Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 105

Tổng truy cập: 1357505

Đấng Bảo Trợ

Cập nhật : 27-05-2011
 

Đấng Bảo Trợ

R. Veritas

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Cuốn phim có tựa đề: “Đời Vẫn Đẹp” do Roberto đạo diễn và thủ diễn. Cuốn phim đã nêu lên câu truyện của người Do Thái cùng với vợ và đứa con trai nhỏ bị Đức Quốc Xã đưa vào trại. Nhờ tài khôi hài, ông đã giữ vững được tinh thần của đứa con khi quân đội đồng minh đến giải thoát.

Cuốn phim hẳn gợi lại kinh nghiệm của bác sĩ Victo Rey, ba năm lưu đày tại Ba-Lan và nhiều trại tập trung khác của Đức Quốc Xã, đã giúp cho vị bác sĩ chuyên gia tâm lý này khám phá được một chân lý quan trọng trong cuộc sống của con người, chân lý đó là, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã đau thương nhất con người vẫn có thể tồn tại nếu họ có niềm tin và tìm được ý nghĩa của cuộc sống.

Bác sĩ Brand đã quan sát những phản ứng khác nhau của các bạn tù của ông, có những người trước khi vào tù thì được mọi người trọng vọng, ngưỡng mộ, thế nhưng bỗng chốc lộ nguyên hình của những kẻ hèn hạ có thể bán đứng anh em vì một chút lợi lộc nhỏ mọn. Một số khác thoạt tiên thể hiện bản lĩnh của những nhà lãnh đạo, thế nhưng liền sau đó thất vọng và ngã gục chỉ trong vài ngày. Trái lại, cũng không thiếu những người rất ít được mọi người chú ý đến, họ đã âm thầm chịu đựng cho đến cùng và được sống còn.

Tìm hiểu sự khác biệt giữa những hạng người trên đây, bác sĩ Brand khám phá ra rằng, chính mục đích và ý nghĩa của cuộc sống là sức mạnh làm cho con người tồn tại trong những điều kiện tột cùng khốn khổ của cuộc sống. Trong kinh nghiệm bản thân, bác sĩ Brand cho biết, chính tình yêu đối với vợ ông đã giúp cho ông tiếp tục tìm thấy ý nghĩa và lẽ sống trong tận đáy của hỏa ngục. Mặc dù không biết vợ mình bị giam giữ ở đâu, còn sống hay đã chết, bác sĩ Brand đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:

Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu, những ý nghĩ và hình ảnh người vợ yêu dấu của tôi, cho dẫu người ta có báo tin rằng vợ tôi đã chết thì tôi sẽ không bao giờ ngưng chiêm ngắm hình ảnh của nàng và thôi không chuyện vãn với nàng nữa. Càng lúc tôi càng cảm nghiệm được hình ảnh của vợ tôi; vợ tôi vẫn luôn ở bên cạnh tôi. Chính tình yêu đối với vợ đã mang lại hy vọng và sức mạnh giúp cho bác sĩ Brand chịu đựng mọi nghịch cảnh và tồn tại cho đến ngày được giải cứu khỏi các trại tập trung. Khám phá được ý nghĩa của cuộc sống, đây hẳn không phải là một điều xa xỉ hay phụ thuộc trong cuộc sống con người, mà là một nhu cầu hiện sinh còn quan trọng hơn cả các ăn thức uống của con người.

Ý nghĩa lẽ sống của người Kitô chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô, đây là điều một lần nữa hôm nay Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta. Kitô giáo chúng ta không phải là một ý thức hệ; cũng không phải là một hệ thống luân lý chỉ gồm những điều luật phải tuân giữ; lại càng không phải là một xã hội theo thể chế chính trị nào đó. Kitô giáo thiết yếu là một con Người, con Người đó hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một, Ngài đã hiện diện trong giáo hội và trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, Ngài là sức sống của mỗi người Kitô chúng ta. Thường thì một vị thánh hiền, một bậc vĩ nhân đi qua trong lịch sử nhân loại và để lại sự nghiệp của mình, nhưng với Chúa Kitô lại khác, Ngài không hiện diện như một xác chết được tẩm liệm, Ngài cũng chẳng hiện diện qua những di tích Ngài để lại, Ngài cũng chẳng để lại sự nghiệp nào, Ngài đã chết và Ngài đã sống lại, chính vì đã sống lại cho nên Ngài vẫn có đó, Ngài hiện diện một cách sống động nơi đây, trong giây phút này đây, đó là niềm tin, là sức sống, là lịch sử của Giáo Hội từ hơn 2,000 năm qua, đó cũng là lẽ sống của không biết bao nhiêu người tín hữu đã đi trước chúng ta, trong Ngài họ đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và để có thể vui sống, nhất là kiên trì cho đến cùng giữa những thử thách và bách hại, tất cả đều sống niềm xác tín của thánh Phaolô như ngài đã viết trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô, phải chăng là gian truân, khắc khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”

Đây là niềm xác tín mà Giáo Hội mời gọi chúng ta hâm nóng lại khi cho chúng ta lắng nghe Tin Mừng hôm nay. Trong bài diễn văn tự thuật với các môn đệ trước khi đi vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, họ được mời gọi để chuẩn bị tinh thần đón nhận cách thế hiện diện mới của Ngài, Ngài nói với các ông: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ đến với các con.” Quả thật, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu, từ những con người quê mùa, dốt nát và nhát đảm, các môn đệ đã được Chúa Thánh Thần biến thành những nhà rao giảng không biết mỏi mệt và nhất là dùng chính cái chết của mình để làm chứng cho sự hiện diện ấy của Chúa Giêsu.

Hơn hai ngàn năm qua, sức sống được Chúa Thánh Thần thông ban cho các môn đệ đã tràn ngập thế giới, đã trở thành lẽ sống của không biết bao nhiêu người. Chính nhờ sức sống ấy mà các tín hữu Kitô tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và sống đúng ơn gọi làm người của mình. Sống công bình, sống bác ái, sống phục vụ, sống quên mình không phải là độc quyền của người Kitô giáo. Tôn giáo nào cũng đề cao những giá trị ấy; giới răn yêu thương cũng không phải là giới răn riêng của các tín hữu Kitô chúng ta. Thế nhưng Chúa Giêsu đã ban bố giới răn ấy như một giới răn mới mẻ và là riêng của Ngài, bởi vì Ngài ban chính sức sống và tình yêu của Ngài cho các tín hữu để họ yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.

Chúa Giêsu chính là tình yêu, Chúa Giêsu chính là sức sống của các tín hữu. Chúng ta họp nhau cử hành thánh lễ của mỗi ngày Chúa Nhật để xin Chúa Kitô bổ sức cho chúng ta, để chúng ta tiếp tục sống, để cho mọi người thấy rằng, Ngài thật sự là Đấng đang hiện diện và tác động trong chúng ta, Ngài chính là lẽ sống mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, Ngài là sức mạnh để chúng ta tiếp tục chiến đấu, Ngài là niềm hy vọng để chúng ta tiếp tục tiến bước. 


Một cuộc đàm thoại liên hệ đến chúng ta

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Bài đọc này được trích từ một đoạn dài Phúc Âm theo thánh Gioan, chương 13 đến 17, được gọi là diễn từ trong bữa Tiệc Ly. Thánh Gioan thuật lại cuộc đàm thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ trong khoảng một vài giờ trước khi chịu nạn. Một không khí thân ái mật thiết ở cường độ phi thường đã khiến đoạn Phúc Âm này thành 1 trong những bài văn tuyệt mỹ. Điều khiến chúng ta lưu ý hơn hết là giá trị, một sứ điệp liên quan đến chúng ta, vì chúng ta quả hiện diện trong tâm tưởng Chúa Giêsu khi Ngài nói chuyện với các môn đồ. Những điều Ngài nói về sự liên kết giữa họ với nhau, về việc gặp gỡ Chúa Cha, về việc Chúa Thánh Thần đến, tất cả trực tiếp liên hệ đến chúng ta và bắt chúng ta tỏ thái độ. Mỗi câu đều đáng dừng lại suy niệm. Hãy để mỗi người tìm ra câu đáp ứng, nguyện vọng và ơn nhận được. Ở đây, người ta ghi nhận các ý sau:

1) Nếu các con yêu mến Ta, các con sẽ giữ các giới răn Ta.

Mạch văn toàn thể Phúc Âm thánh Gioan cho chúng ta biết hai giới răn (mà thực chỉ là một) là kính mến Thiên Chúa như cha và yêu mến mọi người như anh em. Chính cho các môn đệ của tình yêu ấy mà Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha để họ được nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần được gọi là Đấng bầu chữa, vị trạng sư, Đấng trợ lực. Chúa Giêsu đã báo cho các môn đệ hay Ngài sẽ không còn hiện diện với các ông trong hình thể khả giác và vật lý như những ngày chung sống. Nhưng Ngài sẽ không bỏ các ông, Ngài sẽ hiện diện bằng một cách sâu kín hơn trước đặc biệt bằng Thần Khí của Ngài. Thần Khí sẽ bảo vệ, trợ lực, gìn giữ họ. Cả với chúng ta là những khi không được biết Chúa Giêsu trong lịch sử. Hôm nay chúng ta cũng được nghe dạy rằng, Chúa Thánh Thần trợ lực và gìn giữ chúng ta. Chúng ta có nghĩ rằng Lời Chúa phán ở một thời nhất định có giá trị sống động hiện thời đối với chúng ta hay không?

2) Thánh Thần… mà thế gian không thể lãnh nhận.

Chữ “thế gian” ở đây phải hiểu theo nghĩa chung các quyền lực phản nghịch Thiên Chúa và Đấng Kitô của Ngài. Tinh thần thế gian này chính yếu là một tâm trạng bất ổn; một không khí nhiễm độc vì sai lầm và ngu dại vì kiêu ngạo thâm căn và tự mãn ngây ngô, một khuynh hướng tâm lý và tinh thần khép kín con người tại chính mình. Thế gian ấy không tin được cả đến việc có thể có thần tính của Đức Kitô, và do đó có thể có việc Chúa Thánh Thần đến. Đàng khác, Chúa Giêsu Ngài cầu xin Cha Ngài gìn giữ các môn đệ khỏi thế gian, nghĩa là gìn giữ chúng ta hôm nay đây.

3) Ai yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu mến.

Chúng ta gặp lại ở đây một trong những chân lý căn bản thường được diễn tả trong Tân Ước nhất, trình bày một cách dễ lưu ý. Tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu, cấu tạo tương quan của chúng ta với Chúa Cha. Tuân theo các giới răn của Chúa Giêsu, tức là tuân theo Chúa Cha, cầu khấn với Chúa Giêsu là cầu khấn với Chúa Cha; ca tụng tôn vinh Chúa Giêsu, nhìn nhận trong thán phục và vui mừng địa vị của Ngài tức là ca tụng tôn vinh Thiên Chúa; tin tưởng nơi Chúa Giêsu là tin tưởng nơi Chúa Cha. Các con sẽ chịu gian nan, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian (Ga 16,33).


Mến Chúa yêu người

(Trích trong ‘Chia Sẻ Tin Mừng’)

Thánh Phanxicô Átsidi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, người này nói với ngài rằng ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được. Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què ngồi bên lề đường. Ngài dừng lại hỏi người hành khất: “Này anh, nếu tôi chữa cho anh thấy được và đi được thì anh có yêu mến tôi không?”. Người hành khất trả lời: “Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài, mà tôi còn xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài”. Nghe câu trả lời của người hành khất xong, thánh Phanxicô quay sang nói với người bạn: “Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được mà còn hứa với tôi như thế huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh, vậy mà anh lại không yêu mến Chúa sao?”.

Yêu Chúa, đó là bổn phận của mỗi người chúng ta, nhưng như thế nào là yêu Chúa? Bài Tin mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta: “Ai giữ các giới răn của Chúa là yêu mến Chúa”. Như vậy, yêu mến Chúa là giữ các giới răn của Chúa. Giữ ở đây không thể hiểu theo nghĩa thụ động, nghĩa là đem chôn giấu, nhưng phải hiểu theo nghĩa tích cực, nghĩa là có sáng kiến đem các giới răn của Chúa ra thực hành trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.Nhưng đâu là các giới răn của Chúa? Ai mà không biết đạo Chúa có mười giới răn. Nhưng điều đặc biệt là mười giới răn ấy được tóm rất gọn trong một tiếng thôi, đó là tiếng “Yêu”: Yêu Chúa với tình yêu của một người con hiếu thảo, và yêu người với tình yêu như Chúa yêu ta. Ngắn gọn hơn nữa, chính Chúa còn cho chúng ta biết: chỉ cần xét xem chúng ta có yêu người không là đủ, nghĩa là muốn biết chúng ta có yêu Chúa không và yêu Chúa như thế nào, thì chỉ cần xét xem chúng ta có yêu người không và yêu người ra sao.Tình yêu phải được thể hiện bằng việc làm, chứ không căn cứ trên lời nói suông mà thôi. Bởi vì ngôn ngữ của tình yêu là những hành động cụ thể. Ánh mắt trìu mến và âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con có giá trị hơn bất cứ một quyển sách biên khảo nào về tình yêu. Những mồ hôi nước mắt, những hi sinh từng ngày của người cha giúp cho con cái hiểu được thế nào là yêu thương, hơn bất cứ lời dẫn giải nào về tình yêu. Và có lẽ cũng dư thừa để bảo rằng khi hai người yêu nhau, thì sự thinh lặng và cử chỉ âu yếm có sức hùng hồn hơn là những lời nói hoa mỹ nhưng trống rỗng.Thiên Chúa là tình yêu, Ngài tỏ tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người, không chỉ bằng lời nói suông mà bằng cả một lịch sử: Những can thiệp, những thể hiện cụ thể. Một tình yêu không được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân là một tình yêu thiếu sức thuyết phục, nếu không nói là giả hình, giả dối. Đạo Kitô của chúng ta là đạo của tình yêu, không viết lên hai chữ tình yêu bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người Kitô giả hiệu. Một đức tin không việc làm là một đức tin chết, thì một lòng mến không được thể hiện bằng hoa trái của lòng mến là một lòng mến giả tạo.Như mẹ Têrêxa đã nói: Tình yêu thương ấy cần được thể hiện với những người gần gũi với chúng ta hơn, từ những người trong gia đình chúng ta trước hết. Những người chỉ biết mơ mộng thực hiện những việc anh hùng nơi chân trời xa xăm nào đó, trong khi đó lại lãng quên những cơ hội ngay trước mắt, đó hẳn là thứ tình yêu thiếu thực tế biết bao. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa, hãy chiếu giãi tình yêu đó trong gia đình và cho những người chung quanh, hãy dùng tình yêu nồng thắm trong trái tim chúng ta để sưởi ấm cho cha mẹ, anh chị em trong gia đình và những người chung quanh.Trong một xã hội đầy những ích kỷ, hai chữ tình yêu vẫn còn rất mù mờ trong nhiều người. Sứ mệnh của người Kitô chúng ta chính là viết lên một cách rõ ràng hai chữ tình yêu. Chúng ta không chỉ viết lên bằng những lời nói suông mà bằng những cử chỉ cụ thể của lòng bác ái. Những dòng chữ được viết lên bằng mồ hôi nước mắt, bằng quên mình chia sẻ... có giá trị hơn bất cứ một quyển sách nào, cho dù quyển sách đó in bằng bạc bằng vàng. Thiên Chúa thắp lên trong tâm hồn chúng ta tình yêu của Ngài và Ngài mong muốn chúng ta chiếu tỏa tình yêu ấy đến với mọi người, như bài hát chúng ta vẫn hát: “Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa. Thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời. Để con hân hoan đem tin yêu đi về muôn lối, tựa như mưa tuôn mưa hồng ân Chúa trên trần đời”.


Cặp mắt của trái tim

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Thánh Phanxicô Assisi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm ngài gặp một người bạn, người này nói với thánh nhân rằng ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được. Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què. Thánh nhân hỏi người hành khất:

- Nếu tôi chữa cho anh thấy và đi được thì anh có yêu mến tôi không?

Người hành khất trả lời:

- Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài mà tôi xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài.

Nghe câu trả lời của người hành khất xong, thánh nhân quay sang người bạn đang đứng bên ngài nói:

- Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được, thế mà còn hứa với tôi như thế, huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn. Ngài lại còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh. Vậy mà anh lại không yêu mến Chúa sao?

Thưa anh chị em, yêu mến Chúa là bổn phận của mỗi người chúng ta. Nhưng thế nào là yêu mến Chúa? trong Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta câu hỏi này. Trước hết, yêu là thấy. Chúa Giêsu đã nói: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”. Thực thì ngay trong cuộc sống của xã hội con người, chúng ta cũng có thể gặp những trường hợp một người đã ra đi một chuyến đi xa, nhưng những người còn ở lại vẫn cảm thấy người đó như đang hiện diện ở đâu đây, thật gần gũi, nơi từng sự vật, trong từng căn phòng, nơi mỗi lối đi. Chính tình yêu, sự quen thuộc, sự cảm thông đã tạo nên cái điều lạ lùng này. Giữa những người thân yêu, sự vắng mặt không tạo nên sự xa cách: “Xa mặt mà không cách lòng”. Vì vậy, Đức Giêsu đã nói: “Thế gian sẽ không thấy Thầy, còn anh em, anh em sẽ được thấy Thầy”. “Cái thấy” Chúa Giêsu muốn nói ở đây không còn là cái thấy ngang qua cặp mắt của thân xác; cái thấy ấy có những giới hạn nhất định, ở ngoài tầm nhìn thì không thấy được nữa. Còn “cái thấy” ở đây là cái thấy bằng con tim, bằng sự cảm nhận, bằng sự hoà nhập. Tình yêu làm cho người xa cách trở nên gần gũi. Vì yêu mến Thầy, các môn đệ vẫn cảm thấy Thầy hiện diện ở khắp nơi.

Nguyên trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu lặp lại đến năm lần từ “yêu mến”. Yêu mến trở thành mối quan hệ giữa môn đệ và Thầy, giữa môn đệ và Thiên Chúa Cha. Yêu mến đưa đến sự hoà nhập: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” và “Thầy sẽ tỏ mình ra cho anh em thấy Thầy”.

Thì ra, trái tim cũng có “cặp mắt” của nó. Cặp mắt của trái tim thấy được những cái mà cặp mắt thể xác không thể thấy được. Chính cái thấy bằng cặp mắt của trái tim sẽ giúp chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa sự hiện diện của Chúa Giêsu với cuộc đời của một người Kitô hữu và của cộng đoàn. Có yêu mến Chúa, chúng ta mới thấy được sự hiện diện thân thiết của Chúa ở giữa chúng ta.

Yêu còn là tuân giữ: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy. Tình yêu sẽ dẫn tới hành động. Không có hành động, tình yêu chỉ là giả dối. Hành động mới là bằng chứng của tình yêu đích thực. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ các giới răn của Thầy. Ai giữ các giới răn của Thầy mới là người yêu mến Thầy”. Nói rằng: “Tôi yêu mến Chúa” thì ai cũng có thể nói được. Nhưng nếu không tuân giữ các giới răn của Chúa thì những lời nói đó chỉ là những lời nói dối.

Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm rằng: Khi yêu ai, chúng ta cảm thấy được những gì làm vui lòng người chúng ta yêu và không có gì cưỡng bức chúng ta tự nhiên làm tất cả để người yêu được vui, được hạnh phúc. Yêu mến Chúa cũng vậy. Yêu mến Chúa là sống theo ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý muốn của Chúa trên cuộc sống chúng ta và trên cuộc sống của xã hội loài người.

Nhưng các giới răn của Chúa là gì, thưa anh chị em?

Các giới răn của Chúa là chính Chúa Giêsu với các giáo huấn, với những chọn lựa của Ngài. Tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu trở thành mẫu mực cho cuộc sống của người Kitô hữu. Giữ các giới răn ở đây là biến đổi chính con người của mình để có thể trung tín với Chúa trong cuộc sống. Như thế, giữ các giới răn là sống trong tình yêu của Chúa.

Chúa Giêsu đã xác định: “Ai giữ các giới răn của Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Cha và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ đến và ở trong người ấy”. Giữ các giới răn là ta ở với Chúa và Chúa ở với ta, là lưu lại trong tình yêu của Chúa. Kitô giáo là đạo của tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Tình yêu sẽ chắp cho chúng ta đôi cánh để bay lên cao. Vậy mà có nhiều người lại coi Kitô giáo như những giới răn cấm kỵ và trừng phạt, như những gông cùm tròng vào cổ hay những gánh nặng đèn lên vai. Vì vậy cuộc sống đạo của họ trở thành một bài toán khô khan và nghèo nạn, nhiều khi quá máy móc. Họ bóp méo đạo yêu thương thành đạo sợ hãi. Đạo sợ hãi làm người ta mất nhiệt tình và cởi mở, mất nét vui tươi trên khuôn mặt của những người con cái Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, người Kitô hữu đích thực phải sống đạo bằng con tim. Tình yêu làm cho cuộc sống đầy sức sáng tạo và năng động. Chính cuộc sống tích cực và đầy sức sáng tạo này mới thực sự là một bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đã chết nhưng đã sống lại và đang tiếp tục hoạt động nơi những kẻ tin ở Ngài, và là bằng chứng của lòng tin nơi sự hiện diện sống động của Ngài. Chính đời sống yêu thương nhau chân thành, hy sinh phục vụ nhau theo mẫu mực của tình yêu Chúa yêu thương chúng ta sẽ biểu lộ cho mọi người nhận thấy sự hiện diện sống động của Chúa, Ngài đang sống và đang có mặt sống động trên trái đất chúng ta, như Ngài đã nói khi từ biệt các môn đệ: “Thầy không bỏ anh em cô độc. Thầy sẽ đến với anh em. Anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”.

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ