Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 63
Tổng truy cập: 1362291
ĐỊNH KIẾN
ĐỊNH KIẾN Lm Nguyễn Minh Hùng
Vui mừng trước thất bại của người khác, khổ sở khi người khác thành công. Chuyện không lạ gì trong nhân gian. Sẵn một định kiến không hay về Chúa Giêsu, người Do thái, đúng hơn, những người lãnh đạo tôn giáo và chính quyền Do thái luôn luôn có sẵn một cái nhìn, một lối nghĩ, nặng nề hơn: một não trạng đi từ thù ghét đến chống đối, và sau cùng là kết án Chúa Giêsu, và những ai có liên quan với Người, bất chấp tất cả, dù đó là lời nói hay, hành vi tốt, điều có lợi, việc cứu sống...
Bài Tin Mừng hôm nay là một trong rất nhiều những bằng chứng tố giác định kiến hẹp hòi, bất nhân ấy. Một người mù từ khi mới sinh, được Chúa Giêsu chữa cho sáng mắt, lại bị đuổi ra khỏi hội đường vì lý do: "Mày sinh ra trong tội". Thực ra anh ta chẳng làm gì nên tội, chỉ là người được chữa lành bệnh trong ngày Sabat, ngày lễ nghỉ của người Do thái. Thế là bị kết tội vi phạm ngày lễ nghỉ.
Dấu lạ sáng mắt của anh -- điều mà từ thủơ mới sinh, anh không thể có được. Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, anh đã phải chịu cảnh tối tăm, chắc chắn đã làm cho cha mẹ anh rất đau buồn. Lớn lên ý thức thân phận khiếm khuyết của mình, chắc anh cũng mang mặc cảm, và ước mơ được nhìn thấy. Lẽ ra dấu lạ được sáng mắt ấy, phải là một tin mừng, một niềm vui trọng đại cho tất cả những ai biết anh, những ai đã từng thấy anh phải đi ăn xin, và mạnh hơn nữa: những ai đã từng rút tiền cho anh. Lẽ ra dấu lạ kỳ diệu ấy phải được mọi người ca tụng và truyền cho nhau như một huyền nhiệm mà người bình thường không làm nỗi. Bằng chứng là từ thuở anh mới sinh cho đến bây giờ, chưa có ai, dù một mảy may, có thể giúp anh thấy được, dẫu chỉ là một cái nháy mắt. Lẽ ra sau dấu lạ được sáng mắt này, anh phải được mọi người chúc mừng mới đúng. Nhưng hoàn toàn ngược lại, dấu lạ mà mọi người thời đó không ai dám nghĩ tới, lại bị coi là một hành động tội lỗi, kết quả được sáng mắt lại bị coi là kết quả của tội. Còn Đấng đã chữa anh khỏi mù, Đức Giêsu, hơn cả những thầy thuốc lúc bấy giờ (đã không chữa được cho anh), lại bị coi là một kẻ tội lỗi. Họ nói về Chúa Giêsu thế này: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa. Chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi".
Chúng ta tự hỏi, tội lỗi có thể cho kết quả tốt không? Và hành vi tội lỗi của người này có thể bù đắp được khiếm khuyết của người kia sao? Chúa Giêsu trả lại hạnh phúc cho một người đau nỗi đau khiếm khuyết hạnh phúc ngay từ khi chưa biết nói, biết cười, đến khi bước vào tuổi trưởng thành, thì hành vi hoàn trả ấy lại là đứa con của tội lỗi sao?
Đáng thương cho những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thay vì Chúa Giêsu trở nên chốn nương tựa cho niềm tin của họ vào Thiên Chúa, nhưng bởi đã nuôi sẵn trong tim, trong óc mình một định kiến ganh tỵ, thù ghét và chống đối, một định kiến ảo tưởng chỉ có bản thân mình mới có quyền vượt lên trên người khác, đã làm cho họ hoàn toàn đui mù. Cái mù đôi mắt, dù là một nỗi bất hạnh, nhưng không đáng sợ bằng cái mù tâm hồn. Đui mù tâm hồn làm cho người ta chỉ biết dừng lại trên chính mình và loại trừ người khác. Đui mù tâm hồn đưa người ta đến chỗ kết án anh em mà quên kiểm tra mình. Đui mù tâm hồn làm cho người ta không nhìn thấy gì hết mà chỉ sống ảo tưởng: Mình là trên, là nhất, còn mọi người xung quanh, dẫu có tốt đến đâu, cũng chỉ là sản phẩm của tội, của cái xấu.
Đáng thương cho những người Do thái thời Chúa Giêsu. Bởi khi gán cho anh chị em mình bản án tội lỗi, mặc nhiên họ nhìn nhận bản thân họ vô tội. Nhưng những người "vô tội" như họ sao không làm nổi một dấu lạ, dẫu là một dấu lạ nhỏ nhất, còn những người bị kết án là tội lỗi lại làm nên một dấu lạ phi thường và được thừa hưởng kết quả tuyệt vời của dấu lạ ấy? Đâu phải họ không nhận ra điều đó. Thánh Gioan cho biết: "họ bất đồng ý kiến" vì một câu hỏi được nảy sinh: "Làm sao người tội lỗi lại có thể làm được những phép lạ thể ấy?". Giá mà họ tận dụng lời hỏi này như một lời tra vấn lương tâm, có lẽ họ đã thay đổi não trạng. Nhưng đáng thương và cũng đáng tiếc cho những người lãnh đạo Do thái thời đó, bởi điều ấy đã không xảy ra. Sẵn một định kiến xấu xa quá lớn về Chúa Giêsu, làm cho họ đui mù hoàn toàn. Một sự đui mù quá nguy hiểm.
Nhưng cũng đáng thương và đáng sợ vô cùng cho cả tôi và bạn, nếu chúng ta cũng có sẵn một định kiến nào đó không hay cho anh chị em mình. Xã hội đã có quá nhiều những định kiến như thế. Một người đã từng vướng vào tội ăn trộm, suốt đời anh ta chỉ là một tên ăn trộm. Một cô gái lỡ lầm ngã vào con đường buôn son, bán phấn, suốt đời cô trở thành nạn nhân của những lời dè pha không dứt. Một người vừa ra khỏi tù, gõ hết cửa nghề nghiệp này, đến cửa nghề nghiệp khác, không ai dám đón nhận. Một người lỡ sa vào nghiện ngập hay lỡ mắc bệnh AIDS, thay vì được thông cảm, suốt đời người ấy bị nhìn bằng ánh mắt tầm thường, khi dễ… Bởi đó, thay vì anh chị em của ta có thể nên tốt thì do định kiến của mọi người, đẩy họ rơi vào những hoàn cảnh còn bi đát hơn. Khi mang sẵn một định kiến xấu cho anh chị em, dẫu không ai mời ta làm quan án, ta trở thành quan án bất công.
Chúa Giêsu không bao giờ có sẵn một định kiến như thế. Chúa sẵn sàng quên hết lỗi của chị phụ nữ có sáu đời chồng mà Người gặp bên bờ giếng Giacop, và cũng y như thế đối với người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang. Giọt nước mắt sámhối của cô Maria đổ trên chân Chúa Giêsu, đã làm cho Chúa ngay lập tức không còn nhớ đến tội của cô. Mãi mãi không ai nghe thấy Chúa nhắc tới sự tranh giành quyền lực của hai anh em Giacôbê và Gioan. Chúa cũng không bao giờ truất quyền làm giáo hoàng của Phêrô, vì nông nổi mà chối Thầy đến ba lần chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Chúa cũng không bao giờ mở lời trách móc Giuda nặng nề: "Mày sinh ra trong tội", như người Do thái lên án anh mù, dẫu Chúa Giêsu có quyền làm điều đó, vì Chúa là Chúa và Giuda phạm tội tày trời: đan tâm bán đứng Thầy mình. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho những kẻ nhẫn tâm giết mình: "Xin Cha tha cho họ...". Và Chúa cũng không bao giờ có sẵn một định kiến hẹp hòi nào đối với chính chúng ta. Trong đời bạn và tôi, có bao nhiêu lần đi xưng tội, là bấy nhiêu lần Chúa quyên tội ta, quên tất!...
Mùa chay là mùa ăn năn sám hối. Hãy bắt đầu ăn năn sám hối bằng sự nhìn nhận và tin tưởng anh chị em quanh mình. Hãy gở bỏ cái mặt nạ xấu xa vô hình mà ta đã dán lên cuộc đời của một ai đó. Hãy xóa đi những định kiến xấu trong lòng ta.
Bạn và tôi hãy nên giống Chúa Giêsu!.
49.Ánh sáng đức tin
Một trong những nỗi khổ của con người là không được nhìn thấy mọi sinh vật xung quanh. Có người từ khi mới sinh ra đã phải chịu sống trong cảnh tối tăm, mù mịt. Người khác thì trong quá trình sống do tai nạn hay căn bệnh gì đó làm cho họ mãi mãi không nhìn thấy nữa. Quả thật là một nỗi bất hạnh. Dầu vậy, nỗi bất hạnh đó rồi cũng có ngày qua đi. Cách riêng với với người công giáo thì chúng ta tin rằng căn bệnh mù đức tin mới thật là bất hạnh lớn nhất.
Nếu như tuần trước Chúa Giêsu mang đến cho ta nguồn nước hằng sống thì hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục mạc khải chính Người là Đấng mang đến cho chúng ta ánh sáng đức tin.
Nhờ có ánh sáng đức tin mà chúng ta sẽ có được cái nhìn đức tin. Chính cái nhìn đức tin đó sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn theo cái nhìn của Chúa. Cái nhìn của Chúa không theo dáng vẻ bên ngoài mà nhìn tận sâu thẳm đáy lòng người - cái nhìn của tình thương.
Bài đọc 1 cho thấy Thiên Chúa sai tiên tri Samuel đến chọn một người thay thế cho vua Saolê. Khi thấy Êliap với tướng người khôi ngô tuấn tú, tiên tri nghĩ đây chính là người Thiên Chúa chọn. Thế nhưng, Thiên Chúa phán cùng tiên tri: " Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ nhìn thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa nhìn thấy tận đáy lòng ". (1Sm 16, 7). Kế đến, Thiên Chúa đã chỉ cho tiên tri chọn Đavit là người con út của ông Giêsê.
Bước sang bài Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đem đến anh mù từ thuở mới sinh ánh sáng. Từ ánh sáng tự nhiên Chúa Giêsu đã cho anh được ánh sáng quý báu hơn là ánh sáng đức tin. Chúa Giêsu đã nhìn tận đáy lòng anh. Đang khi đó người Do thái ngay cả các Tông đồ nghĩ rằng do tội của anh hay của cha mẹ mà anh nên mù lòa như thế. Sau khi đã chữa lành cho anh " Chúa Giêsu hỏi: Anh có tin vào Con Người không? Anh đáp: Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin? Đức Giê-su trả lời: Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây. Anh nói: Thưa Ngài, tôi tin. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người " (Ga 9, 35b - 38).
Qua câu trả lời và cử chỉ sấp mình của anh, chúng ta thấy anh đã thật sự tin vào Chúa Giêsu. Anh tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đem đến cho anh ơn cứu độ. Như thế, Thiên Chúa biết chúng ta cần thấy những gì. Đặc biệt là những gì đem đến ơn cứu độ cho ta.
" Chuyện người thì sáng còn chuyện mình thì oán ". Đó là thái độ của những người không biết mình và không chấp nhận sự thật về mình. Thái độ và cách sống ấy thật nguy hiểm hơn trong cái nhìn đức tin. Chỉ khi nào nhìn ra được mình là thụ tạo yếu đuối, mỏng dòn và tội lỗi trước mặt Chúa thì chúng ta mới thật sự tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào Chúa. Cũng thế, khi đó chúng ta mới có thể thông cảm và khiêm tốn trước anh chị em mình.
50.Mù loà và mù quáng – Lm Trần Ngà.
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)
Ngày xưa ở Ấn Độ, có một vị vua muốn tìm trò tiêu khiển, bèn nảy ra ý tưởng như sau: Vua cho quân lính đi lùng kiếm năm người mù bẩm sinh chưa hề biết con voi là gì để đưa về triều làm trò tiêu khiển. Rồi vua cho đưa đến một con voi khổng lồ và bảo năm anh mù:
Các ngươi chưa hề biết voi là gì thì hôm nay Trẫm sẽ cho các ngươi được biết. Các ngươi hãy tiến lại sờ voi rồi mô tả cho Trẫm và quần thần quanh đây biết hình hài con voi ra sao. Ai mô tả đúng nhất sẽ được trọng thưởng.
Sau một hồi sờ voi, anh thứ nhất tâu:
- Tâu bệ hạ! Con voi giống y như cột nhà! Đó là người sờ trúng chân voi.
Anh thứ hai thưa:
- Voi giống như cái quạt lớn. Đó là người sờ trúng tai voi.
- Voi giống như một khúc rễ cây ngoằn ngoèo! (đó là mô tả của anh sờ trúng vòi voi).
- Voi giống như một tảng đá lớn, tròn tròn! (đó là phát biểu của người sờ trúng bụng voi)
Anh thứ năm cho rằng bốn anh kia đều sai bét, và phần thưởng chắc chắn thuộc về mình. Anh đắc chí tâu:
- Lâu nay hạ thần tưởng rằng voi là con vật to ghê lắm. Nào ngờ giờ đây chính tay hạ thần sờ thấy voi chỉ giống như cái chổi cùn! (vì anh sờ trúng đuôi voi).
Anh nào cũng hăng say và quyết liệt bênh vực ý kiến của mình, cho rằng duy chỉ có mình là đúng và những người khác đều sai. Họ tranh cãi nhau kịch liệt. Người nầy chê trách người khác là ngu, là mù, là dốt nát! Rốt cuộc, chẳng ai chịu thua ai, cả năm người nổi khùng lên, xông vào đấm đá nhau hung tợn, máu mồm máu mũi trào ra thảm hại...
Trong khi đó nhà vua và triều thần ôm bụng cười ngặt nghẽo! Cười cho sự mù quáng đáng thương.
Cả năm anh mù nầy đều thuộc diện mù loà bẩm sinh, nhưng đồng thời cũng là những người mù quáng nặng nề.
Người mù quáng chỉ biết một phần mà cứ tưởng rằng mình biết toàn bộ, chỉ mới am tường một khía cạnh mà cho là mình đã quán triệt hoàn toàn... và cho rằng những ai không suy nghĩ như mình, không cùng quan điểm với mình, không phát biểu như mình là sai lạc. Họ không hề chấp nhận ý kiến người khác, hoặc tìm cách triệt hạ người bất đồng quan điểm với mình.
Đây là căn bệnh tinh thần rất phổ biến trong xã hội loài người suốt dòng lịch sử và đã gây nhiều đổ vỡ đau thương cho nhân loại.
Những người biệt phái được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thuộc hạng người mù quáng. Mắt các ông tuy sáng nhưng tâm hồn hoàn toàn mù tối. Các ông đã từng nghe lời Chúa Giêsu dạy, từng thấy phép lạ Chúa Giêsu làm và một trong các phép lạ ấy là việc chữa lành người mù bẩm sinh đang xảy ra sờ sờ trước mắt. Vậy mà các ông vẫn không nhìn nhận Ngài do Thiên Chúa mà đến, lại còn nhẫn tâm trục xuất người mù vừa được Chúa Giêsu chữa lành ra khỏi cộng đồng chỉ vì người nầy không cùng quan điểm với các ông, không chối bỏ sự thật như các ông...
Đọc Kinh Thánh, ta thấy lòng ghen tị của Ca-in đã làm cho anh trở nên mù quáng, mù quáng đến độ ra tay giết hại A-ben là đứa em hoàn toàn vô tội chỉ vì lễ vật của A-ben đẹp lòng Thiên Chúa.
Lòng ghen tị cũng đã làm cho vua Sao-lê trở thành mù quáng. Ban đầu vua rất yêu thương Đavít, xem Đavít như con. Nhưng khi Đavít giết được tướng giặc khổng lồ Gô-li-át, dân chúng hoan hô ca ngợi Đavít còn hơn vua, nên vua đâm ra ghen tức, lòng trí hoá ra mù quáng khiến vua săn lùng Đavít như một ác thú tận thâm sơn cùng cốc, tìm mọi cách giết hại vị anh hùng tài ba dũng cảm nầy.
Đến lượt Đavít, khi được lên ngôi vua, cũng trở nên mù quáng vì tình dục. Do say đắm sắc đẹp của bà Bát-sa-bê, vợ của U-ri-a, nhà vua đã sa ngã phạm tội với bà, sau đó lại tìm cách giết U-ri-a chồng bà và rồi chính thức cưới bà ấy làm vợ. Mù quáng đến thế thì thật là khủng khiếp!
Như thế, người mù quáng tự làm cho mình bị suy thoái nghiêm trọng, trở thành người xấu xa và gây thiệt hại khôn lường cho người khác.
Ngoài ra, điều tệ hại nhất là người mù quáng ít khi tự thấy được sự mù quáng của mình, không nhận ra lầm lỗi của mình, kể cả những tội tày trời, nên ngày càng lún sâu trong tội, vô phương cứu chữa!
* * *
Lạy Chúa Giêsu, như những người biệt phái xưa, con là người mù quáng cần được Chúa xót thương.
Xin thương mở mắt tâm hồn con như Chúa đã mở mắt người mù bẩm sinh được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay để con được thoát khỏi tối tăm lầm lạc và được hoan hỉ bước đi trong ánh sáng Tin Mừng.
51.Ai mù? Ai sáng? – R. Veritas
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong tập truyện có tựa đề: “Một trăm lẻ một giai thoại về Thiền”, tác giả Xen-da-ki có ghi lại câu chuyện sau đây:
Thời xa xưa, mỗi lần ra khỏi nhà trong đêm tối, người Nhật Bản thường dùng những chiếc lồng đèn. Một đêm kia, một người mù đến thăm một người bạn. Lúc ra về thấy người mù đi hai tay không người bạn mới lấy một chiếc lồng đèn trao cho anh ta. Nhưng người mù từ chối và hỏi:
- Đối với một người mù như tôi thì cầm chiếc lồng đèn để làm gì? Bóng đêm hay ánh sáng đối với tôi đều như nhau cả.
Người bạn trả lời:
- Tôi vẫn biết rằng anh không cần lồng đèn để soi đường. Nhưng nếu anh không cầm trong tay thì kẻ khác sẽ không thấy anh và như vậy có thể sẽ đụng vào anh.
Nghe thế, người mù đành cầm lấy lồng đèn ra về. Đi được một đoạn đường, người mù bị một kẻ đi đường tông vào mình. Không tự chế được, người mù quát tháo inh ỏi:
- Bộ đui sao? Không thầy chiếc lồng đèn tôi đang cầm đây sao?
Người kia bình tĩnh phân trần:
- Này ông bạn, ông bạn đang cầm lồng đèn. Nhưng ngọn đèn bên trong đã tắt rồi.
Thế là người mù cầm đèn cũng không thấy đường. Còn người sáng mắt lại không thấy đèn của người mù. Vậy ai mới thật là người mù?
Thưa anh chị em,
Người mù là người đáng thương nhất. Người ấy sáng trong tăm tối và như bị giam trong tù ngục: không thấy đường đi, nơi ở, không thấy trời cao, cảnh đẹp, không thấy người mình yêu thương… Nhưng khổ hơn nữa là mù tinh thần: Sống mà không biết cuộc sống sẽ đi về đâu? Tại sao phải sống? Sống cho ai và sống để làm gì?
Chúa Giêsu đã nói, sau khi người mù được thấy “Tôi đến thế gian để cho người không xem thấy được thấy và kẻ thấy lại nên đui mù”. Chúa Giêsu đã làm cho người mù được thấy. Ngài không chỉ tái lập người mù trong thế giới của giác quan mà còn đưa anh ta vào thế giới của niềm tin. Anh không chỉ thấy bằng mắt mà còn thấy bằng cặp mắt đức tin. Đức tin là một giác quan mới mà Thiên Chúa ban cho con người, nhờ đó con người có thể thấy được những thực tại vô hình, thấy được Thiên Chúa trong Đức Giêsu, thấy được sự sống, ánh sáng bên kia những mất mát, thất bại, khổ đau trong cuộc sống.
Chúa Kitô là ánh sáng cho trần gian. Ngài đến để soi sáng cho mọi người được nhận biết Thiên Chúa là tình thương cứu độ. Ngài đem ánh sáng đến cho đôi mắt của anh mù, đem ánh sáng đức tin đến cho anh để anh vừa được thấy Chúa và nhận được Ngài là Đức Kitô, là Chúa Cứu Thế. Ngược lại, những người Biệt Phái Pharisiêu, mắt vẫn mở và trông thấy Chúa Giêsu tỏ tường, nhưng lòng họ vẫn đóng kín, không nhận ra Chúa trong tình thương cứu chữa. Họ đã từ khước ánh sáng, không tin nhận Đức Kitô. Thì ra họ mở mắt mà không thấy. Thầy mà như mù. Được nghe lời Chúa giảng dạy, được chứng kiến các việc Chúa làm mà vẫn cố chấp không tin Ngài, đó là một tình trạng mù tinh thần, chính Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh cáo họ: “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn!”.
Thưa anh chị em,
Điều kiện tiên quyết cho những ai muốn bước đi trong ánh sáng, đó là phải nhận biết bóng tối mùa lòa của chính mình. Chỉ những ai biết mình mù tối mới khát khao sự sáng và mới chân thành đón nhận ánh sáng. Ai đã thấy Chúa Kitô, đã biết Ngài mà không đón nhận và hiệp thông với Ngài, thì thực sự là chưa thấy, chưa biết Ngài. Do đó, vẫn đi trong tối tăm. Ngược lại, ai đã tin, đã đón nhận và hiệp thông với Chúa Kitô là đã đi trong ánh sáng.
Trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô đã nhắc chúng ta điều đó khi ngài nói: “Trước kia, khi chưa lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta chưa biết Chúa Kitô, chưa tin nhận Chúa Kitô. Chúng ta còn tối tăm. Nhưng ngày nay, qua bí tích Rửa Tội trong Chúa Kitô, chúng ta đã thuộc về ánh sáng, đã là ánh sáng rồi. Vì vậy chúng ta phải đi trong ánh sáng, phải làm những việc tốt lành, công chính, chân thật, bác ái. Ngài kêu gọi những ai còn ngủ mê trong tối tăm tội lỗi, hãy tỉnh thức, hãy ra khỏi cõi chết để được ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh chiếu soi” (x. Ep 5,8-14).
Như thế, sống tinh thần Mùa Chay là bước đi trong ánh sáng của Chúa Kitô, là làm bừng sáng lên ánh sáng của Tin Mừng trong cuộc đời chúng ta bằng những hành động cụ thể thiết thực, như Ngôn sứ Isaia đã kêu gọi chúng ta ngay từ đầu Mùa Chay: “Hãy xóa bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi thứ gông cùm, chia cơm bánh cho người đó, tiếp rước kẻ phiêu bạt không nhà, cung cấp áo quần cho ai rách nát, không né tránh trước đồng bào cốt nhục… Lúc đó, ánh sáng của anh em sẽ bừng lên như hừng đông” (Is 58,6-8).
Bởi vì, thưa anh chị em,
Tin vào Chúa Giêsu, như anh mù được chữa lành trong Tin Mừng hôm nay là phải gắn liền đời mình với việc làm chứng cho Ngài, là phải đồng số phận với Ngài. Anh mù bị lôi ra để điều tra xét hỏi, bị xỉ vả, nhục mạ, nhưng anh đã đứng về phía Chúa Giêsu và trở thành người làm chứng cho Ngài, kể cả bị loại bỏ khỏi Hội đường Do Thái giáo. Bằng mọi giá, anh luôn trung thực với lời chứng của anh, đó là: “Đức Giêsu là người bởi Thiên Chúa mà đến”.
Cho thấy, anh mù là người đã được thấy sự thật và làm chứng cho sự thật. Còn những người Biệt Phái Pharisiêu là những người có mắt mà không thấy. Họ mới thật là những người mù.
Anh chị em thân mến,
Hãy cảm tạ Chúa, vì Ngài đã ban cho chúng ta đôi mắt sáng suốt của đức tin, nhờ đó chúng ta biết được ý nghĩa của cuộc đời, thấy được con đường chúng ta phải đi và những việc chúng ta phải làm để đạt đến hạnh phúc thật. Vì Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là Ánh Sáng trần gian. Ai theo Thầy sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có Ánh Sáng dẫn đến cõi trường sinh” (Ga 8,12).
52.Chúa chữa người mù – Lm. Trần Tân
Những bài đọc và nội dung của Thánh kinh Chúa Nhật thứ 4 mùa Chay chu kỳ năm A quá phong phú và chuyển tải nhiều thông điệp. Chúng ta chỉ khai triển vài khía cạnh của các thông điệp ấy. Những bài đọc này được Giáo hội Mỹ ưa chuộng và khai thác đặc biệt trong các giáo án dành cho các lớp dự tòng.
Nếu chỉ đọc thoáng qua, ta không thấy những móc xích liền lạc như cầu nối, nối kết nội dung cả 3 bài đọc lại với nhau. Nội dung chính là về ánh sáng. Ánh sáng là yếu tố cần thiết để các sinh vật tồn tại và phát triển. Ánh sáng cần thiết để ta nhìn rõ sự việc, để thẩm định chính xác vấn đề, để đạt tới quyết định đúng đắn, và qua đó sinh hiệu qủa phong phú.
Qua bài sách thánh tiên tri Samuel, tất cả chúng ta cảm thấy được rất an ủi vì Chúa là đấng thấu rõ tâm can con người. Ai cũng có nhiều ít khuyết điểm hay những mặc cảm trong cuộc sống. Có người buồn vì kém thông minh. Có người buồn vì cánh cửa cuộc đởi mình đóng lại, thiếu vắng cơ hội tốt. Có người buồn vì vóc dáng không sáng sủa. Có người buồn vì nhìn đã sáng sủa nhưng chiều cao lại khiêm tốn. Rất nhiều nỗi niềm và rất nhiều mặc cảm khác... Qua bài đọc này tại sao ta được an ủi? Vì Chúa là Đấng có cái nhìn thấu suốt. Chúa đọc được tâm can con người và thấu suốt nỗi lòng cũng như thiện chí của ta. Câu truyện Chúa thúc giục và hướng dẫn Samuel lựa chọn xức dầu phong vương 1 trong các con của Jesse là bằng chứng. Cả vị tiên tri cũng lầm tưởng khi được sai đến xức dầu ngưòi Chúa tuyển chọn. Ông đã tự nghĩ và phán quyết theo lối nhìn tự nhiên...chọn người có tướng tá, chọn nhân vật ra vẻ vóc dáng. Chúa đâ giáo huấn chính vị tiên tri và các người khác rằng đường lối của Chúa khác của người ta. Chúa không nhìn theo sự thẩm định hời hợt ngoại diện, theo vỏ bề ngoài, nhưng đạt thấu tâm can, đi vào đúng nội tâm con người. Chúa chính là nguồn sáng và là Đấng ban phát ánh sáng hiểu biết.
Trong giáo huấn cho giáo đoàn Ê phê sô, thánh Phaolô đã nhắn nhủ, đào sâu khía cạnh ánh sáng và bóng tối. Khi chưa nhận biết Chúa, chúng ta là con cái sự tối tăm và buớc đi trong bóng tối; một khi đã nhận biết, và có Thiên Chúa trong cuộc đời rồi, ta phải sống và hành xử như con cái sự sáng. Ở đây có một chi tiết liên quan đến tu đức của bí tích giải tội. Thánh Phaolô nói ta phải moi móc, phơi bày những việc làm cũ của sự tăm tối ra. Cũng như ánh nắng tia sáng mặt trời sẽ biến đổi và sàng lọc nước thải đá bị ô uế (sanitary field/pool) để biến thành lành mạnh tốt đẹp, ta cũng phải mạnh dạn phô bày những việc làm của tăm tối và tội lỗi để được ơn Chúa và Nguồn Sáng thanh lọc. Phaolô hiểu rõ tâm lý ngại ngùng và khó khăn của vấn đề: dù có ngại, có xấu hổ để ôn lại ký ức, để duyệt xét lại tội lỗi tâm linh, thì đó là việc làm rất cần thiết. Mọi việc khi đưọc phơi bày sẽ hiển lộ; khi đã hiển lộ sẽ là chính ánh sáng, là thiện hảo.
Câu truyện dài với nhiều chi tiết ly kỳ về việc Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh, là trọng điểm Thánh kinh hôm nay. Nói đến ngũ giác con người, ta phải đồng ý rằng giác quan nào cũng quan trọng và đặc biệt, để giúp chúng ta sống phong phú đúng đời sống con người. Thính giác và thị giác còn là những giác quan đặc biệt hơn của sinh vật cao cấp. Ngoài công dụng thiết yếu cho nhu cầu bảo tồn đời sống, "thính & thị" còn cho ta cơ hội học hỏi, thưởng thúc sự phong phú của nghệ thuật, làm con người trổi vượt và tiến bộ vô cùng giữa muôn ngàn sinh vật. Thời nay chúng ta nghe nhiều về phương pháp thính thị (audio & video). Audio và Video là 2 động từ Latinh nghĩa đen là "tôi nghe", "tôi thấy"
Bị mù lòa là sự thiệt hại và mất mát vô cùng to lớn. Theo quan niệm người xưa trong thánh kinh, mù loà cũng như nhiều bệnh hoạn ghê gớm khác được gán cho là hậu qủa bị Trời phạt, do chính mình phạm tội hoặc gia đình, tổ tiên phạm tội. Không lạ gì, các môn đệ Chúa hỏi Ngài rằng anh thanh niên bị mù là do tội của anh ta hay của gia đình cha mẹ. Chúa xác định không phải do anh mà cũng không bởi cha mẹ anh, mà chỉ là "cơ hội" cho thiên hạ chung quanh được "xem thấy". Chúa muốn những người có mặt chứng kiến phép lạ sẽ nhìn thấy sự hiện diện và bàn tay Thiên Chúa và mong họ sẽ được mở mắt đức tin.
Sự mù loà thể xác chỉ là diễn tả của một thực tại khác còn khốc liệt hơn, đó là sự mù loà tâm linh. Thị giác con người quá quí hóa. Mất thị giác, con người mất phương tiện lớn lao để học hỏi, để tiến bộ, để thưởng thức, để tồn tại. Cho tới bây giờ khoa học và y học chỉ có thể giúp điều chỉnh thị giác, nếu bị những khuyết điểm như: loà, cận, viễn, loạn...chứ không thể chữa một người mù bẩm sinh để có ánh sáng được. Anh thanh niên mù trong Phúc âm qủa là qúa hạnh phúc. Từ mù lòa tăm tối nay anh được Chúa chạm đến chữa lành và cho được xem thấy. Anh ta qúa đỗi vui mừng tới độ khẳng khái quyết liệt tuyên xưng lòng yêu mến và nể phục tuyệt đối với nhân vật Giêsu. Anh ta không hề sơ sệt e dè những người Do Thái đầy ghen tương và thâm hiểm. Cha mẹ anh ta thì sợ lắm, sợ chuyện "cái miệng vạ cái thân". Vì thế để trả lời người Do thái đang ngang ngược ép cung, cha mẹ anh khéo léo nói rằng: "Cháu nó lớn rồi, các bác cứ nó mà hỏi đi..."
Phúc âm Chúa nhật này đã bắt đầu dàn dựng bối cành cho cuộc thương khó của Chúa Giêsu mà chúng ta sê cử hành trong vài tuần nữa. Các trưởng tế, biệt phái, và viên chức Do thái mưu tính giết luôn cả Chúa Giêsu và người mù đuợc chữa lành này. Vị trí và ảnh hường của các nhóm người này thực sự bị đe dọa. Sự chữa lành người mù là cực kỳ siêu phàm, kéo theo sự thán phục và tin tưởng mãnh liệt nơi quần chúng! Quả thật chưa hề có mà cũng chẳng bao giờ có, dù ở giữa thế kỷ 21 với sự ra đời của computer cao cấp, như một ngã rẽ ngoạn mục của đời sống con người ngày hôm nay.
Mù lòa thể xác chỉ là phản ảnh một thực tại của mù lòa tâm linh. Khi ta không nhìn thấy sự thật khách quan nơi vấn đề hàng ngày là ta đã mù loà hiểu biết, mù lòa tri thức. Khi ta không nhận biết và đánh giá những thực tại tâm linh, là ta đã mù loà đức tin, mù lòa tâm linh. Chúa Giêsu đến để làm chứng về Thiên Chúa Cha và mong cho người ta qua Ngài nhận biết Cha. Chúa Giêsu không cần ta nài xin vẫn tự nguyện chữa lành ta, giúp ta được thấy. Trong nhiều câu truyện chữa lành trong Phúc âm, người ta phải xin rồi Chúa mới chữa cho. Trong trường hợp người mù này, Chúa chủ động đến với người mù và chữa anh ta. Đọc kỹ đoạn Thánh kinh này, ta thấy Ngài muốn chữa để những người khác được "thấy". Nghe thì thật tức cười: chữa mắt mù người này mà có mục đích cho những người khác được "thấy".
Oan nghiệt thay: trước dấu lạ, phép lạ nhãn tiền như vậy, nhóm biệt phái và đầu mục Do Thái lại quyết tâm chối bỏ, cố gây khó dễ, và âm mưu giết cả Giêsu lẫn người mù đã được chữa lành. Đó là chiêu giết người bịt miệng, diệt đối thủ, diệt luôn nhân chứng. Chấp nhận phép lạ này nhóm viên chức Do thái này hiển nhiên chấp nhận tầm ảnh hưỏng quan trọng của ngôi sao đang lên Giêsu (a rising star); là chấp nhận mình bị yếu vai vế, bị mất đặc quyền đặc lợi... Ngược lại, người mù được chữa lành và dân chúng đơn thành thì hết lòng tin vào ông Giêsu. Đối chiếu trong cuộc đời, trong cuộc sống đức tin, có những điều nhãn tiền nhưng ta vẫn không thấy. Có những dấu chỉ của Chúa rất rõ ràng nhưng vì tác động và áp lực của đam mê, của tội lỗi ta vẫn cố tìm cách chối bỏ Chúa và tiếng Chúa.
Mù lòa thể xác chỉ phản ánh phần nào sự mù lòa tâm linh là thứ mù loà tàn hại và thê thảm hơn. Xin Chúa ban sức mạnh để con vượt qua đam mê và tội lỗi, để được sáng và được thấy. Xin ân sủng mùa Chay thánh giúp con đến gần Chúa và được thấy!
Giữa cõi u minh, cặp mắt loà.
Ngài thương chạm mở, thấy ngàn hoa.
Tâm linh mù tối, dọi nguồn sáng.
Chúa chữa tim con, lòng bão hòa.
Des Moines, IOWA
53.Thưa Ngài – Tôi tin
Câu chuyện anh mù từ khi mới sinh được thánh Gioan thuật lại, là một câu chuyện thật ly kỳ vừa khôi hài. Ly kỳ vì không ai có thể làm một việc lạ lùng như thế. Mở mắt một người mù bẩm sinh bằng cách xức cho anh ta một chút bùn pha nước miếng rồi bảo anh đi rửa mắt ở một cái hồ nước, và anh ta được sáng mắt, không phải ai cũng làm được. Các bác sĩ nhãn khoa cũng không làm được dù kỹ thuật hôm nay rất tân tiến. Khôi hài vì sự ngớ ngẩng của mấy ông Pharisêu.
Các ông này không thể tin được và vì thế họ gạn hỏi anh mù đủ thứ và đòi hỏi cha mẹ anh phải xác nhận là con của mình, mù từ khi mới sinh. Họ vẫn không tin được. Nhất là việc này được thực hiện trong ngày sabat là ngày không được chữa bệnh. Họ nghiến răng tức tối.
Thánh Gioan tường thuật câu chuyện rất tỉ mỉ và cũng pha vào đó một chút mỉa mai. Nhưng điều thánh Gioan muốn cho thấy Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian như Ngài đã nói; “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống”. Ánh sáng đó không như ánh sáng mặt trời chỉ thấy bằng mắt phàm trần. Ánh sáng của Ngài phải nhận bằng niềm tin.
Anh mù không thấy ánh sáng mặt trời, nhưng đã thấy được ánh sáng đức tin. Những ông Pharisêu thấy rõ mọi sự trần gian, nhưng không đạt đến ánh sáng đức tin. Chính Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Nếu các ông mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn”.
Cuộc hỏi cung anh mù thật buồn cười, là một trò hề mang tính chất khoa học, pháp lý và đạo đức giả.
“Ngươi hãy tôn vinh Thiên Chúa”, họ bảo anh mù như thế, và anh mù đã làm. Anh đã tôn vinh Thiên Chúa bằng sự chân thành và bằng sự thẳng thắn của anh, đang lúc những ông Pharisêu lại cố tình không nhìn nhận sự thật hiển nhiên rành rạnh trước mắt các ông, và lại muốn phủ nhận dấu lạ không thể chối cải đó.
Tất cả mọi người đều kinh ngạc đến nỗi không nhận ra anh. Người thì nói đó là tên ăn xin, người lại bảo không phải, vì họ không thể tin được rằng anh mù bẩm sinh kia, anh ăn mày kia lại được sáng mắt. Họ lao xao bàn tán, không hiểu việc gì đã xảy ra. Anh mù xác nhận: “Chính tôi đây, tôi là tên ăn xin đui mù đây”. “Nhưng nhờ đâu mà sáng mắt?” “Người tên là Giêsu đã trộn chút bùn, xức vào mắt tôi, bảo tôi đến hồ Xilôác mà rửa. Tôi đi, tôi rửa mắt và tôi được thấy”. Chỉ có thế thôi. Những việc hết sức đơn thường đã mang một kết quả không thể ngờ được. Thế nhưng mấy ông Pharisêu không nhìn thấy. Anh đã tường thuật việc này cho mấy ông, mấy ông cũng không nhìn thấy. Họ chỉ khư khư rằng, ông Giêsu kia đã lỗi phạm luật sabat, là một người tội lỗi. Thật đáng buồn cười! Sự cố chấp của các ông này thật khó hiểu!
Chúng ta tưởng rằng chúng ta sáng mắt hơn mấy ông Pharisêu chăng? Biết bao nhiêu bằng chứng Chúa tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài, chúng ta có thấy không? Chúng ta được yêu thương đến tận cùng, chúng ta có thấy không? Chúng ta tưởng rằng chúng ta đã yêu mến Chúa hết mình rồi, nhưng trong thực tế không như chúng ta tưởng. Chúng ta tự dối mình thôi. Hãy nhìn nhận rằng chúng ta vẫn đui mù. Hãy cầu xin Chúa mở mắt chúng ta ra để chúng ta thấy được hạnh phúc Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta vang lời ngợi khen hơn là cứ đòi hỏi, thắc mắc.
Như đối với người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu đi từng giai đoạn, từ vật chất Ngài dẫn anh mù đến nguồn suối đức tin. Khi được hỏi: “Ai đã làm cho anh sáng mắt?” Anh trả lời: “Người tên là Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi…” Anh chưa biết Ngài vì anh mù, chỉ nghe nói thôi.
Khi các ông Pharisêu hỏi, anh lại tuyên xưng: “Ông ấy là một ngôn sứ”. Anh đã nhận ra nhưng cũng chưa rõ. Và anh chỉ dựa vào thực tế để xác tín hơn: “Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được… Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi, còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy… Nếu không phải là người của Thiên Chúa, thì ông ta đã chẳng làm được gì”.
Anh đã tiến tới một bước mới là nhìn nhận Chúa Giêsu là người của Thiên Chúa.
Vào giai đoạn cuối cùng, sau khi đã bị trục xuất khỏi Hội Đường, anh đã gặp lại Chúa Giêsu và khi Ngài hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh đã tin: “Anh sấp mình xuống trước mặt Người”. Niềm tin của anh đã vững chắc. Anh đã đi từ bóng tối đến ánh sáng và đã chấp nhận ánh sáng, đang lúc các ông Pharisêu lại từ chối ánh sáng.
Chúng ta có từ chối ánh sáng không? Chúng ta có cố chấp trong sự đui mù của chúng ta không? Trong các cộng đoàn giáo xứ, thường xảy ra những trường hợp tương tự. Người ta cứ lên án người này, nói xấu người kia, không thương xót, chà đạp tất cả những người thiện chí hay những người yếu đuối. Dòng giống Pharisêu vẫn còn sống rất mãnh liệt. Nhiều người tưởng mình đạo đức lại chuyên nghề vạch lá tìm sâu, loại trừ những người đạo đức, làm nhục chí những người thành tâm. Đó phải chăng là đui mù hơn người mù? Đó phải chăng là từ chối ánh sáng? Và như thế, họ tưởng rằng họ làm sáng danh Chúa và độc quyền làm sáng danh Chúa. Pharisêu của thời đại mới!
Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường, nhọc mệt đi tìm những người thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và sự thật, những người biết khiêm tốn phục vụ trong âm thầm, không đòi hỏi được một chỗ đứng nào. Ngài đã căn dặn một cách rõ ràng: “Đừng phô trương công đức, chỉ để Cha trên trời chứng kiến và thưởng công cho các ngươi”.
Mùa chay là thời điểm thuận tiện để chúng ta trở về với sự thật của chính mình, nhìn nhận sự đui mù tăm tối của mình và chấp nhận ánh sáng đến từ nguồn duy nhất là Người Con Một đầy ân sủng và chân lý, là ánh sáng thật, ánh sáng ban sự sống. Chúng ta chỉ đi đúng hướng khi chúng ta chấp nhận để ánh sáng Chúa soi dẫn. Chúng ta chỉ có một Thầy là Đức Kitô, một người hướng dẫn duy nhất đó mà thôi vì Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống”. “Ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”.
Chúng ta đã nhận ánh sáng ấy từ nơi giếng rửa tội. Thánh Gioan tường thuật phép lạ chữa anh mù bẩm sinh là để khơi lại trong chúng ta nguồn ánh sáng của Bí tích Rửa Tội. Nước hồ Xilôác, việc rửa sạch vết bùn trên mắt, sự chan hòa ánh sáng, đôi mắt được mở ra, đó là những dấu hiệu của một cuộc tái sinh mà chỉ bắt nguồn từ Đấng là ánh sáng ban sự sống. Bám vào Ngài, lắng nghe lời Ngài và hơn nữa ăn lấy Ngài, chúng ta mới được tái sinh, được trở nên con cái sự sáng, trở nên ánh sáng cho trần gian: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi ơn trên”… Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sự sống muôn đời”.
54.Tôi phải làm việc của Đấng đã sai Tôi
(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Chương 9 thuật lại việc thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành người mù từ lúc mới sinh và những bàn luận liên quan đến Người. Có thể chia chương nầy thành hai phần chính: – Người mù và việc chữa lành (9,1-7); – Các tranh luận và thái độ của những người liên quan đến việc chữa lành nầy (9,8-41). Chương nầy được kết cấu theo các cuộc tranh luận liên tiếp nhau. Người tham gia tranh luận thay đổi khác nhau trong mỗi tranh luận. Chủ đề của mỗi tranh luận cũng thay đổi ít nhiều. Chương 9 phân chia như sau:
1/ Chúa Giêsu, người mù và việc chữa lành (9,1-7)
2/ Những người láng giềng và cha mẹ người mù được chữa lành (9,8-12)
3/ Các Pharisêô và người được chữa lành (9,13-17)
4/ Các người do thái và cha mẹ người được chữa lành (9,18-23)
5/ Các người do thái và người được chữa lành (9,24-34)
6/ Chúa Giêsu và người được chữa lành (9,35-38)
7/ Chúa Giêsu và các Pharisêô (9,39-41)
Theo Johannes Beutler (xem Gesù a Gierusalemme (Gv 9-12), Lezione al Pontificio Istituto Biblico, Roma 2001-2002, p. 27) có thể nhận ra một cấu trúc đối đảo trong chương 9 nầy, trong đó các cảnh tương ứng với nhau như sau:
A 9,1-7; B 9,8-12; C 9,13- 17; D 9,18-23; C’ 9,24-34; B’ 9,35-38; A’ 9,39-41
Chúa Giêsu chữa lành người mù (9,1-7). Bối cảnh không gian và thời gian của đoạn bắt đầu từ câu 8,59b “Nhưng Chúa Giêsu ẩn mình, và đi ra khỏi đến thờ”, và trong câu 9,1 thêm yếu tố nhân vật: Chúa Giêsu và người mù bẩm sinh, “Người đi ngang qua đó và gặp một người mù từ lúc mới sinh”. Hành động chữa lành chủ yếu của Chúa Giêsu được mô tả trong các câu 6 và 7. Những câu còn lại đề cập đến nguồn gốc/nguyên nhân của sự mù loà, trong đó cho thấy quan niệm của người thời đó và Chúa Giêsu (cc. 2 và 3), và căn tính của Người (c. 5). Sứ điệp chính yếu nói đến sứ mạng của Chúa Giêsu ở câu 4: “Bao lâu còn là ngày, chúng ta phải lao công vào việc của Ðấng đã sai Tôi; rồi đêm đến, bấy giờ không ai còn có thể làm công việc gì”. Hai phần 9,1-7 và 9,8-41 liên kết rất chặt chẽ với nhau và soi sáng cho nhau; do đó những sự kiện và lời nói trong đoạn 9,1-7 sẽ được bàn rộng trong các cuộc tranh luận trong 9,8-41.
Cảnh chữa lành (9,1.6-7) và đoạn liên hệ 9,39-41. Chủ đề trong phần nầy là “mù” (cc. 1 và 41), và “thấy” (7 và 40-41). Chúa Giêsu chữa lành người mù bẩm sinh và cho người nầy được thấy. Trong khi đó, các Pharisêô là những người đang thấy, lại trở nên mù lòa. Lời kết luận của Chúa Giêsu: “Chính để phán xét mà Ta đã đến trong thế gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù!” (c. 41).
Căn tính của Chúa Giêsu và người được chữa lành (9,2 và 6) và đoạn liên hệ (9,8-12 và 35-38). Chủ đề trong phần nầy: Người chữa lành cho người mù là ai? “Người gọi là Giêsu” (c. 11); “Người Con của Nhân Loại” (c. 35). Thoạt đầu người được chữa lành chỉ biết người đã chữa lành ông có tên là “Giêsu”; tên nầy được lập lại thêm hai lần với ý nhấn mạnh trong các câu 35 và 37. Trong gặp gỡ khác, Chúa Giêsu cho ông biết Người là ai qua tước hiệu “Người Con của Nhân Loại”. Ông đã tin và “sấp mình thờ lạy Người” (c. 38). Tin vào Người là cao điểm của việc chữa lành cho người mù bẩm sinh, vì Người đòi hỏi điều nầy (c. 35).
Những câu hỏi về nguồn gốc (9,3 và 5) và đoạn liên hệ (9,13-17 và 24-34). Chủ đề trong phần nầy: nguồn gốc của sự mù loà (cc. 2-3) và nguồn gốc của Chúa Giêsu (c. 5). Các môn đệ đặt vấn đề là có phải người nầy bị mù loà bẩm sinh là do tội lỗi của chính người nầy hay của cha mẹ anh (c. 2). Đó là suy nghĩ của người thời ấy. Chúa Giêsu không theo hướng nầy. Người khẳng định tội, của người nầy hay cha mẹ anh, không phải là nguồn gốc của sự mù loà (c. 3). Về nguồn gốc của Chúa Giêsu, Người khẳng định “Tôi ở trong thế gian, Tôi là ánh sáng thế gian” (c. 5). Là “Ánh sáng”, phōs, Chúa Giêsu muốn nói Người đến từ Thiên Chúa, và sứ mạng của Người là soi sáng cho thế gian (1,4.5.9; 3,19; 8,12). Về phần những người chống đối Chúa Giêsu, các Pharisêô quả quyết Người không đến từ Thiên Chúa, vì Người đã chẳng giữ luật ngày hưu lễ (c. 16). Cũng thế, người do thái quả quyết Chúa Giêsu là một “người tội lỗi” (c. 24) và họ không biết Người từ đâu mà đến (c. 29). Họ chỉ lắng nghe Môsê mà thôi (c. 29). Phần người được chữa lành, anh tuyên xưng công khai Chúa Giêsu là một “ngôn sứ” (c. 17) và làm chứng là Chúa Giêsu là người của Thiên Chúa, và Người đã chữa lành anh với quyền năng của Thiên Chúa (cc. 30-33). Anh hành động như là một môn đệ làm chứng cho Thầy mình (c. 28).
Làm việc của Thiên Chúa (9,4) và đoạn liên hệ 9,18-23. Câu 4 nằm ở trung tâm của đoạn 9,1-7, và đoạn 9,18-23 ở trung tâm của chương 9. Sứ điệp chính của chương nằm ở đây. Chúa Giêsu cho biết nội dung sứ mạng của Người khi đến trần gian là làm việc của Cha Người. Gioan nói nhiều về “việc của Thiên Chúa” (4,34; 5,36) mà Chúa Giêsu phải thực hiện. Việc ấy có thể là phép lạ. Phép lạ có mục đích là làm cho người ta tin vào Chúa Giêsu (x. 10,25.32). Ngay cả nếu không tin vào Người, ít là tin vào phép lạ để nhận biết và hiểu là Chúa Cha ở trong Người và Người ở trong Chúa Cha” (19,38). Lời tuyên bố của Chúa Giêsu là Người làm việc của Thiên Chúa muốn nói là Người có Chúa Cha ở trong Người (x. 14,10-11). Bởi đó, “làm việc của Thiên Chúa” là làm cho con người tin vào Đấng được sai đến (x. 6,29). Trong đoạn 9,18-23, Gioan cho thấy cách tiêu biểu thái độ của hai hạng người. Người do thái không tin ngay cả phép lạ người mù bẩm sinh được sáng mắt (c. 18); qua đó họ không tin vào Chúa Giêsu. Cha mẹ của người được chữa lành thì sợ, không dám mạnh dạn tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu (c. 22); trong khi đó bởi nhận biết Thiên Chúa ở và hành động trong Chúa Giêsu người được chữa lành đã tin vào Người. Vậy “việc của Thiên Chúa” là làm cho người ta phải chọn một thái độ đối với Người. Nếu tin, thuộc về ánh sáng. Nếu không tin, thuộc về bóng tối.
Chúa Giêsu là trung tâm của trình thuật về người mù bẩm sinh. Người để trần gian để làm công việc của Thiên Chúa. Là ánh sáng, Người mở mắt cho con người thấy để có thể tin vào Người. Những người tự cho mình sáng mắt, không thể nhìn thấy và tin vào Người. Như thế, việc Người xuất hiện trên trần gian như là ánh sáng đã là một sự phán xét cho trần gian.
55.Chúa Nhật 4 Mùa Chay
(Suy Niệm Chú Giải Lời Chúa của Lm. Inhaxio Hồ Thông)
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Chúa Nhật IV Mùa Chay này giúp chúng ta hiểu bí tích Thánh Tẩy, mà các tân tòng chuẩn bị để lãnh nhận vào lễ Đêm Vọng Phục Sinh.
1Sm 16: 1, 6-7, 10-13
Bài Đọc I thuật lại việc Đa-vít được xức dầu phong vương thay thế vua Sa-un, vị vua tiên khởi của dân Ít-ra-en, vì tội bất trung. Từ đây, vua Đa-vít là người được Chúa chọn, mặc một tính chất thánh thiêng và tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa. Vua Đa-vít là hình ảnh của Đức Ki-tô, Đa-vít của thời đại mới.
Ep 5: 8-14
Trong Thư gởi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô khuyên những Ki-tô hữu sống sao cho phù hợp với cách ăn nếp ở của “con cái ánh sáng”.
Ga 9: 1-41
Tin Mừng Gioan tường thuật việc người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt. Bài trình thuật này thuộc giáo lý bí tích Thánh Tẩy, vì sau khi rửa trong hồ Si-lô-ác, mắt anh mù liền thấy ánh sáng, anh là tiền thân của người lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Trong ánh sáng của đức tin, người Ki-tô hữu thấy và hiểu được những mầu nhiệm mà người khác không thể thấy và hiểu được.
BÀI ĐỌC I (1Sm 16: 1, 6-7, 10-13)
Bản văn này đưa chúng ta trở về những năm tháng đầu tiên của thể chế vương quyền Ít-ra-en (1020-1010 BC). Sau một thời gian dài do dự (không phải Đức Chúa là vua duy nhất của dân Ít-ra-en đó sao?) và vì những hoàn cảnh đòi buộc, dân Ít-ra-en thử nghiệm thể chế quân chủ. Kinh nghiệm đầu tiên này không thuận buồm xuôi gió: vì vua Sa-un bất tuân, Thiên Chúa đã quyết định truất phế vua. Ông Sa-mu-en, người của Đức Chúa, lại nhận sứ mạng đi tìm kiếm một vị vua mới.
1. Cách thức tuyển chọn lạ lùng của Thiên Chúa
Câu chuyện xảy ra ở Bê-lem. Tình tiết của câu chuyện mặc khải cách đặc biệt cách thức Thiên Chúa chọn lựa những tôi trung ưu ái của Ngài: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng”. Quả thật, Bê-lem là một vùng quê nhỏ bé không tên tuổi đến nỗi ngôn sứ Mi-kha nói “ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa” (Mk 5: 1); hơn nữa, Đa-vít là con út trong gia đình đông con của ông Gie-sê.
Sự chọn lựa của Thiên Chúa luôn luôn gây kinh ngạc. Để bày tỏ niềm ưu ái đối với những kẻ bé mọn và khiêm hạ, Ngài chọn con út hơn là con cả. Xưa kia, Thiên Chúa đã chọn ông Ghít-on để giải phóng Ít-ra-en khỏi sự áp bức của người Ma-đi-an. Ấy vậy, ông là cậu con trai út trong gia đình thuộc bộ tộc “nhỏ bé nhất ở Mơ-na-se”. Ông Mô-sê cũng được nhìn nhận là “người khiêm tốn nhất trong số con cái loài người”. Lịch sử đã cho chúng ta biết bao ví dụ như thế.
2. Đa-vít, cậu bé chăn chiên
Vua Đa-vít xuất thân từ một cậu bé chăn của miền Bê-lêm nhỏ bé nghèo hèn, nơi mà ngàn năm sau đó Đức Giê-su sẽ chào đời. Sự kiện Đấng Mê-si-a giáng sinh ở nơi hẻo lánh này sẽ là một trong những dấu hiệu về Đấng Mê-si-a thuộc “dòng dõi Đa-vít”. Những người chăn chiên Bê-lem sẽ là những người đầu tiên đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su.
3. Khung cảnh phong vương Đa-vít
Khi đến Bê-lem, ngôn sứ Sa-mu-en hiến tế một con bò cái tơ lên Đức Chúa để “thanh tẩy ông Gie-sê và các con trai ông ấy và mời họ đến dự hy lễ” (1Sm 16: 5b). Trước khi ngồi vào bàn, ngôn sứ Sa-mu-en nói với ông Gie-sê: “Chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi Đa-vít tới đây”. Vị ngôn sứ đã hiểu rằng chính cậu út Đa-vít là người Thiên Chúa chọn. Chính trong bữa ăn thánh thiêng này mà Đa-vít được xức dầu phong vương.
4. Tước hiệu “Xức dầu tấn phong”
Xức dầu là nghi thức thánh hiến, thường nhất là nghi thức phong vương. Được “người của Thiên Chúa” xức dầu tấn phong, vị tân vương trở thành một con người thánh thiêng. Dầu tăng sức lực cho thân thể là biểu tượng sức mạnh của Thiên Chúa, thần lực này đến ở với vua: “vua đầy tràn Thần Khí Thiên Chúa”. Tước hiệu: “Đấng được xức dầu” theo tiếng Do thái là “Đấng Mê-si-a” và được dịch sang tiếng Hy lạp là “Đấng Ki-tô” (“Christos”). Như vậy, những lời loan báo về Đấng Cứu Thế trước hết là Đấng Mê-si-a vương đế.
BÀI ĐỌC II (Ep 5: 8-14)
Thánh Phao-lô viết thư gởi tín hữu Ê-phê-xô từ Rô-ma, trong cảnh lao tù, giữa những năm 61-63. Thư này được gởi đến các cộng đoàn Ki-tô hữu miền Tiểu Á, chủ yếu là những Kitô hữu gốc lương dân. Bức thư gồm hai phần: trong phần thứ nhất thuộc đạo lý (1: 3-3: 21), thánh Phao-lô giải thích mầu nhiệm cứu độ phổ quát được ban cho dân Do thái cũng như dân ngoại ở nơi Đức Ki-tô. Trong phần thứ hai thuộc luân lý (4: 1-6: 20), thánh nhân khuyên các tín hữu sống theo những giá trị Ki-tô giáo. Đoạn văn hôm nay được trích từ phần thứ hai này.
Thánh nhân vừa mới nêu lên nhiều chủ đề khác nhau và nhiều hình ảnh đa dạng, rất quen thuộc với khoa giáo lý bí tích Thánh Tẩy của Giáo Hội tiên khởi, như là “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát… và phải mặc lấy con người mới, đó là con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa”. Ở đây, thánh nhân tập trung sự chú ý vào chủ đề ánh sáng.
1. Người Ki-tô hữu là ánh sáng
“Xưa kia anh em đã từng là bóng tối, nhưng bây giờ, nhờ kết hợp với Chúa, anh em lại là ánh sáng”. Ở nơi câu này, bí tích Thánh Tẩy được mặc nhiên đề cập đến. Bí tích Thánh Tẩy được gọi là “ơn thần khải”, người chịu phép Thánh Tẩy là “người được ơn thần khải” và giếng Thánh Tẩy được gọi rất ý nghĩa: “nơi lãnh nhận ơn thần khải”. Ngược lại là bóng tối. Việc đối lập ánh sáng và bóng tối, một chủ đề Kinh Thánh rất xưa và rất phổ biến như gặp thấy trong những bản văn của cộng đoàn Qum-rân, được thánh Phao-lô và đặc biệt thánh Gioan lấy lại.
Qua cặp tương phản ánh sáng và bóng tối này, thánh Phao-lô kêu gọi những Ki-tô hữu gốc lương dân ý thức rằng cuộc sống của họ đã được biến đổi sâu xa biết bao, họ đã trở nên khác biệt biết mấy; vì thế, cuộc sống của họ phải làm chứng điều này: “Hãy vạch trần những công việc của bóng tối”. Chắc chắn câu này phải được hiểu rằng cách ăn nếp ở của người Ki-tô hữu có thể khiến cho những tội nhân thay đổi cách sống, bởi vì ánh sáng chiếu soi vào bóng tối và làm cho bóng tối biến tan: “Tất cả những gì đã bị vạch trần, đều lộ ra ánh sáng; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng” .
2. Người Ki-tô hữu chỗi dậy từ bóng tối sự chết
Qua bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu “chỗi dậy” từ bóng tối sự chết. Chắc hẳn thánh Phao-lô trích dẫn vài câu từ một bài thánh thi về bí tích Thánh Tẩy của Giáo Hội tiên khởi, và phải là khá phổ biến. Chúng ta gặp thấy bài thánh thi này, khá đầy đủ hơn, trong tác phẩm của Giáo Phụ Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a vào cuối thế kỷ thứ hai:
“Hãy tỉnh giấc đi, hỡi người đang ngủ.
Hãy chỗi dậy đi từ những vong nhân.
Và Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi.
Ngài là ánh sáng Phục Sinh,
được sinh ra trước khi sao mai xuất hiện;
Ngài ban sự sống bởi ánh quang rạng ngời của Ngài” (Protriptique 9, 84, 2)
Bài thánh thi này minh chứng hùng hồn đạo lý Thánh Tẩy mà thánh Phao-lô không ngừng nhắc đi nhắc lại: chết cho tội lỗi và tái sinh trong Đức Ki-tô Phục Sinh. Hơn nữa, bài thánh thi đậm đà hương vị Kinh Thánh gợi nhớ vài hình ảnh của các ngôn sứ như:
“Này những kẻ nằm trong bụi đất,
hãy trỗi dậy, hãy reo mừng!
Vì lạy Chúa, sương Người ban là sương ánh sáng,
và đất sẽ cho các âm hồn được hồi sinh” (Is 26: 19)
Hay:
“Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của Người đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.
Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;
còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” (Is 60: 1-2)
Đoạn thư này giúp chúng ta hiểu rõ hơn địa vị Ki-tô hữu của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta được mời gọi sống theo những giá trị Ki-tô giáo. Đành rằng ơn cứu độ là công trình của Thiên Chúa, nhưng chỉ trở nên hiệu lực khi nào chúng ta mở rộng lòng mình cho Đấng chúng ta tin.
TIN MỪNG (Ga 9: 1-41)
Bài trình thuật này gợi lên nhiều điểm tương đồng với bài trình thuật về việc Đức Giê-su chữa lành người bại liệt (Ga 5 : 9-11). Quả thật, cả hai bài trình thuật đều ghi nhận rằng Đức Giê-su chỉ xuất hiện vào lúc bắt đầu câu chuyện để thực hiện “dấu lạ” và xác định ý nghĩa của nó (9 : 1-7 và 5: 1-8), và vào lúc kết thúc câu chuyện để long trọng tuyên bố bản án (9 : 35-41 và 5: 14-18)). Giữa thời gian ấy, Đức Giê-su rút lui vào hậu trường để hoàn toàn nhường sân khấu cho một bài trình thuật bóng bẩy, linh hoạt, đầy biến động về những phản ứng khác nhau từ phía những hạng người khác nhau trước dấu lạ của Ngài (9: 8-34 và 5: 9-13). Tuy nhiên, với tính hồn nhiên, cởi mở, thông hiểu và dũng cảm: ăn miếng trả miếng của mình, anh mù đã cho thấy trổi vượt hơn người bại liệt thụ động và kém linh hoạt.
1. Dẫn nhập (9 : 1-7)
A- Vấn đề tội lỗi
“Vấn đề tội” đóng chức năng đóng khung toàn bộ câu chuyện: ở đầu câu chuyện, chính các môn đệ nêu lên: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (9 : 2) và ở cuối câu chuyện, chính Đức Giê-su nói với các người Pha-ri-sêu: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội của các ông vẫn còn đó” (9 : 41).
Câu hỏi mà các môn đệ nêu lên về quan hệ nhân quả của tội dường như chỉ nhằm tạo cơ hội để Đức Giê-su thực hiện dấu lạ và ban giáo huấn. Tuy nhiên, câu hỏi này nói lên tâm thức của người đương thời. Vào thời đó, người Do thái tin rằng nguyên nhân của những bất hạnh như tai ương hay bệnh tật là án phạt của tội, kể cả tội trước khi sinh ra hay còn trong bào thai. Vì thế, cảnh đời bất hạnh mà người mù từ lúc mới sinh phải chịu là án phạt vì tội của cha mẹ mình. Tuy nhiên, sách Gióp đã nêu lên tại sao người công chính phải chịu đau khổ, nhưng không đưa ra một câu trả lời thỏa đáng nào, ngoài trừ ý định khôn dò của Thiên Chúa. Sau này, sách Tô-bi-a đã bước thêm một bước nữa: thiên sứ đã mặc khải cho ông Tô-bi-a cha, một người công chính thực thi những việc lành phúc đức, rằng Thiên Chúa để cho ông bị cảnh mù lòa là để thứ thách ông (Tb 12: 13).
Đức Giê-su bác bỏ quan niệm nhân quả của tội. Ngài tách biệt rõ ràng điều bất hạnh và án phạt, sự đau khổ và tội. Cảnh đời bất hạnh của anh mù không do tội của anh hay tội của cha mẹ anh, nhưng là cơ hội để Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài qua việc cho anh mù được sáng mắt. Từ đó, Đức Giê-su sẽ công bố Ngài là “ánh sáng thế gian”. Như vậy, giả sử trước ở đây, sự mù lòa duy nhất cấu thành tội chính là sự mù lòa của sự cố chấp không chịu tin.
B- Một ngày của Đức Giê-su
Đức Giê-su sánh ví sứ vụ của Ngài với một ngày. Thời điểm đánh dấu việc kết thúc sứ vụ của Ngài được sánh ví với thời điểm “đêm đến”, nghĩa là giờ của bóng tối, giờ của những kẻ chống đối Ngài. Trong khi chờ đợi giờ của bóng tối, Ngài phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Ngài khi trời còn sáng, bởi vì bao lâu Ngài còn ở thế gian, Ngài là ánh sáng thế gian. Để minh chứng Ngài “là ánh sáng thế gian”, Chúa Giê-su sẽ cho người mù từ lúc mới sinh được thấy ánh sáng, cả ánh sáng thể lý lẫn ánh sáng tâm linh (x. Is 42: 6-7).
C- Dấu lạ
Dấu lạ được mô tả chỉ trong hai câu (9: 6-7), bởi vì người kể chuyện chú trọng hơn đến những cuộc tranh luận do dấu lạ gây nên và những hậu quả mà anh mù được sáng mắt phải gánh chịu.
“Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù”. Theo niềm tin dân gian phổ biến vào thời đó, nước miếng có hiệu lực chữa bệnh. Trước đây rồi, Đức Giê-su đã dùng nước miếng của Ngài để chữa lành người câm điếc (Mc 7: 32) và người mù ở Bết-xai-đa (Mc 8: 23). Nhưng ở đây, Đức Giê-su trộn nước miếng với đất thành bùn và xức vào mắt người mù. Phải chăng Đức Giê-su muốn họa lại cử chỉ sáng tạo, qua đó muốn nói rằng Ngài sẽ làm cho người mù thành một con người hoàn toàn mới? Hay đơn giản hơn, phải chăng sự kiện xức bùn vào mắt và đòi hỏi anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác là một hành vi đức tin, một yếu tố cần thiết để đón nhận dấu lạ? Quả thật, hiệu quả chỉ xuất hiện sau khi người mù đến rửa trong nước hồ Si-lô-ác.
Nước hồ này được xem là thánh thiêng. Vào lễ Lều, vị tư tế phải đến múc nước ở đây để dùng cho các nghi thức thanh tẩy. Nước này bắt nguồn từ suối Gi-bon và được dẫn đến hồ Si-lô-ác qua một lạch ngầm dưới đất (2V 20: 20; 2Sb 32: 30; Hc 48: 17). Ngay cả tên của hồ này cũng mang ý nghĩa biểu tượng: Si-lô-ác có nghĩa là “người được sai đi”. Dường như thánh Gioan muốn nhắc lại ý nghĩa của tên Si-lô-ác này, vì thánh nhân muốn quy chiếu đến tác giả đích thực của việc chữa lành chính là Đức Giê-su, “Đấng được Chúa Cha sai đi”. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su thường dùng tước hiệu “Đấng được sai đi” để chỉ về chính mình.
2. Hai thái độ tương phản: (9: 8-34)
Trong phần này, Đức Giê-su vắng mặt, tuy nhiên Ngài vẫn là tác nhân chính yếu gây nên những phản ứng từ phía những hạng người khác nhau. Việc người mù được sáng mắt sẽ nêu bật hai thái độ tương phản mà sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế gian đòi hỏi con người phải chọn lựa.
A- Thái độ của người mù được sáng mắt
Anh mù được sáng mắt là một con người có lương tri ngay thẳng, vẫn một mực trung thành với sự thật, biết sử dụng lối nói mĩa mai, thậm chí châm biếm, lại còn biết phi bác sự thông thái của những người Pha-ri-sêu: “Chúng tôi biết rằng…” (9: 29) bằng cách viện dẫn nguyên tắc thông thường: “Như mọi người điều biết…” (9 : 31-32; x. Is 1: 15; Tv 66: 18; 109: 7; Cn 15: 29, vân vân) và cuối cùng bày tỏ tấm lòng rộng mở trước ánh sáng khác, ánh sáng đức tin.
Con đường đức tin của người mù là con đường tiệm tiến: từ những lời tra hỏi từ phía những người láng giềng cho đến những lời chất vấn của những người Pha-ri-sêu, chân tính của Đức Giê-su càng lúc càng sáng tỏ hơn ở nơi anh. Khởi đầu, anh bày tỏ một sự hiểu biết mơ hồ về một người đã thi ân giáng phúc cho mình: “một người tên là Giê-su” (9: 11), đoạn, anh bắt đầu nhận ra ở nơi người ấy: “một ngôn sứ” (9: 17) và tiếp đó: “Đấng được Thiên Chúa sai đến” (9: 33). Cuối cùng, khi đối diện với Đức Giê-su, Đấng tự tỏ mình ra cho anh, anh tuyên xưng đức tin của mình: “Thưa Ngài, tôi tin” (9: 38) và thờ lạy Ngài.
B- Thái độ của những người Pha-ri-sêu
Trong khi sự kiện dần dần được chứng thực từ phía những người láng giềng, cha mẹ của người mù được sáng mắt và chính đương sự, thì thái độ của những người Biệt phái càng lún sâu vào những tà ý, cố chấp, từ chối ánh sáng và để lộ mình là những người mù đích thật.
Trong câu chuyện này, hai chi tiết đáng chú ý do hậu cảnh lịch sử của chúng. Trước hết, những người Pha-ri-sêu bất đồng với nhau về vấn đề Đức Giê-su: “Thế là họ đâm ra chia rẽ”. Về sự kiện này, các sách Tin Mừng và sách Công Vụ cung cấp nhiều ví dụ khác nữa: trong số những người Pha-ri-sêu có vài người có tinh thần rộng mở, họ âm thầm gắn bó với Đức Ki-tô. Trong câu chuyện này, chính thành phần cố chấp nhất mực nhắm mắt trước sự thật. Trong con mắt của những con người ngoan cố này, Đức Giê-su đã vi phạm ngày sa-bát, vì vậy là một con người tội lỗi, mà đã là một con người tội lỗi thì không thể nào thực hiện dấu lạ như thế. Vì thế, họ không chỉ từ chối từ dấu lạ và chân tính của Đức Giê-su, nhưng còn buộc người mù phải thú nhận là mình sai lầm vì đã tuyên xưng ông Giê-su này là một ngôn sứ.
Ngoài ra, đối với đọc giả Tin Mừng Gioan, việc anh mù được sáng mắt bị trục xuất ra khỏi hội đường vang dội tính thời sự của cộng đoàn Gioan. Các tông đồ và các môn đệ của thế hệ thứ nhất đã giảng dạy trong các hội đường, nhưng sau đó bị trục xuất khỏi hội đường. Những người Do thái nào tin Đức Giê-su là Đấng Ki-tô cũng bị trục xuất khỏi hội đường và trở thành đối tượng của những quấy nhiễu, hạch sách và bắt bớ. Việc người mù được sáng mắt bị trục xuất ở đây báo trước hoàn cảnh của Giáo Hội sau này.
3. Phần kết (9 : 35-41)
Đức Giê-su lại xuất hiện và bày tỏ thái độ của Ngài đối với người mù được sáng mắt và đối với những người Pha-ri-sêu cố chấp.
A- Thái độ của Đức Giê-su đối với người mù được sáng mắt
“Sau khi nghe nói họ đã trục xuất anh, Đức Giê-su đến gặp anh”. Đối với những ai chịu đau khổ vì làm chứng cho Ngài, dù không nhận biết Ngài, Ngài sẽ mặc khải chân tính của Ngài, như anh mù được sáng mắt hôm nay. Sau khi đã mở đôi mắt xác thịt của anh để anh thấy ánh sáng, Ngài mở đôi mắt tâm hồn anh để anh khám phá Mặc Khải.
B- Thái độ của Đức Giê-su đối với những người Pha-ri-sêu cố chấp
“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại đui mù”. Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ mình ra cho những ai mở rộng tâm trí sẵn sàng đón nhận ánh sáng của Ngài. Còn những ai tin tưởng vào ánh sáng của riêng mình mà tìm cách ngăn chận những kẻ khác tin vào Ngài, thì những người đó trở nên đui mù.
Đối với những người Pha-ri-sêu, những người chất vấn Ngài phải chăng họ đều đui mù hết cả sao, Chúa Giê-su đưa ra một bài học thâm thúy: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn đó”. Những lời này nêu bật thần học xét xử của Tin Mừng Gioan: Đức Giê-su không xét xử ai cả, chính mỗi người tự xét xử chính mình, hoặc mở mắt ra mà tin nhận Đức Giê-su hoặc khép mắt lại mà khỏi phải thấy những việc Ngài làm để khỏi tin vào Ngài. Đó chính là tội cố chấp và bản án đã có sẵn ở đây rồi, và ngay bây giờ chứ không phải đợi đến ngày chung thẩm.
Câu chuyện mở ra với lời công bố rằng sự mù lòa thể lý không có tội và đóng lại với lời công bố rằng sự mù lòa tâm linh mới có tội.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam