Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 77

Tổng truy cập: 1358418

Cỏ Lùng, Hạt Cải và Nắm Men

Cập nhật : 15-07-2011
 

CỎ LÙNG, HẠT CẢI VÀ NẮM MEN

 

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 13,24-43.

(24) Đức GIÊ-SU trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”. (25) Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27) Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? (28) Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” (29) Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. (30) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. (31) Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. (32) Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống. Nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất: Nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”. (33) Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”. (34) Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn nói với đám đông, và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, (35) hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: “Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa”. (36) bấy giờ Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. (37) Người đáp: “kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. (38) Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần. (39) Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. (40) vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu, và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người. (42) Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (43) Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe”.

2. Ý CHÍNH: BA DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI LÀ CỎ LÙNG, HẠT CẢI VÀ NẮM MEN.

Bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp tư tưởng của tuần trước, nhằm trình bày những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm Nước Trời như sau: Dụ Ngôn Cỏ Lùng (24-30): Trong Nước Trời tuy có nhiều người tốt lành nhưng cũng không ít kẻ tội lỗi. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi những kẻ tội lỗi sám hối để cũng được hưởng ơn cứu độ (x. 2 Pr 3, 15). Dụ ngôn Hạt Cải và Men trong bột (31-33): Hạt Cải Nước Trời lúc đầu nhỏ bé, nhưng sau này sẽ lớn lên thành cây rau to. Men là Nước Trời phải có sức thấm nhập để biến đổi khối bột thế gian trở nên tốt hơn. Cuối cùng là lời giải thích ý nghĩa của dụ ngôn “Cỏ lùng” (36-43).

3. CHÚ THÍCH:

- C 24-25: + Nước Trời ví như chuyện: Ở đây không cố ý so sánh Nước Trời với người gieo giống. Nhưng muốn qua công việc gieo giống của người nông dân để diễn tả ý nghĩa của mầu nhiệm Nước Trời. Nước Trời hiện tại có pha trộn kẻ lành người dữ, nhưng trong ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ phán xét để phân định rõ ràng chiên với dê, lành với dữ. + Người kia gieo giống tốt trong ruộng mình: Những gì Thiên Chúa thực hiện đều tốt đẹp, như tác giả sách Sáng Thế viết như sau: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (x. St 1, 10.12.18.21.25.31).+ Khi mọi người đang ngủ: Ngủ là lúc người ta dễ mất cảnh giác, và kẻ thù là ma quỷ sẽ thừa cơ lợi dụng để gieo cỏ lùng vào giữa lúa tốt. Cỏ lùng là thứ cỏ dại, rất dễ mọc lên và rễ của nó có thể làm hại cây lúa. Ma quỷ xảo quyệt chuyên đi cám dỗ loài người. Chúng gieo vào đầu người ta những tư tưởng hoài nghi và xúi giục họ không vâng phục Thiên Chúa, như xưa chúng đã cám dỗ nguyên tổ loài người phạm tội tổ tông (x. St 3, 1-7). + Rồi đi mất: ma quỷ vốn vô hình và làm việc cách âm thầm. Chúng hành động mà không để lại dấu vết, khiến người ta khó lòng nhận ra sự hiện diện của chúng để đề phòng.

- C 26-28: + Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện: Người tốt kẻ xấu luôn sống đan xen vào nhau, nên rất khó phân biệt ai là kẻ tốt ai là người xấu. + Đầy tớ: ám chỉ những người rao giảng Tin Mừng. + Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?: Đầy tớ phát hiện ra có cỏ lùng xen lẫn với lúa tốt, nên thắc mắc với ông chủ tại sao lại có cỏ lùng, đang khi ông chủ chỉ cho gieo toàn lúa tốt trong ruộng? + “Kẻ thù đã làm đó”: Ông chủ là Thiên Chúa, luôn bình tĩnh khi thấy ma quỷ hoành hành. Ông biết nó đang gieo rắc sự hận thù ghen ghét trong lòng người ta. + “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” : một số người công chính muốn tiêu diệt kẻ ác ngay lập tức. Nhưng điều này trái với tình thương bao dung của Thiên Chúa.

- C 29-30: + Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa: Ông chủ là Thiên Chúa luôn kiên nhẫn, muốn dành cho kẻ dữ có thời gian hồi tâm sám hối (x. Lc 13,8-9). Thực tế cũng có nhiều kẻ tuy nhất thời làm điều ác, nhưng bản chất vốn lương thiện, nên hy vọng sau này họ sẽ sám hối trở về với Chúa, giống như đứa con hoang đàng trở về nhà cha (x. Lc15,17-20). Nếu trừng phạt tội nhân ngay, thì không phù hợp với lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. + Mùa gặt: Trong Thánh Kinh, mùa gặt là hình ảnh diễn tả về ngày cánh chung hay tận thế, là lúc Thiên Chúa thu gom lúa tốt và loại bỏ rơm rạ (x. Is 17,5 ; Kh 14,14-20). Ngoài ra, câu này còn cho thấy Chúa để người tốt sống chung với kẻ xấu là để thử thách lòng tin của họ. + Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi: Sở dĩ ông chủ là Thiên Chúa muốn đợi đến ngày tận thế mới phân loại người lành với kẻ dữ là để kẻ dữ có thêm thời gian sám hối.

- C 31-32: + Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải: Hạt cải là một thứ hạt được dùng làm đồ gia vị (moutarde). + loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống: Người Do thái thường hay ví: “nhỏ như hạt cải”. Hạt cải tuy nhỏ, nhưng lại có sức sống dồi dào, và sẽ trở thành cây rau cải to lớn, đến nỗi chim trời có thể bay đến làm tổ trên cành của nó. Dụ ngôn này nhằm nói lên sự tương phản giữa hai tình trạng của Nước Trời: Lúc khởi đầu bé nhỏ nhưng khi kết thúc sẽ trở nên lớn mạnh. + Chim trời tới làm tổ trên cành được: Cựu Ước thường dùng hình ảnh một cây to lớn có chim trời đến đậu, để chỉ một vương quốc hùng mạnh, có khả năng che chở thần dân của mình (x. Ed 31, 5-7; Đn 4,18). Hình ảnh này ám chỉ Hội Thánh như một cây cải to lớn, có khả năng thu nhận chim trời là dân ngoại, đến xin gia nhập.

- C 33: + Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men: Men là một chất bột phụ gia, có sức biến đổi cả khối bột trộn lẫn với nó. + Ba đấu bột: là một khối lượng khá lớn khoảng trên 39 lít, nghĩa là khoảng 60-70 kí-lô. Con số ba thúng bột này có lẽ lấy từ câu chuyện của tổ phụ Áp-ra-ham đã dùng ba thùng tinh bột làm bánh để đãi Đức Chúa, khi Người hiện ra với ông tại cụm sồi Mam-rê (x. St 18,6). + cho đến khi tất cả bột dậy men: Dụ ngôn này không so sánh Nước Trời với “Men”, nhưng muốn đề cao sức mạnh thánh hóa của Nước Trời: tuy chỉ là số lượng ít oi như một nắm men, nhưng lại có sức biến đổi cả nhân loại với số lượng vô cùng lớn lao. Tin Mừng được rao giảng đến đâu thì sẽ có sức cảm hóa, biến người ta từ gian ác nên hiền hòa, từ tội lỗi nên thánh thiện. Ngoài ra, ý nghĩa này cũng gián tiếp đề cập đến Bữa Tiệc Cánh Chung vào ngày tận thế (x. Is 25, 6-8).

- C 34-35: + Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn: Thực ra nhiều lần Đức Giê-su đã giảng mà không dùng dụ ngôn. Do đó câu này chỉ nhắm đề cập đến các bài giảng về mầu nhiệm Nước Trời. Vì Đức Giê-su muốn tránh cho người nghe khỏi hiểu lầm về Nước Trời do Người thiết lập với Nước mang tính thế tục, do ảnh hưởng của Thiên Sai chủ nghĩa mà dân Do Thái đang trông đợi. + Hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Thực ra đây là lời Thánh vịnh do A-saph viết. Sở dĩ Tin Mừng Mát-thêu gọi lời trích dẫn trên là lời ngôn sứ, có lẽ vì ông coi A-saph là ngôn sứ. Thánh vịnh cũng là Lời Chúa và có giá trị ngang hàng với lời sấm của các ngôn sứ.

- C 36-43: + Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe: Về ý nghĩa của dụ ngôn Cỏ Lùng thì đã được Đức Giê-su giải thich chi tiết trong Tin Mừng. Ở đây, chỉ xin nêu ra mấy điều cần biết thêm như sau: + Con cái Nước Trời... con cái ác thần: Cách phân chia nhân loại thành hai loại người đối lập nhau rất thông dụng trong Do Thái giáo. Người ta thường đọc thấy lời phân chia đó trong các văn bản được khai quật ở Cum-ran (Qumrân). chỉ khác một điều là: đối với Cum-ran thì mọi người lành đều ở trong giáo phái của họ, phân biệt với những kẻ gian ác ở ngoài giáo phái. Còn trong Tin Mừng hôm nay, cả kẻ lành và người dữ đều sống lẫn lộn bên nhau và các môn đệ không được tách riêng họ ra vào trước thời hạn. + Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào...: Trong bài dụ ngôn Cỏ Lùng (24-30), Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự sống chung hiện tại giữa người lành và kẻ dữ, còn trong phần giải nghĩa dụ ngôn (36-43) Đức Giê-su lại nói nhiều đến ngày phán xét và sự thưởng phạt, nghĩa là nói đến tương lai. Có lẽ Mát-thêu khai triển thêm điều này là để nhắn nhủ các tín hữu thời đó đừng tự phụ vì mình đã được gia nhập vào Hội Thánh. Nhưng họ phải sống thế nào để khỏi bị phạt hỏa ngục trong ngày phán xét. + Rồi quăng chúng vào lò lửa: Sách Đa-ni-en cho thấy một sự trừng phạt bằng cách ném kẻ bị phạt vào đống lửa đang cháy phừng phực (x. Đn 3,5-6). Đức Giê-su cũng dùng hình ảnh “lò lửa”, là nơi các kẻ gian ác sẽ bị trừng trị. + Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng: Đây là hình ảnh sự đau đớn do hình phạt thể xác khi còn sống, để diễn tả hình phạt thiêng liêng trong hỏa ngục đời sau. Kiểu nói “Bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” được sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng Mát-thêu (x. Mt 8,12; 22,13; 24,51; 25,30). “khóc lóc nghiến răng” ám chỉ tình trạng những người bị giam trong hỏa ngục. Họ sẽ chịu đau khổ, thể hiện qua sự khóc lóc, và lòng thù hận Thiên Chúa thể hiện qua sự nghiến răng. + Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của cha họ: Kiểu so sánh này nhiều lần được dùng trong Thánh kinh. Chẳng hạn: “Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ. Những ai làm cho người ta nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,3; 1 Cr 15,42-44).

4. CÂU HỎI:

1) Ba dụ ngôn trình bày về Nước Trời trong Tin Mừng hôm nay là gì? 2) Tại sao trong Hội Thánh vẫn có hai hạng người xấu kẻ tốt sống lẫn lộn? 3)Vai trò của ma quỷ thế nào? 4) Tại sao Chúa không tiêu diệt kẻ xấu ngay khi phạm tội và khi nào họ mới bị phạt?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy thu gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi. Còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30).

2. CÂU CHUYỆN: TẤM GƯƠNG PHẤN ĐẤU VỚI BỆNH TẬT:

Một sinh viên tên là TE-RY PHỐC (Terry Fox) 22 tuổi, đang theo học một trường đại học danh tiếng ở Ca-na-da. Năm 1977, cậu bị ung thư gan và sau đó còn bị tai nạn phải cưa mất một bàn chân. Huấn luyện viên bóng rổ của trường trung học cũ hay tin, liền gửi cho Te-ry một bài báo thuật lại câu chuyện về một thanh niên cũng bị tai nạn phải cưa chân như cậu, nhưng đã can đảm vượt qua số phận bằng sự kiên nhẫn tập luyện, và cuối cùng đã đoạt được huy chương vàng trong kỳ thi chạy Ma-ra-tông dành cho người khuyết tật. Bài báo đã động viên tinh thần của Te-ry, khiến cậu rất phấn khởi. Cậu cũng quyết tâm sẽ làm một việc gì đó có ý nghĩa trong những ngày còn lại. Cậu bèn quyết định sẽ chạy ngang qua nước Ca-na-da giữa hai bờ đại dương cách nhau khoảng 9000 cây số. Cậu yêu cầu được viện ung thư bảo trợ tài chánh cho chuyến đi này. Bù lại, cậu sẽ viết một bản báo cáo tường trình tất cả những diễn tiến của cơn bệnh ung thư trong suốt cuộc hành trình. Sau một thời gian tập chạy bằng chân giả. Vào ngày 12 tháng 4 năm 1980, Te-ry bắt đầu cuộc chạy xuyên quốc gia của mình. Cậu nhúng chiếc chân giả vào nước ở biển Đại Tây Dương và chạy theo tuyến đường từ Đông sang Tây băng qua đất nước Ca-na-da. Trong túi cậu có lưu giữ các giấy tờ của các nhà bảo trợ hứa giúp đỡ cậu đã lên tới số tiền một triệu đô la. Sau khi chạy được 114 ngày và vượt được khoảng 6.000 cây số thì Te-ry đã bị ngã quỵ. Căn bệnh ung thư đã lan đến buồng phổi, và cậu đành chấm dứt cuộc hành trình nửa chừng. Khi báo chí loan tin Te-ry ngã quỵ, dân chúng khắp nơi liền thi nhau gửi đến cậu những lá thư động viên khen ngợi kèm theo những số tiền quyên góp giúp cậu chữa bệnh. Chỉ sau một tuần lễ, số tiền quyên góp do báo chí phát động đã lên đến con số 24 triệu đô la. Sau đó, Te-ry đã âm thầm từ giã cuộc đời giữa bao thương tiếc của mọi người. Trước khi chết, cậu đã viết chúc thư để lại toàn bộ số tiền quyên góp kia để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư tại bệnh viện nơi cậu đang điều trị. Te-ry đã không ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối, nhưng đã thắp lên một ngọn đèn cháy sáng để nêu gương phấn đấu cho giới trẻ. Một năm sau, một cuốn phim đã được dàn dựng kể lại hành động dũng cảm của cậu. Nhà nước cũng phát hành một bộ tem thư tưởng nhớ cái chết của cậu. Ngoài ra cậu còn được cơ quan xã hội trao tặng huân chương Ca-na-da. Một thời gian sau, một người khác tên là Đô-nan Ma-sơ (Donald Marrs) 44 tuổi, nhân viên bưu tá cũng bị bệnh ung thư. Noi gương phấn đấu của Te-ry, ông quyết định sẽ hoàn tất cuộc hành trình còn dở dang của cậu. Khởi đầu từ thành phố Chi-ca-gô Hoa Kỳ, ông chạy về phía bờ biển Thái Bình Dương. Ba tháng sau, ông đã tới cầu Gôn-đân Ghết (Golden Gate bridge). Khi chạy xuyên qua chiếc cầu vàng này thì gặp một cơn mưa phùn, nhưng ông không chịu chùn bước mà vẫn tiếp tục chạy đi trong mưa. Sau đó, ông đã tới được bờ biển Thái Bình Dương, và nhúng chân vào nước biển ở đây. Ngay khi ông tới đích, một chiếc cầu vồng khổng lồ bỗng dưng xuất hiện bắc ngang qua bầu trời, như một sự chuẩn nhận của trời cao. Đây thực là một kết thúc phi thường cho một cuộc chạy phi thường!

Đức Giê-su đã thiết lập Nước Trời, nhưng Người đã chết trước khi Nước Trời ấy đạt đến viên mãn, giống như Te-ry đã chết trước khi hoàn tất cuộc hành trình. Các tín hữu chúng ta hôm nay cũng phải noi gương Đô-nan. Chúng ta được mời gọi nắm lấy chiếc gậy chuyền từ tay Chúa Giê-su và sẽ hoàn thành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Có thể chúng ta không làm được như Te-ry và Đô-nan, nhưng chúng ta rất có thể phục vụ cho một người thân bị liệt, an ủi cảm thông với một người gặp đau khổ, chia sẻ cơm áo cho một người bất hạnh...

3. SUY NIỆM:

Mới đây bên Hoa Kỳ, một học sinh 15 tuổi đã mang súng tiểu liên cưa nòng vào nhà trường, nhắm bắn bừa bãi vào các thầy cô và các em học sinh khác làm chết và bị thương nhiều người. Ở sở thú ĐI-TROI (Detroit) người ta phải thuê thêm 4 nhân viên để bảo vệ các thú vật khỏi bị khách tham quan quậy phá. Một con Kan-gu-ru Úc còn nhỏ lạc mất mẹ, đã bị đám con nít trêu chọc và ném đá đến chết. Tại hồ nuôi cá sấu, nhiều người lớn đã ném những mẩu điếu xì gà còn cháy dở vào những chú cá sấu đang nằm tắm nắng và thích thú reo lên khi thấy tro lửa làm phỏng da khiến loài bò sát này phải quằn quại đau đớn. Tại gia đình, có những em nhỏ khi thấy con chó hay con mèo đang nằm ngủ trên sàn, đã đá mạnh vào bụng, khiến chúng kêu rú lên và các em cười lên khoái trá... Những điều điên rồ đáng kinh tởm đó khiến chúng ta phải tự đặt cho mình hai câu hỏi này: Tại sao tội ác vẫn còn nhiều như vậy sau hơn 2000 năm Tin Mừng được loan báo? Chúng ta có thể và phải làm gì trước những sự ác đang hoành hành trong thế giới hôm nay? Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã trả lời cho hai vấn nạn ấy bằng ba dụ ngôn về Nước Trời là cỏ lùng, hạt cải và men trong hũ bột.

- TẠI SAO SỰ DỮ VẪN TỒN TẠI?

Nước Trời đã được thiết lập và hiện diện trên thế giới từ 20 thế kỷ nay, giống như những hạt lúa mì đã được chủ ruộng là Thiên Chúa gieo vào lòng đất và ngày một triển nở thành cánh đồng bao la. Nhưng cây lúa Nước Trời ấy vẫn chưa phát sinh bông hạt, vì chưa đến mùa gặt là ngày tận thế. Hơn nữa, giữa cộng đoàn và các tín hữu đạo đức, vẫn có những phần tử gian ác và tội lỗi sống chung lẫn lộn. Đức Giê-su cho biết: chính ma quỷ đã cám dỗ, gieo sự gian ác xấu xa vào lòng con người, biến họ trở thành những tay sai của chúng mà chống lại Thiên Chúa và tha nhân. Vậy chúng ta phải có thái độ nào đối với những kẻ gian ác ấy?

- CHÚA GIÊ-SU DẠY GÌ?

Trước sự xuất hiện của cỏ lùng là những kẻ gian ác, chúng ta có thể chọn: hoặc nhổ ngay cỏ lùng tức là bắt những kẻ gian ác kia phải đền tội, giống như những người làm công trong bài dụ ngôn đã đề nghị với ông chủ. Nhưng ông chủ không chấp thuận với lý do: “kẻo khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”. bởi vì người tốt kẻ xấu khi còn sống không khác nhau nhiều. Có những kẻ hôm nay tội lỗi, nhưng sau khi được ơn Chúa, đã hồi tâm và trở nên thánh thiện như bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, thánh Phê-rô, Phao-lô, Au-gút-ti-nô... Ngày nay khi thấy sự gian ác leo thang, nhiều người đã tuyệt vọng kêu lên: “tôi muốn ra khỏi thế giới tội lỗi này!”. Nhưng ở thế gian làm gì có chỗ nào khác an toàn cho riêng họ?

- CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?

+ Trước hết phải ghét bỏ ma quỷ và mọi điều gian ác, nhưng lại phải thương yêu các tội nhân và giúp những ai sa ngã phạm tội quay trở về với Chúa.

+ Cần tỏ lòng khoan dung với tội nhân và kiên nhẫn chịu đựng họ noi gương Thiên Chúa, hy vọng nhờ đó, họ sẽ có ngày hồi tâm sám hối. Nhưng nếu kẻ ác lợi dụng sự khoan dung để ngày càng dấn sâu hơn trong vệc làm hại bản thân hay người khác, thì ta phải dùng thêm các biện pháp hữu hiệu để khắc phục.

+ Năng cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi được sớm hồi tâm, và cầu xin Chúa ban ơn soi sáng giúp đỡ họ mau trở về. Vì như có người đã nói: “Lời cầu nguyện có sức mạnh đem lại nhiều sự tốt lành hơn cả những điều người ta dám mơ ước”.

+ Quyết tâm làm một việc cụ thể chống lại ma quỷ, sự ác như: giúp xóa nạn mù chữ, gia nhập một Hội đoàn Tông đồ Giáo dân hay hội Chữ thập đỏ, vào Nhóm phục vụ bệnh nhân phong, bệnh nhân nhiễm HIV-AIDS, hay phục vụ những người khuyết tật, những trẻ mồ côi, những cụ già cô độc không nơi nương tựa... Mỗi ngày quyết tâm làm một việc tốt giúp ích cho một người, như nhặt giúp một vật bị rơi, dắt một cụ già sang qua đường, giúp một người tàn tật có bữa cơm ăn...

4. THẢO LUẬN:

1)Trong những việc làm kể trên thì việc nào bạn thấy hợp với khả năng của bạn và quyết tâm làm trong thời gian sắp tới? 2) Bạn thích lời nào trong các lời nguyện tắt được ghi trong Tin Mừng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”, “Lạy Chúa, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” ... Tại sao bạn thích lời cầu nguyện ấy?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin biến đổi con trở nên một người tốt và nên con hiếu thảo của Chúa Cha noi gương Chúa xưa. Xin hãy biến đổi đôi mắt con khi thấy lỗi lầm của anh em giống như cái nhìn từ bi bao dung của Chúa đối với Tông đồ Phê-rô sau khi ông phạm tội. Xin hãy biến đổi tai con để sẵn sàng lắng nghe những lời kêu cứu của anh em như Chúa đã nghe thấu lời người mù kêu xin và đã chữa cho anh ta được sáng mắt. Xin biến đổi lòng trí con để con nhận ra thánh ý Chúa Cha như xưa Chúa đã cầu nguyện vâng theo ý Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu. Xin biến đổi tình cảm của con để con mỗi ngày một thêm lòng mến Chúa yêu người. Mỗi lần rước Chúa vào lòng trong Thánh lễ, xin hãy thánh hóa môi miệng con, biến đổi tâm tư tình cảm và toàn thể con người con, để con trở thành người mang Chúa là tình yêu thương đến chia sẻ cho mọi người.

- LẠY CHÚA. Thế giới hôm nay không cần những Ki-tô hữu buồn chán thất vọng. Xin Chúa hãy biến đổi khuôn mặt của con nên ngời sáng giống như tổ phụ Mô-sê sau khi được gặp Đức Chúa trên núi. Xin giúp nụ cười của con luôn rạng ngời nét hồn nhiên vui vẻ và hiền hòa của Chúa. Xin cho lời nói của con luôn chân thật, khiêm nhu và dịu dàng dễ thương, nhất là những khi con giúp anh em con sửa lỗi. Ước chi người đời khi thấy con là thấy Chúa đang hiện diện trong con. Ước chi con luôn can đảm vác thập giá đời con và bước theo chân Chúa. Vì con biết rằng khi con cùng chết với Chúa, con cũng sẽ cùng được sống lại với Chúa sau này.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.

Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ