Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 65
Tổng truy cập: 1361020
CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG
Trong những giờ chầu Thánh Thể, ta vẫn hát: “Này con là Đá…”, để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Lời hát như vang vọng tiếp nối một truyền thống thật xa lên đến giờ phút ở Xêđarê Philipphê khi Chúa Giêsu lập Giáo Hội với một nhóm nhỏ còn lang thang dong ruổi hành trình rao giảng Nước Trời, chưa hình thành một cơ cấu chặt chẽ và ổn định.
Không biết mỗi lần hát chúng ta có đủ lắng sâu để chiêm ngấm biến cố lạ lùng khi Chúa Giêsu quyết định đặt một con người mỏng manh đến thế để làm đầu Giáo Hội và làm đá tảng để Ngài xây dựng Giáo Hội của Ngài trên đó. Ngay chính khi vào giờ đó Phêrô cũng chưa mường tượng ra được Giáo Hội mà ông được trao phó cho trách nhiệm thánh thiêng và cao quý ngần ấy sẽ như thế nào và sẽ thành hình ra sao?
1. Một quyết định dựa trên mạc khải
Ở một địa điểm xa với những sinh hoạt chính trị và tôn giáo, Đức Giêsu đã muốn cho các môn đệ của mình có dịp đào sâu mối tương quan thân tình và sâu đậm với Ngài để rồi đến một lúc nào đó khi ân sủng đã đầy tràn, đã tác động nơi những con người mỏng dòn và nhỏ bé này thì Ngài đặt ra cho họ một câu hỏi trở nên căn bản cho mọi thời: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu là ai đối với các môn đệ quả thật là hệ trọng vì nó xác định mối tương quan thật sự giữa họ và Thầy mình. Điều nầy đã trở nên cốt thiết đến nỗi nó sẽ chi phối toàn thể cung cách sống và hoạt động của họ.
Nếu người ta không gặp và biết Đức Giêsu là ai. Thực sự là ai thì mọi nỗ lực xây dựng đều không có nền móng vững chắc. Chỉ cần một khủng hoảng, một biến động nào đó của hoàn cảnh đủ làm sụp đổ toàn bộ những kiến tạo vừa mới được thiết lập. Người ta có thể theo Chúa Giêsu một khoảng thời gian nào dó để rồi sẽ hối tiếc vì mình đã lầm tưởng và không thể đáp trả trước một đòi hỏi cho là quá lớn của một Đấng, mà mình chưa coi là số một của đời mình. Chúng ta thường thấy Chúa Giêsu nói câu này: “Lòng tin của con đã cứu chữa con” Ngài luôn muốn nối một cây cầu gặp gỡ với những ai lãnh nhận ơn lành của Ngài. Như vậy Ngài không chỉ bằng lòng với việc họ đã nhận được điều nầy điều nọ mà Ngài phải là ai đối với họ.
“Đức Giêsu thực sự là ai? “
Câu trả lời chính xác vẫn không nằm trong tầm tay của ta mà chỉ có ân sủng mới cho ta lời giải đáp trọn vẹn. Lời tuyên tín của Phêrô không phải là thành quả của việc tổng kết các lời nói việc làm của Đức Giêsu dẫn Phêrô đến chỗ khám phá ra chân tính của Đức Giêsu mà là một tác động thần linh đã soi tỏ cho Phêrô biết.
“Anh thật có phúc vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy mà là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời (Mt 16,17)
Bởi vì những gì thuộc về máu thịt, trí tuệ cùng lắm chỉ là một tiên tri hay tệ hơn chỉ là một vĩ nhân dù đó là vĩ nhãn số một của nhân loại. Nhưng hơn thế nữa: “Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Để nghiệm được điều đó, đón nhận được mầu nhiệm ấy, không chỉ cần khiêm tốn của trí tuệ mà cần nhận được mặc khải từ nơi Thiên Chúa.
Lời tuyên tín của Phêrô tỏ cho thấy ông được Chúa Cha mặc khải cho mầu nhiệm cơ bản của Nước Trời và là dấu sự chọn lựa của Thiên Chúa. Đức Giêsu biết rằng đã đến lúc Ngài có thể khởi đầu việc đặt nền móng xây dựng một tòa nhà kiên cố liên quan đến toàn bộ chiều dài của lịch sử? “Trên táng đá nàyThầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” Một quyết định thật bất ngờ nhưng lai dựa trên ý định của Cha nơi mặc khải cua Ngài.
2. Hội thánh trên tảng đá sống
Khi thoáng nhìn một con thuyền nhỏ bé lênh đênh trên biển cả bao la, ta chợt có ý tưởng nghi ngại: một con thuyền như vậy liệu có thể vượt đại dương đầy sóng gió hãi hùng, đầy bão tố hiểm nguy để về đến bến bình yên không.
Cũng như vậy, tự nhiên ta sẽ nghĩ về Phêrô: ông cũng chỉ là một con người với vô vàn khuyết điểm, yếu đuối mà ta đã thấu rõ chất người của ông lúc ông sợ hãi can ngăn Chúa Giêsu lên Giêrusalem, khi ông nhát đảm chối bỏ Thầy trong dinh thượng tế. Thế mà ông lại được chọn để làm nền cho Giáo Hội và mọi quyền lực âm phủ không lay chuyển nổi.
Sự an toàn không ở nơi tảng đá sống đó mà ở nơi lời tác tạo của Đức Giêsu, lời bảo đảm cho công trình của Ngài. Chỉ có lời của Đức Giêsu làm nền tảng thực sự cho Giáo Hội vừa được chính thức thiết lập.
Phêrô – người và những đấng kế vị mãi là những viên đá sống động nên không thiếu những yếu hèn và khuyết điểm. Nhưng Thiên Chúa thì mạnh mẽ và trung tín với lời hứa của Ngài. Nhờ đó chúng ta sẽ không nao núng, hay thất vọng trước những yếu kém nào đó của những con người trong Giáo Hội. Chính Chúa sẽ thi thố quyền năng, giữ gìn và bảo vệ công trình tay Ngài dựng nên.
3. Cộng tác với ân sủng và khiêm tốn đón nhận
Chúa Giêsu đã không khen Phêrô có công trong lời tuyên tín chuẩn mực của ông. Tất cả đều là ơn nhưng không của Thiên Chúa, nhưng Phêrô diễm phúc vì đã để cho mặc khải của Thiên Chúa được tự do hành động trong con người của mình. Mặc khải đã đến trong tâm hồn, trí tuệ và lời nói của Phêrô đã bật ra thành lời tuyên xưng. Ông đã không cản trở tác động của ơn thánh mà cộng tác để làm lộ ra mặc khải Thiên Chúa ông đã nhận được nơi bản thân. Điều nầy có vẻ là một thái độ thụ động, nhưng thật ra đây cũng là một thái độ cần thiết đòi hỏi nỗ lực đón nhận và tự do ưng thuận. Thiên Chúa luôn để cho ta được tự do đáp trả điều Ngài muốn làm nơi ta, vì thế sẵn sàng mở cửa cho ơn thánh cũng là một thái độ cộng tác với ơn của Thiên Chúa. Ngài muốn dùng ta như trung gian ân huệ Thiên Chúa.
4. Câu hỏi dành cho mỗi người: “Đức Giêsu là ai đối với bạn?”
Câu hỏi ấy vẫn mãi vang lên trong Hội Thánh và giữa nhân loại. Không biết Đức Giêsu và không biết Ngài là ai đối với mình thì mọi chức vụ đều vô nghĩa. Người ta không thể phục vụ mà lại không biết rõ người sai gởi mình. Chính trong mối tương quan với đức Giêsu mà sau ngày Phục Sinh Đức Giêsu lại tiếp tục hỏi Phêrô về lòng yêu mến. Có biết đức Giêsu và yêu mến Ngài người ta mới có thể sống tận cùng sự phục vụ và yêu mến tha nhân.
Để biết Đức Giêsu, người ta sẽ phải tìm kiếm Ngài, hiểu biết Ngài và nhất là gặp gỡ Ngài. Nhờ những giờ phút gần gũi, những khoảnh khắc lắng nghe Lời Ngài, những thời gian sống cho Ngài, người ta sẽ có được một kinh nghiệm, một tương quan cá vị, và điều này sẽ giúp tăng tiến mối quan hệ với đức Giêsu.
“Đức Giêsu ai đối với tôi? “
Câu hỏi ấy dành cho chính tôi – Tôi sẽ trả lời thế nào? Không thể lấy lại những gì tôi đã nghe người khác nói về Ngài. Còn bản thân thì chưa biết Ngài như một em bé học giáo lý đã phải khóc thốt nên rằng “Sao ai cũng nói về một người tên là Giêsu, nhưng con chẳng biết ông là ai? Con chưa bao giờ gặp ông ấy!”
Tệ hơn nữa có khi ta vẫn cứ tuyên xưng: Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống mà thực sự ta chẳng hề tin, chẳng hề hiểu và chẳng hề sống lòng tin của mình.
Có lẽ chính chúng ta sẽ phải đi tại hành trình khám phá Đức Giêsu: nhìn lại những sợi dây nối kết chúng ta với đức Giêsu hơn là bằng lòng với những gì người khác nói cho ta về Ngài.
Lời Chúc phúc cho Phêrô hôm nay cũng sẽ là Lời chúc phúc cho tất cả những ai nhận thực Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, để rồi thể hiện rõ nét trong đời sống mình tuyên xưng mà chúng ta vẫn đọc trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô Con một Thiên Chúa…”
61. Giáo Hội xây trên tảng đá đức tin của Phêrô
Gần đây có một số người được xem là đạo đức, rất sốt sắng tham gia các hội đoàn cầu nguyện, họ đang chuyền tay nhau những tài liệu được coi như là chân lý mạc khải của Chúa và của Đức Mẹ. Những tập tài liệụ này được phổ biến nhanh chóng và rộng rãi kèm theo lời đe dọa: Không đọc sẽ hối tiếc, hoặc ai không loan truyền cho người khác sứ điệp này sẽ gặp những tai họa này tai họa khác. Nhiều người khi đã lỡ đọc rồi, thì hoang mang, sợ lời đe dọa ấy sẽ xảy ra cho mình nếu mình không truyền bá tài liệu đó. Nhưng vấn đề đáng lưu ý nơi những tài liệu này, là họ dựa vào những tâm tình đạo đức cá nhân, những suy diễn cá nhân để giải thích Lời Chúa. Nguy hiểm hơn, những tài liệu này đang muốn làm cho chúng ta hoang mang và nghi ngờ quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô, những người này dựa vào một lời tiên đoán của những kẻ bảo thủ cực đoan và kết luận Đức Giáo Hoàng đương kim là ngụy giáo hoàng, là kẻ phá Giáo Hội. Họ không muốn thấy một vị giáo hoàng gần gũi với mọi người, họ muốn một giáo hoàng nghiêm nghị cứng rắn thay vì một giáo hoàng đơn sơ, bình dân như đức giáo hoàng Phanxicô.
Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu chính là mạc khải cuối cùng và trọn vẹn mà Thiên Chúa dành cho con người, vì thế không cần và không buộc phải tin bất cứ một mạc khải riêng tư nào khác nữa. Hơn nữa, mạc khải của Thiên Chúa qua Tin Mừng được trao cho Giáo Hội giữ gìn nguyên vẹn và có bổn phận giải thích và thông truyền cho mọi thế hệ, vì thế những ai nhân danh cá nhân để giải thích hoặc loan truyền những điều nghịch với sự hướng dẫn của Giáo Hội, đó là những kẻ dối trá.
Tin Mừng hôm nay đã cho thấy ý định của Chúa Giêsu khi chọn Phêrô, trao cho ông quyền cầm buộc và tháo cởi, đồng thời Chúa đã quyết định xây dựng Giáo Hội của Ngài trên đức tin của Phêrô. Thánh Mathew thuật lai: Khi Thầy trò đến vùng Cesare-Philipphê, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề với các tông đồ: Người ta bảo con người là ai? Chi tiết này cho thấy, sau một thời gian đi rao giảng Nước Trời và làm nhiều phép lạ, Chúa muốn biết dân chúng hiểu thế nào về Ngài và về sứ mạng của Ngài. Qua câu trả lời của các tông đồ cho thấy, dân chúng dường như chưa có một hiểu biết gì khác hơn về Ngài, họ chỉ mới nhìn nhận Ngài như một vị tiên tri giống như các tiên tri trong lịch sử của họ mà thôi.
Dường như điều Chúa Giêsu quan tâm hơn lại là chính các tông đồ, khi Ngài đặt câu hỏi trực tiếp với các ông: Còn các con, các con bảo Thầy là ai? Simon Phêrô đã đại diện cho các anh em thưa với Chúa rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Câu trả lời thật chính xác và được Chúa khen, Chúa khẳng định đó chính là mặc khải mà Thiên Chúa Cha đã ban cho Phêrô. Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, có nghĩa Phêrô tuyên xưng Ngài là Đấng được xức dầu, là Đấng Mesia muôn dân đang mong đợi, là Đấng cứu thế, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, có nghĩa là Phêrô và các tông đồ đã tin Ngài là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, Đấng mà tổ tiên tôn thờ từ trước đến nay, là Đấng Hằng Hữu.
Chúa Giêsu có quá vội vàng không, khi chỉ mới nghe một lời tuyên xưng như thế, mà Ngài đã quyết định ngay việc thiết lập Giáo hội trên nền tảng đức tin của Phêrô? Chúa Giêsu không hề vội vàng, cùng không hề sai lầm, mặc dù Ngài biết Simon là một con người bộc trực, yêu Chúa nhưng Simon cũng lại là một con người yếu đuối sẽ phản bội Chúa. Chúa không lấy sự khôn ngoan uyên bác làm nền tảng của Giáo Hội, Chúa cũng không lấy sự đạo đức của một người nào đó làm trụ cột cho Giáo Hội, nhưng Chúa đã lấy đức tin của Simon Phêrô và cả sự giới hạn của ông và trao cho ông Giáo Hội của Ngài: Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực ma quỷ sẽ không thắng nổi. Chúa đã không nại đến sự thánh thiện của Simon Phêrô và các tông đồ, Chúa cũng không chọn con người hoàn hảo và trung thành như Gioan để trao quyền thủ lãnh, nhưng Chúa lại chọn Phêrô cùng với sự yếu đuối của ông, để qua ông, mọi thành phần của Giáo Hội luôn khiêm tốn nhìn lại sự khiếm khuyết của mình để biết cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời để dễ thông cảm với những người yếu đuối hơn: Thầy trao cho con chìa khóa Nước Trời, dưới đất con ràng buộc điều gì, trên trời cũng ràng buộc; Dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi. Chúa Giêsu đã quá liều lĩnh khi trao hoàn toàn Giáo Hội là gia nghiệp của mình cho Phêrô, và hoàn toàn đồng thuận với phán quyết của Phêrô và còn bảo đảm với Phêrô rằng: cho dù hỏa ngục có quậy phá cũng không thể thắng được Giáo Hội.
Con người thường hay đánh giá theo cái nhìn cảm tính cá nhân của mình, hoặc theo những tiêu chuẩn do chính mình tạo ra, nhưng đó lại không phải là cách của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa luôn muốn dùng những cái nhỏ bé để làm nên những việc lớn lao, dùng những cái bất toàn để làm nên những giá trị vĩnh cửu, dùng những cái yếu đuối mỏng manh để bày tỏ quyền năng và sức mạnh của Ngài. Tiên tri Isaia đã cho thấy Thiên Chúa cũng đã từng thực hiện những việc như thế trong lịch sử, khi nói về việc Thiên Chúa sẽ chọn một con người và trao cho kẻ ấy vương quyền nhà Đavít: Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, đuổi ngươi khỏi địa vị… Ta sẽ gọi tôi tớ Ta, Ta lấy áo bào của ngươi mà mặc cho nó, lấy cân đai của ngươi mà thắt cho nó, lấy quyền bính của ngươi mà trao vào tay nó… Ta sẽ đặt chìa khóa nhà Đavít trên vai nó, nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được. Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột.
Thánh Phaolô trong thư Rôma cũng đã chia sẻ sự khâm phục của Ngài trước chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa đã thực hiện trong Giáo hội và nơi từng tín hữu: Sự phong phú, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa không ai dò thấu được, đường lối của Người ai theo dõi được.? Ai đã biết tư tương của Chúa? Ai có thể làm cố vấn cho Người?
Thưa quý OBACE, việc Chúa chọn Simon Phêrô làm nền tảng cho Giáo Hội và trao cho ông quyền cầm buộc và tháo cởi, quả là một mầu nhiệm, và lời Ngài hứa sẽ bảo vệ Giáo Hội kiên vững trước những sự chống đối của Satan quả là kỳ diệu hơn nữa. Điều đó cho chúng ta thêm vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa, và hết lòng yêu mến gắn bó với Giáo Hội là mẹ của chúng ta, đồng thời khiêm tốn vâng nghe theo lời giảng dạy của Phêrô và các Đấng kế vị Ngài.
Satan và thế gian không thích Giáo Hội, vì thế nó tìm đủ mọi cách hết sức tinh vi để tách lìa chúng ta khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội. Chúng ta xác tín rằng chỉ có một Giáo Hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền do Chúa Giêsu thiết lập, của Chúa Giêsu, và được trao cho Phêrô và các tông đồ. Vì thế hãy cảnh giác với những mưu mô của Satan, vì nó có thể dùng cả cái vỏ đạo đức, những người bên ngoài xem như đạo đức để gieo vào trong chúng ta sự nghi ngờ Phêrô và giáo Hội của Ngài, nó muốn tách chúng ta ra khỏi sự hiệp thông với ngai tòa Phêrô. Một khi từ chối sự hiệp thông với Phêrô và các Đấng kế vị là tự mình tách ra khỏi Giáo Hội của Chúa Kitô. Bên cạnh đó hãy cầu nguyện thật nhiều cho các vị chủ chăn của chúng ta, hãy làm hết sức mình để xây dựng sự hiệp thông hiệp nhất trong Giáo Hội, đừng vì bất cứ lý do gì mà chúng ta tách lìa khỏi Giáo Hội.
Không chỉ hiệp thông và xây dựng Giáo Hội phổ quát, chúng ta còn được mời gọi cầu nguyện, công tác để xây dựng Giáo hội địa phương là Giáo Phận là Giáo xứ, vì nơi Giáo Hội địa phương này, chúng ta được sinh ra trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng các bí tích, được chăm sóc mục vụ từ nơi các chủ chăn của chúng ta. Hãy gắn bó bằng lời cầu nguyện, bằng hiệp thông, cộng tác, đừng bao giờ biến mình trở thành kẻ đứng bên ngoài mà chỉ trích Giáo Hội, nhưng hãy đặt mình trong địa vị của những người con, cùng chung tay xây dựng Giáo phận, Giáo xứ mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Chúng ta cũng đừng quên giáo hội thu nhỏ là chính các gia đình, nơi đó cha mẹ là những vị chủ chăn, là những người chăm sóc nuôi dưỡng đời sống thể xác và đời sống thiêng liêng cho từng thành viên. Hãy biến gia đình thực sự trở thành giáo hội tại gia, thành đền thờ nơi Thiên Chúa hiện diện, bằng việc mỗi thành viên biết canh tân đổi mới đời sống của mình mỗi ngày, sống gắn bó trong tình yêu thương và tạo lập nên nếp sống đạo đức cho gia đình qua các giờ kinh, qua việc lắng nghe Lời Chúa, cùng nhau tham dự thánh lễ, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Sau cùng, hãy tự hào vì mình là thành viên của Giáo hội, là con cái của Giáo Hội có Chúa Kitô là đầu, là Thủ lãnh và luôn tin tưởng rằng Thánh Thần của Thiên Chúa luôn hoạt động và hướng dẫn Hội Thánh, đồng thời mỗi người hãy để Thánh Thần canh tân biến đổi bản thân và góp phần vào việc canh tân Hội Thánh bằng chính đời sống thánh thiện mỗi ngày. Amen.
62. Người Kitô hữu - Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
Trong những dòng cuối của sứ điệp “Hòa bình dưới thế”, vị cố Giáo hoàng Gioan XXIII, được mệnh danh là vị Giáo hoàng nhân từ, dễ thương, đã đưa ra cho chúng ta một định nghĩa: thế nào là một người Kitô hữu chân chính như sau: “Mỗi một tín hữu trong thế giới của chúng ta là một mảnh sao băng, là một tụ điểm của tình yêu, là một thứ men sống động giữa những người anh em của mình. Nếu người tín hữu đóng trọn vai trò ấy, họ sẽ là người Kitô hữu chân chính”.
Sống trọn những cam kết trên, quả thật người Kitô luôn là một thách thức, một câu hỏi, một sự hiện diện quấy rầy đối với mọi người. Một mảnh sao băng khi chợt sáng lên rồi tắt lịm, nhưng cũng đủ thu hút cái nhìn của con người về một góc trời nào đó. Một hạt men bé nhỏ, mất hút trong khối bột, nhưng cũng đủ sức làm dậy lên cả khối bột. Một thể hiện yêu thương, dù nhẹ nhàng đơn giản, cũng đủ sưởi ấm cõi lòng, đủ sức chinh phục hay cảm hóa bất cứ người nào. Như thế đó, sự hiện diện của người tín hữu luôn có sức thu hút, tạo được ảnh hưởng tốt cho người khác, với điều kiện họ phải sống đúng danh nghĩa người Kitô.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng muốn nhắc nhở chúng ta về cuộc sống ấy. Trong những việc làm của mình, và nhất là cuộc sống của mình, Chúa Giêsu đã không ngừng là một câu hỏi cho tất cả chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi đó Chúa không ngừng đặt ra cho chúng ta và yêu cầu chúng ta sống đúng với niềm tin của mình. Ai trong chúng ta cũng trả lời được Chúa Giêsu là ai? Là Đức Kitô, Con Thiên Chúa đến trần gian để dạy bảo Tin Mừng, để cứu chuộc chúng ta. Rồi đến lượt chúng ta, qua cuộc sống của mình, chúng ta cũng luôn là câu hỏi cho những người chung quanh. Dù âm thầm ẩn dật đến đâu, dù bé nhỏ vô danh đến đâu, sự hiện diện của chúng ta cũng luôn là một câu hỏi cho những người chung quanh. Nghĩa là nhìn vào đời sống chúng ta, họ bảo chúng ta là ai?
Thực vậy, giữa một xã hội đầy giành giật, đầy bon chen, lấy tiền bạc làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô sẽ vẫn là một câu hỏi, nếu chúng ta sống trong tinh thần khó nghèo, chấp nhận thua thiệt, mất mát hơn là bán đứng lương tâm để chạy theo điều phi pháp. Có một số người lấy hận thù, ăn miếng trả miếng làm luật sống, người Kitô sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta vẫn yêu thương với mọi người, sẵn sàng tha thứ và theo Chúa cho đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người đang buông xuôi, thất vọng, người Kitô vẫn mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta biết sống lạc quan, tin tưởng vào một Đấng có tình yêu trong lịch sử con người. Giữa xã hội mà sự thành thật với nhau đã trở thành, một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống thành thật, sống tử tế, tốt đẹp với mọi người, ngay cả đối với chính kẻ thù của mình …Sống như thế quả là không dễ, là một đòi hỏi cam go, nhưng Chúa đòi chúng ta phải cố gắng sống được như thế nếu chúng ta muốn là một Kitô hữu đúng danh, nếu chúng ta muốn làm chứng cho Chúa.
Trong tiểu sử của thánh Sác đơ Phu-cô kể rằng: sau khi từ Ma-rốc trở về, anh say sưa kể lại cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm đầy kỳ thú của anh qua những khu rừng Phi châu, người chăm chú theo dõi câu chuyện hơn cả là một cô cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa kể xong, bất ngờ cô bé hỏi: “Thưa cậu, cháu thấy cậu làm được nhiều việc rất hay, thế cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa?”. Câu hỏi ấy như một luồng điện giật làm Sác đơ Phu-cô bất động. Từ bao lâu nay chưa ai đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế: anh đã làm được gì cho Chúa Giêsu? Anh lục soát tâm hồn mình, anh chỉ thấy một lỗ hổng không đáy, anh đã phí phạm tất cả thời giờ và tuổi thanh xuân cho những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng thấp hèn, mắt anh bỗng mở ra để thấy nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một linh mục. Anh vào dòng khổ tu, ít lâu sau, anh xin đến Na-da-rét để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu. Một ngày kia, khi đang cầu nguyện sốt sắng trong phòng, bỗng anh nghe thấy từ căn nhà bên cạnh tiếng rên rỉ của một người Hồi giáo, nhớ lại gương bác ái của Chúa Giêsu, anh tự hỏi: tôi có thể giam mình cầu nguyện trong phòng trong lúc có những anh chị em chung quanh đang khốn khổ thất vọng chăng? Thế là anh quyết định đến sống giữa họ, trở thành người anh em của họ, nhất là của những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn. Những năm cuối đời, anh sống giữa sa mạc Sa-ha-ra, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống cho những người cùng khổ, và chia sẻ đến giọt máu cuối cùng khi phát súng oan nghiệt của kẻ sát nhân bắn gục anh giữa lúc anh đang cầu nguyện.
Mọi Kitô hữu chân chính đều phải tự hỏi mình: tôi đã làm được gì cho Chúa Giêsu? Chúng ta cũng tự hỏi mình như thế. Qua bao nhiêu năm tháng cuộc đời, qua bao nhiêu nhiệm vụ lớn nhỏ đã hoặc đang đảm trách, qua bao nhiêu hồng ân đã lãnh nhận, tôi đã làm được gì cho Chúa Giêsu? Không phải là cho Chúa Giêsu mãi đâu trên trời, nhưng là cho Chúa Giêsu đang tiếp tục ngự đến, đang tiếp tục hiện diện trong cuộc đời tôi, trong tâm hồn tôi, nơi những người anh em tôi, cũng là anh em của Ngài, nhất là những ai thấp hèn, cùng khổ. Tôi tự hỏi mình, mà chính Chúa Giêsu cũng hỏi tôi mỗi ngày: “Con đã làm được gì cho Cha?”, cũng có nghĩa là “Con đã làm được gì cho những người anh em bé mọn nhất của Cha?”. Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và trả lời.
63. Cơ chế hữu hình – Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Đã có lần người ta giật mình vì câu nói của một vị Bộ Trưởng Việt Nam tại diễn đàn Quốc Hội: “Với cơ chế này thì ai cũng có tội cả” (ông Đào Đình Bình). Chuyện đời là thế. Còn chuyện nhà đạo, thì ta thỉnh thoảng có nghe câu nói: “Tôi tin Chúa, nhưng tôi không thích Hội Thánh”. Hay nói như Voltaire: “Chúa Kitô hứa ban Nước Trời, thì Hội Thánh lại đến”. Những kiểu nói như trên hầu hết đều nhắm đến Hội Thánh cơ chế hữu hình. Thật vậy, cảm giác như bị tù túng, mất tự do hay thiếu thoải mái là cám dỗ triền miên của kiếp người, một tạo vật có lý trí và tự do. Cảm giác ấy càng tăng thêm khi người ta đối diện với một hệ thống tổ chức chặt chẽ, với một hệ thống luật lệ nghiêm minh và nhất là với một đôi vị nắm quyền có cung cách hành xữ như “ông kẹ”.
Dù thích hay không thích, dù tích cực tham gia hay hoạt động cách cực chẳng đã, thì Kitô chúng ta vẫn phải nhìn nhận hiện thực: Chúa Kitô đã thiết lập Hội Thánh. Ngoài thực thể siêu nhiên thì Hội Thánh vẫn có đó và phải có đó cơ chế hữu hình. Đã nói đến cơ chế thì không thể phủ nhận phẩm trật hay luật lệ. Đã nói đến cơ chế thì cần chấp nhận những con người cụ thể trong phận “bất thập toàn”. Thế mà Chúa Kitô như đồng hóa chính Người với Hội Thánh Người thiết lập, với cả những con người của cơ chế ấy đến nỗi Người đã từng nói: “Ai nghe anh em là nghe Thầy…Ai đón tiếp anh em là đón tiếp chính Thầy…Anh em cầm buộc điều gì thì trên trời cũng cầm buộc. Anh em tháo cởi điều gì thì trên trời cũng tháo cởi (x. Mt 16,19). Chúa Kitô đã thiết lập Hội Thánh. Điều này nói lên sự hiện hữu của Hội Thánh là cần thiết như tất yếu. Là Kitô hữu ít có ai nghi ngờ sự thật này. Nhưng vấn đề đặt ra là tính hữu hình với cơ chế của Hội Thánh.
Đã là người trong thân phận có xác và hồn, có tinh thần và thể chất, có bên trong và bên ngoài…và có tính xã hội, thì cơ chế hữu hình là điều tất yếu cần thiết. Tính xác thể đòi hỏi có cái hữu hình và tính xã hội đòi hỏi có các quy chế, luật lệ. Phẩm trật, quyền bính, luật lệ…của Hội Thánh cơ chế hiện hữu là do bởi yêu cầu của đoàn dân Thiên Chúa đang còn lữ thứ. Sự tồn tại khách quan của cơ chế hữu hình có nền tảng trên các chức năng mà nó đảm nhận. Ngoài chức năng tổng quát là phục vụ, xin được đề cập một số chức năng cụ thể của các cơ chế hữu hình.
Chức năng chuyển giao thông tin: Hội Thánh phẩm trật, cơ chế, đặc biệt qua các Đấng bậc được trao quyền bính chính là phương thế Chúa dùng để bày tỏ thánh ý của Người. Một trong các nhiệm vụ hàng đầu mà Chúa Kitô trao cho các tông đồ là rao giảng tin mừng cho mọi người (x. Mt 28,19-20; Lc 24,47). Giáo luật buộc các linh mục trong ngày Chúa Nhật và Lễ buộc, nếu không có lý do nghiêm trọng thì phải giảng Lễ (GL 767.2). Cơ chế phẩm trật Hội Thánh còn là phương thế Chúa dùng để chuyển giao thông tin giữa con người với nhau và từ con người lên đến Thiên Chúa. Trong Thánh lễ, cách riêng Thánh lễ Chúa Nhật, đoàn tín hữu tụ họp không chỉ để lắng nghe Lời Chúa mà còn để lắng nghe nhau và cùng nhau dâng lên Thiên Chúa tâm tư ước nguyện của mình. Điều này được thực hiện rõ nét trong phần “kinh nguyên đại đồng” (lời nguyện giáo dân).
Chức năng trung gian của sự hiệp thông: Hội Thánh hữu hình là nơi ta gặp gỡ nhau, là nơi tập thể này mở lòng với tập thể khác trong tình một Cha trên trời. Cơ chế hữu hình của Hội Thánh giúp đoàn tín hữu có điều kiện thuận lợi để thông phần sự sống Chúa ban tặng, đặc biệt qua các cử hành phụng vụ và sự sẻ chia trong đức ái. Điều này được thể hiện cách cụ thể khi ta cùng tham dự Nghi Lễ Tạ Ơn (cử hành Thánh Thể). Chính khi cùng chia một tấm bánh và nâng cùng một chén, chúng ta được nên một với nhau trong Đức Kitô (x. Cor 10,15-17).
Chức năng gìn giữ sự công bằng, đặc biệt bảo vệ những người yếu thế, cô thân: Các tổ chức, luật lệ có ra là nhằm nâng đỡ, gìn giữ chúng ta những lúc ta yếu đuối, buông thả. Cái cơ chế hữu hình một cách nào đó chính là dây cương giữ ta khỏi ngã bên này, nghiêng bên kia theo cám dỗ của sự xấu, của ác thần. Ngoài ra, sự hiện hữu của các luật lệ, các tổ chức là một sức mạnh bảo vệ kẻ cô thế, kém phận khỏi những bất công do cảnh cá lớn nuốt cá bé. Như thế, quy tắc luật lệ hay quyền bính hữu hình vừa đảm nhận vai trò gìn giữ sự công bằng xã hội vừa gìn giữ và đòi hỏi chúng ta mãi vươn lên và lướt thắng chính mình.
Cũng như các cơ chế hữu hình khác trong xã hội, Hội Thánh phẩm trật với quyền bính, luật lệ…hiện hữu là tất yếu theo thánh ý của Thiên Chúa, đặc biệt theo ý định minh nhiên của Đức Kitô. Hội Thánh hiện hữu là để tiếp tục công trình cứu độ của Đức Kitô cho đến tận cùng thời gian và không gian. Tuy nhiên một điều chúng ta cần chân nhận với nhau rằng không phải một sớm một chiều mà cơ cấu tổ chức hữu hình của Hội Thánh có ngay và hình thành xem ra khá hoàn bị và có vẻ cồng kềnh như hiện nay.
Nếu nhìn Hội Thánh dưới chiều kích bí tích thì chúng ta cần xác nhận Hội Thánh là một phương thế, một công cụ Chúa Kitô thiết lập, Chúa Kitô dùng để tiếp tục chương trình cứu độ của Người. Đã là phương thế, là công cụ thì không phải cho chính nó nhưng là cho mục đích cần đạt tới, đồng thời cần được chỉnh sửa và hoàn bị luôn mãi. Điều này được lịch sử minh chứng rõ nét. Cả đến cơ cấu tổ chức, quyền bính, cả đến luật lệ và cách thế vận hành của Hội Thánh hữu hình không bao giờ ở mãi một trạng thái nhất định, nghĩa là chỉ có một cách, một kiểu duy nhất không thay đổi. Tuy nhiên dù có thay đổi hay chỉnh sửa Giáo Luật, cơ cấu tổ chức, cách hành xử quyền bính, thì đều nhắm để phụng sự Chúa và phục vụ con người cách hữu hiệu hơn, để thực thi các chức năng chuyển giao thông tin, làm trung gian sự hiệp thông, bảo vệ sự công bằng…cách tốt đẹp hơn.
Chúa Kitô khẳng định chính Người xây dựng Hội Thánh. Vì thế, chúng ta vững tin vào sự cần thiết và sự trường tồn của Hội Thánh trong thời gian lữ thứ này. Thế nhưng niềm tin ấy không loại trừ bổn phận của mỗi người chúng ta trong việc góp phần hoàn thiện Hội Thánh xét về phương diện hữu hình qua cơ cấu tổ chức, quyền bính, luật lệ, thể chế. Con người và các hình thái xã hội ngày mỗi đổi thay không ngừng. Chính vì thế các mối tương quan giữa người với người, giữa tập thể này với tập thể kia cũng ngày càng đa dạng và phức tạp. Các Đức Thánh Cha gần đây đã khẳng định rằng: “con người, chính là con đường của Hội Thánh”. Lời khẳng định này đòi hỏi chúng ta không chỉ chuyên chăm cầu nguyện cho Hội thánh, cho các Đấng bậc mà còn phải tích cực góp phần cách cụ thể, cho dù là bé nhỏ. Công đồng Vatican II đã lật ngược “tòa nhà Kim tự tháp” của quan niệm xưa khi đề cao khái niệm Hội Thánh là đoàn Dân Thiên Chúa. Không phải vì thế mà tín hữu chúng ta thừa cơ tung hoành kiểu “phép vua thua lệ làng” nhưng phải làm sao để cho chuyện “ ý dân là ý trời” được thể hiện một cách nào đó dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đang đồng hành với Hội Thánh, Đấng đang cùng với Hội Thánh khẩn khoản nài xin Đức Kitô lại đến (x. Kh 22,17).
64. Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển
Hãy xây dựng Giáo Hội bằng những viên đá sống động
“Giáo Hội là mầu nhiệm”; “Giáo Hội là dân Thiên Chúa”. Những khái niệm trên cho thấy Giáo Hội vừa mang tính hữu hình vừa mang tính vô hình. Hữu hình: Giáo Hội là một tổ chức như mọi tổ chức trần gian. Có người lãnh đạo và có những cộng sự khác. Vô hình: vì có Thiên Chúa Ba Ngôi là chủ. Mọi thành phần trong Giáo Hội đều có sự liên đới với nhau, ta gọi đó là: “Mầu nhiệm hiệp thông”.
Như vậy, khi thiết lập Giáo Hội, Đức Giêsu muốn thông qua tổ chức hữu hình để Ngài ban ân sủng siêu nhiên nhằm cứu độ con người. Thế nên, trước khi về trời, Đức Giêsu muốn Giáo Hội tiếp tục công trình cứu độ của Ngài cho đến tận thế. Vì lẽ đó, Đức Giêsu đã đặt Phêrô là người thay mặt Ngài ở trần gian để điều hành Giáo Hội. Tuy nhiên, việc trao ban quyền lãnh đạo cho Phêrô, Đức Giêsu muốn Phêrô phải tuyên xưng và xác tín niềm tin của ông nơi Ngài trước khi nhận lãnh sứ vụ. Đồng thời phải có tâm tình khiêm tốn, chân thành của kẻ bé mọn trong việc xây dựng Nước Trời trên trần gian.
1. Phêrô tuyên xưng đức tin
“Người ta bảo Con Người là ai?” (Mt 16,13).
Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ như vậy? Câu hỏi này của Đức Giêsu có ý gì?
Thưa vì những lý do sau:
Thứ nhất, Đức Giêsu và các môn đệ đang ở vùng Cêsarêa Philipphê. Đây là vùng đất của dân ngoại. Địa danh này còn được biết đến là một trung tâm thờ thần Baan. Nơi đây cũng có thể là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias: thần thiên nhiên.
Dân chúng ở đây, trong tâm thức của họ, Đức Giêsu chỉ là một nhân vật vĩ đại và thuần túy, hay chỉ là người tiếp nối quá khứ truyền thống của các tiên tri thời Cựu Ước mà thôi. Sẵn có lối suy nghĩ như vậy, nên họ không hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu! Vì thế, không lạ gì khi được hỏi về dư luận trong dân chúng về mình, các môn đệ đã thông tri cho Đức Giêsu biết: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16,14). Khi nghe thấy như thế, Đức Giêsu không thỏa mãn với câu trả lời đó. Mặt khác, nhân đây, Ngài muốn mặc khải cho các ông về con người và vai trò Thiên Sai của mình. Vì thế, Ngài đã hỏi trực tiếp các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,15-16).
Khi Phêrô tuyên xưng điều đó, có lẽ ông cũng không hiểu hết, bởi vì mầu nhiệm này quá sức của ông và các môn đệ khác.
Quả thật, “Đấng Kitô” mà Đức Giêsu muốn các môn sinh của mình hiểu ở đây không chỉ đơn thuần theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa sinh ra, mà còn là người hành động như Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa. Còn “Con Thiên Chúa hằng sống”, tức Ngài là Đấng tự hữu và tự tồn tại, vì thế “Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.
Thứ hai, đây là dịp để Đức Giêsu trắc nghiệm niềm tin của các ông vào mình, bởi lẽ không thể trao phó một trách nhiệm quan trọng mang tính trường tồn cho một kẻ kém tin, kiêu ngạo, tự phụ và không hiểu biết gì về mình.
2. Phêrô đón nhận sứ vụ
Ngay sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17). Qua câu nói đó của Đức Giêsu, và lúc khác kết hợp với lời tạ ơn của chính Ngài: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25), cho chúng ta thấy rất rõ rằng: sứ vụ mà Phêrô sắp được lãnh nhận ở đây không phải là của người khôn ngoan, trí thức, quyền quý, theo kiểu người đời vẫn hiểu, mà là dành cho những người bé mọn theo ý Chúa. Lời tuyên tín của Thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” không thuộc phạm trù “sự hiểu biết thuộc về con người”, nhưng thuộc về “thế giới siêu nghiệm”, và vì thế, để hiểu được tất cả ý nhĩa của lời tuyên tín trên thì cần phải được mặc khải từ Thiên Chúa, và người đón nhận phải đơn sơ, chân thành.
Thật vậy, sứ vụ mà Phêrô sắp lãnh nhận là trở thành chủ chăn, là người lãnh đạo, nhưng khi thi hành thì phải mang trong mình tâm tình khiêm nhường và phục vụ chứ không được dùng quyền để đàn áp, thống lãnh và ăn trên ngồi trước như người đời… Biết can đảm, trung thành trước mọi thử thách và cuối cùng là biết phó thác nơi Thiên Chúa như những người bé mọn.
Vì thế, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin, ngay lập tức, Ngài đã đổi tên của ông là Simon thành Phêrô và giải thích là “Đá Tảng”. Nhắc đến đá, ta nhớ ngay những đặc tính của nó như: cứng; bền; chắc. Và khi Đức Giêsu ví Giáo Hội được xây trên nền đá, Ngài cũng muốn nhấn mạnh đến những đặc tính siêu nhiên.
Cứng: nói lên sức mạnh của Giáo Hội.
Bền: nói lên sự trường tồn của Giáo Hội.
Chắc: nói lên sự vững mạnh của Giáo Hội.
Khi đổi tên như thế, Ngài đã biến ông từ một kẻ nhát đảm, kém tin, bồng bột trở thành biểu tượng của sức mạnh, trường tồn và bền vững: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Không những thế, Đức Giêsu còn trao cho Phêrô quyền tuyệt đối khi nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19).
Theo quan niệm của người Do thái vào thời đó, “quyền lực của tử thần” là “khả năng giam giữ các kẻ chết”. Câu này có ý nói đến uy quyền của ma quỷ, chúng dùng sự dữ để đưa người ta vào con đường tội lỗi, và giam giữ họ trong sự chết đời đời.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rộng hơn nữa về thứ quyền lực của thế gian nơi những kẻ bách hại Giáo Hội, quyền lực của những kẻ sỉ vả và vu khống các môn đệ Đức Giêsu, quyền lực của những kẻ chỉ giết được thân xác… Nhưng cũng như quyền lực của ma quỷ, chúng sẽ không thể tiêu diệt được Giáo Hội, vì Giáo Hội được Đức Giêsu xây dựng trên nền tảng ân huệ lòng tin mà Chúa Cha ban cho những người bé mọn theo thánh ý Ngài.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Khi Giáo Hội được Đức Giêsu xây trên nền đá vững chắc ấy. Cộng đoàn những người tuyên xưng cùng một lòng tin mà Phêrô vừa tuyên xưng thì được ví như một tòa nhà do chính Đức Giêsu xây dựng trên “tảng đá” Phêrô và mỗi chúng ta: “… như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng” ấy (x. 1Pr 2,5). Khi nói đến viên đá sống động, hẳn chúng ta không thể hiểu theo ngôn ngữ chết, mà phải hiểu trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta.
Câu hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?” cũng là câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta. Bổn phận của chúng ta là phải trả lời cho được câu hỏi đó. Nếu trả lời như Phêrô khi xưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thì hẳn chúng ta phải biểu lộ niềm tin của mình vào Đấng đã cứu chuộc mình cách đúng nghĩa.
Thật vậy, muốn thuộc về Đức Giêsu, chúng ta phải đi lại con đường thập giá của Ngài đã đi và sống nguyên lý của mầu nhiệm tự hủy, khiêm tốn, can đảm, trung thành và phó thác.
Nếu không, đức tin của chúng ta chỉ là thứ đức tin “ấu trĩ” được mua bằng một “giá rẻ”. Nếu quả là vậy, thì mãi mãi vẫn chỉ là một đức tin “nghèo nàn” và thiếu đi “cốt lõi” của niềm tin.
Thánh Giacôbê Tông đồ đã nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17), và thánh Gioan đã quả quyết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người […]. Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (1Ga 2,3-6).
Như vậy, tin Đức Giêsu thì cũng hành động như Ngài và tuân theo lời dạy yêu thương của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34) và như thế, niềm tin của chúng ta sẽ được lan truyền sang cho mọi người như lời Đức Giêsu đã nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,17).
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con ngày càng theo sát Chúa trên con đường thập giá là con “đường độc đạo” con “đường thật” dẫn đến “sự sống”. Xin cũng ban cho chúng con luôn yêu mến, vâng phục đấng thay mặt Chúa, kế vị các tông đồ và sẵn sàng dấn thân xây dựng Giáo Hội của Chúa trên trần gian. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam