Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1361389

Của Cesarê, Của Thiên Chúa

CỦA CAESAR, CỦA THIÊN CHÚA

“Của Caesar, của Thiên Chúa”. Có lẽ bạn cũng như tôi đã nghe nhiều lần về câu nói này của Chúa Giêsu. Và tùy vào hoàn cảnh, câu nói ấy được diễn nghĩa cho phù hợp mỗi lãnh vực và mỗi vấn đề.

Của Caesar. Ông thì có bao nhiêu của cải, và của cải ấy hiện nay ở đâu: bất động sản hay động sản. Hoặc những của cải ấy trị giá bao nhiêu. Thật vậy, đế quốc Rôma của ông ta nay cũng không còn nữa. Vương quốc của ông, thần dân của ông, và cả chính ông cũng đã trở thành lịch sử. Người đời họa lắm mới nhớ tới ông, chẳng hạn như hôm nay qua trích đoạn Tin Mừng mà Giáo Hội vừa lập lại.

Còn Thiên Chúa? Dĩ nhiên là hết mọi sự chúng ta có: sự sống, tài năng, sức khỏe, tiền bạc, và toàn thể vũ trụ, trên trời, dưới đất. Tất cả đều là của Thiên Chúa. Đúng vậy, sự sống của bạn và của tôi. Chúng ta được sinh ra vào đời, và mang theo mình những ơn gọi khác nhau, và được đặt định vào thế gian với những hoàn cảnh, trường hợp khác nhau. Chúng ta lớn lên, học hành, làm việc, và sinh hoạt. Trong mọi cảnh ngộ, cuộc sống của chúng ta đều nằm trong quan phòng của Thiên Chúa, như Ngài đã nói: “Tóc trên đầu chúng con đã được đếm hết” (Mt 10:30). Rồi tất cả những sự việc xẩy ra trên vũ trụ này có liên quan đến vận mệnh bạn và tôi. Tất cả cũng đã được Thiên Chúa cân đo, và an bài.

Cốt lõi câu nói trên của Chúa Giêsu, do đó, nằm ở chỗ Kitô hữu chúng ta phải khám phá ra ý nghĩa tâm linh trong chủ ý phân biệt giữa của cải thiêng liêng và của cải vật chất. Giữa thế gian và Thiên Thiên Chúa. Ngoài ra, chẳng có ai làm chủ được vũ trụ này, và thế giới này, ngoại trừ chính Chúa. Tất cả đều là của Chúa.

1. Khi Chúa Giêsu phân chia ranh giới giữa Thiên Chúa và Caesar: “Của Caesar trả cho Caesar, và của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” (Mt 23:21), Ngài không có ý nhắm đến một ý nghĩa vật chất. Ngài không hạ mình so sánh Thiên Chúa và Caesar. Nhưng chỉ muốn nhắm đến ý nghĩa quyền lực và thế giới vật chất với quyền lực và thế giới tinh thần. Giữa những cái thuộc về vật chất và giữa những cái thuộc về Thiên Chúa. Và Ngài muốn con người phải nhận rõ giá trị cũng như những giới hạn và quyền lợi này.

Ngài muốn con người phải biết cái gì thuộc về Thiên Chúa để ca tụng, yêu mến và tôn thờ Ngài. Cũng như Ngài muốn con người phải biết những gì thuộc về thế gian để đừng bận tâm, lo lắng, và chôn bám vào thế giới vật chất. Đồng thời, do nhận biết giới hạn và quyền lợi của những gì thuộc về thế giới hữu hình này, con người càng có lý do để cảm tạ Đấng đã ban tặng mình những thứ đó như một ân huệ phát xuất từ tình thương của Ngài. Dù sở hữu cái gì trên mặt đất này đi nữa, thì tất cả cũng chỉ là: “Phù hoa nối tiếp phù hoa, của đời hết thảy chỉ là phù hoa”. Khi xuôi tay nhắm mắt, gia tài cuối cùng của mỗi người cũng chỉ là một nấm mộ.

Sự nhận thức rõ ràng này không làm cho con người mất đi sự tự do hưởng dùng cũng như làm chủ những của cải vật chất, là những thứ mà Thiên Chúa ban tặng cho con người do lòng yêu thương của Ngài, để con người hưởng dùng cách chính đáng như những phương tiệc cần thiết cho cuộc sống. Nhưng chỉ là một nhắc nhở con người về Đấng là chủ tể mọi loài trong đó có con người.

2. Nhận biết những giá trị của vật chất, đưa đến ý niệm giúp con người sống bình an và thanh thản với cuộc đời bằng tinh thần “nghèo” Phúc Âm. Một tinh thần mà chính Chúa Giêsu đã chúc phúc trong lời chúc phúc đầu tiên khi Ngài khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó” (Mt 5:3).

Thái độ sống không lụy vì vật chất ấy sẽ đưa con người đến nguồn phúc ân là tâm hồn bình an, và thanh thản không bị vấn vương, chôn bám vào vật chất. Từ tâm hồn và nếp sống bình an, con người sẽ khám phá ra sự quan phòng và lòng thương yêu của Thiên Chúa luôn luôn có đó để nâng đỡ, và ban ơn cho con người. Không lo lắng, băn khoăn. Không đau khổ vì của cải vật chất. Không bị cơn ác mộng tiền bạc làm hoảng sợ. Đó là một hồng phúc.

3. Trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar, và trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, như thế, không chỉ gồm ý nghĩa đơn thuần của việc nhận thức được những giá trị khác biệt giữa vật chất và tinh thần, giữa thế gian và Thiên Chúa. Sự nhật thức này còn dẫn ta đến một nhận thức tối hậu vai trò Thiên Chúa như chủ nhân của hết mọi của cải trần gian, để từ đó dẫn con người đến ý niệm biết chia sẻ và sẳn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Đây là điều bác ái Công Giáo đòi hỏi mỗi khi con người nhận ra những nhu cầu cần thiết của anh chị em mình, và điều mà mình có thể và có khả năng chia sẻ. Bởi vì, do ý thức tất cả là của Chúa ban, và con người có bổn phận sở hữu những của cải vật chất và tinh thần ấy như ý Thiên Chúa, nên việc chia sẻ, giúp đỡ, và bác ái với anh chị em là một hành động thực tế đi liền với lòng biết ơn và thâm tín về giới hạn của mình.

Tóm lại, khi Chúa Giêsu bảo ta phải trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar và trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, Ngài đã bằng cách nói so sánh trên đưa chúng ta về với giá trị ơn gọi đích thực của mình, ơn gọi là con Thiên Chúa, và đồng thời, nhắc chúng ta phải sống đúng với ơn gọi ấy. Đã là con Thiên Chúa thì con người còn phải sợ hãi, lo lắng gì. Vì tất cả là của Chúa. Trên trời, dưới đất là của Ngài. Ngài tạo dựng và ban cho con người. Và như vậy, con người có lý do gì mà hãnh diện về những gì mình có. Phải bơn chải để thu tích những cái không thuộc về mình. Và phải hoang mang sợ hãi khi không có những điều này.

Tuy nhiên, để sống với nhận thức ấy, con người chỉ cần phải can đảm từ bỏ đi những mối bận tâm, lo lắng, và sự thu hút bởi của cải vật chất. Những thứ ấy không những làm cho con người mất đi ý niệm vai trò con Thiên Chúa của mình. Ngược lại, kéo ghì con người xuống hố sâu của tham lam, ích kỷ; nhất là sự tôn sùng vật chất coi như chúa tể.

Sống thanh thản, sống phó thác, và sống đơn sơ không lệ thuộc vào vật chất, đó là một ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban cho những ai biết và: “Trả về cho Caesar những gì thuộc về Caeser, và trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 23:21).

T.s. Trần Quang Huy Khanh

home Mục lục Lưu trữ