Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 69

Tổng truy cập: 1349796

Con tim đập nhịp thần linh

Con Tim Đập Nhịp Thần Linh

Bài chia sẻ cho Phúc Âm tuần trước đã nói là bài Phúc Âm Chúa Nhật VI Phục Sinh năm B tuần này có chất chứa chi tiết về một thứ nhựa sống thần linh, một thứ nhựa sống được Chúa Kitô là Cây Nho hay Thân Nho thông sang cho Giáo Hội, cho Kitô hữu là các cành nho của Người, để các cành nho hiệp nhất với Người ấy có thể nhờ đó sinh muôn vàn hoa trái. Vậy nhựa sống thần linh ở trong bài Phúc Âm tuần này đây là gì, nếu không phải là đức ái trọn hảo, là Tình Yêu Thiên Chúa? Bởi vì, nếu không có yêu thương cũng chẳng có sự sống, chủ đề của 4 tuần cuối của Mùa Phục Sinh. Chính bởi yêu thương Thiên Chúa mới tự động đến với con người, tìm kiếm con người, dù con người tạo vật vô cùng thấp hèn chẳng là gì trước nhan Ngài, trái lại, còn đáng bị trầm phạt muôn đời vì đã chống phản Người. Chính bởi yêu thương Thiên Chúa chẳng những đã đến với con người, nhưng không đến với con người như là một vị chủ tể đến với bầy tôi tớ, mà là đến để nâng con người lên hàng bạn hữu với Ngài, sống thân tình thiết nghĩa với Ngài. Theo lời Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay thì có hai dấu hiệu Thiên Chúa quả thực chứng tỏ cho thấy Ngài hết lòng muốn làm bạn với con người và muốn con người làm bạn với Ngài, đó là việc Ngài hy sinh mạng sống cho con người và tỏ cho con người biết tất cả những gì về Ngài.

Đúng thế, theo tự nhiên, chẳng có ai lại chết cho kẻ thù của mình, kể cả cho người dưng nước lã. Mạng sống là cái gì quí nhất thì phải được đổi lại hay thay thế cũng bằng những gì tương đương hay đáng giá hơn. Vậy nếu một khi con người được Thiên Chúa hy sinh mạng sống mình cho nơi Con của Ngài thì không phải là con người vô cùng quí giá trước mặt Thiên Chúa hay sao!?! - “Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu của mình. Các con là bạn hữu của Thày…”. Cũng theo tự nhiên, chẳng có ai lại đi tâm sự với một người thù ghét mình, hay với một người chẳng bao giờ quen biết, hoặc thậm chí cả với những người ruột thịt nữa, (đó là lý do thực tế cho thấy nhiều khi bạn bè còn thân hơn cả anh em trong nhà, nhất là trường hợp kết bạn trăm năm). Vậy một khi Thiên Chúa tỏ hết mình ra cho con người qua Chúa Giêsu Kitô là “tất cả sự thật” (Jn 16:13), là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, đến nỗi “ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:9), thì không phải là Ngài đã coi con người như bạn hữu của Ngài hay sao!?! - “Thày không gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết gì về chủ của mình. Song Thày gọi các con là bạn hữu, vì Thày đã tỏ cho các con biết tất cả những gì Thày đã nghe thấy nơi Cha Thày”.

Nếu nói đến chủ tớ là nói đến quyền bính, thì nói đến bạn bè là nói đến yêu thương. Vậy một khi Thiên Chúa muốn làm bạn với con người là Thiên Chúa yêu thương con người và muốn con người yêu mến Ngài. Thực tế cho thấy, con người tạo vật chỉ có khả năng yêu hay chỉ biết yêu khi được yêu, được nâng lên làm bạn với Thiên Chúa mà thôi. Nghĩa là họ được Thiên Chúa ban cho họ khả năng để yêu như Ngài yêu. Đó là lý do con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa (x Gen 1:26), với tâm linh để nhận biết Ngài yêu họ ra sao và với tự do để đáp lại tình Ngài thương mến. Thiên Chúa đã yêu thương con người nơi Con của Ngài, và Con của Ngài đến để cho con người thấy rằng “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) đã yêu con người biết là chừng nào, “yêu đến cùng” (Jn 13:1), yêu đến thí mạng sống mình làm giá chuộc họ (x Mt 20:28): “Cha Thày đã yêu Thày thế nào, Thày cũng yêu các con như thế”. Một trong những con người đã ý thức được thực tại thần linh này, đã ý thức được chẳng những bản tính trọn hảo của Thiên Chúa mà còn đã triệt thấu được cả bản chất của tình yêu lẫn nguyên tắc yêu thương, đó là “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” (Jn 13:23; 19:26; 20:2; 21:20), người môn đệ được ngả đầu (biểu hiệu cho tâm linh con người) vào ngực (biểu hiệu cho tình yêu) Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly (x Jn 13:25). Về bản tính toàn thiện của Thiên Chúa, người môn đệ này đã cảm nghiệm rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16). Về bản chất của tình yêu, người môn đệ ấy đã nhận thức ở câu cuối cùng trong bài đọc thứ hai hôm nay: “Tình yêu là ở chỗ không phải chúng ta yêu Thiên Chúa mà là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và đã sai Con Ngài đến làm của lễ đền tội lỗi của chúng ta” (1Jn 4:10). Về nguyên tắc hay đường lối yêu thương, người môn đệ này huấn dụ, đối với chính Thiên Chúa: “Phần chúng ta, hãy mến yêu, vì Ngài đã yêu chúng ta trước” (1Jn 4:19); còn đối với tha nhân, thánh nhân đã nói đến trong lời mở đầu của bài đọc thứ hai hôm nay là: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa”.

Huấn dụ của “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” này về nguyên tắc hay đường lối yêu thương trên đây hoàn toàn chính xác, đúng như lời Chúa Kitô đã khẳng định trong bài Phúc Âm về vai trò chủ động tỏ mình của Thiên Chúa và vai trò tích cực đáp ứng của con người khi minh định: “Không phải là các con đã chọn Thày mà là Thày đã chọn các con để các con đi sinh hoa kết trái”. Đúng thế, con người tạo vật chúng ta được dựng nên từ hư vô, không hề biết Thiên Chúa là Đấng nào và ra sao để yêu Ngài như Ngài là và như lòng mong muốn của Ngài, cho tới khi Ngài tỏ chính bản thân của Ngài ra, tỏ tất cả bản thân của Ngài ra nơi Con Ngài. Thế nhưng, cho tới khi biết được sự thật vô cùng mầu nhiệm diễm phúc này, biết được Thiên Chúa yêu thương mình vô cùng như thế, con người tội nhân vô cùng hèn hạ, khốn nạn và bất lực cũng không thể nào yêu mến Ngài và đáp lại tình Ngài cho cân xứng, nếu không được tình Ngài chiếm đoạt, để con người có thể yêu Ngài bằng chính quả tim của Ngài. Vấn đề ở đây là làm sao con người bất toàn và bất lực của chúng ta có thể chiếm được quả tim thần linh này để nhờ đó xứng đáng đáp lại Đấng “đã yêu thương chúng ta trước”?

Bài Phúc Âm hôm nay đã cho chúng ta câu giải đáp ngay ở hai câu đầu tiên, nhất là ở câu thứ hai: “Như Cha Thày yêu Thày thế nào, Thày cũng yêu các con như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thày”. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thày” đây là gì, nếu không phải là hãy chấp nhận tình yêu của Thày, hãy tin tưởng vào Thày, nhất là hãy tích cực đáp lại tình yêu của Thày, bằng cách hãy sống tình yêu của Thày, hay hãy mang tình yêu của Thày các con cảm nghiệm được mà chia sẻ. Đó là lý do, ngay sau hai cầu mở đầu bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ của Người biết cách thức để có thể “sống trong tình yêu của Thày”, cũng như để có thể đáp lại tình yêu của Người, hay sống tình yêu của Người.

Để có thể “sống trong tình yêu của Thày”, thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô, như Người cho biết, cần phải: “tuân giữ các giới răn của Thày”, tức đáp lại các ước muốn của Thày. Và các giới răn của Thày hay các ước muốn của Thày đây là gì, nếu không phải, như Người minh định sau đó, là “các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con”. Nếu “Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng phải yêu nhau như vậy” (Jn 13:34), mà Thày đã yêu các con “đến cùng” (Jn 13:1), đến “tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý” (Jn 17:19), một tác động hoàn toàn vượt trên bản năng bảo tồn, hoàn toàn nghịch lại với khuynh hướng yêu sự sống mình của con người (x Jn 12:25), thì thực tại “các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con” là một chứng cớ hùng hồn nhất và hiển nhiên nhất cho thấy Chúa Kitô “là sự sống” đang sống trong Kitô hữu, và đang tiếp tục yêu thương nhân loại bằng chính con tim của Kitô hữu, một con tim đã bị tình Người chiếm đoạt để chỉ rung động theo những Nhịp Đập Thần Linh, những nhịp đập của một Vị Thiên Chúa Làm Người!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

home Mục lục Lưu trữ