Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 69
Tổng truy cập: 1357268
CON ĐƯỜNG HẠT LÚA
Con đường Chúa Giêsu đã đi qua là con đường hạt lúa: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Thật, Thầy bảo anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hoa trái” (Ga 12,23-24).
Hạt lúa được gieo trên ruộng đồng. Hạt lúa mục nát rồi mới nẩy mầm, đâm bông và kết hạt. Không mục nát, hạt lúa chỉ trơ trọi một mình. Sự mục nát làm trổ sinh sự sống mới, hứa hẹn mùa gặt tương lai.
Nhìn một cánh đồng lúa xanh tươi, uốn lượn theo gió, trải dài trong nắng, căng tròn sức sống, ta nghĩ đến muôn vàn hạt lúa đã mục nát để lên xanh đồng lúa bát ngát.
Con đường hạt lúa Giêsu.
Từ khi nhập thể, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa gieo vào lòng đất nhân loại. Thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm tự huỷ: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Như hạt lúa bị mục nát: “Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Như hạt lúa nẩy mầm, lớn lên, đơm bông sinh hạt: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11).
Phúc Âm Marcô viết: “Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ biết Con Người phải chịu đau khổ rất nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31). Chúa Giêsu nói, Người phải chịu nhiều đau khổ. Phải có nghĩa là bắt buộc. Những kẻ gây đau khổ cho Chúa là những người có địa vị trong tôn giáo và xã hội, những người được coi là thuộc loại trí thức, chức cao, quyền trọng, gây nhiều ảnh hưởng trong dân.
Con đường Chúa đi, quá nhục nhã ê chề nên các môn đệ không thể chấp nhận. “Phêrô liền kéo riêng Chúa Giêsu ra và bắt đầu can trách Người. Nhưng khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người liền mắng ông Phêrô: Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,32-33). Chính bản thân Chúa sẽ như hạt lúa chịu nhiều đau thương tơi tả. Mục nát là chặng đường phải đi qua để có mùa gặt trù phú.
Con đường Chúa đi thật quá hãi hùng: “Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường đi Giêrusalem…Người lại kéo riêng nhóm mười hai ra và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy ra cho mình: Này, chúng ta lên Giêrusalem, và ở đó con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,32-34). Con đường mở mang Nước Trời sao quá khổ đau, bị nhạo báng, bị khạc nhổ, bị đánh đập. Hạt lúa Giêsu đã đi hết chặng đường đau khổ, mục nát trong cõi chết để đạt tới sự sống vinh quang.
Con đường hạt lúa các môn đệ.
Các môn đệ theo Chúa nên cùng đi trên con đường Chúa đã đi “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34). Thánh Phaolô kể về con đường đi của người môn đệ: “Giờ đây bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin mừng và ân sủng của Thiên Chúa” (CV 20,22-24). Người môn đệ của Chúa coi vinh dự là “đựơc thông phần những đau khổ của Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người, với hy vọng cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11). Thánh Phaolô trở thành hạt lúa Tin mừng. Trải qua tiến trình đau khổ mục nát, thánh nhân đã đứng ở vị trí đầu sóng ngọn gió trên cánh đồng truyền giáo mênh mông.
Xuyên suốt dòng lịch sử Giáo hội, biết bao hạt lúa môn đệ đã chịu mục nát để Giáo hội lớn mạnh không ngừng “Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu”. Từng thế hệ chứng nhân như những hạt giống tốt, chết đi trong lòng đất các nền văn hoá, và đã trổ sinh rất nhiều hạt lúa mới. Tất cả làm nên cánh đồng lúa thiêng liêng, mùa màng tươi tốt trong cuộc sống đạo và truyền giáo.
Con đường hạt lúa chúng ta hôm nay.
Con đường hạt lúa như Chúa Giêsu hay như thánh Phaolô và các tông đồ là những con đường kiễu mẫu cho chúng ta đi theo.
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Muốn sống một cách trọn vẹn, trổ sinh hoa trái tốt lành, ta phải chết đi cho bản thân mình. Chết đi mỗi ngày một chút cho tính ích kỷ, giả dối hận thù ghen ghét. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình. Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những gì đưa đến sa ngã.
Định luật căn bản của sự sống là: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai bằng lòng mất sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho cuộc sống muôn đời” (Ga 12,25). Chết vì tình thương, vì hạnh phúc đồng loại, vì chính nghĩa, vì công lý, vì hòa bình, vì đức tin là những cái chết làm trổ sinh muôn ngàn nét đẹp cho đời.
Hạt lúa âm thầm và hạt lúa mục nát
Tình yêu cao quý hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết. Cái chết của Chúa Giêsu đã nên lời yêu thương con người mọi nơi và mọi thời. Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Chúa trở nên một thách đố. Thách đố con người chui ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun quén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Chúa Giêsu trăn trở, nao núng và thổn thức. Những giây phút cuối cùng giáp mặt với tử thần không thể không gay go, thống thiết và đầy thách thức: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga.12,27). Thế nhưng, Người đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người: “Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này” (Ga.12,27).
Nếu “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh của Tin mừng chan hoà trong một nền văn hoá, thì “Hạt lúa phải mục nát đi” (x. Ga 12,24) là con đường gian truân vất vả để làm nên một mùa gặt phong nhiêu.
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY- Năm B
CHÚA GIÊSU LÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI– Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Cái chết là định mệnh của con người. Ai rồi cũng phải chết, dù giàu nghèo sang hèn. Dầu vậy lời hứa của Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta tin tưởng và can đảm để sống những thực tại mới mẻ của sự phục sinh. Bài đọc sách tiên tri Giêrêmia nhắc lại những lời hứa ban tặng sự sống mới của Thiên Chúa nhắc nhở mỗi người hướng đến sự sống mới đầy tràn mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Sự sống mới này bắt nguồn từ Thánh Thần Thiên Chúa, lôi kéo con người ra khỏi nấm mồ sự chết để đến với sức mạnh Phục sinh viên mãn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu sẽ biểu lộ sức mạnh chiến thắng sự chết này của Thiên Chúa khi làm phép lạ cho Lazarô sống lại để mời gọi mọi người tin vào Người để được tham dự vào sự sống vĩnh cửu muôn đời. Chúa nhật thứ V mùa chay cũng là chúa nhật đi trước tuần thánh, chúng ta được mời gọi tin vào phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại để tin tưởng chính Người là sự sống và là sự sống lại. Đây là dấu chỉ thứ bảy trong tin mừng Gioan, dấu chỉ lớn nhất đến độ được xem là tiền báo cho sự thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu.
Hai chị em Marta và Maria là những người thân tín và tin tưởng vững mạnh vào quyền năng của Chúa Giêsu. Ngược lại, họ cũng là những người được Chúa Giêsu rất yêu mến. Khi Lazarô lâm trọng bệnh, hai chị em đã nhắn tin cho Chúa Giêsu, mong ước người sẽ đến để chữa cho Lazarô, người mà Chúa Giêsu yêu mến, được lành bệnh. Dầu vậy, Chúa Giêsu đã không đến như hai chị em mong đợi, người để cho đến khi Lazarô chết và được chôn cất bốn ngày mới đến thăm. Chúa Giêsu đã nhân dịp này chứng tỏ cho các môn đệ hiểu người có quyền năng làm cho người chết sống lại. Vì thế người nói với các ông : «Lazarô bạn của chúng ta đang ngủ, thầy đi để đánh thức anh ấy dậy ». Theo lời Chúa Giêsu nói, các môn đệ vẫn còn nghĩ rằng Lazarô chỉ ngủ một giấc bình thường, dầu vậy Chúa Giêsu đã ám chỉ đến cái chết của Lazarô và việc người sẽ làm cho anh được sống lại. Phản ứng của các môn đệ luôn đi sau những gì mà Chúa Giêsu muốn nói. Đứng trước những lời của Chúa Giêsu, các môn đệ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết và vì thế cần được huấn luyện và dạy bảo bởi lời Chúa.
Khi Chúa Giêsu đến, hai chị em đã đón tiếp người, và Martha đã thưa với Chúa Giêsu là Lazarô đã chết được bốn ngày. Dầu vậy, bà vẫn biểu lộ một lòng tin mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa Giêsu. Ngay cả khi Lazarô đã chết, Martha cũng tin rằng Chúa Giêsu có thể xin Cha để cho Lazarô được sống lại : «Con biết ngay cả bây giờ, thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho thầy ». Trong lời đối thoại với Chúa Giêsu, Martha đã diễn tả lòng tin mạnh mẽ của mình như một người do thái đạo đức. Chúa Giêsu nói với bà : « em con sẽ sống lại ». Martha đã thưa : «Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại thì em con sẽ sống lại ». Martha đã tuyên xưng đức tin của một người do thái đạo đức, nhưng Chúa Giêsu đã đưa ra một lời mạc khải quyết định về quyền năng ban sự sống của mình, Người chính là Đấng ban tặng sự sống, nên những ai tin vào người sẽ không phải chết và dù có chết cũng sẽ được sống. Chúa Giêsu còn muốn xác định rõ hơn nữa chính người là Đấng ban sự sống cho những ai sẵn sàng tin vào người: «Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai sống mà tin Ta thì sẽ không chết bao giờ ». Martha đã tuyên xưng rất mạnh mẽ xác tin vào Chúa Giêsu, «Thầy là Đấng Kitô, và cũng là Con Thiên Chúa ». Martha là hình ảnh báo trước người tín hữu là người sẽ đạt tới lòng tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đến trong thế gian để ban tặng sự sống vĩnh cửu. Người là Đấng ban tặng sự sống theo hình ảnh của Thiên Chúa là Đấng hằng sống: «Vâng con tin thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian ». Không những chỉ có Martha, hình ảnh mới mẻ của người tín hữu mà Phúc âm cũng trình bày hình ảnh rất dễ mến của Maria. Maria đến gặp Chúa Giêsu và bà cũng nói lời gần giống với lời của Martha : «Thưa thầy, nếu thầy ở đây thì em con không chết », diễn tả phần nào thái độ thiếu sót trong lòng tin, dầu vậy, Phúc âm cũng cho chúng ta thấy những phản ứng rất bình thường của con người đứng trước cái chết. Maria đã khóc nức nở, những người do thái cũng đã khóc nức nở, và Chúa Giêsu đã thổn thức và xúc động.
Tình yêu và lòng tin tưởng của các môn đệ cũng như của chị em Martha và Maria dù sao vẫn còn nhiều giới hạn so với lòng mong đợi của Chúa Giêsu. Sự xác tín của các ngài vào quyền năng của Chúa Giêsu vẫn còn bị ràng buộc vào cảm nghiệm của con người trước sức mạnh của cái chết và sự yếu đuối bất lực của con người đứng trước cái chết. Các ngài đã tin là Chúa Giêsu có thể làm phép lạ, nhưng vẫn chưa có được nhận thức rõ rệt là chính Chúa Giêsu có quyền lực chiến thắng sự chết và ban tặng quyền lực này cho những ai tin. Hành động của Chúa Giêsu vượt lên trên những kinh nghiệm của con người và mạc khải điều thực mới mẽ. Lòng tin vào Chúa Giêsu giải thoát con người chúng ta khỏi những giới hạn của kinh nghiệm hạn hẹp của con người để hướng tới đời sống phục sinh vĩnh cửu.
Câu chuyện Chúa Giêsu cho Lazarô được sống lại từ trong cõi chết muốn nói lên nhiều điều vượt quá việc ông được trở lại với đời sống bình thường và đem đến cho mọi người lòng tin tưởng mới. Việc Lazarô đã chết rồi được sống lại báo trước hành trình đi từ sự chết đến sự sống của Đức Giêsu và của mỗi người chúng ta. Việc Chúa Giêsu cho Lazarô chết được sống lại lớn lao như thế nào thì quyền năng Phục sinh của Người trên sự chết sẽ lớn lao hơn và sẽ được mạc khải nơi sự phục sinh của người. Lazarô được trở lại đời sống của con người, nhưng dù sao sau đó ông cũng sẽ lại chết, trái lại sự Phục sinh mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện và ban tặng cho chúng ta là một Đời sống mới bất diệt, khi mà chúng ta sẽ không còn phải chết nữa. Đây là quà tặng của đời sống mới, của ơn cứu độ, do bởi Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ trong cõi chết. Câu chuyện Lazarô dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm vượt qua mà chúng ta được mời gọi chia sẻ sự sống mới Phục sinh của Chúa Giêsu. Martha và Maria cũng như dân chúng đã tin vào Chúa Giêsu bởi vì họ đã chứng kiến dấu lạ Lazarô được sống lại. Thách đố của chúng ta là phải đạt đến chiều sâu của niềm tin sẽ giải thoát chúng ta khỏi những mong đợi giới hạn của con người, khỏi những kinh nghiệm tự nhiên để sống thực sự cảm nghiệm sức mạnh quyền năng Phục sinh của Chúa Giêsu trong những công việc bình thường hằng ngày. Kinh nghiệm mới mẻ này sẽ là tin tưởng mạnh mẽ mà không gặp thấy dấu chỉ nào trong những góc cạnh đen tối và mờ nhạt của đời sống hằng ngày. Chúa Giêsu đã xác định với Martha rằng người là sự sống và là sự sống lại cho những ai có lòng tin vào người. Điều ngạc nhiên khi chúng ta lắng nghe lại lời khẳng định này của Chúa Giêsu, đó là chúng ta đã bắt đầu chia sẻ sức mạnh phục sinh này trong cuộc đời hiện tại rồi. Hẳn nhiên là chúng ta chỉ có thể chia sẻ trọn vẹn mọi sức mạnh của quyền năng này sau khi chúng ta lìa đời, nhưng ân sủng của sự phục sinh đã bắt đầu được khai triển trong đời sống hiện tại của chúng ta bởi vì Thánh Thần của Thiên Chúa đã được ban tặng cho chúng ta. Vì thế, thánh Phaolô nhắc nhở rằng ngay từ cuộc đời hiện tại, quyền năng Phục sinh của Chúa Giêsu đã bắt đầu khai triển và người tín hữu được mời gọi sống theo Thánh Thần và biết xa tránh đời sống theo xác thịt. Khi sống theo Thánh Thần, người tín hữu đã bắt đầu cảm nghiệm đời sống mới phục sinh trong thân xác mình, như chính Thánh Thần đã tác động cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam