Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 86

Tổng truy cập: 1364186

CỬA HẸP ĐƯA CON NGƯỜI ĐẾN ĐÂU?

CỬA HẸP ĐƯA CON NGƯỜI ĐẾN ĐÂU?-  Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Khi có người hỏi: “Thưa Ngài, có ít người được cứu thoát thôi, phải không?” Chúa Giêsu không trả lời có nhiều hay ít. Nhiều hay ít là tuỳ vào sự chọn lựa của con người. Nhưng nhân cơ hội nầy, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết phải đi vào cửa hẹp mới được cứu độ. Ngài nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.

Vậy, vào cửa hẹp nghĩa là gì?

Là sống theo lề luật Chúa.

Lề luật Chúa xem ra gò bó, trói buộc chúng ta, ép chúng ta vào khuôn khổ, bắt chúng ta đi theo đường hẹp, không để cho chúng ta sống buông thả như bao nhiêu người khác… Thế nên có nhiều người bực mình, có người nổi loạn, có người muốn bức phá hết những ràng buộc của luật lệ.

Vậy thì cửa hẹp đưa con người đến đâu?

Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và Ngài quy định cho nó phải quay quanh mặt trời theo một lộ trình nhất định, đó là quỹ đạo trái đất. Phải mất 365 ngày và 6 giờ, trái đất mới quay hết một vòng quanh mặt trời, và cứ thế suốt niên đại nầy sang niên đại khác. Quả là gò bó, trói buộc, là đường hẹp triền miên.

Thế nhưng bao lâu trái đất còn đi theo đúng quỹ đạo, tức con đường hẹp mà Thiên Chúa ấn định cho nó, thì mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp, cuộc sống sẽ ổn định điều hoà. Nếu một ngày nào đó, trái đất ‘cảm thấy’ đi theo quỹ đạo là gò bó, là đường hẹp, để rồi đi trệch ra ngoài cho thong dong thoải mái… chỉ một chút xíu thôi mà!… thì đó là ngày cùng tận của vũ trụ và thế giới!

Chiếc tàu nghĩ rằng tại sao tôi cứ phải bị gò bó bởi hai đường sắt? Tại sao tôi không chạy nhảy như hươu nai, băng qua đồi núi, băng qua cánh đồng như bao nhiêu muông thú. Thế rồi nó thoát ra khỏi hai đường sắt gò bó, để được tự do tung hoành… Hậu quả của sự chọn lựa ‘khôn ngoan’ nầy sẽ vô cùng bi thảm. Nhưng nếu nó chấp nhận đi theo hai đường rây chật hẹp, nó về đến ga chót thật an toàn.

Trong gia đình, người vợ nghĩ rằng: thật uổng phí cuộc đời nếu ngày nào cũng nấu ăn, rửa chén, dọn nhà, quét sân… để sống cho chồng và cho con. Tại sao tôi không tự giải thoát mình khỏi vòng cương toả của gia đình? Tại sao lại phải chọn cửa hẹp, lại phải đi đường hẹp? Tại sao tôi không thể bay nhảy như những cô gái trong các hộp đêm?

Thế rồi cô đã chắp cánh bay, và kết cục là gia đình đổ vỡ, cuộc đời của cô lụi tàn trong đau thương và tủi nhục.

Nếu mỗi người chúng ta hôm nay cứ sống buông thả theo bản năng của mình mà không đi theo đường hẹp Chúa vạch ra cho chúng ta, tức là tuân giữ các giới răn, thì số phận chúng ta cũng như con tàu đi trật đường rầy, chúng ta sẽ lãnh lấy thảm họa. Mai đây, chúng ta có van nài với Chúa rằng: ‘Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì Chúa sẽ bảo: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’ và “Bấy giờ chúng ta sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaac và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.”

Trái lại, nếu chúng ta chấp nhận đi đường hẹp, tức đi đúng theo đường lối Chúa như tàu đi đúng đường rầy, như trái đất quay đúng theo quỹ đạo… chúng ta sẽ được sống an bình hoan lạc ở đời nầy và được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa đời sau.

Vậy thì bước qua cửa hẹp là giá phải trả (có gì mà không phải trả giá!) cho hạnh phúc đời nầy và hoan lạc vĩnh cửu mai sau.

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN- NĂM C

HÃY ĐI VÀO CỬA HẸP– Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Đọc những thông tin trên mạng và qua các báo chí chúng ta thấy một tình trạng đáng lo ngại cho nền đạo đức Việt Nam. Nền đạo đức bốn ngàn năm văn hiến đang trong tình trạng suy đồi, băng hoại thật trầm trọng. Điển hình như các vụ việc gần đây nhất như sau:

“Hiệu trưởng mua dâm học sinh và Chủ tịch tỉnh bị cáo buộc mua dâm ở Hà Giang. Hai vợ chồng bị kết án 20 năm tù mỗi người vì hành hạ một bé trai tại Cà Mau. Một nữ sinh cứa cổ người tình. Một thanh niên chặt đầu người yêu cũ. Bên cạnh đó là tệ trạng hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị buôn lậu với giá nhiều khi chỉ một triệu đồng Việt Nam (tương đương khoảng 50 MK) một người…”

Đó là hậu quả của một lối sống dễ dãi, ẩu thả của xã hội Việt Nam hôm nay. Họ thích tìm sự dễ dãi cho mình đến mức độ bất tuân luật pháp. Họ đề cao tự do, tự lập đến nỗi không cần tôn giáo, và tệ hơn nữa là loại trừ tôn giáo. Họ hành xử theo cách nghĩ của mình, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý truyền thống của cha ông. Chúng ta biết rằng không có tôn giáo thì con người sẽ tự do hành động theo ý mình nên chẳng sợ “trời có mắt” để mà “làm điều lành tránh điều dữ” hay lời khuyên của tiền nhân “ở hiền gặp lành”. Không có tôn giáo con người không có sự sống thần linh hướng dẫn dễ lầm đường lạc lối và điều chắc chắn là chẳng ai nghe ai. Nhìn chung, ai cũng biết rằng cuộc sống dễ dãi sẽ đi tới chỗ diệt vong. Ai cũng biết rằng sự suy đồi của họ sẽ làm nghèo đất nước, làm khổ gia đình, và giết chết bản thân. Nhưng tính hưởng thụ đã đẩy họ vào con đường truỵ lạc để tranh thủ hưởng thụ theo kiểu mà Nguyễn Công Trứ bảo rằng:

Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi,

Xuân tàn hoa rụng còn gì vui Xuân

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi vào con đường hẹp. Con đường của hy sinh vì phải bỏ lại những thú vui mau qua, những đam mê tội lỗi để sống đúng với phẩm giá con người là “nhân linh ư vạn vật”. Con đường với lối đi thanh thoát, nhẹ nhàng khỏi những tham lam bất chính, những quyến luyến phù phiếm mau qua. Chúa mời gọi chúng ta cần phải sống tỉnh thức kẻo sẽ ân hận ngày mai, khi mà mọi người từ đông sang tây đều đến dự tiệc cưới còn mình bị tống ra ngoài. Chúa nhắc nhở chúng ta còn có một sự sống hạnh phúc viên mãn là thiên đàng, là hạnh phúc viên mãn bên Chúa. Đó chính là mùa xuân vĩnh viễn, là hạnh phúc ngàn đời. Đó chính là hạnh phúc mà mỗi người chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm và chiếm hữu cho dù phải hy sinh những danh lợi thú trần gian, có khi bằng cả mạng sống ở đời này. Sự sống và hạnh phúc vĩnh viễn đó chỉ đạt được khi chúng ta biết sống hy sinh, biết tự chủ bản thân theo đường lối Chúa, biết sống cao thượng, biết tránh xa những thói đời xấu xa.

Nhưng tiếc thay, nhân loại hôm nay luôn ham sướng sợ khổ. Thích tìm sự dễ dãi hơn là những hy sinh từ bỏ. Có những bạn trẻ thích hưởng thụ nhưng không muốn làm, chỉ lêu lổng dẫn đến trở thành một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Có những bạn trẻ tìm sự dễ dãi trong quan hệ nam nữ mà đánh mất lòng tự trọng, sự trong sạch tâm hồn. Có những người luôn tìm sự dễ dãi cho bản thân, nuông chiều theo tính xác thịt dẫn đến ngoại tình, dâm ô, trộm cắp…; Có những người đang mang trong mình những căn bệnh thời đại là hậu quả của lối sống dễ dãi, thiếu tự chủ bản năng.

Người ta vẫn nói: “Hãy dừng lại trước khi qua muộn”. Sự khôn ngoan mời gọi chúng ta đừng tìm sự dễ dãi đến mức độ nuông chiều theo bản năng. Hãy tự chủ. Hãy tỉnh thức. Hãy canh tân sửa đổi để trau dồi nhân đức cho bản thân hầu diệt trừ những tính hư nết xấu. Hãy sống cho cao thượng đúng với phẩm giá con người là “nhân chi sơ tính bản thiện”. Hãy sống công bình bác ái và yêu thương để khỏi bị luận phạt ở đời sau. Hãy sống đời này cho nghiêm túc để đời sau chúng ta được hạnh phúc muôn đời. Hãy vì sự sống vĩnh cửu mà can đảm từ bỏ những lối đường tội lỗi hôm nay.

Nguyện xin Chúa là Đường là Sự Thật và là Sự Sống dẫn dắt chúng ta đi trong chân lý vẹn toàn. Amen.

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN- NĂM C

CHIẾN ĐẤU ĐỂ QUA CỬA HẸP (*)– LmGiuse Đinh Tất Quý

“Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số người được cứu độ?” Một câu hỏi do một người hỏi Chúa và có lẽ đây cũng là thắc mắc của nhiều người trong chúng ta.

*I. Tại sao họ hỏi Chúa như vậy? Thưa là bởi vì lúc đó người ta không thể có được một sự nhất trí khi nhìn về tương lai cuộc sống của mình. Quan niệm về tương lai nơi người Do thái lúc đó rất khác nhau.

+ Những người Biệt phái thời Chúa Giêsu thì cho rằng tất cả những người Israel sẽ được dự phần vào thế giới mai hậu.

+ Sách Esdra (IV Esdra 5,47) bi quan hơn: chỉ có một số ít được an ủi trong thế giới mai hậu. Còn đa phần thì sẽ phải đau khổ cùng cực.

+ Nhóm Essenien, một trong những cộng đoàn đạo đức nổi tiếng thời đó lại cho rằng chỉ có các thành viên của họ mới được cứu rỗi.

Đứng trước những chủ trương khác nhau như thế, quả nhiên là có nhiều người cảm thấy bối rối. Ai sẽ là người được cứu rỗi? Chính vì thế mà họ mới đưa vấn đề ra để hỏi Chúa: “Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số người được cứu độ?”

*II. Chúa sẽ trả lời thế nào?

+ Trước hết qua cách trả lời của Chúa chúng ta thấy rõ rệt Chúa không muốn xác định con số những người được chọn hay xác định ai sẽ là người được cứu rỗi.

Vì xác định như thế sẽ thật là nguy hiểm. Đạo của Chúa không phải là một thứ tất định hiểu theo nghĩa hẹp.

+ Đàng khác ở đây khi phải giải đáp những thắc mắc do người ta đặt ra, chúng ta thấy Chúa đã không muốn trả lời theo kiểu một đáp án có sẵn nhưng Ngài đã dùng cách trả lời mà các nhà chú giải gọi là trả lời “bản lề” Đây là kiểu trả lời theo cách  “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Trả lời như thế không phải Chúa là lẩn trốn hay tránh né vấn đề nhưng bắt người đặt vấn đề phải trở về với chính mình để tự mình tìm ra câu trả lời cho mình dưới sự gợi ý, góp ý, giúp đỡ của Chúa.

Chúa không xác định số người được tuyển chọn hay ai là người được cứu rỗi, nhưng Ngài mời gọi tất cả hãy phấn đấu để được vào số những người được cứu rỗi này.

“Hãy cố gắng đi vào cửa hẹp vì ta bảo các ngươi có nhiều kẻ tìm cách vào mà không vào được” Đó là cách thức Chúa chỉ để mỗi người để có thể tìm lấy sự cứu rỗi cho mình dưới sự nâng đỡ và hướng đẫn của Chúa.

Mathêo quảng diễn một cách rõ rệt hơn: “Các ngươi hãy vào qua cửa hẹp vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến sự hư mất và có nhiều người qua lối ấy – Còn cửa và đường đưa tới sự sống thì hẹp và ít kẻ tìm thấy” (Mt 7,13-14).

Như vậy thì chúng ta thấy lời hứa đã rõ ràng và phương thế cũng đã được vạch ra- Còn việc được cứu rỗi hay không là tùy ở mỗi người. Thiên Chúa không ép buộc một ai. Người mời gọi và chỉ lối. Thành hay bại là tùy ở ta chứ không phải ở Người.

Ơn cứu độ không dành riêng cho một dân tộc nào, không đương nhiên ưu đãi cho một ai nhưng theo Công đồng VaticanôII: thì đó là những người “trung thành thực hiện những giáo huấn của Chúa Giêsu – Giáo huấn mà họ biết được một cách rõ ràng hay qua trung gian của Giáo Hội hoặc thậm chí chỉ biết được một cách mù mờ và phiếm diện qua một hình thức tôn giáo nào đó hay qua lương tâm ngay thẳng của họ”.

Như vậy việc quyết định số phận cuộc đời của mỗi người là do nỗ lực của họ có biết đáp trả lại lời mời gọi của Chúa hay không chứ không phải là một thứ tất định máy móc mù quáng như nhiều người vẫn tưởng. Đó là ý của bài Tin Mừng hôm nay.

*III. Bài học

“Hãy vào qua cửa hẹp”

Vì con đường đưa tới nước trời là con đường hẹp.

Sẽ không có phần thưởng cho những kẻ ươn lười. Sẽ không có sự cứu độ cho những ai không cố gắng đi theo đường lối của Chúa.

Người ta kể lại rằng: Một ngày kia Chúa Giêsu và thánh Phê-rô đi dạo trong một khu xóm lao động nghèo khó. Đi được một lúc thì Ngài thấy ở phái trước có một người đàn ông đang hì hục đẩy chiếc xe gỗ chất đầy hàng hóa của ông ta. Chiếc xe đang tiến về phía trước thì bỗng nhiên vấp phải một hòn đá ở giữa đường làm cho chiếc xe bị lật nằm chênh vênh giơ cả các bánh xe lên trời. Hàng hóa đổ ra tung tóe. Thấy vậy Ngài bảo Phê-rô cùng lánh qua một bên.

Ngài để ý quan sát xem trước sự việc đó, người đàn ông kia sẽ xử trí như thế nào. Qua cử chỉ của ông ta Chúa thấy ông như đang muốn tìm người giúp đỡ. Ông đưa mắt nhìn chung quanh nhưng chẳng gặp được một người nào. Kẹt quá, ông đành quì xuống đưa hai tay lên trời và tha thiết cầu nguyện:

– Lạy Chúa, Chúa luôn cứu giúp những người hoạn nạn. Xe của con bị lật ngửa giữa đường mà chẳng thấy có một ma nào đi qua để giúp đỡ con một tay. Chúa chỉ cần đụng một ngón tay thì phép lạ sẽ xẩy ra. Xin Chúa giúp con.

Phê-rô nghe thấy thế thì cảm thấy rất xúc động vì lời lẽ của ông chân thành quá. Thế nhưng Phê-rô lại vô cùng ngạc nhiên vì xem ra Chúa chẳng để ý gì đến những lời cầu khẩn của ông ta. Ngài tỏ ra rất lạnh lùng, không một chút xúc cảm đối với những lời cầu nguyện đó và sau đó thì Ngài rẽ qua một bên và cứ thẳng đường mà tiến bước về phía trước, trước sự ngỡ ngàng của người đàn ông kia.

Một lát sau cả hai đến gần một cái chợ. Một cảnh tương tự lại xảy ra. Một chiếc xe chất đầy hàng hóa cũng bị lật ngửa giữa đường. Người lài xe thay vì quì gối cầu nguyện thì lại hì hục cố gắng để lật chiếc xe lên. Mồ hôi mồ kê nhễ nhãi ướt đẫm cả người mà chiếc xe vẫn không nhúc nhích. Mặc dầu vậy, người đàn ông ấy vẫn  kiên trì dùng hết sức của mình để kéo chiếc xe lên….vừa đẩy, vừa kéo, và nhiều lúc còn văng ra những câu chửi thề.

Thấy thế Chúa Giêsu quay lại nói với Phê-rô:

– Nào chúng ta hãy đến giúp ông ta một tay.

Phê-rô không thể hiểu nổi thái độ của Chúa. Ông liền bạo miệng hỏi Chúa:

– Thưa Thầy, lúc nãy người nông dân đã quì xuống cầu nguyện với tất cả lòng chân thành của mình…tại sao Thầy không đếm xỉa gì đến lời van xin của ông ta. Còn tên này chửi bới rủa xả đủ điều mà Thầy lại muốn giúp đỡ hắn?”

Chúa giải thích:

– Con không thấy hai trường hợp khác nhau rất xa sao? Lúc nãy người kia chỉ biết quì gối cầu nguyện và chờ đợi sự giúp đỡ của Thầy, còn tự người đó, người đó không hề làm một cái gì để tự cứu lấy mình, dù một ngón tay cũng không đụng tới. Ngược lại người lái buôn đang ở trước mắt chúng ta, dù có nó nói những lời thô tục nhưng con có thấy không, nó vẫn cố gắng xoay sở hết sức để tự cứu lấy mình. Hắn cần phải được chúng ta giúp đỡ”.

Người Pháp có một câu châm ngôn này: “Bạn hãy tự cứu lấy mình trước và trời sẽ giúp bạn sau ” (Aide toi, le ciel t’ aidera)

Thánh Augustinô cũng nói một câu tương tự như thế: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con Chúa không thể không có con” (Creasti me sine me – Non salvasti me sine me).

Vâng hãy cố mà vào qua cửa hẹp.

Bao nhiêu tấm gương trên đời để lại đã cho chúng ta thấy rằng: Muốn có vinh quang thì phải trả giá. Vinh quang càng cao thì cái gía phải trả càng lớn.

Để hoàn thành tác phẩm nổi tiếng Éneade Virgile đã phải để ra gần 30 năm trời.

Để hoàn thành tác phẩm “Những kể khốn cùng” (Les miserables) Victor Hugo cũng đã phải mất gần 40 năm.

Để có được một người con là Augustinô trở lại bà mẹ Monica đã phải ròng rã cầu nguyện suốt 30 năm trời.

Nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy.

Hãy cố mà vào qua cửa hẹp.

Làm thế nào để vào được cửa hẹp thì tuần sau chúng ta sẽ suy niệm tiếp.

Hôm nay chúng ta phải ghi khắc trong lòng điều này: Đường vào Nước Trời là con đường hẹp. Phải can đảm và cố gắng mà đi vào.

Một nhà văn Pháp đã nói một câu rất hay: Đồi Calvario ở đầu đường và vinh quang cũng xuất hiện tại đó. Hãy can đảm lên. Chúa luôn chờ đợi chúng ta. Amen.

(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN- NĂM C

CỬA HẸP-  Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Những thách thức gian truân trong cuộc sống là những bước thang thanh luyện và lối hẹp tiến lên.

Thiên Chúa đã chọn dân Do-thái làm dân riêng để chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ. Thiên Chúa đã từng bước dẫn dắt lịch sử của Dân riêng qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Qua dân này, Thiên Chúa đã mạc khải về chính mình, về vũ trụ và con người. Được chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế là một ưu quyền. Tuy nhiên, Ơn Cứu Độ lại phổ quát ban cho hết mọi người. Không người nào hay dân tộc nào có đặc quyền sở hữu ơn cứu độ. Để nhận lãnh ơn cứu độ, mỗi cá nhân phải biết mở rộng tâm hồn đón nhận. Nước Trời được mở ra cho mọi người tiến vào. Không một ai là ưu tuyển được tự động bước vào Nước Trời. Tiên tri Isaia đã trình bày: Đây Chúa phán: “Ta đã biết các việc làm và tư tưởng của chúng; Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: Chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta (Is 66, 18). Chúa sẽ qui tụ mọi dân từ khắp nơi, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ hay bất cứ sự khác biệt nào. Ai muốn tham dự Nước Chúa, hãy bước vào qua cửa hẹp.

Isaia đã nói tiên tri về một trời mới và đất mới. Một dòng dõi trường tồn. Thiên Chúa sẽ qui tụ mọi người tin về một mối: Vì chưng lời Chúa rằng: Cũng như Ta tạo thành trời mới, đất mới đứng vững trước mặt Ta thế nào, thì dòng dõi ngươi và danh tánh các ngươi sẽ vững bền như vậy” (Is 66, 22). Một viễn tượng cao vời và một niềm hy vọng tuyệt đối vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đã hơn hai ngàn năm trăm năm từ khi tiên tri Isaia xuất hiện, cuộc lữ hành đức tin tiếp tục diễn tiến từ đời này qua đời kia. Niềm hy vọng trời mới và đất mới là cùng đích của mọi loài thụ tạo. Thiên Chúa hiện hữu tự đời đời. Các thế hệ con người nối tiếp và hành trình sống niềm tin vẫn luôn tiến tới. Mỗi người chúng ta được mời gọi bước vào chương trình cứu độ và chung kết sẽ được diện kiến vinh quang Thiên Chúa.

Chúng ta biết rằng cửa Nước Trời rộng mở nhưng không phải tất cả mọi người đều vào được. Trong khi Chúa giảng: Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Chúa Giêsu không trả lời nhiều hay ít người được cứu độ, nhưng Chúa đã mở ra một lối vào. Không ai có vé đặc biệt hay ưu quyền dành riêng. Mọi người đều bình đẳng trên con đường tiến về quê trời. Chúa Giêsu phán rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được (Lc 13, 24). Cửa rộng rãi thênh thang sẽ dẫn vào nơi hoan lạc của trần thế hưởng thụ và tiêu xài. Cửa rộng rãi tự do sẽ dẫn chúng ta vào con đường cụt. Chúa Giêsu nhập thế qua cửa hẹp. Cửa hẹp là lối đi lên. Cửa hẹp đòi hỏi phải từ bỏ, hy sinh và tiết chế. Cửa hẹp dẫn lối vào Nước Trời. Đúng thế, không mấy người thích đi vào cửa hẹp. Vì qua cửa hẹp đòi hỏi phải sống khiêm hạ, trau dồi nhân đức và sống khổ hạnh. Sống khoan dung độ lượng tha thứ bỏ qua những vướng bận cuộc đời.

Chúa Giêsu ví Ngài như là cửa chuồng chiên, ai qua cửa mà vào sẽ tìm được nơi an nghỉ thỏa thuê. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài qua lối cửa hẹp. Ngài không thường hiện diện ở những nơi nhà cao cửa rộng hoặc nơi biệt thự khang trang, mà là nơi sườn núi, ngoài cánh đồng, nơi hoang mạc, chỗ nghèo hèn, bên bãi biển và nơi cung đường. Chúa mở lối vào qua cửa hẹp bằng Tám Mối phúc thật và luật yêu thương bác ái. Cửa hẹp là cửa an lạc, thanh thản và thánh thiện. Con đường hẹp cũng là con đường đi lên núi sọ. Con đường Chúa đã đi qua là con đường thánh giá, đau khổ và từ bỏ. Mọi tín hữu, dù sống trong bậc tu trì hay bậc sống gia đình đều được mời gọi đi vào con đường hẹp. Con đường hy sinh và từ bỏ ý riêng, để cùng nhau sánh bước trên con đường trọn lành. Bước theo Chúa vào con đường hẹp sẽ dẫn tới hạnh phúc Nước Trời.

Đi theo Chúa vào con đường hẹp thì không dễ. Không phải mọi người đều hưởng ứng chấp thuận. Thực tế, chúng ta rất ngại phải từ bỏ hay buông bỏ những sự lỉnh kỉnh ở đời như những thói hư tật xấu gắn liền với con người trong đời sống hằng ngày. Bỏ đi những thói xấu hay tội lỗi, chúng ta tiếc xót lắm. Chúng ta than van rằng đã vất vả làm việc cả tuần, cuối tuần phải hưởng thụ nhậu nhẹt chơi bời chút đỉnh cho vui cuộc đời. Vào cuối tuần mới có giờ rảnh rang, chúng ta phải đi giải trí Casino đôi chút chứ. Cửa rộng hay cửa hẹp có khác gì. Nghĩ rằng cuộc sống có là bao, hưởng thụ đi kẻo muộn. Có tiền bạc rủng rỉnh, nên tiêu xài mua sắm cho thỏa lòng ước mong. Chúng ta không muốn bị gò bó trong những luật lệ bị cấm đoán. Cùng thi đua với chúng bạn, chúng ta cứ thong dong hưởng phước cuộc đời. Tin là đời chúng ta còn dài, không cần phải lo lắng chi nhiều. Thế là chúng ta đang chuyển bước sang con đường rộng rãi thênh thang với hoa thơm cỏ lạ.

Đôi khi nghĩ thầm rằng chúng ta là những tín hữu ngoan đạo rồi. Chúng ta đã lãnh nhận các Bí Tích đầy đủ, tham dự các ngày lễ Chúa Nhật và lễ Trọng, xưng tội một năm một lần và đọc kinh sáng tối mỗi ngày. Hơn nữa, chúng ta yên trí mình là đạo gốc nhiều đời đã có ông bà, cha mẹ và bà con lối xóm gia hộ để có vé vào cửa Nước Trời. Chúng ta cũng đã cố gắng gia nhập các Hội Đoàn để sống đạo. Chúng ta cũng không muốn ai can thiệp vào đời sống riêng tư. Chúng ta không muốn bị nghe lời cảnh tỉnh và sửa dậy qua lời Chúa hằng tuần nơi tòa giảng. Thích nghe (tiếng ngoại quốc) mà không hiểu thì vẫn vui hơn, vì không bị lương tâm cắn rứt. Chúng ta an vui với cách sống riêng của mình và thù ghét những ai chắn đường cản lối bước ta đi. Đôi khi nghĩ rằng chúng ta độc lập tự do quyết định đường đời của mình, không cần ai nhắc nhở sửa dậy. Hãy biết lắng nghe!

Thánh Phaolô tha thiết mời gọi thái độ khiêm hạ: Anh em thân mến, anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: “Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con (Dt 12, 5). Chúa đánh động tâm hồn chúng ta qua nhiều cách. Có rất nhiều khi chúng ta đang xa lạc vào đường lầm nhưng không nhận ra. Như Vua Đavít chỉ nhận ra lỗi lầm khi tiên tri Nathan gợi ý và sửa dạy. Những thói quen cuộc sống tạo thành tính tình cỗ hữu sai lầm, có người nói rằng tính tôi là vậy đó, ai chịu được thì chịu. Cần có những ánh sáng dọi chiếu để nhận diện ra chính mình. Chúa thương chúng ta nên Chúa sửa dạy: Vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con (Dt 12, 6). Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Những thách thức gian truân trong cuộc sống là những bước thang thanh luyện và lối hẹp tiến lên.

Không phải cứ mang danh Kitô hữu là chúng ta bảo đảm được dự phần phúc thiên đàng. Không chỉ thưa lạy Chúa, lạy Chúa mà chúng ta được vào Nước Trời, mà là dành cho những ai làm theo thánh ý Chúa. Việc sống và thực hành lời của Chúa phải sinh hoa kết qủa tốt. Đức tin phải có hành động tốt mới phát triển. Chúng ta đặt niềm tin nơi Chúa như thánh Phaolô đã dậy rằng hãy chạy đến cùng đường và giữ vững đức tin. Đừng để công lao cuộc sống đạo của chúng ta ra vô ích. Chúng ta phải chiến đấu tới cùng để đạt triều thiên sự sống. Chung hưởng hạnh phúc với các tổ phụ cha ông, đừng để bị gạt ra ngoài như kẻ gian ác: Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng (Lc 13, 28).

Lạy Chúa, cửa Nước Trời luôn rộng mở. Ngõ vào cửa Nước Trời là ngõ hẹp. Xin cho chúng con biết trút bỏ những tham sân si và bận vướng cuộc đời để thanh thản bước theo Chúa. Xin Chúa dẫn dắt chúng con đi vào đường ngay nẻo chính. Amen.

home Mục lục Lưu trữ