Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 64
Tổng truy cập: 1363478
ĐẤNG MESIA, CON VUA ĐA VÍT
ĐẤNG MESIA, CON VUA ĐA VÍT(*)- Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng xoay quanh cùng một đề tài: Đấng Mê-si-a, “con vua Đa-vít”.
Is 7: 10-16
Bài Đọc I trích dẫn là lời hứa long trọng mà ngôn sứ I-sai-a gửi đến cho vua A-khát, vua vương quốc Giu-đa, trong bối cảnh bi thảm: đất nước bị phân đôi và chịu áp lực tứ phía, vua không có con nối dòng. Thiên Chúa hứa ban cho nhà Đa-vít một dấu lạ: một Trinh Nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên cho con trẻ là “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Rm 1: 1-7
Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc nhớ rằng xét như một phàm nhân, Đức Giê-su xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít; nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.
Mt 1: 18-24
Tin Mừng tường thuật “Biến Cố Truyền Tin” cho thánh Giu-se. Sứ thần mặc khải cho thánh nhân nguồn gốc thần linh của người con mà Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cưu mang, và xin thánh nhân nhận đứa con này làm nghĩa tử để tháp nhập con trẻ vào dòng dõi vua Đa-vít.
BÀI ĐỌC I (Is 7: 10-16)
Sấm ngôn I-sai-a này là một trong những sấm ngôn vĩ đại về Đấng Mê-si-a: nó vang lên cách long trọng: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!”. Vị ngôn sứ ngỏ lời với vua A-khát, vua vương quốc Giu-đa, vào năm 734 trước Công Nguyên, tại Giê-ru-sa-lem trong hoàn cảnh ngặt nghèo cùng cực.
1-. Bối cảnh
Vào lúc đó, đế quốc Át-sua (thủ đô là Ni-ni-vê) đang bành trướng thế lực: đế quốc này gây sức ép trên cả vương quốc phương Bắc (vương quốc Ít-ra-en, kinh đô là Sa-ma-ri) lẫn vương quốc phương Nam (vương quốc Giu-đa, kinh đô là Giê-ru-sa-lem). Trong vòng ba mươi lăm năm, các đạo quân Át-sua xâm chiếm miền Pa-lét-tin đến sáu lần, tàn phá xứ sở và buộc triều cống nặng nề.
Vua A-khát cai trị vương quốc Giu-đa. Vì sợ hãi, vua tìm cách hòa hoãn với vua Át-sua là Tích-lát Pi-le-xe. Trái lại, vua Xy-ri và vua Ít-ra-en liên minh với nhau để chống lại đế quốc Át-sua và muốn vua A-khát gia nhập liên minh vơi họ. Vua A-khát từ chối. Lúc đó, các lực lượng liên minh này mở chiến dịch gây sức ép với vua A-khát và đã tiến quân gần đến Giê-ru-sa-lem. Vua A-khát, bất trung với Thiên Chúa, đã tế lễ và đốt hương trên các nơi cao, trên các ngọn đồi và dưới mọi cây xanh (2V 16: 3-4).
Những lần can thiệp của ngôn sứ I-sai-a có thể đặt vào trong hoàn cảnh bi đát này. Vị ngôn sư chỉ đưa ra một huấn lệnh duy nhất: “Hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào chỉ một mình Đức Chúa”.
Bản văn chúng ta đọc mô tả lần can thiệp lần thứ hai của ngôn sứ I-sai-a bên cạnh vua A-khát. Trong lần can thiệp lần thứ nhất, ngôn sứ I-sai-a cố gắng thức tỉnh đức tin đang chao đảo của vua. Chắc chắn vô ích; vị ngôn sứ thử thuyết phục vua cách khác.
2-. Xin một dấu lạ
Ngôn sứ I-sai-a nói với vua: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu lạ dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh”, nghĩa là một động đất, sao băng hay sấm chớp…
Vua A-khát trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa”. Nhà vua tìm cớ thoái thác bằng cách viện dẫn Kinh Thánh: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 6: 16). Lúc đó, ngôn sứ I-sai-a cất cao giọng: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!”. Và có lẽ trước toàn thể triều thần, vị ngôn sứ long trọng loan báo rằng thậm chí như vậy, Thiên Chúa vẫn cứ ban một dấu lạ và qua dấu lạ này Ngài sẽ cho biết rằng, bất chấp những tội bất trung của vua, Ngài sẽ không bỏ rơi dân Ngài khi ban cho vua một dấu chỉ: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en”.
Tên con trẻ này là “Em-ma-nu-en”, có nghĩa: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, chắc chắn xuất xứ từ phụng vụ. Chúng ta gặp thấy tên này như một điệp khúc trong Tv 46. Tên này đối lập với thái độ cứng tin và ngần ngại của vua A-khát. Ngoài ra, nó cô đọng điều cốt yếu của những lời Thiên Chúa hứa trong Giao Ước.
3-. Tính thời sự của sấm ngôn
Sấm ngôn theo bản văn Hy-bá loan báo một thiếu nữ hay một người vợ trẻ chưa sinh con, tức là một trong các người vợ trẻ của vua sẽ sinh hạ một con trai cho vua. Sấm ngôn sẽ sớm được ứng nghiệm. Đối diện với hoàn cảnh bi thảm của Giê-ru-sa-lem, trước những đe dọa đè nặng trên vương quyền nhà Đa-vít: một mặt, thế lực liên minh muốn lật đổ vua; mặt khác, vua không có con thừa tự, vị ngôn sứ long trọng trấn an khi đảm bảo rằng Thiên Chúa vẫn phù trợ. Việc dòng dõi nhà Đa-vít vẫn không bị tuyệt tự là dấu chỉ cho thấy Đức Chúa vẫn bảo vệ che chở. Xem ra dấu lạ được loan báo ở đây là việc sinh hạ con của vua A-khát, tức vua Khít-ki-gia tương lai. Trên dòng dõi nhà Đa-vít, những niềm hy vọng về Đấng Mê-si-a được kết tinh.
“Con trẻ sẽ ăn sữa chua và mật ong”: Diễn ngữ “Sữa chua và mật ong” gợi nhớ những ngôn từ diễn tả những ân ban của Đất Hứa: “Xứ sở chảy sữa và mật ong”. Tuy nhiên, theo văn mạch trực tiếp, quang cảnh về xứ sở màu mỡ này nhuốm màu sắc bi quan. Phần tiếp theo của sấm ngôn I-sai-a loan báo lãnh thổ bị quân Át-sua xâm chiếm và trở thành hoang phế: nghề canh tác sẽ bị tàn phá; không còn dầu, rượu lẫn bánh, “toàn xứ sẽ chỉ có gai góc và bụi rậm”. Những ai vẫn còn ở lại trong xứ sẽ chỉ ăn “sữa chua và mật ong” (Is 7: 21-23). Sự thánh thiện của con trẻ sắp chào đời được miêu tả cách thanh đạm: “biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt”.
Cuối cùng, sứ điệp tối hậu của vị ngôn sứ đem lại niềm hy vọng cho triều thần và đặc biệt cho vua A-khát, đó là hai vị vua liên minh chống vương quốc Giu-đa rốt cuộc sẽ thất bại và bị quân Át-sua tiêu diệt trong tương lai không xa. Quả thật, vào năm 732, hai mươi năm sau sấm ngôn này, vương quốc Xy-ri và vương quốc Ít-ra-en bị triệt hạ hoàn toàn: những của cải của họ bị chuyển đến kinh đô Ni-ni-vê, và dân chúng của họ bị dẫn đi lưu đày. Và sau đó không bao lâu, vào năm 721, vương quốc Ít-ra-en bị họa diệt vong.
4-. Chiều kích Mê-si-a của sấm ngôn
Chiều kích Mê-si-a của sấm ngôn này được mặc khải thành hai thời kỳ. Vào thời kỳ thứ nhất, chính ngôn sứ I-sai-a sẽ triển khai sấm ngôn này. Ở chương 9, vị ngôn sứ công bố: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta”. Nhờ sự xuất hiện của con trẻ thuộc dòng dõi Đa-vít này, ánh sáng huy hoàng sẽ bừng lên chiếu rọi khắp miền Ga-li-lê. Ở chương 11, vị ngôn sứ hết lời ca ngợi những đức tính của con trẻ này, Đấng Mê-si-a vương đế sẽ mang đến cho thế giới sự công minh chính trực và nền hòa bình viên mãn.
Vào thời kỳ thứ hai, “dấu lạ” mà vị ngôn sứ được ơn linh hứng xác định rõ hơn. Vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, bảy mươi nhà thông thái thành A-lê-xan-ri-a họp nhau và dịch bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hy-bá sang Hy-ngữ, vì thế được gọi bản Bảy Mươi. Họ dịch “một thiếu nữ” của bản văn Hy-bá sang “một trinh nữ” của bản văn Hy-ngữ: “Một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai”. Theo họ, ngôn sứ I-sai-a đã ban một dấu lạ, ấy vậy nếu một thiếu nữ sinh hạ một con trai thì chẳng có gì là lạ lùng cả, vì thế phải là một trinh nữ thụ thai và sinh hạ một con trai, thì đó mới thật sự là dấu lạ cho thấy Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của dân tộc mình và của nhân loại.
5-. Dấu lạ
Thiên Chúa thực hiện dấu lạ khi mà những luật tự nhiên không đáp ứng hay không còn đáp ứng nữa, như khi Thiên Chúa cho bà Xa-ra, dù son sẻ và tuổi đã cao, sinh hạ I-xa-ác, hay cho bà Ê-li-sa-bét, chị họ của Đức Ma-ri-a, sinh hạ Gioan Tẩy Giả trong hoàn cảnh như bà Xa-ra. Thiên Chúa sẽ thực hiện dấu lạ còn lạ lùng hơn thế nữa khi cho Đức Ma-ri-a, một trinh nữ thụ thai và sinh hạ một con trai mà không cần đến sự kết hợp phái tính.
Nhưng việc sinh hạ Đấng Em-ma-nu-en có một tầm quan trọng khác nữa. Trong hoàn cảnh sấm ngôn được công bố, sứ điệp được gửi đến cho dân Ít-ra-en thật rõ ràng: bất chấp những bất tín của dân Ngài, Thiên Chúa vẫn ở với họ. Bất chấp tội lỗi của con người, bất chấp tội lỗi của chúng ta, “Thiên Chúa vẫn ở với chúng ta”.
BÀI ĐỌC II (Rm 1: 1-7)
Bài Đọc II trích dẫn phần mở đầu Thư gửi tín hữu Rô-ma. Phần mở đầu này tương ứng với với thể thức thư tính rất quen thuộc vào thời đại này: trước hết tên và thân thế của người gửi, tiếp đó tên và thân thế của người nhận, và cuối cùng lời chào và lời cầu chúc. Tuy nhiên, thánh Phao-lô mở rộng những dữ kiện và Ki-tô hóa chúng.
1-. Tên và thân thế của người gửi
Chúng ta lưu ý đến cách thức thánh Phao-lô tự giới thiệu thân thế của mình: trước hết, thánh nhân tự nhận mình chỉ là “tôi tớ của Đức Giê-su Ki-tô”; thứ nữa, thánh nhân nêu lên đặc tính ơn gọi Tông Đồ của mình: thánh nhân được Thiên Chúa gọi làm Tông Đồ và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, xa hơn một chút, thánh nhân còn nhấn mạnh: “Nhờ Người (Đức Giê-su Ki-tô) chúng tôi nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ”. Qua cách thức giới thiệu này, thánh nhân nhất quyết xem mình ngang hàng với nhóm Mười Hai. Như họ, thánh nhân đã được Đức Giê-su chọn; như họ, thánh nhân đã được gặp gỡ Đức Ki-tô Phục Sinh và Ngài đã được trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho lương dân. Đây là lý do duy nhất mà thánh nhân có thể viện dẫn để đến Rô-ma, viếng thăm một Giáo Đoàn mà thánh nhân đã không sáng lập.
2-. Tóm tắt đạo lý
Trong lời mở đầu giới thiệu và chào hỏi này, thánh Phao-lô điểm qua những khái niệm Ki-tô giáo và thậm chí rút gọn đạo lý về thân thế của Đức Giê-su. Xét như một phàm nhân, Đức Giê-su xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít; xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Đức Giê-su đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng. Chúng ta lưu ý cách diễn đạt rất tinh tế của thánh Phao-lô ở đây. Thánh nhân không nói: “Con Thiên Chúa được sống lại từ cõi chết”, nhưng với tư cách là Con Thiên Chúa, Ngài đã từ cõi chết sống lại và lấy lại quyền năng ẩn dấu của Ngài ở nơi nhân tính.
3-. Con vua Đa-vít
Vài người hiểu kiểu nói của thánh Phao-lô: “Theo xác thịt, Ngài xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít” theo sát từ rằng Đức Ma-ri-a cũng thuộc dòng dõi vua Đa-vít như thánh Giu-se. Cách hiểu này quá thu hẹp ý nghĩa thông thường của từ “xác thịt” theo Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, từ xác thịt thường nhất chỉ toàn thể con người, tức là một phàm nhân đối lập với thần linh. Bất chấp vài điểm tương đồng, quan niệm Do thái về sự duy nhất của con người khác với quan niệm nhị nguyên của dân Hy-lạp theo đó có một sự đối lập giữa thân xác hư nát và linh hồn bất tử. Thuyết nhị nguyên này thật ra xa lạ với tư tưởng Do thái.
Vì thế, phải hiểu câu nói này rằng về phương diện phàm nhân, Đức Giê-su thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Đây là chủ đề ngự trị cả ba bài đọc Chúa Nhật IV Mùa Vọng này. Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi vua Đa-vít được các ngôn sứ loan báo biết bao lần, chính xác là Đức Giê-su, ở nơi Ngài mọi lời hứa đều được thành tựu.
4-. Con Thiên Chúa
Thánh Phao-lô không bao giờ sử dụng kiểu nói “được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần” để chỉ tước vị Con Thiên Chúa của Đức Ki-tô như các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Quả thật, thánh Phao-lô không bao giờ ám chỉ đến cuộc thụ thai đồng trinh của Đức Giê-su, cũng như không bao giờ nói về Đức Trinh Nữ, ngoại trừ một lần mà không nêu tên: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4: 4).
Sự thinh lặng này có thể có lý do. Vào thời kỳ thánh Phao-lô viết Thư này, Đức Ma-ri-a có thể vẫn còn sống, vì thế, để bày tỏ lòng tôn kính Mẹ của Chúa Giê-su, thánh nhân kín đáo không nói về Đức Ma-ri-a. Nhất là, thần học của thánh Phao-lô xoay chung quanh trục biến cố Phục Sinh (và nhất thiết là Thập Giá) chứ không là biến cố Nhập Thể. Chính biến cố Phục Sinh của Đức Ki-tô đã thiết lập một cuộc sáng tạo mới, một con người mới, một thời kỳ mới. Chính trong ánh sáng của viễn cảnh này mà lời công bố này mặc lấy tầm mức quan trọng của chúng: “Nhưng xét như Đấng từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng”.
5-. Lời cầu chúc
Sau cùng, thánh Phao-lô chào hỏi những người nhận thư. Thánh nhân ngỏ lời với hai nhóm người hình thành nên cộng đồng Ki-tô hữu Rô-ma: trước tiên, những người Ki-tô hữu gốc lương dân, nghĩa là “những người được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô”; tiếp đó, những người Ki-tô hữu gốc Do thái, nghĩa là “những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh”. Và thánh Phao-lô hiệp nhất hai nhóm làm một trong lời cầu chúc sau cùng: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an”. “Ân sủng” là lời chào của người Ki-tô hữu gốc lương dân, còn “bình an” là lời chào của người Ki-tô hữu gốc Do thái.
TIN MỪNG (Mt 1: 18-24)
Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta chuyện tích Truyền Tin cho thánh Giu-se về cuộc thụ thai của Đức Giê-su bởi người mẹ đồng trinh là Đức Ma-ri-a. Trong Cựu Ước, văn thể truyền tin tự nó nói lên rằng việc con trẻ được sinh ra không do ý muốn thường tình của cha mẹ, nhưng do sự can thiệp của Thiên Chúa, như chuyện tích truyền tin cho tổ phụ Áp-ra-ham về cuộc sinh hạ I-xa-ác (St 18: 1-15), và cho cha mẹ của ông Sam-son về cuộc sinh hạ ông, một anh hùng của dân tộc (Tl 13: 1-7).
Quả vậy, ngay từ đầu chuyện tích Truyền Tin này, thánh ký ghi nhận cuộc thụ thai lạ lùng của Đức Giê-su: “Bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Chuyện tích xoay quanh nhân vật chính: phản ứng của thánh Giu-se trước việc thụ thai của Đức Ma-ri-a mà tác nhân không phải là thánh nhân. Câu chuyện này thường nêu lên hai vấn đề: trước hết, Đức Công Chính của thánh Giu-se; thứ đến, Đức Đồng Trinh của Đức Ma-ri-a.
1-. Đức Công Chính của thánh Giu-se
Về Đức Công Chính của thánh Giu-se, cách giải thích truyền thống nhấn mạnh rằng thánh Giu-se không hề hay biết câu chuyện Truyền Tin cho Đức Ma-ri-a. Vì thế, thánh nhân nghi ngờ đức hạnh vị hôn thê của mình, nhưng vì lòng nhân hậu, thánh nhân không muốn tố giác bà cách công khai, nên định tâm lìa bỏ bà một cách kín đáo. Lối giải thích này bật sáng đức hạnh không chỉ của thánh Giu-se, nhưng còn của Đức Ma-ri-a nữa. Sự im lặng của Đức Ma-ri-a thật đáng thán phục. Đối mặt với một mầu nhiệm không thể nào giải thích theo phương diện con người, Đức Ma-ri-a hoàn toàn tín thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu việc thụ thai mà vẫn còn đồng trinh là công việc của Thiên Chúa, thì chắc chắn Thiên Chúa có cách để giải quyết vấn đề. Chắc chắn Thiên Chúa đặt để hai vị thánh này vào một sự thử thách nghiêm trọng. Từ đó rút ra một bài học linh đạo tuyệt vời: chúng ta đừng ngạc nhiên nếu phải chịu trăm chiều thử thách trong cuộc đời. Noi gương thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a, chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào Chúa và triệt để trung thành với kế hoạch yêu thương của Người.
Tuy nhiên, cách giải thích truyền thống này gặp phải một vấn nạn nan giải: Đức Công Chính theo Lề Luật đòi buộc thánh Giu-se phải tố cáo vị hôn thê của mình, vì thế thánh Giê-rô-ni-mô đã nhận xét chí lý rằng: “Thánh Giu-se ém nhẹm trọng tội của vợ mình mà cho là công chính ư?”. Vì thế, theo cách giải thích hiện đại, làm thế nào Đức Ma-ri-a có thể giữ kín cho riêng mình mà không cho thánh Giu-se biết, người mà Mẹ tin tưởng gửi gắm cuộc đời cho thánh nhân như một người chồng? Vì thế, thánh Giu-se không một chút nghi ngờ về đức hạnh người bạn đời của mình. Điều làm cho thánh nhân trăn trở chính là trong hoàn cảnh này, phải biết xử sự như thế nào cho phải lẽ. Một đàng, trên bình diện công bình pháp lý, với tư cách là người chồng hợp pháp của Đức Ma-ri-a, thánh nhân có quyền nhận Đức Ma-ri-a là vợ của mình và đứa con mà nàng cưu mang là con của mình. Nhưng mặt khác, trên bình diện công bình tôn giáo, thánh nhân bị đòi buộc phải kính trọng công việc của Thiên Chúa ở nơi Đức Ma-ri-a mà cho đến lúc này thánh nhân không được Thiên Chúa mời gọi dự phần vào.
Lúc đó, thánh nhân quyết định âm thầm rút lui, nhường bước trước kế hoạch của Thiên Chúa, chấp nhận dâng hiến điều đắt giá nhất của cuộc đời mình: tình yêu đối với Đức Ma-ri-a. Chính trong tâm trạng tiến thối lưỡng nan này mà thánh nhân giữ kín ý định cho riêng mình vì không thể nào thổ lộ hay giải bày với người bạn đời của mình. Vì thế, động từ Hy ngữ được dùng trong bản văn này không có ngữ nghĩa tiêu cục “tố cáo” hay “tố giác” như cách giải thích truyền thống đã hiểu, nhưng mang ý nghĩa tích cực: “thổ lộ” hay “giãi bày”: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính, vì thế không muốn ‘thổ lộ’ (giải bày) ý định của mình cho Đức Ma-ri-a”.
Quả thật, để xua tan những nghi ngại của thánh nhân, sứ thần tái khẳng định những gì mà thánh nhân đã biết, đó là thai nhi mà Đức Ma-ri-a cưu mang là công việc của Chúa Thánh Thần, đồng thời mời gọi thánh nhân tham dự vào công việc này trong vai trò là người chồng của Đức Ma-ri-a và là người cha hợp pháp của thai nhi qua việc thánh nhân đặt tên cho con trẻ, nhờ đó con trẻ được sáp nhập hợp pháp vào hoàng tộc Đa-vít, có như thế, sấm ngôn của ngôn sứ Na-than về Đấng Mê-si-a (2Sm 7: 12) được ứng nghiệm. Vì thế, bản văn đòi buộc phải đọc là “Này ông Giu-se, hậu duệ Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì quả thật (“gar”) thai nhi mà bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh thần. Vì thế bà sẽ sinh con trai, còn ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì quả thật (“gar”) chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” .
Như vậy, Đức Công Chính của thánh Giu-se không dính dáng gì đến việc tuân giữ Lề Luật, (phải nói là việc tuân giữ Lề Luật quá nghiêm nhặt sẽ dẫn đến việc giết chết Đức Ma-ri-a và thai nhi Giê-su), nhưng thành tâm thiện chí lắng nghe để khám phá ý muốn của Thiên Chúa trong mọi biến cố đời thường của mình và mau mắn tìm cách đáp trả một cách tích cực: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà mình”. J. Escriva ca ngợi Đức Công Chính của thánh Giu-se như sau: “Thánh Giu-se là một thường nhân mà Thiên Chúa tin tưởng để thực hiện những điều vĩ đại. Thánh nhân đã làm đúng như Đức Chúa muốn thánh nhân làm, trong từng mỗi một biến cố hình thành nên cuộc đời của thánh nhân. Đó là tại sao Kinh Thánh ca ngợi thánh Giu-se là ‘người công chính’” (Bl. J. Escriva, Christ is passing by, 40).
2-. Đức Đồng Trinh của Đức Ma-ri-a
Cả hai cách giải thích, truyền thống hay hiện đại, đều nêu bật chủ đích của thánh Mát-thêu: nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su trong việc thụ thai đồng trinh. Điều này được khẳng định qua việc trích dẫn sấm ngôn I-sai-a: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Nhưng Đức Đồng Trinh của Đức Ma-ri-a được đặt thành vấn đề ở câu cuối cùng: “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai”. Anh em Tin Lành thường hiểu liên từ Hy-lạp “cho đến khi” theo nghĩa liên từ tiếng Anh: “until” hay tiếng Pháp “jusqu’a ce que”, theo cách hiểu này Đức Đồng Trinh của Đức Ma-ri-a chỉ giới hạn trước và trong khi sinh con. Tuy nhiên, liên từ Hy-lạp này không khẳng định cũng không bác bỏ việc đồng trinh vẫn tiếp tục sau khi sinh con.
Phải nói rằng qua việc sử dụng liên từ Hy-lạp này, thánh ký không quan tâm đến điều gì đã xảy ra sau đó, nhưng chỉ đơn giản lưu ý điều gì xảy ra cho đến lúc đó, tức là, việc Đức Ma-ri-a thụ thai Đức Giê-su không do bởi tác nhân nam giới, nhưng hoàn toàn do bởi sự can thiệp duy nhất của Thiên Chúa. Chúng ta gặp thấy cũng liên từ này ở Ga 9: 18, ở đó những người Pha-ri-sêu được nói cho biết họ đã không tin vào việc anh mù từ lúc mới sinh được chữa lành một cách diệu kỳ cho đến khi họ gọi cha mẹ của anh. Tuy nhiên, sau đó, họ cũng không tin. Sự bỏ ngỏ này được lấp đầy bởi truyền thống Giáo Phụ và Huấn Quyền như lời dạy của Công Đồng La-tê-ra-nô: “Nếu bất cứ ai không tuyên xưng theo các thánh Giáo Phụ rằng theo ý nghĩa đích thật Đức Thánh Nữ Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội và trọn đời đồng trinh là Mẹ Thiên Chúa, bởi vì vào thời sau cùng, không với yếu tố nam nhân nhưng bởi Chúa Thánh Thần, Mẹ đích thật cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã sinh ra bởi Chúa Cha từ muôn thuở, và Mẹ sinh hạ Ngài mà không có bất kỳ tổn hại nào đối với Đức Đồng Trinh của Mẹ, vẫn không bị xâm phạm ngay cả sau khi sinh hạ Ngài; thì kẻ ấy sẽ bị vạ tuyệt thông” (can. 3).
3-. Trọng tâm của câu chuyện Tin Mừng
Trọng tâm của câu chuyện Tin Mừng này là nhằm mạc khải nguồn gốc đích thật của Đức Giê-su được gói trọn ở nơi danh xưng “Em-ma-nu-en”, Đức Giê-su không đơn giản là một con người được tuyển chọn, nhưng là Thiên Chúa làm người để ở cùng chúng ta và cứu độ chúng ta.
Hằng năm, theo tiến trình Phụng Vụ, trước ngày đại lễ Giáng Sinh, Giáo Hội cử hành một tuần lễ thường được gọi “Bát Nhật Giáng Sinh” kể từ ngày 17 đến ngày 24 để mời gọi các tín hữu suy gẫm các biến cố và các nhân vật có liên quan trực tiếp đến Mầu Nhiệm Giáng Sinh. Như mọi năm, vào ngày 17 và ngày 18, bắt đầu Bát Nhật Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi suy gẫm nguồn gốc nhân loại của Đức Giê-su qua gia phả của Ngài và nguồn gốc thần linh của Ngài qua chuyện tích Truyền Tin cho thánh Giu-se, được đặt ngay từ đầu sách Tin Mừng Mát-thêu, ngỏ hầu khi chiêm ngắm con trẻ trong máng cỏ, chúng ta cũng có tâm tình như các mục đồng xưa: “Các mục đồng ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2: 20).
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
ĐỨC GIÊSU KITÔ CHÍNH LÀ EMMANUEL – Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
– Ngôn sứ Isaia báo cho vua Achaz về một nhân vật mệnh danh là Emmanuel (Bài đọc I)
– Tv 23 bày tỏ niềm tin tưởng Thiên Chúa sẽ đến như một vị Vua vinh hiển (Đáp ca)
– Đức Giêsu chính là Emmanuel mà Isaia đã tiên báo (Tin Mừng)
– Thánh Phaolô khẳng định Đức Giêsu thực hiện những lời tiên tri xưa (Bài đọc II)
I/. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta mong chờ Đức Giêsu đến. Nhưng chúng ta mong chờ Ngài mang gì đến cho chúng ta : Tiền bạc chăng ? Thành công chăng ? Sức khoẻ chăng ?
Lời Chúa hôm nay trả lời rằng : Ngài mang đến cho chúng ta chính bản thân Ngài, bởi vì Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là điều quý báu nhất và bao gồm tất cả mọi điều báu.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy nguyện “ở với” Chúa cũng như Ngài đã “ở với” chúng ta.
II/. GỢI Ý SÁM HỐI
– Đức Giêsu đã bỏ trời xuống thế để ở với loài người chúng ta. Nhưng lắm khi chúng ta quên mất Ngài, không hề nhớ tới Ngài.
– Đức Giêsu ngự trong Nhà Tạm để chúng ta dễ đến với Ngài. Nhưng rất ít khi chúng ta đến đó để gặp Ngài.
– Chúng ta không “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.
III/. LỜI CHÚA
1/. Bài đọc I (Is 7,10-14) :
Khi ấy vương quốc Giuđa đang bị đế quốc Assyria đe dọa. Ngôn sứ Isaia khuyên vua Achaz đừng sợ, hãy trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nhưng vua Achaz hoài nghi. Để khuyến khích nhà vua thêm tin tưởng, Isaia cho nhà vua một dấu chỉ : “Này đây một phụ nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta”.
Lời tiên tri này trước tiên ứng vào hoàn cảnh của vua Achaz : Quả thực sau đó hoàng hậu vợ vua Achaz (“phụ nữ”) đã thụ thai và sinh cho nhà vua một thái tử. Việc sinh ra thái tử là dấu chỉ chứng minh rằng Thiên Chúa sẵn sàng phù hộ cho vua Achaz nếu ông thực lòng trông cậy nơi Ngài (“Thiên Chúa ở cùng chúng ta”).
Về sau người ta đã hiểu rộng hơn và coi đây là lời tiên tri về Đấng Messia sẽ đến. Người ta còn tin rằng Đấng Messia ấy sẽ do một trinh nữ sinh ra. Vì thế bản dịch 70 bằng tiếng hy lạp đã dùng chữ “trinh nữ” thay vì chữ “phụ nữ”.
2/. Đáp ca (Tv 23) :
Tv 23 được dùng trong những cuộc hành hương lên đền thờ Giêrusalem. Người ta ý thức rằng Thiên Chúa chính là Vua vinh hiển ; và chỉ những ai có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch mới xứng đáng đến trước nhan Ngài.
Quan niệm này đúng. Nhưng đến thời Tân Ước (như bài Tin Mừng sẽ cho ta thấy), Thiên Chúa sẽ ưu ái loài người đến nỗi bỏ qua đòi hỏi trên : chẳng những không đòi những người muốn đến với Ngài phải có tay sạch lòng thanh, Ngài còn hạ cố xuống với loài người để thành Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
3/. Tin Mừng (Mt 1,18-24) :
Đức Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã sinh ra, làm một con người như mọi người : có mẹ là một người nữ mang tên Maria, cha là một bác thợ mộc tên là Giuse.
Nhưng thiên thần Gabriel cho thánh Giuse biết những đặc tính thiêng linh của Đức Giêsu : Ngài được thụ thai là “bởi phép Chúa Thánh Thần”, Ngài đến trần gian là “để cứu dân mình khỏi tội”.
Thánh Matthêu hiểu rằng việc này làm ứng nghiệm lời tiên tri của ngôn sứ Isaia : Đức Giêsu chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
4/. Bài đọc II (Rm 1,1-7) :
Thánh Phaolô muốn tín hữu Rôma hiểu rõ về Đức Giêsu : Tuy Ngài đã sinh ra “theo huyết nhục”, nhưng nguồn gốc của Ngài rất cao sang vì Ngài “bởi dòng Đavít”, “đã được tiền định là Con Thiên Chúa”, và “đã sống lại từ cõi chết”.
Từ ý thức đó, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy sung sướng vì được thuộc về một Đấng cao sang như thế : “Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, đồng thời cũng hãy sung sướng với ơn gọi của mình : “Anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi”.
V/. GỢI Ý GIẢNG
1/. Chỉ cần một so sánh tầm thường
Đức Giêsu là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Chỉ cần một so sánh rất tầm thường, chúng ta sẽ thấy đó là một ơn rất to lớn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta :
Tôi có một người bạn vừa tốt vừa đa tài đa năng. Mỗi khi có chuyện gì cần, tôi gọi thì anh đến và anh giúp tôi giải quyết rất tốt đẹp. Tôi sung sướng lắm. Nhưng nhiều khi tôi đang cần mà anh lại đang đi vắng xa nên không giúp gì cho tôi được. Khi đó tôi ao ước : phải chi người bạn ấy luôn ở với tôi !
Chúa Giêsu hơn người bạn ấy rất nhiều : Ngài không chỉ là một con người mà còn là Thiên Chúa. Ngài không chỉ đa tài đa năng mà còn là toàn tài toàn năng. Ngài nói “Này Ta ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài đúng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Còn gì quý hơn !
2/. Thế nào là một Tin Mừng ?
Một tin chỉ là Tin Mừng khi nó đáp ứng một ước mong mà người ta chờ đợi. Thí dụ chén cơm là tin mừng cho người đang đói, mùa gặt bội thu là tin mừng cho người nông dân đã khổ công cấy cày. Nếu không ước mong đợi chờ thì chẳng có tin mừng : chén cơm không phải là tin mừng cho người đã no, mùa gặt cũng chẳng là tin mừng cho người không làm ruộng.
Thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma rằng ngài mang đến cho họ một Tin Mừng, đó là Thiên Chúa đã ban Con của Ngài cho loài người. Và tín hữu Rôma đã vui mừng vì họ có được một Đức Chúa cao cả quyền năng hơn các thần thánh nhan nhãn trong các đền thờ ở Rôma.
Lẽ ra sống trong Mùa Vọng thì phải mong chờ Chúa. Nếu ta không mong chờ Chúa thì việc Chúa Giáng sinh không là Tin Mừng cho ta gì cả.
3/. Chúa ở cùng chúng con
Lạy Chúa, tên Chúa là Emmanuel, Chúa ở cùng chúng con.
Nhưng đã có biết bao người lấy danh thánh Chúa khắc vào dây lưng, hùng hùng hổ hổ xông ra trận để chém giết anh em đồng loại ! Biết bao người đã đi tàn sát nhân danh Chúa, tuy họ không xâm tên Chúa vào ngực hay khắc vào dây nịt.
Chúa ở với chúng con để kéo chúng con ra khỏi tội lỗi, chứ không phải làm cớ cho chúng con bênh vực mình, bênh vực những hành vi tội lỗi của mình.
Chúa ở với chúng con để giúp chúng con vượt qua những chướng ngại trên con đường đi tìm công lý và tình huynh đệ, chứ không phải để dẫn chúng con đến những quần đảo thoát ly.
Chúa hãy ở với chúng con những khi vì sợ hãi, chúng con ngừng bước hay lui bước. Chúa hãy ở với chúng con khi vì lơ đễnh chúng con đi lạc đàng chính nẻo ngay.
Thân lạy Emmanuel, xin Chúa hãy luôn ở cùng chúng con ! (Trích Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt giáng sinh 1998)
4/. Chuẩn bị Lễ Giáng sinh
Ngày nay thói quen mừng lễ Giáng sinh có thể nói là rất phổ biến : hầu hết mọi người trên thế giới, dù là người có đạo hay không có đạo, cũng đều quen mừng lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, hầu như ai ai cũng coi đây là một dịp lễ vui, có nhiều hoa đèn, nhiều tiếng thánh ca. Trong dịp lễ Giáng sinh người ta cũng sáng tác nhiều tiêu phẩm văn nghệ rất cảm động nhưng qua đó ta thấy được khía cạnh mỉa mai là lễ Giáng sinh đã không được mừng đúng ý nghĩa. Có một tiểu phẩm kể chuyện một em bé gái nghèo, đêm Giáng sinh phải co ro lặn lội trong sương tuyết để bán từng hộp que diêm, trong khi đó thì xa xa vọng lại tiếng hát thánh ca réo rắt ; một tiểu phẩm khác kể chuyện một tên ăn trộm coi lễ Giáng sinh là dịp tốt để hành nghề, nó biết đêm đó nhà giàu nào cũng có nhiều bánh trái, cho nên nó đợi đến lúc người ta di dự lễ ở nhà thờ để lẻn vào ăn trộm, và xa xa vọng lại cũng những hồi chuông giáng sinh rộn rã.
Cũng có một tác phẩm tuy không nói về lễ Giáng sinh nhưng cũng mang cùng một ý nghĩa. Đây là một chuyện phim tưởng tượng. Đạo diễn tưởng tượng có một Đức Giáo hoàng vì chán cảnh lễ nghi rườm rà trong Tòa Thánh Vatican nên nhân một dịp đi lạc khỏi Tòa Thánh, đã đi luôn vào sống ở một ngôi làng nghèo. Làng này đang bị bệnh dịch hoành hành nên bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, lương thực khan hiếm. Trong làng có một cái cối dùng sức gió để cung cấp nước, nhưng cối gió đã hư và không ai sửa. Nếp sống quá khổ cực khiến người ta không đến nhà thờ nữa, nhà thờ bị hoang phế, và chính vị Linh mục coi sóc nhà thờ đó cũng chán nản hồi tục đi làm nghề chăn cừu. Đức Giáo hoàng đã cùng với dân làng đi moi đống rác, tiếp xúc với những trẻ em lang thang bụi đời, và động viên người ta cùng Ngài sửa lại cái cối xay nước. Sau một thời gian làm việc vất vả với rất nhiều khó khăn, cái cối xay gió ấy đã được sửa chữa và hoạt động lại. Cho tới lúc đó dân làng mới biết Ngài chính là Giáo hoàng. Và Ngài giã từ họ trở về Tòa Thánh. Cuốn phim kết thúc với cảnh Đức Giáo hoàng chủ tọa một Thánh lễ có rất đông người tham dự, đặc biệt trong số đó có dân chúng của cái làng nghèo khổ kia và cả vị Linh mục nữa, vị Linh mục này đã trở về với đoàn chiên giáo dân của mình. Chắc chúng ta hiểu được ngụ ý của đạo diễn : Nếu giáo hội chỉ thu mình trong các lễ nghi ở nhà thờ thì dần dần Giáo hội sẽ xa lìa quần chúng và quần chúng cũng xa lìa Giáo hội. Còn Giáo hội dấn thân phục vụ những nhu cầu thiết thực của quần chúng thì quần chúng sẽ đến vây quanh Giáo hội.
Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Giáo Hội cũng phải là Emmanuel. Và mỗi tín hữu cũng phải là Emmanuel.
V/. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Sau lời truyền tin của sứ thần Gabriel và lời đáp “Xin vâng” của Trinh nữ Maria, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Mẹ. Tin tưởng vào tình thương của Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1- Hội Thánh là dấu chỉ tình thương cứu độ của Chúa đối với nhân loại. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh / biết luôn cố gắng sống bác ái yêu thương / để trở nên khí cụ Chúa dùng đem tình thương đến cho mọi người.
2- Hiện tại / sự xuất hiện của nhiều giáo phái kỳ bí là một thảm họa cho nhân loại / vì họ dạy những điều sai trái. / Nhưng đáng tiếc là có nhiều người gia nhập các giáo phái này / và bị khống chế chặt chẽ. / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mọi người / cách riêng là những người kitô hữu trẻ / biết luôn cảnh giác trước những lời quyến rũ đường mật của các giáo phái này.
3- Khủng hoảng đức tin / đặc biệt trong giới trẻ / là một vấn đề lớn đang khiến các bậc mục tử lo âu nhiều nhất. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / luôn tìm được những phương thế thích hợp / nhằm giúp giới trẻ học hỏi sâu rộng giáo lý của Chúa / nhờ đó giữ vững được đức tin của mình.
4- “Xin vâng theo Thánh ý Chúa” / Đây phải là câu tâm niệm / là lời nguyện tắt hằng ngày của người kitô hữu. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết mau mắn đáp “Xin vâng” trong mọi tình huống của cuộc sống / nhất là khi gặp khó khăn / đau khổ trong đời sống thường ngày.
CT : Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa hứa ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin luôn nâng đỡ chúng con trong mọi cơn thử thách, cùng đồng hành với chúng con trong cuộc sống, nhờ đó chúng con luôn tin yêu, gắn bó và dấn thân theo Chúa đến cùng dù gặp bao sóng gió phũ phàng trên đường đời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam