Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 32

Tổng truy cập: 1360946

CÓ DỪNG CHÂN NHƯNG KHÔNG DỪNG LẠI

CÓ DỪNG CHÂN NHƯNG KHÔNG DỪNG LẠI

 

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

Là Kitô hữu, chúng ta thường nghe cụm từ “hành trình đức tin”. Tin là một quá trình bước đi không ngừng, tiến mãi về phía trước để gặp Đấng vô hình. Thỉnh thoảng có dừng chân nhưng không bao giờ đứng lại.

Sau khi hỉ hoan về phép lạ cả thể mà Thầy đã thực thi cho gần vạn người no nê, các tông đồ lại phải chưng hửng lần nữa vì lệnh của Thầy: Hãy lên đường! Hãy xuống thuyền mà qua bờ bên kia! Cám dỗ dừng chân đứng lại và nghỉ ngơi trên thành công, trên chiến thắng vẫn luôn có đó với phận người. Sau khi khánh thành một công trình hoành tráng, sau khi hoàn thành một cuộc lễ hay một cuộc tổ chức lớn bé, thì dừng chân, ngồi lại để lượng giá, kiểm thảo để rút kinh nghiệm là điều cần thiết, nhưng để đứng lại chiêm ngắm vinh quang là một cám dỗ triền miên và thật khó lường hậu quả. Ròng rã hơn mười mấy năm trong vai trò thầy giúp xứ cũng như hơn mười mấy năm đời linh mục, bản thân nghiệm thấy chính mình và các đấng khi xây dựng một công trình nào đó thì chuyện hay đi lui đi tới ngắm nghía công trình là chuyện như cơm bữa. Ai lại không thích ngắm nghía vinh quang của mình. Ai lại không nghe người ta trầm trồ về cái gọi là thành công của mình. Hễ có khách đến thăm thì phải tìm dịp giới thiệu cho được những gì mình đã “ra tay”.

Các tông đồ năm xưa chẳng hơn gì chúng ta hôm nay. Dù chỉ là những người giúp phân phát bánh – cá, nhưng các ngài làm như chính tay mình thực thi kỳ công “phép lạ hóa bánh”. Theo Tin mừng thánh Gioan thì việc người dân muốn tôn Chúa Giêsu làm vua có thể là do dân chúng tự phát cũng có thể là bởi sự gợi ý có chủ đích của nhóm mười hai vị rất tham “ngồi bên hữu, bên tả Thầy trong vinh quang” (x. Mc 10,35-40). Đêm đã về. Dân chúng đã no nê. Chúng mình cũng đáng được hả hê nghe bao lời chúc tụng chứ. Chuyện bất ngờ đã đến, dù không ai thích thú chút nào. Thầy ra lệnh tất cả xuống thuyền ngay. Còn Người thì giải tán dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình.

Bỏ vinh quang, bỏ thành công rực rỡ để ra đi là một điều không dễ chút nào. Cảnh đời phía trước mịt mùng khó tiên liệu và sóng gió ba đào là chuyện dường như khó tránh. Các tông đồ hôm ấy đã phải đương đầu với hiện thực ấy. Sóng thì to, gió thì lớn. Thuyền đang chơi vơi nghiêng ngã. Lòng các ngài cũng ngã nghiêng theo gờ cạnh con thuyền. Tâm trạng của tiên tri Êlia năm nào cũng không khác gì. Sau chiến tích oanh liệt hạ gục những 450 sư sãi thần Baal, Êlia đã phải trốn chạy sự truy đuổi, tìm diệt của hoàng hậu Giêdabel. Sau vinh quang thì tai họa liền kề.

“Ra đi là chết trong lòng một ít”. Chẳng có sự dứt bỏ nào mà chẳng có xót xa hay đau đớn, nhất là phải từ bỏ những thành công huy hoàng hay những hạnh phúc êm ả cho dù chúng là hữu hạn của đời thường. Hạnh phúc đích thực vẫn ở phía trước. Đó là Thiên Chúa, Đấng không chỉ chờ đợi mà đang tiến tới để đón gặp chúng ta.

Tin là bước đi, là ra đi, tiến về phía trước, về nơi chưa hề biết như Abraham ngày nào. Bỏ quê hương, xứ sở, bỏ cả gia tộc thân yêu để lên đường. Xót dạ khi ra đi và bâng khuâng khi tiến về phía trước. Nào là sóng gió cuộc đời, nào là phong ba tình người, tất thảy như đang chờ đợi để dập vùi, đánh đắm con thuyền đời ta. Một Phaolô hết lòng hết dạ với người đồng hương Do Thái, ngài đã khẳng định: “Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và lìa xa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9,3). Hiểu cho đúng thì Phaolô không quay lưng với tôn giáo tổ tiên mà tiến lên một tầm cao mới trong hành trình đức tin khi đã được diện kiến Đức Kitô phục sinh, Đấng Thiên Sai mà tổ tiên ông hằng mong đợi, thế mà ngài vẫn mãi bị người đồng hương xem là phản đạo, bội giáo, bỏ đạo để rồi luôn tìm cách bắt giết. Một khi đã ra đi, tiến về phía trước thì cái giá cần trả không chỉ là gian nguy, khốn khó mà cả sự lo âu, phiền muộn. Ngài thú nhận: “Thưa anh em, có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật. tôi không nói dối, và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đổi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi” (Rm 9,1-2).

Với Êlia, với Phaolô hay với các tông đồ khi ở trên thuyền chòng chành giữa biển đầy sóng gió, Thiên Chúa không bao giờ để các ngài cô đơn một mình. Người hằng ở với họ. Người luôn đồng hành với họ. “Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). “Ơn Ta đủ cho con” (2Cor 12,9). “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Gio 14,18). Dù giữa biển khơi hay giữa đêm tối của cuộc đời, Đấng làm người mãi ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Chỉ một điều là hãy nhắm đích và tiến thẳng trong niềm tin.

Thỉnh thoảng cũng nên biết dừng chân để tự kiểm để định hướng hay chỉnh hướng, nhưng không được phép đứng lại. Đứng lại là một trong những thái độ tự hài lòng về thành công của chính mình. Từ chỗ hài lòng đến chỗ tự cao tự đại là một khoảng cách không mấy xa. Và hậu quả của sự tự kiêu, tự mãn như đã nhãn tiền. Chưa tính đến chuyện Chúa hạ kẻ tự kiêu và nâng cao người phận nhỏ (x. Lc 1,52), thì chính kẻ cao ngạo, họ đã tự đặt mình vào vị thế cheo leo và sẽ ngã không biết lúc nào.

Đứng lại cũng là một hành vi tỏ dấu sự nghi ngờ. Khi thiếu niềm tin hay khi lòng tin yếu kém thì ta rất dễ bị cám dỗ dừng lại, không can đảm tiến lên. Những cái sợ như sợ khó, ngại khổ, sợ thất bại… nhiều khi nhấn chìm chúng ta trong các trở ngại khách quan vốn dĩ không thể tránh của kiếp người.

Không ai là không một lần gặp chông gai, sóng gió. Không ai là không đã từng nhiều lần ngã quỵ vì gian truân, khốn khó. Chuyện ngã, chuyện té là chuyện bình thường của phận người. Điều quan trọng là biết chỗi dậy và tiến lên. Trong niềm tin vào tình yêu của Đấng đã tự nguyện làm bạn đời của ta là Đức Giêsu, ước gì chúng ta được như thánh tông đồ dân ngoại là “quên đi những gì phía sau để lao mình về phía trước” (Pl 3,13).

 

47.Chúa Nhật 19 Thường Niên

HÃY NHÌN VÀO NHỮNG NGƯỜI QUANH BẠN ĐỂ CẢM NGHIỆM THIÊN CHÚA

(Suy niệm của Jaime L. Waters - Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển)

Bài Tin mừng Chúa nhật 19 Thường niên năm A hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu huấn luyện các môn đệ trở nên những nhà lãnh đạo tương lai. Các môn đệ được đặt trong một tình huống gây lo lắng và phải tìm kiếm sự trợ giúp của Chúa để sống còn.

Chúa Nhật tuần vừa rồi, chúng ta đọc Tin mừng kể việc Chúa Giêsu nuôi ăn đám đông dân chúng và mời gọi các môn đệ cộng tác vào phép lạ này qua việc phân phát bánh và cá cho đám đông. Phép lạ hóa bánh ra nhiều biểu lộ sự quan tâm của Chúa trong việc cung cấp phương tiện sinh sống, và ám chỉ đến những hành động ngôn sứ của Êlia và Elisa, là những người cũng đã được Thiên Chúa ban quyền năng để có thể làm cho một ít thức ăn đủ trong một khoảng thời gian dài (1V 17, 8-16; 2V 4, 42-44).

Sau phép lạ, Chúa Giêsu lui khỏi nơi đó và bảo các môn đệ lên thuyền vượt qua biển hồ Galilê. Hành trình ngắn này lại gặp một loạt các biến cố, những hướng dẫn và mặc khải giúp các nhà lãnh đạo tương lai củng cố đức tin của mình và ngày càng hiểu biết đầy đủ hơn về Chúa Giêsu. Ngay cả môi trường cũng tham gia vào tiến trình huấn luyện này.

Trước tiên, Chúa Giêsu đi lên núi cầu nguyện, một địa điểm làm gợi nhớ lại những cuộc gặp gỡ của các ngôn sứ với Thiên Chúa, đặc biệt là ông Môsê và ông Êlia, như trong bài đọc thứ nhất hôm nay cho thấy ông Êlia cầu nguyện trên núi Hôrép. Trong khi Chúa Giêsu cầu nguyện thì các Tông đồ chiến đấu với sóng gió trên biển hồ. Chúa Giêsu xuất hiện và đi trên mặt nước, vang vọng lại dấu chỉ quyền năng thần linh trong Cựu ước (G 9, 8; Tv 77, 19). Tuy nhiên, các môn đệ lại không nhận ra Chúa Giêsu và cho rằng Ngài là ma. Chúa trấn an họ và nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. “Chính Thầy đây” theo tiếng Hy Lạp là ego eimi, nghĩa là “Ta là”, giống như việc xác nhận danh thánh của Thiên Chúa cho ông Môsê nơi bụi gai bốc cháy ở trên núi Hôrép (Xh 3, 14). Câu nói “Chính Thầy đây” biểu thị sự hiện diện của Chúa nhưng các Tông đồ lại tìm kiếm thêm một sự bảo đảm khác.

Phêrô đòi có chứng cứ để đi đến gặp Chúa và Chúa Giêsu đồng ý bằng cách giúp cho ông đi trên mặt nước mà đến với Ngài. Nhưng gió thổi quanh Phêrô khiến ông sợ hãi và chìm xuống nước. Chúa Giêsu giúp đỡ nhưng cũng khiển trách nỗi sợ hãi của ông: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”

Chúa Giêsu đi bộ trên nước là một cuộc thần hiển, một biểu hiện thần linh cho phép các môn đệ hiểu và cảm nghiệm về Thiên Chúa đầy đủ hơn. Cuối cùng phản ứng của các ông là thờ lạy và tuyên xưng thiên tính của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Khi bước đi đi trên mặt nước, Chúa Giêsu tỏ mình với các môn đệ, dùng một trải nghiệm khó khăn để sửa sai nỗi sợ hãi và gia tăng sự hiểu biết cho các ông.

Suy gẫm về đoạn Tin Mừng, chúng ta có thể thấy mình như là những môn đệ đang tìm kiếm sự an ủi của Thiên Chúa khi gặp phải những tình cảnh bất ngờ và khó xử. Niềm ủi an này được ban tặng qua việc chúng ta phải tìm đến để nhận ra Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Có lẽ cuộc trực tiếp thần hiện như việc Chúa Giêsu đi trên sóng nước là hiếm có, vì thế chúng ta cần nhạy bén với thế giới xung quanh và tìm kiếm Chúa ở những nơi và những người chúng ta gặp gỡ.

Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2020/07/17/experience-god-look-people-around-you?fbclid=IwAR3EUthXAKrs62fyPdsxtGiKdIq8uv67Xf2v0TL7tk6fMQd7lpsI4b3hChcE5gYIjuEAXzZlpqWW0MopV

 

48.Hãy lưu lại trên thuyền – Charles E. Miller.

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’)

Nước bao phủ hai phần ba bề mặt trái đất. Chúng ta biết rằng chúng ta không thể sống nếu không có nước, nhưng đôi khi chúng ta không thể sống với nước. Nước là một sức mạnh quyền năng và bí nhiệm mà có thể nói là sống hay chết.

Các tông đồ hiểu nước rất rõ. Họ là những người đánh cá, nên nước là chính cuộc sống của họ. Đối với họ, nước có nghĩa là sự sống. Nhưng rồi vào một đêm kia, với những ngọn gió gào thét trên họ và nước gầm rú dưới chiếc thuyền của họ, họ biết bây giờ nước có nghĩa là chết. Họ kinh ngạc xiết bao khi thấy Chúa Giêsu hướng về phía họ mà lại đi trên mặt hồ! Khi họ nhận biết rõ đó chính là Chúa Giêsu chứ không phải là ma, họ mới như trút được nỗi sợ hãi, nhưng sự bốc đồng của Phêrô chưa thoả mãn. Ông ước ao một điều gì đó hơn là những gì ông đã thấy nữa kia. Ông trông mong Chúa Giêsu hành động một cách kỳ lạ hơn nữa kia: “Ông thật sự muốn Chúa Giêsu ban quyền cho ông đi trên mặt nước”.

Phêrô cầu xin: “Xin cho con đi trên nước để đến với Thầy”. Ngạc nhiên Chúa Giêsu đáp: “Hãy đến”. Những điều đó không thành công. Phêrô bắt đầu chìm xuống biển vì thiếu lòng tin. Có lẽ Chúa Giêsu không muốn đáp ứng đòi hỏi không đúng của Phêrô vì Người muốn dạy cho ông và cho tất cả chúng ta một bài học, hãy bằng lòng với cách thế mà Chúa đã thực hiện chứ đừng đòi hỏi Người làm theo cách của ta.

Đó là một bài học ngay với tiên tri cao cả là Êlia cũng phải học. Êlia đã làm chứng cho quyền năng tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng đã đáp lời cầu nguyện của ông, đã mang lửa từ trời xuống thiêu rụi con bò tơ như một của lễ hy sinh. Điều này đã xảy ra khi những lời cầu nguyện của các tiên tri, các thần ngoại giáo đã được minh chứng là vô dụng. Nữ hoàng Giêzebel, kẻ thù không đội trời chung với Êlia, đã giận dữ vì sự thành công của vị tiên tri. Bà đã thề là bà sẽ giết ông cho kỳ được. Êlia đã chạy trốn để cứu lấy mạng sống. Chúng ta thấy ông đang trốn trong một cái hang bài đọc hôm nay. Chắc chắn ông đã hy vọng một sự tỏ hiện kỳ diệu của Thiên Chúa qua một cơn gió lớn mạnh tiếp đó là trong cơn động đất, rồi là lửa, nhưng Chúa không ngự trị trong những hiện tượng này. Nhưng Êlia đã thấy Chúa ngự trong ngọn gió nhẹ rì rào. Êlia học biết rằng chúng ta phải bằng lòng với cách thế mà con Thiên Chúa chọn để hành động.

Chúng ta có thể muốn Thiên Chúa hành động nhân danh chúng ta bằng những phương cách bất thường, như cho phép chúng ta đi trên nước mà đến với Người. Nhưng chúng ta vẫn ở lại trên thuyền, thuyền đây biểu trưng là Giáo Hội. Giáo Hội sẽ không bị chìm cho dù sóng to gió lớn đến mức nào, đó là những gương mù gương xấu trong Giáo Hội đã làm chúng ta phải bực tức. Giáo Hội sẽ không bị lật úp bởi những ngọn cuồng phong, đã đe doạ dập tắt đức tin của chúng ta và làm cho chúng ta phải cực lòng. Dù cho bất cứ điều gì khác có xảy đến, chúng ta biết rằng ở nơi con thuyền Giáo Hội chúng ta sẽ luôn luôn tìm gặp Thiên Chúa.

Trong Giáo Hội, Thiên Chúa hành động theo cách riêng của Người. Chúng ta sẽ run sợ và không nghi ngờ gì khi chúng ta thấy Thiên Chúa hiện diện trong ngọn lửa hồng xuống thiêu rụi lễ vật hy sinh và tiên tri Êlia dâng tiến nhưng cung cách của Chúa Giêsu đơn giản hơn, giống như ngọn gió thổi hiu hiu. Người chọn cách nói với chúng ta, không hề ồn ào trong ngọn cuồng phong nhưng trong âm vang của con người qua những lời trong Thánh Kinh. Người chọn cách đến với chúng ta không phải trong cơn run rẩy lúc động đất, nhưng dưới những hình thức đơn giản của bánh và rượu.

Trong mọi trường hợp, qua mọi nhu cầu của cuộc sống, chúng ta sẽ tìm thấy Thiên Chúa nhưng chúng ta phải ở lại trong con thuyền, để trở nên những môn đệ trung thành trong Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

 

49.Hãy nhìn lại bầu trời - Lm Mark Link, SJ

Chủ đề: "Nếu chúng ta cảm thấy khó sống phúc âm,

có lẽ do chúng ta đã rời mắt khỏi Chúa Giêsu."

Có một ông nọ nói: "Tôi cứ nghĩ là càng về già tôi sẽ càng ít bị cám dỗ, nhưng thực tế tôi lại bị cám dỗ nhiều hơn." Có một phụ nữ kia nói: "Tôi cứ ngỡ là khi các cháu bé lớn lên tôi sẽ kiên nhẫn hơn, thế mà ngược lại tôi thấy mình nóng tính hơn trước". Một thiếu niên nói: 'Trước đây tôi cứ nghĩ vâng phục luật Chúa là dễ dàng. Bây giờ thì tôi lại thấy càng ngày càng khó ".

Bạn có lời nói nào tương tự như vậy không? Bạn có thấy bị cám dỗ thường xuyên không? Bạn có thấy mất kiên nhẫn với những kẻ thân yêu không? Bạn có cảm thấy càng ngày càng khó vâng theo luật Chúa không? Nếu có, thì bài Phúc Aâm hôm nay chắc chắn là một sứ điệp quan trọng đối với bạn.

Câu chuyện trên đây minh hoạ điều đó. Nó giống hệt câu chuyện trong Phúc Âm hôm nay.

Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thuỷ thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên trên cột buồm. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng cậu lại phạm một sai lầm. Cậu nhìn xuống mặt nước biển trong cơn bão thế là cậu bị chóng mặt và sắp sửa ngã xuống.

Thấy thế, một thuỷ thủ già liền la to lên với cậu: "Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi! Nhìn lên lại bầu trời đi!". cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn. Lỗi lầm của cậu bé, giống hệt lỗi lầm của Phêrô trong Phúc âm hôm nay. Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình và đã nhìn xuống mặt biển giông tố giống như Phêrô đã rời mắt khỏi Chúa Giêsu và nhìn xuống mặt biển giông tố.

Và điều này thường xảy ra cho bạn cũng như cho tôi. Lúc đầu chúng ta khởi sự cuộc sống thật tốt đẹp, đôi mắt đăm đăm nhìn vào Chúa Giêsu, nhưng rồi một điều gì đó xảy đến khiến chúng ta rời xa mắt Ngài. Chúng ta không còn nhìn vào Chúa Giêsu nữa; thế là chúng ta bị mất thăng bằng, chúng ta bắt đầu chìm xuống. Tôi xin nêu một ví dụ cụ thể.

Trong cuốn sách tựa đề "The Taste of New Wine" (Hương rượu mới), Keith Miller có mô tả một biến cố thay đổi cuộc đời ông. Biến cố này xảy ra vào mùa hè ngay sau năm thứ nhất đại học của ông. Ðêm hôm ấy, Keith bị thương nặng vì một tai nạn xe hơi. Cậu nằm sõng soài bên vệ đường suốt một tiếng rưỡi chờ xe cứu thương. Khi tâm trí hoàn toàn tỉnh táo, cậu bắt đầu cầu nguyện. Ðang khi nằm đó cầu nguyện trong bóng đêm, một cảm giác an bình xâm chiếm con người cậu. Keith viết: "Tôi nghĩ thật xấu hổ biết bao khi khám phá ra quá trễ trong cuộc đời có loại an bình thực sự như thế. Lần đầu tiên, tôi không biết sợ chết". Keith cho biết, lúc đó cậu nhận thức được rằng dầu có chết cậu cũng sẽ chết trong khi biết mình đã được tiếp xúc với một điều gì đó thân mật và có thực. Dù điều ấy là gì đi nữa, điều quan trọng là mãi cho đến bây giờ cậu mới khám phá ra điều ấy trong cuộc sống của mình.

Thế rồi Keith đã thoát được tai nạn đó và bình phục trở lại. Cậu trở lại đại học và được bầu làm chủ tịch hội huynh đệ của lớp đại học năm thứ hai. Chẳng bao lâu cậu lại bị khích động bởi đời sống hào nhoáng ở đại học. Nghĩa là, Keith đã quay mặt khỏi Chúa Giêsu, Ðấng mà cậu đã từng gặp bên vệ đường.

Sau khi tốt nghiệp, Keith lập gia đình và làm việc cho một hãng xăng dầu ở Texas. Nhưng cậu đã không được hạnh phúc như cậu từng mơ ước. Một hôm, Keith buồn quá, cậu chui vào chiếc xe hơi của công ty rồi vọt đi. Chạy được một lúc cậu cho xe lên vệ đường, tắt máy rồi ngồi thừ ra đó. Trước đây, Keith luôn luôn tin tưởng rằng luôn luôn có lối thoát cho buồn sầu, chẳng hạn uống vài ly Martini và ngủ một giấc thật say là có thể khởi sự lại vào sáng sớm hôm sau. Thế nhưng hiện giờ không còn có sáng hôm sau nữa. Cậu ta đã đến bên bờ vực thẳm rồi. Cậu nhìn lên trời cao và la to lên với Chúa: "Nếu Chúa muốn điều gì nơi con thì Ngài hãy lấy đi, con thực tình muốn như thế!".

Câu chuyện trên xảy ra cách đây đã nhiều năm. Tuy nhiên điều xảy ra trong đời Keith vào ngày đó đã không bao giờ rời cậu ta nữa. Hôm đó, không có những tiếng nói mầu nhiệm. Hôm đó Keith chỉ nhận ra những điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Chúa không cần tiền bạc, thời giờ của chúng ta. Ngài chỉ cần ý muốn của chúng ta và nếu chúng ta dâng cho Ngài ý muốn này, Ngài sẽ chỉ cho chúng ta cuộc sống mà từ trước đến giờ chưa bao giờ chúng ta thấy, và có thể nói đây là một cuộc tái sinh thực sự.

Một lần nữa, Keith lại hướng đôi mắt nhìn vào Chúa Giêsu, và ngay lúc đó, cậu lại tìm được sự bình an thâm sâu mà nhiều năm trước đây cậu đã khám phá ra trong lúc nằm sõng soài bên vệ đường.

Tất cả chúng ta đều đã từng có những cảm nghiệm giống như Keith. Nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta đã cảm nghiệm sự hiện diện quyền năng của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, giống như Keith, chúng ta đã rời mắt mình khỏi Chúa Giêsu, đã bỏ Ngài để đi tìm những sự vật khác. Và cũng như Keith chúng ta đã bị mất thăng bằng.

Bài phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta thẳng thắn nhìn vào cuộc sống của mình. Nếu chúng ta không cảm nhận được sự bình an là niềm vui thiêng liêng mà ta đã từng cảm nhận, thì chắc hẳn là vì chúng ta đã rời mắt khỏi Chúa Giêsu. Nếu chúng ta đang sắp bị bão tố cuộc đời nuốt trửng, thì có lẽ là vì chúng ta đã rời mắt đi xa Chúa Giêsu. Bài phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta quay mắt trở lại nhìn vào Chúa Giêsu. Bài Phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta cùng nói với thánh Phêrô: "Lạy Chúa, xin cứu vớt con!". Nếu chúng ta chấp nhận lời mời gọi của Phúc âm thì tôi có thể dám chắc với các bạn chúng ta sẽ cảm nghiệm được giống như thánh Phêrô, chúng ta sẽ cảm nhận được bàn tay Chúa Giêsu giơ ra biểu lộ tình yêu đối với chúng ta.

Chúng ta không thể cảm nhận điều ấy ngay lập tức và một cách nhiệm mầu, tuy nhiên chúng ta cứ tiếp tục kêu cầu chúng ta sẽ thực sự cảm nghiệm điều ấy, để rồi chúng ta sẽ nói như thánh Phêrô: "Lạy Ngài, Ngài thực sự là Con Thiên Chúa".

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, Keith Miller đã gặp được Chúa lúc nằm sõng soài bên vệ đường trong một tai nạn xe hơi.

Tiên tri Êlia đã gặp được Ngài trong tiếng thầm thì nơi cửa hang.

Thánh Phaolô đã gặp được Ngài trong chớp sáng trên đường đi Ðamas.

Và Thánh Phêrô đã gặp được Ngài giữa cơn bão biển.

Xin hãy giúp chúng con gặp lại Ngài,

Xin hãy giúp chúng con biết chạy đến với Ngài.

Xin hãy giúp chúng con lại cảm nghiệm được sự hiện diện cứu độ của Ngài trong cuộc sống chúng con.

 

50.Xin cứu tôi.

Bài học của Phêrô bước đi trên biển đến với Chúa, và khi nghi ngờ sợ hãi ông đã bị chìm xuống cũng là bài học đức tin cho tất cả mọi người Kitô hữu. Khi nào không tập trung nhìn thẳng vào Chúa Giêsu mà chỉ nhìn vào những đối tượng khác, chúng ta sẽ bị khủng hoảng.

Một nam tu sĩ trong tu hội của Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến than phiền với mẹ về luật lệ của một vị bề trên đã ban ra, mà ông cảm thấy rằng nó đã cản trở việc mục vụ của ông. “Ơn gọi của tôi là làm việc cho những người cùi”, ông nói với Mẹ Têrêsa, “tôi muốn sống cho những người cùi”. Mẹ Têrêsa nhìn thẳng vào mắt vị tu sĩ một lúc rồi mỉm cười và nhẹ nhàng nói:“Thưa sư huynh, ơn gọi của sư huynh không phải là làm việc cho những người cùi, nhưng ơn gọi của sư huynh là thuộc về Chúa Kitô”.

Khi nào chúng ta không nhìn thẳng lên trời, không nhìn vào những điểm tích cực và lạc quan mà chỉ nhìn xuống, nhìn vào những hoàn cảnh đe dọa xung quanh, vào điều tiêu cực với lòng bi quan yếm thế, chúng ta sẽ bắt đầu chìm xuống.

Cha Mark Link đã dùng câu chuyện sau đây để minh họa cho điều này. Một con tàu đang gối sóng trên đại dương. Những cơn gió mạnh thổi ngược vào những cánh buồm làm chúng có thể bị rách bươm. Một chàng thủy thủ trẻ được lệnh phải trèo lên cột những cánh buồm lại. Anh chưa bao giờ trèo lên cột buồm chính vào thời tiết khắc nghiệt như vậy bao giờ. Anh bắt đầu trèo, và dường như muốn tụt xuống vì sự gầm thét của gió bão làm cho anh quá sợ hãi khi nhìn xuống. Trong kinh hoàng, anh tê cóng người lại, không thể leo lên hay tụt xuống được. Hoảng sợ anh la to:“Tôi sẽ ngã. Tôi sẽ ngã”. Viên chỉ huy hét lên thật lớn trong cơn gầm thét của bão tố:“Hãy nhìn lên!Hãy nhìn lên sẽ không bị ngã!” “Người đâu mà kém tin vậy!Sao lại hoài nghi?” (Mt 14,31)

Khi vượt biên đến trại tị nạn Thái Lan, tôi đã học thêm được hai từ Anh ngữ mới:“boat people and land people”, người đến bằng đường biển đã được Cao Uy Liên Hiệp Quốc áp dụng chính sách tị nạn cho đi định cư dễ dàng hơn. Sau khi vượt biên bằng đường bộ sang Campuchia, tôi đã xuống tàu vượt qua Vịnh Thái Lan. Con tàu chúng tôi sử dụng chỉ là chiếc tàu chở hàng nông sản trên dòng sông Cửu Long, chứ không phải chiếc tàu đánh cá ngoài biển khơi. Nó nhỏ bé và mong manh giống như chiếc lá trôi trên mặt đại dương bao la. Vào một đêm giông bão, trời tối đen như mực, ghé tai vào mạn thuyền có thể nghe tiếng gió kêu rít bên ngoài. Con thuyền cũ kỹ và bé nhỏ cố gắng trồi lên trên những ngọn sóng cao rồi lại lao đầu xuống vực thẳm đen tối. Sóng đập vào mạn thuyền kêu răng rắc. Mọi người trong thuyền chỉ còn nhắm mắt, bịt tai và cầu xin Thiên Chúa cùng Mẹ Maria cho qua được cơn khủng khiếp này. Bây giờ nghĩ lại kinh nghiệm này, tôi có cảm nghiệm giống như Phêrô. Ở trên một chiếc thuyền mỏng manh trôi trên biển cả, có khác nào Phêrô bước đi trên nước. Một kinh nghiệm vô cùng sợ hãi nhưng cũng tràn đầy ơn phúc!Tôi đã được cứu thoát là nhờ niềm tin và ơn phúc. Nếu bây giờ lập lại biến cố này, tôi sợ rằng sẽ chìm, vì sợ hãi đã càng ngày càng lớn và niềm tin lại suy yếu dần. Tôi đã nghi ngờ giống như Phêrô. Và chắc chắn cũng sẽ chìm giống như Phêrô!Trong lúc các môn đệ cần đến Chúa Giêsu, Ngài đã đến với họ. Khi có gió ngược và cuộc đời trở nên trắc trở khó khăn, Chúa Giêsu đã ở đó để giúp đỡ. Ngay khi chúng ta cần đến Ngài, Ngài đã ở ngay đó để giải cứu chúng ta.

William Barclay chia sẻ như sau:“Trong cuộc đời gió thường thổi ngược. Có những lần khi chúng ta đi ngược gió, và cuộc đời là một sự phấn đấu tuyệt vọng với chính mình, với những hoàn cảnh, những nỗi buồn và quyết định của mình. Những lúc đó, không ai phải phấn đấu một mình, bởi Chúa Giêsu đến với họ qua những sóng gió cuộc đời, với cánh tay đưa ra để cứu vớt và với giọng truyền êm ái ra lệnh cho chúng ta phải an tâm, đừng sợ hãi”. Thực ra câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt nước không phải là một biến cố tình cờ xảy ra cho các môn đệ. Đây là dấu hiệu và biểu tượng của tình yêu và quyền năng của Chúa Giêsu đối với dân Ngài khi gặp bão tố gian nguy. Tất cả chúng ta sẽ cảm nghiệm điều này nếu chúng ta kêu cầu với Ngài như Phêrô khi xưa: “Lậy Thầy, xin cứu con!”.

 

51.Chúa Nhật 19 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Gioan Phan Tiến Dũng)

“Phong ba bão táp-sóng gió cuộc đời” khi nghe những từ này, anh chị em có những cảm xúc hay ấn tượng gì chăng? Trong dịp đi thăm mục vụ các gia đình trong giáo xứ lần này, bản thân tôi cảm nhận được có quá nhiều “phong ba bão táp-sóng gió” mà ACE tín hữu phải đối diện, vật lộn và cố gắng để sống còn. Từ những người già yếu, neo đơn, bệnh tật, đến những người khó nghèo đến mức đang phải lo chạy kiếm cơm-gạo từng bữa. Từ những gia đình rối rắm vì hôn nhân đổ vỡ, đến những gia đình gặp khó khăn vì kinh tế làm ăn không may mắn, dẫn đến tan gia bại sản. Từ những gia đình vì kế mưu sinh phải đi làm xa mà cha mẹ phải để con cháu lại cho ông bà nuôi, đến những gia đình con cái hư thân, bất hiếu đến mức phải xa vào vòng lao lý… còn với chúng ta, ACE có thể kể ra được những loại “sóng gió cuộc đời” mà chính bản mình hay những người thân yêu của mình đang gặp phải và đối diện chăng? Nếu có những “cơn sóng gió” như vậy, thì chúng ta đã và đang làm gì?

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hình ảnh con người thực của ông Phêrô; ông đã phải đối diện với sóng to gió lớn gió từ bên ngoài của thiên nhiên-biển cả, cũng như những “sóng gió giằng co của nội tâm”, nhưng cuối cùng Phêrô đã cố gắng, nỗ lực hết sức để chống chọi, và đã vượt qua cách bình an. Chính vì vậy, Ngài đã trở nên mẫu gương sống động cho chúng ta qua 3 cách thức sau đây:

Thứ nhất: Phêrô là người có đầy nghị lực, là người luôn cầu tiến, là người dám mạo hiểm và có một chút phiêu lưu. Dẫu ông biết rằng bản năng yếu đuối của con người tất nhiên là không thể nào đi lại được trên mặt nước, nếu có thì chỉ có bơi hoặc nằm ngửa trên nước mà thôi. Biết vậy, nhưng ông vẫn cứ xin Chúa: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Trên bình diện con người, thì quả thật, lời xin của Phêrô có vẻ là điên cuồng. Vì làm sao chúng ta có thể đi trên mặt nước được mà xin. Nhưng trong đời sống đức tin thì lời xin và ước nguyện của Phêrô là hoàn toàn có thể. Thưa ACE, nếu chúng ta nhìn lại những ngày tháng đã qua khi đối diện với “sóng gió của cơn đại dịch” nhiều lúc chúng ta cứ tưởng như mình không thể vượt qua, hay đứng vững nỗi. Và rồi những thành quả mà hôm nay con người chúng ta thành công được phần rất lớn là do chúng ta biết tin tưởng kêu xin ơn Chúa thương trợ giúp qua lời cầu nguyện và qua muôn vàn cách thế của hành động bác ái yêu thương để phòng chống, bảo vệ và đẩy lùi dịch bệnh. Đây chính là thành quả của một đời sống đức tin trưởng thành của chúng ta. Thật vậy, trong hành trình của đời sống đức tin chúng ta hãy như Phêrô thêm vào mỗi ngày trong cuộc sống của mình một chút nghị lực, một chút cầu tiến, và một chút mạo hiểm phiêu lưu. Vì Chúa luôn dạy chúng ta “Các con hãy xin thì sẽ được…”

Thứ hai: Phêrô cũng là người yếu đuối, mỏng giòn, vấp ngã và bị chìm vào biển nước khi sóng to gió lớn nổi lên như chúng ta vậy. Nhưng điểm quan trọng là, nhờ có Chúa, nhờ tin vào lời Chúa “hãy đến”, ông đã đi được những bước đầu tiên trên nước. Chúng ta cứ tưởng tượng và hình dung khi đi được trên nước, Phêrô đã vui mừng, hạnh phúc hay tự hào, hãnh diện biết là chừng nào. Nhưng tại sao, chỉ mới sau được một vài bước đi thành công thì ông lại bị chao đảo và gần như bị chìm trong nước như vậy. Chắc chúng ta trả lời là tại vì sóng to gió lớn. Cũng đúng phần nào, vì đây là do bởi những tác động bên ngoài. Nhưng có lẽ cái làm cho Phêrô chao đảo và gần chìm là do “sóng gió nội tâm xâu xé từ bên trong”. Những sóng gió từ bên trong đó, có thể là do ông đã quên Chúa chăng? Có thể ông quên rằng việc mình đi được trên nước là do ơn Chúa ban cho, chứ không do khả năng của mình chăng? Hoặc cũng có thể là do ông đã nghi ngờ vào sức mạnh và quyền của Chúa? Vì ngay từ ban đầu khi thấy Chúa, họ cứ tưởng là ma, và ngay cả câu hỏi Phêrô đặt ra “nếu phải là Thầy”. Chúng ta cũng vậy, với thân phận con người, chúng ta nhận thấy rằng mình thật có quá nhiều yếu đuối, mỏng giòn và nếu chúng ta chỉ dựa vào sức riêng của mình thì kết quả sẽ là thất bại, vấp ngã và tội lỗi. Nhưng chúng ta luôn có Chúa và ơn thánh của Ngài bên cạnh. Chính vì vậy mà có mẫu gương-bài học thứ ba của Phêrô.

Trong hoạn nạn, “khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: Lạy Thầy, xin cứu con!” Phêrô đã biết kêu cứu Chúa giúp đỡ, Chúa trở thành điểm tựa duy nhất cho ông. Chính vì vậy mà ông đã mau mắn, cố chìa tay ra, giơ lên để cho Chúa nắm lấy tay, đỡ nâng và dìu dắt ông bước đi những bước còn lại trên nước cùng với Chúa để lên thuyền cách bình an. Là con người thì ai cũng có những yếu đuối, mỏng giòn, và tội lỗi, đặc biệt là những lúc chúng ta dường như sắp chìm vì “sóng gió của cuộc đời”. Những lúc như vậy, hãy học theo cách của Phêrô; là hãy luôn kêu cứu Chúa giúp đỡ với lòng tin, hãy cộng tác với ơn Chúa bằng cách khiêm tốn, mau mắn mở lòng ra và chìa tay ra để cho Chúa giúp đỡ qua các việc thực hành đạo đức và siêng năng đến với các bí tích. Vì chỉ khi chúng ta để cho Chúa kéo chúng ta lên, dắt chúng ta đi, khi Chúa hiện diện-đồng hành bên chúng ta, khi có Chúa trong “con thuyền cuộc đời” của mình thì tâm hồn và cuộc sống của chúng ta mới được bình an và hạnh phúc thật sự.

Ông bà chúng ta có câu: “lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Do vậy, trong mọi nghịch cảnh, xin cho chúng ta luôn biết đặt Chúa và ơn thánh Ngài làm trung tâm cuộc sống. Xin Chúa dạy chúng con như Phêrô luôn biết tìm Chúa khi đời chúng con dậy sóng. Vì đến muôn đời Chúa vẫn luôn là bến bờ hạnh phúc và an vui. Amen.

 

52.Gió trở nên yên lặng.

Trong Giáo Hội cũng như trong mỗi một cuộc đời người Kitô hữu, tất cả mọi sự đều diễn ra giữa niềm tin và sự sợ hãi. Đó là Tin Mừng của việc đi trên mặt nước.

Nỗi sợ hãi. Một chiếc thuyền ở xa bờ và lênh đênh giữa sóng gió. Đêm tối. Và có một con ma nữa chứ! Một nỗi sợ hãi làm cho những người mặc dầu ghê gớm cũng phải la lên.

Tin tưởng. Đêm dần tàn và người ta nhận ra Chúa Giêsu. Ngài bước đi trên biển! Ngài nói: “Thầy đây, các con đừng sợ”. Và nói với Phêrô: “ Cứ đến đây”.

Đây là ván bài của niềm tin và sự sợ hãi. Phêrô bắt đầu bước đi trên mặt nước. Nhưng ông sợ và chìm xuống: “Xin Thầy cứu con!” Chúa Giêsu nắm lấy tay ông và nói: “Tại sao ngươi lại hoài nghi?”. Đây là câu hỏi chính của bài suy niệm hôm nay. Câu trả lời sẽ là nhiệt tình tin tưởng hoàn toàn mà toàn bộ bài đọc hướng về đó: “Thầy là Con Thiên Chúa!”

Phép lạ này gây phiền nhiễu. Nó dường như vô ích (các phép lạ khác là để chữa bệnh) và theo kiểu khổ hạnh, nhưng trái lại phải thấy trong đó một bài học quan trọng đó là một phép-lạ–mạc-khải. Phép lạ này biểu thị những nỗi sợ hãi lớn lao của chúng ta và những đỉnh cao của niềm tin tưởng của chúng ta, khi chúng ta sống đức tin như là một kinh nghiệm “Thầy thật sự là Con Thiên Chúa!”

Tôi có nói về biểu tượng để ám chỉ rằng phép lạ đã không xảy ra và phép lạ chỉ là một điều giảng dạy hình tượng về niềm tin hay không? Không, những người này đã thấy rõ Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước. Họ đã thấy gió lặng yên. Chúa Giêsu đã làm điều đó vì họ, để làm cho niềm tin của họ vững mạnh: “Thầy đây, các con đừng sợ!”

Giờ đây, được chúng ta đọc lại, cũng chính biến cố này làm cho chúng ta suy nghĩ về niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu. Trong cuộc sống yên ổn, tin vào Chúa Giêsu chính làTin Mừng hy vọng: chúng ta thích điều Ngài nói, chúng ta muốn làm điều Ngài yêu cầu, nhất là khi Ngài nói về yêu thương.

Bão tố, đêm đen của những đau khổ thể xác, đêm đen của những thất bại, của phản bội, của tuổi già đang đến. Tin rằng Chúa Giêsu sẽ kéo chúng ta ra khỏi những làn nước này như thế nào?

Phép lạ xưa kia có thể trở thành phép lạ cho chúng ta. Cũng chính Chúa Giêsu ở đó và nói: “Đừng sợ”. Và Ngài nói: “Hãy đến đây!”. Nghe và hiểu được tiếng hãy đến đây chính là cảm thấy trong ta một ngọn lửa tin tưởng giống như canxi trong các mạch máu của chúng ta. Chúng ta hỏi Ngài chúng ta có thể đi tới Ngài, đi tới sự vững vàng và an bình, và Ngài nói với chúng ta: “Hãy đến đây!”. Nếu cuộc chiến chống lại sự sợ hãi rất gay go, chúng ta cảm thấy Ngài nhìn chúng ta với vẻ nghiêm khắc dịu dàng: “Kém tin thế, tại sao ngươi hoài nghi?”

Ngài nói với chúng ta và với Giáo Hội như thế. Con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội. Giáo Hội bị sóng gió vây bủa, nhưng Ngài hiện diện ở đó.

Khi chúng ta lắng nghe được tiếng nói này “đừng sợ”, sự việc có thay đổi hay không? Không hẳn, mặc dầu điều này vẫn có thể xảy ra. Nhưng chắc chắn chúng ta thay đổi, chúng ta mang cái dường như chúng ta không thể mang được. “Thầy là Con Thiên Chúa. Có Thầy con sẽ tiến bước trên các làn nước sợ hãi và đau khổ này”.

Tôi không thể đi xa hơn được, duy chỉ kẻ nào đã có kinh nghiệm về niềm tin mới biết câu “và gió trở nên lặng” có nghĩa là gì.

 

home Mục lục Lưu trữ