Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1355558

Điều Luật Mới Được Ghi Khắc Trong Trái Tim...

Điều Luật mới được ghi khắc trong trái tim nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần


“Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng”

“Chúa Giêsu ngồi đó như vị Môisen vĩ đại, Đấng nới rộng Giao Ước đến mọi chư dân…. Trong tương lai, điều quan trọng không tùy thuộc vào nguồn gốc, nhưng là do hành động lắng nghe và bước theo. Mỗi người có thể trở thành môn đệ; ơn gọi này dành cho mọi người: chính trên nền tảng lắng nghe Lời Chúa mà một Israel rộng lớn được hình thành--một Israel được canh tân, không loại trừ hay xóa bỏ Israel cũ, nhưng bung ra mở rộng cho mọi người. (Đức Giêsu Thành Nadarét của ĐGH Benedict XVI)

Phần này được tóm tắt từ chương bảy của The Human Person According to John Paul II

Tám Mối Phúc Thật là bài giảng then chốt của Bài giảng trên núi và đời sống luân lý mà Bài giảng trên núi đòi hỏi không phải là một luật ép buộc từ bên ngoài--làm điều này và tránh điều kia như là một bổn phận. Nếu nó chỉ là luật phải tuân giữ thì chỉ có một số người rất nhỏ có thể thi hành được nó và dù họ có làm được nó, những cách thi hành ấy không có sức để biến đổi trái tim con người.

Điều Luật mới của Chúa Giêsu được ghi khắc trong trái tim nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Con đường của Nước Trời phải đi vào nơi thẳm sâu của trái tim, thánh hóa, và thay đổi con người từ bên trong ra, từ hành vi, tới thái độ, tới tâm khí và cả con người ấy.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước Trời là của họ."
Với sức mạnh và ơn của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể “có tâm hồn nghèo khó” qua ơn kính sợ Thiên Chúa, qua nhân đức trông cậy và tiết độ. (Nhân đức không có nghĩa là thói quen, lặp đi lặp lại cách máy móc, (habits) nhưng là Chúa, qua ơn của Ngài, tạo nên trong chúng ta một hoàn hảo, một khả năng, một sự biến đổi về khả năng của con người để chúng ta có thể hành động tốt.)

Sợ hãi của trần gian làm chúng ta đặt tin tưởng vào phương thế của trần gian.

Bước đầu của việc kính sợ Chúa là sợ hình phạt của Chúa. Tuy là bước đầu, sợ hình phạt của Chúa dẫn chúng ta ra khỏi sự thu hút mãnh liệt của trần gian.

Bước kế tiếp của việc kính sợ Chúa là sợ phạm tội làm mất lòng Chúa. Con người bắt đầu trở nên ít ích kỷ hơn. Chúa Thánh Thần sẽ dần dần giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa thích tình yêu hơn hình phạt. Tội lỗi nay bắt đầu có hình ảnh xấu xí trong chúng ta. Và nếu chúng ta kiên trì, Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta ra khỏi sự kính sợ Chúa vì sợ Chúa phạt, đến kính sợ Chúa như người con thảo, nhận ra nơi Chúa sự tốt lành và rất mực cao sang của Ngài.

Giờ đây, sự sợ hãi của thế gian và những thu hút của nó dần dần được thay thế bằng trông cậy vào Chúa. Với nhân đức tiết độ, chúng ta sẽ có đủ sự khôn ngoan để không hành động cách hấp tấp, trong sợ hãi mà kẻ thù thường dùng để dọa nạt chúng ta, nhưng trông cậy vào Chúa để nghĩ ra một biện pháp sáng tạo hơn. Đây là bước thang dẫn chúng ta đến bậc thứ nhất của Tám Mối Phúc Thật: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước Trời là của họ.” Kẻ nghèo khó nương tựa vào Chúa không chỉ vì bổn phận của luật lệ nhưng vì khi chúng ta gặp cảnh nghèo hèn, khó khăn, Chúa Giêsu đến với chúng ta cách nhiệm mầu trong vực thẳm khó khăn ấy và hỏi chúng ta: “Tại điểm này của đời sống của con, con có tin vào quyền năng của Thầy không?” Kẻ nghèo hèn trông cậy vào Chúa như chúng ta cần không khí để thở.

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.”
Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn đạo đức để chúng ta ngày càng thoát khỏi sự sợ hãi của trần gian và tiến gần đến Thiên Chúa, kính sợ Ngài như một người con thảo. Lợi lộc, tranh giành, cách sống ganh đua của trần gian không còn chiếm số một trong nội tâm của chúng ta nữa và chúng ta được trở nên tiết độ hơn.

Ơn đạo đức giúp chúng ta nhạy cảm hơn về những hoạt động của Chúa Thánh Thần và qua đó chúng ta biết yêu thích Chúa hơn, biết hướng về tình yêu của Chúa cách thực sự và không lợi dụng Chúa hoặc người khác. Chúng ta được ngày càng tự do khỏi sự áp bức của thế gian và biết sống theo nhân đức công bằng.

Kẻ hiền lành không phải là người thụ động, cam chịu số phận cách tiêu cực. Kẻ hiền lành có thể đứng vững trước bạo lực vì họ đã thấy và hiểu nhiều. Họ nhận ra được quyền năng của Thiên Chúa giữa thế gian. “Người chậm giận thì hơn trang hào kiệt, người tự chủ hơn kẻ chiếm được thành.” (Huấn ca 16,32) Họ nhận ra rằng dầu kẻ tham lam được thịnh vượng, “nhưng Chúa cười nhạo nó, vì thấy nó đã đến ngày tàn.” (TV 37, 13)

“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.”
Người được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần được nhận ơn thánh hóa. Họ nhận ra trong thâm tâm họ, một đời sống mới đến với họ từ Thiên Chúa. Họ đến với Chúa không như một vị thầm phán khắc nghiệt hoặc một ông thần mà họ muốn gì là thần phải ban cho. Người tin vào Chúa đón nhận cuộc sống mỗi một ngày với niềm tin tưởng. Lòng tin tưởng vào sự tốt lành và quyền năng của Chúa không lay chuyển ngay cả khi hoàn cảnh đầy khó khăn và sầu khổ. Với ơn Chúa Thánh Thần, họ không giao tiếp với người khác để được hưởng lộc. Họ ước muốn mọi người đón nhận sự tốt lành của Thiên Chúa hơn. Họ sầu khổ vì họ ước mong danh Chúa được biết mọi nơi, bởi mọi người. Họ than khóc vì những tháng ngày họ đã thờ lạy những giá trị của trần gian và không nhận ra Chúa. Sự than khóc này, thay vì làm họ khô héo, giúp họ đặt niềm tin tưởng vào đá tảng vững chắc và giúp họ nhận định giá trị của đời này cách đúng đắn hơn. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, họ nhận ra điều đáng tin và điều không nên tin. Thay vì chạy theo các ngôi sao của màn ảnh, họ đặt niềm tin vào những điều đức tin đã dạy và có sức hiểu những kiến thức của Nước Trời. “Mọi hành động của Ngài, con nhẩm đi nhắc lại, sự nghiệp Ngài, con sẽ gẫm suy. Lạy Thiên Chúa, đường lối Ngài quả là thánh thiện, có thần nào cao cả như Thiên Chúa?” (TV 77,12-13)

“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.”
Người tin vào Chúa đói khát không vì thiếu ăn. Họ từ chối để được thỏa mãn bởi bất cứ điều gì không phải từ Chúa và kém hơn Ngài với ơn can đảm. Nhờ có tinh thần khó nghèo, họ biết kiên nhẫn chờ đợi ân sủng của Chúa và không chịu đầu hàng bằng cách thay thế sự đói khát này bằng những gì mau qua.

Để phục vụ điều tốt thực, họ cố gắng đối phó với những ao ước của con người bằng cách cung cấp cho sự cần thiết hằng ngày cách liêm chính. Họ sẽ không đổ tội người khác vì sự thiếu thốn của mình. Họ không tham dự bữa tiệc với trí óc rối quẫn để cố gằng tìm ra ai là người uy thế trong đám đông ấy.

“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”
Người xót thương kẻ khác, được thương xót không vì những hành động từ thiện biệt lập. Ơn biết dự định của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hành động với khôn ngoan. Ơn biết dự định giúp chúng ta cải tiến và đặt hành động mình trên một động lực tối thượng nhất. Chúng ta thường hành động với những động cơ làm chúng ta ray rứt. Những sự ray rứt mà thường trá hình là “xem xét lương tâm” để tự biện hộ mình không phải là từ Chúa Thánh Thần. Qua ơn biết dự định, Thiên Chúa linh hứng chúng ta đến một lòng xót thương mà sẽ giúp chúng ta vượt lên khỏi những phản ứng đầu tiên và làm mọi sự theo sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Những hành động xót thương mà chúng ta làm cho người khác vì Chúa Giêsu, dù nhỏ mọn và khiêm nhường, là chìa khóa mở cửa lòng chúng ta đón nhận lòng thương xót của Chúa.

Lòng xót thương không phải là một hành động yếu đuối. Nó là cách trả lời cứng cáp nhất trước mặt sự dữ, đối diện [với sự dữ] cách trung thực và xét đoán nó cách rõ ràng. Nó là quyền lực duy nhất có thể đối mặt với sự dữ mà không chùn bước, vì nó biết một quyền năng mạnh mẽ hơn cả sự dữ, quyền năng của Lời Chúa, trên Lời ấy, lời hứa của sự sáng tạo vẫn đứng vững, và trên Lời ấy, hạt giống của sự sáng tạo của thế giới mới được nảy mầm.

“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”
Người có tâm hồn trong sạch không vì những gì họ đã quay lưng từ chối nhưng tâm hồn họ được trong sạch nhờ Đấng mà họ đã hướng lòng mình: “Người có tâm hồn trong sạch thấy Chúa vì họ đã chuyển ánh mắt mình từ mọi sự khác để nhìn Chúa.”

“Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Bình an không là sự phủ nhận hoặc trốn tránh những đau thương của thế giới. Bình an không phải là một sự hy vọng trong thanh bình, tránh những tranh luận, bàn cãi, hoặc sự thụ động trước hoàn cảnh của thế giới. Sự bình an phát ra từ tình yêu là một trầm lặng của một người tham dự vào những biến cố của thế gian nhưng với sự xét đoán của Thiên Chúa. Người thần thánh không tìm bình an không vì họ bị cản trở bởi sư thiếu bình an. Một kiên quyết nổi lên trong họ để làm cho thế giới có trật tự ngay thẳng bằng cách tham dự vào đời sống của Người Con. Sự kiên quyết này phát xuất từ cây thập tự: “Bình an được rèn nên từ cây thập giá.”

Ha-lê-lui-a !Ca tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi !
Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng CHÚA,
sống bao lâu, nguyện đàn ca kính Chúa Trời.
Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế,
nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.
Họ tắt hơi là trở về cát bụi,
dự định bao điều : ngày ấy tiêu tan.
5Phúc thay người được Chúa Trời nhà Gia-cóp phù hộ
và cậy trông CHÚA, Thiên Chúa họ thờ.
Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi
cùng muôn loài trong đó.
Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời,
xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
CHÚA giải phóng những ai tù tội,
CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà.
CHÚA cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
CHÚA yêu chuộng những người công chính.
CHÚA phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.
CHÚA nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.
(Thánh vịnh 146)

home Mục lục Lưu trữ