Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 34

Tổng truy cập: 1364123

ĐI VÀO CỬA HẸP

Đi vào cửa hẹp – Lm. John Nguyễn Tươi

Một người đến gặp Chúa Giêsu và hỏi,” Thưa Ngài, chỉ có vài người được cứu?” Để hiểu được ý nghĩa câu hỏi trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần tìm hiểu quan niệm thiên đàng của người Do-thái lúc bấy giờ.

Trước hết, người đàn ông này là một người Do thái. Ông ta nghĩ rằng, chỉ có những người Do-thái mới được cứu độ. Cho nên, ông ta hỏi Chúa, chỉ có vài người được cứu độ và lên thiên đàng, còn những người dân ngoại thì không được vào. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu cảnh tỉnh họ, và muốn cho họ hiểu đúng về quan niệm Nước Trời. Ngài trả lời rằng, ” Hãy phấn đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” Chúa Giêsu nói với nguời Do Thái, họ có thể là những người bị loại ra khỏi NướcTrời nếu như họ không chịu ăn năn sám hối.

Kế đến, Chúa Giêsu bảo họ, hãy vào “cửa hẹp”. Ngài dùng nhìn ảnh cửa hẹp để minh họa, vì cách suy nghĩ, hành xử và lối sống của họ đi ngược lại với đường lối của Thiên Chúa. Họ tự cho mình người là người thánh thiện, công chính hơn người dân ngoại, tất nhiên, họ sẽ được vào thiên đàng. Điều này nhắc tôi nhớ câu chuyện một người đàn ông chết và được lên thiên đàng. Anh ta đến gặp ông thánh Phêrô tại cổng, và sau đó anh ta được đưa đi xem nhiều nơi. Rồi họ đến một nơi đặc biệt để giam giữ các tội nhân đang đền tội trong đó với bức tường bao bọc kính đáo chung quanh. Khi đi ngang qua, thánh Phêrô bảo anh ta phải giữ thật im lặng. Anh ta hỏi, tại sao? Thánh Phê-rô trả lời, vì ta không muốn làm phiền và cho họ biết con. Với sự nghi ngờ này, anh ta hỏi lại thánh Phê-rô, vậy ai ở trong đó vậy? Ngài trả lời: ở trong đó có nhiều giáo dân và cha xứ của con. Câu chuyện này nói lên điều gì cho chúng ta. Điều đáng thương nhất đối với con người trong thời đại này, đó là sống ảo tưởng về mình, đưa mình lên trở thành “thánh”. Cho nên, Chúa bảo người Do-thái và cả chính chúng ta hãy đi vào cửa hẹp là thế. Nhờ đó, nó giúp chúng ta ý thức về mình bởi con người luôn có tính tự cao và kiêu căng.

Cửa hẹp là thế nào? Nó không phải là không gian nhỏ hay cửa hẹp mà là thái độ và đức tính khiêm tốn cần có của con người, để chúng ta bước vào Nước Trời. Cửa hẹp không phải là không gian hẹp mà là cánh cửa của trái tim biết mở ra với với Thiên Chúa và đến với tha nhân. Con đường hẹp là con đường của hy sinh và từ bỏ. Vì cánh cửa rộng thênh thang dễ dẫn chúng ta vào con đường sai lạc. Chúng nghĩ nghĩ rằng, chúng ta là người có đủ tự cách và cao trọng để bước vào, giống như một ông chủ lớn hiên ngang phải đi vào cửa chính. Đó là lối sống ảo của các nhà tư tế và kinh sư, và đó cũng là lý do tại sao, Chúa đưa em nhỏ đến và bảo dân chúng rằng, ” Ai muốn vào Nước Trời thì trở nên trẻ nhỏ này.” Vì trẻ nhỏ hiền lành, đơn sơ, khiêm tốn, phó thác và vâng nghe theo cha mẹ chúng.

Điều sau cùng cũng là điều quan trọng nhất, Chúa Giêsu làm cho mọi người phải ngạc nhiên và khó hiểu khi Ngài công bố: “Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.” Nghe câu nói này, chúng ta có thể khó hiểu với những gì chúng ta đang sống trên đất nước Mỹ. Một ví dụ cụ thể, đó là khi mọi người vào tính tiền sau khi mua hàng, thì họ phải sắp hàng theo thứ tự, người đến trước sẽ đứng trước người đến sau. Họ không có được ưu tiên theo kiểu ông lớn thì được lên hàng đầu. Thế nhưng, Chúa Giêsu làm chúng ta từ ngạc nhiên này đến ngạc khác. Đó là việc Chúa ưu tiên cho người đến sau. Họ nghĩ rằng, Chúa ưu tiên cho kẻ đến sau được lên hàng đầu thì không có sự công bằng cho người đến trước. Từ thắc mắc này, Chúa lại mở ra cho dân chúng một cái nhìn mới về ơn cứu độ. Đó là Chúa Giêsu mở cửa thiên đàng cho những người tội lỗi vào. Kẻ sau chót sẽ lên hàng đầu, và kẻ hàng đầu sẽ xuống hàng chót là thế, bởi vì kẻ chót là những người tội lỗi biết ăn năn hối cải để trở về với Chúa. Thiên đàng sẽ vui mừng khi một nguời tội lỗi biết ăn năn sám hối và quay trở về còn hơn cả 99 người không cần sám hối. Cũng như theo tín lý thần học, đó là ơn cứu độ phổ quát là dành cho tất cả mọi người và mọi dân tộc.

Tóm lại, chúng ta cần biết rằng, ơn cứu độ không phải là những gì chúng ta mua được mà là ân ban của Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi tất cả mọi người con dân của Ngài bước vào Nước Trời với điều kiện bằng con đường hẹp. Con đường của hy sinh và từ bỏ cái tôi ích kỷ chật hẹp để vươn tới với tha nhân và trở về cùng Thiên Chúa. Mỗi lần ta từ bỏ một thói xấu là lúc ta đi vào cánh cửa hẹp.

Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa, Mẹ Maria và các thánh đồng hành cùng với chúng con để đi về Nước Trời. Amen.

26. Cửa hẹp – André Sève

(Trích dẫn từ ‘Tin Mừng Chúa Nhật’)

Thánh Luca nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta đang tiến bước về Giêrusalem”. Chúa Giêsu “rao giảng và lên đường” tiến về sự thử thách, các bài học tỏ ra cấp bách. Thánh Luca đặt ra một câu hỏi thuần túy tò mò:

– Có nhiều người được cứu rỗi hay không?

– Ngươi hãy chiến đấu để được cứu rỗi! Hãy gắng sức mà vào cửa hẹp.

Hãy chiến đấu, hãy gắng sức! Luca thích ý tưởng chiến đấu được lấy lại từ người thầy Phaolô của ông. Chúng ta có thể làm cả một tuyên bố với những lời Phaolô kêu gọi chiến đấu:

“Tôi chiến đấu với sức mạnh của Chúa Kitô vốn tác động mạnh mẽ nơi tôi” (Cl 1,29); “Êphaphô chăm lo cầu nguyện” (Cl 4,12); “Hãy chiến đấu lành mạnh cho đức tin, giật lấy sự sống vĩnh cửu” (1Tm 6,12)

Đây là cuộc chiến đấu thực hành các lời khuyên đã nhận lãnh. Đã thấy Chúa Giêsu, đã lắng nghe và thậm chí đã ngồi trước mặt ngài vẫn chưa đủ để mở cửa Thiên Chúa.

– Ta chẳng hiểu các ngươi nói gì và từ đâu đến!

Chúng ta không thể trở thành Kitô hữu bằng việc đọc sách thánh và mơ mộng. Cần phải thực hành. Một thứ lo âu đi ngang qua các trang Tin Mừng: điều mà các bạn đang khám phá, các bạn có thực hành hay không?

Ý tưởng “thực hành”đã bị quá hạn hẹp trong việc thực hành bí tích. Người ta nói: “Tôi là người lãnh đạo”. Hành đạo như thế nào? Chúng ta có thể đi lễ hằng ngày và vẫn bị đuổi ra khỏi cửa trời nếu chúng ta không thực sự sống theo Tin Mừng: “Ta không biết ngươi từ đâu đến!”

May thay lời kêu gọi say mê thực hành được soi sáng, cửa hẹp được nới ra thật rộng: “Người ta sẽ đến từ Đông, Tây, Nam, Bắc”. Đây cũng là bài ca chiến thắng của sách Khải Huyền, được lấy lại trong lễ Các Thánh: “Tôi thấy một đám đông không thể đếm được…” (Kh 7,9).

Nhưng lời cuối cùng của bài Suy niệm này báo động cho chúng ta: “Có những người rốt hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ trở nên rốt hết”. Chúng ta sẽ thấy lại sự đạo ngược mà thánh Luca thường làm chúng ta hình dung, trong khi nhắc đến ở đây với mức độ vừa phải. Không phải tất cả những người đầu tiên sẽ trở nên rốt hết, người ta nói với chúng ta chỉ một số mà thôi, những người hạng nhất khi đó là những người học hiểu đạo và những người rốt hết khi phải thực hành đạo, cũng phải sắp hàng để đến Nước Trời.

27. Hy vọng và cầu nguyện – Achille Degeest

(Trích dẫn từ ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Tách rời bài đọc hôm nay khỏi bối cảnh toàn bộ Phúc Âm, người đọc dễ sinh nản chí. Trong bài chỉ thấy nói đến cửa hẹp nhiều kẻ sẽ không qua được, đến sự khai trừ khỏi Nước Trời v.v… Chúa nhân lành trong bài giảng trên núi, từng nói đến Cha với niềm âu yếm, tại sao ở đây lại có thể nói những lời nghiêm khắc đến thế? Chúng ta cần nhớ rằng Phúc Âm là một pho sách nhất phiến, mạch lạc chặt chẽ, đoạn này soi sáng giải thích đoạn kia. Vì thế không nên hiểu tình âu yếm của Cha như một thái độ nhu nhược, không nên giải thích sự đòi hỏi gắt gao của Người như một chủ trương nghiêm khắc. Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta về sự cần thiết phải từ bỏ và bổn phận phải theo đúng chân truyền.

1) Phải từ bỏ.

Không lọt qua được cửa hẹp là những kẻ không muốn từ bỏ những hành trang bề bộn. Về mặt trí thức, họ khư khư bảo vệ những thành kiến, những hệ thống tư tưởng, những chủ nghĩa, những ý kiến của họ. Về mặt luân lý, họ không từ bỏ những thói quen ích kỷ, thái độ tự tại trong vật chất, những lợi nhuận bất công, những hưởng thụ xác thịt. Một số lớn không từ bỏ những thứ cồng kềnh đó nhưng vẫn muốn xưng mình là Kitô hữu, muốn vượt qua cánh cửa Phúc Âm, tuy nhiên trước con mắt Thiên Chúa họ không qua được. Chính ở điểm này chúng ta không được để cho niềm cậy trông của mình bị dập tắt. Đối với Thiên Chúa, không có điều gì Người không làm được. Vả lại Thiên Chúa luôn luôn giúp đỡ kẻ có thiện chí. Nếu ngay tức khắc chưa thể vượt qua cửa hẹp, chúng ta có thể với sự trợ giúp của Thiên Chúa, loại đi một vài thứ lỉnh kỉnh nói trên. Nếu ngay tức khắc chưa thể tuân giữ tất cả những điều giảng dạy của Phúc Âm, chúng ta có thể với sự trợ giúp do Đức Kitô bảo đảm, bắt đầu tuân giữ một vài điều. Chúa không bao giờ từ chối giúp đỡ kẻ thành tâm thiện chí. Mỗi ngày thêm cố gắng, phấn khởi vì chắc tâm được Chúa giúp đỡ, chúng ta hy vọng vượt qua được cửa hẹp, là điều mà bình thường với sức riêng không ai dám mơ tưởng.

2) Phải theo đúng chân truyền.

Một số nào đó có thể dám tự hào được Đức Kitô nhìn nhận là môn đệ nhưng thật ra Đức Kitô không nhận họ là người của Chúa. Đó là những kẻ uốn nắn Phúc Âm theo ý riêng mình. Ngày nay có những kẻ giả mạo Phúc Âm, những kẻ xuyên qua lời phán của Chúa, muốn đưa ra mớ triết lý, những quyền lợi, những chọn lựa lập trường thế tục của họ. Thay vì quy tư tưởng theo Phúc Âm, những kẻ ấy quy Phúc Âm theo tầm cỡ và tiêu chuẩn tư tưởng của họ. Ngỡ rằng Chúa bỏ đi, Chúa khoá cửa rồi, họ gõ cửa xin vào. Nhưng Chúa từ chối, Chúa bỏ mặc họ với thế gian của họ, vì họ không đón nhận Phúc Âm chân truyền bằng một tinh thần tôn trọng sự thật. Chúng ta lấy ví dụ trường hợp một số hành động chính trị nào đó. Hành động chính trị của các Kitô hữu trong quá khứ và nhất là trong hiện tại luôn luôn bị cám dỗ muốn đem Đức Kitô vào đời sống công cộng, muốn viện dẫn Đức Kitô làm hậu thuẫn cho một hoạt động đảng phái; thật ra ai cũng biết, hoạt động đảng phái làm cho Phúc Âm mất đi tính chất chân truyền. Đối với xu hướng ấy, đối với những kẻ có chủ trương ấy, Đức Kitô đóng cửa lại. Chúa mở cửa cho hầu hết mọi chủ trương, đường lối, ngoại trừ sự giả dối.

28. Qua cửa hẹp mà vào – Charles E. Miller

(Trích dẫn từ ‘Giảng Lễ Chúa Nhật’)

Có khó để vào nước thiên đàng không? Chúa Giêsu nói như thế khi Ngài cảnh cáo: “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Lời cảnh cáo của Ngài có một điều gì đó làm bối rối, từ Ngài nói rằng: “Mọi người sẽ đến từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam nhiều người sẽ đến chỗ của mình nơi bữa tiệc trong nước Thiên Chúa”. Lời tiên tri của Isaia hôm nay đã nói về cùng một điều này. Nói cách khác sẽ có nhiều dân tộc ở trong vương quốc. Vậy tất cả những người đó họ làm thế nào để đi qua cửa hẹp được?

Tôi nghĩ điều gì xảy ra trên xa lộ “siêu tốc” khi có một tai nạn tệ hại xảy ra. Cảnh sát liền đóng cửa ba ‘len’ chỉ cho một ‘len’ duy nhất còn lại để chạy giống như một cửa hẹp vậy, tất cả phương tiện giao thông đều phải giảm tốc độ và lần lượt đi qua một cái chốt hẹp. Khi đó tôi nghĩ về cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã ám chỉ tới, tôi thấy mọi người đều phải xếp hàng giống như những chiếc xe hơi trên xa lộ, di chuyển một cách chầm chậm xếp hàng qua một ‘len’ mở duy nhất. Những tài xế đều bực bội, họ ồn ào giận dữ và trao đổi với nhau những cử chỉ tục tĩu. Những chiếc xe hơi và khí hậu thì quá nóng. Nơi chốt đóng thì chật ních các xe. Tội lỗi cũng giống như tai nạn xảy ra trên xa lộ, là nguyên nhân của mọi sự phiền phức.

Đây không phải là một cảnh mời mọc, hình ảnh này có nghĩa là chúng ta phải vào thiên đàng. Nhưng khi tôi nghĩ rõ ràng hơn về hình ảnh cái cửa hẹp, tôi nhận thấy rằng thật sự chỉ có một người có thể đi qua cửa ấy. Con người đó là Chúa Giêsu. Khi Người đi qua cửa đó mà tới thiên đàng Ngài đã đi vào trong mầu nhiệm Vượt Qua là sự chết và sự sống lại của Người. Chúng ta cũng phải buộc chính chúng ta đi qua cửa hẹp. Tất cả chúng ta đều cần làm điều đó, để bảo đảm rằng chúng ta được hiệp nhất với Chúa Giêsu. Nhiều người đã không đi qua cánh cửa độc nhất đó là thân mình của Đức Kitô, Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo Hội.

Tuy nhiên Chúa Giêsu đã cảnh cáo một lần thứ hai, Chúa Giêsu nói với mọi người sẽ phải minh chứng với chủ nhà: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài đã dạy dỗ trên đường phố của chúng tôi”. Nhưng ông chủ sẽ trả lời: “Tôi không biết các anh từ đâu đến, hãy xéo ra khỏi mặt Ta hỡi phường bị chúc dữ”.

Đây là sự phiền muộn bởi vì chúng ta đã ăn và uống trước sự hiện diện của Chúa tại Thánh Lễ chúng ta đã tham dự và thông dự vào Thân Mình và Máu Người. Dĩ nhiên là tham dự cách thụ động trong Thánh Lễ thì không đủ. Lãnh nhận Thánh Thể mà không có một sự sốt sắng thúc giúc thì làm sao Chúa Giêsu biến đổi chúng ta thành những giá trị thiêng liêng được. Những gì mà chúng ta đã thực hiện nơi Thánh Lễ, đặc biệt là khi lãnh nhận Thánh Thể phải ảnh hưởng tới cung cách sống của chúng ta. Chúa Giêsu không dạy chúng ta trong những đường phố, nhưng Ngài đã dạy dỗ trong nhà thờ của chúng ta trong phần phụng vụ lời Chúa. Đó là lý do vì sao chúng ta phải để tâm lắng nghe những bài học trong Thánh Kinh, ví dụ như trong thư gởi tín hữu Do Thái ngày hôm nay: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy và có nhận ai làm con cái thì Người mới cho roi cho vọt”.

Với tất cả những điều như thế thì đòi hỏi không thể thiếu được là chúng ta phải trở nên một dân trung thành, chúng ta vẫn phải hợp nhất với Chúa Kitô trong thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo Hội. Đó là phương cách để bảo đảm rằng chúng ta sẽ phải đi qua tất cả sự ồn ào chán nản của thế gian này mà vào vương quốc đời đời.

29. Chúa Nhật 21 Thường Niên

VÀO NƯỚC TRỜI KHÓ HAY DỄ? CĂN BỆNH HOANG TƯỞNG.

“Hãy phấn đấu vào qua cữa hẹp, vì có nhiều người tìm cách vào mà không được” (Lc 13, 24)

Anh chị em thân mến,

Bệnh lý lịch, gốc gác, Con Ông Cháu Cha, trước đây đã một thời làm hư hoại xã hội Việt Nam, bại hoại nhân phẫm con người. Hiện tại không phải không còn, nhưng hôm nay tự nơi xã hội ý thức được mầm bệnh để mà tránh, ý thức được tác hại của căn bệnh mà tự đề phòng. Tự nhận ra căn bệnh để chừa, tự nhận ra mầm bệnh để tránh, đó là cách phòng tránh bệnh hữu hiệu nhất của thứ bệnh hoang tưởng, bệnh lý lịch, gốc gác. Có người sẽ hỏi: Trong nhà đạo, có thứ bệnh này không? – Xin thưa: Có đấy. Gioan Tẩy giả đã chưởi thẳng vào nhóm biệt phái: đừng ỷ mình là con cháu Abraham…. Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói cùng chủ đề này. Kính mời anh chị em cùng suy niệm.

a/. Trước hết hãy thử đọc lại Phúc âm, xem Chúa muốn nói về chuyện này thế nào?

* Mt 7, 21: “Không phải ai nói lạy Chúa, lạy Chúa thì được vào Nước Trời; chỉ có người tin và làm theo Ý Chúa Cha mà thôi”.

* Mt 7, 13-14: Hãy vào qua cữa hẹp, vì nó sẽ đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm…

* Mt 19, 24: Người giàu có vào Nước Thiên Chúa thì khó biết bao; con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nưóc Thiên Chúa….

* bài TM hôm nay: Chúa nói: hãy phấn đấu vào qua cữa hẹp….vì có nhiều người tìm cách vào mà không được vào…

* Tám mối Phúc cũng là lời chúc, lời mời gọi cho những ai vào Nước Trời bằng cách qua cữa hẹp như ý câu trên (Lc 13,

Qua tất cả những câu Phúc Âm trên và qua chính lời Chúa Giêsu nói cho ta hai ý này:

Phải tự mình phấn đấu qua cửa hẹp mà vào Nước Trời…

Nước Trời không thuộc về kẻ có gốc gác mạnh, con cháu Abraham, để mà ỷ lại.

b/. Lời Chúa Giêsu nói trong Bài Tin Mừng hôm nay xem ra như nhắm đến nhóm người biệt phái, kinh sư. Lời nói rõ ràng và cứng rắn, không một chút nễ nang: Muốn vào Nước Trời……hãy phấn đấu vào qua cửa hẹp….Khi cửa đã đóng: ông chủ bảo, ta không biết các ngươi… Bấy giờ các ngươi sẽ phải khóc lóc nghiến răng… kẻ đứng hàng chót sẽ lên đầu, kẻ đứng đầu sẽ xuống chót…

Từ chổ minh định con đường vào Nước Trời, phải là một cuộc phấn đấu tự mình, Chúa Giêsu đả kích quyết liệt một thứ bệnh: hoang tưởng lý lịch – gốc gác – COCC. Đây là một thứ bệnh trầm kha, đáng sợ, dù nó không đưa đến cái chết, nhưng quả thật nó làm cho tinh thần ta ra nghèo nàn dài dài, dẫn đến mất…..trắng luôn. Người mắc bệnh không nghỉ rằng mình là kẻ khốn khổ đáng thương ở trên đời này…Đó chính là thứ bệnh hoang tưởng: lúc nào cũng tưởng mình KHÔN – tưởng mình NGON. Cái mình dở nhiều thì tưởng mình dở ít, tưởng mọi việc không đến nổi nào. Điều mình bình thường ở bậc trung, thì lại cho là hay ho hơn hẳn mọi người. Bài Tin mừng hôm nay cho ta thấy người mắc bệnh này sẽ bẻ bàng cay đắng lắm, vì những lời Chúa Giêsu nói y như gáo nước lạnh tạt ngay vào mặt họ, chỉ mong cho họ hiểu chính mình mà thôi.

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Ngày xưa, người Do thái thường tự hào vì có tổ phụ Abraham, vì họ là con dòng cháu giống. ngày nay một số người công giáo vẫn còn nghỉ như vậy. Bệnh lý lịch đã ăn vào tận xương tủy của dân tộc VN, nên thực tế bỏ ngay không phải là chuyện dễ. Thời bao cấp đã nổi cộm vì chuyện này. Chúa Giêsu chỉ trích gay gắt và còn nói mạnh mẻ: hãy coi chừng…kẻo người chót lại lên hàng đầu, người đứng đầu lại xuống hàng chót. Ta nghỉ làm sao? Bao lâu nay ta thuộc vào hàng nào đây?

30. Trước cửa thiên đàng

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Ở trang trong của một nhật báo xuất bản tại Manila, người ta đã đọc được câu chuyện vui sau đây:

Trước cửa Thiên đàng, linh hồn một nông dân xuất hiện xin Thánh Phêrô cho vào hưởng nhan Thiên Chúa. Thánh Phêrô nghiêm nghị hỏi:

– “Con đã sống như thế nào trên trần gian mà giờ đây con muốn vào Thiên đàng?”

Linh hồn người nông dân trả lời với hết lòng chân thật:

– “Dạ, thưa Thánh Phêrô, 70 năm qua trên trần gian con đã cần cù làm ăn, tuân giữ mọi điều luật Chúa dạy, không bao giờ phạm tội làm mất lòng Chúa. Con muốn vào Thiên đàng để được hưởng nhan thánh Chúa đời đời”.

Thánh Phêrô nghiêm nghị trả lời:

– “Con đợi ta xem lại các bản phúc trình mà thiên thần bản mệnh của con đã gởi về”. Trong giây phút im lặng, với vẻ mặt nghiêm nghị, Thánh Phêrô lần mở ra kiểm soát thật kỹ những phúc trình về cuộc đời của người nông dân. Quả thực, đúng như lời ông khai báo. Thánh Phêrô không tìm thấy bất cứ sai lỗi nào trong các bản phúc trình ấy cả. Sau giây phút suy nghĩ thêm, thánh nhân nghiêm nghị thêm, thánh nhân nghiêm nghị trả lời cho linh hồn người nông dân:

– “Con không đủ điều kiện để vào Thiên đàng”. Thánh Phêrô ôn tồn giải thích lý do: “Con có biết không, trên Thiên đàng nầy, kể cả chính bản thân ta đây nữa, tất cả mọi linh hồn vào đây đều là những linh hồn tội lỗi, đã làm phiền lòng Chúa Giêsu rất nhiều, nhưng đã sám hối ăn năn, được Chúa thứ tha, rồi mới vào đây được. Còn con thì thật là khác thường. Con suốt đời không phạm tội gì cả. Vậy con không đủ điều kiện để vào Thiên đàng. Ta cho con trở lại trần gian sống thêm ít năm nữa xem sao để con có điều kiện mà trở lại đây vào Thiên đàng”.

Thưa anh chị em,

Đây là một câu chuyện vui có thể giúp chúng ta nhìn vào cuộc đời quá khứ của mình dướci ánh sáng của Lời Chúa hôm nay. Nước Trời là của những tâm hồn tội lỗi nhưng đã sám hối ăn năn trở về cùng Chúa. Nào ai dám tự phụ cho mình đã không bao giờ lầm lỗi, không bao giờ làm phiền lòng Thiên Chúa và xúc phạm đến anh chị em xung chung quanh. Chúng ta không nên có thái độ giả hình, tự phụ, cho mình là trong sạch, tốt lành hơn kẻ khác, xứng đáng được vào Nước Trời. Đừng tưởng như những người Do Thái, cứ tưởng là Dâng riêng của Chúa, là con cháu của Abraham là đương nhiên được bảo đảm chắc chắn được vào Nước Trời. Vì không phải bất cứ ai thưa: “Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời”, cũng không phải tất cả những ai đã được diễm phúc đồng bàn ăn uống với Chúa Giêsu, được nghe Ngài giảng dạy trên các đường phố của mình, đều là những người có đủ tiêu chuẩn bảo đảm cho một tấm vé vào cửa Thiên đàng!

Vấn đề là phải phấn đấu “vào qua cửa hẹp”, “phải dùng sức mạnh” mới lọt được cửa hẹp dẫn tới bàn tiệc Nước Trời. Bởi vì, trước cửa Nước Trời, mọi người đều bình đẳng để vào, không có ưu tiên dành cho những người có lý lịch tốt, hay có gốc gác bự, có ô dù… Cũng không có chuyện dành chỗ trước, cũng chẳng có chuyện chạy chọt đút lót, cậy quyền cậy thế, hoặc dựa vào thành tích quá khứ để đòi hỏi cho mình quyền ưu tiên. Vả lại, cũng đừng quan niệm bàn tiệc Nước Trời như một tiệc chiêu đãi có tính cách phô trương trình diễn. Trái lại, đây phải là một bàn tiệc của những người chiến thắng, mà chỉ có những người đã từng chiến đấu, đã chia sẻ những nỗi gian khổ, đã thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô mới xứng đáng dự phần.

Điều trớ trêu là không phải con cái trong nhà sẽ là những kẻ nhanh chân nhất và được vào bàn ăn. Trái lại, chính những kẻ ở xa, những kẻ lặn lội từ bốn phương trời mà đến. Đối với những người Do Thái đang nghe Chúa Giêsu thì những kẻ từ Đông Tây Nam Bắc mà đến chính là các dân ngoại. Họ sẽ được vào đồng bàn với các Tổ phụ và các Ngôn sứ, trong khi chính những người Do Thái là con cái trong nhà, những kẻ hãnh diện từng ăn uống thường ngày với Chúa, từng được nghe Ngài giảng dạy, lại phải đứng ngoài gõ cửa tuyệt vọng. Vì vậy có sự đảo ngược thứ tự vào Nước Trời: “Những người trước hết sẽ trở nên cuối hết, còn những người cuối hết sẽ trở nên trước hết”.

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không theo chủ nghĩa lý lịch. Trước cửa Nước Trời, Ngài không hỏi mọi người: Có chịu phép rửa tội, có theo kitô giáo, có phải là người Công giáo hay không? Có phải là Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, Hồng y hay Giáo Hoàng? Điều Ngài đặc biệt quan tâm và xét hỏi, đó là đã có làm và sống như Chúa Giêsu đã làm, đã sống, đã dạy hay không? Vì thế, đừng làm tưởng rằng: hễ có tên là Kitô hữu, là người Công giáo, là đạo gốc, là đương nhiên được bảo đảm vào Nước Trời, để rồi tự đắc đứng trên nhìn xuống thương hại hay loại trừ những người anh em ngoại giáo, những người không chia sẻ một tôn giáo, một niềm tin với chúng ta. Bàn tiệc Nước Trời đón nhận tất cả mọi thành tâm thiện chí. Nếu chúng ta không thực thi Lời Chúa, không đi theo con đường hẹp của Chúa, thì có thể những người anh em ngoại giáo sẽ vào Nước Trời trước chúng ta, đang khi chúng ta, những người được mời gọi trước lại sẽ bị Chúa từ chối, vì chỉ mang cái nhãn hiệu Kitô hữu mà không có một đời sống đức tin, một đời sống Kitô hữu đích thực.

Thưa anh chị em,

Nếu Chúa Giêsu mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Thiên Chúa thì chính là để diễn tả sự chia sẻ niềm vui, chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa và với anh em. Bởi thế, Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Rôma: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Bàn tiệc Thánh Thể hôm nay phải là dấu chỉ cụ thể của bàn tiệc Nước Trời, nên những gì chúng ta chia sẻ trên bàn thờ, tức là Mình Máu Thánh Chúa, phải được chia sẻ rộng rãi trong cuộc sống. Nói khác đi, chúng ta không thể bẻ Bánh Thánh với nhau mà không biết chia cơm sẻ áo cho nhau, nghĩa là cho anh em trong cộng đoàn mà thôi, nhưng còn là cho mọi người anh em đang cần được chúng ta chia sẻ. Thực hiện sự chia sẻ cụ thể đó, chính là phấn đấu đi qua cửa hẹp để dự Bàn Tiệc Nước Trời vậy.

31. Qua cửa hẹp

“Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết, nhiều người sẽ tìm vào mà vào không được”

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Lc 13, 22-30, có người đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” (Lc 13, 23). Chúa Giêsu đã nhìn ra sự kiêu hãnh, tự coi mình là công chính của những người này. Ngài không trả lời trực tiếp. Nhưng một cách gián tiếp Ngài đã ám chỉ rằng có nhiều người đánh mất sự cứu rỗi vì chỉ dựa vào tước vị như là thành phần của dân được tuyển chọn. Ngài lo lắng cho họ (Pl 2, 12). Hãy cố gắng vào bằng cửa hẹp! (Lc 13, 24).

Hình ảnh về cửa hẹp được Chúa Giêsu sử dụng rất quen thuộc với dân chúng vào thời đại của Ngài. Dân chúng thời đó sống ở bên trong thành phố được bao bọc bởi vách tường. Vì không có đèn đường, các cửa và các cổng dẫn vào thành phố phải được đóng chặt chẽ vào ban đêm để tránh trộm cướp, hay kẻ thù cưỡi ngựa xâm nhập, tấn công thành phố. Nếu dân chúng đi ra khỏi thành phố và trở về trễ sau khi các cổng đã đóng chặt rồi thì sao? Có ai mở cổng cho họ vào? Không! Khi cổng đã đóng rồi không ai được mở ra vì sợ bọn cướp hay quân địch ẩn nấp trong bóng tối sẽ có thể tấn công bất ngờ.

Những người trở về trễ phải khép mình chui qua mọt cái cửa hẹp. Những cái cửa hẹp này còn được gọi là “mắt của cái kim” – “the eyey of the needle”. Cửa chỉ vừa vặn cho một người đi qua thôi, và không thể mang theo hành lý!

Trong Luca chương 18, 25: “Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước Thiên Chúa”. “Lỗ kim” ở đây chính là cửa hẹp. Người đi buôn với hàng hoá cồng kềnh chất đầy trên lưng lạc đà không thể đi qua cửa này được. Phải vứt bỏ tất cả hàng hoá và hành lý xuống. Con lạc đà phải cúi đầu, khòm lưng và quỳ gối xuống may ra mới lọt!

Khi Chúa Giêsu nói về cửa hẹp, Ngài muốn ám chỉ việc từ bỏ hết mọi của cải trần gian. sự khó khăn chật hẹp khi đi qua cửa là đời sống kỷ luật. Và đi qua cửa hẹp thì phải đi qua một mình, cô đơn. Nhưng Thiên Chúa luôn cùng đi với ta. Đó là con đường hy sinh và vất vả. Nhưng lại là con đường của những người khôn ngoan và thận trọng dẫn đến nguồn vui và hạnh phúc đời đời.

Theo thánh Têrêsa Avila, cửa hẹp là nơi nhỏ bé trong trái tim, nơi một người sắn sàng thưa “vâng” hay “không’ đối với điều mà người đó biết là thật. đó là nơi mà không có quyền lực bên ngoài nào có thể xâm nhập hay làm áp lực đến sự chọn lựa của một người được. Đó là “trung tâm của linh hồn’ nơi Thiên Chúa ngự trị

Chúa Giêsu muốn chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người, không phân biệt ai. Ngài dự tính chương trình cho mỗi người mà Ngài ban cho mỗi người ân sủng để chấp nhận ý định của Ngài. Chúng ta phải sửa dạy chính mình bằng cách sống theo những lời giảng dạy và hành động của Chúa Giêsu. Sự cứu rỗi của chúng ta không chỉ được bảo đảm hoàn toàn bởi chúng ta thuộc về một tỏ chức giáo hội của những người có lòng tin được gọi là Công Giáo; nhưng nó phải được bảo đảm vì chúng ta sống lời Chúa Giêsu mỗi ngày (Ga 12, 47-50)

“Các người hãy có gắng vào qua cửa hẹp” (Lc 13, 24). Lời của Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta hôm nay cố gắng thực hành điều chúng ta đã tin trong ánh sáng của những lời dạy bảo của Chúa Giêsu, và không hành động theo những tiêu chuẩn của trần thế vật chất, vô luân và vô tín ngưỡng. Bước qua cửa hẹp có nghĩa là giữ và sống lời Chúa Giêsu và giảng huấn của Giáo Hội một cách nghiêm chỉnh suốt cuộc hành trình trần gian. Bước qua cửa hẹp là nhìn vào chính chúng ta như thể Thiên Chúa nhìn chúng ta và bước đi dưới ánh mắt của Ngài, vì biết rằng Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc sống của chúng ta. Bước qua cửa hẹp là thay đổi quan niệm sống vì không phải hễ có rửa tội, có đạo, có dự lễ, rước lễ, xưng tội, đọc kinh,… thì đương nhiên sẽ được cứu rỗi đâu. Nhưng ơn cứu rỗi được ban cho bất cứ kẻ nào sống theo lời Chúa, cho dù người đó có đạo hay là không có đạo. Thực vậy, có đạo mà không sống theo lời Chúa thì không bằng người tuy không có đạo, không biết Chúa nhưng cuộc sống của họ lại theo đúng những điều Chúa dạy. Giáo thuyết này đưa đến hai quan niệm mới trong nền thần học ngày nay: (1) thứ nhất là quan niệm về những người Kitô hữu vô danh: đó là những người tuy không có đạo, nhưng vì cuộc sống của họ phù hợp với tinh thần Tin Mừng nên vẫn được coi là Kitô hữu mặc dù họ không có danh hiệu Kitô hữu. (2) Còn quan niệm thứ hai là về những người “Kitô hữu ngoại đạo”, nghĩa là những người tuy có đạo nhưng lại không sống theo tinh thần Tin Mừng nên bị coi là ngoại đạo mặc dù họ có danh hiệu Kitô hữu.

Ta thấy trong Cựu ước, ông Gióp khi dồn dập nhà cửa bị cháy rụi, các vật bị cướp đi, con cháu bị chết hết, bản thân mang chứng phong cùi gớm ghiếc đã biết nói “Xưa Chúa đã ban, nay Chúa lấy lại, xin ngợi khen Chúa”. Ông còn khuyên người khác “Mình biết lãnh nhận những ơn lành của Chúa thì sao không biết chịu đựng những thử thách của Chúa”. Đó mới là phản ứng của người có lòng đạo thực. Thế nhưng không thiếu người cho rằng: sống giữa một xã hội đầy tráo trở mà phản ứng theo tinh thần Tin Mừng thì là khờ dại quá. Xin hỏi lại: Thế thì đạo không có ăn nhập gì với cuộc đời sao? Con người chúng ta phải chia ra làm hai sao: một con người hiền lành lúc ở nhà thờ đọc kinh dự lễ và một con người tráo trở gian manh khi cư xử với người đời sao! Không được, con người chúng ta phải là một ở nhà thờ cũng vậy mà ở giữa chợ đời cũng vậy. Đạo chúng ta là đạo nhập thể vào đời chứ không phải chỉ là đạo ở nhà thờ.

Ơn cứu rỗi là dành cho bất cứ ai biết sống theo lời Chúa và có những phản ứng hợp với tinh thần Tin Mừng trong mọi tình huống cuộc đời. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy xét lại đời sống của mình, kiểm điểm lại thái độ sống của mình xem: những gì đang là những cái cồng kềnh cản trở chúng ta vào nước trời. Chúng ta hãy lục soát kỹ lương tâm xem: có phải chúng ta đang là nô lệ của rất nhiều ông chủ không? Có những ông chủ rõ ràng như tiền bạc, danh vọng, chưng diện, thú vui không lành mạnh… Có những ông chủ khác như ích kỷ, thói quen xấu, giữ đạo vụ hình thức, thành kiến đối với người này người khác… Nhiều lắm, mỗi người đều có những ông chủ khác nhau. Đó chính là những cái cồng kềnh khiến chúng ta bị vướng ngoài cửa hẹp, và giả như Chúa gọi chúng ta hôm nay, chúng ta có chắc mình được cứu độ không?

Hơn nữa, bản tính con người hay thay đổi, thích mới nới cũ, ưa chuộng hào nhoáng, chạy theo thị hiếu, mà dễ quên mục đích tối hậu của mình: Một đàng thì bị thế gian cám dỗ, luôn luôn đánh bóng lên những thứ trái cấm như tranh ảnh, sách vở, báo chí, thời trang, hình tượng, phim ảnh, nghệ thuật… càng là trái cấm càng quyến rũ mãnh liệt. Đàng khác, con người lại có tật xấu là mau nản, dễ đầu hàng: một lần thất bại là chúng ta mang mặc cảm và không muốn chỗi dậy nữa, buông xuôi.

Tóm lại, thật nhiều và rất nhiều hình thức lôi kéo, thúc đẩy, xúi giục chúng ta tìm con đường thênh thang, dễ dãi, ngại khó, sợ khổ, tránh con đường hẹp. Vì thế, chúng ta phải luôn nhớ bài học của Tin Mừng hôm nay: phải đi vào con đường hẹp, phải phấn đấu hết mình để vào cửa hẹp. Cũng như tất cả chúng ta đều biết bài học: “Nước chảy đá mòn”, “Kiến tha lâu đầy tổ”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, thì trên phạm vi siêu nhiên cũng thế, Chúa đã nói: “Ai muốn theo Tôi, hãy vác thập giá mình hàng ngày mà theo”. “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”. Cũng vậy, nếu ở đời “Có khó mới có miếng ăn”. “Không có hạnh phúc nào có thể đạt được một cách dễ dàng”, thì hạnh phúc nước trời đòi hỏi chúng ta phải chịu khó gấp bội mới chiếm được.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tìm kiếm những giá trị thuộc về Nước Trời. Amen.

home Mục lục Lưu trữ