Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 143

Tổng truy cập: 1350208

Để sinh nhiều trái

ĐỂ SINH NHIỀU TRÁI
Ga 15,1-8

Có thể nói được rằng: đau khổ là một trong những vấn đề khó hiểu nhất và là một bài toán chưa có lời giải đáp thoả đáng. Biết bao nhiêu người cố công giải thích, tìm hiểu về đau khổ, nhưng rồi cũng đành bó tay mà thôi. Đứng trước đau khổ, có rất nhiều thái độ khác nhau. Có người nguyền rủa đau khổ; có người trách móc Tạo Hoá bất công khi Ngài là Đấng Toàn Năng và Công bằng vô cùng nhưng lại để cho đau khổ xảy ra trong cuộc đời của họ và xảy ra trong thế giới này, có người buông xuôi, phó mặc cho số phận; có người chấp nhận cách thụ động . . . Nhưng suy cho cùng, chúng ta chưa hiểu gì về ý nghĩa của đau khổ cũng như những điều huyền diệu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người.

Có người đã nói rằng: “Bạn xét đoán Chúa chỉ vì không thể thấy kế hoạch của Ngài vì những đau khổ của bạn, giống như con chuột chui vào cây đàn piano gặm nhấm dây đàn làm nhạc sĩ rối loạn khi biểu diễn bản nhạc của Chopin hoặc Beethoven. Với trí óc nhỏ bé, chuột nghĩ rằng nó đâu làm gì, nhưng cả vũ trụ bị đảo lộn. Khi xét đoán kế hoạch của Chúa theo quan điểm của ta, phải chăng sự thể cũng như vậy? Tương tự, con nhện cuốn tơ trên một xà sắt, sẽ bất mãn khi cây xà được chuyển đi xây một cây cầu. Nó chẳng bao giờ nghĩ rằng kế hoạch của một kỹ sư có giá trị hơn tơ của nó”. Như thế đấy, con người chúng ta quá bé nhỏ trong thế giới này và vô cùng bé nhỏ trong những suy nghĩ về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Thái độ khôn ngoan là mở lòng ra đón nhận mọi sự Chúa gửi đến và tích cực cộng tác với Chúa trong những gì Ngài muốn chúng ta làm. Ý Chúa phải được thực hiện và thành toàn trong cuộc đời chúng ta; Lời Chúa phải trở thành ngọn đèn soi cho cho chúng ta bước.

Chúng ta thử đặt câu hỏi: Việc không đón nhận đau khổ, nguyền rủa đau khổ hoặc chấp nhận đau khổ cách thụ động liệu có giúp ích gì cho đời sống tinh thần của con người không? Xem ra nó chẳng có hiệu quả và ích lợi gì cả. Bởi lẽ, thái độ không đúng đắn trước đau khổ chỉ khiến cho con người ta thấy ngao ngán trước cuộc đời hoặc có thái độ thụ động và bi quan trong cuộc sống. Vậy đâu là cái nhìn tích cực và có ích cho đời sống tinh thần của con người trước vấn đề đau khổ? Có một tác giả đã nói như sau: “đau khổ không phải là một cái gì không thể chịu được, nhưng vấn đề là người ta biết khám phá ra một ý nghĩa ở bên trong”. Thấy được ý nghĩa của đau khổ là một vấn đề rất quan trọng, rất cần thiết cho con người trong mọi phương diện của đời sống. Vậy đâu là ý nghĩa của đau khổ?

Tin mừng hôm nay cống hiến cho chúng ta một ý nghĩa rất thực tế về “đau khổ”, ý nghĩa đóø được gói ghém trong một câu nói rất quen thuộc của Chúa Giêsu: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga15, 1-2). Nói đến cắt tỉa là nói đến cái đau đớn, là nói đến chảy máu và mất mát. Bất cứ sự cắt tỉa nào cũng đưa đến hậu quả như thế cả. Nhưng mục đích cuối cùng của việc cắt tỉa mà người chủ muốn làm cho cành cây mà mình quý mến là cho nó sinh nhiều trái hơn. Cắt tỉa là hành động của tình yêu dù nó có gây ra đau đớn và mất mát! Nếu chúng ta coi những đau khổ trong cuộc đời này chính là hành động cắt tỉa mà Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời này thì chúng ta sẽ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Không một đau khổ nào là vô ích cho con người cả nếu chúng ta biết nhìn vấn đề cách siêu nhiên và linh thánh. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không muốn cho ai trong chúng ta phải đau khổ cả và Thiên Chúa cũng không phải là tác giả của những đau khổ trong cuộc đời này. Vì Thiên Chúa chỉ là Tình yêu và nơi Ngài chỉ có hạnh phúc, một hạnh phúc sung mãn và tròn đây mà thôi. Nhưng đau khổ trong cuộc đời chúng ta như một hành động cắt tỉa của Thiên Chúa dành cho con người vì Ngài muốn con người sinh nhiều hoa trái trong đời sống đức tin, những hoa trái của sự thánh thiện, khiêm tốn, nhẫn nại, phó thác, tin tưởng, yếu thương, tha thứ. . .

Như vậy, cành cây nào không đón nhận sự cắt tỉa thì có thể cành cây đó rất sum xuê, rất xanh tốt, chiếm nhiều không gian, nhưng lại không sinh trái được. Và hậu quả cuối cùng là nó sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa! Số phận của những người muốn sống theo khuynh hướng tự nhiên, không chịu để cho Lời Chúa cắt tỉa mình (nghĩa là không quan tâm, không sống theo những giá trị của Tin mừng) thì sẽ có một kết cục như cành cây không được cắt tỉa vậy.

Chúng ta không được phép tự tạo ra đau khổ cho mình và cho người khác, vì đó là bất công và là bất nhân. Nhưng đứng trước những đau khổ trong cuộc đời này, thái độ khôn ngoan và đúng mực nhất là chúng ta chấp nhận nó cách vui lòng và tín thác cho lòng thương xót và sự an bài của Thiên Chúa. Thiên Chúa không hứa cất khỏi chúng ta những đau khổ trong cuộc đời này, nhưng Ngài sẽ ban sức cho chúng ta chịu đựng và vượt thắng những đau khổ nếu chúng ta biết bám chặt vào Chúa, biết lấy Lời Chúa làm khí giới chống lại kẻ thù. Con đường thập giá mà Đức Giêsu đã đi qua là một bài học vô cùng quí giá cho chúng ta trước vấn đề đau khổ. Hãy ngắm nhìn Đức Giêsu trên Thập giá thì chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của đau khổ, tại sao có đau khổ và nó có giá trị gì. Chắc chắn là đau khổù không bao giờ vô ích và bất công đối với con người cả.

Có câu chuyện kể rằng: Indira đến gặp đạo sĩ Makia và ngỏ lời : “Xin Ngài hãy chỉ cho tôi một thần linh để tôn thờ và một tôn giáo để sống theo”. Đạo sĩ Makia liền đưa Indira đến một toà nhà rộng lớn nơi đó mỗi vị thần được dành cho một gian phòng riêng. Dừng chân đầu tiên trước tượng thần Batda, đạo sĩ giới thiệu : “Đây là vị thần sẽ cất hết mọi đau khổ khỏi thế giới.”Nhưng Indira lắc đầu và xin được sang phòng khác. Trước vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu: “Đây là nữ thần Sopha có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.” Nhưng Indira cũng lại xin đạo sĩ đi nơi khác. Cuối cùng, hai người đến trước một vị thần bị treo trên thập tự giá. Indira tò mò hỏi : “Vị thần này là ai mà bị treo trên thập tự như thế ?” Đạo sĩ chậm rãi trả lời : “Đây là thần của những người Kitô.” Với chút xúc động lộ trên mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để trở thành môn đệ của Đấng chịu treo trên thập tự. Đạo sĩ ngạc nhiên hỏi: “Này anh Indira, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần anh gặp lúc trước, một vị đề nghị cất hết mọi đau khổ, một vị đề nghị giúp tránh sự đau khổ, thế mà anh không thích vị nào cả. Tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của vị chết nhục nhã trên thập tự như thế ?” Indira giải thích: “Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là hứa suông vì người ta không thể nào cất đi những đau khổ. Và dạy con người tránh đau khổ là dạy con người sống thấp hèn và người ta cũng không thể nào tránh đau khổ được. Nhưng nhìn vào vị thần của người Kitô chấp nhận đau khổ trên thập tự, tôi hiểu được ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Rồi một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm vui và an hoà sẽ trổ sinh trên thế giới này. Đó là lý do tôi bị thu hút bởi Đấng chịu treo trên thập tự kia và muốn làm đồ đệ Ngài. Vậy xin đạo sĩ đưa tôi đến nơi người Kitô sống để được trở thành người Kitô”. Đạo sĩ dẫn Indira đến nhà thờ những người Công giáo để xin lãnh bí tích Rửa tội. Khi vừa bước vào làng thì hai người đã nhìn thấy những cảnh không tốt đẹp. Đây một nhóm người đang cãi lộn. Nơi khác có những kẻ như sắp đánh giết nhau. Nơi khác nữa thì nghe vẳng lại những lời tục tĩu vô lễ. Bảng ghi ”Coi chừng bị móc túi” được dán nơi công cộng. Indira hỏi đạo sĩ: “Đây là đâu vậy ?” Đạo sĩ trả lời : “Đây là làng của người Công giáo.” Nghe thế, Indira vội vã nói: “Thôi, chúng ta hãy đi nơi khác. Tôi mộ mến và tin vào Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, nhưng tôi không muốn trở thành một người Kitô nữa. (Trích ”Món quà giáng sinh”).

Câu chuyện cho chúng ta thấy được nhiều ý nghĩa quan trọng trong vấn đề đau khổ cũng như trong vấn đề về đời sống chứng nhân của chúng ta. Đau khổ là một thực tại mà con người không thể chạy trốn cũng như không thể huỷ diệt nó được, nhưng hãy chấp nhận nó, vì khi chấp nhận nó và thấy được ý nghĩa của nó rồi thì nó không phải là một cái gì đó ghê gớm nữa, nhưng sẽ là một phương thế giúp chúng ta sinh ra nhiều hoa trái trong đời sống tinh thần của chúng ta, đúng như lời của Indira đã nói: “một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm vui và an hoà sẽ trổ sinh trên thế giới này”. Chúng ta hãy can đảm đối diện với đau khổ và hãy khám phá ra những ý nghĩa tích cực của nó trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh.

home Mục lục Lưu trữ