Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 71

Tổng truy cập: 1361750

CUỘC SÁNG TẠO MỚI

CUỘC SÁNG TẠO MỚI (*)-  Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Sau triều đại của Chúa Cha trên dân Thiên Chúa mà Mùa Vọng nhắc nhớ, sau việc Chúa Con đến trên trần gian mà chúng ta tưởng niệm từ mầu nhiệm Nhập Thể đến Thăng Thiên, Phụng Vụ hôm nay cử hành Chúa Thánh Thần, Đấng tỏ mình ra vào lễ Ngũ Tuần, làm Giáo Hội tăng trưởng và Ơn Cứu Độ được sinh hoa kết trái.

Cv 2: 1-11

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca tường thuật Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, Đức Trinh Nữ, vài người phụ nữ và vài anh em của Đức Giêsu, khi họ cùng nhau tề tựu trong phòng Tiệc Ly. Biến cố này rất gần với biến cố Xi-nai mà lễ Ngũ Tuần Do thái tưởng niệm vào đúng ngày nầy.

1Cr 12: 3b-7, 12-13

Trong thư gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng những đặc sủng khác nhau làm chứng tác động của Chúa Thánh Thần. Những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy đón nhận những ân ban Thánh Thần. Vì chỉ có một Thánh Thần để hình thành nên một thân thể.

Ga 20: 19-23

 Tin Mừng Gioan tường thuật việc Đức Giê-su trao ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay khi Ngài sống lại. Vào buổi chiều Phục Sinh, Đức Giê-su hiện ra ở giữa các môn đệ của Ngài, thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Chắc hẳn những ân ban Thánh Thần chỉ bày tỏ sau nầy. Tuy nhiên, thánh Gioan nhấn mạnh rằng biến cố Vượt Qua là biến cố khai sinh Giáo Hội. Thánh Thần ở với Giáo Hội ngay từ ngày đầu tiên của cuộc Phục Sinh.

BÀI ĐỌC I (Cv 2: 1-11):

Sau khi đã chứng kiến Chúa Giê-su về trời, các Tông Đồ quay trở về Giê-ru-sa-lem tuân theo lời dặn của Đức Giê-su trước khi Ngài chia tay với các ông: “Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24: 49).

Nơi họ tụ họp là “lầu trên” (Cv 1: 13). Có lẽ là phòng Tiệc Ly, nơi Đức Giê-su đã đồng bàn lần cuối cùng với các ông và Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể: đó cũng là căn phòng cửa đóng then cài mà Đức Giê-su đã hiện ra vào buổi chiều Phục Sinh, đó cũng là căn phòng mà Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên các ông vào ngày lễ Ngũ Tuần.

*1.Mọi người đang tề tựu một nơi:

Không nên hiểu “mọi người đang tề tựu” như “buổi họp mặt của một trăm hai mươi người” vài ngày trước đây để chọn ông Mát-thi-a làm Tông Đồ thay thế ông Giu-đa (Cv 1:15). Đúng hơn là một nhóm người hạn định hơn được thánh Lu-ca mô tả ở 1: 13-14: các Tông Đồ, vài người phụ nữ, Đức Ma-ri-a thân mẫu của Đức Giê-su và anh em của Đức Giê-su.

Họ tề tựu một nơi, trầm tư và cầu nguyện trong khi chờ đợi biến cố mà Đức Giê-su đã hứa: Chúa Thánh Thần ngự xuống. Ấy vậy, một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên. Để tỏ mình ra, Chúa Thánh Thần chọn ngày Đại Lễ Do thái được gọi là “Lễ Ngũ Tuần”, ngày lễ dân Do thái tưởng niệm biến cố Thiên Chúa ký kết Giao Ước với dân Ngài trên núi Xi-nai trong tiếng sấm chớp và dưới dấu chỉ của lửa. Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ được bày tỏ kín đáo hơn, nhưng tương tự : “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”.

*2.Lễ Ngũ Tuần:

Lễ Ngũ Tuần được xác định vào ngày thứ năm mươi sau bảy tuần lễ Vượt Qua, bởi vì bảy tuần (7 x 7) là dấu chỉ của sự viên mãn, vì thế lễ nầy còn được gọi là “lễ Các Tuần”, ngày cuối cùng là ngày thứ năm mươi, ngày cử hành Đại Lễ. Chữ “tuần” được kể ra ở đây không là một tuần lễ gồm bảy ngày, nhưng là một “tuần trăng”. Người Do thái theo âm lịch, vì thế mỗi tuần trăng gồm mười ngày: thượng tuần, trung tuần và hạ tuần (5 x 10 = 50).

Lễ Ngũ Tuần Do thái tự nguồn gốc đã không tưởng niệm Giao Ước Xi-nai, nhưng là lễ Mùa, lễ kết thúc thời kỳ Vượt Qua được khai mạc bởi việc dâng tiến bó lúa đầu tiên (Đnl 16: 9-10). Tuy nhiên, các lễ hội của Ít-ra-en đều đã trải qua một tiến trình tinh thần hóa: từ bình diện tự nhiên đến bình diện Lịch Sử Thánh, bởi vì Lịch Sử đối với dân Chúa chọn cốt thiết là hành động của Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua trở thành lễ tưởng niệm cuộc giải thoát khỏi Ai-cập, lễ Lều (lễ thu hoạch trái cây) ghi nhớ cuộc hành trình trong hoang địa. Sau cùng, lễ Ngũ Tuần, dù tương đối muộn thời, được nối kết với những biến cố Xuất Hành. Khi Giao Ước được k‎ý kết  trên núi Xi-nai, năm mươi ngày sau cuộc giải thoát khỏi Ai-cập, lễ Ngũ Tuần cử hành sinh nhật của cuộc giải thoát nầy. Vào thời kỳ tiếp cận với kỷ nguyên Kitô giáo, lễ Ngũ Tuần còn hơn ngày lễ tưởng niệm, nó là dấu chỉ hằng năm làm mới lại giao ước. Vào ngày lễ này, dân Chúa lập lại lời thề hứa trung thành với Đức Chúa.

*3.Xi-nai và Tiệc Ly:

 Trên núi Xi-nai, lời hứa Giao Ước và ân ban Lề Luật đã được cử hành đặc biệt long trọng, mà tác giả Kinh Thánh mô tả theo lối hành văn gần với ngoa dụ. Những biểu tượng được mượn phần lớn trong các tôn giáo như giông tố kèm theo những cuộc thần hiển. Trong Do Thái giáo, có một ghi nhận đặc thù: Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất và siêu việt, từ chối tất cả mọi hình ảnh về Ngài, chấp nhận dấu chỉ lửa (hay ánh sáng, đám mây rực sáng) và gió (cuồng phong hay cơn gió thoảng) gần với hơi thở, đồng nghĩa với “thần khí”. Đây là những hình ảnh phi vật chất nhất diễn tả vừa tính siêu việt của Thiên Chúa vừa sự gần gũi thân cận của Ngài. Khác với người Hy-lạp, người Do thái không suy tư cao siêu về sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng siêu việt, nhưng cũng là Đấng rất gần gũi. Đây là hai mặt bất khả phân ly của một thực tại về sự hiện diện của Thiên Chúa trong Cựu Ước.

Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ được mô tả theo những cuộc thần hiển Cựu Ước. Hơn nữa, những hình ảnh truyền thống nầy trở nên phong phú nhờ những đóng góp của văn chương Khải Huyền. Trận cuồng phong loan báo cuộc tụ họp muôn dân vào ngày Chung Thẩm. Những lưỡi lửa thuộc vào cũng một hình tượng của thời chung cuộc nầy. Thánh Lu-ca nối kết chúng trực tiếp vào ân ban ngôn ngữ mà các Tông Đồ đón nhận. Rõ ràng kỷ nguyên Ki-tô giáo được loan báo bởi cùng những dấu chỉ thời cánh chung.

Cuối cùng truyền thống Kinh Sư suy niệm biến cố Xi-nai đã khai triển những hàm chứa của biến cố nầy. Như là tiếng của ông Mô-sê được phân chia thành bảy mươi ngôn ngữ ngỏ hầu tất cả mọi dân tộc đều có thể nghe hiểu. Ngoài ra, làm thế nào không gợi ra lời nguyện ước của ông Mô-sê : “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (Ds 11: 29).

Như vậy, có một sự liên tục từ Cựu Ước đến Tân Ước. Tân Ước đáp trả cho một sự mong chờ của Cựu Ước. Mười hai Tông Đồ có mặt ở phòng Tiệc Ly để tiếp tục sự nghiệp của Đức Ki-tô. Nhưng những khác biệt thì sâu xa.

*4.Phép rửa trong Thánh Thần:

“Và ai nấy đều được đầy ơn Thánh Thần”. Thánh Gioan Tẩy Giả đã loan báo trước: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước…Còn Đấng đến sau tôi…Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3: 11). Tất cả các Tông Đồ đã lãnh nhận phép rửa không trong nước nhưng “trong Thánh Thần và lửa”. Giáo Hội khởi đi từ ngày lễ Ngũ Tuần Ki-tô giáo.

Những biến cố Xi-nai thiết lập triều đại Lề Luật trong khi những biến cố Tiệc Ly khai mạc kỷ nguyên Thánh Thần. Xưa kia một dân duy nhất làm đối tượng của việc Thiên Chúa tuyển chọn. Từ nay, mọi người đều được mời gọi dự phần vào cùng một ơn cứu độ. Vì thế, ân ban Thánh Thần đầu tiên là ân ban ngôn ngữ, ân ban cho phép các Tông Đồ ngỏ lời với đám đông thính giả dù sinh trưởng ở đâu cũng đều nghe các Tông Đồ dùng tiếng nói của họ mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa. Khi kể ra một danh sách dài về nguồn gốc khác nhau của họ, thánh Lu-ca nhấn mạnh chiều kích phổ quát của sứ điệp Tin Mừng.

Như vậy, lễ Ngũ Tuần đối lập với chuyện tích Tháp Ba-ben (St 11), theo đó việc ngôn ngữ khác nhau và việc muôn dân bị phân tán ra khắp nơi như một án phạt; giờ đây, Giáo Hội của Đức Ki-tô dâng hiến cho nhân loại khả năng hiệp nhất.

Một ân ban Thánh Thần khác, có thể hiểu biết ngay tức khắc, đó là ân ban Sức Mạnh. Ngay khi được tràn đầy Thánh Thần, các Tông Đồ mở tung cửa căn phòng trước đây vẫn còn cửa đóng then cài và cất cao giọng loan báo Tin Mừng trên công trường. Chỉ sau vài tuần xảy ra biến cố bi thảm của đồi Sọ, họ dạn dĩ phục hồi quyền Đấng chịu đóng đinh và làm chứng về sự Phục Sinh của Ngài.

*5.Sự hiện diện của Đức Ma-ri-a:

Như chúng ta đã ghi nhận trước đây, diễn ngữ: “mọi người đang tề tựu một nơi” bao gồm Đức Ma-ri-a và vài phụ nữ. Đức Ma-ri-a phải có mặt vào ngày Giáo Hội được khai sinh trong Thánh Thần: thân mẫu của Đức Giê-su đã được nối kết với Chúa Thánh Thần: Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ trong căn phòng Na-da-rét thầm lặng kín đáo, trong đó Thiên Chúa lặng lẽ đến ở giữa nhân loại. Giờ đây là tình mẫu tử khác, tình mẫu tử Thân Thể mầu nhiệm của Con Mẹ mà Đức Ma-ri-a từ nay đảm nhận.

Vài phụ nữ khác, chắc hẳn có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, cũng đón nhận Thánh Thần. Những người phụ nữ nầy sẽ không phải dãi dầu sương gió rong ruổi dặm trường để làm chứng cho Đức Giê-su Phục Sinh. Các bà sẽ không chịu cảnh bắt bớ tù đày như các Tông Đồ, nhưng các bà làm chứng theo cách khác. Các bà hoạt động nhiều đến nổi truyền thống sẽ gọi bà Ma-ri-a Mác-đa-la là “Tông Đồ của các Tông Đồ”, nghĩa là Tông Đồ tuyệt hảo nhất.

BÀI ĐỌC II (1Cr 12: 3b-7, 12-13)

Thánh Phao-lô viết từ Ê-phê-xô, có lẽ vào mùa xuân 55, gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, mà thánh nhân đã thiết lập vài năm trước đây, vào khoảng những năm 50-52.

Đây là một cộng đoàn năng động nhưng cũng gặp phải nhiều bất đồng nội bộ đã khiến cho thánh nhân bận lòng không ít. Đó là đối tượng của thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, một cộng đoàn sống giữa thế giới ngoại giáo và trong một thành phố rộng mở cho những ảnh hưởng ngoại lai, nhất là những thần bí Đông Phương vào lúc đó đang sôi động. Những trào lưu nầy không phải không gây nên vài nguy hiểm đối với cách sống của các Ki-tô hữu.

Ngoài ra, và đây là nét chung không riêng gì cho cộng đoàn Cô-rin-tô, trong những năm khởi đầu của mình, những cộng đoàn tín hữu thiếu cơ cấu, chưa được tổ chức chặt chẻ, khuôn mẫu thì yếu và chưa đủ. Ở Cô-rin-tô, ông A-pô-lô và ông Ti-mô-thê không thường xuyên hiện diện. Các tín hữu ngẫu hứng tùy tiện. Ân ban Thánh Thần được bổ sung vào những thiếu thốn ban đầu. Quả thật, ơn đặc sủng thì nhiều, sau đó càng lúc càng hiếm.

Các tín hữu Cô-rin-tô xem ra đã được ban cho những đặc sủng khác nhau, thường gây xôn xao dư luận hay phô trương. Vì thế, thánh nhân đòi hỏi họ trước tiên phải hiểu căn nguyên của những đặc sủng nầy.

*1.Căn nguyên duy nhất của các đặc sủng: Thiên Chúa Ba Ngôi.

Phải lưu ‎ý rằng thánh Phao-lô đặt những đặc sủng và hoạt động Ki-tô hữu dưới dấu chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi, khởi đầu là Chúa Thánh Thần:

-Những đặc sủng thì đa dạng, nhưng luôn luôn chỉ có một Thánh Thần.

-Nhiều thừa tác vụ khác nhau trong Giáo Hội, nhưng luôn luôn chỉ có một Đức Chúa (Đức Kitô).

-Nhiều họat động khác nhau, nhưng luôn luôn có một Thiên Chúa (Chúa Cha), Đấng họat động trong mọi người.

*2.Mục đích duy nhất của các đặc sủng: vì lợi ích chung.

Thánh nhân đưa ra “luật vàng”: tiêu chuẩn của các đặc sủng phải là vì lợi ích của cộng đoàn, nghĩa là nếu không vì ích lợi của cộng đoàn thì những đặc sủng chỉ là giả hiệu. Tiếp theo là sự so sánh nổi tiếng về một thân thể duy nhất với nhiều bộ phận: một Đức Ki-tô, một Giáo Hội, bất chấp nhiều bộ phận khác nhau.

Nguyên tắc của sự duy nhất chính là Thánh Thần, Đấng duy nhất và từ Ngài mọi đặc sủng được ban cho tất cả mọi tín hữu. Sức sống của Chúa Thánh Thần trào dâng trong chúng ta như nguồn nước hằng sống: “Tất cả chúng ta đầy tràn một Thánh Thần duy nhất”.

TIN MỪNG (Ga 20: 19-23)

Phụng Vụ hôm nay đề nghị cho chúng ta Tin Mừng Gioan trong viễn cảnh lễ Ngũ Tuần. Quả thật, đoạn Tin Mừng nầy thường được gọi lễ Ngũ Tuần theo Tin Mừng Gioan: “Đức Giê-su thổi hơi trên các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’”. Chúng ta sẽ thấy lễ Ngũ Tuần theo Tin Mừng Gioan không mâu thuẫn với lễ Ngũ Tuần được tường thuật trong sách Công Vụ, nhưng bổ túc cho nhau: “Giáo Hội được khai sinh kể từ biến cố Phục Sinh” ngay cả nếu những ân ban Thánh Thần sẽ được bày tỏ sau nầy.

Vài nét đặc trưng của đoạn Tin Mừng hôm nay đáng được nhấn mạnh hay ghi nhớ.

*1.Giáo Hội được khai sinh dưới dấu hiệu Thiên Chúa Ba Ngôi:

Vào ngày này, cộng đoàn nhỏ bé nầy hình thành nên Giáo Hội của Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su Phục Sinh đã ủy thác cho họ sứ mạng tiếp tục sự nghiệp của Ngài: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”, và Ngài thổi hơi trên các ông: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Giáo Hội được khai sinh dưới dấu hiệu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong những lời dạy cốt yếu của bản văn Tin Mừng nầy.

*2.Cuộc sáng tạo mới:

Đức Giê-su thổi hơi trên họ, lập lại cử chỉ của Đấng Sáng Tạo, Đấng làm sinh động con người bằng cách thổi hơi sự sống của chính mình vào con người. Động từ được thánh Gioan sử dụng ở đây chúng ta không gặp thấy ở bất cứ nơi nào khác trong Tân Ước, nhưng đích thật động từ của sách Sáng Thế để chỉ hành động của Đấng Sáng Tạo trong việc tạo dựng con người đầu tiên (St 2: 7).

Đây cũng là động từ mô tả những bộ xương khô được hồi sinh trong một thị kiến nổi tiếng của ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Ngươi hãy nói với thần khí: Hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những vong nhân nầy cho chúng được hồi sinh” (Ed 37: 9). Vì thế, động từ này cốt yếu đánh dấu “một cuộc sáng tạo mới”, một thế giới mới được khai sinh. Đức Giê-su làm cho các môn đệ của Ngài trở thành nhân tố của nhân loại được tái sinh. Để làm như vậy, Ngài tái tạo họ và tăng cường họ bằng cách thổi Thần Khí của Ngài trên họ, Ngài ban cho họ quyền tha thứ cho anh em của mình mà Ngài đã hứa với họ: máu của Ngài đổ ra để tha thứ tội lỗi. Đó là sự phong nhiêu của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.

*3.Biến cố Ngũ Tuần và biến cố Vượt Qua:

Thánh Gioan thường hằng nhắm đến biến cố tuôn đổ Thánh Thần như được nối kết với biến cố Vượt Qua. Thánh nhân đã diễn tả tư tưởng nầy ở nơi lời công bố của Đức Giê-su khi Ngài nói về chính mình là “dòng nước hằng sống”, được chính thánh nhân giải thích : “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (Ga 7: 39).

Lễ Ngũ Tuần kín đáo và thân tình nầy mà Tin Mừng Gioan giữ lại, chỉ là khúc dạo đầu của lễ Ngũ Tuần ngoạn mục, ở đó tác động Thần Khí sẽ biến đổi ngay tức khắc các môn đệ. Tuy nhiên, khi đặt biến cố Vượt Qua và biến cố Ngũ Tuần một cách nào đó bên cạnh nhau, thánh Gioan nhấn mạnh sự duy nhất sâu xa của hai biến cố nầy. Hai ngày đại lễ được nối kết rồi trong Do thái giáo. Đến phiên mình, thánh Gioan khẳng định sự bền vững của chúng trong viễn cảnh mới.

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG- A

CHÚA THÁNH THẦN LÀ NGUYÊN LÝ HỢP NHẤT- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

*I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Lễ Hiện xuống hôm nay kết thúc mùa Phục sinh. Chúng ta hãy nhìn lại những bước mà Phụng vụ đã dẫn chúng ta đi qua : Đức Giêsu đã nhập thế sống với loài người, Ngài đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, rồi Ngài chịu nạn chịu chết, nhưng Ngài đã sống lại và lên trời. Hôm nay Ngài sai Chúa Thánh Thần đến để thánh hóa loài người. Như thế, Chúa Thánh Thần là Đấng hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần xuống trên chúng ta, để chúng ta hoàn thành sứ mạng cứu độ bản thân chúng ta và mọi người.

*II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta có lỗi vì ít nghĩ đến Chúa Thánh Thần là Đấng Thiên Chúa đã ban để hỗ trợ chúng ta.

– Chúng ta thường làm việc theo suy nghĩ riêng chứ không theo sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

– Chúa Thánh Thần muốn mọi người hiệp nhất với nhau, nhưng chúng ta thường chia rẽ.

*III. LỜI CHÚA

*1. Bài đọc I : Cv 2,1-11 : Tường thuật việc Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm lễ Ngũ Tuần.

– Vâng theo lời căn dặn của Đức Giêsu phục sinh, các tông đồ tụ họp trong nhà Tiệc Ly để chờ đón nhận điều Ngài đã hứa.

– Sáng ngày lễ Ngũ tuần, Đức Giêsu thực hiện lời hứa ấy : Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Đức Giêsu.

*2. Đáp ca : Tv 103

Tv này ca tụng những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm do “sinh khí” của Ngài, tức là do Chúa Thánh Thần.

*3. Bài đọc II : 1 Cr 12,3b-7.12-13

Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu đoàn kết hiệp nhất nhau trong Chúa Thánh Thần :

– Trong Giáo Hội sơ khai, Chúa Thánh Thần ban nhiều đặc sủng khác nhau cho các tín hữu. Nhưng mọi đặc sủng đều nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn.

– Vì thế, một mặt các tín hữu phải tránh chia rẽ nhau, mặt khác phải tận dụng mọi ơn ban của Chúa Thánh Thần để xây dựng thân thể Giáo Hội.

*4. Tin Mừng : Ga 20,19-23

Buổi chiều chính hôm lễ phục sinh, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các môn đệ (Theo quan điểm của Luca thì Thánh Thần được ban hôm lễ Ngũ tuần).

Chúa Thánh Thần được ban đồng thời với lời chúc bình an, quyền tha tội và lời sai các ông ra đi. Từ đó, ta có thể thấy được những ý nghĩa sau :

– Ơn ban cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần là Bình an, đặc trưng của thời Messia.

– Ơn cao trọng thứ hai của Chúa Thánh Thần là Tha tội : chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.

– Ơn ban Thánh Thần nhằm giúp Giáo Hội ra đi loan Tin Mừng cứu độ.

*IV. GỢI Ý GIẢNG

*1. Lưỡi lửa

Bài tường thuật của Sách Công vụ hôm nay là đối trọng của bài tường thuật tháp Babel thời Cựu Ước.

Ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Nôe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xúi dục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau. Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không quy tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm cho nhau.

Hôm lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần sửa lại sự hư hại đó : tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và những ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu ? Nhờ chính Chúa Thánh Thần, nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất.

*2. Lưỡi lửa mà con người hôm nay cần

Nói là một sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống chung : hằng ngày khi gặp người khác, chúng ta chào nhau, hỏi thăm nhau, trao đổi ý kiến với nhau, thảo luận, tranh luận v.v. Chính vì để phục vụ cho sinh hoạt cần thiết này mà khoa học kỹ thuật ngày nay đã phát minh ra máy khuếch âm, máy ghi âm, điện thoại v.v.

Nhưng nói với nhau là một chuyện, còn hiểu nhau là một chuyện khác. Hai chuyện này chưa hẳn luôn đi đôi với nhau. Nói với nhau thì nhiều nhưng hiểu nhau chắc không được bao nhiêu. Dịch một ngoại ngữ thì dễ hơn là hiểu được ý thật, lòng thật của người đang ở sát bên cạnh mình.

Có đặt mình trong bối cảnh như thế, chúng ta mới thấy được “lưỡi lửa” mà bài sách Cv hôm nay mô tả là cần thiết thế nào cho con người hôm nay. Ngày xưa, những người có mặt hôm lễ Ngũ tuần tuy nói nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng đều hiểu nhau. Đó là hiệu quả bởi “lưỡi lửa” của Chúa Thánh Thần. Lưỡi hình lửa là tiếng nói của tình yêu. Tiếng nói chân thật nhất là tiếng xuất phát từ cõi lòng. Tiếng nói dễ hiểu nhất là tiếng của tình yêu.

Xin “lưỡi lửa” hiện xuống tràn đầy trong mỗi người chúng ta và trong cộng đoàn chúng ta.

*3. Thổi hơi

Bài tường thuật tạo dựng loài người trong sách Sáng thế kể rằng sau khi Thiên Chúa đã lấy bùn đất nắn thành hình người, Ngài đã thổi hơi vào đó, và thế là con người đầu tiên xuất hiện. “Hơi thở” của Thiên Chúa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguyên lý tạo dựng.

Nhưng con người đã phạm tội, bị đuổi khỏi vườn Địa đàng, hạnh phúc ban đầu đã bị đánh mất.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại thổi hơi trên các tông đồ. Phải chăng đây cũng là một đối ảnh của câu chuyện trong sách Sáng thế ? Và nếu đúng là thế, thì hôm nay Thiên Chúa tái tạo lại con người, cũng bằng “hơi thở” là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng là nguyên lý của sự tái tạo.

*4. Hiệp nhất trong đa dạng

Giáo Hội ngày nay là một Giáo Hội đa dạng : đủ thứ linh đạo, đủ loại dòng tu, đủ cách làm tông đồ, quá nhiều hội nhóm, quá nhiều khuynh hướng, quá nhiều ý kiến… Có những kẻ bi quan đã cho rằng Giáo Hội đang trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng thực ra, sự đa dạng này thể hiện một sức sống phong phú.

Nhưng miễn là đa dạng đừng dẫn tới chia rẽ và chống đối phá hại nhau. Miễn sao đa dạng mà vẫn hiệp nhất.

Muốn được như vậy, chúng ta phải lưu ý tới những giáo huấn rất sâu sắc của Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay :

– Mỗi người, mỗi nhóm hãy ý thức rằng “đặc sủng” của mình là ơn ban của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là tài sản hay tài năng riêng của mình.

– Đừng khó chịu, trái lại hãy vui mừng khi thấy những người khác, nhóm khác cũng được ban cho những đặc sủng khác. Đó là dấu Chúa Thánh Thần yêu thương Giáo Hội.

– Tận dụng “đặc sủng” Chúa Thánh Thần ban để góp phần mình vào việc xây dựng Giáo Hội, đồng thời ý thức rằng đó chỉ là một phần nhỏ mình góp cho Giáo Hội nên vẫn tôn trọng phần góp của người khác và hy vọng Giáo Hội được nhiều người khác góp phần xây dựng hơn nữa.

*5. Chúa Thánh Thần, Đấng bị quên lãng

Chúa Thánh Thần là Đấng bị quên lãng. Đúng vậy, Thiên Chúa có 3 Ngôi là Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế nhưng thường chúng ta chỉ nhớ tới Chúa Giêsu và Chúa Cha thôi, ít khi nhớ tới Chúa Thánh Thần

Thế nhưng CTT lại là Đấng rất kỳ diệu, Ngài mà hoạt động nơi ai thì làm phát sinh biết bao điều kỳ diệu nơi người đó. Ngài mà hoạt động nơi nào thì cũng làm phát sinh biết bao điều kỳ diệu ở nơi đó. Xin đan cử 2 bằng chứng.

– Bằng chứng thứ nhất là đoạn sách CvTđ mà chúng ta vừa nghe : CTT hoạt động nơi các tông đồ. Trước đó các tông đồ đã từng theo Chúa Giêsu 3 năm, đã từng nghe biết bao lời dạy dỗ của Chúa Giêsu, đã từng thấy biết bao phép lạ của Chúa Giêsu. Nhưng con người của các ông hầu như chẳng chịu ảnh hưởng tốt nào cả : vẫn lo tranh dành quyền lợi, vẫn sợ chết nên trốn kín trong nhà. Thế rồi CTT ngự đến trên các công và sau đó các ông được biến đổi hẳn : nhiệt thành với Tin Mừng, can đảm rao giảng Tin Mừng. Có ai ngờ một người như Phêrô đã từng run sợ chối Chúa bây bẩy trước những tên đầy tớ của vụ Thượng tế mà bây giờ lại đứng ra trước một đám đông rao giảng hùng hồn khiến cho liền ngay sa đó có 3 ngàn người xin theo đạo.

– Bằng chứng thứ hai là một bức thư rất đặc biệt. Bức thư này là của một cô gái nước ngoài gởi cho một LM. LM này trước đó có biên thư cho cô gái để trình bày những khó khăn trong bổn phận của mình. Cô gái biên thư khuyên vị LM ấy hãy can đảm, hãy cầu nguyện và mỗi ngày hãy dâng lễ sốt sắng. Cô gái còn cho biết nếp sống hằng ngày của cô : ngoài những giờ làm ăn, cô tranh thủ thời giờ đi dạy giáo lý cho 2 lớp tại một trường học, buổi tối cô tham gia cầu nguyện với một nhóm giáo dân từ 8 đến 10 giờ. Một cô gái giáo dân mới hơn 20 tuổi mà nhiệt thành làm việc tông đồ như vậy và còn nhiệt thành đến nỗi dám đưa ra những lời khuyên dạy đối với một LM ! Do đâu mà cô nhiệt thành sốt sắng như vậy ? Thưa vì cô đang sinh hoạt trong một nhóm giáo dân giúp nhau sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Nghe những bằng chứng trên, chắc chúng ta cũng mong muốn CTT hoạt động nơi chúng ta để làm những điều kỳ diệu nơi chúng ta. Nhưng làm sao để được như vậy ? Xin đề nghị 2 điều :

– Một là chúng ta hãy cầu nguyện cùng với CTT. Chúng ta đã cầu nguyện rất nhiều. Nhưng khi cầu nguyện chúng ta chỉ nói cho Chúa biết mình đang sống như thế nào, mình đang cần những ơn gì và xin Chúa ban ơn đó cho ta. Cầu nguyện như vậy là sai lầm, vì đâu phải nhở chúng ta nói mà Chúa mới biết chúng ta cần gì. Chúa là Đấng biết tất cả mọi sự kia mà. Điều quan trọng nhất không phải là ta nói cho Chúa biết ta muốn gì, mà là xin Chúa cho ta biết Chúa đang muốn gì nơi ta. Do đó ta phải cầu nguyện cùng với CTT, để CTT soi sáng cho ta biết ý Chúa và giúp ta sau đó làm theo ý Chúa. Có cầu nguyện như vậy thì sau đó cuộc đời ta mới biến đổi.

– Điều thứ hai có liên quan tới việc Xưng tội. Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, có một điểm hơi lạ. Đó là CG vừa ban CTT vừa ban quyền tha tội cho các tông đồ : “Chúng con hãy nhận lãnh Thánh Thần, chúng con tha tội cho ai… ” Tại sao CG ban CTT và ban ơn tha tội chung nhau ? Thưa vì 2 điều đó liên hệ chặt chẻ với nhau. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn lãnh BTGT cho có hiệu quả tốt thì chúng ta phải Xưng tội cùng với CTT. Ta hãy nhìn lại cách xưng tội bấy lâu nay của chúng ta. Mỗi khi xưng tội chúng ta làm 5 việc : một là xét mình xem mình có những tội gì ; 2 là sau đó đọc một kinh ăn năn tội ; 3 là vào toà xưng tội, kể cho kỹ hết mọi tội đừng sót tội nào ; 4 là nghe cho rõ Cha giải tội dạy đọc bao nhiêu kinh ; 5 là trở ra đọc cho hết bấy nhiêu kinh đó. Rồi trở về. Kết quả như thế nào ? Chúng ta thấy an tâm hơn đôi chút. Nhưng cũng sống bình thường như trước, cũng phạm lại bấy nhiêu tội ấy, lần sau đi xưng tội cũng xưng bấy nhiêu tội ấy. Nghĩa là hầu như không có gì thay đổi. Xưng tội cùng với CTT nghĩa là trong phần xét mình trước khi vào toà xưng tội, chúng ta hãy xét mình cùng với CTT, xin Ngài soi sáng cho ta chẳng những thấy được mình đã phạm những tội gì mà còn tại sao mình phạm những tội đó ; xin CTT soi sáng cho ta thấy những tội mà mình không thấy, Td nhiều người đâu có nghĩ rằng việc mình đang tính kế hại người là có tội, nhiều người đâu có nghĩ việc mình sống ích kỷ với nhà hàng xóm là có tội. Xưng tội cùng với CTT nghĩa là sau khi xưng tội chúng ta xin CTT soi sáng cho ta biết từ nay mình phải sửa đổi như thế nào. Có như vậy mỗi lần chúng ta đi xưng tội xong, cuộc sống của mình mới thay đổi tốt đẹp hơn.

*6. Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi

Bài trích sách Tông đồ Công vụ thuật lại biến cố ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ có nhiều điều rất phi thường : gió thổi ào ào như giông tố, những cục lửa có hình như cái lưỡi đậu trên đầu mỗi vị, sau đó các tông đồ nói tiếng lạ nghĩa là chỉ cần nói một thứ tiếng mà đủ mọi sắc dân khác nhau đều có thể hiểu. Những điều phi thường đó khiến cho đám đông dân chúng bở ngỡ kinh hoàng… Rồi hàng ngàn người đã xin lãnh phép Rửa Tội…

Nhưng điều quan trọng không phải là những biến cố phi thường ngoạn mục đó, mà chính là một cuộc biến đổi bên trong các tông đồ, rất âm thầm nhưng lại rất toàn diện : các ông là những người đã từng sát cánh ngày đêm với CG, cùng ăn,, cùng đi, cùng làm với CG suốt 3 năm trời, được CG dạy dỗ rất nhiều, được chứng kiến biết bao việc làm của CG… Nhưng vốn tầm thường các ông cũng vẫn còn là những kẻ tầm thường. Tầm thường đến nỗi Thầy vừa bị bắt là tất cả bỏ chạy tan hoang, trốn chui trốn nhủi trong phòng đóng kín cửa không ai dám ló đầu ra ngoài. Tại sao thế ? Vì bấy lâu nay các ông đi theo Chúa với tính toán vụ lợi, các ông hiểu giáo lý của Chúa một cách phàm tục : Đi theo Chúa như đi theo một chính trị gia đang lên hương với hy vọng sau này tới ngày thành công sẽ được chia chác địa vị quyền lợi ; Chúa dạy giáo lý về nước Trời mà các ông thỉ chỉ hiểu về một nước thế tục. Cái chết của CG đã làn tiêu tan mọi tham vọng chính trị, những quyền lợi các ông mong chờ cũng thành mây khói luôn, và cả sự an toàn của bản thân các ông cũng đang bị đe doạ nữa. Vì thế các ông sợ sệt, ẩn trốn.

Khi người ta theo Chúa với đầu óc vụ lợi, thì người ta tầm thương

Chúa Thánh Thần đến làm một cuộc thay đổi toàn diện : thay đổi lối nghĩ, lối nhìn, lối hiểu, lối tính toán của các ông : Hiểu giáo lý của Chúa cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước nữa ; từ đó các ông quyết định vẫn theo Chúa nhưng không phải vì tính toán vụ lợi mà vì tình yêu hy sinh xả thân hoàn toàn. Cuộc thay đổi ấy đã giúp các ông hết tầm thường, biến các ông trở nên những kẻ trung thành, những cột trụ của Giáo Hội, đến nỗi dù đe doạ, dù tù đày, dù tra tấn, dù gươm giáo, các ông cũng vẫn can đảm và hăng say loan truyền niềm tin vào Chúa.

Ngày nay chúng ta mừng lễ CTT hiện xuống, điều chính yếu chúng ta mong ước cũng không phải là có những hiện tượng lạ gió thổi ào ào, lưỡi lửa trên đầu và nói tiếng lạ…. mà chúng ta mong chờ chính sự biến đổi sâu xa và toàn diện ấy trong tâm hồn chúng ta.

Đó cũng chính là ý tưởng của ĐGH Phaolô VI trong bài huấn dụ của Ngài hôm 29.11.1972. Ngài mô tả trong Giáo Hội có nhiều người theo đạo chỉ vì óc vụ lợi và hiểu giáo lý một cách phàm tục. Chính vì thế mà theo Ngài, Giáo hội ngày nay cần có một lễ Hiện Xuống mới, để xin trích dẫn nguyên văn lời Ngài “làm cho Giáo Hội được sống động, như có một luồng gió thiêng liêng làm căng buồm con thuyền GH, là nguồn suối bên trong ban tràn đầy ánh sáng và sức mạnh cho GH…”

Chắc chúng ta cũng ở trong tình trạng của các tông đồ trước ngày được CTT Hiện xuống. Chúng ta cũng đã từng theo đạo mười mấy, hai ba chục năm trời, đã từng Rửa tội, đã bao nhiêu lần xưng tội rước lễ, đã từng lãnh bí tích thêm sức, đã bao nhiêu lần nghe giảng dạy đủ mọi điều giáo lý, Tin mừng.. nhưng con người của chúng ta vẫn cứ mãi tầm thường. Đầu óc chúng ta còn đầy tính toán vụ lợi và tinh thần phàm tục : chúng ta theo đạo để xin Chúa ban ơn cho mình, được làm ăn thành công, được khỏi nỗi buồn khổ này, được đạt đến niềm mơ ước kia. Rồi khi nào cầu xin không được hay cứ gặp khốn khó thì ta chán muốn bỏ đạo, khi gặp nguy hiểm thì ta trốn chui trốn nhủi, không dám đến nhà thờ như các tông đồ xưa trốn kín trong phòng không dám ló đầu ra. Chúng ta cũng cắt nghĩa giáo lý theo kiểu cách phàm tục, không muốn tin những điều siêu nhiên, mầu nhiệm về TC, về linh hồn, về thiên đàng hoả ngục, về bí tích ; chúng ta đòi hỏi GH có những giải pháp dễ dãi cho cuộc sống và chống đối những chỉ dẫn của GH mà ta cho là khắt khe, chẳng hạn về việc vợ chồng ly dị, về các phương pháp ngừa thai v.v….Tóm lại, giữ đạo một cách vụ lợi và phàm tục như thế nên cuộc sống đạo của chúng ta nó thờ ơ, thụ động, dật dờ làm sao ấy. Ta sống đạo nhưng sống như một cái xác không hồn, không hứng khởi.

Muốn cho các xác lờ đờ này thực sự có sức sống sinh động, nghĩa là muốn cho cuộc sống đạo của chúng ta được hăng hái, tích cực, phấn khởi, thì cần phải có CTT hiện xuống trên chúng ta. CTT sẽ biến đổi chúng ta toàn diện như các tông đồ ngày xưa : làm cho chúng ta hiểu giáo lý Chúa một cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước làm cho chúng ta theo Chúa không phải vì vụ lợi muốn được điều này điều nọ mà chi vì chúng ta thực sự tin Chúa, yêu Chúa và sẵn sàng hy sinh tất cả vì niềm tin yêu đó.

*V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Thể theo lời Đức Giêsu cầu xin, Chúa Cha đã ban Thánh Thần để quy tụ chúng ta thành Giáo Hội. Chúng ta cùng dâng lời cảm tạ và cầu xin.

*1. Lễ Hiện xuống là ngày khai sinh Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin / Chúa Cha ban Thánh Thần để soi sáng / hướng dẫn / và nâng đỡ các vị mục tử / trong việc điều khiển con thuyền Hội Thánh / vượt qua mọi phong ba bão táp ở trần gian.

*2. Nhiều nơi trên thế giới ngày nay vẫn còn đang sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha cử Thánh Thần đến / đem yêu thương vào nơi oán thù / đem niềm vui cho người đau khổ / đem hòa bình cho những vùng còn khói lửa chiến tranh.

*3. Ngày hôm nay / bạo lực và hận thù vẫn còn đang làm cho biết bao gia đình phải tan nát / biết bao người phải lâm vào cảnh khốn khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha ban Thánh Thần là nguồn tình yêu / để đổi mới lòng trí con người trên khắp địa cầu.

*4. Đường lối Thiên Chúa thì nhiệm mầu / Lời Người thì cao siêu / nhiều khi chúng ta không thể hiểu tường tận được / Vì thế chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha / ban Thánh Thần cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / để Người chỉ bảo và nhắc nhở chúng ta / những điều Chúa Giêsu đã dạy lúc còn ở với các môn đệ.

CT : Lạy Chúa Cha nhân hậu, không bao giờ chúng con có thể khám phá được hết những kỳ diệu của tình yêu Chúa dành cho chúng con trong cuộc sống. Ước gì Thánh Thần Chúa thâm nhập lòng trí chúng con, và biến đổi cuộc đời chúng con nên một lời ca tụng tình thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ…

*VI. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta và cầu nguyện thay cho chúng ta bằng những tiếng than van khôn tả. Vậy chúng ta hãy cùng Chúa Thánh Thần dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha sau đây.

– Sau kinh Lạy Cha : “Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, cách riêng là sự chia rẻ nhau. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an, và được hiệp nhất với nhau trong Chúa Thánh Thần. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”

– Trước lúc rước lễ : Chúng ta sắp được ăn cùng một tấm bánh là chính Đức Giêsu. Xin Chúa giúp chúng ta hiệp nhất với nhau. “Đây Chiên Thiên Chúa…”

*VII. GIẢI TÁN

Anh chị em đã được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần và được thêm sức bởi hơi thở tình yêu của Ngài. Giờ đây anh chị em hãy ra về như những sứ giả của Tin Mừng và Bình an đối với mọi người anh chị em sẽ gặp gỡ.

home Mục lục Lưu trữ