Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 70
Tổng truy cập: 1359520
ĐỐI DIỆN TRƯỚC TÒA PHÁN XÉT
ĐỐI DIỆN TRƯỚC TÒA PHÁN XÉT
(Suy niệm của Lm Trần Bình Trọng)
Giáo hội thiết lập lễ Chúa Kitô, vua vũ trụ vào cuối năm phụng vụ có ý chỉ cho người Kitô giáo thấy, không những Chúa là khởi nguyên của mọi loài, mọi vật, mà còn là cùng đích của mọi sự.
Đó chính là lời Chúa mạc khải cho thánh Gioan trong sách Khải huyền: Ta là Alpha và là Omêga (Kh 21:6 & Kh 22:13) có nghĩa là Chúa là nguyên thuỷ và là cùng đích của mọi loài, mọi sự, mọi vật. Cũng theo sách Khải huyền thì Chúa Kitô là Chúa trên các chúa, là Vua trên các vua (Kh 17:14) vì Người đã toàn thắng sự chết. Tất cả các vua chúa đều phải khuất phục thần chết, chứ không ai có thể tự mình sống lại. Còn Đức Kitô-Vua đã tự chấp nhận cái chết và sau ba ngày đã toàn thắng sự chết bằng việc phục sinh khải hoàn.
Chính vì thế mà thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Corintô hôm nay đã rao giảng vương quyền của Đức Kitô: Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc (1Cr 15:20). Cũng vì chấp nhận vương quyền của Chúa là Vua các vua, là Chúa các chúa, mà các vị anh hùng tử đạo đã sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho đức tin.
Trong kinh Tin kính, người tín hữu tuyên xưng cùng với Giáo Hội: Người sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết. Trong ngày phán xét, Chúa Kitô hiện ra như là Vua và là thẩm phán tối cao. Với tư cách là Vua, Chúa phải cai trị cho tới khi Thiên Chúa đặt mọi kẻ thù dưới chân như thánh Phaolô nhắc lại trong thư gửi tín hữu Corintô hôm nay (1Cr 15:25). Với tư cách là Thẩm phán tối cao, Đức Kitô sẽ tách biệt chiên ra khỏi dê (Mt 25:32). Chiên và dê được nuôi cho ăn trong cùng một đồng cỏ. Đêm đến người ta cho chiên và dê vào chuồng tách biệt và người ta cũng tách biệt khi đem chiên và dê ra chợ bán.
Vương quốc của Chúa Kitô được thể hiện rõ rệt nhất qua hình ảnh người chăn chiên. Theo bài trích sách ngôn sứ Êdêkien hôm nay thì vị ngôn sứ đã than trách những hành động bê trễ của các tư tế và vua xứ Giuđa trong việc săn sóc đàn chiên là dân Chúa chọn. Và rồi ngôn sứ Êdêkien tiên báo là Chúa sẽ đích thân đến đưa dẫn đàn chiên lạc trở về: Ta sẽ đích thân săn sóc chiên Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như người mục tử kiểm soát đàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm soát đàn chiên của Ta như vậy (Ed 34:11-12).
Khi mặc lấy thân xác loài người, sống giữa nhân loại, Đức Kitô đã nêu gương phục vụ loài người bằng cách rửa chân cho các môn đệ và căn dặn họ cũng phải rửa chân lẫn cho nhau, nghĩa là phục vu lẫn nhau. Đức tin của người công giáo vào ngày thế mạt hay ngày phán xét là dựa vào Thánh kinh. Thánh kinh Cựu ước cũng như Thánh kinh Tân ước đều nói về ngày phán xét. Và tiêu chuẩn cho ngày phán xét là việc bác ái phục vụ. Để cho phù hợp với lời Người giảng dạy, Đức Kitô trong Phúc âm hôm nay đồng hoá với loài người khi Người phán: Bất cứ việc gì các con làm cho một trong những người hèn mọn nhất là các con làm cho chính Ta (Mt 25:40).
Như vậy Phúc âm cho thấy thành phần trong nước Trời mang theo trách nhiệm săn sóc, phục vụ giúp đỡ tha nhân như chính Chúa đã phục vụ. Đức Kitô cho thấy ngoài mối liên hệ hàng dọc giữa thần linh và nhân loại, nghĩa là giữa Thiên Chúa và loài người, thì còn một liên hệ hàng ngang giữa người với người. Loài người là tuyệt tác phẩm của Thiên Chúa vì loài người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1:26-27; 9:6) và được máu Con Thiên Chúa đổ ra để cứu chuộc (Dt 9:12). Vậy một trong những điều kiện để gia nhập vương quốc của Đức Kitô-Vua là dựa trên việc bác ái phục vụ như: Con Người đã đến, không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ (Mt 20:28). Về Trời rồi, thì Chúa cần dùng trái tim của ta để thoa dịu những nỗi thống khổ của loài người. Chúa cần dùng tay ta để nuôi dưỡng người đói khát, băng bó những vết thương người bệnh tật. Và Chúa cần dùng chân ta để đi thăm viếng người tù đầy và đau yếu...
Theo lời Chúa dạy thì trong ngày cánh chung, người ta sẽ phải chịu phán xét về trách nhiệm của mình đối với người lầm than xấu số. Cực hình sẽ được dành cho người không chịu phục vụ những người kém may mắn. Đó là hình phạt mà người phú hộ đã phải gánh chịu vì khi còn sống không chịu giúp đỡ người nghèo đói là Ladarô (Lc 16:19-31). Người phú hộ bị kết án, không phải vì ông ta giầu có, nhưng vì ích kỉ, không chịu chia sẻ. Giáo lý Công giáo cũng dạy: Sự phán xét sau cùng này sẽ phơi bầy tất cả những hậu quả tối hậu của những gì mà mỗi người đã làm tốt, hoặc đã bỏ qua không làm trong cuộc đời trần gian của mình (GLCG # 1039). Có lẽ từ trước đến nay khi đi xưng tội, ta chỉ có thói quen xưng thú những tội lỗi ta đã phạm. Để nhắc nhở cho mình về giáo lí Chúa dạy, khi đi xưng tội, ta cũng cần xưng những tội mà mình bỏ qua, không làm cho người khác. Đó là tội thiếu trách nhiệm liên đới với người lầm than, khổ cực.
Lời cầu nguyện xin cho được phán xét khoan dung:
Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng loài người giống hình ảnh Chúa
và cứu chuộc loài người bằng máu Đức Kitô.
Xin dạy con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa
nơi người đói khát, vô gia cư, rách rưới, đau yếu, tù đầy.
Xin tha thứ những lần con bịt tai nhắm mắt
trước những nỗi thống khổ và rên xiết của người lầm than,
bất hạnh vì tính íck kỉ và lười biếng của con.
Xin ban cho con một trái tim biết rung cảm
để con sẵn sàng đáp ứng nhu cầu loài người. Amen.
30.Suy niệm của Lm Trần Bình Trọng
CHÚA VẪN CHO NGƯỜI BÉ MỌN SỰ HIỂU BIẾT VỀ MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay là một trong những lời lẽ an ủi và khích lệ nhất trong Thánh kinh. Chúa Giêsu tạ ơn Thiên Chúa Cha đã ban cho những người bé mọn sự hiểu biết về màu nhiệm nước Trời. Còn những người khôn ngoan thông thái lại không lãnh hội được. Điều được tiết lộ cho những người này thì lại bị giấu kín khỏi những người khác. Vậy đâu là sự khác biệt và tại sao có sự khác biệt? Việc Thiên Chúa bày tỏ cho loài người qua Thánh kinh là kho tàng chung của nhân loại, nghĩa là ai cũng có thể mua cuốn Thánh kinh để đọc, nếu có tiền.
Tuy nhiên chỉ có những người mở rộng tâm hồn, chỉ có những người khiêm tốn trước Đấng tối cao, mới có thể lãnh hội được lời Chúa. Đó chính là ý nghĩa lời Chúa phán trong Phúc âm hôm nay: Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan và thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn (Mt 11:25). Chẳng thế mà văn hào Pascal mới nói: Thiên Chúa của Ápraham, Ixaác và Giacóp, không phải là Thiên Chúa của các triết gia và những nhà thông thái. Pascal là nhà toán học, vật lý học và triết học mà đã nói lên điều đó.
Vậy có phải Thiên Chúa giấu, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời không? Nếu Chúa xử với bậc khôn ngoan và thông thái như vậy thì có vẻ Chúa không công bình với họ vì chính Chúa đã tạo dựng nên người khôn ngoan và thông thái. Và nếu như vậy thì kể là cũng tội nghiệp cho họ. Thực sự thì Thiên Chúa bầy tỏ cho tất cả mọi người về màu nhiệm nước Trời, nhưng chỉ có những người khiêm tốn và mở rộng tâm hồn mới lãnh hội được mà thôi. Những người khôn ngoan và thông thái mà cậy mình kiêu ngạo thường không muốn tuỳ thuộc vào Chúa. Và khi người ta không muốn tuỳ thuộc vào Chúa là chính lúc mà mầu nhiệm nước Trời bị cất giấu khỏi họ. Khi mà tâm trí người ta đầy ắp những thứ mà người ta cho là của mình, thì những gì thuộc thiên giới không còn chỗ mà vào. Còn những người khôn ngoan và thông thái mà có lòng khiêm tốn và mở rộng tâm hồn thì vẫn có thể tìm đến Chúa để tiếp nhận màu nhiệm nước Trời. Họ là những người to lớn về trí tuệ, mà lại bé mọn về tâm hồn. Bé mọn theo nghĩa Thánh Kinh là đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác vào Chúa.
Để có thể đến với Chúa và đặt niềm tin phó thác vào Người như trẻ con phó thác vào cha mẹ, người ta cần có những đức tính của trẻ nhỏ: đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác. Khi lớn lên với những của cải giàu sang, sự hiểu biết sâu rộng và quyền hành, người ta có thể bớt tùy thuộc vào Chúa hay không còn muốn tuỳ thuộc vào Chúa hoặc vẫn muốn tuỳ thuộc vào Chúa tuỳ theo mức độ người ta gắn bó với của cải, quyền thế hoặc tài trí. Đặc biệt hôm nay Chúa mời gọi loài người: Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11:28).
Có khi nào ta cảm thấy vất vả vì công việc bổn phận trong gia đình và trách nhiệm ngoài xã hội, khiến ta muốn thoát khỏi những gánh nặng của cuộc sống không? Có khi nào ta phải mang những gánh nặng của cuộc đời như bệnh tật nan trị trong thân xác hoặc những vết thương về tinh thần và tình cảm khiến tâm can ta bị hao mòn, héo hắt không? Có bao giờ ta gặp cảnh khổ đau, sầu não, phiền muộn, âu lo, sợ hãi, chán nản, thất vọng không? Có khi nào người khác thấy ta có vẻ hạnh phúc, nhưng thực sự ta đang phải mang tủi hổ về bản thân và gia đình, ta phải ngậm đắng, nuốt cay và khóc thầm trong lòng không? Có khi nào ta không có ai hoặc không tìm được ai để thổ lộ nỗi lòng cho vơi nhẹ, vì sợ không được lắng nghe và không được giữ kín không?
Nếu vậy thì hôm nay Chúa mời gọi ta đến với Chúa để bày tỏ nỗi lòng với Chúa, để trút gánh nặng của cuộc sống vào lòng từ ái của Chúa, để hoà lẫn những đau khổ của đời ta với những khổ đau của Chúa trên thập giá mà dâng lên Thiên Chúa Cha, hầu làm giá đền tội cho chính mình và cho loài người. Chúa không hứa cất đi những gánh nặng khỏi cuộc sống của ta, nhưng còn mời gọi ta mang lấy ách của Người: Hãy mang lấy ách của tôi và học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11:29). Vậy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng như thế nào? Lời Chúa trong sách ngôn sứ Dacaria có mô tả về Đấng Cứu thế sẽ đến như sau: Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ (Drc 9:9). Lừa là con vật hiền lành và dễ chịu khuất phục. Khi vào thành Giêrusalem trong ngày lễ Lá, Chúa Giêsu đã thể hiện lời tiên tri về Người mà cưỡi trên lưng lừa con (Mt 21:7), chứ không cưỡi trên lưng ngựa mặc dầu có ngựa ở Giêrusalem thời bấy giờ. Điều đó nói lên ý muốn của Người là sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha, chấp nhận khổ hình thập giá, để làm giá cứu chuộc loài người.
Và Chúa bảo đảm với ta: Ách của tôi thì êm ái, gánh của tôi thì nhẹ nhàng (Mt 11:30). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma nêu lý do tại sao ách ta vác không được êm ái, và gánh ta mang không được nhẹ nhàng là vì ta không sống theo Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8:10). Ta cảm thấy mệt mỏi trong cuộc sống khi ta dựa vào sức riêng mà không cậy dựa vào ơn Chúa giúp cho ta vượt qua. Có bao giờ ta phàn nàn rằng Thiên Chúa và đạo giáo không đem lại ích lợi gì cho cuộc sống không? Nếu đạo giáo không mang lại được gì ích lợi cho cuộc sống, thì đạo phải tới ngày tàn lụi. Tuy nhiên đạo vẫn đứng vững được cho tới ngày nay và đã đem lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống muôn vàn người tín hữu. Nếu người ta không đạt được lợi ích thiêng liêng đó, thì lỗi tại đâu?
Vậy ta cần xét đâu là động lực thúc đẩy khiến cho ách mà ta vác trở nên êm ái, gánh nặng ta mang trở nên nhẹ nhàng? Thưa chính tình yêu của Đức Kitô đã khiến cho ách của Người trở nên êm ái, và gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô cũng đã nhận ra hệ quả của tình yêu khi đặt bút viết: Đâu có yêu, đấy không còn khổ, mà giả như người ta vẫn cảm thấy khổ, người ta lại chấp nhận cái khổ đó vì yêu. Đến với Chúa, tâm hồn ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng như Chúa hứa (Mt 11:29) và như thánh Augustinô đã xác nhận: Tâm hồn ta sẽ thao thức khắc khoải, cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.
Lời cầu nguyện xin được bổ sức:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa hứa bồi bổ sức mạnh và nghị lực,
cho những ai vất vả và mang gánh nặng của cuộc sống.
Xin dâng lên Chúa những người đau khổ về thân xác và tâm hồn;
những người lo lắng sợ hãi; những người mỏi mệt và chán sống;
những người phải mang tủi hổ và mặc cảm trong cuộc đời.
Xin ban cho họ thêm can trường và hi vọng.
Còn những khó khăn và khắc khoải của đời con,
con cũng xin dâng lên Chúa với lòng trông cậy. Amen.
31.Dân vi quý – Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Hằng năm vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, giáo hội hiệp với toàn thể vũ hoàn suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô, Người Con chí ái của Thiên Chúa (x.Col 1,16). Khi suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ, giáo hội muốn khẳng định chân lý mà thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Côlôxê, đó là mọi sự trên trời cùng dưới đất đều được Thiên Chúa tạo thành nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô. Chúa Kitô không chỉ là nguyên lý và là cứu cánh của mọi hiện hữu mà Người còn là khuôn mẫu của mọi vật mọi loài, vì người là Trưởng tử của mọi loài thọ sinh.
Loài người là loài cao trọng nhất trong các loài thọ tạo hữu hình. Thánh Kinh minh định chân lý này qua việc bàn bạc của Thiên Chúa trước khi tạo dựng con người và sự lao nhọc của Thiên Chúa khi dựng nên con người. Các loài thọ tạo khác thì Thiên Chúa chỉ phán một lời thì liền "xẩy ra như vậy". Sự cao trọng của con người còn được khẳng định khi nó được dựng nên "giống hình ảnh" của Đấng Tạo Thành và được trao quyền làm chủ vũ trụ vạn vật (x.St 1,26-29). Hình ảnh của Đấng vô hình nay đã được mạc khải cách hoàn hảo và rõ nét nơi chính Đức Kitô (x.Col 1,15).
Suy tôn Chúa Kitô là Vua vũ trụ, giáo hội không chỉ khẳng định quyền tối thượng của Chúa Kitô trên mọi loài mà còn tuyên xưng Chúa Kitô chính là khuôn mẫu, là lẽ sống của mọi hiện hữu, nhất là của loài người. Qua các bài đọc của Chúa Nhật XXXIV TN C mà giáo hội cho trích đọc chúng ta nhận ra khuôn mẫu, lẽ sống mà Đức Kitô tỏ bày đó là hiện hữu cùng và hiện hữu cho.
"Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai và người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Mt 1,23). Khi vào trần gian, Đức Kitô đã mạc khải cho nhân loại chúng thấy ý nghĩa của các hiện hữu là hiện hữu trong tương quan. Mọi thụ tạo, nhất là loài người, không ai là một hòn đảo. Ta chỉ là ta trong tương quan với người. Có người thì mới có ta. Trong mối tương quan gia đình dòng tộc, cha ông chúng ta có câu ngạn ngữ rất tượng hình: có con rồi mới có cha, có cháu rồi mới có ông, có bà.
Mối tương quan "cùng-với" này vừa nói lên sự tuỳ thuộc vừa nói lên sự liên đới giữa các hiện hữu. Nhiều muông thú hay vật nuôi như chim, gà, mèo, chó..., khi được nuôi riêng một mình thì chúng vẫn phát triển thành chúng, trái lại, con người không thể lớn lên, phát triển thành người cách đúng nghĩa khi sống một mình. Hiện tượng "người rừng" đó đây, không có khả năng nói, không có khả năng giao tiếp với đồng loại...là một minh chứng. Chúng ta làm người, chào đời, có mặt ở trần gian này là nhờ ai đó và với ai đó. Vì thế có thể nói rằng một trong những mục đích và ý nghĩa nền tảng của sự hiện hữu của con người đó là sống cùng, sống với và sống cho.
Cả cuộc đời của Đức Kitô trên trần gian, rõ nét nhất là quảng thời gian rao giảng Tin mừng và đích diểm là cái chết trên thập giá khẳng định cho chúng ta về mục đích ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Đức Kitô là Đấng đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó (x.Cvtđ 10,38). Và chính Người đã minh định rõ ràng: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28).
Trên đỉnh đồi Gôngôta, dù có thể tự cứu mình khỏi án hình thập giá, nhưng Chúa Kitô đã không tự cứu mình. Dù không tìm cách tự cứu mình thế mà Người đã hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho người bị treo bên phải Người, đồng thời xin Chúa Cha tha cho những người đang phỉ nhổ, hành hạ và giết mình mà trong số đó chắc chắn có cả người gian phi bị treo bên trái Người (x.Lc 23,39-43).
Hình ảnh của một vị minh quân theo quan niệm người xưa đó là người lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ. "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Hình ảnh vị minh quân này đã được Chúa Kitô thể hiện bằng vị mục tử nhân lành sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì đàn chiên và vì từng con chiên một. Xuất thân từ một người chăn chiên, Đavít đã được chọn gọi để làm vua Israel. Dù còn nhiều thiếu sót và lỗi lầm tày trời, nhưng Đavít chính là một hình ảnh tiên báo cho vị Mục Tử Nhân lành, vị Vua Công chính là Đức Kitô, Đấng đã dùng tình yêu của mình để dẫn đưa mọi thụ tạo, nhất là loài người về với sự thật căn bản: chúng ta là loài thụ tạo, chúng ta sẽ chỉ là mình khi hiện hữu đúng với thánh ý Đấng Tạo Thành đó là sống cùng và sống cho tha nhân.
Dỏng dạc trước Philatô, Chúa Kitô minh nhiên công bố: "Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật, thì nghe tiếng tôi"(Ga 18,37). Và sự thật ấy được tỏ bày cách hoàn hảo bằng một Con Người chịu treo trên thập giá, với trái tim bị đâm thâu, hầu đưa toàn thề nhân loại đi lên và những ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời (x.Ga 3,14-15), đồng thời làm cho muôn vật muôn loài được hòa giải với Thiên Chúa (x.Col 1,20).
Suy tôn Chúa Kitô là Vua tức nhìn nhận quyền tối thượng của Người trên đời chúng ta, là đón nhận lẽ sống, quy luật hiện hữu mà Người đã ban ra. Chúng ta có thể nhận ra quy luật ấy qua lời khẳng định của Chúa Kitô: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy...(Mc 8,34-38; Mt 16,24-28; Lc9,23-27).Và đến ngày tận thế, chính Đấng là Vua Vũ Trụ, khi "ngự trên ngai vinh hiển của Người" sẽ thẩm xét chúng ta dựa trên tiêu chí là thái độ sống cùng, sống cho tha nhân của chúng ta, đặc biệt cho những người anh em "bé mọn" (x.Mt 25,31-46).
32.Đường về vương quốc tình yêu
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng)
Suy niệm
Để vào Vương Quốc Tình Yêu, con người phải có Tình Yêu - Tình yêu Thiên Chúa và Tình Yêu tha nhân - Chúa Giêsu luôn luôn nhắc nhở về Giới Luật Yêu Thương trong xuyên suốt cuộc hành trình loan báo Tin Mừng của Ngài. Đường về Vương Quốc Tình Yêu không có con đường nào khác ngoài “Con đường Tình Yêu Giêsu”.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều thuộc vào hai điều răn ấy.” (Mt.34-40)
Yêu mến Thiên Chúa
Chúa Giêsu đã lặp lại một giới răn quan trọng trong Đệ Nhị Luật về điều luật yêu thương đối với Thiên Chúa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Đnl. 6,5).
Ta sống trong cuộc đời, mọi suy nghĩ và hành động đều phải nhắm đến mục đích tôn vinh Danh Thánh Chúa. Chính nhờ thế, mà mọi suy nghĩ và hành động được thánh hóa và định hướng theo ý ngay lành vì Thiên Chúa là Đấng toàn thiện. Thánh ý Thiên Chúa luôn là Chân Thiện Mỹ và mọi việc làm của con người theo thánh ý Ngài là để tôn thờ Ngài và làm ý định của Ngài thành hiện thực trong Vương Quốc Tình Yêu của Ngài từ ngay ở cuộc đời này và cho đến đời đời. Như Chúa Giêsu đã dạy ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời”.
Chính khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chúng ta biết thao thức và tìm về nguồn vĩnh cửu. Chúng ta biết tự hỏi và luôn nhìn lại từng bước đi của đời mình, như chàng thanh niên đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc. 10,17).
Chính khi ta yêu mến Thiên Chúa, ta mới biết đâu là chân giá trị của cuộc đời, để chúng ta biết chọn lựa, để chúng ta đừng “rời bỏ” hướng đi đúng đắn của đời ta chỉ vì những lợi lộc phù du. “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc,17-22).
Chính khi chúng ta biết yêu mến Thiên Chúa, chúng ta biết nương tựa nơi Ngài, trông đợi nơi Ngài, đặt niềm tin nơi Ngài, chứ không trông đợi vào sức mạnh ở trần gian. “Chúng ta chẳng phải là một thế hệ chỉ biết trong ngóng nơi trần thế sự tiến bộ nhất thời sao?” (Gioan Phaolô II. Thư gởi giới trẻ, số 5).
Chính khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, ta mới thủy chung với Thiên Chúa. Hoàn toàn phó thác nơi Ngài.
Yêu người thân cận
Chính từ lòng mến yêu Thiên Chúa giúp ta biết yêu mến tha nhân và chia sẻ chân tình những buồn vui trong cuộc sống.
"Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt. 25,34-36).
Nói như cách nói của ĐGH Bênêđictô XVI, thế giới hôm là “một thế giới tan nát vì chia rẽ và hận thù”. Có biết bao người đói khát, lạc lỏng, trần trụi, bệnh hoạn, tù tội… trước những ánh mắt lạnh lùng của nhiều người sống phung phí, xa hoa, quyền lực, đàn áp, tàn bạo, tom góp…
Không chỉ là cơn đói thân xác mà còn là cơn đói tâm linh. Không chỉ là tù tội thân xác, mà còn là tù tội tâm hồn. Có biết bao người bị giam cầm trong thứ ngục tù ý thức hệ chính trị, tôn giáo, triết học, y học… xem nhẹ đạo lý, phi nhân, trong muôn hình vạn trạng phương cách hủy hoại những điều cao quý thiêng liêng của con người, như phá thai, khủng bố, buôn người, mafia…
Thay vì làm cho thế giới tốt đẹp hơn, nhiều người vì những lợi nhuận trước mắt, vì những quyền lợi riêng lẻ, đã làm bất cứ chuyện gì có thể làm được để đạt được mục đích lợi lộc ích kỷ của mình, gây ra biết bao điều bất hạnh cho người khác.
Rõ ràng, một thế giới tan nát vì thiếu tình thương.
Thánh Augustinô đã khuyên: “Ta hãy cùng nhau ao ước Thiên Quốc, hướng lòng về Quê Trời, chúng ta cảm thấy mình là lữ khách nơi trần thế này” (Chú giải Phúc Âm thánh Gio-an, bài giảng 35,9).
“Ao ước Thiên Quốc, hướng lòng về Quê Trời” bằng chính việc xây dựng một thế giới yêu thương ngay tại trần thế để ta chuẩn bị vào Vương Quốc Tình Yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa”. Về Vương Quốc Tình Yêu, phải đi con đường Tình Yêu như Thầy Giêsu đã yêu thương nhân loại đến hiến tế mạng sống mình vì nhân loại trên Thập Giá.
Mỗi người cho nhau điểm tựa yêu thương, ta hướng tâm hồn lên cao là “đường về Vương Quốc Tình Yêu”duy nhất, không thể là đà trong những con đường dục vọng thấp hèn không có lối thoát ở trần gian.
"Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.”
Để đạt được điều đó, Chúa đã cho ta thấy bức tranh ngày phán xét, trong đó, không có gì khác ngoài tình yêu mà con người dành cho nhau.
Trong tập truyện “Điểm tựa yêu thương”, có câu chuyện ngắn “Lời hứa” đáng cho ta suy ngẫm:
Vì xa cách nhau đến 5 tuổi, nên mọi người vẫn nói thật kỳ lạ khi chúng tôi lại giống nhau đến thế. Tôi và em gái có đường nét trên gương mặt rất giống nhau và dĩ nhiên, chúng tôi đều có mái tóc dài đỏ hoe. À, ít ra tôi vẫn còn tóc cho đến khi bắt đầu trải qua liệu pháp hóa trị. Những lọn tóc dài đỏ hoe của tôi rụng từng nắm khi quá trình trị liệu diễn ra.
Tôi sờ lên mái đầu đã trọc lóc của mình. Nước mắt ứa ra. Giờ thì mọi người sẽ không nói chúng tôi giống nhau nữa. Cô em Marlanea đang bay từ Montana sang thăm tôi. Nó không biết trông tôi sẽ tệ đến thế nào. Tôi muốn chuẩn bị tránh cho nó bị sốc hay ngăn nó thấy những gì nó sẽ chứng kiến. Tôi đã luôn trông nom nó, cố gắng bảo vệ nó an toàn, tránh xa mọi tổn hại Con bé ra đời vào ngày sinh nhật lần thứ năm của tôi. Mẹ tôi nói rằng nó là quà sinh nhật của tôi. Tôi xem việc đó là nghiêm túc và tôi yêu thương nó bằng tất cả trái tim mình.
Chúng tôi lớn lên bên nhau không rời nửa bước. Chúng tôi chính là những người bạn tốt nhất của nhau. Cha mẹ chúng tôi vẫn thường nói lẽ ra chúng tôi phải là hia chị em sinh đôi vì chúng tôi giống nhau quá nhiều, và chúng tôi quá thân thiết với nhau.
Thậm chí chúng tôi suy nghĩ cũng giống nhau nữa. Khi đi mua sắm, chúng tôi thường mua những món quà nhỏ cho nhau – từ áo thun cho đến tách cà-phê – nhưng hầu như lần nào chúng tôi cũng mua cho người kia cùng một món. Chúng tôi chia sẻ một sự gắn bó mà hầu hết mọi người đều không hiểu được.
Giờ đây là khi đã trưởng thành, chúng tôi sống ở hai bang khác nhau. Con bé gọi điện thoại cho tôi, khi tôi “A lô”, ngay lập tức, nó hỏi: “Em biết có chuyện không ổn. Nói em biết đi, chuyện gì vậy?”.
Không còn ngạc nhiên về khả năng kỳ bí khi biết trước có chuyện bất ổn xảy ra của cô em, tôi đành kể cho nó nghe. Chúng tôi lặng im, cùng khóc thầm. Những giọt nước mắt tôi không thể khóc vào sáng sớm hôm đó giờ đây tự nhiên tuôn ra trong lúc tôi trò chuyện với em gái qua điện thoại.
Từ lúc biết được tôi bị ung thư, gần như ngày nào con bé cũng gọi điện thoại. Trong giọng nó lúc nào cũng có sự lo lắng nhưng dù sao cũng luôn tươi tắn. Hàng tuần, con bé gửi cho tôi một tấm thiệp vui, một tia hy vọng rực sáng khiến tôi tin rằng cuộc đời sẽ lại bình yên.
Trong một cuộc trò chuyện đẫm nước mắt qua điện thoại, con bé nói với tôi rằng nó biết chắc tôi sẽ không qua đời vì ung thư.
Tôi hỏi trong nước mắt: “Vậy à, sao em biết?”.
“Bởi vì khi còn nhỏ, chúng ta đã từng hứa rằng chúng ta chỉ có thể qua đời nếu người còn lại cũng sẵn sàng ra đi. Mà em thì chưa sẵn sàng chết nên chị cũng không thể ra đi được.”
Chúng tôi chưa từng thỏa thuận xem nếu chúng tôi phá vỡ lời hứa thì chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng cả hai chúng tôi đều hiểu rằng điều đó chắc chắn phải rất nghiêm trọng.
Tôi nghe thấy tiếng taxi dừng trước cửa nhà. Em gái tôi, người bạn tốt của tôi, vừa đến.
Tôi run rẩy đưa tay lên sờ vào mái đầu trọc của mình một lần nữa trước khi mở cửa cho người bạn tốt nhất – em gái tôi.
Con bé đứng đó, mặt trời tỏa ánh nắng rực rỡ phía sau khiến nó lung linh như một thiên thần, giống hệt những gì tôi luôn nghĩ về nó. Con bé đứng đó, trong chiếc quần jeans bó và áo thun, đội một chiếc nón có hàng chữ: “Hôm nay đầu tôi xấu lắm”. Cả hai chị em cùng cười.
Tôi lên tiếng: “Chào em”.
Con bé trả lời: “Chào chị”.
Rồi con bé đưa tay lên gỡ nón ra. Em gái tôi đã cạo trọc đầu. Chúng tôi đứng đó, cùng khóc, cùng cười, và ôm lấy nhau.
“Trong chúng ta vẫn như hai chị em.” – Con bé nói.
“Chị yêu em.” – Đó là tất cả những gì tôi có thể nói.
Tôi nhắm mắt lại và thầm nguyện cầu: “Tạ ơn Chúa đã ban cho con cuộc sống. Tạ ơn Chúa trên Thiên Đường vì đã cho con người em. Cám ơn mẹ đã cho con món quà này”.
Dawn Braulick.
Đường về Vương Quốc Tình Yêu
“Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc!”.
Nếu ta có tên trong “những kẻ Cha Ta chúc phúc” thì hạnh phúc biết bao! Được Chúa gọi như vậy, là ta đã trải qua một cuộc đời thật ý nghĩa!
Giêsu Kitô, Vua Tình Yêu, Vua Hòa Bình, chỉ có con đường Giêsu mới dẫn chúng ta đến Vương Quốc Tình Yêu của Ngài.
Trong thế giới nhiều biến động và không ngừng hận thù tranh chấp, giữ được trái tim yêu thương để đến với nhau bằng tình yêu chia sẻ, nâng đỡ, cảm thông, tha thứ… như Tình Yêu Giêsu thật không dễ dàng gì! Nhân loại cần có nhau, nhưng chính nhân loại lại gây cho nhau những thương đau! Nhưng, Chúa sẽ ban cho sức mạnh để không ngừng phấn đấu vươn lên.
Trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 25, ngài kể lại:
Mắt hướng nhìn về sự sống vĩnh cửu, chân phước Pier Giorgio Flassati, qua đời năm 1925, lúc mới 24 tuổi, đã nói: “Tôi muốn sống thực chứ không muốn sống lây lất!”, và trên tấm hình chụp một cuộc leo núi, gửi cho một người bạn, chân phước viết: “Hướng lên cao”, ám chỉ sự trọn lành Kitô giáo, cũng là sự sống đời đời.
Tội lỗi là sự nghèo đói tâm linh, là sự thiếu thốn tâm hồn, là kiếp tù đầy của bóng tối, là khách lạ lạc lỏng trong cuộc hành trình, là vết thương vô hình gặm nhấm hồn xác… cần lắm tình thương của đồng loại.
Hãy là những “điểm tựa yêu thương” cho nhau trong cuộc đời này, để mai này chúng ta được vào Vương Quốc Tình Yêu của Ngài.
Lạy Chúa,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa,
Trong mọi người. Amen.
33.Suy niệm của Lm. Jos. Nguyễn Thái
“Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.” (Mt 25:31-46)
Cách đây ít lâu, một nười lính Mỹ đang đi xe buýt ở Thụy Điển nói chuyện với một người đàn ông ngồi bên cạnh rằng, “Nước Mỹ là một quốc gia dân chủ nhất trên thế giới. Những người công dân bình thường có thể đi tới Tòa Bạch Ốc để gặp Tổng Thống và thảo luận công việc.” Người đàn ông bên cạnh trả lời, “Điều đó đâu có đáng là gì. Ở Thụy Điển, Nhà Vua và dân chúng cùng đi với nhau trên cùng một chiếc xe buýt kìa.” Khi người đàn ông vừa nói chuyện đó bước xuống khỏi xe buýt, người lính Mỹ đã được các hành khách khác còn lại trên xe nói cho biết người ấy chính là Vua Gustav Adolf VI.
Trong bài phúc âm hôm nay, Mt 25:31-46, “Dụ Ngôn Cuộc Phán xét chung” nói lên những điều nghịch thường của đức tin Kitô giáo. Ngày nay nói đến sự cai trị, người ta ngĩ đến sức mạnh của vũ khí, quyền lực, kinh tế, tiền bạc, quảng cáo,thị trường… Chúa Giêsu nói đến sự cai trị bằng tình yêu, phục vụ và trách nhiệm. Chúa Giêsu là Đức Vua. Người đến không phải để được phục vụ, nhưng phục vụ, và hy sinh mạng sống của Người làm giá cứu chuộc cho nhiều người (Mt 20:28). Vương Quốc của Người gồm những người cùng cực, nghèo khổ, đói khát, trần truồng, bị bỏ rơi, và tù tội. Những ai săn sóc, phục vụ cho những nhu cầu cần thiết của họ thì thuộc về Vương Quốc của Người.
Ngược lại, chúng ta sẽ bị phạt “nếu chúng ta bỏ qua không đáp ứng những nhu cầu nghiệm trọng của những người nghèo khó và của những kẻ bé mọn, anh chị em của Ngài” (GLCG #1033). “Thiên Chúa chúc phúc cho những ai giúp đỡ những người nghèo và Ngài lên án những kẻ ngỏanh mặt đi” (GLCG #2443).
“Dụ ngôn cuộc phán xét chung” trình bày một bối cảnh người mục tử tách rời chiên ra khỏi dê. Đây là điểm sẽ tạo nên ngạc nhiên. Ai là chiên? Ai là dê? Đã có những người không nhận ra rằng họ đang phục vụ cho Chúa Kitô khi họ cho những người đói khát ăn uống, cho kẻ mình trần mặc, đón tiếp khách lỡ đường, viếng thăm người đau ốm, tù đày. Và cũng có những người đã không nhận ra rằng họ đã tực sự chểnh mảng, không săn sóc Đức Kitô, khi họ làm ngơ trước những nhu cầu của những người nghèo khổ (GLCG #2443).
Phúc âm nói rất rõ, người được cứu và người không được cứu, chiên và dê sẽ bị phân chia ra bởi tiêu chuẩn căn bản dực trên những việc làm bác ái yêu thương, chứ không phải dựa vào danh giá, chức vụ, và địa vị xã hội. Và đây chính là điều làm cho nhiều người phải ngạc nhiên.
Một văn sĩ Kitô giáo khác, Frederick Buechner đã diễn tả cùng một tư tưởng này như sau: “Nhiều người vô thần là một người có lgòn tin mà không biết. Ngược lại, nhiều người có lòng tin mà không biết. Ngược lại, nhiều người có lòng tin lại là một người vô thần mà không hay biết. Bạn có thể thành như thể có một Đấng Tối Cao. Ngược lại bạn cũng có thể thành thật tin tưởng rằng có một Thiên Chúa nhưng lại sống như thể không có gì.”
Chưa bao giờ sự chênh lệch giữa những người giàu có và những người nghèo khổ lại càng ngày càng tách biệt như ngày nay. Người Mỹ chiếm tỷ lệ là 4% dân số thể giới, nhưng đã tiêu thụ đến 40% số dầu hỏa của nhân loại. Họ nắm trong tay 80% của cải của thế giới. Tài tử Jack Nicholson chỉ nói mấy câu tếu táo trong phim Batman đã lãnh đợc 10 triệu đô la. Tài tử Bill Cosby với lợi tức cả trăm triệu đô la hàng năm nếu di chuyển đến sống ở một quốc gia nhỏ bé nào đó, có thể làm cho lợi tức của toàn thể quốc gia đó tằng lên gấp đôi. Ca sĩ Michael Jackson đã thương lượng với nhà xuất bản để ra một CD với hợp đồng đòi hỏi tăng từ 18 triệu tới 25 triệu đô la. Tất cả các cầu thủ thể thao về bóng rổ, baseball, và football, đều là các triệu phú! Michael Jordan ký hợp đồng 37 triệu đô la 1 năm.
Trong khi đó theo báo cáo của Hội Ngị quốc Tế về tình trạng của các trẻ em trên thế giới. Mỗi năm, có khoảng 14 triệu trẻ em chết oan uổng vì đói ăn, suy dinh dưỡng, và thiếu sự săn sóc về thuốc men. Bà Oprah Winfrey trên show truyền hình đã đề nghị rằng chỉ cần mỗi người Mỹ bỏ ra 19 xu một tuần, chưa tới 10 đô la một năm, có thể cứu vớt được 14 triệu sinh mạng trẻ em dễ dàng. Có người đề nghị rằng chỉ cần cắt giảm 10% ngân sách quốc phòng của Mỹ cũng có thể cứu sống được 14 triệu sinh mạng hằng năm.
Đối diện với tình trạng khủng hoảng của thế giới hiện nay, ĐGH Gioan Phaolo II đã kêu gọi mọi người hãy dấn thân xây dựng một nền văn minh mới:
“Chính Ngài nói với bạn ‘Hãy chỗi dậy! Hãy chỗi dậy!’ Ngài yêu cầu bạn từ bỏ các ngẫu tượng của thế giới và chọn Ngài là tình yêu, thứ tình yêu mang lại một ý nghĩa hoàn toàn cho cuộc sống của bạn và kêu mời bạn hướng về tuổi xuân cũng như về mùa xuân, vui vẻ sống mùa xuân trong việc trao tặng, trao tặng chính mình, trao tặng Chúa Kitô, trao tặng Ngài cho mỗi một người trong chúng ta, và sau đó trao tặng chúng ta cho Ngài, trao tặng chúng ta cho tha nhân cũng như trao tặng chúng ta cho ngài qua tha nhân. Đó là viễn ảnh của việc xây dựng một nền văn minh khác, một nền văn minh mới: nền văn minh tình thương.” (TVNNTB, tr. 153-154).
Thật vậy, Giáo Hội xét như hiền thê của Chúa Giêsu, tiếp nối công việc mục vụ của người, Giáo Hội luôn dứt khoát chọn lựa đứng về phía những người nghèo và nhừn kẻ bị bỏ rơi. Giáo Hội đã không ngừng lên tiếng, kêu gọi, và đấu tranh chống lại sẹ nghèo đói, bất công xã hội dưới mọi hình thức, nghèo về vật chất, tinh thần, và đặc biệt nghèo tình thương yêu (GLCG từ số 2443 tới 2449).
Trong cuộc Cách Mạng Pháp vào năm 1789 đã xảy ra một câu chuyện về một bà mẹ đi lang thang trong rừng 3 ngà với hai người con, họ không có gì ăn, phải ăn rễ và lá cây rừng để sống. Vào ngày thứ ba, bà mẹ nghe thấy tiếng của những người lính đang tiến đến gần, bà vội lôi kéo hai người con chui vào một bụi rậm ẩn trốn. Viên trung sĩ chỉ huy đám lính đi lục soát các bụi rậm đã nhìn thấy người mẹ đói khổ và hai đứa con thì chạnh lòng thương bèn đem cho họ một ổ bánh mì. Bà mẹ cầm ngay lấy nó, bẻ ra làm hai miếng, và cho mỗi người con một nửa. “Bà mẹ chẳng giữ miếng nào cho bà ấy cả,” viên trung sĩ nói. “Bà ấy không đói sao? Một người lính hỏi. “Không phải vậy, vì bà ấy là mẹ, viên trung sĩ trả lời.
Đứng trước nhu cầu của thế hiện nay, Mẹ Giáo Hội nhận thấy cần phải đáp lại bằng một nền văn minh của tình thương, qua lời nhắn nhủ của ĐGH Gioan Phaolo II, tình thương đó dựa trên tình thương của Chúa Giêsu Kitô, Vua của Lòng Thương Xót, là nền tảng cho tất cả các giá trị phổ quát mà con người đang đi tìm kiếm.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam