Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1354402

Con Chiên Và Đồng Quan

Con chiên và đồng quan

Các người thu thuế và tội lỗi đến gần Ðức Giêsu để nghe Ngài.  Không có ranh giới, không có phân biệt và kỳ thị.  Cảnh tượng đó khiến các người Pharisêu và các kinh sư khó chịu, lẽ ra Ðức Giêsu phải xa tránh thì Ngài lại đón tiếp và cùng ăn với hạng tội lỗi.  Ðức Giêsu biện minh cho thái độ của mình khởi đi từ cách cư xử của con người trong cuộc sống hàng ngày.  Ngài kể hai dụ ngôn có cấu trúc giống nhau: người chăn chiên có 100 con chiên, mất một con;  Người phụ nữ có 10 đồng quan, mất một đồng.  Cả hai đều nỗ lực tìm kiếm, và tìm cho đến khi thấy mới thôi, dù phải để 99 con chiên khác ngoài đồng hoang, hay phải thắp đèn, quét nhà�  Cả hai đều mừng rỡ khi tìm thấy điều đã mất, niềm vui lớn quá, không giữ một mình được, nên phải mời hàng xóm đến chung vui.  Từ hai dụ ngôn này, Ðức Giêsu đưa chúng ta đến với thái độ của Thiên Chúa.  Cả trời cao, cả triều thần thiên quốc cũng vui mừng về chuyện một tội nhân hối cải.  Tội nhân là người vuột ra khỏi vòng tay Thiên Chúa, như con chiên bị lạc, như đồng quan bị mất, Ngài khởi công tìm thấy họ, Thiên Chúa vui mừng, và Ngài cũng muốn chúng ta chung vui với Ngài.

Thiên Chúa quý con người, quý từng người, từng tội nhân.  Các tôi nhân lại lôi kéo sự quan tâm của Ngài.  Hạnh phúc của Thiên Chúa là tìm thấy lại điều đã mất.  Khi kể hai dụ ngôn này, hẳn Ðức Giêsu có ý nhắc các người Pharisêu và kinh sư rằng họ được mời gọi để chung vui với Thiên Chúa.  Coi chừng họ lại mang thái độ của người tưởng mình là công chính, không cần hối cải, không chia sẻ được niềm vui đang rạo rực nơi Thiên Chúa.  Từ chối chung vui với Ðức Giêsu, từ chối niềm vui của ơn tha thứ được ban và được nhận, là khinh thường niềm vui của trời cao, là lẩm bẩm chống lại Thiên Chúa.

Khuôn mặt người con thứ

Trong quan niệm của văn hóa thời Ðức Giêsu, người con thứ là đứa con bất hiếu.  Chẳng ai đòi chia gia tài khi cha mình còn sống khỏe mạnh.  Chỉ khi cha qua đời, tài sản mới thực sự được trao lại cho các người con sử dụng.  Cứ sự thường người cha sẽ nổi giận trước lời nài xin hỗn xược đó, thế nhưng ở đây người cha lại chiều ý con.  Ông cho đứa con thứ tự do ở lại hay ra đi, chấp nhận hay từ khước cha.  Chỉ nơi cha mới có sự sống: "Vì con ta đây đã chết, nay sống lại."  Ðứa con thứ còn vui sống thỏa thuê bao lâu nó còn những đồng tiền của cha nó.  Khi hết tiền, nó nghĩ mình có thể tự sống được bằng cố gắng của mình, nhưng nó đã suýt chết đói.  Nó phải làm một nghề hèn hạ là chăn heo cho dân ngoại, hơn nữa nó còn thấy mình không bằng heo.  Cái chết rình rập đâu đây, người con thứ đã xuống tới đáy vực thẳm.  Nó cảm thấy phải trở về với cha để tránh cái chết trước mắt.  Ðây chưa phải là một hoán cải sâu xa vì thấy mình xúc phạm đến tình yêu cha.  Nó muốn trở nên đứa làm công cho cha, được cha trả lương.  Nó vẫn muốn tự sống bằng lao động của mình.  Chỉ tình yêu cha mới khiến nó hoán cải thực sự.  Chỉ trong vòng tay và những nụ hôn của cha mà nó hiểu rằng chỉ nơi cha mới có sự sống, cắt đứt với cha là cắt đứt với sự sống.

Khuôn mặt người con cả

Chẳng hơn gì người con thứ, người con cả chỉ biết hầu hạ cha, nhưng anh không yêu cha.  Nếu anh yêu cha thực sự, hẳn anh có thể hiểu được niềm vui của cha khi người em trở về, và anh đã có thể chia sẻ niềm vui đó với cha, không một chút dè dặt hay ganh tỵ với em.  Anh có chút tự hào, tự mãn vì mình đã hầu hạ cha ba năm, chưa bao giờ trái lệnh.  Người con cả tượng trưng cho những người Pharisêu và kinh sư, những người đã phục vụ Chúa và giữ luật một cách tỉ mỉ.  Anh không hiểu được tại sao cha lại đón tiếp một cách long trọng cái thằng con phung phá và bất hiếu đó.  Người Pharisêu cũng không hiểu được tại sao Ðức Giêsu lại tiếp đón người tội lỗi và ăn uống với họ.  Người anh cả tưởng mình sống gần cha, nhưng thực sự lại ở xa cha.  Ðiều quan trọng không phải chỉ là ở trong nhà của cha mà còn là ở trong tim của cha nữa.

Trở lại với cha

Trở lại với cha là trở về với nguồn cội, với tình yêu ấm áp và sự sống dư dật.

Ai cũng cần trở lại.  Dù bạn là con út đã đi hoang hay mới chỉ mang trong mình ước mơ được tự do bay nhảy, coi mái nhà cha là nơi tù túng, buồn chán.  Dù bạn là con cả, đã luôn ở bên cha, đã làm việc cho cha, bạn cũng cần trở về, nghĩa là thôi đứng ngoài, đứng ngoài nhà, đứng ngoài lối nghĩ và tâm tình của cha, đứng ngoài niềm vui đang rạo rực trong lòng Cha, đứng ngoài hạnh phúc bất ngờ của người em biết ăn năn hối cải.

Hãy bước vào nhà để giang tay đón lấy người em của mình, để lần đầu tiên hiểu được sự bao la của tình cha.  Cha yêu mình không phải vì mình đã phụng dưỡng cha bao năm, chẳng hề một lần trái lệnh.  Cha yêu mình không phải vì mình ngoan hơn "thằng con cha kia".  Cha yêu mình chỉ vì mình là con.  Cha không muốn mất một đứa con nào.  Mỗi người con đều có chỗ đứng trong Trái Tim Cha.

Hãy trở về để bắt đầu thực sự "ở với Cha" như một người con, nghĩa là nhận ra mình quá ư giàu có: "mọi sự của Cha là của con".  Vậy mà trong quá khứ mình vẫn thèm thuồng những chuyện chẳng đáng gì, một con dê nhỏ chẳng hạn.  Có thể mình đã sống như một nô lệ hay một người làm công cho Cha, chỉ mong Cha trả công bằng một cái gì thấy được cụ thể ở trần gian này, mà quên rằng hạnh phúc đích thực là được sống bên Cha như một người con.

Trở về không phải chỉ là thái độ của Mùa Chay.  Trở về là thái độ hàng ngày.  Có những khoảnh khắc trong ngày, bạn được mời gọi trở về, trước khi bị lún sâu.  Bạn đừng dập tắt tiếng gọi này.  Nếu bạn trở về lập tức, bạn sẽ tránh được những vấp ngã nặng nề.

Ai cũng cần trở về.  Không ai trong chúng ta quá hoàn hảo đến nỗi không cần phải trở về.  Có khi là những trục trặc nhỏ cần điều chỉnh lại.  Có khi lại là một thay đổi lớn lao hơn: thay đổi hướng sống, thay đổi cái nhìn về Thiên Chúa, về tha nhân và về chính mình.

Trở về chẳng phải là chuyện dễ dàng.  Chẳng ai muốn nhận là mình đã đi lầm đường.  Người anh cả cần dẹp bỏ tự ái để vui vẻ vào nhà.  Người con út cần khiêm tốn mới dám trở về gia đình giàu có của mình trong tình trạng thân tàn ma dại.  Ðể trở về bao giờ cũng cần chút khiêm hạ và từ bỏ, có thể là những từ bỏ đớn đau.  Nhưng hạnh phúc thì tuyệt vời.

Người con thứ cảm nếm được hạnh phúc của tình Cha.  Không rõ người con cả có vào nhà để dự tiệc không, hay là cố tình đứng ngoài chịu đói?

 

Một số câu hỏi gợi ý

1.  Bạn nghĩ gì về khuôn mặt của người cha?  Thái độ nào của người cha đối với hai con đánh động bạn hơn cả?

2.  Bạn thấy mình có nét nào giống với người con thứ và người con cả?

home Mục lục Lưu trữ