Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 67
Tổng truy cập: 1361887
ĐỂ GẶP GỠ ĐẤNG PHỤC SINH
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
Với Chúa Nhật III Phục Sinh, phụng vụ Lời Chúa tiếp tục trình bày với chúng ta về niềm tin vào Đấng Phục Sinh. Trong thánh lễ này, chúng ta khai triển về chủ đề này với ba điểm: 1) Biến cố phục sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo; 2) Làm sao để nhận ra Đấng Phục Sinh; 3) Loan báo Đấng Phục Sinh.
1- Chúa Phục Sinh, nền tảng đức tin
Sự kiện Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết là một điều hết sức bất ngờ, không ai có thể nghĩ trước được. Bởi lẽ, đây là biến cố có một không hai trong lịch sử nhân loại. Đức Kitô là người đầu tiên chỗi dậy từ cõi chết. Đối với các môn đệ, khi chứng kiến Chúa chết trên thập giá, họ cho rằng mọi sự đã kết thúc, niềm hy vọng vào Người tan thành mây khói, họ trở về quê để kiếm kế sinh nhai như hai môn đệ Emmaus. Nhưng sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra nhiều lần với các môn đệ, họ được gặp gỡ Đấng Phục Sinh, được củng cố niềm tin và trở thành những người can đảm làm chứng cho Người.
Điều này được nói ở trong bài đọc I, thánh Phêrô cùng với Nhóm Mười Một lớn tiếng với dân chúng rằng: “Đức Giêsu Nadarét, là người được Thiên Chúa phái đến với anh em… Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ… Đức Giêsu ấy đã bị nộp và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi… Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,22-32).
Những lời trên đây minh chứng rằng biến cố Phục sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Nếu trước Phục sinh, trọng tâm sứ vụ rao giảng là Nước Thiên Chúa, thì sau biến cố này, trọng tâm lời rao giảng là “Đức Giêsu chịu chết, được mai táng và sau ba ngày, Người sống lại.” Bởi lẽ, biến cố này là trung tâm điểm của Kitô giáo. Nói như thánh Phaolô, nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta trở nên hảo huyền và lời rao giảng của chúng tôi sẽ trở nên trống rỗng (x. 1 Cr 15,14.17). Hay nói cách khác, nếu Chúa Kitô không sống lại, sẽ không có Kitô giáo, không có ơn cứu độ, không có Giáo Hội và không có cộng đoàn chúng ta quy tụ để cử hành thánh lễ như hôm nay. Quả là đúng như lời thánh Phêrô trong bài đọc II: “Anh em được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô… Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa” (1 Pr 1,19.21).
2- Làm sao để nhận ra Đấng Phục Sinh?
Tuy nhiên, không phải dễ dàng để nhận ra Đấng Phục Sinh, cần phải có một cặp mắt đức tin nhạy bén mới nhận ra Người. Bởi vì với biến cố này, Chúa Kitô là người đầu tiên đi vào một đời sống hoàn toàn mới; sự hiện hữu của Người hoàn toàn khác biệt; Người là Đấng hằng sống. Người vẫn là chính Người nhưng thân xác Người đã được biến đổi. Người không còn bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian, cũng như những định luật tự nhiên chi phối. Người có thể hiện ra và xuất hiện ở bất kỳ nơi nào mà Người muốn.
Bài Tin Mừng hôm nay minh chứng điều đó. Sau khi chứng kiến Chúa chết trên thập giá, hai môn đệ Emmaus thất vọng trở về quê, trên đường về, Đấng Phục Sinh đồng hành, nói chuyện với họ như một người bộ hành, nhưng họ không nhận ra Người. Đấng Phục Sinh đã dùng Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước để giải thích cho họ hiểu về Đấng Kitô và những gì đang xảy ra. Sau đó, họ mời Người dùng bữa. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất (x. Lc 24,25-31).
Có thể nói diễn tiến của trình thuật này là diễn tiến của một thánh lễ đầu tiên được cử hành dọc đường do Đấng Phục Sinh. Theo đó, nó có hai phần: phần thứ nhất là phần Lời Chúa. Chúa Giêsu đã dùng lời Chúa để giải thích cho họ hiểu về mầu nhiệm liên quan đến Chúa Kitô. Nơi Người, các lời Kinh Thánh được ứng nghiệm. Đây cũng là phần đầu của thánh lễ mà chúng ta cử hành, được gọi là bàn tiệc Lời Chúa. Đối với chúng ta, Lời Chúa là lương thực hằng ngày cho chúng ta. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng dẫn đường chúng ta đi. Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ. Như thánh Giêrônimô đã từng nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.” Nên chúng ta cần phải siêng năng học hỏi Kinh Thánh, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Phần thứ hai đó là phần bẻ bánh: Đấng Phục Sinh cầm bánh, chúc tụng và bẻ ra cho các ông. Mắt họ liền sáng ra vì thấy Người bẻ bánh. Họ đã nhận ra Đấng Phục Sinh khi cùng tham dự bẻ bánh với Người. Đây cũng chính là phần thứ hai của thánh lễ, đó là bàn tiệc Thánh Thể. Sau khi nghe Lời Chúa, chúng ta cùng cử hành Thánh Thể. Chính lúc truyền phép, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Đấng Phục Sinh hiện diện với chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Bởi vì Chúa Phục Sinh và Chúa Giêsu Thánh Thể là một. Người trở thành lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta. Người trở thành người bạn đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường cuộc sống. Người trở thành sức mạnh cho chúng ta khi gặp những gian nan thử thách. Người làm cho chúng ta sáng mắt và cháy bỏng lòng yêu mến khi chúng ta tham dự bàn tiệc với Người.
Như thế, nhờ Lời Chúa và việc bẻ bánh, hai môn đệ Emmaus đã nhận ra Đấng Phục Sinh. Cũng thế, ngày hôm nay, Đấng Phục Sinh tiếp tục hiện diện và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống. Chúng ta nhận ra Người nhờ việc đọc, suy gẫm Lời Chúa và tham dự thánh lễ. Kinh Thánh và Thánh Thể là hai con đường tuyệt hảo để gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
3- Làm chứng cho Đấng Phục Sinh
Những ai đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh đều cảm thấy có nhu cầu cần phải loan báo cho người khác biết. Hai môn đệ Emmaus sau khi đã gặp gỡ và nhận ra Đấng Phục Sinh, họ đã quay trở lại Giêrusalem và loan báo cho các bạn hữu biết Chúa đã trỗi dậy rồi. Những người phụ nữ ra mồ để viếng xác Chúa, nhưng bất ngờ được gặp Đấng Phục Sinh, họ đã vội vã trở về báo tin cho các Tông Đồ biết là Chúa đã sống lại. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã hùng hồn rao giảng về Đấng Phục Sinh. Kết quả là có khoảng 3000 người theo đạo. Những Tông Đồ khác, sau khi Chúa Phục Sinh, đã theo lệnh truyền của Chúa và đã đi khắp tứ phương thiên hạ để truyền giáo và làm chứng cho Đấng Phục Sinh.
Đến lượt chúng ta, với tư cách là những người Kitô hữu, sau khi đã được lắng nghe Lời Chúa và Bẻ Bánh, chúng ta được mời gọi ra đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho những người xung quanh. Đó là sứ vụ của Giáo Hội. Đó là sứ vụ của mỗi người Kitô hữu. Bởi vì, chúng ta không chỉ là những người tin vào Chúa mà còn là những người loan báo Chúa cho người khác.
Nguyện xin Đấng Phục Sinh luôn đồng hành, soi sáng và làm cho chúng ta được bừng cháy lòng mến và lòng nhiệt thành để chúng ta làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen!
CHÚA VẪN TRUNG THÀNH HIỆN DIỆN
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
Ở cuối hành trình về làng Emmaus, hai môn đệ mời người khách bộ hành, chính là Chúa Phục Sinh mà cả hai đều không nhận ra: “Xin Ngài ở lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”.
Thực tế trời sắp tối, một ngày đang vội kết. Nhưng “ngày sắp tàn” còn diễn tả trạng thái tâm hồn: Một cõi hồn đang không lối thoát, đang tối thật sự.
Bởi sau khi Chúa thụ nạn, như nhiều môn đệ, tâm trạng hai ông rệu rã, mất định hướng. Nội tâm chìm trong đêm tối, cái đêm của nghi ngờ, của thất vọng.
Các ông từng đặt niềm tin vào Thầy. Nhưng Thầy bị bắt, bị đánh nát tấm thân, bị đóng đinh, chết trên thập giá như kẻ bất lực không thể thoát đau đớn.
Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại vực thẳm sâu thăm thẳm của sự ngã lòng. Đêm tối ấy đáng sợ.
Tự bản chất, màn đêm làm tăng sợ hãi. Vậy mà bây giờ, trong lòng vốn đã tăm tối, đã vô cùng sợ hãi, lại còn bị nhấn dần vào đêm của tự nhiên. Hình như nỗi khiếp sợ trong cõi hồn hai ông càng tăng dữ dội.
Chính trong tâm trạng rối bời ấy, các ông thưa cùng người bộ hành, người cho mình sự ấm áp suốt quảng đường dài: “Xin Ngài ở lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”.
Cũng vậy, biết bao nhiêu lần sóng gió, khổ đau, sợ hãi, bế tắc trong đời mình, ta cũng cần Chúa ở cùng.
Những lúc đời ta thất bại dồn thất bại, cay đắng dồn cay đắng, thương đau đè lên thương đau, gục ngã như kéo nhau ập đến, oan khuất như cùng lúc tấn công tứ phía, chúng ta, người môn đệ của Chúa hôm nay, không thốt lên để kêu nài: “Lạy Chúa, xin hãy ở lại với con” đó sao!
Lời cầu khẩn ấy đâu phải lời xa xưa, đâu phải lời quá khứ. Nó là lời hiện tại và hiện thực của chính chúng ta, của biết bao cuộc đời xung quanh chúng ta.
Có mấy cách để người môn đệ vững vàng trong thử thách, nhằm vượt qua nỗi cheo leo đời mình, để thấy Chúa luôn hiện diện, luôn đỡ nâng, đó là:
1. Lời Chúa.
Chúa dạy hai môn đệ suốt hành trình về Emmaus bằng lời Kinh Thánh, là Chúa hun đúc đức tin để hai ông lấy lại nền tảng Kinh Thánh mà tin vào Chúa.
Chúa vẫn hiện diện đấy thôi. Chỉ có điều hai ông và cả chúng ta đều không nhận ra Chúa giữa đời thường.
Vậy, khi bị vây bởi bóng tối trong đời, hãy mở Kinh Thánh nghiền ngẫm, cầu nguyện. Suy ngẫm Lời Chúa là cách ta để Chúa uốn nắn đức tin của ta.
Vì thế, nếu không bao giờ tiếp xúc với Lời Chúa, đó là người vô phúc, vì loại bỏ một phần sự giáo dục quan trọng của Chúa ra khỏi đời mình.
Lúc tiếp cận, cầu nguyện với Lời Chúa là lúc sức mạnh của Chúa đỡ nâng hành trình đời ta. Chúa hiện diện trong sự đỡ nâng thầm lặng mà Người thủy chung dành cho ta.
2. Thánh Thể.
Cuối hành trình của hai môn đệ trên làng Emmaus, cũng là lúc cuối ngày, lúc bóng tối đang dồn về, Chúa cử hành lại nghi thức của chiều thứ Năm Tuần Thánh, một cử hành mới diễn ra vài ngày trước: cử hành Thánh Thể.
Nếu bóng đêm của không gian đang phản ánh chính bóng đêm của cõi lòng, thì giữa bóng đêm tăm tối, Chúa trao ban Thánh Thể của Người. Đó chẳng phải là cử hànhThánh Thể giữa những tăm tối đó sao?
Ngày nào mà Hội Thánh không cử hành Thánh Thể! Giữa những tăm tối của cuộc đời, hằng ngày Thánh Thể vẫn sáng lên soi rọi, dẫn lối, trao sức mạnh cho bất cứ ai dám tin tưởng, dám đặt đời mình trong ơn Chúa.
Bài học này lớn vô cùng để ta biết, cuộc đời càng tối tăm, càng thách thức, càng giăng nhiều cạm bẫy, ta càng phải quay về với Thánh Thể Chúa.
Thánh Thể là sức mạnh vững chãi cho kẻ tin tưởng tìm về. Điều này rõ hết sức khi hai ông lập tức quay trở lại Giêrusalem. Cũng là bóng đêm, thậm chí đêm càng lúc càng khua, càng đáng sợ, thì hai ông mất hết sợ hãi. Lập tức lên đường, ngay trong đêm, hai ông loan báo bằng được niềm vui Chúa Phục sinh.
Thánh Thể Chúa đã gây nên sức mạnh vô cùng lớn lao, khó có thể có ai cản nổi. Thánh Thể Chúa chính là sự đỡ nâng đầy thánh thiện mà mỗi người không bao giờ được phép bỏ qua.
Ai dại dột bỏ qua Thánh Thể, kẻ đó đang đánh mất chính nguồn sống, chính sự sống siêu nhiên, sự sống đời đời của mình.
Lm. Xuân Hy Vọng
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng Vụ! Khi con ngồi viết những dòng suy niệm này là lúc cả thế giới đang chống chọi với cơn đại dịch cô-vi. Và trong thời gian bệnh dịch bùng phát cho đến thời gian bây giờ, Thánh lễ nhiều nơi trên thế giới, những sinh hoạt chung giáo xứ có lẽ vẫn còn bị đình chỉ! Dù trong một bức tranh u ám như vậy chăng nữa, Chúa Phục Sinh đã chiếu sáng vào chốn tối tăm, chiếu soi vào cõi lòng nhân loại, và tỏ rạng ánh vinh quang của Ngài nơi tâm hồn chúng ta. Vì thế, cùng cảm nghiệm ngày xưa của hai môn đệ làng Em-mau, chúng ta cùng suy gẫm đôi điều về các bài đọc Phụng Vụ hôm nay.
Giả như, nếu ví cuộc đời của chúng ta là một bộ phim nhiều tập, thì hơn ai hết là người Ki-tô hữu, chúng ta biết rõ cuốn phim này kết thúc ra sao rồi. Mà nếu ví cuộc đời của chúng ta là cuốn tiểu thuyết thì chắc chắn chúng ta cũng đã biết kết cuộc thế nào. Vì chưng, Chúa Ki-tô đã chịu chết trên thập giá, nhưng Người đã sống lại, chiến thắng sự chết, và đây chính là điều tối hậu của cuộc đời Ki-tô hữu chúng ta, đức tin của chúng ta; cụ thể được minh chứng rõ nét trong đoạn sách Công Vụ Tông Đồ “vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa” (Cv 2, 28). Chúng ta có thể thất vọng với chính bản thân mình, với những người xung quanh, với kỳ vọng của chúng ta; nhưng Thiên Chúa không bao giờ làm chúng ta thất vọng, nếu chúng ta biết trông cậy và tín thác nơi Người.
Chính nhờ niềm tin này, mà chúng ta nên ra công tìm kiếm và thực thi ý Chúa hơn là ước muốn của thế gian hay của chúng ta. Về điểm này, lời Chúa trong thư của Thánh Phê-rô Tông Đồ vang vọng trong chúng ta, “…không phải nhờ những thứ chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm…Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô” (x. 1Pr 1, 18 – 19). Tuy nhiên, thực tế cho chúng ta nhận ra, chúng ta đã – đang sống ngược lại với những gì Thánh nhân dạy. Trong lịch sử, mỗi khi các cơn đại dịch xảy ra, thì con người thường ăn năn, sám hối ít nhiều, trở về với Thiên Chúa, chạy tới kêu xin Người thương xót. Nhưng nay thì khác, đại dịch cô-vi bùng phát, người ta lại hối hả mua đồ tích trữ, vơ vét hết những thứ nhu yếu phẩm, chỉ biết lo cho bản thân mà không mảy may nghĩ đến người khác cũng đang cần như mình! Giữa đại dịch, thay vì dành nhiều thời gian để nhìn lại bản thân, nhìn lại cuộc sống làm người, nhìn lại đời sống Ki-tô hữu…thì không ít chúng ta chỉ nơm nớp lo sợ, hoảng loạn! Giữa đại dịch, thay vì dành nhiều cơ hội để cầu nguyện, để gần gũi Chúa, gần gũi với anh chị em trong gia đình hơn, thì chúng ta lại vẫn ‘ngựa quen đường cũ’ tụ tập trong nhà ăn nhậu, bày ra nhiều trò tiêu khiển khác. Giữa cơn đại dịch, thay vì loan truyền tin mừng, tin hy vọng, khuyến khích động viên, cảm thông hơn với nhau, thì chúng ta chỉ biết lợi nhuận cá nhân mà đẩy giá mặt hàng trên mạng! Chúng ta được cứu thoát nhờ Máu châu báu của Con Chúa, chứ không phải được cứu rỗi bằng nén vàng, thỏi bạc, châu sa, hạt lựu! Vì thế, chúng ta nên sống và làm chứng với ơn sủng được Chúa cứu độ.
Mặc khác, khi nhìn toàn cảnh thế giới đang oằn mình chống chọi với cơn đại dịch cô-vi, và mỗi ngày phải nhìn thấy những dòng tít lớn trên báo mạng về thảm hoạ dịch bệnh, khiến chúng ta rùng mình, bi quan, buồn bã, thất vọng và có khi nghi ngờ ‘Thiên Chúa còn là Đấng luôn yêu thương, giàu lòng thương xót’? Thậm chí, còn nghĩ ‘Chúa đang trừng phạt nhân loại’ qua cơn đại dịch này chăng? Thật ra, Thiên Chúa mà Chúa Giê-su loan báo cho chúng ta, và là hiện thân qua Con Một Người không phải Đấng ưa thích trừng trị, sát phạt, mà là ‘Đấng giàu lòng xót thương, chậm bất bình, và rất mực khoan dung’ (Tv 103, 8), là ‘Đấng không muốn kẻ gian ác, tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống’ (Ez 18, 23). Sự dữ, sự ác đều do tội lỗi con người, do tính kiêu căng, cao ngạo của con người mà ra; và vì con người tự mình gây ra nên phải gánh hậu quả là điều tất yếu. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc, và luôn gửi thông điệp đến với chúng ta trong tâm hồn, qua những biến cố thời đại giúp chúng ta quay về với Người, v.v…Hơn nữa, chỉ có một mình Thiên Chúa mới cứu thoát con người ra khỏi vòng luẩn quẩn này, và chỉ mình Người mới có thể biến sự dữ thành sự lành, biến sự ác thành sự thiện mà thôi, ‘duy chỉ Thiên Chúa viết đường thẳng trên những đường cong’ (theo Thánh Âu-gus-ti-nô). Trong nỗi thất vọng dường như tuyệt vọng ‘Thiên Chúa bỏ quên chúng ta’ này cũng là cảm nghiệm của hai môn đệ đã bỏ Giê-ru-sa-lem mà về làng Em-mau. Vì buồn sầu thê thảm, mọi thứ dường như sụp đổ trước mắt họ, nên họ đành bỏ nơi mà họ từng hăng hái, đầy nhiệt huyết bước theo chân Thầy Giê-su, cùng Người bôn ba khắp chốn, được nghe Người giảng dạy và chứng kiến biết bao điều kỳ lạ, để trở về nơi chốn xưa, nơi mà hai ông sống trước khi được gặp Thầy Giê-su! Trong nỗi thất vọng ê chề này, có thể nói: hai ông đã trốn chạy, bỏ lại đằng sau những gì bi thương xảy ra tại Giê-ru-sa-lem ‘Thầy Giê-su chịu kết án, chết nhục nhã trên thập giá’. Nhưng nỗi sầu này đâu phải chỉ dừng tại đây, mà ‘sau ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy từ cõi chết’ như hai ông đã từng được nghe khi còn theo chân Thầy Giê-su. Và trong nỗi u buồn lê bước trở về làng Em-mau, với suy nghĩ ‘Thiên Chúa đã bỏ mặc Thầy Giê-su’ hoặc ‘Thiên Chúa đã bỏ mặc chúng ta’, thì chính lúc này, Thiên Chúa lại gần gũi hai ông hơn bao giờ hết “đang lúc trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến gần và cùng đi với họ” (Lc 24, 15). Không những thế, Người còn giải thích Kinh Thánh cặn kẽ, mở trí lòng cho hai ông, mà còn tỏ cho hai ông thấy hành động bẻ bánh trong bữa tiệc ly trong đêm trước khi Người chịu khổ nạn. Và khi nghiệm lại tất cả biến cố trên đường đi, hai ông đã nhận ra “dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Nói cách khác, Chúa Ki-tô Phục Sinh đã đồng hành với họ trong nỗi thất vọng, Chúa Ki-tô Phục Sinh thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của họ đã tắt khi trên đường về quê, Chúa Ki-tô Phục Sinh đã ban cho họ niềm vui của Ngài hầu xua tan bao nỗi bất an, nặng trĩu đang ẩn sâu trong tâm hồn họ.
Với cảm nghiệm của hai môn đệ làng Em-mau, chúng ta cùng nhau xác tín rằng: Chúa Ki-tô Phục Sinh đang cùng sánh bước với chúng ta trên cuộc hành trình lữ thứ đầy chông gai này. Người đang nói với chúng ta qua mỗi giờ kinh nguyện sốt sắng. Người hiện diện, đỡ nâng, nuôi dưỡng chúng ta qua Thánh Lễ hằng ngày. Người hướng dẫn, chỉ lối chúng ta qua Giáo Hội của Người. Trong niềm cậy trông tín thác Chúa Ki-tô Phục Sinh, chúng ta dâng lời cảm tạ:
Chúa đã chịu chết cho nhân loại
Chúa đã sống lại trong vinh quang
Chúa hằng chuyển cầu cho chúng con
Chúa luôn đồng hành với chúng con
Al-lê-lui-a, Al-lê-lui-a. Amen!
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam