở thành trở thành lẽ sống cho con người, "Sống để yêu thương", và Ngài đã đi trọn con đường tình yêu là "dám chết cho người mình yêu". Vì vậy, cách thức duy nhất mà Chúa trối lại cho chúng ta là "anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Lời Chúa và giáo huấn của Chúa phải trở thành cung cách sống của người tín hữu. Một đời sống bác ái yêu thương mới thực sự là phương thế hữu hiệu nhất để giới thiệu về Chúa cho tha nhân. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Mang danh Kitô hữu và sống đời Kitô hữu phải nên một trong con người có đạo mới thực sự trở thành chứng nhân cho Chúa.
Vì vậy, Truyền giáo không thể chỉ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện là xong bổn phận chứng nhân cho Chúa. Nếu như thế mới chỉ là hành vi trả lại công bằng cho Chúa, vì việc tạ ơn là hành vi đền đáp lại ân ban của Thiên Chúa dành cho con người. Truyền giáo không phải là việc tuân giữ các giới răn của Chúa. Nếu như thế mới là giữ đạo chứ chưa truyền đao. Truyền giáo không phải là nói thật hay, thuyết trình thật hùng hồn là có thể đem nhiều người về với Chúa. Nếu như thế mới chỉ là tiếp thị chứ chưa mang đạo vào đời như muối như men ướp mặn trần gian.
Trong thông điệp "khánh nhật truyền giáo 2006", Đức Thánh Cha Bênedictô 16 đã viết: "Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi Lòng mến, nếu không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng đó liền bị rút gọn về chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn không kém. Tình yêu mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, kết thành trung tâm của kinh nghiệm sống và loan báo Phúc Âm".
Như vậy, Đức Thánh Cha đã tái khẳng định cách thức mà Chúa Giêsu muốn chúng ta đi đó là thực hành bác ái. Không có lòng mến thì không thể trở thành nhân chứng cho niềm tin của mình. Yêu Chúa luôn đi liền với yêu mến tha nhân. Và thánh Phaolô còn quả quyết "Lòng mến chính là sợi giây ràng buộc chúng ta nên một với Đức Kitô".
Hôm nay nhân ngày khánh nhật truyền giáo, chúng ta hãy rà xét lại lòng mến của chúng ta đã trở nên dấu chỉ của người Kitô hữu hay chưa? Ngày xưa cộng đoàn tín hữu tiên khởi họ đã sống thật hiệp nhất với nhau, ngày ngày họ đến hội đường để nghe các tông đồ rao giảng. Họ chia sẻ đời sống hằng ngày với nhau, để không ai phải thiếu thốn. Họ được toàn dân thương mến và ngày càng có thêm nhiều người gia nhập Giáo Hội. Ước gì cộng đoàn xứ đạo chúng ta cũng được những người chung quanh nhìn bằng ánh mắt trìu mến, đầy thiện cảm và tôn trọng, và ngày càng có những người muốn sống đời Kitô hữu như chúng ta. Amen.
36.Nối bước các thừa sai – Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Trong tông huấn Ecclesia in Asia, Đức Cố Gioan Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi: "Thiên niên kỷ thứ nhất truyền giáo cho Châu Âu. Thiên niên kỷ thứ hai truyền giáo cho Châu Mỹ. Thiên niên kỷ thứ ba phải truyền giáo cho Á Châu ".
Cách riêng với Giáo Hội việt Nam năm 2003 mừng 470 năm Tin Mừng được rao giảng trên quê hương đất nước chúng ta, các Đức Giám mục Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, công bố thư mục vụ mang tựa đề "Sứ Mạng Loan báo TinMừng Của Hội Thánh Việt Nam Hôm Nay" đã khẳng định: "Đầu thiên niên kỷ mới, sứ mạng loan báo Tin mừng được đặc biệt trao vào tay chúng ta. Chúng ta hãy tiếp bước các vị thừa sai đầy nhiệt tình tông đồ, hãy phát huy truyền thống kiên cường của các bậc tiền nhân anh hùng tử đạo. Ta hãy đáp lại kỳ vọng của Hội thánh đem Tin mừng cho anh em trên lục địa mênh mông này. Và đặc biệt đem Tin mừng cho anh chị em sống ngay trên quê hương Việt nam". (Thư chung 2003)
Hơn nữa, Giáo hội Việt Nam ngày nay là con cháu của 117 vị thánh Tử Đạo và của hàng chục ngàn người Việt Nam đã chết vì đạo. Nhưng gần 5 thế kỷ trôi qua, Giáo hội Việt Nam xem ra vẫn còn bé nhỏ giữa lòng dân tộc Việt nam. Theo thống kê năm 2006 thì Giáo hội việt nam có 26 Giáo Phận, gồm khoảng 7 triệu giáo dân, trên tổng số hơn 80 triệu người Việt Nam, chiếm tỉ lệ 6,62%.
Là người con của dân tộc Việt Nam, là dòng máu các anh hùng Tử đạo Việt Nam chúng ta cần phải có bổn phận loan báo Tin mừng cho chính quê hương, dân tộc của mình. Đạo làm người dạy chúng ta phải "thương người như thể thương thân", thì đạo làm con Chúa đòi hỏi chúng ta chia sẻ tất cả những gì mình có cho tha nhân, cho đồng loại. Các thánh Tông Đồ, các vị Thừa Sai đã đem niềm vui lớn nhất là Tin mừng Chúa Giêsu được công bố cho toàn thế giới. Các Ngài đã không quản ngại hy sinh tính mạng để đổi lấy niềm vui ơn cứu độ được trao ban tới muôn triệu tâm hồn. "Từng đoàn người vượt suối băng rừng. Từng đoàn người ra khơi giữa biển rộng sóng lớn. Biết bao người bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm. Biết bao người bỏ xác ngoài biển khơi. Nhưng lớp này nằm xuống, lớp khác đứng lên nối tiếp nhau đem Tin mừng đến tận cùng thế giới". (Thư chung 2003)
Nhờ các vị thừa sai tràn đầy nhiệt huyết, quê hương Việt Nam đã được đón nhận Tin mừng. Nhờ đời sống đức tin anh dũng của các bậc tiền nhân mà thế hệ chúng ta được thừa hưởng một gia tài đức tin vô cùng quý giá. Gia sản này chúng ta không có quyền lưu giữ cho riêng mình, nhưng phải có bỗn phận chia sẻ cho con người thời đại hôm nay. Chúa Giêsu sau khi phục sinh, Ngài đã uỷ thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo tin mừng khi Ngài nói: "Anh em hãy đi tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin mừng" (Mc 16,15). Lệnh truyền này đã trở thành sứ mạng chính yếu của Hội Thánh Chúa Kitô. Hội thánh hiện hữu là để loan báo Tin mừng và làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin mừng trở nên môn đệ Chúa Kitô, đồng thời quy tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác khắp nơi về một mối (Ga 10,52). Thế nên, là người công dân của Nước Trời, chúng ta phản có bỗn phận chu toàn sứ vụ đó cho anh chị em chung quanh chúng ta, cụ thề là cho chình đồng bào và dân tộc Việt Nam.
Vậy, truyền giáo là gì?
Theo công đồng Vat II: "Việc truyền giáo là tất cả những công tác đặc biệt qua đó các nhà rao giảng Phúc âm được Giáo hội sai đi khắp thế gian, thi hành nhiệm vụ rao giảng Phúc âm và vun trồng Giáo hội nơi các dân tộc cũng như giữa những nhóm người chưa tin vào Chúa". (TG 6c)
Trước đó, cha Pierre Charles cũng cho rằng: "mục tiêu truyền giáo không phải là cứu rỗi các linh hồn", hoặc "làm cho dân ngoại trở về với Chúa"...; song là "mở rộng biên cương Giáo hội hữu hình, nhằm hoàn tất tiến trình lớn lên, hầu bao phủ toàn thế giới với lời cầu nguyện và việc phụng tự, tức là để mang cho Đấng Cứu Thế toàn bộ gia sản của Ngài".
Như vậy, việc truyền giáo là "đưa Thiên Chúa đến với con người và đưa con người trở về với Thiên Chúa". Đó chính là mục tiêu chính của việc truyền giáo và cũng là sứ mạng cấp bách của Giáo hội Chúa Kitô. Vì Giáo hội được hình thành để tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng sang lập Giáo hội. Khi hoàn tất sứ mạng của mình ở trần gian, Chúa Giêsu đã sai phái các tông đồ tiếp tục sứ mạng đó cho đến tận cùng trái đất. "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sia anh em" (Ga 20, 21". "Anh em hãy làm chứng cho Thầy khởi đầu từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất" (Lc 24, 47)
Vì vậy, là người công giáo chúng ta phải có bổn phận mang Tin mừng của Chúa đến cho anh em minh. Hãy tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô đưa muôn người đang còn tản mác khắp nơi về với Chúa. Hãy tiếp nối truyền thống của các Thừa sai Việt Nam mang Tin mừng đến cho những anh em nghèo đói, đến những phận người bị bỏ rơi.. Hãy tiếp nối tinh thần quả cảm hy sinh, kiên cường của các tiền nhân mà mạnh dạn làm chứng cho Chúa, cho dù có bị thua thiệt trước mặt người đời, cho dù có bị hiểu lầm, ngược đãi... nhưng cùng chịu chết với Đức Kitô là một mối lợi mà không có một gia sản nào trên trần gian có thể sánh bằng.
Nguyện xin Chúa Giêsu là người thợ lành nghề được sai đến trần gian để gặt lúa của Người, xin giúp chúng con biết dấn thân quảng đại vào cánh đồng truyền giáo Việt Nam hôm nay. Amen.
37.Bài giảng của ĐTGM. Phaolô Bùi Văn Đọc
1. Giáo Hội tự bản chất có sứ vụ truyền giáo (x. AG,2). Chúa Giêsu Phục Sinh, khi hiện ra với các Tông đồ, đã trao sứ vụ của Người lại cho Giáo hội: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em” (Ga 20,21). “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hay nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).
Chúa Giêsu đã trao sứ vụ truyền giáo lại cho chúng ta, và Người cũng đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, không trừ một ai, cho mọi thành viên của Giáo hội, mọi người đã chịu Phép Rửa và trở thành môn đệ của Chúa.
2. Có lẽ một số đông người Công giáo Việt Nam chưa hiểu mình có sứ mạng truyền giáo, chưa xác tín về sứ mạng, chưa đón nhận sứ mạng từ nơi Chúa. Dịp Đại hội Truyền giáo của Giáo phận Sài Gòn hôm nay, chúng ta hãy nhắc lại cho nhau lệnh truyền của Chúa:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16).
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền dạy cho anh em” (Mt 28,19-20).
“Chúa Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thư ba, từ cõi chết sống lại và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân. Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24,46-48).
3. Cả bốn sách Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa của việc truyền giáo, thấy nội dung sứ vụ mà Chúa Giêsu trao cho Giáo hội.
Trước hết, truyền giáo là loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã làm. Ngài không những đã hăng say loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người Ngài gặp gỡ, mà còn hy sinh mạng sống để làm chứng cho tình yêu đó. Hơn thế nữa, Ngài mạc khải tình yêu đó, nhập thể tình yêu đó nơi chính bản thân mình. Ngài là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa. Nơi Ngài tình yêu đó đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Vì thế sứ điệp Tin Mừng Nước Thiên Chúa trở thành Tin Mừng Phục Sinh, Niềm Hy vọng cho toàn thể nhân loại.
4. Truyền giáo còn bao gồm việc thiết lập và xây dựng Giáo hội, bắt đầu bằng việc gầy dựng những cộng đoàn các môn đệ của Chúa. Rồi mạnh dạn thúc đẩy các cộng đoàn ấy “làm chứng cho Chúa” hoặc bằng lời nói, hay bằng những việc lành, bằng chính đời sống huynh đệ, đời sống bác ái yêu thương, như lời Chúa dạy: “Cứ dấu này, người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).
5. Dĩ nhiên cách truyền giáo trong thế giới hôm nay không thể nào rập khuôn với những cách làm của cha ông, vì sứ vụ của chúng ta là đưa Tin Mừng của Chúa vào các môi trường khác nhau của xã hội hôm nay. Có những môi trường rất khó thâm nhập, mặc dù chính những nơi ấy rất cần những hạt giống Tin Mừng, như môi trường giáo dục, môi trường y tế, môi trường kinh doanh, môi trường xã hội đen, môi trường của những con người khốn khổ…, cả môi trường chính trị nữa.
Chúng ta không truyền giáo bằng cách áp đặt, cưỡng chế những người khác theo chúng ta. Chúng ta cũng không mua chuộc bằng tiền của, hay bằng quyền lợi, bằng những hứa hẹn. Chúng ta cũng không dụ dỗ, như người ta dụ dỗ vị thành niên.
6. Truyền giáo hôm nay phải là giới thiệu, là trình bày, là minh họa, là thuyết phục. Chúng ta giới thiệu Chúa Giêsu cho những người chúng ta gặp. Chúng ta đừng sơ: sự nhút nhát của chúng ta có hậu quả rất lớn. Nhiều người mất cơ hội để biết Chúa. Hãy mạnh dạn như anh em Tin Lành. Họ ít khi bỏ lỡ cơ hội để nói về Chúa.
Một thống kê khá chính xác ở Trung Quốc cho thấy một sự khác biệt quá lớn giữa sự dấn thân truyền giáo của anh em Tin Lành và người Công Giáo: năm 1815, cách đây gần 200 năm, số người công giáo ở Trung Quốc là 215.000 người, số người Tin lành chỉ có 20 người. Hơn 10.000 người Công giáo mới có 1 người Tin Lành. Nhưng thống kê năm 2006 cho biết ở Trung Quốc có 12 triệu người Công giáo, và có tới 36 triệu người Tin Lành, có nghĩa là 3 người Tin Lành mới có 1 người Công giáo.
7. Hãy dùng mọi phương tiện lành mạnh chúng ta có được để loan báo Tin Mừng, phần còn lại Chúa Thánh Thần sẽ bổ túc cho, vì Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chính của việc truyền giáo. Ngài sẽ làm những việc lớn lao mà chúng ta không ngờ, miễn là chúng ta tự nguyện trở nên khí cụ trong tay Ngài. Chính Chúa Giêsu, khi hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ đã nói về sứ mạng làm chứng của Chúa Thánh Thần: “Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Cha. Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầyngay từ đầu” (Ga 15, 26-27).
8. Chúng ta chỉ có thể cùng với Chúa Thánh Thần làm chứng cho Chúa Giêsu, khi chúng ta có “ở với Người”, gần gũi với Người, mặc dù chúng ta không thấy Người. Chính vì thế mà đời sống cầu nguyện rất cần thiết để chúng ta có thể loan báo Tin Mừng. Tất cả chúng ta đều là những con người yếu đuối tội lỗi, hãy cầu nguyện cách khiêm nhường như người thu thuế (Publicano) trong Tin Mừng Luca hôm nay, chắc chắn Thiên Chúa sẽ nhậm lời chúng ta, vì như sách Huấn Ca viết: “Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các từng mây” (Hc 35,16).
Hãy làm sao để có thể nói được ít nhất là một phần nào như Phaolô: “Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàntất, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4,17).
(Bài Giảng Thánh Lễ Đại Hội Truyền Giáo - tại Trung Tâm Mục vụ Sài Gòn)
38.Chúa sai tôi đi - ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường. Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng. Đó là thành phần ưu tuyển. Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ. Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng. Đó là một đám đông không xác định. Đó là tất cả mọi người giáo dân. Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.
Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào? Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng. Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa. Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa. Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa. Ta phải mau mắn để khỏi lở mất cơ hội.
Thứ đến ta phải cầu nguyện. Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gươngThánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín. Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.
Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo. Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình. Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất. Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.
Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người. Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.
Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân. Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo. Mọi người đều có thể cầu nguyện. Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa. Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác
Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.
Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có thấy việc truyền giáo là cấp thiết không?
2. Theo ý bạn, muốn truyền giáo thành công trong vùng này, người tông đồ cần có những đức tính nào?
3. Bạn có bao giờ cầu nguyện cho việc truyền giáo, cho người làm việc truyền giáo, cho những người chưa biết Chúa ở chung quanh bạn không?
Bạn đã bao giờ tham gia vào việc truyền giáo trong Giáo xứ, trong Giáo phận chưa?
39.Bài suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
HÃY THẢ LƯỚI BÊN PHẢI THUYỀN (Lc 5,1-11)
Các Tông đồ đã đánh cá vất vả suốt đêm mà không được con cá nào. Nay Chúa Giêsu bảo các ngài phải ra khơi một lần nữa. Chắc các ngài phải ngần ngại lắm. Ngần ngại vì vừa qua một đêm vất vả, thân thể mỏi nhừ vì suốt đêm phải vật lộn với biển cả, với sóng gió, với chài lưới. Ngần ngại vì đang buồn ngủ. Mắt chĩu nặng vì suốt đêm không ngủ, đang cần một giấc ngủ để hồi phục sinh lực. Ngần ngại vì vừa bị thất bại ê chề, đã mất hết ý chí phấn đấu. Thế nhưng các ngài vẫn vâng lời Chúa, ra khơi, thả lưới. Và kết quả thật là bất ngờ. Lưới đầy cá chất đầy hai thuyền đến gần chìm.
Qua bài Tin Mừng này Chúa muốn dạy tôi những bài học về việc truyền giáo.
Bài học thứ nhất: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi vất vả. Phải lao động đêm ngày. Như các Tông đồ đã chài lưới suốt đêm thâu trong sương đêm giá lạnh, trong sóng gió biển khơi, trong vất vả cực nhọc. Suốt đêm đã lênh đênh trên biển cả, sáng sớm vừa mới về tới đất liền, tưởng được nghỉ ngơi, không ngờ lại phải ra khơi ngay tức khắc. Ra khơi cả lúc đang mệt mỏi cần nghỉ ngơi. Người muốn truyền giáo cũng phải noi gương các tông đồ. Làm việc không nghỉ. Phải đầu tư sức lực và trí tuệ. Phải phấn đấu không ngừng. Làm cho hết việc chứ không làm cho hết giờ. Và phải chấp nhận tất cả những mỏi mệt, những thử thách.
Bài học thứ hai: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi kiên trì. Vì việc truyền giáo có nhiều thất bại hơn thành công, có nhiều mệt nhọc hơn vui thích, nên việc truyền giáo đòi hỏi rất nhiều kiên trì. Kiên trì khi đã gặp thất bại. Kiên trì khi đã chán nản, mệt mỏi rã rời. Kiên trì khi gặp những trắc trở. Như lời thánh Phaolô khuyên dạy: “Hãy rao giảng Lời Chúa. Hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tim 4,2). Các Tông đồ thật kiên trì, mặc dù đã thất bại sau suốt một đêm vất vả, các ngài vẫn tiếp tục ra khơi theo lệnh Chúa truyền. Trong quá khứ, ta đã gặp nhiều thất bại trong việc truyền giáo. Hôm nay Chúa lại mời gọi ta hãy ra khơi, hãy lên đường truyền giáo. Ta hãy mau mắn đáp lời Chúa mời gọi, kiên nhẫn làm việc trên cánh đồng truyền giáo, bất chấp mọi thất bại, bất chấp mọi chán nản.
Bài học thứ ba: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi thanh luyện bản thân. Truyền giáo là công việc thánh thiện nên người truyền giáo phải thánh thiện. Sự thánh thiện khởi đi từ nhận thức thân phận yếu hèn tội lỗi. Và từ đó nảy sinh nhu cầu được thanh luyện. Như Phêrô cảm thấy mình tội lỗi không xứng đáng ở gần Chúa. Như Phaolô ngã ngựa cảm thấy mình lầm lạc. Như Isaia cảm thấy môi miệng mình ô uế. Sau khi được thanh luyện các ngài đã trở thành những nhà truyền giáo gương mẫu. Thánh hoá bản thân là một điều kiện quan trọng để truyền giáo thành công.
Bài học thứ tư: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi lắng nghe Lời Chúa. Vì truyền giáo là một công việc thiêng liêng. Nên ta không thể cậy dựa vào sức lực phàm nhân, phương tiện phàm trần. Các tông đồ là những ngư phủ chuyên nghiệp. Các ngài biết rõ biển hồ Galilê như lòng bàn tay. Thế mà các ngài đánh cá suốt đêm chẳng được con nào. Đó là bài học dạy ta biết rằng, nếu cậy dựa vào tài sức riêng, việc truyền giáo sẽ không có kết quả. Việc các tông đồ vâng lời Chúa ra khơi và vâng lời Chúa thả lưới bên phải mạn thuyền cho ta thấy một thái độ khiêm nhường lắng nghe. Dù Chúa Giêsu không phải là ngư phủ chính gốc. Dù Chúa Giêsu không hiểu biết biển hồ, nhưng các ngài vẫn vâng lời Chúa. Chính nhờ thế, các ngài đã thành công. Người làm việc truyền giáo phải noi gương các tông đồ biết khiêm nhường nhận biết sự bé nhỏ nghèo hèn của bản thân để thao thức lắng nghe Lời Chúa. Chỉ làm theo Lời Chúa, làm theo ý Chúa, làm vì Chúa việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.
Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta một nghị lực mạnh mẽ để sẵn sàng chấp nhận những vất vả khổ cực trong việc truyền giáo. Xin cho chúng ta biết chấp nhận cả những thất bại mà vẫn kiên trì lên đường truyền giáo. Và nhất là xin cho mọi người chúng ta được Chúa dạy bảo, để biết làm theo ý Chúa. Chỉ có như thế, việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.
Lạy Chúa Giêsu, xin kêu gọi chúng con lên đường truyền giáo. Lạy Chúa Giêsu, xin thanh luyện chúng con để xứng đáng làm việc truyền giáo. Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết cách làm việc truyền giáo. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Truyền giáo là lẽ sống của Hội Thánh, bạn có ý thức điều này không?
2. Muốn truyền giáo phải có những điều kiện nào?
3. Bạn đã bao giờ bắt tay vào việc truyền giáo chưa?
4. Năm nay bạn đã quyết tâm làm gì để đóng góp vào việc truyền giáo?
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam