Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 70
Tổng truy cập: 1357240
Chứng Từ Hy Vọng
Cập nhật : 27-05-2011 |
CHỨNG TỪ HI VỌNG
Ga 14:15-21 Như Hạ, OP Hơn lúc nào thế giới cần đến niềm hi vọng. Nhưng ai có thể đem lại niềm hi vọng cho nhân loại ? Câu trả lời sẽ được tìm thấy trong lời Chúa hôm nay. TẠI SAO HI VỌNG ? Giữa những bấp bênh của cuộc sống hôm nay, con người trải qua nhiều nỗi thất vọng khác nhau. Càng thất vọng, con người càng không tìm được lẽ sống và không biết bám víu vào đâu. Hôm nay, Ðức Giêsu mạc khải lẽ sống chính là sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm hồn tín hữu. Ðó là câu "trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của anh em." (1 Pr 3:15) Rất huyền nhiệm và rất xác thực ! Thật vậy, sở dĩ thế gian đầy dẫy những con người thất vọng vì không có con đường giải thoát. Khắp nơi tràn ngập những gian trá, lừa đảo. Thế gian: gian là thế ! Chính vì thế, "Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người." (Ga 14:17) Thế gian sống trong ảo vọng. Không thể tìm thấy niềm hi vọng trong những mớ ảo vọng đó. Trái lại, niềm hi vọng của người Kitô hữu vững chắc như chính Thần Khí sự thật. Niềm hi vọng đó vô cùng lớn lao, "vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em." (Ga 14:17) Người luôn hiện diện giữa cộng đoàn và trong tâm hồn các tín hữu để bảo vệ họ khỏi nanh vuốt Satan là cha mọi sự dối trá. Bè lũ chúng đang âm mưu kéo sập các cộng đoàn Dân Chúa và cô lập hóa các Kitô hữu. Nhưng Ðức Giêsu đã hứa: "Thầy sẽ không để anh em mồ côi." (Ga 14:18) Cho dù kéo bè kéo cánh, kẻ thù vẫn không thể áp đảo các Kitô hữu. Dù bị hất hủi hay phản đối, họ vẫn không cô đơn, vì niềm tin đã khơi lên niềm hi vọng lớn lao trong tâm hồn và cuộc đời họ. Chính những lúc đau khổ và trống vắng nhất là những lúc họ đầy ắp ân sủng. Với nguồn ân sủng lớn lao, "Thầy sẽ đến cùng anh em" (Ga 14:18) để đối phó kịp thời với những âm mưu đen tối. Chính tình yêu đã thúc đẩy bước chân Người đến với chúng ta. Chính con mắt đức tin làm cho "anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em sẽ sống" (Ga 14:19) với tất cả niềm vui và tràn đầy hi vọng. Người môn đệ không thể thể sống mà không có Thầy. Sự sống Thầy bảo đảm cho tín hữu không phải rơi vào hố diệt vong. Ai có thể cất mạng sống Thầy ? Ai có thể thể tách lìa họ khỏi Thầy ? Còn sống là còn hi vọng. Ðó là lý do tại sao họ vẫn giữ được niềm hi vọng dù phải sống giữa những hoàn cảnh tuyệt vọng. Các thánh tử đạo là một bằng chứng hùng hồn. Không một lý do tự nhiên nào có thể giải thích nổi những hành vi gan dạ đó. Không phải nhờ ý chí vững mạnh hơn người. Cũng không phải vì cuồng tín. Trái lại, từ cảm nghiệm sâu xa của niềm tin, "anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em." (Ga 14:20) Thế chân vạc đó đủ bảo đảm cho tín hữu sống vững mạnh giữa những chao đảo trong cuộc sống. Lọt vào tương quan ba chiều đó, người tín hữu sẽ vô cùng bình an và hạnh phúc. Từ nguồn mạch tình yêu đó, Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi." (Ga 14:16) Như thế, dưới sự phù trợ của Thánh Linh, người tín hữu sẽ lao mình vào cuộc chiến để dành phần thắng cho Nước Chúa. Ðó là lý do tại sao các môn đệ có thể mạnh mẽ "rao giảng Ðức Kitô" (Cv 8:5) khắp thế giới, bất chấp mọi hiểm nguy. Nhưng làm sao có thể rao giảng "Ðức Kitô Giêsu, niềm hi vọng của chúng ta" (1 Tm 1:1), nếu người môn đệ không được mạc khải về Người ? Làm sao được mạc khải nếu không đi vào tương quan sâu xa với Ba Ngôi ? Thật vậy, "ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy." (Ga 14:21) Có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa như thế, mới có thể rao giảng Tin Mừng của niềm hi vọng cho muôn dân. Khả năng rao giảng bắt nguồn từ chính nỗ lực liên kết với Thầy trong tình yêu. Thật vậy, "ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy." (Ga 14:21) Ðiều răn là mối giây ràng buộc môn đệ với Thầy chí thánh và là chiếc cầu đến với nhân loại. Chính "Thầy đã giữ điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người." (Ga 15:10) Chính vì thế, "thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khi, Người đã được phục sinh" (1 Pr 3:18) để đem niềm hi vọng cho toàn thể nhân loại và "để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn." (Ga 15:11) Niềm vui chính là dấu chỉ niềm hi vọng tràn ngập tâm hồn. Ðó là lý do tại sao người môn đệ có thể đặt hết niềm tin tưởng và tình yêu nơi Ðức Giêsu Kitô. Quả thực, "lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em" (Cl 1:5-6a) như một sức mạnh giải thoát. NIỀM HI VỌNG HÔM NAY. Nhân loại đang cần sức mạnh giải thoát đó, vì cơn thất vọng đã tràn ngập khắp nơi. Giáo Hội cũng có trách nhiệm một phần về cơn thất vọng đó, vì đã tạo ra những gương mù cho nhân loại, nhất là cho giới trẻ. Việc Giáo Hội xin lỗi nhân loại đã chứng minh trách nhiệm đó. Vấn đề hôm nay không chỉ dừng lại ở đó. Nhưng Giáo Hội phải đi xa hơn để đem lại niềm hi vọng lớn lao cho nhân loại bù đắp lại những lỗi lầm và mở ra một vận hội mới cho hạnh phúc nhân loại. Vận hội mới chỉ đến khi "Giáo Hội hết sức góp phần vào việc làm cho gia đình và lịch sử nhân loại ngày càng nhân bản hơn." (ÐGH Gioan Phaolô II: Zenit 30/04/02) Muốn thế, Giáo Hội không thể rời xa niềm tin vào Ðức Giêsu như niềm hi vọng duy nhất của nhân loại và địa vị con người. Quả thực, "rõ ràng vì con người được ban cho một địa vị khác thường, nên không thể giản lược cuộc sống vào những điều kiện xã hội, kinh tế, văn hóa hay chính trị thiếu nhân bản." (ÐGH Gioan Phaolô II: Zenit 30/04/02) Nhân loại càng lâm vào cơn thất vọng bao nhiêu, Giáo Hội càng cần xác tín sứ mệnh "không những truyền thông sự sống Thiên Chúa cho dân chúng, nhưng một cách nào đó còn chiếu giãi ánh sáng phản chiếu đời sống đó trên toàn thể trái đất." (ÐGH Gioan Phaolô II: Zenit 30/04/02) Ðem lại sự sống đó là trả lại niềm hi vọng lớn lao cho nhân loại. Giáo Hội phải là niềm hi vọng giữa những người mất niêm hi vọng. Giáo Hội "trở nên tiếng nói của những người không tiếng nói, đồng thời phải cho mọi người thấy rằng nhân phẩm luôn phải ở trung tâm mọi chương trình địa phương, quốc gia và quốc tế." (ÐGH Gioan Phaolô II: Zenit 30/04/02) Tiếng nói của Giáo Hội phải là tiếng nói của niềm hi vọng, phát xuất từ tâm hồn đầy ắp tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi và từ "những cộng đoàn Kitô hữu đang sống tình liên đới nhân loại cách sâu xa và chân thành, giàu tính hiệp thông và tình bằng hữu." (ÐGH Gioan Phaolô II: Zenit 30/04/02) Nhưng "thật đáng tiếc, thay vì nhìn Giáo Hội như một nơi tự nhiên có thể gặp gỡ Ðức Kitô, nhiều bạn trẻ thấy Giáo Hội như một thực thể xa lạ, không đáng tin lắm và không có khả năng nói truyện với người thời đại." (Hội Nghị các giám mục Âu Châu: Zenit 30/04/02) Muốn cải tiến, Giáo Hội phải gấp rút coi các bạn trẻ Kitô hữu không phải chỉ như một lãnh vực hay đối tượng đặc biệt của mục vụ, nhưng phải được nhìn nhận và đón nhận như một hồng ân Ðức Kitô ban cho Giáo Hội trong tất cả các sứ mệnh đang thực hiện." (Hội Nghị các giám mục Âu Châu: Zenit 30/04/02) Lời Hứa Đấng Phù Trợ Ga 14, 15-21 Fr. Jude Sicilianô, op Thưa quý vị. Ở gần nhà tôi là một đôi vợ chồng trí thức. Cả hai đều có nghề nghiệp ổn định. Chồng là luật sư, vợ y tá. Họ sống với nhau đã hơn 40 năm. Vào những dịp kỷ niệm ngày thành hôn, họ thường mua tặng nhau những món quà đắt giá: Vàng, ngọc trai, kim cương ... Ấy là nói lúc sau này khi họ đã giàu có, tài sản rất lớn. Còn khi trước, nghèo khó, họ mua những thứ rẻ tiền hơn, nồi niêu, xoong chảo, vải vóc, đồng hồ đeo tay, lắc bạc… Rồi ông luật sư chết. Người vợ mặc dầu sức khỏe còn rất tốt cũng đột ngột qua đời. Họ là những trí thức, hơn nữa, luật sư, cho nên tờ di chúc được viết rất cẩn thận, chi tiết rõ ràng. Tuy nhiên cả hai lại chẳng nói gì về số vật kỷ niệm ngày cưới của họ, vàng, kim cương, ngọc trai. Một thiếu sót thật đáng tiếc hay họ có chủ ý để như thế ? Hậu quả là các con tranh cãi nhau, đưa nhau ra tòa, mất đoàn kết, mất tình nghĩa anh em. Chúa Giêsu của bài Tin Mừng hôm nay cũng sắp lìa bỏ thế gian mà về cùng Ðức Chúa Cha. Ngài cũng hết sức lo lắng cho các kẻ Ngài yêu. Nhưng di chúc của Ngài lại khác hẳn những điều thế gian thường làm. Ngài dự kiến trước tương lai cho họ khi Ngài vắng mặt, họ cần được yên ủi, nâng đỡ. Bởi thế gian sẽ ghen ghét họ. Họ cần được khích lệ, khuyên nhủ, bảo đảm, thúc bách. Bởi khó khăn trước mắt sẽ rất lớn, đòi hỏi phải hy sinh thật nhiều, gồm cả tính mạng, tài sản, tương lai, gia đình, họ hàng, cha mẹ… Họ phải gánh chịu những tai họa ghê gớm, không phải vài ba ngày, một tháng, một năm mà hàng nhiều thế kỷ. Cho nên di chúc của Ngài phải làm sao bao trùm được tất cả. Chúng ta, loài người, chẳng thể nghĩ ra được một di chúc thần kỳ như vậy. Tuy thế, Ngài đã thực hiện một cách dễ dàng như xé một tấm vải. Bài di chúc của Chúa Giêsu hôm nay là một phần của diễn từ cuối cùng. Tuần trước chúng ta đã đọc đoạn đầu. Hôm nay Ngài tỏ lộ ý thức của Ngài về những khó khăn họ sắp phải gánh chịu. Ngài tiếp tục chăm sóc họ, ngay cả khi vắng mặt. Ðây là lời hứa cuối cùng Ngài nói với họ trước khi ra đi. Ngài muốn để lại một kỷ niệm có giá trị thật to lớn. Với kỷ vật này họ không còn phải sợ hãi chi. Tương lai hoàn toàn được bảo đảm. Kỷ vật đó không phải là vàng bạc hoặc tài sản hay hư nát, hoặc điều chi có thể gây nên cãi cọ, tranh giành, mà là một bảo đảm vững chắc cho tương lai. Nó là một kho báu lưu truyền cho mãi tới ngày hôm nay. Không có nó chẳng ai có thể sống tốt lành, thánh thiện, chẳng ai có thể đẹp lòng Thiên Chúa. Kho báu đó giống như một hòn ngọc vô giá. Ai có nó sẽ lung linh sáng ngời, đẹp hơn cả Thiên cung. Ngài giống như một người cha đầy yêu thương lo lắng cho tương lai của những đứa con. Ngài ban cho chúng một kỷ vật luôn nhắc nhớ chúng về sự hiện diện của Ngài, giúp chúng lớn lên và phát triển mặc cho những khó khăn của không gian và thời gian, mặc cho "cửa hỏa ngục" cũng không thắng nổi. Nói đúng hơn, bằng kỷ vật này, Ngài hiện diện với họ một cách khác, cũng chân thực và quyền phép như thời gian hiện tại. Nếu như Ngài là Ðấng bảo trợ, luật sư thứ nhất thì Ngài hứa sẽ ban cho họ luật sư thứ hai, ngang bằng với Ngài. Sau này, họ sẽ gọi là Chúa Thánh Linh. Nhưng có một điều kiện tối quan trọng để được Ðức Thánh Linh ấy. Ðó là "giữ các giới răn" của Ngài. Ðức Thánh Linh không thể được ban nếu người ta không tuân giữ các giới răn. Theo thói thường, muốn tưởng nhớ đến ai, cái gì, biến cố nào, người ta dựng đài kỷ niệm. Ðài đó bằng đá hoa cương, gạch ngói, sắt thép hay đơn giản như viên đá đầu mộ. Chúa truyền cho các môn đệ nhớ đến Ngài không phải bằng các thứ vật liệu ấy hay ngay cả bằng các thánh đường nguy nga, mà là tuân giữ các giới răn của Ngài. Một đài kỷ niệm sống động và hùng hồn để kính nhớ Ngài, để bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với Ngài. Từ đó, Thánh Linh sẽ ngự đến trong linh hồn giúp đỡ chúng ta chu toàn nhiệm vụ làm con cái Thiên Chúa. Vì vậy Ngài gọi Ðức Thánh Linh là Ðấng bảo trợ: "Thày sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là thần khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em (Ga 14, 16). Bởi lý do đó mà Ngài còn gọi Ðức Thánh Linh là "trạng sư" (advocate). Trạng sư là người bênh vực, nói thay, biện hộ cho phạm nhân. Ông ta có nhiệm vụ che chở phạm nhân trước tòa án. Nếu phạm nhân thực sự có tội, thì ông xin tòa giảm án với những lý do ông thấy là hợp lý. Tiếng La-tinh gọi là "advocatus", người được triệu đến để làm chứng cớ, đưa ra những bằng chứng rõ ràng hay đứng bên tội nhân để biện hộ. Tác giả Raymond Brown còn nói đến một nhiệm vụ khác của trạng sư là an ủi, nâng đỡ tội nhân. Bởi lẽ lúc ấy tội nhân thường bị lẻ loi, cô đơn, chịu đựng đau khổ một mình. Phúc âm thánh Gioan nhấn mạnh khía cạnh này của Ðấng làm trạng sư. Ngài giống như Chúa Giêsu, an ủi, khích lệ các Tông đồ. Tiếng Hy lạp gọi là paraclete. Khi Chúa Giêsu vắng mặt thì Ngài thay thế. Tác giả Brown nói Ngài chỉ hiện diện nơi các Môn đệ khi Chúa Giêsu đã ra đi. Ða phần tín hữu bình dân giữ một cái nhìn thô thiển về Thiên Chúa. Họ coi Ngài như một ông thần xa vời, đầy quyền uy và sợ hãi, điều khiển muôn loài muôn vật từ nơi cao sang. Thiên Chúa này là nhà lập luật nghiêm khắc đồng thời là Ðấng cầm cân nảy mực, canh chừng mọi người phải sống đúng những tiêu chuẩn Ngài đã chỉ định. Nếu không, những hình phạt ghê gớm đang đón đợi ở phía bên kia thế giới, hoặc ngay cả ở đời tạm này ! Vô tình họ cũng gán cho Chúa Giêsu một vai trò không mấy đầy đủ: Trạng sư biện hộ cho những lỗi lầm của chúng ta trước một Thiên Chúa sẵn sàng giận dữ. Như thế Thiên Chúa Ngôi Cha và Thiên Chúa Ngôi Con giống như một cặp cảnh sát tốt bụng và xấu bụng. Chúa Giêsu chịu chết và sống lại để cứu chuộc tội nhân là cảnh sát tốt bụng. Ngài dùng lời ngọt ngào khuyên nhủ chúng ta thay đổi cuộc sống xấu xa. Nếu không, chúng ta sẽ bị ông cảnh sát xấu bụng là rầy, hò hét, đập bàn, quăng ghế để ép buộc chúng ta phải sống tốt lành hơn. Với não trạng như vậy Chúa Giêsu là trạng sư nhân ái trước Ngai tòa Thiên Chúa. Khi vị trạng sư này vắng mặt, Chúa Thánh Linh là Ðấng bảo trợ thay thế và Ngài cũng giữ vai trò cảnh sát tốt bụng. Hậu quả là chúng ta sẽ cầu xin Thiên Chúa, theo kiểu cách chúng ta suy nghĩ về Ngài. Ngay trong cộng đoàn này, nhiều tín hữu vẫn mường tượng và nguyện cầu theo lối đó. Cần phải thay đổi cách nhìn. Theo Phúc âm thánh Gioan, nhất là bài diễn từ cuối cùng, Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần để đưa chúng ta vào hợp nhất với Thiên Chúa, không phải bằng sợ hãi, nhưng bằng tình yêu, không phải bằng lề luật, hình phạt, nhưng bằng ơn thánh, phúc trường sinh. Chúa Giêsu gởi trạng sư của Ngài đến không phải để giãi bày tình huống của chúng ta trước tôn nhan Thiên Chúa cho bằng mặc khải chương trình yêu thương của Ngài cho nhân loại, giúp chúng ta thương yêu người khác, như Ngài đã thương yêu họ. Ðấng bảo trợ sẽ khuyên nhủ, ban khả năng cho chúng ta để có thể thi hành điều Chúa Giêsu đã nói với các Môn đệ: "Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ những điều Thày truyền dạy." Ðiều Ngài truyền dạy là chúng ta phải yêu thương nhau. Ngài làm gương trước bằng hành động rửa chân cho các Tông đồ và ban chính sự sống của Ngài là giá chuộc tội nhân loại. Tình yêu này đòi hỏi một tấm lòng bao la, một tâm trí mở rộng vô biên và một sự dấn thân bền bỉ không mệt mỏi. Nhưng các Tông đồ không luôn có Chúa Giêsu để chỉ dạy phải sống thế nào bằng tình yêu của Ngài trong những hoàn cảnh phức tạp, thì Ngài sai Thánh Thần để nhắc nhở đến cách đối xử của Ngài và những lời Ngài đã dạy bảo. Như vậy họ luôn trung thành với đường lối thánh thiện của Ngài. Họ không cần phải dựa vào trí nhớ hạn hẹp của mình, Thánh Thần sẽ đứng bên cạnh họ, chỉ bảo họ trong những tình huống mới mẻ mà họ phải đối mặt. Nếu họ luôn tuân giữ các giới răn của Chúa Giêsu, chắc chắn Ðấng bảo trợ chẳng bao giờ rời bỏ, trái lại bảo đảm với họ là Thiên Chúa luôn lắng nghe, ngay cả khi họ kêu xin nửa lời vì mệt mỏi, vì tội lỗi. Ngày nay, nhiều Giáo hội địa phương đang phải quằn quại vì gương xấu của hàng giáo sĩ thì nhu cầu Ðức Thánh Linh lại càng rõ nét. Chúng ta cần Ngài để lấy lại lòng tin, lòng cậy của mình. Chúa Giêsu đã gọi Ðức Thánh Linh là "Thần khí sự thật". Trong Thần khí này, chúng ta đang vật lộn để tìm ra lối đi, hướng phải bước tới trong khi thời sự các cộng đoàn là cả một đêm tối mịt mù, mối bòng bong rắm rối. Nhiều tín hữu đã tuyên bố bỏ đạo, mất tin tưởng vào Hội Thánh, thì vai trò của Thánh Linh càng cần thiết hơn để cứu vớt những Giáo hội này, linh hồn này. Chúng ta hãy tha thiết kêu cầu sự hiện diện của Ngôi Ba Thiên Chúa trên bàn thờ này, trên những lễ vật hôm nay, để Ngài biến đổi chúng thành bánh rượu hằng sống nuôi dưỡng cộng đoàn ốm yếu của chúng ta. Chúng ta cũng kêu xin "Thần khí sự thật" xuống trên hội thánh các địa phương để biến đổi chúng thành thân thể nhiệm mầu và thánh thiện Chúa Kitô. Mặc dù, chưa hoàn toàn trung thành với các giới răn Chúa và còn đang đấu tranh để hàn gắn những lỗi lầm quá khứ và hiện tại, chúng ta can đảm đối mặt với sự thật và quyết định những thay đổi cần thiết trong các Giáo hội đang cần sự đổi thay. Trong bài Tin Mừng hôm nay, hầu như mọi lời của Chúa Giêsu là không bỏ chúng ta một mình: "Ðấng Phù trợ khác luôn ở với chúng con luôn mãi, … chúng con ở trong Thày, và Thày ở trong chúng con, … Ta sẽ tỏ mình ra cho người ấy…" v.v. Ðó là những lời khích lệ, là căn bản của kẻ sắp ra đi, chúng biểu lộ ý muốn tha thiết của Chúa Giêsu, không lẽ chúng ta lại chịu mất tin tưởng ? Riêng phần tôi, tôi hằng tâm niệm rằng dù có thế nào đi nữa, dù vết thương của Giáo hội có tệ hại mấy đi nữa, thì Chúa Giêsu không bao giờ để chúng ta mồ côi. Amen. Alleluia. Dọn lòng đón nhận Thánh Thần Ga 14, 15-21 Fr. Jude Sicilianô, op Thưa quý vị, Sách Tông đồ Công vụ là cuốn Kinh thánh kể lại hoạt động của các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu lên trời. Bài đọc I hôm nay cho thấy các hoạt động của Phi-líp-phê, Phêrô và Gioan tại niềm đất Samaria, ngoài ranh giới Giêrusalem và Giuđêa. Như vậy, rõ ràng cuốn sách mang đúng tên người ta đặt cho. Việc rao giảng Chúa sống lại ở Samaria có phần khác với trong đất thuần Do thái, bởi Samaria vẫn bị người Do thái chính thống coi là không bao giờ được dự phần vào ơn cứu rỗi. Nhưng ba nhà truyền giáo Philípphê, Phêrô và Gioan đã chia sẻ với họ ơn Chúa sống lại. Bằng lời nói và hành động, các ông đã làm chứng Chúa Giêsu vẫn còn đang sống và hoạt động cùng với các ông. Thực tế, họ đang làm công việc mà Chúa đã thực hiện trước khi Người chịu đóng đinh. Đó là chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, kẻ què đi được, người mù thấy được, xua trừ thần ô uế, cho những kẻ phong cùi được sạch. Tóm lại, các ông thi ân giáng phúc cho những ai bất hạnh trong xã hội như Chúa Giêsu đã từng làm khi Người còn đi lại trên đất Palestin. Bài đọc cố tình bỏ qua chi tiết ông Simon phù thuỷ vì lý do phụng vụ. Chi tiết này quan trọng bởi nó cho thấy tính ngay thẳng, bất vụ lợi trong việc phục vụ Thiên Chúa: “Tiền bạc của anh tiêu tan luôn với anh cho rồi, vì anh tưởng có thể lấy tiền bạc mà mua ân huệ của Thiên Chúa chăng ?” (8, 29) Liệu ngày nay chúng ta có được tinh thần thẳng thắn như Phêrô không ? Hay cũng huờ theo thói tục thế gian, bắt chước Simon phù thuỷ mà cầu cạnh ân huệ Thiên Chúa bằng bổng lộc tiền tài ? Nếu vậy, xin cũng noi gương Simon mà ăn năn sám hối: “Xin hai ông cầu cùng Chúa cho tôi, để không điều nào trong những điều các ông đã nói giáng xuống trên tôi.” Tuy nhiên, cuốn sách không nguyên tập trung vào các Tông đồ. Chủ tâm chính yếu của thánh Luca là bày tỏ sự hiện diện năng động của Chúa Thánh Thần qua sinh hoạt của các môn đệ Chúa Giêsu. Chúa Thánh Linh làm tăng trưởng Giáo hội một cách ngoạn mục qua các Tông đồ. Vì vậy, thánh nhân luôn lưu tâm ghi nhớ số lượng tín hữu mà Hội thánh gặt hái trong quá trình rao giảng khắp nơi. Sự trở lại của cư dân Samaria chứng tỏ tính phổ quát của Giáo hội Chúa và sứ vụ mà Ngài trao cho Tông đồ đang được thực hiện tốt đẹp. Sứ vụ này kéo dài mãi đến hôm nay và tiếp tục tới tận cùng thời gian. Nó không thuộc về tính quốc gia, dân tộc, màu da, ngôn ngữ hay cấp bậc xã hội. ngược lại, bài đọc cho thấy, bất cứ người nào lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa đều là thành phần của Giáo hội, họ sẽ được Thần khí Chúa Giêsu chấp nhận qua bí tích Rửa tội và Thêm sức. Họ là thành viên đầy đủ của cộng đoàn mới, dân tư tế của Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Vậy thì, chúng ta hãnh diện và được an ủi khi tham dự các buổi phụng vụ. Vì chúng ta ôm ấp những thứ mà trên thế giới là nhân tố chia rẽ: Cấp bậc xã hội, kỳ thị màu da tiếng nói, giàu nghèo sang hèn, giới tính, tuổi tác, bệnh tật, tài năng, tiếng tăm, . . . Cho nên, chúng ta tự hỏi tình hình thực tế địa phương chúng ta nói lên điều chi ? Có đúng Thần khí Chúa đang tụ họp tín hữu như thời các Tông đồ không ? Câu trả lời là tính cực, khi nhìn vào tính đại đồng của cộng đoàn và những bí tích chúng ta nhận lãnh hằng ngày: Rửa tội, Thêm sức, Chữa lành bệnh nhân, rao giảng, Thánh thể, . . . Như vậy, sách Tông đồ công vụ là phúc âm của Chúa Thánh Thần và mỗi tín hữu chân chính là một sách Tin mừng mở ra, nhờ vào các hoạt động Ngài thực hiện nơi chúng ta. Dân ngoại sẽ nhận biết công việc của Ngài do đời sống Chúa Giêsu được trình bày nơi các tín hữu nhiệt thành. Họ sẽ được chào đón, nhập vào cộng đoàn những “kẻ được rửa tội nhân danh Đức Giêsu Kitô.” Nếu không hoặc cảm thấy như thành viên hạng hai thì lúc ấy, chúng ta đã rõ ràng thất bại, không hoạt động với Chúa Thánh Thần giống như Ngài đã thúc đẩy các Tông đồ rao giảng trên đất Samaria. Chúng ta xấu hổ, có lỗi với Hội thánh toàn cầu, phải thật lòng thống hối vì không làm tròn phận sự. Thơ Phêrô được viết để an ủi giáo dân đang chịu bách hại khủng khiếp thời hoàng đế Domitian. (Thực ra, thánh Phêrô đã lãnh phúc tử đạo ở Rôma năm 64, thơ này viết khoảng năm 80-90 chỉ lấy danh hiệu và uy tín của ngài mà thôi). Nội dung thơ cho hay, đây không phải là cuộc bách hại tổng quát, nhưng chỉ có tính địa phương, do lòng thù ghét riêng tư ; nói cách khác, do nếp sống thánh thiện của những kẻ tin vào Chúa Kitô, mà thiên hạ ghanh ghét họ, đưa ra đàm tiếu và loại trừ. Xin nhớ lời hộ giáo của các thánh giáo phụ: “Nếu mang danh Kitô hữu là một tội, thì họ lấy chứng cớ nào mà bắt bớ các tín hữu ?” Hay nói như tác giả thư thánh Phêrô: “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ngay thẳng trong Chúa Kitô thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống ?” Mới đây, tôi có mặt trong một nhóm học hỏi Kinh thánh. Chúng tôi suy tư về đoạn Kinh thánh hôm nay, một thành viên buột miệng phát biểu về chữ “chịu khổ”. Anh nói thao thao bất tận về những thánh giá Chúa gửi cho chúng ta. Trong khi nghe, tôi trộm nghĩ: “Thiên Chúa ghê gớm thật, giáng hoạ trên con người, bắt con người phải chịu khổ.” Có phải đó là những thánh giá mà Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta gánh vác không ? Thơ thánh Phêrô trả lời: “Chúng ta chịu khổ vì việc lành.” Đấy là thứ thánh giá các tín hữu vác hằng ngày để theo Chúa Giêsu. Mến Chúa yêu người, chúng ta phải trả giá. Những ai từ chối thánh giá, tìm kiếm sung sướng xác thịt không chứng minh được mình yêu mến Thiên Chúa. Họ giữ đạo bằng miệng lưỡi và là kẻ giả hình. Chúa chịu thương khó, bởi vì mang trong thận phận mình “gánh tội trần gian”. Nói cách khác, là thành phần nhân loại nên theo pháp lý, Ngài là tội nhân trước mặt Chúa Cha, do đó phải chịu hình phạt của pháp luật. Trái lại, chúng ta tìm cách trốn tránh gian khổ thì làm thế nào xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu ? Cho nên, chúng ta chịu khổ vì việc lành, cũng như Chúa Giêsu chịu nạn vì tội lỗi nhân loại. Chúng ta phải sẵn sàng trả lẽ cho hy vọng của mình. Thay vì đối đầu với những sự dữ kẻ thù gây nên, chúng ta dồn tâm lực vào Chúa Giêsu, (Hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong linh hồn anh em) và giãi bày đức tin của mình hiền hoà cung kính, ngõ hầu thiên hạ nhận ra đức tin đó không phải của loài người mà là một ân huệ từ trời cao. Thời buổi ngày nay, các tranh cãi về tôn giáo dễ đưa đến những đổ vỡ, bên trong cũng như bên ngoài, nhiều khi là bạo lực, chiến tranh. Xem bản đồ thế giới, người ta phải rùng mình vì chia rẽ tôn giáo. Có lúc, những người cùng ngồi ghế nhà thờ lại là các đối thủ không đội trời chung vì ý kiến luân lý, đạo đức. Tuy nhiên, thư thánh Phêrô nhắc nhở: “Đấng công chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” Kẻ bất lương đó chính là nhân loại. Cho nên, chúng ta được hưởng ân huệ hoà giải với Thiên Chúa là do Đức Giêsu Kitô. Hôm nay, chúng ta mừng sự kiện hoà giải trong bí tích Thánh thể. Bí tích đem lại ơn lành đích thực qua hoạt động phá vỡ mọi bức tướng ngăn cách của Chúa Thánh Thần. Vừa qua, tôi hân hạnh được một cha xứ lân cận mời giảng tĩnh tâm cho các giáo dân, nhân dịp mùa chay. Khi chờ đợi, tôi đứng nói chuyện với một người đàn ông ở phòng mặc áo. Chúng tôi đứng gần một giỏ đựng rác. Trong giỏ, đầy những tờ rơi dư thừa. Chúng bàn về mọi đề tài tôn giáo và nhiều ít liên quan đến đức tin. Thí dụ, ngừa thai, phá thai, nghiên cứu tế bào gốc, bệnh Alzheimer, đồng tính luyến ái, chết êm dịu, án tử hình, v. v. Chúng tôi bàn bạc sơ qua một vài đề tài. Người đàn ông bốc ra một nắm giấy, đưa tôi xem và nói: “Thưa cha, thời con còn học ở trung học cơ sở làm chi có những chuyện như thế này.” Đúng vậy, nhưng bây giờ, chúng ta phải đối mặt với chúng trong cuộc sống hằng ngày. Người tín hữu không thể tránh né. Ngược lại, nên chấp nhận và bàn bạc với những người khác, bất cứ ai, để làm cho vấn đề được sáng tỏ, nhân loại có một tương lai nhân bản hơn, tươi sáng hơn. Dĩ nhiên, đôi khi có những bế tắc vì bất đồng ý kiến, thí dụ: tránh thai, ngừa thai nhân tạo. Lúc ấy, chúng ta cảm thấy cô đơn vì niềm tin của mình. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đã gần kề. Quý vị có thể đoan chắc như vậy, bởi vì các bài đọc Kinh thánh năng nhắc đến Thần khí Đức Kitô và các công việc của Ngài giữa lòng Giáo hội. Tức những việc lạ lùng vượt quá khả năng con người có thể thực hiện. Bài đọc Phúc âm cho chúng ta hay nỗi lo lắng của Chúa Giêsu về số phận của các môn đệ. Liệu sau khi Ngài ra đi, họ còn thương yêu đoàn kết với nhau hay không ? Họ còn can đảm sống những điều Chúa truyền dạy hay không ? Giống như các bậc cha mẹ tốt lành, Ngài thu xếp để họ ý thức sự hiện diện thể lý của Ngài không phải là tối quan trọng. Trái lại, sự có mặt tinh thần, bên trong mỗi tâm hồn, còn quý giá hơn nhiều. Sống thời Tin mừng là điều may mắn, biết Chúa Giêsu theo phần xác thịt là điều hạnh phúc. Nhưng sống thân mật với Chúa Giêsu trong tinh thần còn hệ trọng hơn. Thánh Phaolô cũng phát biểu tương tự: “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù, chúng tôi được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây, chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.” (2 Cr 5, 16) Cho nên, Chúa Giêsu hứa ban Thánh thần xuống trên họ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” Nhưng điều kiện để họ nhận được Thánh thần là tuân giữ lời Ngài: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì anh em tuân giữ các điều răn của Thầy.” Không hiểu ngày nay còn người tín hữu nào, kể cả tu sĩ, giáo sĩ lưu tâm đến điều kiện của Chúa Giêsu để nhận được Thánh linh ? Người ta năng nói đến Thánh linh, những hành động của Ngài một cách độc lập với lệnh truyền của Chúa Giêsu. Đúng là một sai lầm. Thánh linh chỉ được ban, nếu chúng ta tuân giữ lời Chúa Giêsu. Ngoài ra là một thứ Thánh linh tưởng tượng. Cộng đoàn chúng ta muốn nhận được nhiều Thánh linh, thì điều kiện tiên quyết là tuân giữ giới răn Chúa cho cặn kẽ. Buông lỏng kỷ luật, buông lỏng lệnh Chúa truyền mà mong ước được nhiều Thánh linh là điều vô lý. Điểm thứ hai cần lưu tâm là Chúa Giêsu huấn thị cho các môn đệ tuân giữ “các giới răn của Thầy” chứ không phải của người khác hay giới răn chung chung. Bởi lẽ, trong Do thái giáo, đã có mười điều răn hướng dẫn con cái Israel ăn ở phụng thờ Thiên Chúa. Nhưng lúc này, họ đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu, tâm trí họ phải hoàn toàn thuộc về Ngài. Ngài làm chủ tâm trí họ, tức toàn thể con người, cho nên, Ngài đặt một điều kiện: Nếu anh em yêu mến Thầy. Các môn đệ sẽ minh chứng tình yêu đối với Chúa Giêsu bằng một đời sống tuân theo những gì Ngài truyền dạy. Tức sống như Ngài đã sống: yêu thương kẻ thù, làm ơn cho những người ghen ghét, chữa lành bệnh nhân, nâng đờ người nghèo khổ, đón nhận anh em ngoại giáo như bài đọc 1 nói về Philípphê, Phêrô và Gioan đón nhận dân cư Samaria, rửa chân và tha thứ cho nhau. Trước tình hình thế giới ngày nay, vấn đề trở nên nhiêu khê, bởi nhân loại không còn đơn sơ, mông muội như trước nữa. Chúng ta không chỉ làm điều thiện nhân danh Chúa Giêsu, mà còn phải với ý chí sắt đá, tinh thần luôn canh tân thì mới có khả năng bền vững trong các giới răn của ngài. Sự sa sút luân lý trên thế giới đòi hỏi nỗ lực vượt bậc để có thể kiên trì trong đường lối của Thiên Chúa. Nếp sống tục hoá trong các giáo xứ, tu hội, tu viện cần một lực đối kháng mạnh mẽ để có thể trở về nguồn, về tinh thần khắc khổ của Chúa Giêsu, vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa. Cho nên, chúng ta cần Thánh linh giúp đỡ để sống trung thành với Chúa Giêsu. Không ai tự nhận sống sai trệnh đường lối Chúa, nhưng thực tế đa phần tín hữu sống xa hoa, lãng phí, chạy theo những tiện nghi vật chất của thế gian. Rất ít người giữ được tinh thần từ bỏ. Chúa Giêsu gọi Thánh linh là Đấng bảo trợ khác. Cũng như Chúa Giêsu là Đấng bảo trợ thứ nhất, Chúa Thánh Thần sẽ là trạng sư nâng đỡ, ủi an, ban phát công nghiệp của Đấng cứu thế cho toàn thể nhân loại, đặc biệt cho Hội thánh và các môn đệ. Mười năm trước đây, nhiều thanh niên trên đất Hoa kỳ yêu thích đeo băng tay có chữ WWJD = What would Jesus do ? = Ở hoàn cảnh này, Chúa Giêsu sẽ làm gì ? Chúng ta chẳng thể sống lại thời các Tông đồ, cũng không cần nuối tiếc những kỷ niệm họ được cùng Chúa đi lại và hoạt động trên đất Palestine. Chúng ta sẽ được toại nguyện nếu thực thi nội dung băng chữ WWJD gợi ý. Chúng ta sẽ là môn đệ đích thực của Chúa. Ngài chẳng để chúng ta mồ côi: Ngài sẽ sai Thánh thần đến với chúng ta, dạy dỗ, an ủi chúng ta. Vì vậy, xin hãy dọn lòng sốt sắng đón nhận điều chân thật Chúa hứa trong ngày Lễ ngũ tuần. Lúc ấy, chúng ta sẽ thấy rõ: “Thầy ở trong Cha, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Thầy sẽ tỏ mình ra cho anh em.” Như vậy, niềm vui Phục sinh của chúng ta thật trọn vẹn. Amen. Alleluia. |
Nguồn : gxnl |
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam