Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1351540

Con Hãy Đi, Đức Tin Con Đã Cứu Con

CON HÃY ĐI, ĐỨC TIN CỦA CON ĐÃ CỨU CON


NGUYỄN HỌC TẬP

Đoạn Phúc Âm người mù được sáng mắt lại hôm nay (Mc 10, 46-52) kết thúc phần tường thuật lại chủ đề đi theo Chúa Giêsu và mở ra phần cuối cùng cuộc đời Chúa Giêsu, sẽ kết thúc ở Giêrusalem và giai đoạn Phục Sinh sau đó.
Nội dung của đoạn Phúc Âm chúng ta sắp suy niệm hàm chứa ý nghĩa muốn theo Chúa, cần phải thấy được Người, thấy Người trong tầm mắt làm cho ai muôn theo Người sẵn sàng chấp nhận, kể cả những hy sinh tất cả nều cần, để bước theo con đường Người đã vạch sẵn cho.
Đó chính là giá trị giáo huấn của đoạn Phúc Âm mà Thánh Marco muốn ghi lại để nhắc chúng ta.
Cả đoạn Phúc Âm đều quy tựu vào lời Chúa Giêsu làm cho thay đổi cuộc đời của con người, trước kia thụ động và đui mù, trở thành kẻ thấy được ánh sáng và bước theo Đấng đã làm cho mình được chữa đã bệnh tật.
Muốn thay đổi cuộc đời, cần phải can đảm và bền tâm, dùng mọi khả năng mình để vượt lên trên những chướng ngại vật gặp phải, mà nhiều khi người đời, nhứt là nhiều khi không phải thiếu, do những kẻ tài trí, có đầu óc gây ra, làm cản trở bước tiến của người yếu thế.

1 - Bối cảnh cuộc gặp gỡ.
Câu chuyện được đoạn Phúc Âm Thánh Marco thuật lại được xảy ra ở Gerico, trước mặt các môn đệ và đoàn lủ đông đảo dân chúng.
Danh tánh địa thế và sự hiên diện của dân chúng minh chứng cho đây là một biến cố lịch sử có thật:
- “Khi Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrico, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường tên là Bartimeo, con của ông Timeo" (Mc 10, 46).
Tuy Thánh Marco không nói rõ thời điểm đó là lúc nào, nhưng chúng ta cũng có thể suy luận rút ra được, đó là lúc Chúa Giêsu trên đường, trước khi vào Giêrusalem, khoản thời gian vào cuối cuộc đời trần thế của Người.
Thời điểm mà chúng ta suy đoán vừa kể cũng được nhắc đến trong Phúc Âm Thánh Matthêu và Thánh Luca, xác nhận cho suy tư của chúng ta.

Chúa Giêsu lúc đó ở Gierico, một địa danh được thiên nhiên ưu đãi, có nước và mặt trời quanh năm, cây cối xanh tươi và nhiệt độ không cách biệt nhau lắm giữa mùa đông và mùa hè.
Nói một cách ngắn gọn, là một địa danh có thể được coi là “vườn địa đàng trần thế”. Cây cối xinh tươi, hoa quả sung mãn suốt năm và muôn màu làm cho cuộc sống được bảo đảm và thích thú.
Những điều vừa kể giải thích tại sao con người đã hiện diện sống ở Gerico từ thời kỳ đá đẻo, đá mài, như các nhà khảo cổ học cho biết và làm cho Gerico là một trong những thị xã cổ kính nhứt trên thế giới.
Gierico là một ốc đảo ước mơ mà dân Do Thái gặp được sau trên bốn mươi năm lang thang trên sa mạc khô khan và nắng cháy. Cuối cùng rồi dân Israel đến được miền đất hứa và chứng kiến tận mắt lời của Thiên Chúa được thể hiện trên miền đất:
- “Ta giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật..." (Ex 3, 8).
Hoàn cảnh thiên nhiên ưu đải ở Gerico chỉ là một phần những điều ngoạn mục mà Thiên Chúa đã dành cho Israel, các động tác của Người cho dân được chọn còn bao nhiêu điều cao cả khác nữa.
- Đây là nơi dân chúng đã chứng kiến quyền năng của Chúa đã phá vở các bức tường của thị xã địch thủ (Gs 6).
- Đây là nơi mà dân Israel chứng kiến cảnh tiên tri Elia được đưa lên trời, để lại đệ tử của mình, tiên tri Eliseo, tiếp tục công trình của mình bênh vực vào niềm tin Thiên Chúa duy nhứt (2 Re 2, 1-18).
- Cũng ở đây, Chúa Giêsu gặp Zaccheo và khuyến khích ông hãy bắt đầu một cuộc sống vị tha (Lc 19, 1-10).

Hoàn cảnh được thiên nhiên ưu đải, giàu có, các động tác phi thường như vừa kể của Chúa cũng không loại bỏ được cảnh nghèo khó, bệnh tật, chết chóc, kể cả cuộc sống bấp bênh, bị coi rẻ, bị loại ra bên lề xã hội trong cuộc sống hằng ngày của nhũng con người gặp rủi ro bất hạnh, mà hoàn cảnh của người mù trong Phúc Âm hôm nay là một lý chứng:
- "...có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh tên là Bartimeo, con ông Timeo" (Mc 10, 46)..
Batimeo đang sống trong tình trạng bất hạnh giữa phồn hoà đô thị, không ai thèm ngó tới, chỉ ăn xin kiếm sống qua ngày, chờ chết. Chỉ có vậy!
Thế giới thời cổ có nhiều loại bệnh tật mù, nhưng phương thức trị liệu không bao nhiêu.
Người bị tật nguyền, bất hạnh, bị rủi ro, xã hội không có khả năng cho hội nhập được vào cuộc sống. Họ bị vĩnh viễn kết án với một cuộc sống bên lề xã hội.
Người mù loà là hình ảnh của con người bị khinh thường, hạ cấp, thiệt thòi, không có hy vọng gì. Có chăng hy vọng của họ là hy vọng còn gặp được
Đấng Cứu Độ, là Đấng sẽ làm cho
- “bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò" (Is 35, 5-6)
Bartimeo là một trong những người đó, sống bên lề xã hội, anh
- “ngồi dọc theo lề đường mà ăn xin...".
Hoàn cảnh đui mù của anh làm cho anh cảm thấy tủi thân gắp đôi: không thấy và không ở chung được với người khác, hay làm những gì người khác đều làm. Anh chỉ còn có cách là “ngồi dọc lề đường mà ăn xin”.
Bartimeo có thể là người bị lên án cả đời phải sống một mình, bản án nặng nề nhứt là một con người phải gánh chịu, nói như triết gia Gabriel Marcel:
- “Tất cả chỉ một điều đau khổ, đó là phải sống lẻ loi một mình".
Và ngay cả lúc được tiếp xúc với người khác, người mù cũng cảm thấy phẩm giá mình bị hạ thấp, bởi lẽ thiên hạ có đến gần là đến gần để bố thí, tỏ lòng thương hai, họ là ân nhân và anh là người được kẻ khác làm ơn.
Trong tình trạng đó, Bartimeo bị đặt trong hoàn cảnh thấp hèn, đê tiện hoá, làm cho anh chỉ còn thụ động và chấp nhận số phận.

Nhưng thình lình, một cái gì đó đang thay đổi. Chúa Giêsu đi ngang qua đó làm nảy sinh ra một hoàn cảnh mới, làm cho anh nảy ra sáng kiến, nói lên bản chất năng động của anh, đặt anh vào hoàn cảnh của những kẻ biết quản tri đời sống mình một cách tự lập và đầy sáng suốt.
Anh Bartimeo mù loà bắt đầu la lớn lên. Tại sao?
Lý do là vì ở giữa đám đông, luôn luôn ồn ào với lời ăn tiếng nói, bởi đó anh phải la lớn tiếng lên để lưót thắng được tiếng ồn ào của đám đông:
- Vừa nghe nói đó là Chúa Giêsu Nazareth, anh ta bắt đầu kêu lớn tiếng..." (Mc 10, 48).

Ngoài ra thái độ la lớn tiếng lên còn có ý nghĩa gì nữa trong Phúc Âm Thánh Marco không ?
Thánh Marco thường thuật lại qủy dữ hay những người bị qủy ám thường la lớn tiếng lên, bởi vì chúng bị bắt buộc phải xác nhận căn tính của Chúa Giêsu:
- “Còn thần ô uế, hễ thấy Chúa Giêsu thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: " Ông là Con Thiên Chúa" (Mc 3, 11).
- "Thấy Chúa Giêsu từ đằng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Lạy ông Giêsu Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyên tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi" (Mc 5, 6-7).
Ở một vài trường họp khác, tiếng kêu la lên cho thấy đó là mối lo sợ của đương sự, như trường họp các môn đệ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước:
- “Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên " (Mc 6, 49).
Cũng vậy, tiếng la hét cũng có thể là thái độ giận dữ, la lên cho hả dạ:
- " Họ la lên: "Đóng đinh nó vào thập giá" (Mc 15, 13).
Nhưng tiếng la lên cũng có thể là la để giải toả thái độ bực tức, uẩn ức trong lòng, bao nhiêu năng lực từ lâu bị nén ép trong lòng được cơ hội nổ tung, một cử chỉ ồn ào để diển tả một ao ước giờ đây được thoát xuất ra bằng tiếng nói mạnh dạn, la lớn lên cho hả dạ.
Lớn tiếng nói lên cũng có thể là thái độ của tâm hồn đặt mọi tin tưởng vào Chúa, cầu nguyện, nói lên với Chúa tất cả tâm hồn của mình đối với Người. Đó là thái độ của người cầu nguyện, phó thác trong tay Chúa, chúng ta cũng gặp được trong Thánh Vịnh:
- "Kẻ nghèo nầy kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn" (Ps 34, 7).
Kêu lên lớn tiếng cũng có thể là tiếng kêu cứu của người cha, xin Chúa Giêsu chữa cho đứa con mình đang hoạn nạn:
- “Lập tức, cha đứa bé kêu lên: "Con tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của con" (Mc 9, 24).
Có lẽ đó cũng là thái độ của Bartimeo. Chúng ta có thể nghĩ như vậy, nếu chúng ta đặt câu hỏi lúc nào và tại sao anh mù bắt đầu la lớn tiếng.
Anh la lên khi nghe Chúa Giêsu đi ngang qua: chính sự hiện diện của Chúa Giêsu là động lực làm cho người mù ăn xin lớn tiếng kêu van, làm cho anh có được cơ hội thể hiện ra được một thế giới bị chìm ngập, được ngoi lên bằng tiếng nói của lời kêu khẩn ngắn ngủi.
Tiếng kêu van của anh phát biểu từ bản năng, từ tình cảm không còn chịu chứa đựng nổi trong các lằn mức khốn cùng của cuộc sống, được thoát xuất ra bằng lời nói, với ý nghĩa thần học cao cả:
- “Lạy ông Giêsu, con vua David, xin thương xót con !" (Mc 10, 47).

2 - Con vua David.
Cuộc đi qua của Chúa Giêsu làm anh mù đầy cảm hứng và sức sống khiến anh kêu van lên:
- "Lạy ông Giêsu, Con Vua David, xin thương xót con !".
Đó là một tiếng kêu, một lời van xin ngắn ngủi, phát xuất từ tận cùng thâm sâu của mối đau khổ và cảnh sống nhục nhã, bị mọi người coi rẻ.
Anh van xin Chúa Giêsu lo lắng cho anh: “xin thương xót con !".
Thái độ hướng về Chúa Giêsu để nói lên nỗi khổ đau của mình, cho thấy Bartimeo tin tưởng và khâm phục đối với vị Thầy Nazareth.
Còn nữa, tước vị “Con Vua David” là tước vị đã được dân chúng Israel gán cho Đấng Cứu Độ, mà họ đang chờ đợi, mong muốn.
Như vậy anh mù Bartimeo cho biết anh đang nghĩ Chúa Giêsu là ai.
Đấng Cứu Độ được Thiên Chúa hứa là Đấng có thể thay đổi tận gốc rể mọi sự, chính là Thiên Chúa thể hiện trong một con người để thực hiện lời hứa cứu độ của Người (như chúng ta đã nghe trong bài đọc I).
Tước vị “Con vua Đavid" có thể được hiểu như là một nhân vật pha trộn giữa Đấng Cứu Độ và Đấng Lãnh Đạo chính trị, tạo nên một tình trạng bùng nổ nguy hiểm trong dân chúng.
Qua dòng lịch sử, tất cả đều biết chính vua David là người đã kiến tạo vương quốc Israel đến tuyệt đỉnh, khiến cho các dân lân cận đều phải tôn vinh và kính trọng.
Và chính tiên tri Natan đã hứa với vua David là vua sẽ có một dòng tộc làm cho vương quốc của ngài tồn tại vĩnh viễn (cfr. 2 Sam 7). Và như vậy mọi ngưòi đều biết là chỉ có Đấng Cứu Độ mới có thể thực hiện được điều vừa kể.
Như vậ trong tình trạng hiện tại lúc đó, Đấng Cứu Độ thuộc dòng tộc vua David là Đấng mà dân chúng đang mong chờ, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, để đem lại uy tín cho vương quốc đang bị xúc phạm.
Dân chúng Israel luôn luôn nuôi trong lòng hy vọng rằng mình có thể tham dự được biến cố Đấng Cứu Độ xảy đến và niềm hy vọng đó được thấp sáng trở lại, mỗi khi trong dân xuất hiện một nhân vật kỳ tài, có thành tích khác với những người khác.

Trong câu nói của anh Bartimeo chúng ta có thể đọc được niềm hy vọng mong đợi Đấng Cứu Độ đó được thể hiện nơi Chúa Giêsu.
Nhưng nói lên trước công chúng như vậy là một động tác nguy hiểm, bởi vì đó là tư tưởng khác với quan niệm của các người Pharisêu về Chúa Giêsu, và họ là thành phần lãnh đạo tôn giáo ở Israel.
Mối nguy hiểm thứ hai, đó là “tư tưởng phản động” đối với quân ngoại xâm Roma đang chiếm đóng Israel lúc đó. Họ luôn luôn ngờ vực và sẵn sàng tiêu diệt mọi quan niệm có khuynh hướng lật đổ họ.
Hiều như vậy, chúng ta thấy anh mù Bartimeo quá bạo gan và thật liều lĩnh.
Ngay cả lời nguyện ngắn ngủi của anh, “xin thương xót con" cũng là một lời nguyện làm cho cả hai giới vừa kể khó chịu.
Bartimeo van xin Chúa Giêsu cảm thông cho mình, cho tình trạng bị loại ra bên lề và nhục nhã của mình, bởi đó anh thốt lên lời cầu nguyện khiêm nhường, nhưng đánh động được tình yêu của Chúa.
Anh hướng về Chúa Giêsu và nhìn nhận Người là “Con vua David”, hy vọng Người sẽ làm cho mình một điều gì đó.

home Mục lục Lưu trữ