Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 75

Tổng truy cập: 1356629

DANH CHÚA GIÊSU

DANH CHÚA GIÊSU- Lm. Giuse Trần Việt Hùng

 

Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã thường sai các sứ thần, sứ giả, các tiên tri và cac tổ phụ cha ông để truyền dạy về mầu nhiệm ơn cứu độ. Khi thời đã mãn, Thiên Chúa sai chính Con Một Ngài là Đức Giêsu xuống thế để mạc khải về Nước Trời. Đức Giêsu là Chúa, qua Ngài muôn loài được tạo thành. Danh thánh Chúa Giêsu là danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu: “Như vậy, khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,10). Danh Chúa Giêsu có quyền lực biến đổi và chữa lành mọi vết đau thương cả hồn lẫn xác. Trong tất cả các lời cầu nguyện chính thức của Giáo Hội đều kết thúc bằng lời cầu: Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Sau khi Chúa Giêsu đã phục sinh từ cõi chết, các Tông đồ đã chứng kiến, gặp gỡ và cùng ăn uống với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã minh chứng rằng Ngài không phải là ma hay bóng hình, mà là người sống thật. Chúa Giêsu đã chỉ cho các ông thấy dấu đinh nơi tay chân và cạnh sườn bị đâm thủng. Chúa đã cùng đồng hành trên đường, đối thoại với hai môn đệ và bẻ bánh phân chia. Niềm xác tín vững vàng, các tông đồ đã mạnh dạn ra đi làm nhân chứng, cho dù đối diện với muôn vàn trở ngại khó khăn. Các Tông đồ đã nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân. Ông Phêrô nói với dân chúng: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,38).

Qua thánh giá, Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù là tội lỗi và ma quỷ. Thánh giá là chìa khoá mở cửa để vào Nước Trời. Triều thiên vinh quang phải đi qua thánh giá. Chúa Giêsu đã giải thích cho các Tông đồ con đường thánh giá phải đi qua để vào Nước Chúa. Ngài trao ban cho các ông quyền lực để thắng vượt tội lỗi và sợ hãi. Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ hãy làm nhân chứng về sự sống lại của Ngài cho mọi người. Chúng ta nghe và đọc nhiều bài tường thuật rất đơn sơ, chân thành về sự kiện Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các bà, các tông đồ, môn đệ và nhiều người khác. Chúa hiện ra với mỗi người qua mỗi hình thức trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Mỗi lần Chúa hiện ra đều có ý minh chứng và củng cố thêm lòng tin của các môn đệ vào sự sống lại.

Các môn đồ sống với tâm hồn rat đơn sơ chất phác. Những thắc mắc, ngờ vực và lo âu của các môn đồ là rất thật. Sau khi Thầy của mình đã bị giết chết và chôn trong mộ đá, các môn đồ sống trong tinh thần hoang mang lo sợ và bỏ đi tản mác. Có những mon đồ chán nản bỏ về quê nhà. Trên đường về làng Emmaus, Chúa Giêsu phục sinh đã xuất hiện như người khách lạ cùng đồng hành với các ông để giải thích Kinh Thánh và mở con đường mới dẫn vào Nước Trời. Thật là nhiệm mầu, Chúa đã sống lại rồi, đâu ai có thể gây hại gì cho Chúa nữa. Đôi khi tôi tự hỏi: Sao Chúa không ra mặt công khai công bố tin vui và quy tụ mọi người về một mối? Chúng ta cũng nhớ rằng sứ mệnh rao truyền Tin Mừng cua Đấng Messia thì âm thầm và ẩn giấu. Tư tưởng và đường lối của Chúa thì không phải của loài người.

Thiên Chúa rất kiên nhẫn đợi chờ. Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Chúa muốn gặp gỡ với từng tâm hồn. Chúa mở lòng cho mỗi người có cơ hội để cảm nhận được tình Chúa. Nước Trời như hạt cải bé nhỏ được gieo trồng, đâm chồi nẩy lộc và phát triển. Lời giống Lời Chúa cứ tiếp tục tung gieo trên khắp cánh đồng. Những tâm hồn vui vẻ đón nhận và chăm nom vun tưới, hạt giống sẽ sinh hoa kết quả. Khởi đầu Giáo Hội, với con số rất khiêm nhường, chỉ có 12 tông đồ, trong đó một vị đã bỏ cuộc và cùng với 72 môn đệ, các bà đạo đức, một số người than thiện cảm tình theo Chúa. Họ là nhóm nòng cốt. Chúa Phục Sinh đã trao quyền cho các vị ra đi làm nhân chứng và rao giảng Tin Mừng thống hối. Hầu hết các môn đồ đã lấy mạng sống mình để minh chứng niềm tin vào Chúa Kito sống lại.

Thánh Phêrô và Gioan đã can đảm rao giảng sự thật: Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi. Và các tông đồ đã làm chứng rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại. Giờ đây các ông chỉ lấy danh Người mà làm các phép lạ chữa lành. Phêrô cũng thành thật chia sẻ rằng chúng tôi không dùng quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chính mình mà làm các sự lạ. Khi chữa lành cho anh què tàn tật, ông Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3,6). Tất cả năng quyền được trao ban cho các ông đều nhờ qua Danh Chúa Giêsu Kitô. Mọi sự đều phải quy về Chúa Kitô Phục Sinh. Ngài là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Ngài là đầu của Nhiệm Thể.

Chúa Giêsu đã sai các Tông đồ ra đi làm nhân chứng và truyền rao ơn cứu độ. Các Tông đồ đã xả thân mình vì đức tin. Với một sức mạnh thúc đẩy nội tâm, các ông không còn rụt rè, sợ hãi nhưng kiên vững xác tín rao giảng về cuộc đời của Chúa. Chính Chúa là lẽ sống, là đá tảng và sức mạnh. Tất cả mọi quyền lực thế gian, áp đặt của kẻ thù, bắt bớ, tù tội, gươm giáo và chết chóc không làm lung lạc niềm tin. Các tông đồ vững mạnh tuyên bố rằng: “Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (Cv 4,10).

Thánh Phaolô, vị Tông đồ sinh sau đẻ muộn trong Đức Kitô, cũng mạnh dạn tuyên xưng danh Chúa: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này! Ngay lúc ấy, quỷ thần liền xuất” (Cv 16,18). Nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh, mọi quyền lực thế gian phải quỳ phục. Hãy tự vấn xem có khi nào chúng ta thực tình dùng Danh Thánh Chúa để chế ngự các nết xấu, xua trừ ma quỷ hay làm một việc gì tốt không? Nhiều lần chúng ta đã chối từ, lẩn tránh và ngại ngùng tuyên xưng danh Chúa. Rất thường chúng ta không dám tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô nơi công cộng. Đôi khi chúng ta không dám làm Dấu Thánh Giá tuyên xưng mot Chúa Ba Ngôi nơi bàn ăn. Chúng ta giả vờ sống như những người không tin. Hoạ theo những thói tục hư đốn, truỵ lạc, đàm tiếu, gian dối và tỏ ra mình sành chơi, sành điệu không thua kém gì người không biết Chúa.

Nhìn vào cuộc sống của người Kitô hữu, chúng ta phải chân nhận rằng đã có quá nhiều lần chúng ta phân rẽ chi thể mầu nhiệm của Chúa. Chúng ta dựa vào niềm tin để đả phá, ghen ghét và xa tránh nhau. Lời của Thánh Phaolô nhắc nhơ: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1,10). Sống tinh thần của Chúa Kitô Phục Sinh là sống tinh thần yêu thương trong an bình. Nhân danh Chúa Kitô, chúng ta là sứ giả của hoà bình, là nhân chứng của tình yêu và là môn đệ của sự khiêm nhường phục vụ.

Lạy Chúa, xin đoái nhìn đến đoàn con của Chúa. Nhờ Mầu nhiệm Vượt qua, Chúa đã biến đổi tâm hồn và thân xác chúng con. Xin cho chúng con biết đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô sống lại, để mai sau cùng chung hưởng vinh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH- B

NIỀM TIN THẮNG VƯỢT SỢ HÃI-  Lm. Fx. Lê Văn Nhạc

Khi thiếu niềm tin, người ta dễ hoài nghi và luôn lo sợ. Người thiếu niềm tin giống như một người thiếu bóng vía đi ban đêm. Lúc nào cũng sợ hãi và cái gì cũng có thể làm cho họ tưởng chừng như bóng ma xuất hiện. Sợ hãi bóng tối là đặc tính của trẻ con. Lòng gan dạ biết thắng vượt sợ hãi bóng tối là dấu hiệu khôn lớn.

Một buổi tối nọ, trong căn nhà ấm cúng của một bác nông phu, người cha âu yếm đưa mắt nhìn cậu con trai với vẻ hài lòng sung sướng vì thấy con mình càng khôn lớn, càng ngoan và gan dạ. Ông tự nhủ đã đến lúc cậu phải ra chuồng ngựa ban đêm một mình để cho ngựa uống nước. Nghĩ rồi ông bảo con cầm đèn ra chuồng ngựa. Cậu con thưa với vẻ do dự:

– Bố ơi, con rất sợ bóng tối. Con sợ đi một mình.

Nghe con nói thế, ông liền đứng dậy cầm đèn dẫn con ra trước hiên nhà. Ông thắp đèn đặt vào tay con và hỏi:

– Với đèn sáng này, con thấy rõ đến đâu ?

Cậu trả lời: Con thấy rõ tới nữa đường ra cổng.

Người cha bảo con hãy cầm đèn đi ra tới đó. Khi cậu con tới nơi, ông hỏi theo: Từ đó con nhìn tới đâu nữa ?

– Con nhìn rõ tới cổng, cậu đáp.

Ông giục cậu đi tới cổng. Từ cổng cậu nhìn thấy chuồng ngựa, cậu nhìn thấy rõ ràng từng con ngựa. Từ hiên nhà, người cha nói vọng ra:

– Con hãy đổ nước cho ngựa uống rồi trở về nhà.

Thế là từ đấy cậu không còn sợ nữa.

Thưa anh chị em,

Chính các tông đồ ngày xưa cũng đã trải qua những giờ phút đen tối và sợ hãi. Ngay cả khi Chúa Giêsu phục sinh hiện đến với các ông, các ông cũng đã hoảng hốt tưởng là bóng ma. Tin mừng hôm nay vừa kể lại: ngay trong buổi tối phục sinh, đang lúc các tông đồ họp nhau trong nhà, các cửa đều đóng kín mít. Bất ngờ Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa các ông. Các ông hoảng hốt, tưởng mình thấy ma. Vì các ông chưa tin Chúa đã sống lại. Các ông đã phản ứng như một đêm nào trước đó, đang ở trên thuyền gặp gió ngược ngoài khơi, các ông thấy một “bóng ma” đi trên mặt nước. Các ông kêu rú lên “ma kìa!”, nhưng đã được trấn an ngay: “Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,47-50).

Chúng ta có thể đặt hai câu chuyện này lại với nhau để nhìn thấy khi Chúa Giêsu hiện ra trên biển sóng gió, Ngài đã muốn mạc khải sự phục sinh và thiên tính của Ngài. Đang khi hôm nay, hiện ra với các tông đồ trong thân xác phục sinh, Ngài muốn đem lại cho họ niềm vui phấn khởi và tin tưởng trong cuộc đời đầy sóng gió.

Chúa đã quở trách các tông đồ: “Tại sao các con lại hoảng hốt và nghi ngờ ?” Lời quở trách này nhắc chúng ta nhớ lại lời quở trách tương tự, khi các tông đồ đi chung thuyền với Chúa mà gặp bão táp (Mt 8,26). Hôm ấy, các tông đồ vất vả chèo chống, còn Chúa Giêsu thì nằm ngủ ở mạng thuyền. Các ông đến đánh thức Ngài dậy, vì sợ chìm thuyền. Chúa Giêsu đã quở trách các ông giống như hôm nay: “Tại sao lại hoảng hốt và nghi ngờ” (Có Thầy đây mà còn sợ gì)?. Rồi Ngài đã ra lệnh cho sóng gió yên lặng. Hôm nay, lặp lại những lời quở trách tương tự, để gợi lại chuyện cũ. Chúa ngầm ý nói rằng: Ngài đã “thức dậy” rồi: Ngài đã sống lại rồi. Anh em không còn gì phải sợ hãi nữa. Thầy đã phục sinh và đang sống với anh em.

Tuy nhiên, các tông đồ không thể tưởng tượng được: một người mới bị giết chết và mới an táng trong mồ mấy ngày trước đây mà bây giờ lại đang đứng sờ sờ trước mặt các ông. Các ông cứ tưởng là mơ, đây là bóng ma hiện về chứ không phải là Chúa Giêsu. Vì vậy, Chúa bảo các ông hãy sờ nắn vào thân xác mang thương tích của Ngài để biết rõ đây không phải là ma hay hồn thiêng hiện về, nhưng là thân xác bằng xương bằng thịt của Ngài đã sống lại: “Ma làm gì có xương có thịt như anh em sờ thấy Thầy đây ?”. Và để giúp các ông tin hoàn toàn và dứt khoát, Ngài còn ăn một miếng cá nướng trước mặt các ông để các ông thấy: đây là thân xác đã sống lại thật chứ không phải hồn thiêng hiện về hay ma quỷ gì đâu! Có thể nói, sự thật trước mắt đã xua tan hết mọi nghi ngờ. Rồi đây, các tông đồ sẽ là những chứng nhân tai mắt. Các ông còn là những người phải đi công bố Tin Mừng Phục Sinh cho những người không được chứng kiến, để mọi người tin rằng Chúa Kitô đã sống lại thật như Kinh Thánh đã báo trước.

Anh chị em thân mến,

Chúa Phục sinh đã đem lại cho các tông đồ niềm tin và niềm vui. Các ông đã bị lung lạc vì thấy Chúa Giêsu chết đau đớn nhục nhã trên thập giá, nay tìm lại được niềm tin vì thấy Ngài sống lại vinh quang. Các ông đang buồn sầu vì mất Thầy mình, nay được vui mừng vì gặp lại Thầy trong thân xác phục sinh. Niềm tin và niềm vui đó từ nay không bao giờ mất được nữa, vì Chúa Giêsu sẽ không bao giờ rời bỏ các môn đệ, như Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Cho dù sau khi Chúa lên trời, các môn đệ không còn được trông thấy Ngài nữa, cho dù phải phân tán mỗi người một ngã, cho dù gặp trăm ngàn khó khăn thử thách, các ông vẫn vững tin rằng Chúa Giêsu phục sinh luôn ở bên cạnh, và niềm xác tín ấy đã làm cho các ông luôn được bình an và phấn khởi vui mừng.

Đối với chúng ta cũng vậy, Chúa Kitô Phục sinh không còn chết nữa. Ngài đang sống và hằng sống. Đối với Ngài, thời gian, không gian, không còn là cách trở. Nói khác đi, cho dù chúng ta sống ở đây, trong lúc này, thì Chúa Giêsu cũng ở gần chúng ta, hiện diện với chúng ta y như là với các môn đệ ngày xưa, có khi còn gần gủi thân thiết hơn nữa. Ngài còn ở với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế, để ban cho chúng ta Thánh Thần là chính sự sống của Ngài, nhờ đó chúng ta được làm con Chúa Cha, để chúng ta được vững tin và an vui trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để với niềm tin và niềm vui đó, chúng ta trở thành những chứng nhân loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người.

Kitô giáo là tôn giáo của niềm vui. Chúa Giêsu là một Tin Mừng lớn nhất của nhân loại. Còn chúng ta, dù đôi lúc mang bộ mặt buồn sầu thiểu não, chúng ta phải là sứ giả của niềm vui, những chứng nhân của Tin Mừng Phục Sinh. Có hai điều Chúa Giêsu thường quở trách các tông đồ: sợ hãi và buồn chán. “Đừng sợ, hãy tin!” “Vì sao sợ, hỡi những kẻ yếu tin ?” “Thầy đây, đừng sợ!” “Maria, tại sao bà khóc, bà tìm ai ?” “Dọc đường hai ông nói gì mà buồn bã thế ? Hỡi những kẻ ngu dốt và chậm tin ?”…Họ buồn vì chưa tin Chúa đã sống lại. Còn chúng ta ngày nay buồn, dù tin rằng Chúa đã sống lại, đang sống và sống mãi: Chúng ta tin Chúa Phục Sinh mà chẳng khác gì tin Ngài đã chết luôn rồi!

Người kitô hữu sống đạo đích thực phải là người mang đầy niềm vui và chiếu giãi niềm vui, một niềm vui chân thực xuất phát từ tâm hồn đã được gặp Chúa Kitô Phục Sinh. Đức tin của chúng ta cũng chỉ lớn lên và thắng vượt sợ hãi trước bóng tối cuộc đời, khi chúng ta xác tín vào sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong từng biến cố, từng thử thách, từng khổ đau, khi chúng ta hiểu được lời Ngài quả quyết “Chúng con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian”.

 

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH-B

GẶP CHÚA GIỮA LÒNG ĐỜI- Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Sau cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, có hai môn đệ Người thất vọng cất bước trở về Em-mau, lòng đầy sầu muộn. Đức Giêsu, Đấng mà họ tin tưởng là vị lãnh tụ vĩ đại sẽ giải thoát Ít-ra-en, đã gục chết trong đau thương và mang niềm hy vọng của họ xuống mồ.

Đang lúc đó, Chúa phục sinh xuất hiện như một lữ khách cùng đi đường với họ, lấy lời Kinh thánh hâm nóng cõi lòng băng giá của họ, minh chứng cho họ biết Đấng Cứu Thế phải trải qua đau khổ như thế rồi mới tiến vào vinh quang. Thế mà suốt cả hành trình đó, hai môn đệ vẫn không nhận ra người bạn đồng hanh với mình là Chúa Giêsu.

Sau đó, Chúa phục sinh lại bất thần có mặt giữa các môn đệ trong một căn phòng tại Giê-ru-sa-lem. Mọi người kinh hồn bạt vía, vì tưởng là oan hồn của Chúa Giêsu hiện về!

Chúa Giêsu phải dùng nhiều cách tỏ cho họ biết Người đã thật sự sống lại, chứ không phải là ma. Người cho họ xem thương tích nơi tay chân, để chứng tỏ Người có xương có thịt chứ chẳng phải là vong hồn. Vì họ vẫn còn nghi ngờ nên Người lại đe nghị họ sờ tay chân Người để kiểm chứng. Thấy họ vẫn còn hoài nghi, Người lại ăn miếng cá nướng trước mặt họ để tỏ cho mọi người thấy ma đâu có nhai có nuốt như vậy.

Rồi tiếp đó, Chúa Giêsu dùng Kinh thánh để tỏ cho các môn đệ biết Người là Đấng Kitô đã phải trải qua đau khổ rồi mới phục sinh.

Bấy giờ mắt các môn đệ mới sáng ra và tin Người đã sống lại.

* * *

Các tông đồ xưa thật đáng trách vì được phúc đối diện với Chúa Giêsu mà không nhận ra Người. Nhưng xét lại, chúng ta cũng chẳng khá hơn vì hằng ngày Chúa Giêsu vẫn hiện diện giữa chúng ta mà chúng ta chẳng nhận ra Người.

Chúa Giêsu đã nhiều lần dùng Kinh thánh để chứng tỏ cho chúng ta biết rằng: Người đang hiện diện nơi tha nhân và những anh chị em chung quanh là chi thể của Người (ICr 12, 27; I Cr 6, 15; ICr 10, 17), Người tự đồng hóa mình với tha nhân nên những gì chúng ta làm cho tha nhân là làm cho chính Ngươi (Mt 25, 40)… [“Vậy anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (ICr 12, 27);

“Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? (I Cr 6, 15);

“Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (I Cr 10, 17).

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).]. Vậy mà chúng ta vẫn chưa xác tín lời Người dạy, chưa nhận ra Người đang sống bên cạnh, đang đồng hành với chúng ta.

Để diễn tả thực trạng đó, Cha Anthony de Mello, có ngụ ngôn sau đây:

Một con cá sống ở đại dương hỏi một con cá khác:

– Xin lỗi bác, bác già hơn và kinh nghiệm hơn cháu. Hẳn là bác có thể giúp cháu được. Xin bác hãy nói cho cháu biết: cháu có thể tìm thấy ở đâu điều mà người đời thường gọi là đại dương? Cháu đã tìm kiếm khắp nơi mà chẳng thấy.

Cá già nói:

– Đại dương ư? Cháu đang lội trong đó mà!

– Đây ư? Nhưng chỉ là nước thôi mà. Cái mà cháu tìm kiếm là đại dương kìa.

Rồi con cá non dại đó đã rất thất vọng ngoe nguẩy cái vây và lội đi tìm kiếm ở nơi khác.

[Anthony de Mello trong tác phẩm: “Như tiếng chim hót”]

Con cá bơi lội trong đại dương mà chẳng thấy đại dương đâu, chỉ thấy chung quanh toàn là nước. Thế rồi, con cá tội nghiệp đó vẫn thơ thẩn bơi lội đi tìm đại dương.

Chúng ta cũng như con cá bé bỏng đáng thương kia. Chúng ta đang kiếm tìm Thiên Chúa, chúng ta khao khát được gặp Chúa phục sinh, trong khi Người đang hiện diện chung quanh ta, đang đồng hành với ta, cùng ta làm việc, cùng ta sinh hoạt trong cùng một mái nhà, một xưởng máy… Vậy mà chúng ta đâu có nhận ra Người. Chúng ta tưởng Người ở nơi đâu xa lắm, mãi tít trên trời xanh; chúng ta tưởng chưng Người đang lởn vởn đâu đó như một bóng ma. Thế rồi, như con cá non dại kia, chúng ta thơ thẩn đi tìm Chúa ở những phương trời khác.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

Con cá bé bỏng kia không ngờ rằng nước biển và đại dương chỉ la một nên nó đã hoài công bơi lội tìm kiếm điều mà nó vẫn được tiếp cận thường xuyên; chúng con cũng không ngờ rằng Chúa và tha nhân là một nên chúng con đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội được phục vụ và vui sống bên Ngài.

Xin giúp chúng con sớm giác ngộ để chấm dứt hành trình tìm kiếm Chúa cách viển vông nhưng biết dừng lại để yêu thương và phục vụ Chúa đang hiện diện nơi những anh chị em đang sống quanh mình. Amen.

home Mục lục Lưu trữ