Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 68

Tổng truy cập: 1354818

Con Cái Của Sự Sống Lại

Con cái của sự sống lại
Luca 20:27-38

Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”
Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.”

Khi đọc câu Kinh Thánh trên tôi nhớ đến sự phản nghịch của những gì tôi đã được dạy về đời sống hôn nhân khi còn nhỏ và những gì tôi đọc được trong lời dạy của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Thần Học Thân Xác.

Khi còn nhỏ, tôi được dạy là đời sống gia đình không cao trọng bằng đời sống tu trì vì đời sống gia đình lo việc trần gian, còn người tu trì lo việc của Chúa. Hơn nữa, tính dục và sinh đẻ là việc phàm tục.

Trái lại trong Thần Học Thân Xác, ĐGH Gioan Phaolô II dạy: “Chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng Chúa đã tỏ mình ra trong thân xác.” Sự bày tỏ những gì vô hình qua những gì hữu hình, ĐGH Gioan Phaolô II gọi là “Bí tích tính của thân xác.” Chỉ có thân xác có khả năng để làm hữu hình những gì vô hình. Thiên Chúa tạo dựng thân xác loài người để di chuyển vào thực tại hữu hình của thế giới, Mầu nhiệm vĩnh cửu về Thiên Chúa. Mầu nhiệm đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là Tình Yêu; trong Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu trao ban của Chúa Cha cho Chúa Con, của Chúa Con cho Chúa Cha luôn tuôn đổ và Chúa Thánh Thần là sự kết hiệp đời đời của Tình Yêu ấy; và Thiên Chúa đã cho chúng ta được thông phần vào cuộc trao ban tình yêu này.

Sự kết hợp thành một thân thể của đời sống vợ chồng của người Kitô hữu là hình ảnh của tình yêu của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ba Ngôi, và là hình ảnh của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đời sống hôn nhân là bí tích chỉ về sự kết hợp của Đức Chúa Giêsu Kitô cho Giáo hội, Hiền Thê của Ngài. Đức Kitô rời bỏ Chúa Cha trên trời. Người rời bỏ nhà của mẹ mình dưới thế - trao trọn thân mình cho Tân Nương của Người, để chúng ta có thể trở nên “một xác thịt” với Người.

Mặc dầu Thiên Chúa xa cách loài người vô tận, và chúng ta không thể giới hạn Chúa bằng dấu hiệu của trần thế, việc hôn nhân và sinh con đẻ cái là một việc thánh thiện Thiên Chúa đã tạo dựng ngay cả khi tội lỗi chúng ta đã bóp méo hình ảnh ấy. (x. Man and Woman He created ThemTheology of the Body Explained)

“Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” Chúng ta là con cái của Thiên Chúa và thân xác, hành động, cử chỉ, lời nói chúng ta phải giống Thiên Chúa. Nói dối, lừa gạt, dùng người khác để thỏa mãn sự ao ước của mình là chống lại chính thân xác Thiên Chúa đã dựng nên để được kết hợp với Thiên Chúa trong ngày sau hết.

Sống theo Tám Mối Phúc Thật, sống đời nhân đức, sống đời cầu nguyện là cách tôn trọng thân xác Chúa đã dựng nên theo hình ảnh Ngài để trao ban tình yêu, để phục vụ qua chính thân xác của mình. Sống như vậy là có sự sống thật, sức sống dồi dào của Thiên Chúa, ngay cả khi thân xác này bị tiêu hao.

Lạy CHÚA, xin nghe con giãi bày lẽ phải,
lời con than vãn, xin Ngài để ý ;
xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu
thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.
dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã.
Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã.
Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
Về phần con, sống công minh chính trực,
con sẽ được trông thấy mặt Ngài,
khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
(Đáp ca)

home Mục lục Lưu trữ