Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 81

Tổng truy cập: 1356907

ĐẤNG BỊ ĐÓNG ĐINH ĐÃ SỐNG LẠI RỒI

ĐẤNG BỊ ĐÓNG ĐINH ĐÃ SỐNG LẠI RỒI (*)- Chú giải của Noel Quession

 

Mỗi năm, chúng ta mừng Lễ Phục Sinh bằng cách lắng nghe sứ điệp của mỗi thánh sử. Năm nay, sau Bài thương khó theo thánh Maccô, chúng ta đọc tiếp trình thuật về biến cố “Phục sinh theo Thánh Maccô” trong Đêm canh thức này, trình thuật của Maccô hết sức ngắn gọn, chỉ gồm có tám câu.

Vừa hết ngày Sabát, bà Maria Mácđala với bà Maria, mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để ướp xác Đức Giêsu.

Chúng ta đã ghi nhận vai trò quan trọng của các “người nữ”. Theo Maccô, chỉ có các bà mới dám đi với Đức Giêsu tiến đến cái chết của Người trên đồi Golgotha… còn tất cả các nam môn đệ đều đã bỏ trốn (Mc 14,50-15,50).

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu trung thành hơn. Xin Chúa đừng để chúng con bỏ rơi những người chúng con yêu thương.

Tôi ngắm nhìn những “phụ nữ tẩm xác”, tay bê nặng những bình dầu thơm, trời còn mờ sáng đang tiến thẳng tới một nghĩa địa. Các bà này chỉ lo lắng một điều: làm sao tẩm dầu thơm cho một xác chết, kết thúc bước đường phiêu lưu của “Đức Giêsu Nagiaret”… thể hiện những bổn phận yêu thương cuối cùng đối với một người thân yêu quá cố, bổ sung cho việc an táng một tử tội khả quan hơn, bởi vì buổi chiều ngày hành quyết người ta không có đủ giờ chôn cất đàng hoàng.

Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.

Đó là một buổi sáng. Một buổi sáng vùng Địa Trung Hải. Trời mát, không khí tươi dịu trên con đường dẫn đến các bà bước tới, lòng đau đớn với biết bao kỷ niệm. Chung quanh các bà, chim chóc đã bắt đầu ca hót. Xuyên qua các cành cây đang trổ những đọt mầm xanh non, mặt trời nhô lên ở chân trời.

Một buổi sáng mới khởi sự Halleluia, Halleluia…

Vâng, bắt đầu một tuần lễ mới, một thế giới mới, một cuộc tạo thành rưới, một kỷ niệm mới.

Các bà vừa đi vừa bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây:” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn qua một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm.

Chi tiết cụ thể này rất quan trọng. Cả bốn thánh sử đều đã ghi nhận. “Tảng đá đã được lăn ra”. Nhưng chỉ mình Maccô ghi nhận thêm, tảng đá đó lớn lắm? Chi tiết lịch sử này có thực, hoàn toàn phù hợp với kiểu cách mộ phần thời bấy giờ. Nhưng đối với Maccô cũng như đối với chúng ta ngày nay, thì đó là chi tiết tượng trưng đầy ý nghĩa: một bức tường thực sự ngăn cách con người với sự Phục sinh… được coi như một sự kiện không thể có được… “Ai có thể cất gỡ được chướng ngại này?”. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể hủy bỏ được sức nặng ghê gớm của cái chết đang đè nặng trên nhân loại.

Vào trong mộ các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng.

Trình thuật của Maccô, có vẻ giản đơn hơn trình thuật của Matthêu, vì không nói đến “thiên thần”, đến “đất rung chuyển” đến tia chớp sáng”… nhưng chỉ đề cập đến một “người thanh niên”. Maccô có ý giữ nét giản dị như thế: ông chỉ mượn một hình ảnh tối thiểu trong ngôn ngữ khải huyền thông dụng, để tránh những kiểu “tả vẽ” về biến cố Phục sinh. Ông cố khẳng định nguyên sự kiện đó. Nhưng ta biết rằng màu “trắng” luôn là dấu chỉ: đó là màu của ánh sáng, nghịch với bóng tối… đó là màu của vinh quang, màu của các vật thể trên trời. Vào ngày Biến Hình, cũng chính Maccô đã nói đến “một thứ trắng tinh không có một thợ nào trần gian giăt trắng được như vậy” (Mc 9,3). Trong sách Khải Huyền của Gioan, màu “trắng” luôn tượng trưng cho thế giới trên trời (Kh 2,17; 4,14-19; Ed 9,2; Đnl 7,9; Is 1,18; Kh 7,14-19,1-14).

Các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ!”.

Tất cả những trình thuật về Truyền tin (loan báo một sứ điệp của Chúa) trong Kinh Thánh đều ghi lại chi tiết này. Những gì thuộc về Thiên Chúa thường gây bối rối cho lý trí của con người và tạo nên một thú vị ngạc nhiên, sợ hãi thiêng thánh. Ở đây Maccô sử dụng một từ quen thuộc với ông (exéthambêthêsan = có nghĩa là các bà bối rối, hồn siêu phách lạc). Cũng như không người “Caphacnaum đã kinh ngạc” trước sự can thiệp đầu tiên của Đức Giêsu (Mc 1,27 xem thêm Mc 10,24-32 và 14,33).

Nhưng nếu sự đột xuất của Đấng hoàn toàn khác lạ thường gây bối rối, thì sự hiện diện của Người lại trấn an và làm ta bình tâm ngay. Thiên Chúa không đích thực là Đấng chỉ nhằm hù dọa chúng ta. Người vẫn thường nói: “Các ngươi đừng sợ”.

Thế nên, ta cần lưu ý, Maccô không thuật lại sự hiện ra đúng nghĩa của Đức Giêsu… Nhưng chỉ ghi một “Lời” mạc khải, qua một thiên sứ, nói lên “đức tin”, một trong những điểm của “kinh Tín Kính” ta vẫn đọc.

Các bà tìm Đức Giêsu Nagiaret, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã sống lại rồi, không còn ở đây nữa.

Người bị đóng đinh vì chúng tôi dưới thời Phongxiô Philatô, Ngày thứ ba, Người đã sống lại”

Đó là lời tuyên xưng Đức tin của các Kitô hữu tiên khởi (Cv 2,23; 3,15; 4,10; 10,39; 13,28-30) Đó cũng là đức tin của chúng ta.

Trình thuật của Maccô nhấn mạnh những khía cạnh cụ thể, như thế muốn nói với chúng ta rằng, đó cũng chính là Đức Giêsu, “người Nagiaret”, kẻ “bị đóng đinh”, Đức Giêsu của lịch sử.

Kẻ bị đóng đinh đã thức dậy.

Kẻ bị đóng đinh đã phục sinh

Người không còn ở đây nữa! Vậy Người ở đâu?

Chỗ đã đặt Người đây này, xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô như thế này: “Người sẽ đến Galilê trước các ông”.

Rõ ràng, Maccô không muốn chúng ta quan tâm đến “ngôi mộ” nữa, Thiên Chúa cũng không muốn con người để ý đến “mồ táng” đó. Cả Đức Giêsu cũng thế, trước khi chết, Người đã nói chính lời đó: “Sau khi sống lại, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em” (Mc 14,28). Chàng “thanh niên mặc áo trắng ngồi bên hữu phải chăng là chính mình Đức Giêsu, một Giêsu mới, Đức Giêsu ngự bên hữu Đức Chúa Cha? Đức Giêsu mà người ta mới tiếp xúc đầu tiên, với con mắt trần gian, không còn nhận ra nữa; ta hãy nhớ lại trường hợp của Mácđala, tại khu vườn; bà cứ tưởng Người là người làm vườn” cũng như hai môn đệ làng Emmau, ‘con mắt họ đã bị đóng lại’

Hãy đi! Hãy ra đi! Đừng dừng lại tại ngôi mộ đó. Đừng ở lại Giêrusalem.

Hãy đi về phía trước, nói Đức Giêsu đang sống động nơi Người đã đến trước anh em, nơi Người đã hẹn gặp anh em tại Galilê! Trên miền đất của anh em, những người xứ Galilê, trong đời sống hiện thực thường ngày. Đối với Maccô, Galilê là tên của vùng đất đó, có một ý nghĩa tượng trưng rất lớn. Ong đã nhắc đến tên đó 12 lần trong Tin Mừng của ông. Chính tại đó mà cuộc đời Đức Giêsu đã đạt tới đỉnh cao. Cũng tại đó lần đầu tiên Tin Mừng của Thiên Chúa đã vang lên. Chính Đức Giêsu đã biểu lộ những dấu lạ đầu tiên quyền năng của Người tại đó. Và cũng là nơi qui tụ nhiều đám đông.

Giờ đây, thời của Galilê lại bắt đầu, thời quy tụ một dân tộc mới chung quanh Phêrô, thời của những “dấu chỉ” mới, thời của Tin Mừng: Giáo Hội khởi sự… và giáo hội chính là nơi hiện diện của Đấng “không còn ở đây nữa, nghĩa là không còn ở trong mồ mà người ta đã chôn táng Người”. Đó là một lệnh lên đường.

Nào, hãy lên đường. Đừng ở lại đây làm gì! Hãy đi nói với Phêrô. Hãy trở lại Galilê.

Ở đó các ông sẽ được thấy Người, như Người đã nói với các ông.

Ở đây không giải thích theo phạm vi triết học và lý luận. Các tông đồ cũng như chúng ta, được mời gọi tin theo một lời nói, và dấn thân trong một hành động hiện thực: Góp phần cho việc tập hợp những người tin Đức Giêsu chung quanh Phêrô, và thi hành những gì Đức Giêsu đã báo trước khi Người còn sống.

Đối với Maccô, tin vào việc sống lại, trước hết không phải là vấn đề gây nhức óc cho trí hiểu, nhưng là thái độ cùng với anh em mình dấn thân vào một cuộc sống mới, theo một Lời báo trước!

Vừa ra khỏi mộ, các bà liền cắm đầu chạy.

Các bà đã đến mộ cốt là làm được một việc, thế nhưng các bà lại phải đi mà không thể thi hành được điều đó. Các bà mang dầu thơm về. Các bà vội rời gót khỏi nơi đó.

Các bà run lẩy bẩy, hết hồn vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ quá.

Đây là những lời cuối cùng của đoạn Tin Mừng Lễ Phục Sinh.

“Run lẩy bẩy” (tromos) và “ngây ngất xuất thần” (extasis). Làm sao có thể diễn tả hay hơn sự đột nhập bất ngờ và gây đảo lộn của Nước Thiên Chúa trong lịch sử con người? Xuyên suốt Tin Mừng của mình, Maccô đã nhấn mạnh đến “bí mật” che giấu căn tính đích thực của Đức Giêsu Nagiaret: mỗi lần có kẻ nào nói quá sớm Người là “Con Thiên Chúa”, Đức Giêsu đều buộc họ phải im lặng. Câu kết này của Maccô giữ trọn ý nghĩa. Chúng ta hãy trân trọng nó? Các người nữ “im lặng” và “chẳng nói gì với ai”: Nói thế nào được khi con người Đức Giêsu đã vượt thoát khỏi mọi nắm giữ và trở nên một mầu nhiệm không còn thuộc phạm vi nhân loại, luôn gây bối rối.

Tất cả những ai muốn kiếm tìm trong những trình thuật trên, một sự “hiển nhiên tuyệt đối” một sự “ổn định hoàn toàn”, thì sẽ gặp thất vọng. Chính Maccô muốn dẫn chúng ta vào sự im lặng của Đức tin và thái độ tôn thờ. Lạy Chúa Giêsu, Chúa cao cả hơn mọi tưởng tượng của chúng con.

 (*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

 CHÚA NHẬT PHỤC SINH- B

GẶP NGƯỜI SỐNG NƠI MỘ ĐỨC GIÊSU- Chú giải của Fiches Dominicales

*1) Từ ngôi mộ “trống”

Sau ngày Sabát, đó là “ngày thứ nhất trong tuần”, kiểu nói đó gợi ý rằng thế giới đã khởi sự bước vào một thời điểm mới. Maria Mácđala, người phụ nữ đã đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu, “đi đến mộ từ sáng sớm”. Chỉ có một mình bà đi tới mộ chứ không phải là ba bà như được kể lại trong Tin Mừng Maccô (Tin Mừng lễ Vọng Phục Sinh). Bà tới đó không phải vì ý muốn xức dầu thi hài, bởi lẽ việc chôn cất “theo tục lệ của người Do Thái (19,40), đã hoàn tất, nhưng theo X. Léon-Dufour, có lẽ “chỉ vì con tim thúc đẩy thôi” (“Đọc Tin Mừng Gioan”, quyển IV, Seuil, trang 203).

Vừa nhận thấy “tảng đá đã lăn khỏi mộ”, bà vội chạy về báo tin cho các môn đệ: từ ngôi mộ mở toang, bà kết luận là thi hài Chúa đã được đưa đi; từ “tảng đá đã lăn khỏi mộ”, bà kết luận là “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ”? Bóng tối bao trùm bà Mácđala đã được gợi ý ngay từ đầu trình thuật: “Lúc trời còn tối”.

*2) Đến dấu chỉ của ngôi mộ trống.

Phêrô là người được thánh sử nêu tên trước, nên dù chạy chậm hơn môn đệ kia, ông vẫn là người thứ nhất bước vào trong mộ và “nhìn thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại, xếp riêng ra một nơi. Như vậy là giả thuyết Maria Mácđala đưa ra không vững nữa, vì “kẻ trộm sẽ chẳng lợi gì mà lấy băng vải, cuộn lại rồi đặt riêng ra một nơi” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Nhưng ngoài nhận xét trên đây, người ta không thấy tác giả Gioan nói gì về phản ứng của Phêrô. Còn Luca thì viết: “Ông rất đỗi ngạc nhiên” (24,12). Trái lại, “Người môn đệ kia, người được Đức Giêsu thương mến”, tuy chạy tới mộ trước Phêrô, và vội cúi xuống để nhìn vào trong, nhưng lại nhường cho Phêrô tiến vào trước, chính người môn đệ ấy bằng trực giác của tình yêu, lại đang nhìn thấy trong cảnh mồ trống và cảnh các khăn vải sắp xếp ngăn nắp kia dấu chỉ của một Thực Tại Khác mà chỉ lòng tin mới cảm nhận được: “Ông đã thấy và ông đã tin”. Theo ông, không phải người ta đã lấy trộm xác Đức Giêsu; mà chính là quyền lực của sự sống dứt khoát tước hết quyền của sự chết.

Léon tự hỏi: “người môn đệ kia đã thấy gì? Hẳn không phải là ông đã nhìn thấy Đấng phục sinh. Về phương diện này, ông cũng giống như người có lòng lin được cho là có phúc vì đã không thấy mà tin (20,29). Người có lòng tin thì chỉ dựa vào chứng từ của các môn đệ đầu tiên, còn Người-môn-đệ ấy thì tin khi nhìn thấy những dấu vết để lại trong mồ. Dù rằng chưa gặp gỡ tiếp xúc với Đấng-Phục-sinh, ông đã có khả năng vượt qua vực thẳm ngăn cách: tuy không thấy xác ở đó, nhưng vải liệm đã là dấu chỉ giá trị đối với ông. Trước hết, việc các khăn vải được xếp đã ngăn nắp đã loại bỏ giả thuyết cho rằng người ta đã lấy cắp thi hài, điều mà có lẽ Phêrô đã kết luận. Sau nữa, tình yêu vốn đầy ắp con tim đã giúp cho người môn đệ ấy có được ánh sáng. Đối với ông, theo J.P. Duplantier nhận định, ngôi mộ không trống cũng chẳng đầy, nhưng nó đã trở thánh một ngôn ngữ? Nhớ chú tâm lắng nghe ngôn ngữ ấy người môn đệ kia hiểu rằng Đức Kitô đã chiến thắng điều mà không ai tránh khỏi, nói cách khác, Đức Giêsu đã toàn thắng sự chết (Sđd, trang 212).

Phần Giáo Hội sơ khai, sau khi đã có kinh nghiệm về Đấng Phục Sinh, sẽ còn phải đọc lại Thánh Kinh để soi sáng và nung đúc lòng tin cho mình. Vì “quả thực, cho tới lúc ấy – bản trình thuật kết luận – các môn đệ vẫn chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, thì Đức Kitô phải sống lại từ cõi chết”.

home Mục lục Lưu trữ