Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1355141

Có Ai Ngờ

Cập nhật : 26-11-2010
 

Có ai ngờ ?

Có ngờ ngày 11 tháng 9 vừa qua đã để lại một vết đau trong dòng lịch sử nước Mỹ? Trung Tâm Mại Dịch Thế Giới ở Nữu Ước và Ngũ Giáo Đài ở Hoa Thịnh Đốn bị quân khủng bố tàn phá thảm thương. Có ai ngờ khoảng 5,000 người thuộc 67 quốc gia đã thiệt mạng ngay sáng hôm đó? Có ai ngờ nên kinh tế, giao thông của một đại cường quốc bị ảnh hưởng khá nặng – khoảng 80,000 nhân viên thuộc 3 hãng máy bay lớn American Airline, United Airline, và Delta bị mất việc; nếu chính phủ không trợ giúp kịp thời, nhiều hãng máy bay có thể bị phá sản? May thay, mới đây tổng thống Mỹ, George Bush, đã vội đề nghị một ngân khoảng 60-75 tỉ mỹ kim để trợ giúp cho việc tái thiết những thiệt hại này.

Thật, nếu nước Mỹ biết giờ nào quân khủng bố đến, và đến bằng cách nào, thì hẳn họ sẽ canh phòng cẩn thận. Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh mỗi người chúng ta: “Phải sẳn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.” (Mt 24:44).

Nghĩ đến khủng bố và suy ngắm về Lời Chúa hôm nay, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không rục rịch. Khi nghĩ đến rục rịch, tôi liên tưởng đến ngay một trong những chứng bệnh tâm linh mà nhiều người trong chúng ta thường mắc phải. Đó là chứng bệnh tự mãn. Là linh mục, tu sĩ, có lẽ có những lúc chúng ta tự mãn về sự “đạo đức, thánh thiện” của mình – thích “kéo dài kinh kệ”, “may dài tua áo”, “ngồi chỗ trọng nơi tiệc tùng”, và được mọi người chào “cha”, “thầy”. Là những bậc cha mẹ có thể lắm khi chúng ta tự mãn về “khuôn vàng thước ngọc” mà mình đã dầy công thao luyện, và do đó thiếu sự lắng nghe nơi con cái. Những lời nói như: “cái gì mà tao không biết!” hoặc “trứng mà mày đòi không hơn rận à?” không phải là không dễ nghe thấy. Là bậc làm con có thể cũng đầy dẫy những lần đắc chí, huênh hoang, tự mãn về sự “thức thời”, “sành đời”, thông thạo ngôn ngữ của mình và rồi dễ đâm ra khinh khi miệt thị bố mẹ—“Má hiểu cái gì... ba cái thứ đó cứ nói hoài... cổ quá rồi... điếc cái lỗ nhĩ quá nè...” và một thí dụ điển hình ta thấy trong Phúc âm là người con phung phá.

Chúng ta biết tự mãn là con đẻ của kiêu căng. Chúa rất ghét và nhiều lần Chúa trách: “Ta sẽ làm cho nó nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu... để xem chúng còn huênh hoang nữa không...” Nơi khác trong Cựu ước còn nói: “Các người chớ nhiều lời huênh hoang tự đắc, miệng đừng thốt ra điều ngạo mạn, vì Chúa là Thiên Chúa quán thông, mọi hành vi, chính Người xét xử.” (1Sam 2:3)

Chớ tự mãn. Hãy đề phòng. Hãy sẵn sàng. Và đó chính là ý nghĩa của mùa Vọng mà hôm nay phụng vụ Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta bước vào. Mùa Vọng là mùa dễ thương dễ mến, gồm 4 tuần lễ, khai mạc năm phụng vụ. Mùa Vọng là mùa thơ mộng nhất trong các mùa của năm phụng vụ. Đây là thời điểm chúng ta chuẩn bị dọn mình đón mừng ngày Chúa sinh ra. Từ ngữ mùa Vọng có nghĩa là “đang đến”, tức là sự đang đến của Chúa Kitô Đấng Cứu Thế. Việc Chúa đến có nhiều cách khác nhau. Có người nghĩ rằng mùa Vọng chỉ liên quan đến việc Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem cách đây  2,000 năm. Nhưng các kinh nguyện phụng vụ của Giáo hội trong mùa này đề cập việc Chúa đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Một ý nghĩa thứ ba nữa là việc Chúa đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta, trong cuộc sống chúng ta, bằng ơn thánh. Nếu chúng ta cố gắng sống điều Chúa Giêsu và Giáo hội dạy, thì chắc chắn mùa Vọng này sẽ đem lại cho chúng ta một cảm nghiệm sâu xa, dẫn chúng ta đến “chính nguồn ơn thánh” trong dịp Giáng sinh này.

Việc Chúa đến Chúa sẽ đến. Nếu chúng ta chuẩn bị sẵn sàng, rộng mở cõi lòng, chắc chắn chúng ta sẽ không ngờ được ân phúc tràn trề Chúa hứa ban. Và chắc chắn chúng ta cũng sẽ không ngờ một sự mất mát lớn lao như thế nào một khi chúng ta không rục rịch.

Br Minh Trân, CMC
 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ