Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1355336

DẤU CHỈ

Dấu chỉ

(Suy niệm của Lm Vũ Đình Tường)

Căn cứ vào Phúc Âm Mc 13, 24-32 chúng ta biết rõ Thiên Chúa yêu thương cho biết có những dấu chỉ báo hiệu việc trọng đại xảy đến cho cả nhân loại lẫn Con Người.

‘Khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi’.

Dấu chỉ đó bao gồm:

‘mặt trời ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trởi bị lay chuyển’.

Thiên Chúa yêu thương còn cho biết ngoại trừ Chúa Cha ra, không một ai dưới trần và không một ai trên thiên quốc biết rõ năm tháng ngày giờ các dấu chỉ kia sẽ xảy đến.

‘Còn về ngày hay giờ thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi’.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều tiên đoán vô căn cứ. Bản nhạc với câu năm hai ngàn năm tôi còn lại gì đã sai. Dự đoán đệ tam thiên niên kỉ bắt đầu tận thế đã đi vào dĩ vãng. Những người tiên tri về ngày Cánh Chung và những người tin về những tiên đoán đó cho thấy họ đều hoặc là không đọc Phúc âm. Nếu đọc họ không tin điều Chúa Jesu dậy. Không tin Chúa Giêsu nhưng muốn làm công ciệc của Chúa Cha khi đưa ra lời tiên đoán. Kinh Thánh ghi rõ không ai biết trừ Chúa Cha.

Ngày cánh chung có dấu chỉ riêng, khác thường. Vũ trụ chúng ta sống có dấu chỉ riêng và mỗi người có dấu chỉ cá biệt. Mục đích của dấu chỉ là thông tri sự việc đang đến. Dấu chỉ mặt trời, mặt trăng ra tối tăm, các vì sao di chuyển bỏ quỹ đạo. Mục đích điềm lạ báo ngày Chúa quang lâm.

Dấu chỉ thuộc về vũ trụ

Không thể căn cứ vào chiến tranh, loạn lạc, hay thiên tai mà tiên đoán là ngày cánh chung gần kề. Những điều đó xảy ra đó đây liên tục. Lịch sử nhân loại mấy khi vắng bóng chiến tranh. Lịch sử vũ trụ năm nào thiếu thiên tai, động đất, cháy rừng, lũ lụt và bão gió. Những điều đó cho biết chúng ta đang sống trong một vũ trụ sống động, không phải một vũ trụ chết, nằm yên, bất động. Động đất, núi lửa, bão táp là bằng chứng cho thấy vũ trụ đang chuyển mình, đang lớn lên và rất có thể đang tự chữa những vết thương do bàn tay con người tàn phá. Cũng có thể là dấu chỉ báo nguy cho biết con người lạm dung thiên nhiên thái quá. Cần xét lại cách khai thác và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Thay đổi thời tiết theo mùa, mưa to, gió lớn với mây đen, sấm chớp cũng là những dấu chỉ bình thường của vũ trụ.

Dấu chỉ thuộc cá nhân

Cuộc sống cá nhân bao gồm những chuỗi dấu chỉ liên tục. Ăn không phải vì đến giờ nhưng vì đói. Uống không phải trời nắng mà là khát; không phải tối trời đi ngủ mà là báo hiệu của mắt. Cản thấy đói, khát, buồn ngủ, mệt mỏi là dấu chỉ cơ thể báo cho biết cần nhu cầu đó. Con người có bản năng nhận biết dấu chỉ cần thiết của cơ thể để sống còn. Ngoài ra còn những dấu chỉ tiềm ẩn, kín đáo hơn con người cần để ý mới nhận ra. Dấu chỉ về thể chất dễ nhận. Dấu chỉ tinh thần tiềm ẩn khó nhận hơn và dấu chỉ về tâm linh khó nhận nhất vì chìm sâu nhất nhưng cũng quan trọng nhất vì nó liên kết ta với Chúa.

Khi một người không đọc được dấu chỉ cho chính mình Thiên Chúa yêu thương ban những dấu chỉ khác rõ ràng hơn, lộ diện trên da thịt cho thân nhân, chuyên gia cảnh tỉnh giúp. Nhìn vẻ mệt mỏi trên mặt, vàng vọt xanh xao của da, bạc nhược, bơ phờ râu tóc, thần sắc xấu trên người là những dấu chỉ bên ngoài cảnh giác sức khỏe, tình cảm nội tâm bên trong. Dấu chỉ phục vụ như lời mời gọi con người quan tâm đến nhau, hỗ trợ nâng đỡ, khuyến khích về ba phương diện: thể chất, tinh thần và tâm linh.

Dấu chỉ về tâm linh

Trong tôn giáo có nhiều dấu chỉ cho biết con người đó gần Chúa, thuộc về Chúa hay lưỡng lự trong chọn lựa yêu mến Chúa và ngay cả xa lánh Chúa. Dấu chỉ rõ ràng nhất là mức độ thánh thiện. Không thể đo lường mức độ thánh thiện nhưng cứ nhìn vào cách đối xử với tha nhân để biết mức độ thánh thiện một người.

Người có lòng đạo thật sự luôn cố gắng trở nên thánh thiện trong lời ăn, tiếng nói. Họ không dựa vào sức riêng nhưng dựa vào ơn thánh múc được nơi bí tích thánh, Lời Chúa và nhận ra Chúa nơi anh chị em khác. Dấu chỉ tâm linh chính là tiếng nói của lương tâm khuyến khích ta làm điều tốt lành mang bình an nội tâm. Ngăn cản ta làm điều thất đức tạo cho nội tâm bất an. Đay nghiến tâm hồn, tạo nên sợ sệt khi tiếng nói lương tâm bị chèn ép, đè bẹp. Dấu chỉ này thực hiện qua tiếp xúc, đón nhận và phục vụ anh chị em đồng loại.

Nhờ vào dấu chỉ tâm linh để tự sửa sai con đường đang đi, đổi hướng, xoay chiều hay tiến thêm trên đàng nhân đức. Sửa sai thứ nhất cần ơnChúa. Thứ hai cần thời gian. Thứ ba quan trọng nhất là nghị lực vì thiếu nghi lực người đó chối bỏ ơn thánh nên không thể nào sửa sai. Nghị lực đây không phải là sức mạnh cá nhân, hay sức mạnh của ý chí mà chính là sức mạnh nội tâm để nhận ơn Chúa hầu thay đổi hoàn cảnh.

Tóm lại dấu chỉ thể lí cho biết nhu cầu cần thiết để sống còn và sống hạnh phúc. Dấu chỉ tâm lí thỏa mãn tình cảm cần có trong cuộc sống và là vùng đất giúp chúng ta chu tòan luật yêu tha nhân. Dấu chỉ tâm linh giúp chúng ta chu toàn luật mến Chúa.

 

17. Suy niệm của Jean Yves Garneau.

“CHÚNG CON CHỜ ĐỢI CHÚA ĐẾN TRONG VINH QUANG”

Bí mật của Chúa Cha.

Chúa Kitô đã đến ở giữa chúng ta, và Ngài sẽ trở lại. Ngài sẽ trở lại. “Trên mây trời với quyền uy và vinh quang lớn lao”. Biến cố đặc biệt này sẽ được đánh dấu bởi những hiện tượng trong vũ trụ. Nó sẽ trùng hợp với một cuộc biến đổi vũ trụ. “Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng nữa, tinh tú sẽ rơi xuống…”. Những hiện tượng này –không nên hiểu theo mặt chữ- Không muốn ám chỉ về một thiên tai, nhưng là một thời điểm quyết định trong lịch sử nhân loại.

Khi nào chuyện đó sẽ xẩy ra? Người ta luôn luôn tự đặt câu hỏi này. Chúa Giêsu gạt qua tất cả các giả thiết. Không người nào biết được ngày đó! Bản thân Ngài cũng không biết! Chỉ mình Chúa Cha biết. Và đây là bí mật của Ngài.

Ngày của sự thật và công bình.

Vả lại điều quan trọng không phải biết lúc nào Chúa Giêsu quang lâm, nhưng là chú ý đến những gì sẽ xẩy ra lúc đó. Ngày ấy sẽ là ngày tập họp lớn lao: “Con người sẽ sai thiên thần tập họp những người được chọn, từ khắp bốn phương trời”. Đó sẽ là ngày của sự công bình và sự thật: “Những kẻ khôn ngoan sẽ chiếu sáng như ánh quang của bầu trời… Những kẻ công chính sẽ chiếu sáng như các vì sao…”. Đó sẽ là ngày phán xét: Kẻ lành sẽ được thưởng, kẻ thất trung sẽ bị loại trừ. Lòng mỗi người, mà Thiên Chúa thấu suốt, sẽ được phơi bày ra. Những kẻ đã sống vì Thiên Chúa sẽ được dẫn tới bên Ngài; Những kẻ chối từ Ngài sẽ bị ruồng bỏ.

Sự phong phú của thời gian đang trôi qua.

Không phải để làm cho người ta sợ mà Chúa Giêsu loan báo ngày Ngài quang lâm sẽ là ngày phán xét, nhưng để giúp mỗi người ý thức về tầm quan trọng của thời gian đang trôi qua.

Ngày phán xét sẽ là ngày tỏ rõ và nhìn nhận những gì đã có. Ngày từ bây giờ, chúng ta tạo nên tương lai của chúng ta. Những gì chúng ta sống trong thời gian này định đoạt những gì chúng ta sẽ sống vào ngày tận thế. Mỗi giây phút, mỗi ngày mang một ý nghĩa lớn lao hơn ta tưởng. Mỗi giay phút gìn giữ chúng ta bên cạnh Thiên Chúa làm cho chúng ta gần Ngài hoặc xa Ngài. Chính ngày này qua ngày nọ, khi nhìn chúng ta sống, mà Thiên Chúa hình thành nên sự phán xét về mỗi người trong chúng ta. Giữa hôm nay và ngày tận thế sẽ có sự liên tục.

Giá trị của sự trung thành.

Do đó những gì chúng ta làm hoặc không làm, những câu xin vâng hoặc những lời từ chối đối với Thiên Chúa hàng ngày đều có một tầm quan trọng lớn lao. Những sự trung thành của chúng ta –lớn và nhỏ, những cố gắng của chúng ta để sống lương thiện, công chính và ngay thẳng trong một thế giới thường bất công và gian tà, lòng kiên trì của chúng ta để giáo dục con cái cách tốt nhất có thể được, những khi chúng ta tha thứ cho những kẻ đã làm chúng ta bị tổn thương, những lần chúng ta đọc kinh sốt sắng, những khi chúng ta bố thí, khi chúng ta cố gắng chu toàn công việc hằng ngày, những khi chúng ta sẵn sàng quan tâm đến tha nhân, đón tiếp họ. Tất cả đều chuẩn bị chúng ta cho ngày Thiên Chúa phán xét.

“Chúng con mong chờ Chúa quang lâm…”.

Hơn chúng ta, các Kitô hữu sơ khởi đã biết sống hướng mắt và hướng lòng về ngày quang lâm của Chúa Kitô. Vì họ xác tín rằng ngày ấy sẽ đến nhanh, nên họ đã cố gắng sống mỗi giây phút trong sự trung thành tuyệt đối đối với Chúa Kitô. Ý thức về ngày Chúa quang lâm và tâm quan trọng của nó đã mai một đi với thời gian. Bây giờ người ta sống ngày qua ngày mà không bận tâm lắm về ngày cuối cùng. Uổng thật! Nếu sống nhiều hơn trong sự mong chờ Chúa, người ta sẽ sống mãnh liệt hơn. Mỗi ngày sẽ có giá trị hơn đối với chúng ta.

Trong mỗi Thánh lễ, sau khi bánh và rượu được thánh hiến để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Chúng ta tuyên xưng: “Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Chúng con mong chờ Chúa trở lại. Ước gì đây không chỉ là những lời nói, nhưng là một thái độ sâu xa quyết định cách sống của chúng ta và mang ý nghĩa cho tất cả cuộc đời chúng ta.

 

home Mục lục Lưu trữ