Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1356274

CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

 

(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)

Chúng ta vẫn thường nói: “Giòi từ trong xương giòi ra”. Nghĩa là người ngoài có biết “chuyện kín” của gia đình thì cũng do chính các thành viên trong gia đình đó “xì” ra. Chứ đèn trong nhà chưa tỏ làm sao ngoài ngõ đã hay?

Chuyện đời thường có những chuyện rất bình thường nhưng cũng lại… rất khác thường!

Một thần khí đã nhập vào Tiên tri Êdêkien đúng như lời Chúa phán với ông và làm cho chân ông đứng vững, vì trước đó Thiên Chúa đã báo: “Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươi đây” (Ed 2:1). Ngài gọi ông là “con người”. Và Ngài chỉ nói thôi mà con người phải chuẩn bị tinh thần trước kẻo run sợ. Thiên Chúa phán với ông: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay” (Ed 2:3). “Dân phản nghịch” đó cũng là chính chúng ta. Thiên Chúa gọi chúng ta là “những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá”, và chính Thiên Chúa sai Tiên tri Êdêkien đến thông báo cho dân chúng biết những lời “Đức Chúa là Chúa Thượng phán dạy”. Thiên Chúa nói: “Chúng vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (Ed 2:5). Ngài hoàn toàn cho chúng ta tự do, nghe hay là tùy ý, nhưng vẫn phải nhận biết những “dấu chỉ” mà Ngài cho phép xuất hiện, đôi khi các “dấu chỉ” đó rất bình thường nên chúng ta dễ coi thường và bỏ qua.

Chúng ta chỉ là những phàm phu tục tử, đôi khi có mắt mà như không tròng, mặc dù hằng ngày chúng ta vẫn “ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời” (Tv 123:1), và “như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Ngài xót thương chút phận” (Tv 123:2). Rất tha thiết khi cầu xin cho chính mình. Có khi chúng ta ích kỷ ngay trong lúc cầu nguyện!

Quả thật, không có Chúa thì chúng ta chẳng làm được trò trống gì (x. Ga 15:5). Mà ai trong chúng ta có làm được gì “khác” hoặc (có vẻ) “hơn” người một chút thì cũng chẳng được người khác công nhận, thậm chí còn bị ghen ghét và bị miệt thị. Tệ hại thay là người đó bị chính thân nhân và bạn bè xa lánh. Cuộc sống đời thường cho chúng ta thấy có những người khi “ra ngoài” thì được nhiều người khâm phục và ca tụng, nhưng khi về quê nhà thì bị dân làng và người thân nhìn bằng nửa con mắt. Thế cũng may lắm rồi, chứ người đó còn bị chê trách và xa lánh! Là con người, tất nhiên họ cũng không thoát khỏi những lúc cô đơn và buồn não lòng, thậm chí họ không dám làm gì thêm. Thế nên họ đêm ngày than thở với Chúa: “Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương, bởi chúng con bị khinh miệt ê chề; hồn thật quá ê chề vì hứng chịu lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng” (Tv 123:3-4).

Tuy nhiên, con người cũng rất dễ kiêu căng và tự mãn, vì kiêu ngạo là “mối tội” hàng đầu trong bảy mối tội. Người ta dễ ảo tưởng và kiêu ngạo hơn nếu có được chút tài năng bẩm sinh (thiên phú) nào đó, đặc biệt là được ơn Chúa, vì họ cứ tưởng mình hơn người, là “cái rốn” của vũ trụ, là niềm mơ ước của người khác. Vì thế, rất cần liệu pháp để chữa kiêu ngạo là khiêm nhường: “Khiêm nhường chớ kiêu ngạo” (Kinh “Cải Tội Bảy Mối”).

Thánh Phaolô tâm sự: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12:7). Chính thánh nhân tự thú: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này” (2 Cr 12:8). Nhưng Chúa vẫn “làm ngơ”, và còn quả quyết với thánh nhân: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9a). Mạnh mà yếu; yếu mà mạnh. Thiên Chúa luôn có những kiểu “ngược đời” kỳ lạ. Cảm nhận được điều đó, Thánh Phaolô nói: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12:9b). Thánh nhân hãnh diện nói thêm: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:7-10).

Một lần nọ, Đức Giêsu về quê quán của Ngài, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa-bát, Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên về những lời nói khôn ngoan của Ngài, cho nên họ bàn tán: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6:2). Họ hỏi nhau vậy vì họ không muốn tin vào những gì họ chứng kiến tỏ tường, vả lại họ biết tỏng Chàng Giêsu kia là ai. Còn ai trồng khoai đất này! Đúng vậy, Chàng Giêsu chỉ là con trai Bác thợ mộc Giuse và Cô Maria, gia đình nghèo rớt mồng tơi ai mà không biết, còn là anh em họ của mấy anh chàng Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn, và là anh chị em với bà con lối xóm chứ ai xa lạ.

Làm sao mà tin được, làm sao mà coi trọng được, làm sao mà tâm phục khẩu phục khi Chàng Giêsu đã từng sống ở cái làng Nadarét nhỏ bé, từng làm mộc với Bác Giuse, từng chơi đùa với họ chứ? Vì thế, họ dè bỉu Ngài, khinh miệt Ngài, và cuối cùng, “họ vấp ngã vì Ngài” (Mc 6:3).

Đức Giêsu biết họ nghĩ gì nên nói với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4). Ngài nói nhẹ nhàng mà thâm thúy quá, xoáy vào tận đáy lòng người. Chuyện đời thường như thế vẫn hằng ngày xảy ra khắp nơi, từ thôn quê tới thành thị, từ người nhỏ tới người lớn, từ thường nhân tới người có chức tước, từ người học ít tới người học nhiều, từ người đời tới người có niềm tin tôn giáo,… Chúng ta vẫn nhìn nhau bằng những “ánh mắt mang hình viên đạn”, dành cho nhau những lời nói “sắc như dao cau”, với những động thái “giết người không cần dao”,… Một phần cũng vì “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Thánh Mác-cô kể: “Ngài đã không thể làm được phép lạ nào tại đó, chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6:5). Chúa Giêsu còn “bó tay” trước động thái của những người đồng hương huống chi chúng ta, những người không đáng xách dép cho Ngài!

Từ cổ chí kim, thời nào cũng vậy, nhưng có lẽ ngày nay người ta coi trọng bề ngoài và “nặng” về vật chất hơn. Người nghèo nói chẳng ai nghe, có nói đúng cũng hóa sai; người giàu nói gì cũng được lắng nghe, có nói sai cũng hóa đúng. Tục ngữ Việt Nam nói: “Cả vú lấp miệng em”. Người giàu có thể biến đen thành trắng, có tội thành vô tội, thậm chí biến dạng cả công lý! Có thể nghèo không là tội nhưng là “vạ”. Tục ngữ Việt Nam so sánh: “Văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền”. Một sự thật quá phũ phàng!

Chúa Giêsu nói đúng và làm hay, nhưng chỉ vì “tội nghèo” nên không ai thèm nghe, thậm chí còn bị người ta lấy đá ném, bị kết án tử và chết nhục nhã trên thập giá. Chính Ngài cũng lấy làm lạ khi thấy “họ không tin” (Mc 6:6). Chúng ta là môn sinh, là tôi tớ, là bụi tro, tất nhiên cũng không thoát khỏi sự khinh ghét của người khác!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết chân nhận tài năng và công sức của người khác, đừng bao giờ ghen tỵ với người khác. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết sống khiêm nhường và yêu thương, tất cả để tôn vinh Ngài mà thôi, đồng thời giúp chúng con đừng bao giờ tỏ ra chút gì kiêu căng tự mãn, dù chỉ là động thái nhỏ nhất. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

 

14.Bụt nhà không thiêng

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Trong truyện cổ Trung hoa có kể rằng: Dương Phủ lúc còn nhỏ nhà nghèo, nhưng hết sức cấy cầy để phụng dưỡng cha mẹ. Một hôm ông nghe bên đất Thục có ông Võ Tề đại sư rất nổi tiếng, ông liền xin song thân đến tầm sư học đạo. Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng bảo ông rằng:

- Được gặp Võ Tề đại sư, chẳng bằng gặp Phật.

Dương phủ hỏi: Phật ở đâu?

Lão tăng bảo rằng: ngươi cứ quay trở về, gặp người nào quấn vải trên người, đi dép ngược, là chính Đức Phật đó.

Dương phủ nghe lời quay về, đi đường chẳng gặp ai cả. Về tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa. Mẹ ông nghe tiếng con mừng quá, chạy vội ra, quấn vội chiếc mền vào người, đi đôi dép ngược ra mở cửa cho ông. Bấy giờ ông nhìn kỹ, giống như hình dáng Đức Phật mà lão tăng đã mô tả.

Từ đó, ông mới hiểu ra rằng: Phật chẳng ở đâu xa, mà là chính cha mẹ ở trong nhà. Đúng như cha ông ta vẫn nói:

“Tu đâu cho bằng tu nhà –

Thờ cha kính mẹ mới là đạo con”.

Thế nhưng, thói đời thì vẫn thường: “Bụt nhà không thiêng” hay “Gần Chùa, gọi Bụt bằng anh”.

Người ta xem thường những con người đang chung sống với mình. Ít ai nhận ra điều hay, cái đẹp mà những người thân nhất đang cống hiến cho chúng ta. Có khi còn dửng dưng, xem thường và cư xử thiếu kính trọng với những con người đang sống vì chúng ta.

Có nhiều người ở ngoài đời thì nhẹ nhàng, tao nhã, lịch sự, về nhà lại gắt gỏng, chửi chồng đánh con hay đánh vợ chửi con. Có nhiều người thì dễ dàng mở miệng khen ngợi hàng xóm láng giếng, kể cả người dưng nước lã, thế mà, người trong gia đình, lại suốt ngày cau có, phàn nàn. Có nhiều người luôn nghĩ cách làm vui lòng hàng xóm nhưng lại tàn bạo thô thiển với gia đình dòng tộc. Có nhiều người luôn tỏ ra đáng yêu trước người dưng nước lã, nhưng lại đáng ghét với người thân họ hàng.Họ chính là những người dại khờ mà cha ông ta bảo rằng: “khôn nhà dại chợ”, hay “làm phúc nơi nao để cầu cao rách nát”.

Đó cũng là thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Họ đã vấp phạm với Chúa. Vì họ quá biết về gốc gác, gia cảnh của Chúa. Con bác thợ mộc và bà Maria đang chung sống giữa họ. Đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Chúa Giêsu. Dù rằng họ thán phục về tài ăn nói lưu loát của Chúa. Dù rằng họ thán phục vì sự hiểu biết Kinh Thánh của Chúa. Dù rằng họ đã chứng kiến biết bao phép lạ mà Chúa đã làm để cứu chữa các bệnh nhân khỏi đau khổ bệnh tật và khỏi cái chết đã định. Nhưng vì sự kiêu ngạo, cố chấp, dân Do Thái đã không chấp nhận một vì Thiên Chúa quá giản dị như Giêsu con của bác thợ mộc thành Nagiarét. Đối với một dân tộc đã từng tự hào có Thiên Chúa ở cùng. Có cánh tay quyền năng của Chúa đã giúp họ đánh bại quân thù. Tâm trí họ chỉ trông đợi một Đấng Messia oai hùng, Đấng sẽ đến trị vì muôn nước và sẽ giúp họ làm bá chủ hoàn cầu. Chính vì lẽ đó, người đồng hương đã không nhận ra Chúa là Đấng Messia và còn có những lời nói, cử chỉ bất kính. Với thái độ cực đoan đó, Chúa Giêsu đã vạch trần tâm ý của họ với một lời thật xót xa “Không một tiên tri nào được kính trọng tại quê hương mình”.

Đó là cách cư xử bất công của con người ngày hôm qua cũng như hôm nay. Họ đánh giá nhau theo định kiến có sẵn trong đầu. Đôi khi còn bị ác cảm, yên trí về địa vị, gia tộc và quá khứ của một người, khiến chúng ta đánh giá sai lệch và nông cạn về nhau. Thực tế là vậy, khi chúng ta đã không có cái nhìn khách quan sẽ dẫn đến những nhận định bất công và thiếu trung thực. Vì “Yêu ai thì nói quá ưa – Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”. Người tốt hay xấu tùy thuộc vào cái nhìn của chúng ta. Có người ở đây được coi là xấu, ở nơi khác lại được đánh giá là tốt. Có người ở nhà được coi là vô tích sự nhưng ở ngoài lại hoạt bát nhanh nhẹn. Có người ở đây được tán thưởng, ngợi khen, về nhà bị khinh bỉ, xem thường.

Phải chăng Lời Chúa hôm nay là lời nhắc nhở về thái độ vô ơn và bất cập của chúng ta? Tại sao chúng ta không khuyến khích nhau vươn lên thay vì kèn cựa và nói hành nói xấu lẫn nhau? Tại sao chúng ta không có cái nhìn tốt về nhau để sống vui tươi lạc quan, thay cho cái nhìn thiển cận và thiếu yêu thương chỉ dẫn đến làm đau lòng nhau? Xin Chúa giúp chúng ta đủ khôn ngoan nhận ra giá trị lớn lao của nhau, để có thái độ tôn trọng và tri ân. Xin Chúa ban cho chúng ta một tâm hồn rộng mở và giầu lòng quảng đại để chúng ta đón nhận nhau trong yêu thương, và nhất là biết đối xử tốt với nhau khi còn đang sống bên nhau, đừng để thời gian trôi qua trong sự tiếc nuối xót xa..., vì mình đã không một lần đối xử tốt với những người thân yêu mà nay đã không còn. Amen.

 

15.Đừng xem thường nhau

(Suy niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Con người sống bên nhau thường hay bị “quen quá hóa nhàm” hay còn gọi là “gần Chùa gọi Bụt bằng anh”. Xem thường người bên cạnh và ca tụng người xa lạ. Chê sản phẩm của đồng hương lại đề cao sản phẩm nước ngoài. Đôi khi sự chênh lệch chẳng là bao. Có khi ngược lại hàng Việt Nam lại chất lượng cao hơn hàng ngoại. Người Việt Nam hơn hẳn người nước ngoài.

Có một lần tôi qua Mỹ và vào một siêu thị mua sắm, sau khi tìm kiếm mãi tôi cũng chọn cho mình một cái áo thun phù hợp giữa hàng trăm ngàn cái áo. Người bạn đi cùng bảo tôi: coi chừng lại là Made in Việt Nam! Và quả thật khi nhìn kỹ đúng là hàng Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ.

Đúng là “Bụt nhà không thiêng” hay nói như lời Chúa Giê-su: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”

Thực vậy, Chúa Giê-su trong thân phận con người cũng chịu sự đời nghiệt ngã ấy. Người ta đánh giá nhau không phải do tài năng mà do thành kiến có sẵn để rồi dè bỉu chê bai. Và người ta cũng đánh giá Chúa với cái nhìn định kiến có sẵn về gia thế của Người. Mặc dù danh tiếng Chúa Giê-su đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc chữa lành nhiều bệnh nhân, thế nhưng khi trở về quê quán, những người đồng hương chỉ nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giê-su, chỉ nhìn đến anh chị em họ hàng của Người thuộc hàng dân dã, và ngay cả bản thân Người trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng, nên họ đã không nhận ra thiên tính nơi Người mà chỉ xì xào bàn tán với nhau: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người" (Mc 6,3)

Tiếc thay, việc đánh giá Chúa Giê-su dựa vào gia thế, nghề nghiệp mà không dựa vào phẩm chất của Người nên dân làng Na-da-rét đã đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Chúa Giê-su ưu ái dành cho họ.

Và hôm nay chúng ta cũng đánh mất nhiều sự trợ giúp từ những người thân cận chỉ vì chúng ta đã quá xem thường nhau.

Có một lần tôi gặp một bạn trẻ cùng quê với tôi ở Gia Kiệm, anh là một người rất thành đạt. Tôi hỏi: sao không về quê mở mang cho xứ quê nhà? Anh bạn trẻ ấy nói: có ai tin mình đâu mà có thể làm được gì cho xứ nhà!

Một lần tôi đến thăm và ăn cơm với một gia đình người quen. Cơm nấu rất ngon nên tôi khen thế nhưng cô vợ bảo: thế mà chồng con ngày nào cũng chê ăn chẳng ra gì!

Và còn đó những bạn trẻ tài năng vẫn bị cha mẹ xem thường, và vẫn còn đó những người đồng hương bị anh em tẩy chay xem thường, và vẫn còn đó những cặp vợ chồng luôn xem thường nhau bằng những lời khinh khi xúc phạm đến nhau...

Cuộc đòi sẽ đẹp biết bao nếu mỗi người biết nhìn nhận giá trị của nhau, biết nhận ra cái tốt của nhau để khích lệ thay vì chỉ tìm cái xấu để bôi nhọ xem thường. Xin Chúa giúp chúng ta đủ khôn ngoan nhận ra giá trị lớn lao của nhau, để có thái độ tôn trọng và tri ân. Xin Chúa giúp sức để chúng ta đừng bao giờ thất vọng về bản thân mà biết nhận giá ưu điểm của mình để cống hiến cho tha nhân trong khả năng của mình.

 

home Mục lục Lưu trữ