Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 90

Tổng truy cập: 1357472

ĐÁM ĐÔNG DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ

ĐÁM ĐÔNG DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ

 

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “ba thập giá”.

Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét… tác giả như muốn nói rằng: không chừa một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chuẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt (tác giả của bức tranh).

Tại sao giữa đám đông của những kẻ đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra để giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng: chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói rằng, mọi người đều được dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá…

Thưa anh chị em,

Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây 2000 năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để từ chối trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.

Tuy nhiên, dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Đức Kitô trên thập giá là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm, bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đau đớn như thế? Mầu nhiệm, bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa 2000 năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đinh đóng vào thân thể Ngài…

Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá, nơi Ngài đã bị treo lên trong tủi nhục đau đớn. Nhìn lên thập giá của Ngài để thấy được án phạt của tội lỗi. Nhìn lên thánh giá của Ngài để thấy được tình yêu bao la của Thiên Chúa. Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm nếm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn…

Nhìn lên thập giá Chúa để cảm nếm được ơn tha thứ của Ngài. Như thế, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa hơn.

 

  1. Ông này là ai vậy?

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Từ trước tới nay, chưa một lần nào Đức Giêsu tìm cho mình chút vinh quang trần thế. Còn bây giờ, khi cái chết đã gần kề, Ngài chấp nhận sự tán tụng của đám đông, và chính Ngài cũng muốn ngồi trên lưng một con lừa để khiêm tốn tiến vào thành thánh.

Nhiều người trải áo hay chặt cành cây rải trên lối đi. Tiếng hò reo vang dậy. Người ta tung hô Ngài là Đấng Mêsia, là Con vua Đavít.

Quả thật Ngài là Vua Mêsia, nhưng rồi đây người ta sẽ biết cách làm vua của Ngài: qua đau khổ và cái chết ô nhục trên thập giá.

Lễ Lá là một lễ vui, nhưng lại đượm buồn. Ta được nghe bài thương khó trong thánh lễ.

Tuần thánh đã bắt đầu. Đức Giêsu bước vào những ngày cuối đời.

Rước lá đi theo Ngài trong vài giờ là điều dễ. Theo Ngài giữa lúc Ngài được tung hô, chẳng khó gì.

Nhưng tiếp tục theo Ngài và ở lại khi Ngài bị mọi người bỏ rơi, điều đó khó hơn nhiều.

Chúng ta thường cảm thấy mệt khi nghe đọc bài Thương Khó.

Nếu chúng ta dành thì giờ để suy niệm về cuộc khổ nạn, ta sẽ thấy lời nói và thái độ của Đức Giêsu có sức nâng đỡ và biến đổi ta, giúp ta đón nhận mọi gai góc của cuộc sống.

Cần cảm nghiệm những đau noun trên thân xác Chúa, nhưng đừng quên những nỗi đau sâu kín của trái tim Ngài, và nhất là đừng quên nhận ra một Tình Yêu, Tình Yêu vô cùng lớn đối với Cha và nhân loại. Chỉ Tình Yêu mới làm cho khổ đau sinh trái.

Con Thiên Chúa không xa lạ với khổ đau của phận người. Ngài biết thế nào là bị vu khống, bất công, phản bội, thế nào là bị nhục nhã, sợ hãi, cô đơn và giết chết.

Ngài không phân tích mầu nhiệm đau khổ, nhưng Ngài đón lấy đau khổ với rất nhiều tình yêu, và lập tức nó có ý nghĩa.

Bạn có thể thấy mình giống Giuđa, Phêrô hay Philatô.

Chẳng ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa.

Hãy đi với Đức Giêsu qua từng chặng đường, từ Vườn Dầu đến tận Núi Sọ.

Đừng theo Chúa như một người lạ quay video cho đám tang, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì bạn và cho bạn.

Sau khi đã thấm nhuần cuộc Khổ Nạn, bạn sẽ thấy mình yêu thánh giá của Chúa hơn, mến thánh giá của mình hơn, và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn hãy đọc chương 26 và 27 của Tin Mừng thánh Matthêu. Điều gì đánh động bạn hơn cả khi nhìn ngắm Đức Giêsu?

Theo ý bạn, Đức Giêsu có thể tránh né cái chết được không? Tại sao Ngài tự nguyện đón nhận cái chết thập giá?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho con tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.

 

  1. Kinh nghiệm đau đớn của Phêrô – Achille Degeest.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Bài tường thuật cuộc đau khổ của Chúa Giêsu thật khó diễn giải. Tự nó đã nói rất nhiều rồi. Phải đọc trong tinh thần cầu nguyện, phải để nó thấm nhập vào mình, tìm cách chịu đựng tính chất thực tế của nó, mở lòng đón nhận cái sứ điệp nó đề nghị. Chúng ta thử dừng lại ở một điểm: ở kinh nghiệm khác thường của Phêrô, vị tông đồ tự phụ, yếu đuối, ăn năn.

1) Hai câu 26,33-34 cho ta thấy Phêrô trung tín chừng nào, nhưng đồng thời cũng không biết rằng chước cám dỗ có thể bất ngờ và dữ dội ra sao. Trong những trường hợp khác, ông nghe lời Chúa Giêsu mà quyết định ngược lại với chính mình, còn đây ông lại phản đối lời Người. Chúa báo trước các môn đệ sẽ lìa bỏ Người. Phêrô cho là chuyện khó tin, không thể xảy ra được. Chúa nói thêm rằng ông sẽ chối Chúa trước khi gà gáy. Lẽ ra ông phải lo sợ, phải cầu xin cho khỏi sa ngã, đàng này ông phản ứng mạnh mẽ, đầy tin tưởng vào mình. Ông thành thực lắm. Ông cảm thấy không gì lay chuyển tình yêu đối với Thày. Ông không thể chấp nhận lời Chúa Giêsu báo trước rằng ông sẽ sa ngã. Cuối cùng, khi Chúa dặn ông phải tỉnh thức và cầu nguyện, thì Phêrô không thức, nhưng lại ngã ra ngủ, lòng vẫn đầy tin tưởng vào mình. Phải chăng ta gặp thấy một ‘âm vang’ của cái kinh nghiệm đau đớn này trong lời căn dặn mà sau này Người sẽ viết ra: “Hỡi anh em, hãy tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé…” (1Pr 5,8).

2) Kẻ thù ồn ào và gầm thét đã tấn công Phêrô, đó là đám đông đã bắt Chúa Giêsu và tìm hết cách tỏ lòng căm phẫn đối với Người. Phêrô lo sợ, mà không biết mình sợ. Vì không biết mình, nên ông đã không thấy rõ sự yếu đuối của mình, do đó ông đã liều lĩnh: Phêrô theo Chúa xa xa, đến dinh thày cả thượng phẩm. Ông tưởng rằng sự việc rồi cũng sẽ kết thúc như bao nhiêu lần Chúa Giêsu đã chấm dứt những hành vi gây hấn của bọn Do thái. Ông chờ đợi mà không đề phòng. Ông sẵn sàng để sa ngã. Chỉ một câu hỏi của một người đàn bà cũng làm ông bối rối, một nỗi bối rối xen lẫn sợ hãi, tính hèn nhát và bản năng bảo tồn, mặc cảm tự ti là người xứ Galilêa, ‘khả năng’ nói dối. Ông chối Chúa Giêsu.

3) Nhưng Phêrô hối hận. Tiếng gà gáy làm ông nhớ lại lời tiên báo của Chúa. Ở đây, vẻ cao quý của Phêrô là ở lòng khiêm nhường, thành thực, tin tưởng dù đã sa ngã. Ông khiêm nhường vì nhận ngay mình có tội mà không phân tích lỗi lầm để tìm cớ chữa mình. Ông thành thực vì không quanh co trong việc nhìn nhận một lỗi lầm nghịch lại lời cam kết với Chúa Giêsu. Ông cảm thấy lờ mờ rằng nhờ nhận lỗi mình cách thành thật, ông được Thày khoan dung tha thứ. Ông khóc vì cảm động, và vì đối với một người khí phách như ông, thì đó có lẽ là cách duy nhất để xin lỗi. Phêrô thống hối đã được tha thứ và nên hùng tráng.

 

  1. Cành lá phản bội (Mt 26,14-27,66).

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’ của – R. Veritas)

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh hoạ Rembradt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “Ba Thập Giá”. Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét… Tác giả như muốn nói rằng: không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ cho các nhà chuyên môn chuẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt, tác giả của bức tranh này.

Tại sao giữa đám đông của những kẻ đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembradt, nhà danh hoạ lại chen vào khuôn mặt của mình?

Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra để giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng: chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng, họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến,

Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.

Nhưng dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu nhiệm, bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày này, cho dù cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một xỉ vả hoặc chính là một cái đinh đóng vào thân thể Ngài…

Thử hỏi, nếu tôi là người đương thời có liên quan đến vụ án của Chúa Giêsu, tôi sẽ đứng trong nhóm người nào và với thái độ nào?

Phải thú nhận rằng, tôi không dễ gì làm được như ông Simon thành Syrênê đã vác đỡ thập giá Chúa Giêsu. Nhưng cũng đừng vội quả quyết rằng, tôi không thể đứng về phía đám quần chúng đả đảo Chúa, không thể là Phêrô chối Chúa, hoặc là nhóm tông đồ trốn chạy, hoặc là Phalatô lên án người vô tội, hoặc là đám quân lính đánh đòn và đóng đinh Chúa. Trái lại, kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy rõ ràng tôi rất yếu đuối, dễ đứng về phe kẻ mạnh thế, không dám can đảm bênh vực công lý và dễ dàng trung thành với Chúa trên môi miệng cũng như khi mọi sự đều xuôi chảy, nhưng lại phản bội Chúa dễ dàng trong hành động cụ thể và khi gặp nghịch cảnh, tương tự hành động của Giuđa! Chúng ta không ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa. Ngài vẫn còn hấp hối cho đến ngày tận thế.

Thưa anh chị em, với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, Tuần Thánh đã bắt đầu. Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho loài người. Bề ngoài, cuộc tiến vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông quần chúng nô nức phất cao cành lá “hoan hô Con Vua Đavit” có vẻ một cuộc toàn thắng vang dội. Thực ra, đây là một cuộc mở màn Thương Khó mỉa mai nhất và có lẽ cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc Thương Khó. Bởi vì Chúa biết rõ rằng trong niềm phấn khởi chóng qua của quần chúng đã chất chứa một sức phản bội sẽ bùng nổ dữ dội trước mặt Tổng trấn Philatô, trong tiếng kêu gào vào những bàn tay nắm chặt đưa lên: “Đả đảo! Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”.

Rước lá đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn lắm. Đi theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô chúc tụng là điều dễ dàng. Nhưng tiếp tục đi theo Ngài khi Ngài đã bị mọi người bỏ rơi và lên án, điều đó khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba. Nếu Kitô hữu được định nghĩa là người đi theo Chúa Giêsu, thì chắc chắn chúng ta sẽ có lúc nghiệm thấy nỗi khó khăn khi phải đến nơi mà mình không muốn đến. Còn đường bước theo Chúa có lúc vui, lúc buồn. Chúng ta phải có mặt ở trong đám đông hoan hô Chúa khi vào thành đô Giêrusalem và cũng không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.

Trong những ngày thánh này, chúng ta phải tìm thời giờ đọc lại chậm rãi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Hãy để cho tâm tình, lời nói và hành động của Chúa Giêsu thấm nhuần và biến đổi chúng ta. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết… Nhưng trên hết, chúng ta bắt gặp một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn của Đức Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ.

Càng suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

home Mục lục Lưu trữ