Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 67

Tổng truy cập: 1356539

CHỨNG NHÂN CỦA ĐỨC KITÔ

CHỨNG NHÂN CỦA ĐỨC KITÔ

 

(Suy niệm của AM Trần Bình An)

Từ hơn 500 năm trước, ngôn sứ Dacaria đã tiên báo Chúa Giêsu sẽ chia tay các môn đệ tại núi Ôliu. “Ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Ôliu, đối diện với Giêrusalem về phía đông.” (Dcr 14,4). Điều đó đã được sách Công Vụ Tông Đồ xác nhận ngay trong phần mở đầu. (Cv 1, 12)

Mặt khác, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu bắt đầu diễn ra tại vườn Giệtsimani, dưới chân núi Ôliu. Nay Chúa thăng thiên trên núi Ôliu, phản ảnh sự liên tục đầy ý nghĩa, cũng như sự liên kết chặt chẽ giữa đất và trời qua trung gian Chúa Giêsu.

Kinh ngạc trước cảnh tượng Chúa Thăng Thiên vinh hiển và huy hoàng, các tông đồ cứ mãi ngẩn ngơ dõi theo, đến nỗi hai thiên sứ hiện đến nhắc nhủ: Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông thấy Người lên trời. (Cv 1, 11)

Bây giờ, chúng ta cũng chẳng khác các ngài, cũng hay chỉ đơn giản nhìn lên trời, mà than thở, kêu van, kinh kệ, hay ao ước, mong vào cõi phúc vĩnh cửu. Làm như sống đạo chỉ biết đến duy nhất hai chữ “Xin Cho”, y như bắt chước nếp sống thế gian, khi long đong lận đận, chỉ biết xin xỏ lòng hảo tâm.

Tuy nhiên, điểm nổi bật trong bài Tin Mừng theo thánh sử Máccô hôm nay, chính là lời dặn dò cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi Người lên trời. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án.” (Mc 16, 15)

Sách Công Vụ Tông Đồ còn nhấn mạnh hơn nữa: “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8)

Như thế, tuy hai câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu được hai sách thánh ghi lại, không hoàn toàn giống nhau về mặt chữ nghĩa, nhưng lại cùng chung một nội dung truyền giáo, một lời trăn trối, hay đúng hơn là một mệnh lệnh.

Mệnh lệnh truyền giáo đó được thực hiện cụ thể qua hai hành động: Loan báo Tin Mừng và làm Chứng Nhân của Chúa Kitô. Tuy hai, mà lại kết hợp mật thiết làm một, như hai mặt của một đồng tiền. Dẫu vậy, thường chúng ta lại chỉ quen chọn và ưu ái một việc, là thích rao giảng hơn làm chứng nhân.

Trước đây, Chúa Giêsu đã nêu tấm gương sáng, ngôn hành hiệp nhất, qua ba năm giảng dạy và cuộc khổ nạn đau đớn, để minh chứng công khai tính khả thi trọn vẹn của mệnh lệnh đó.

Riêng vai trò chứng nhân được Chúa nhắn nhủ nhiều lần. “Chính anh em là muối cho đời…Chính anh em là ánh sáng cho đời…Ánh sáng của anh em phải chiểu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh  em, Đấng ngự trên trời.”(Mt 5, 13-16) (Mc 9, 50)( Lc 14, 34-35)

Cảm nghiệm về vai trò chứng nhân, ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ:”Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên miệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai…Tóm lại, là một người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa Kitô.”( ĐHV, số 292)

Lạy Chúa Kitô, xin cho con biết nhiệt thành đón nhận sứ mệnh Đi Gieo Tin Mừng, mặc dù gian nan, thử thách và hiểm nguy.

Lạy Mẹ Mân Côi, xin giúp sức con can đảm, trở thành chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, giữa xã hội xô bồ đầy mâu thuẫn, đang mải mê chạy theo tà thần và phù vân. Amen.

 

9.Sống mầu nhiệm Chúa lên trời

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

Mùa Phục Sinh theo niên lịch Phụng vụ sắp kết thúc. Hội Thánh dẫn đoàn con đến với mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên. Dĩ nhiên là Kitô hữu trưởng thành, hẳn chúng ta không còn ngây ngô nhìn lên khoảng không gian trên trời để tìm xem nơi Chúa đã về. Chúa về trời nghĩa là Chúa lấy lại vinh quang của một Thiên Chúa có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Điều này được Thánh Kinh trình bày khi nói Chúa Kitô về trời ngự bên hữu Chúa Cha (x. Eph.1,20-21). Và chúng ta có thể nói rằng mầu nhiệm Chúa về trời như là một trong những điểm tới của nhiệm cục cứu độ.

1. Mầu nhiệm Chúa về trời khẳng định “thần tính” của Đấng vào đời: Không ai có thể lên trời nếu người đó không từ trời mà xuống (x.Ga 3,13). Đấng từ trên cao xuống là Đấng vượt trên muôn vật muôn loài. Khi tuyên xưng Đức Kitô về trời chúng ta không chỉ tuyên xưng một biến cố mà là tin nhận một quá trình. Đó là “ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phil 2,6-11).

2. Mầu nhiệm Chúa về trời là nền tảng cho niềm hy vọng của con người: Chúa Kitô bỏ vinh quang danh dự của mình khi vào đời để rồi sau đó lấy lại thì có liên quan gì đến loài người chúng ta cũng như mọi loài thụ tạo? Xin thưa rằng có. Khi về trời, ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang bất diệt thì trong Chúa Kitô đã có tất cả những gì là thuộc nhân tính, thuộc thế trần. Bởi vì những gì thuộc thế trần, thuộc nhân tính đã được Đức Kitô tiếp nhận khi vào trần gian. Chính vì thế, từ đây mọi sự mọi loài, đặc biệt loài người chúng ta có thể đi vào cõi vinh quang vĩnh hằng chính là nhờ, với và trong Đức Kitô. Cái hữu hạn từ đây có thể trở nên thường tồn. Sự chóng qua từ đây có thể trở nên bất diệt. Và điều này đáp ứng nỗi khát mong muôn thưở của con người đó là được sống mãi. Niềm hy vọng của con người về sự trường sinh đã được mở ra với mầu nhiệm Chúa Kitô lên trời. Đức Giáo hoàng Lêô Cả khẳng định rằng khi mừng mầu nhiệm Chúa lên trời là “chúng ta đang tưởng niệm và long trọng cử hành ngày bản tính yếu hèn của chúng ta nơi Đức Kitô được đưa lên cao hơn các đạo binh trên trời, hơn tất cả các phẩm thiên thần, hơn tất cả các quyền thần, để cùng hiển trị với Chúa Cha” (Bài đọc 2 giờ Kinh Sách Thứ Năm tuần VI mùa Phục Sinh).

3. Mầu nhiệm Chúa về trời mời gọi, đúng hơn là thúc bách ta rao truyền tin vui: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,17-20). “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15) Tin nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, đồng thời tin nhận Người đã đưa các thực tại trần thế vào vinh quang Thiên Chúa với mầu nhiệm Thăng Thiên, không chỉ củng cố niềm hy vọng của chúng ta mà còn thúc bách ta rao giảng Tin Mừng. Nội hàm chủ yếu của Tin Mừng chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân trần mãi đồng hành với nhân loại mọi nơi, mọi thời. Thiên Chúa đã cắm lều giữa trần gian là ở mãi với nhân loại. Người mãi đồng hành với chúng ta, đặc biệt bằng Thánh Thần Người ban tặng, bằng Lời của Người đã trao ban, bằng các Bí tích, bằng Hội Thánh Người đã thiết lập…

4. Mầu nhiệm Chúa về trời đòi hỏi chúng ta làm cho cuộc đời hữu hạn này trở nên thường tồn. “Hởi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?…” (Cvtđ 1,11). Ái mộ những sự trên trời không có nghĩa là ái mộ những sự gì đó trên cao xanh mà là ái mộ những sự vĩnh hằng, những sự không thể bị kẻ trộm lấy mất hay mối mọt làm hư hoại (x. Mt 6,20). Lòng ái mộ này thúc bách ta không ngừng tìm cách vĩnh cửu hóa các thực tại chóng qua. Mọi sự, dù là bình thường hay tầm thường đều có thể trở thành phi thường trong tình yêu của Đấng Cứu Độ dành cho nhân trần. Tình yêu ấy có thể hiện rõ qua Lời Chúa, qua các Bí tích, qua Hội Thánh. Nhưng tình yêu ấy cũng có thể bàng bạc khắp mọi nơi bằng quyền năng của Thánh Thần, Đấng luôn luôn tự do như “gió muốn thổi đâu thì thổi” (x.Ga 3,8). Cùng với Thánh Thần, Hội Thánh không ngừng làm cho Nước Trời trị đến mọi lúc, mọi nơi, trong mọi thực tại của kiếp người: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, giải trí, truyền thông…

Chính nhờ, với và trong tình yêu của Đức Kitô thì các thực tại trần gian trở thành vĩnh cửu. Đây là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu hướng tha. Và Chúa Kitô đã cụ thể hóa tình yêu ấy bằng sự hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại (x.Ga 15,13). Yêu thương mà tự nguyện nhỏ mình đi, ẩn mình đi, tự hủy mình đi để cho người mình yêu được sống, sống dồi dào, được triển nở và tinh tuyền thì đúng là yêu thương cách hoàn toàn vị tha, chỉ vì người mình yêu. “ Thầy ra đi thì có lợi cho anh em …” (Ga 16,8). Có thể nói Chúa Kitô đã khởi đầu sự ra đi ấy với việc bỏ trời xuống làm người, với hiến tế thập giá và kết thúc bằng mầu nhiệm về trời.

Ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa (x.1Ga 4,7-21). Ai ở trong Thiên Chúa là ở trong Nước Trời. Tuy nhiên, tình yêu ở đây phải là tình yêu một cách nào đó như Chúa Kitô yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34-35). Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã thực thi điều này. Dù ở trong đan viện, kín cổng cao tường, chị đã làm cho những việc bé nhỏ, bình thường, và cả tầm thường như quét nhà, giặt giũ…trở nên phi thường bất diệt bằng chính con tim tràn đầy tình mến của chị. Nước trời không ở đâu xa. Nước trời đang ở giữa chúng ta. Chính vì thế, ta có thể nói rằng đừng tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời ở một cõi nào đó trên cao, nhiều khi khiến chúng ta đâm ra ảo tưởng, xa rời thực tế, bỏ bê bổn phận, nhưng hãy làm cho hạnh phúc thành hiện thực ngay ở đây, lúc này.

 

10.Liên kết trong Chúa

(Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường)

Mấy tuần qua Phúc âm nhắc đi nhắc lại lời Đức Kitô mời gọi hãy ở lại trong tình yêu của Ngài. Liên kết với Đức Kitô để qua Đức Kitô, Kitô hữu được liên kết với Chúa Cha. Đức Kitô về cùng Chúa Cha, thường được biết đến như là lễ mừng Đức Kitô về trời. Dù Đức Kitô về cùng Chúa Cha, tình liên kết Chúa dành cho Kitô hữu không gặp bất cứ ngăn trở nào. Kitô hữu vẫn có thể liên kết với Đức Kitô qua tình yêu Ngài. Điều này không có chi lạ bởi chính tình yêu Chúa liên kết Kitô hữu nên một. Đức Kitô ở trần gian hay về cùng Chúa Cha, tình yêu Chúa dành cho nhân loại không thay đổi. Liên kết trong tình yêu Chúa để được trổ sinh hoa trái, không phải hoa trái thường, mà là hoa trái có phẩm chất đặc biệt, cùng phẩm chất hoa trái khi Ngài còn ở trần thế bởi hoa trái đó trổ sinh nhờ vào tình yêu Đức kitô.

Thứ hai, liên kết với Đức Kitô để mối giây liên kết liên tục đón nhận ân sủng Chúa, tránh cô đơn khi gặp nguy khó. Ai cũng có người thân và bạn thân, tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp người thân đó bó tay, dù ước ao, mong muốn nhưng không đủ khả năng giúp đỡ, hoàn cảnh không cho phép. Đức Kitô Phục Sinh là Đấng duy nhất có khả năng vượt mọi rào cản, cấm đoán hay hàng rào hạn chế bởi Ngài không bị ảnh hưởng bởi điều kiện không gian và thời gian. Vì thế liên kết với Đức Kitô sẽ luôn nhận được ơn Chúa dù trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, Ngài cũng hiện diện, kề bên, cùng dìu ta đi.

Thứ ba, liên kết với Đức Kitô sẽ nhận được ơn can đảm và sức mạnh nội tâm để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Chính Đức Kitô đã trải qua cảm nghiệm cô đơn, môn đệ sợ hãi bỏ chạy, một mình Ngài đối diện với thập giá. Giờ phút kinh hoàng cuối đời của Ngài là giây phút cô đơn. Nó thể hiện trong câu nói 'linh hồn Thầy lo buồn đến nỗi chết'. Nó thể hiện trong lời than: không thể cùng thức với Thầy được một giờ sao? Thức để làm chi? Thức để liên kết với Chúa trong cầu nguyện; liên kết với Chúa để tránh được cơn cám dỗ. Sa ngã vì thiếu kiên tâm cầu nguyện, vì tự tin vào khả năng riêng mình, vì đời sống cầu nguyện nghèo nàn. Môn đệ vì mệt mỏi, nửa tỉnh, nửa mê và đã bỏ chạy khi Thầy bị bắt. Dẫu thế tình yêu Chúa dành cho các ông không thay đổi.

Thứ tư, liên kết với Đức Kitô để cảm nghiệm Đức Kitô luôn giữ trọn lời thề. Lời Ngài hứa chắc chắn sẽ được thực hiện cách tốt đẹp, hoàn hảo. Đức Kitô hứa, Ngài sẽ thực hiện. Làm sao, thời gian nào do Ngài quyết định.

Thứ năm, mục đích cuối cùng và là mục đích chính và là việc cao cả của việc liên kết. Bởi liên kết với Đức Kitô sẽ được liên kết với Chúa Cha. Liên kết một cách vững bền cùng mối liên kết Đức Kitô dành cho Chúa Cha. Điều này được thực hiện bởi nhờ Đức Kitô liên kết với Chúa Cha trong mọi sự. Vì thế qua Đức Kitô mà Kitô hữu được kết liên với Chúa Cha. Chúng ta biết điều này qua lời cầu của Đức Kitô. Đức Kitô cầu xin Chúa Cha liên kết Kitô hữu trong Ngài để tất cả được nên một trong Chúa.

Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, đệ họ nên một như chúng ta. (Ga. 17,11)

Thứ sáu, liên kết cùng Đức Kitô sẽ vượt thắng, tránh được hãm hại của ác thần bởi chính Chúa Cha ban ơn bảo vệ giúp Kitô hữu chống lại ác thần. Ác thần ghét Kitô hữu vì Kitô hữu sống nơi trần thế nhưng không thuộc về trần thế, lòng luôn hướng về quê thật là nước trời. Vì không thuộc về chúng nên chúng tìm cách ám hại. Sa đoạ, hay sa chước cám dỗ bởi đời sống cầu nguyện nghèo nàn, bởi liên kết với Chúa một cách hời hợi, mở cửa cho ác thần lợi dụng, hãm hại.

Cuối cùng liên kết cùng Đức Kitô để cuối cuộc lữ hành trần thế cũng sẽ được liên kết, chung sống trong nhà Chúa. Đức Kitô đi trước mở đường chuẩn bị đón nhận Kitô hữu vào trong nhà Chúa. Kitô hữu được thánh hiến trong sự thật để trở thành chứng nhân đích thực, sống động trong Đức Kitô, loan bố Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô, Người hiến thân chịu khổ hình chết, ban sự sống trường sinh cho nhân loại. Vì thế châm ngôn của Kitô hữu tóm gọn trong thánh lễ với lời Chúc tụng:

Chính nhờ Người với Người và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời.

 

home Mục lục Lưu trữ