Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1359604

Cộng Đoàn Hiệp Thông Trong Chúa Ba Ngôi

Cập nhật : 17-06-2011
 

CỘNG ÐOÀN HIỆP THÔNG TRONG CHÚA BA NGÔI

1. "Ðạo Chúa là Ðạo mặc khải"

Trong thế giới có nhiều tôn giáo. Mỗi tôn giáo là một ước vọng và đồng thời là một nỗ lực của con người tìm gặp Thượng Ðế, vị thần linh siêu việt mà trí khôn con người có thể khám phá ra được, khi nhìn vào vũ trụ vạn vật và suy gẫm về nó. Trong các tôn giáo ít nhiều đều có ánh sáng của Chúa Thánh Linh, và đều chứa đựng một phần chân lý về Thiên Chúa, về con người và về vạn vật. Vì thế mà tôn giáo chân chính nào cũng có thể dẫn con người đến cùng Thiên Chúa và đem đến cho họ hạnh phúc đích thực.

Trong các tôn giáo thì Ki-tô giáo không chỉ là một tôn giáo của con người mà còn là và nhất là một Ðạo mặc khải, một tôn giáo được chính Thiên Chúa tỏ mình ra. Ngoài từ "mặc khải", người ta còn quen dùng từ "mạc khải", theo nguyên ngữ, nghĩa là kéo, là vén bức màn chắn ngang giữa khán giả và sân khấu để khán giả nhìn thấy sân khấu và các diễn viên diễn xuất trên sân khấu ấy. Mặc khải theo nghĩa tôn giáo là vén bức màn che chắn giữa Thiên Chúa và con người để con người nhìn thấy bí mật của Thiên Chúa. Người vén bức màn bí mật ấy chỉ có thể là chính Thiên Chúa mà thôi, vì bí mật Thiên Chúa là thuộc về Thiên Chúa và việc bộc lộ bí mật ấy cho con người cũng hoàn toàn do thiện ý của Thiên Chúa.

Loài người không có quyền gì mà đòi hỏi và tự sức mình hay có cố gắng mấy đi nữa con người cũng không có khả năng khám phá ra hay lọt vào thế giới bí nhiệm ấy của Thiên Chúa. Chỉ có Con Một Thiên Chúa từ Trời đến mới có khả năng vén bức màn bí mật và dẫn đưa chúng ta vào trong thế giới huyền bí của Thiên Chúa mà thôi !

Thật vậy, thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho ông Áp-ra-ham, là người mà Thiên Chúa đã chọn để khai sinh một dân tộc mới, dân Ít-ra-en làm dân riêng của Chúa. Rồi Thiên Chúa lại đã tỏ mình ra cho ông Mô-sê là vị lãnh tụ của dân Ít-ra-en, đã được chọn để thực hiện sứ mạng cứu dân ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Thiên Chúa tự mặc khải mình cho ông Mô-sê là "ÐỨC CHÚA ! ÐỨC CHÚA ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín... "

Mặc khải ấy được tiếp tục và hoàn chỉnh trong thời Tân Ước, nơi Ðức Giê-su, Con Một Thiên Chúa nhập thể làm người: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ"

Trọng tâm của mặc khải là Lòng Yêu Thương khôn lường của Thiên Chúa đối với nhân loại cứng đầu cứng cổ và bất tín bất trung. Vì yêu thương con người vô bờ bến, nên Thiên Chúa chẳng những không oán giận tội lỗi, thiếu sót của loài người mà còn muốn cho mọi người được sống hạnh phúc, sống muôn đời !

Chúng ta chỉ có thể hiểu một phần nào và đón nhận mặc khải của Thiên Chúa khi được Thánh Thần Thiên Chúa soi sáng, hướng dẫn và tác động.

2. Tin Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải thực hiện những điều mà Lời Chúa gợi ý, mời gọi trong ba bài đọc của Phụng vụ hôm nay:

2.1 Việc đầu tiên chúng ta phải làm là bắt chước thái độ và tâm tình của Mô-sê khi ông phủ phục mà ca tụng ngợi khen Thiên Chúa khi ông đón nhận mặc khải của Thiên Chúa. Chúng ta hãy không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ chân tình và xin Chúa hãy luôn đồng hành với chúng ta. Thật ra thì dù chúng ta có cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Chúa ngày này qua ngày khác... thì chúng ta vẫn chưa đền đáp nổi một phần hồng ân mà Thiên Chúa khứng ban cho chúng ta. Vả lại, chúng ta càng tỏ ra biết ơn đối với Thiên Chúa thì chúng ta càng nhận được thêm nhiều hồng phúc của Người.

2.2 Việc thứ hai mà chúng ta phải làm là thực hành điều mà Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu Cô-rin-tô: "anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện." Vui mừng vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương mặc dù chúng ta bất xứng. Gắng nên hoàn thiện để xứng đáng hơn với Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Ðấng Toàn Thiện, là Ðấng Cực Thánh. Gắng nên hoàn thiện có nghĩa là chúng ta nỗ lực để mỗi ngày mỗi trở nên giống ( đồng hình đồng dạng ) Ðức Giê-su Ki-tô, Con yêu dấu của Cha nhiều hơn: trong tâm tình, lời nói cũng như hành động của chúng ta.

2.3 Việc thứ ba mà chúng ta phải làm là thực thi đức bác ái huynh đệ và xây dựng sự hiệp thông mà Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu Cô-rin-tô: "Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, ăn ở thuận hòa và hãy hôn chào nhau cách thân thiện." Quả vậy nếu chúng ta đã tin vào Thiên Chúa Yêu Thương và Cứu Ðộ thì chúng ta phải đối xử với nhau như những người anh chị em con cùng một Cha. Không lẽ nào anh chị em một nhà mà sống thờ ơ, không quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Trái lại anh chị em một nhà thì phải tương thân tương ái và giúp đỡ lẫn nhau, san sẻ cho nhau.

Hơn nữa tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi chúng ta còn được mời gọi xây dựng sự "hiệp thông cộng đoàn" tức sự hiệp thông của cộng đoàn, trong cộng đoàn, giữa các cộng đoàn Dân Chúa là nhóm, là Hội Ðoàn, là Giáo Xứ, là Dòng Tu, là Giáo Phận của chúng ta. "Hiệp thông cộng đoàn" là một chiều kích được Giáo Hội nhấn mạnh rất nhiều ngày hôm nay vì chiều kích này chẳng những là hệ quả đương nhiên xuất phát từ Mầu Nhiệm Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần thông hiệp với nhau, mà còn là chiều kích căn bản nhất, quan trọng nhất của người và Giáo Hội Công Giáo.

"Hiệp thông cộng đoàn" phải được thể hiện bằng niềm Tin Cậy Mến và cụ thể bằng đời sống yêu thương, san sẻ, liên đới trách nhiệm giữa các Ki-tô hữu và các cộng đoàn Ki-tô với nhau cũng như giữa các Ki-tô hữu và các cộng đoàn Ki-tô với những người và các cộng đồng dân cư chung quanh.

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha đã cho chúng con nhận biết một phần nào mầu nhiệm cao siêu của Cha. Xin Cha giúp chúng con biết đón nhận mặc khải của Cha và sống theo ý muốn của Cha.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Con Một Cha, là Ðấng đã được Cha gửi đến trần gian để cho chúng con được sống, xin Chúa ban sự sống thần linh cho chúng con và đưa chúng con vào thế giới mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Ngôi Ba là Thánh Thần Thông Hiệp, xin Chúa hãy nối kết chúng con một cách chặt chẽ, keo sơn và bền vững với Thiên Chúa Cha Con và Thánh Thần; Cũng xin Chúa nối kết chúng con với nhau và với mọi người một cách chặt chẽ, keo sơn và bền vững, bằng một Niềm Tin Cậy Mến và bằng một đời sống yêu thương và liên đới. Amen.

Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

CẢM NHẬN 1:

NƠI CHÚA GIÊ-SU, THIÊN CHÚA TỎ MÌNH

Làm sao giải thích được Thiên Chúa Ba ngôi ? Chỉ một Chúa duy nhất, nhưng lại có Ba Ngôi phân biệt rõ ràng: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh thần. Ba Ngôi phân biệt, tách biệt, khác biệt đến nỗi không hề lẫn lộn, không bao giờ hòa trộn, nhưng lại chỉ là một Chúa. Làm sao giải thích ? Hình như càng giải thích càng khó hiểu !

Nhưng dẫu cho cố gắng của ta có khó khăn đến đâu đi nữa, dẫu cho mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn chỉ là một huyền nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp, suy nghĩ non nớt của ta, thì không phải vì thế mà ta không thể biết gì về mầu nhiệm cao cả và là mầu nhiệm nền tảng của Ki-tô giáo này.

Trong những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su rất nhiều lần tỏ bày mầu nhiệm Thiên Chúa: Người gọi Thiên Chúa là Cha của mình, nhưng đồng thời Người cũng cho biết: "Ta và Cha Ta là một". Khi mặc khải Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su cho thấy Thánh Thần là Tình yêu, là quyền năng của Thiên Chúa, là mối hiệp thông, là sự sống và sức sống... giữa Cha và Con. Dựa trên lời mặc khải của Chúa Giê-su, chúng ta hiểu rằng:

Nơi Chúa Giê-su, Ðấng hóa thân làm người, ta nhận ra Thiên Chúa cụ thể hơn, dễ hiểu hơn. Thiên Chúa tỏ mình nơi khuôn mặt của Chúa Giê-su là Thiên Chúa Tình Yêu, nhân hậu, tha thứ, Thiên Chúa đau khổ vì tội lỗi nhân loại, đau khổ khi nhân loại đau khổ... Ðặc biệt, khuôn mặt đầy lòng thương xót, vị tha của Thiên Chúa được khắc sâu nơi khuôn mặt Thập Giá của Chúa Giê-su. Cũng chính nơi Thập Giá, Chúa Giê-su khắc sâu khuôn mặt quằn quại, đau khổ của cả nhân loại một cách tuyệt hảo.

Trên hết mọi sự, Thiên Chúa tỏ mình là Thiên Chúa Cứu Ðộ, để trong tất cả mọi hành động, mọi lời mặc khải đều nhằm vào cứu độ con người. Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa là Cha chúng ta, và ngược lại Người nhận ta làm con của Người. Nhưng ta chỉ là con Thiên Chúa trong tương quan với người Con Một duy nhất là Ðức Giê-su. Tách rời người Con Một này khỏi đời mình, ta sẽ đánh mất Thiên Chúa, mất ơn nghĩa mà qua người Con, Thiên Chúa ban cho ta. Nói tóm lại: Chúng ta là những người con trong Người Con ( filii in Filio ).

Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa cho ta biết Thánh Thần của Người. Trước khi bước vào cuộc tử nạn, Chúa Giê-su hứa ban Thánh Thần là "Ðấng Bảo Trợ" từ nơi Chúa Cha cho các môn đệ ( Ga 14, 26 ). Sau khi sống lại, Người hiện ra nhiều lần, và thổi hơi ban Thánh Thần, trao nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ ( Ga 20, 22 ). Và trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện đến trên các môn đệ, biến các ông từ những kẻ nhút nhát trở nên những người mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Ðối diện với Thiên Chúa, con người quá bé bỏng. Mầu nhiệm về Thiên Chúa như một bầu trời mênh mông, trí tuệ con người như một cánh chim tung mình trong mênh mông ấy. Cánh chim không thể che phủ cả bầu trời. Nếu muốn che phủ bầu trời, cánh chim phải lớn bằng cả bầu trời. Ðiều này không thể tưởng tượng. Thiên Chúa là huyền nhiệm. Nơi Thiên Chúa thật là khó hiểu. Trí tuệ con người không thể hiểu tường tận mọi mặc khải về Thiên Chúa. Muốn hiểu Thiên Chúa cách tường tận, trí tuệ phải bằng Thiên Chúa, điều này không thể tưởng tượng.

Tuy nhiên, nhờ mặc khải, ta nhận ra rằng, Thiên Chúa nơi từng Ngôi một: là Chúa Cha, là Chúa Con, là Chúa Thánh Thần. Ta cũng nhận ra Thiên Chúa duy nhất "không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể" ( Lời Tiền Tụng lễ Chúa Ba Ngôi ): Cha - Con - Thánh Thần. Con đã từng đến trong trần gian. Mọi hoạt động nhằm cứu độ trần gian đều có Cha và Thánh Thần cùng hiện diện và hoạt động nơi Con.

Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ