Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1355639

Đây Đấng Xóa Tội Trần Gian

ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA, ĐÂY ĐẤNG XOÁ TỘI TRẦN GIAN .

 

 

Trong phần Tiền Đề ( hay Lời Tựa, Prologo) của Phúc Âm ( Jn 1, 1-19), Thánh Gioan đã xác định cho chúng ta bản tính, căn cội và sứ mạng của Chúa Giêsu: 

- “ Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời,

      Ngôi Lời vẫn ở nơi Thiên Chúa

      Và Ngôi Lời là Thiên Chúa…

      Ngôi Lời là ánh sáng thật,

      Ánh sáng đến thế gian

    Và chiếu soi cho mọi người…

     Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,

     Vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

     Là Con Một đầy tràn ân sủng và chân lý » ( Jn 1, 1.9.14). 

Đó là những gì chúng ta đã có nhiều dịp suy niệm trong suốt Mùa Giáng Sinh vừa qua.

Sau khi đã xác nhận và giới thiệu với chúng ta về Chúa Giêsu như vừa kể, phần kế tiếp, tức là đoạn Phúc Âm hôm nay và cả những chương Phúc Âm còn lại của Thánh Gioan, được viết ra không có mục đích gì khác hơn là làm chứng cho Chúa Giêsu về những gì Thánh Gioan đã xác nhận.

Nói cách khác, cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu được hai người làm nhân chứng, Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa Giêsu thương yêu, tác giả quyển Phúc Âm IV.

Khởi đầu nhân chứng cho Chúa Giêsu hôm nay là chứng từ của Thánh Gioan Tẩy Giả.

Các lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả, được tác giả Phúc Âm thuật lại trong hai bối cảnh :

- Cuộc đàm thoại giữa Thánh Gioan Tẩy Giả và các nhân vật đại diện của Do Thái Giáo lúc đó :

   * «  Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lê Vi đến hỏi ông : Ông là ai ? Ông tuyên bố thẳng thắn rằng : Tôi không phải là Đấng Ki Tô » ( Jn 1, 19-20).

- Và cuộc đàm thoại thứ hai, được trích trong bài Phúc Âm Thánh Lễ hôm nay. Tác giả Phúc Âm không cho chúng ta biết Thánh Gioan Tẩy Giả đàm đạo với ai, nhưng chúng ta  có lý chứng tin rằng Ngài đang thuyết giảng cho các môn đệ của mình và đoàn lủ dân chúng đến nghe ( Jn 1, 29-34):

  * «  Hôm sau, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói : Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi » ( Jn 1, 29-30).

   * «  Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bò câu từ trời xuống và ngự trên Người…Chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước bảo tôi : Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì Người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn » ( Jn 1, 32-34). 

Chủ đề nhân chứng là một chủ đề rất quan trọng trong Phúc Âm Thánh Gioan, được Ngài lập đi lập lại nhiều lần và trình bày dưới nhiều nhãn quang.

Sau khi Thánh Gioan Tẩy Giả lên tiếng làm chứng và chỉ rõ Chúa Giêsu cho mọi người như vừa kể, Thánh Gioan tác giả Phúc Âm đưa ra lời của Chúa Giêsu làm chứng cho chính mình và về sứ mạng của mình :

   * « Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người. Người làm chứng về những gì Người đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng Chân Thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thánh Thần cho Người vô ngàn vô tận » (Jn 3, 31-34).

Mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu không những chỉ là mối tương quan hướng thượng, từ Chúa Giêsu nhập thể nơi trần gian minh chứng và xác nhận mối liên hệ giữa Ngài và Chúa Cha như vừa kể, mà còn là mối liên hệ từ trời xuống, từ Chúa Cha xuống để nhân chứng cho Chúa Giêsu :

   - «  Nhưng phần Ta, Ta có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan : đó là những việc Chúa Cha giao cho Ta để hoàn thành ; chính những việc Ta làm đó làm chứng cho Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta » ( Jn 5, 36).

   - «  Ta có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của Ta vẫn là chứng thật, bởi vì Ta biết Ta từ đâu mà đến và đi đâu…Ta làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai Ta cũng làm chứng cho Ta » ( Jn 8, 14.18).

Và sau khi kể lại cho chúng ta lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu, lời chứng của chính Chúa Giêsu xác nhận căn cội, bản tính và sứ mạng của mình, vai trò và hành động của Chúa Cha xác nhận thiên chức và công cuộc cứu rỗi mà Chúa Giêsu đang thực hiện, Thánh Gioan tác giả Phúc Âm với tư cách là người tông đồ của Chúa Giêsu cũng đứng ra làm chứng về những gì đã được đề cập và về cuộc đời Chúa Giêsu ở trần gian :

Về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu :

  -  «  Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc nầy đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực » ( Jn 19, 34-35).

 

Và về sự sống lại vinh quang của Ngài :

   - «  Chính môn đệ nầy làm chứng về những điều đó và đã viết ra :

    *  Chúa Giêsu sống lại và hiện ra với các môn đệ ( Jn 20, 11-18) ;

    * hiện ra với Madalena ( Jn 20, 19-29) ;

    * với các môn đệ trên biển hồ Tiberiade ( Jn 21, 1-14) ;

    * đàm đạo với Simon Phêrô ( Jn 21, 15-23). 

   - " Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực ( Jn 21, 24). 

Tất cả những nhân chứng vừa kể đều quy về con người của Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, là Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến để cứu rỗi nhân loại.

Ngoài ra phần Tiền Đề là những lời xác nhận thần học tối quan trọng về căn cội, bản tính và sứ mạng của Chúa Giêsu, là một quyển sách Phúc Âm trong các sách Phúc Âm, cuộc đời thực hiện sứ mạng cứu rỗi của Chúa Giêsu ở trần thế được đặt vào giữa những lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả :

   - « Ông Gioan làm chứng về Người, ông tuyên bố : Đây là Đấng mà tôi đã nói : Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi » ( Jn 1, 15)

và lời chứng của Thánh Gioan tác giả Phúc Âm :

- «  Chính môn đệ nầy làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực » ( Jn 21, 24). 

Thuật lại những sự việc và cách hành xử vừa kể, Thánh Gioan mở ra cho chúng ta một con đường để đón nhận và sống đức tin.

   - chúng ta trở thành Ki Tô hữu vì chúng ta đón nhận nhân chứng về Chúa Giêsu từ thân nhân, bạn bè, các vị Chủ Chăn thuật lại cho  chúng ta, như Thánh Gioan tác giả Phúc Âm tiếp nhận các lời chứng từ Thánh Gioan Tẩy Giả.

Nhưng rồi môt khi đã lãnh nhận phép rửa, trở thành người tín hữu Chúa Ki Tô, được tháp ghép vào Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài, vào Cộng Đồng Giáo Hội, chúng ta được mời gọi đứng ra làm chứng tá cho Chúa Giêsu, như Thánh Gioan, người Môn Đệ được Chúa Giêsu thương mến đã làm, rao giảng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, rao giảng những thực tại trên trời, như Chúa Giêsu đã thi hành trong sứ mạng của Ngài để nhân chứng cho tình thương yêu và chương trình cứu rỗi của Chúa Cha,

   - «  …Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa… » (Jn 3, 34).

Là con cái của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, chúng ta hãy nói thay cho Thiên Chúa những gì Thiên Chúa muốn nói cho mọi người, tình thương Cha con và chương trình cứu rỗi của Người. 

Về nội dung, đoạn Phúc Âm hôm nay rất súc tích, chúng ta chỉ chọn một vài ý nghĩa để suy niệm.

a) Thánh Gioan Tẩy Giả nhân chúng Chúa Giêsu là

   - « Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian » ( Jn 1, 29),

lời Phúc Âm chúng ta đọc hằng ngày trong Thánh Lễ.

Ghi lại lời nhân chứng vừa kể của Thánh Gioan Tẩy Giả, Phúc Âm Thánh Gioan liên tưởng đến Chúa Giêsu là của lễ hiến tế, của lễ thưòng  được dân Do Thái dâng lên Thiên Chúa để cám ơn Ngài giải cứu họ khỏi Ai Cập, mỗi lần họ ăn mừng lễ Vượt Qua.

Mối liên tưởng đó, được Thánh Gioan tác giả Phúc Âm xác nhận thêm bằng việc kể lại biến cố hy sinh khỗ nạn của Chúa Giêsu xảy ra ngày áp lễ Vượt Qua :

   - «  Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoản mười hai giờ trưa, ông Pilato nói với người Do Thái : Đây Vua các người. Họ liền hô lên : Đem đi ! Đem nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá » ( Jn 19, 14-15).   

Trong khi đó thì trong dịp lễ Vượt Qua, trong Đền Thờ Giêrusalem, dân Do Thái giết chiên để tế lễ tạ ơn Thiên Chúa đã giải thoát. Chiên bị giết, hy sinh làm lễ tế, nhưng theo luật dạy không được đánh giập xương.

Đó cũng là những gì đã xảy ra khi Chúa Giêsu bị giết trên thập giá :

   - «  Các việc nầy đã xảy ra để ứng nghiệm lời Thánh Kinh : không một khúc xương nào của Người bị đánh giập » ( Jn 19, 16). 

Lễ Vượt Qua của Do Thái được cử hành để nhớ lại biến cố Thiên Chúa giải thoát họ khỏi cảnh sống nô lệ ở Ai Cập. Điều đó nói lên ý nghĩa mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân được Ngài tuyển chọn.

Biến cố Chúa Giêsu bị giết như chiên hy sinh để hiến tế tạ ơn, nói lên mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người.

Như dân Do Thái được giải thoát khỏi cảnh sống nô lệ ở Ai Cập, Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa hy sinh để giải thoát con người khỏi kềm kẹp, đàn áp và ưu tư của tội lỗi đang đè nặng trên con người.

Chính Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa được hy sinh để tạo lại cho con người một cuộc sống mới, tự do, được giải thoát khỏi mọi kềm hảm của tội lỗi, con người có thể trở lại cuộc sống  thân tình với Thiên Chúa, cuộc sống đã bị tội lỗi ngăn chận.

Thành ngữ «  …đây Đấng xoá tội trần gian » mà chúng ta đã quen thuộc trong Thánh Lễ nói lên rằng Chúa Giêsu được hy sinh để xoá bỏ đi những gì làm cho con người phải sống xa Thiên Chúa, Người Cha của họ là Đấng Ngự Trên Trời.

Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa, được hy sinh, để đem trở lại cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc bất diệt, tham dự vào chính cuộc sống thần linh của Thiên Chúa, tham dự vào bản tính Thiên Chúa mà mọi người chúng ta được tiền định khi chúng ta được dựng nên :

   - «  Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra ở trần gian » ( 2 Pt 1,4). 

Sứ mạng của Chúa Giêsu, « Đây Chiên Thiên Chúa, Đây Đấng xoá tội trần gian » ( Jn 1, 29), là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật làm cho con người xa lìa Thiên Chúa do tội lỗi gây ra.

Nhưng sứ mạng đó không những chỉ hạn hẹp cho dân Do Thái, mà cho mọi dân tộc, đến tận cùng mặt đất.

Đó là những gì Thánh Phaolồ đề cập đến trong thư chào hỏi các tín hữu Hy Lạp ở Corinto của Ngài :

   - «  Tôi là Phaolồ, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm tông đồ của Chúa Giêsu Ki Tô…kính gởi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Corinto, những người đã được hiến thánh  trong Chúa Giêsu Ki Tô, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai, ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Chúa Giêsu Ki Tô, là Chúa của họ và Chúa của chúng ta » ( 1 Cor 1, 1-2). 

b) Ngoài ra Chúa Thánh Thần được Thánh Gioan Tẩy Giả nhìn thấy ngự xuống trên Chúa Giêsu :

    « Ông Gioan còn làm chứng : Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bò câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước bảo tôi : ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì Người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần » ( Jn 1, 32-33). 

Như vậy Thánh Thần Thiên Chúa không chỉ xuống và ngự trên Chúa Giêsu, mà xuống và ngự nơi Chúa Giêsu, để được Người ban cho mọi tín hữu trong phép rửa của Ngài :

   - «  …Người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần »,  để ban cho họ tâm hồn mới và cuộc sống mới, cuộc sống thông thiệp với Cha Trên Trời của họ.

Và như vậy mọi người đều được mời gọi sống hạnh phúc thông hiệp với Chúa,

   - « được kêu gọi làm dân thánh, ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, là Chúa của họ và Chúa của chúng ta » ( 1 Cor 1,2). 

Cuộc sống thánh thiện trong lòng Giáo Hội, «  những người đã được hiến  thánh trong Chúa Giêsu Ki Tô », sống thông hiệp với Chúa là nền tảng của cuộc sống thông hiệp trong Giáo Hội.

Và đó cũng là lý do để chúng ta hiểu được ý nghĩa tham dự Thánh Lễ. Tham dự Thánh Thể  là cuộc sống nền tảng thông hiệp trong lòng Giáo Hội, thông hiệp với Chúa và thông hiệp với anh em, trong ý nghĩa của câu nhân chứng Thánh Gioan Tẩy Giả được nhắc lại trong mỗi Thánh Lễ :

- « Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian » ( Jn 1, 29).

Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

home Mục lục Lưu trữ