Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 26

Tổng truy cập: 1363796

ĐỔI ĐỜI

ĐỔI ĐỜI

 

Câu chuyện trong bài Tin Mừng do thánh Luca kể lại. Ngài được mệnh danh là “Thư ký của lòng thương xót”, vì trong Tin Mừng của ngài đã kể lại nhiều giáo huấn và công việc Chúa Giêsu làm để bày tỏ lòng Chúa xót thương loài người tội lỗi. Bài Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng điển hình rõ ràng. Trên đường lên Giêrusalem, khi đi ngang qua thành Giêricô, Chúa Giêsu đã gặp một người tội lỗi, nhưng đầy thiện chí, là ông Giakêu. Chúa đã ghé vào trọ nhà ông và ban ơn cứu độ cho cả gia đình ông, bất chấp mọi lời dị nghị, gièm pha.

Ông Giakêu không những là một người thu thuế, mà còn là thủ lãnh những người thu thuế, tức là một chủ thầu thuế má, nên ông cũng là một người rất giàu có. Dân Do thái rất ghét những người thu thuế, coi họ là những người tội lỗi, không thể ăn năn hối cải, không thể tha thứ, làm tay sai cho ngoại bang: thu thế cho nhà nước bảo hộ, tức đế quốc Rôma. Trong nghề đó, người ta có thể bày rất nhiều trò ma giáo để ăn hối lộ những kẻ muốn trốn thuế, hay muốn giảm thuế phải đóng. Bởi đó, người Do thái ghê tởm những người thu thuế. Ông Giakêu là người như thế. Không những ông bị thiên hạ khinh dể mà còn có thân hình thấp lùn.

Ông muốn tìm cách để xem Chúa Giêsu là người như thế nào. Nhưng dân chúng chen chúc chung quanh Chúa đông quá. Ông quyết không bỏ lỡ cơ hội. Một người chủ thầu phải có nhiều sáng kiến. Ông chạy tới trước và leo lên một cây sung bên đường. Ông yên tâm chờ đợi, vì Chúa Giêsu sắp đi ngang qua đó. Lòng ước muốn của ông thật là mãnh liệt, vì ông không sợ đám đông chế diễu. Ông chỉ còn biết một điều là làm sao thấy được mặt Chúa Giêsu. Quả thực, ông đã có thiện chí. Bấy nhiêu đã đủ để Chúa trọng thưởng tấm lòng chân thành của ông.

Chúa Giêsu đi tới, Ngài nhìn lên và gọi đích danh ông. Điều quan trọng là Chúa không chỉ đi ngang qua cho ông Giakêu nhìn Chúa, chính Chúa nhìn lên và gọi ông đúng như có lần Chúa đã nói: “Ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”. Ông Giakêu đi tìm và ông đã thấy, ông đã gõ cửa và Chúa đã mở cho ông, bằng cách xin ông mở cửa nhà ông cho Ngài vào. Chúa muốn đến với ông và đến tận nhà ông.

Được đáp ứng quá sự trông mong. Ông muốn thấy Chúa thì Chúa đến tận nhà để ông nhìn cho đã. Chúa quảng đại vô cùng. Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Ngài. Nhưng đám đông lại sầm xì với nhau. Họ khó chịu với Chúa Giêsu, vì Chúa vào trọ nhà một người tội lỗi. Ông Giakêu đã tìm ra giải pháp để vượt qua cái giới hạn của tấm thân lùn. Liệu ông có tìm được giải pháp cho thân phận tội lỗi của ông để thắng được lời xì sầm kia không? Ông không sợ đám đông chế diễu khi leo lên cây sung để nhìn mặt Chúa, thì Chúa đã đáp lại, Ngài không sợ đám đông sầm xì khi yêu cầu ông đón Ngài về ở nhà ông.

Đứng trước tình thương của Chúa, ông đã mở rộng tâm hồn. Ông sẵn sàng chuộc lại tội lỗi, ông thưa với Chúa là đem nửa gia tài phân phát cho người nghèo. Không những thế, ông thấy mình còn phải thực hiện sự công bình nữa: làm thiệt ai ông sẽ đền gấp bốn. Lòng quảng đại của ông sánh với lòng quảng đại của người đàn bà tội lỗi: ông yêu mến nhiều vì đã được tha nhiều. Lòng yêu mến của ông đối với Chúa Giêsu diễn tả thành lòng yêu mến người nghèo và những người đã bị ông bóc lột.

Sau khi ông Giakêu tuyên bố quyết định của ông, thì Chúa Giêsu nói: “Hôm nay nhà này được cứu độ, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Ông Giakêu trở thành kiểu mẫu đón nhận ơn cứu độ và là cơ hội để Chúa Giêsu khẳng định sứ mạng của Ngài: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”. Ông Giakêu đã bị đám đông loại trừ, vì thân ông lùn và phận ông tội lỗi. Nhưng Chúa đã rời đám đông kiêu hãnh kia để đi tìm ông và đem ơn cứu độ cho ông. Chúa đã nhìn ông và cứu ông. Cái nhìn của Chúa, cái nhìn chinh phục, cái nhìn của tình thương muốn cứu vớt. Ông Giakêu đã tìm cách nhìn thấy Chúa, nhưng ông cũng đã để cho Chúa nhìn ông và chinh phục ông. Ông được cứu độ.

Qua những điều trên, chúng ta hãy ghi nhớ hai điều sau đây: Thứ nhất, những tội bất công hay tham nhũng mà ông Giakêu phạm, đã làm cho ông mất tước hiệu là con cái Abraham. Nhưng với sự ăn năn sám hối, muốn làm lại cuộc đời, sửa lại những lỗi lầm, ông Giakêu đã được chính Chúa Giêsu tha tội và trả lại cho ông tước vị đó. Tước vị con cái Abraham là một vinh dự của người Do thái. Nhưng người Công giáo, ngoài tước vị đó ra, chúng ta còn là con cái Thiên Chúa. Người Do thái rất hãnh diện về tước vị đó. Còn chúng ta, chúng ta có hãnh diện về tước vị làm con Thiên Chúa không? Nếu làm mất danh hiệu con cái Thiên Chúa, chúng ta cũng cần bắt chước Giakêu mà sửa lại những lỗi lầm gây nên sự mất mát kia, để Chúa cũng trả lại danh hiệu nghĩa tử Thiên Chúa cho chúng ta và tuyên bố về chúng ta rằng: “Người này cũng là con cái Thiên Chúa”.

Thứ hai, nhiều người Công giáo quên mất rằng: Đạo Chúa là đạo cứu thế chứ không phải đạo phán xét. Do đó, người Công giáo cũng phải có tinh thần cứu thế, không phán xét, khinh dể những người tội lỗi… Chúa Giêsu đã không hùa theo người Do thái mà khinh dể, loại trừ ông Giakêu. Trái lại, đã đến với ông để cứu ông và cả gia đình ông, làm cho họ trở thành con cái thực thụ của Abraham. Thế thì người Công giáo cũng vậy, phải yêu thương tội nhân, đến với họ, mang ơn cứu độ cho họ và làm cho họ lấy lại tước vị “con cái Abraham” trong đức tin và “con cái Thiên Chúa” trong tình yêu thương bác ái.

 

52.Chưa chắc lùn đã thấp

(Suy niệm của Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm)

Không là người Việt Nam, nên không chắc Chúa Giêsu đã biết câu tục ngữ: Đừng chơi nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn.

Nghiêm chỉnh lại mà nói. Về bản tính Thiên Chúa, thì Chúa thừa biết câu ấy. Nhưng về bản tính con người, thì có lẽ Chúa không biết câu ấy.

Nhưng một sự thật đã xảy ra. Hôm nay, Chúa không những đã ghé, mà còn ở lại ăn cơm, ở nhà một người rất lùn, tên là Giakêu.

1. Duyên tình gặp gỡ

Sao Ngài lại gặp Giakêu, hay đúng hơn, sao Giakêu lại gặp được Ngài.

Giakêu gặp được Chúa, bởi ông đã ước mơ đi tìm “Ông ta tìm cách để xem cho biết Chúa Giêsu là ai”. Ông đã nghe nhiều người nói với ông về Chúa Giêsu, nhưng ông không chịu vậy. Ông muốn đích thân ông phải đi tìm, đi gặp Ngài. Tìm hiểu và gặp gỡ Thiên Chúa phải là việc làm của chính mình. Bởi đây là việc vô cùng hệ trọng, không thể là phong thanh được. Hành trình đi tìm Chúa, phải khởi đi, từ nỗi khát vọng trong trái tim, được nối kết bằng sự kiên trì để vượt qua được những khó khăn thử thách trên đường đi.

Giakêu ước mong tìm xem Chúa, nhưng biết mình thấp bé, nên ông đã phải tìm giải pháp. Phải có một quyết tâm cao. Ông leo lên một cây sung. Thế đấy, để gặp Chúa, người ta phải biết vượt cao hơn cái trần tục của mình, leo cao, bao giờ cũng đòi phải cố gắng. Ông leo cao để tìm Chúa.

Vừa ngay lúc ấy, Chúa đến nơi, và Người nhìn lên, bốn mắt gặp nhau, Chúa đọc được cái khát vọng trong lòng ông Giakêu. Chúa thương thiện chí của ông. Chúa cảm động trước cố gắng của ông. Và rồi Chúa gọi ông xuống, Chúa chưa vào nhà ông, nhưng Chúa đã cho ông vào lòng Chúa rồi. Ông vẫn còn đứng trên cây, nhưng Chúa đã đưa ông vào trong trái tim Chúa rồi.

“Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại trong nhà ông.”

Cài gì thế này? Mình tỉnh hay mình mơ? Chúa đã gọi đúng tên mình. Thân thương quá. Chúa gọi ông xuống với Chúa. Xuống mau đi. Hạnh phúc quá! Mình là người tội lỗi, sao Chúa lại gọi mình. Sao Chúa không đuổi mà lại gọi?

Thế là ông vội vã tụt xuống, để đến với Chúa. Khó có ngôn từ nào, để có thể diễn tả được khuôn mặt ngỡ ngàng, pha lẫn với sung sướng của ông lúc này. Ông nhìn Chúa, và Chúa nhìn ông. Ông thấy Chúa thật lạ lùng. Không xa cách ông như những người quanh ông đã làm. Chúa nhân từ quá, không kết án, mà lại muốn gần gũi với ông.

Còn với Chúa, Giakêu không thấp. Thân xác thì lùn thật, nhưng tầm hồn ông không thấp. mà giá trị một người, nằm ở tâm hồn, chứ không phải ở thân xác bên ngoài. Và ông mừng rỡ ra đón rước Ngài. Ông lùn thật, nhưng ý thức chiều sâu còn cao hơn ối người. Đầy người, không hề bao giờ, biết hân hoan đón Chúa vào nhà mình.

2. Và rồi trong lòng bừng nắng hạ

Và rồi, bữa tiệc được mở ra. Được chung mâm, chung bàn với Chúa. Hồn Giakêu chao đi vì hạnh phúc. Nhìn thấy Chúa, ngồi bên Chúa, ngồi gần ánh sáng, tự nhiên Giakêu lại nhìn rõ khuôn mặt nhơ nhớp của hồn mình.

Tôi xin lấy nửa gia tài của tôi mà cho người nghèo.

Ô hay, sao lạ thế. Việc đầu tiên lại là nghĩ đến người nghèo? Phải chăng, đưới ánh sáng của Chúa, ông đã chợt nhận ra rằng: suốt những tháng năm qua, ông đã là kẻ ích kỷ. đóng khung. Ông đã không hề biết đến ‘Tình nười”. Sống mà không biết đến người khác, là tự huỷ cái tính đồng loại của mình. Ông chỉ là một kẻ ích kỷ. Kẻ ích kỷ là kẻ cô đơn nhất trong cuộc đời. Bởi không bao giờ, có một chỗ đứng trong con tim người khác.

Bây giờ ông muốn trở lại, hội nhập lại với cộng đồng, ông muốn san sẻ, ông muốn mình thành kẻ hữu ích cho cuộc đời.

Và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.

Trước đây, hẳn với nghề nghiệp thu thuế của mình, nhiều lúc ông đã là kẻ gian tham, nhưng sao những lúc ấy, ông vẫn thấy cứ tỉnh bơ. Giờ này gặp được Chúa, ông đã thấy những bất công ấy là tội ác. Ông nghiệm ra rằng: Sự gian dối luôn là một gánh nặng, đè trĩu linh hồn con người. Chỉ có sự công bằng, mới làm hồn con người thanh thản và bình an.

3. Một con người mới hiện ra

Trước mặt Chúa, vẫn còn là Giakêu thấp bé. Nhưng trong con mắt Chúa, Giakêu, giờ này, đã là cao cả.

Vì cái gánh nặng của tội lỗi, đã được cất bỏ. Chúa Giêsu đã cứu độ ông.

Ông trở thành cao cả, bởi ông đã biết sống có tình người.

Ông trở thành cao cả, bởi hồn ông bây giờ thênh thang, trắng trong, không bận vướng.

Chiều cao thân xác ông vẫn thấp, nhưng chiều cao linh hồn ông giờ ngất cao.

Bởi vậy, lùn chưa chắc đã thấp.

 

53. Hoán cải

Đời sống con người gắn liền với những cuộc gặp gỡ. Có những cuộc gặp gỡ mà người ta háo hức như gặp người yêu, gặp một nhân vật nổi tiếng, gặp một người thân xa cách đã lâu… Tuy nhiên, gặp kẻ khó ưa, gặp tên trấn lột, tên lường gạt… thì chẳng ai mong muốn. Ngoài ra lại có những cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa, có sức hoán cải, làm thay đổi cả con người. Cuộc gặp gỡ như thế không chỉ dừng lại ở gặp mặt, gặp gỡ xã giao, nhưng là cuộc gặp gỡ thâm sâu, gặp gỡ giữa hai tâm hồn.

Trang Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ hết sức thú vị giữa Đức Giêsu và Giakêu. Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, lại muốn kết thân với Giakêu, kẻ tội lỗi bị mọi người xa lánh. Thế nhưng trong cuộc kết giao này. Đức Giêsu chẳng mất mát gì, trái lại Ngài đã cứu được một tội nhân khỏi vòng tội lụy; còn Giakêu, dù là chia nửa gia tài của mình cho người nghèo, nhưng lại được mối lợi thật to. Ông và cả gia đình đón nhận được hồng ân cứu độ. Quả là một cuộc gặp gỡ diệu kỳ đưa đến hoán cải tận căn.

Phải chăng là sự hài hước, chế giễu hoặc là một nghịch lý? Danh xưng “Giakêu” trong tiếng Do thái có nghĩa là “người thanh khiết, người công chính”. Con người tội lỗi công khai ấy lại có tên “thanh khiết, trong sạch” làm chúng ta nghĩ tới một kẻ lừa bịp ác tâm mà người ta đặt cho là “người vô tội”.

Bạn của Giakêu là “tiền”, còn phương châm sống là “bất chấp dư luận”. Thế nên, dù có vóc dáng nhỏ thó với chiều cao khiêm tốn, ông cũng leo lên được nấc thang xã hội, đã đạt được vị trí ước mong, đã thu tích được một gia tài. Có được gia tài này, một phần là nhờ trí tuệ, sự miệt mài làm việc, một phần cũng là nhờ bòn mót và kiếm chác của người khác. Bởi lẽ ông đứng đầu những người thu thuế. Ông coi những người khác là bần cùng, khố rách áo ôm. Còn người ta lại khinh bỉ ông là kẻ tội lỗi. Giakêu, một con người bị tránh xa như bệnh dịch, kẻ tội lỗi hoàn toàn hư mất. Cấm không được giao du với hạng người hư hỏng đó. Người ta nhổ xuống đất và quay mặt đi khi đi ngang qua con người ấy.

Ông đã sống để kiếm tiền và khuấy động thành phố. Nhân danh pháp luật, ông bức bách người ta. Nhưng khi nghe nói Đức Giêsu đi qua đó, và Người là bạn của những kẻ không được ai yêu thương, ông đã leo lên một cây sung bên đường để xem cho biết mặt Đấng ấy. Khi tới chỗ ấy, Đức Giêsu dừng lại và đưa mắt nhìn lên. Chẳng biết Người muốn nói gì nơi ông?

Chúng ta có thể gọi chỗ này là “nơi hai ánh mắt gặp nhau”. Bề ngoài, cái nhìn đầu tiên là của Giakêu, đang cháy bỏng ước muốn xem Đức Giêsu. Nhưng sẽ không có gì xảy ra nếu như Đức Giêsu đã không ngước mắt nhìn lên kẻ ở trọ lạ lùng – trên cây sung. Người “nhìn lên” Giakêu. Người không xem thường ông, nhưng nhận ra nơi ông một con người sẵn sàng hoán cải. Anh mắt, thái độ và lời nói của Người không ngừng biểu lộ sáng kiến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Giakêu muốn gặp mặt Đức Giêsu, không kèn, không trống, không kẻ hầu người hạ. Ông đi một mình trơ trụi, bị đẩy lại sau những kẻ tò mò, và điều hạ nhục ông là ông phải làm một chuyện kỳ dị đối với một viên chức cao cấp. Có thể nói ông đã làm một bước nhảy vọt, vượt trên mọi dư luận, mọi thành kiến. Ông làm tất cả những điều đó cốt để tận mắt thấy Đức Giêsu. Quả là đáng khâm phục! Thế nhưng, Đức Giêsu lại làm một cử chỉ đáng kinh ngạc hơn. Trong lúc được đám đông dân chúng vây quanh và hết lòng ngưỡng mộ, Người lại tách mình ra khỏi đám đông hỗn độn ấy để đến với một kẻ tội lỗi. Vì lòng thương xót đối với tội nhân, Người chẳng màng đến những lời xì sầm, bàn tán hay dị nghị. Đấng Thánh của Thiên Chúa hạ mình xuống làm bạn với một người tội lỗi.

Tình yêu vượt lên mọi thành kiến, mọi trở ngại, mọi rào cản.

Hiển nhiên, đám đông chờ đợi và hy vọng Đức Giêsu sẽ cho Giakêu một bài học đích đáng. Và nếu Người làm như vậy, Người sẽ được dân chúng tán dương. Nhưng Đức Giêsu từ chối đối xử với ông như vậy. Thay vào đó, Người lại muốn trọ tại nhà ông. Dân chúng lập tức đâm ra ghét Người; còn Giakêu thì vô cùng bỡ ngỡ, ông vui vẻ đón tiếp Người.

Người ta ghét Giakêu. Họ không muốn thấy ông được cứu độ. Họ chỉ muốn ông bị kết án và bị trừng phạt. Nhưng Đức Giêsu không nghĩ như vậy. Người thấy rằng điều Giakêu cần không phải là bị kết án nhưng là ơn cứu độ. Giakêu có xứng đáng hay không xứng đáng lãnh ơn cứu độ – điều đó không quan trọng – Giakêu cần ơn cứu độ, như thế là đủ đối với Đức Giêsu. Nếu Người cũng như đám đông dân chúng kết án, hạ nhục hay tránh né ông, thì chắc chắn phép lạ hoán cải đã chẳng xảy ra.

Nghịch lý trong tên gọi của Giakêu lúc đầu giờ đây lại hoàn toàn hữu lý. Chúng ta thấy rằng niềm vui của cuộc gặp gỡ làm nảy sinh nơi người tội lỗi ước vọng thiết tha được khởi đầu một cuộc sống mới: “Thưa Ngài, này đây là phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.

Ban đầu, Giakêu chỉ muốn xem cho biết Đức Giêsu là người thế nào. Thay vì chỉ thoáng thấy Chúa đi ngang, ông được diễm phúc diện đối diện, và còn hơn thế nữa tâm hồn ông gặp được tấm lòng bao dung của Thiên Chúa. Tâm hồn Giakêu giờ đây giống như vùng đất sa mạc được tưới mát sau cơn mưa lớn.

Cuộc hoán cải của Giakêu đã xảy ra tức khắc, tỏ tường và chúng ta có thể chắc chắn về điều đó. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là cuộc hoán cải thuộc lãnh vực trí tuệ. Ông đã thay đổi cõi lòng. Trên quan điểm của Tin Mừng, đây là cuộc hoán cải có tầm quan trọng nhất và cũng để lại những dấu ấn sâu đậm nhất. Sợ hãi chẳng thể nào làm nảy sinh được cuộc hoán cải nội tâm. Chỉ có tình thương và lòng bao dung mới có thể làm được điều đó. Một sự tiếp cận cứng cỏi sẽ đưa tới một con tim khép kín và chai đá. Một sự tiếp xúc dịu hiền, như Đức Giêsu đã cư xử với Giakêu, sẽ dẫn đến một con tim mềm mại và cởi mở.

Lời tuyên bố của Đức Giêsu cho thấy phép lạ thật sự đã xảy ra ngay trong cuộc gặp gỡ giữa Người và Giakêu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Giờ đây, Giakêu không còn mang danh hiệu kẻ tội lỗi nữa, nhưng ông có thể mang tên thật của mình là “người thanh khiết”.

Đức Giêsu không chỉ muốn gặp gỡ Giakêu nhưng Người cũng muốn gặp gỡ mỗi người chúng ta. Trước mặt Thiên Chúa chúng ta cũng là những kẻ tội lỗi đáng thương như Giakêu, cũng cần đến sự hoán cải và ơn tha thứ.

Thiên Chúa không chờ ta quyết định đến với Người. Người luôn đi bước trước. Bao giờ cũng chính Người đến với ta, và Người vẫn còn đến mãi bao lâu chưa tiếp xúc được với chúng ta.

Thế nên chúng ta phải hành động để tìm gặp Thiên Chúa. Người không đòi ta phải leo lên cây sung như Giakêu, nhưng quan trọng là phải đi gặp Người bằng chính hành động của mình. Cũng như Giakêu, Thiên Chúa không đòi ta phải bỏ nhiệm vụ của mình mà lánh vào sa mạc. Người giúp Giakêu khám phá ra rằng ông phải chu toàn nhiệm vụ của mình một cách công bằng và đền bù những lạm dụng. Do đó, chúng ta cũng nên xét lại những bổn phận và cách cư xử của mình có hợp với lẽ công bằng hay chưa. Có thể chúng ta chẳng lấy cắp hay chiếm cứ tài sản của ai cách công khai, nhưng chúng ta lại thỏa hiệp với việc lấy cắp của công, tham ô, hối lộ, bớt xén thời gian làm việc, đầu cơ trục lợi hoặc cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, có bao giờ chúng ta đã để tâm sống đức công bằng qua việc tôn trọng danh dự, phẩm giá người khác; hay chúng ta coi việc gièm pha, vu khống, hỗn láo, nói xấu người khác… là chuyện bình thường?

Sự hoán cải của Giakêu là một cuộc hoàn lương. Tất cả chúng ta cũng cần một cuộc hoán cải như vậy. Mỗi người đều có khả năng mà Giakêu đã có, cho dẫu nó có thể bị che khuất hay chưa được tỏ lộ. Thế nên, chúng ta cũng cần hoán cải hằng ngày để từ một quả tim khép kín trở nên rộng mở, từ một quả tim chai đá, bất công trở thành thịt mềm, ngời sáng đức công bằng.

 

54. Hoán cải

Chắc hẳn Giakêu đã nghe người ta nói nhiều điều tốt về Chúa Giêsu. Nhưng ông muốn chính mình gặp Ngài, lý do thứ nhất là để xem tướng mạo Ngài ra sao, và lý do thứ hai quan trọng hơn là để biết con người của Ngài thế nào.

Hôm đó cũng có rất đông người muốn nhìn thấy Chúa Giêsu. Họ ở cạnh Ngài, họ bao quanh Ngài. Còn Giakêu thì không đến gần được, ông phải trèo lên một cây sung. Thế mà Chúa Giêsu lại đặc biệt để ý tới ông. Thật sung sướng khi được người khác để ý tới.

Tuy nhiên, để ý tới ai không hẳn chỉ là để chăm sóc hay khen ngợi người đó. Nếu người đó là kẻ xấu thì có thể người ta để ý tới để mà dò xét hay khiển trách. Giakêu là người xấu, nhưng Chúa Giêsu để ý tới ông không phải là để khiển trách. Ngài dừng lại và nhìn lên ông. Giakêu hiểu là Chúa Giêsu quan tâm đến ông. Được để ý tới là sung sướng, được quan tâm lại càng sung sướng hơn.

Chúa Giêsu còn nói với Giakêu nữa. Đặc biệt là Ngài không nói một lời nào về những tội lỗi của ông. Thay vào đó Ngài gọi đích danh ông “Này ông Giakêu”. Rồi Ngài gọi ông xuống “Xuống mau đi”. Ngài còn ngỏ ý muốn đến trọ nhà ông “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Điều này không ai ngờ. Giakêu không ngờ, mà tất cả mọi người có mặt ở đó cũng không thể ngờ một người đạo đức như thế mà lại đến trọ nhà một người tội lỗi công khai. Giakêu sung sướng quá. “Ông vội vàng trèo xuống và mừng rỡ đón tiếp ngài”. Ban đầu ông chỉ mong nhìn được Chúa Giêsu một cái thôi. Bây giờ ông được nhìn Ngài mặt đối mặt và sắp được ở chung với Ngài ngay trong nhà của ông nữa.

Giakêu đã biết chẳng những tướng mạo mà cả con người của Chúa Giêsu. Ông còn biết được tâm hồn dạt dào yêu thương của Ngài nữa.

Và khi nhìn thấy tâm hồn Chúa Giêsu rồi, Giakêu cũng nhìn lại tâm hồn của ông: một tâm hồn đầy tội lỗi. Ông thấy đời mình bấy lâu nay như một sa mạc khô cằn, thế mà hôm nay Chúa Giêsu lại đến, như một cơn mưa rào.

Thế là Giakêu hoán cải. Cuộc hoán cải thể hiện bằng những hành động cụ thể: đền bồi tất cả những thiệt hại đã gây ra cho người khác, và phân chia tài sản mình cho những người nghèo. Đây không phải là hoán cải chỉ bằng ý muốn mà bằng cả con tim. Giakêu đã biết xót xa cho những người bị ông làm thiệt hại, và biết yêu thương những người nghèo khổ. Đây chính là sự hoán cải thật, vì con tim có hoán cải thì cuộc đời mới hoán cải thật.

Con tim của Giakêu hoán cải nhờ Chúa Giêsu đã để ý tới ông, quan tâm ông, đối xử nhẹ nhàng với ông. Goethe đã viết: “Hãy đối xử với một người như người ấy là, và người ấy sẽ xấu hơn. Hãy đối xử với người ấy như người ấy phải là, hoặc như người ấy muốn là, và người ấy sẽ tốt hơn. Bởi vì những ước muốn trong chúng ta chính là phần tốt nhất của con người chúng ta”.

Chúa Giêsu hiểu rằng những việc làm xấu của Giakêu không phải là toàn phần con người của ông; Ngài hiểu trong ông còn có phần tốt, phần muốn làm điều tốt và có khả năng làm những điều tốt ấy. Ngài đã khơi lên chính cái phần tốt ấy.

Cuộc hoán cải của Giakêu là hoán cải con tim, là hướng con tim về điều tốt.

Cũng giống như Giakêu, trong con người chúng ta cũng có phần tốt mặc dù có thể phần tốt ấy xưa nay bị những việc xấu chèn ép và chưa phát huy ra. Hãy hoán cải con tim bằng cách để Chúa để ý đến ta, quan tâm ta, nói với ta, trọ trong tim ta và đánh động con tim ta.

 

55. Thiên Chúa yêu thương

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)

Thiên Chúa là tình yêu. Ngài yêu thương con người, và luôn đi tìm tội nhân để dẫn đưa họ về với Ngài.

Thiên Chúa luôn đi bước trước

Thiên Chúa đã đánh động Giakêu, để ông có lòng khao khát gặp Đức Giêsu. Thiên Chúa đã thúc đẩy để Giakêu, người trưởng của những người thu thuế, nhiều tiền, dám trèo lên cây để nhìn ngắm Đức Giêsu. Đây là thái độ của người khiêm nhường, không tự phụ vì tiền bạc mình có, không kiêu căng vì chức vụ trưởng thu thuế của mình, nhưng can đảm làm điều như một em bé, trèo lên cây để nhìn Đức Giêsu. Thái độ này đã đánh động Đức Giêsu. Đức Giêsu đã dừng lại, ngó lên, và gọi Giakêu, đề nghị được ở lại nhà ông. Giakêu đã trèo xuống, vui vẻ chấp nhận đề nghị của Đức Giêsu. Và không chỉ vậy, ông hứa sẽ bố thí cho người nghèo nửa gia tài của ông, và bồi thường gấp bốn những gì ông đã làm hại người khác.

Giakêu đã làm điều vượt khỏi quan niệm “thế gian thường tình”. Ông đã trở lại với Chúa và với con người, với những anh em cụ thể sống xung quanh ông. Và với điều này, cả trời đất vui mừng. Con người vui và Thiên Chúa cũng vui.

Thiên Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu

Thiên Chúa, Đấng đánh động Giakêu, là Thiên Chúa hay thương xót và yêu thương. Thiên Chúa vẫn yêu thương tất cả mọi loài, cho dù trước nhan Thiên Chúa, toàn thể vũ trụ chỉ như hạt cát dính bàn cân, như giọt sương mai rơi trên đất.

Tương tự như cha mẹ yêu thương con cái vì con cái do cha mẹ sinh ra, Thiên Chúa cũng yêu thương tất cả mọi loài vì tất cả mọi loài đều được Thiên Chúa tạo dựng. Thiên Chúa tạo dựng con người qua cha mẹ mỗi người. Thiên Chúa là Cha của tất cả. Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, Ngài là Cha của người con trưởng lẫn người con thứ trong dụ ngôn người cha nhân từ. Thiên Chúa là Cha của người công chính cũng như của người tội lỗi.

Chính vì yêu thương, mà Thiên Chúa đã tạo dựng mỗi người. Nếu không yêu thương, Ngài đâu tạo dựng họ. Hiện hữu là một hồng ân vô cùng lớn, mà chỉ những người cảm nhận tình yêu mới nhận ra.

Thiên Chúa yêu thương cả những tội nhân

Thiên Chúa vẫn yêu thương, cả những người tội lỗi. Ngài yêu thương qua việc Ngài kiên nhẫn và không trừng phạt tội nhân ngay khi họ phạm tội.

Hình ảnh Đức Giêsu chết trên thập giá và những người chủ mưu giết Ngài, những người hành hình Ngài, giúp con người thấy Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào! Tại sao Thiên Chúa Cha không hủy diệt những người âm mưu giết Con Ngài, tại sao Thiên Chúa không làm cánh tay của những kẻ đóng đinh Đức Giêsu phải tê liệt, tại sao Ngài không làm những người đánh Người Con yêu của Ngài phải chết! Vì Ngài nhân từ yêu thương, Ngài yêu thương cả những kẻ giết Con Ngài. Ngài nhân từ để chờ họ nhận biết chân lý và trở lại với Ngài.

Ai cũng phạm tội, và có lẽ mỗi người đều cảm nghiệm tình yêu thương nhân từ và kiên nhẫn của Thiên Chúa. Ngài luôn mời gọi con người trở lại với Ngài, để Ngài tha thứ và để con người được chia sẻ sự sống với Ngài.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Trong cách hành xử của Giakêu, có điều gì hay mà bạn thiếu?

2. Bạn thường nhìn người tội lỗi thế nào? Bạn có “phân biệt đối xử” hông? Bạn có thái độ (như người con) của Thiên Chúa không?

3. Thiên Chúa là ai đối với bạn?

 

56. Tôi muốn bạn yêu tôi!

“Giờ này là giờ thuận tiện; đây là ngày cứu độ,” Thánh Tông Đồ Phaolô đã viết cho các phần tử của Giáo đoàn Corintô (2Cr 6,2). Giờ này! Hôm nay! trong chính giữa những lên lên xuống xuống của đời sống thường nhật chúng ta, giữa những vui vui buồn buồn của chúng ta, giữa cuộc hành trình dương thế của chúng ta, Thiên Chúa muốn mang chúng ta sống lại trước Thiên Nhan cứu độ của Ngài. Thiên Chúa muốn chúng ta đưa Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vào trong làm chính nền tảng của mọi ngày chúng ta, kinh nghiệm ngay bây giờ.

Một luật sư thuật lại một biến cố đáng nhớ nhất trong nghề nghiệp của ông: Một ngày nọ, một người phụ nữ khoảng hai mươi mấy tuổi, xinh đẹp và diện rực rỡ bước vào văn phòng tôi. Cô đã lấy chồng được 5 năm. Cô kể cho tôi biết cô gặp khó khăn với chồng của cô. Tôi cho rằng cô đến để làm thủ tục giải thoát hợp pháp. “Cô có bất cứ kiện chứng nào mà cô có thể dựa vào đó để ly dị ông không?” Tôi hỏi. “Ồ không, thưa ông,” cô trả lời, “tôi không muốn ly dị.” Rồi tôi trình bày cho cô biết trên phương diện nào cô có thể đòi được ly thân. “Nhưng tôi không muốn ly thân,” cô phản kháng lại. Cảm thấy bối rối, tôi nói với cô có thể đưa ra toà về những liên hệ gia đình hầu bắt buộc chồng cô phải trả tiền nuôi cô hàng tuần. “Tôi không muốn anh ấy trả tiền nuôi tôi,” cô khóc lóc trả lời. “Tôi làm nhiều tiền hơn anh ấy.” Tôi đã đến độ cáu tiết. “Được rồi, bà cô,” tôi nói, “Cô không muốn ly dị, cô không muốn ly thân và cô không muốn chồng cô trả tiền nuôi cô. Vậy cô muốn gì?” Nước mắt bắt đầu trào tràn trên khuôn mặt cô. Cô ấp úng, rồi cà lăm từng tiếng một, “Tôi muốn... anh ấy... ơ... tôi muốn anh ấy yêu tôi!”

Có nhiều người trên trần gian này cần đến tình thương của bạn, những người mong muốn các bạn yêu thương họ ngay bây giờ! Đây là ngày cứu độ! Đây là ngày cho các bạn biết sắp xếp lại những ưu tiên của các bạn trong ánh sáng Sứ Điệp Phúc Âm. Đây chính là ngày cho các bạn trở nên một con người tuyệt diệu, ân cần, yêu thương mà Thiên Chúa muốn các bạn là. Đây chính là ngày cho các bạn tiến vào cuộc cảm nghiệm của đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Cuộc sống vĩnh cửu là “biết Cha, là Thiên Chúa độc nhất chân thật,” Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa Cha (Jn. 17:3). “Anh chị em thân mến,” Thánh Gioan viết, “Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu đến từ Thiên Chúa và ai yêu thương thì sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không thể nào nhận biết Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu...” (1 Jn. 4:7-8).

Trong đêm Halloween, một người hàng xóm vui tính quyết định hù các trẻ đi xin kẹo. Ông mặc một chiếc áo choàng đen dài lết đất, đội một chiếc mũ đen gắn hai chiếc sừng quỷ, và một chiếc mặt nạ hãi hùng. Rồi ông ngồi đợi. Sau cùng, chuông nhà ông rung lên. Ông tắt hết đèn điện. Ông mở cửa và hét lớn hù người. Rồi ông nhìn xuống và thấy đang đứng trước ông một bé gái 5 tuổi, xinh xinh tóc vàng, hoá trang là một nàng tiên dễ thương. Cô bé trợn mắt nhìn ông. Rồi cô đưa cặp mắt chạy dài trên chiếc áo đen dài to tướng, nhìn thẳng vào chiếc mặt nạ khủng khiếp, mỉn cười và nói, “Mẹ có mua kẹo không?”

Nhiều lúc, trong mối giây liên hệ với tha nhân, dù là chúng ta có gặp ma quỷ hay thiên thần thì thường lệ thuộc vào thái độ căn bản của chúng ta về cuộc sống. Chúng ta có đem kiến thức tôn giáo mà chúng ta đang giữ trong đầu óc vào thâm tâm của ta chưa? Chúng ta có mang Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô làm nền tảng hằng ngày chưa?

Câu chuyện Phúc Âm hôm nay nói đến cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người đàn ông mà đã được biến đổi từ căn bản. Ông Giakêu là một người thu thuế đã làm giàu trên nghề nghiệp của ông. Chúng ta có thể phỏng đoán từ những gì chúng ta biết về những tình trạng xã hội và chính trị của thời mà ông rút xén được một phần trong gia tài của ông qua việc làm bất lương -- ngay cả đảng phái, cướp bóc. Tuy nhiên, ông Giakêu đã thống hối: cải tổ cuộc sống ông; thay đổi đường lối của ông. Và khi mà Chúa Giêsu đang tiến vào thành, ông Giakêu kiên quyết đến gần Ngài. Số đông dân chúng đổ xô ra đón Chúa Giêsu trong khi Ngài tiến vào thành Giêricô. Bởi vì Giakêu là một người thấp lùn, và đám đông lại cản tầm nhìn của ông. Ông không thể nhìn thấy Chúa Giêsu. “Ông chạy ra trước,” Thánh Luca thuật, ông “trèo lên một cây sung trên đường Chúa Giêsu sẽ qua.” Chúa Giêsu nhìn thấy một con người vui tươi, đang đứng trên cành cây, và nói với ông, “Giakêu, xuống đây. Nhanh lên, vì Ta sẽ ngự tại nhà ông hôm nay” (Lk. 19:6). Nghe những lời này, đám đông trở nên phẫn uất bực bội với Chúa Giêsu. Họ biết ông Giakêu là một người thu thuế. Họ càu nhàu, “Ngài lại đến ở trong nhà của một người tội lỗi.” Qua chính lý do này, Giakêu là người khắc khoải nhất. Ông đã lo cải tổ cuộc sống. Ông nói với Chúa Giêsu rằng ông đã tiến xa hơn những gì đòi buộc của lề luật trong niềm nỗ lực của ông đền bù lại những gì mà ông đã làm sai với người khác. Ông đã làm hại người khác trong quá khứ và giờ đây ông đã đi cố đi thêm một dặm hầu được làm hoà với họ. Và ông cảm thấy thật là vui sướng. Đấy chính là lý do mà ông đã nhốn nháo chạy quanh đám đông để cố có một ánh nhìn phớt qua về Chúa Giêsu. Đấy chính là lý do mà ông đã trèo lên cây sung. Đấy chính là lý do mà ông đã vội tụt xuống từ cành cây khi Chúa Giêsu nói chuyện với ông. Cái gì đó kỳ diệu và vui sướng đã xảy ra cho cuộc sống của ông và ông đã chia sẻ niềm vui tốt lành này với Chúa Giêsu và tha nhân.

Khi Ân Sủng Thiên Chúa ngự trị trong chính trung tâm con người của các bạn, Nguồn Lực của sức sống sẽ ban cho các bạn một ý nghĩa chân thật và đưa các bạn đến cuộc sống mới trọn vẹn.

Ơn cứu độ của bạn đã gần kề! Hãy làm cho sống động lời van nài “tôi muốn bạn yêu tôi!” Hãy làm cho sống động, cái cảm nghiệm của niềm vui mà đến được qua những hành vi phản chiếu Tình Thương của Thiên Chúa trong đường lối hàn gắn và cứu giúp.

 

57.Biến đổi nhờ nhận ra Chúa yêu thương và tin tưởng

Có lẽ trong cuộc sống ít nhiều chúng ta đã chứng kiến nhiều sự biến đổi. Biến đổi cảnh vật, biến đổi nơi chốn và nhất là con người được biến đổi. Sau khi biến đổi những cảnh vật, những nơi chốn và những con người có thể tốt hơn hay có khi cũng xấu hơn. Dường như ai trong chúng ta cũng đều mong muốn với sự biến đổi đó mọi sự sẽ trở nên tốt hơn và có giá trị hơn.

Mỗi sự biến đổi đều có động lực của nó. Chẳng hạn, một bạn trẻ sau khi đi làm xa một thời gian, nhờ có được nhiều tiền trở về quê biết quan tâm và giúp đỡ đến bà con của mình. Đoạn Tin mừng Giáo hội cho chúng ta suy niệm hôm nay cũng cho thấy một sự biến đổi. Đó là ông Dakêu đã biến đổi cách sống của mình. Chúng ta xem ông đã biến đổi như thế nào và do đâu khiến ông đã được biến đổi.

Chúng ta biết, trong xã hội Do thái lúc đó những ai làm nghề thu thuế được liệt vào một trong những người tội lỗi đáng sợ. Ai tiếp xúc với những hạng người như thế sẽ bị ô uế. Những ai được xem là công chính rất sợ phải tiếp xúc với những người tội lỗi như thế. Mà ông Dakêu là một người thu thuế. Hơn nữa, ông lại còn là người đứng đầu trong các người thu thuế. Như thế, với cái nhìn ấy ông Dakêu thật là một người tội lỗi rất đáng sợ.

Ngày kia, nghe tin Chúa Giêsu đi ngang thành Giêricô ông chỉ muốn tìm cách xem Người là ai. Vì quá lùn nên ông đã trèo lên cây sung để xem mặt Người. Biết thế, không những Chúa Giêsu cho ông thấy mặt mà Chúa Giêsu còn bảo ông: “ Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “. Nghe lời ấy ông quá đỗi vui mừng: “ vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người “.

Vì yêu thương và tin tưởng Dakêu nên Chúa Giêsu đã không ngại gợi ý để vào nhà ông và dùng bửa với ông. Đến nổi những người khác bàn tán xầm xì: “ Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “. Chắc chắn ông Dakêu đã nhận ra được điều ấy nên ông đã hoàn toàn thay đổi cách sống của mình: “ Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn “. Từ một con người chỉ biết thu vào cho mình giờ đây nhờ tình yêu và sự tin tưởng của Chúa Giêsu nên ông đã trở thành con người biết mở ra cho người khác.

Ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa yêu thương và tin tưởng như thế. Vì yêu thương và tin tưởng nên Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta quản lý mạng sống của mình. Vì yêu thương và tin tưởng nên Thiên Chúa đã trao cho chúng ta những sứ mạng. Có người làm giáo sĩ, có người làm tu sĩ, có người làm cha làm mẹ trong gia đình, có người lãnh trách nhiệm này trách nhiệm nọ trong họ đạo...

Nếu chúng ta nhận ra được Thiên Chúa đang yêu thương và tin tưởng mình chắc chắn đời sống chúng ta sẽ thay đổi nhiều. Chúng ta sẽ biết phục vụ tốt trong vài trò bổn phận của mình.

 

58. Suy niệm của JKN

Câu hỏi gợi ý:

1. Đối với người xấu, thái độ xa tránh để trừng phạt họ và thái độ gần gũi yêu thương họ, thái độ nào có tác dụng cảm hóa họ nhiều hơn?

2. Để trở nên tốt, con cái ta cần tình thương hay cần những lời khuyên của ta hơn? Cái nào có khả năng thúc đẩy chúng làm điều tốt nhiều hơn?

3. Khi con cái bạn sợ roi hơn sợ bạn buồn, bạn có nghĩ rằng bạn đã chưa biểu lộ tình thương của bạn đối với con cái đúng mức phải có? Hoặc bạn đã dùng quá nhiều lời khuyên mà quên rằng chúng cần bạn biểu lộ tình thương đối với chúng nhiều hơn nữa (qua sự quan tâm, âu yếm, dịu dàng…)?

Suy tư gợi ý:

1. Hai thái độ có thể có đối với những người tội lỗi

Đối với những người tội lỗi, để giúp họ từ bỏ con đường tội lỗi hầu trở nên tốt hơn, người ta có thể có hai thái độ:

· Một là tẩy chay xa lánh họ để nhờ đó họ nhận ra tội lỗi của mình mà sửa chữa. Sách Dân số đã từng khuyên: «Này, chớ tới gần lều của những con người hư đốn ấy, và đừng đụng tới tất cả những gì của họ, kẻo vì liên luỵ mà anh em cũng bị huỷ diệt cùng với tất cả tội lỗi của họ» (Ds 16,26). Thánh Phaolô có khi chủ trương tương tự: «Thưa anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi» (2 Tx 3,6), và ngài khuyên Ti-mô-tê: «Anh hãy xa lánh tất cả những người ấy» (2 Tm 3,5). Chính Đức Giêsu cũng có khi chủ trương phải dùng biện pháp này đối với những kẻ ngoan cố như biện pháp cuối cùng sau khi tất cả mọi biện pháp đều thất bại: «Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế» (Mt 18,17).

Do đó, nhiều Kitô hữu được gọi là đạo đức cũng chủ trương như vậy, thậm chí áp dụng nó một cách hết sức máy móc. Biện pháp này mang tính cảnh cáo, trừng phạt, nhiều khi cần thiết và có tác dụng rất tích cực, nhưng cũng rất lắm khi bị phản tác dụng: tạo khó khăn, gây bất mãn, bít đường sống lương thiện, hoặc đẩy sâu vào đường tội lỗi.

· Thái độ thứ hai ngược lại là gần gũi và biểu lộ tình thương đối với họ. Đây là thái độ mà Đức Giêsu thường xử sự đối với người tội lỗi, và hầu như luôn luôn có tác dụng tốt. Ngài không hề xa tránh những người thu thuế, bọn đĩ điếm, vốn bị coi là hạng người tội lỗi, như những kinh sĩ và người Pha-ri-siêu thường làm. Ngài sẵn sàng ở trọ nhà người tội lỗi (x. Lc 19,7), ăn uống và giao du thân thiện với họ (x. Mt 9,10; Mc 2,15; Lc 5,30). Người Do Thái thời ấy không thể tưởng tượng được một ngôn sứ như Ngài lại có thể đối xử thân mật như thế đối với người tội lỗi, hoặc để họ đụng chạm đến thân thể mình (x. Lc 7,39). Không những thế, Ngài còn nhận một người thu thuế vào số các môn đệ thân tín nhất của mình (x. Mt 10,3; Lc 5,27).

Kết quả của thái độ nhân từ đó là biết bao người tội lỗi (thu thuế, đĩ điếm…) trở lại con đường ngay chính, say mê nghe Ngài rao giảng Tin Mừng, mà bài Tin Mừng hôm nay kể ra một trường hợp điển hình. Chính vì Đức Giêsu sẵn sàng vào nhà ông Giakêu, một kẻ bị coi là tội lỗi, ăn uống và trọ tại nhà ông, mà con người ông đã hoàn toàn thay đổi. Thử tưởng tượng xem, nếu Ngài cũng đối xử với Giakêu như cách mà người Do Thái thường làm là tẩy chay và xa lánh ông, thì kết quả ra sao! Còn biết bao trường hợp trở lại khác vì thái độ bao dung và gần gũi của Ngài (x. Lc 7,36-50; Ga 4,39-42; 8,2-11), đến nỗi Đức Giêsu cho biết chính bọn tội lỗi biết hối cải ấy còn vào thiên đàng trước và đông hơn cả bọn kinh sĩ và Pha-ri-siêu nữa (Mt 21,31-32).

2. Người Kitô hữu nên có thái độ nào

Thực ra, thái độ nào cũng có cái hay và cái dở của nó. Vì thế, người Kitô hữu nên tùy nghi mà áp dụng thái độ này hay thái độ kia trong từng trường hợp, miễn sao đạt được kết quả tốt. Thái độ yêu thương gần gũi thường có nhiều cơ may cảm hóa được người tội lỗi hơn thái độ tẩy chay rất nhiều. Điều này được chứng tỏ trong Tin Mừng qua thái độ của Đức Giêsu. Thái độ tẩy chay chỉ nên áp dụng một cách hạn chế, như một biện pháp cuối cùng, sau khi mọi biện pháp khác đều thất bại. Và chỉ nên áp dụng khi được thúc đẩy bởi tình thương và tinh thần trách nhiệm chứ không phải bởi lòng ghen ghét, ác cảm, với tinh thần bỏ mặc, vô trách nhiệm. Rất tiếc, biện pháp này lắm khi đã bị lạm dụng trong Giáo Hội gây ra rất nhiều điều đáng tiếc.

Cũng nên nhắc lại rằng cần phân biệt sự ác và người ác. Cần phải ghét bỏ và xa tránh sự ác chứ không phải người ác. Đức Giêsu và các tông đồ dạy ta phải yêu thương người ác và kẻ thù, làm ơn cho họ (x. Mt 5,44; Lc 6,27; Rm 12,20, v.v…). Trong số các điều ác, thì dường như Đức Giêsu tỏ ra ghét tính kiêu ngạo, sự giả hình, tính hay kết án và khinh chê người khác hơn tất cả những tính xấu khác. Tội lỗi bao nhiêu Chúa cũng tha được, nhưng dường như Chúa không tha tội cho những kẻ không chịu tha thứ cho người khác (x. Mt 18,23-35), những kẻ hay kết án người khác (x. Lc 6,37), những kẻ tự kiêu và lên mặt chê bai người khác (x. Lc 18,9-14). Chính vì thế mà bọn thu thuế và đĩ điếm dễ vào thiên đàng hơn bọn kinh sư và Pha-ri-siêu là những kẻ hay lên án và khinh chê kẻ khác. Do đó, chúng ta phải xét lại thái độ của chúng ta đối với người xấu, coi chừng kẻo Chúa kết án ta nặng hơn những kẻ bị ta kết án vì thái độ bất bao dung và kiêu ngạo của ta.

3. Kinh nghiệm cải hóa trong việc giáo dục con cái

Kinh nghiệm giáo dục con cái cho tôi thấy: con cái mà hư hỏng không phải vì chúng không biết điều nào nên làm điều nào nên tránh cho bằng chúng không có đủ động lực thúc đẩy chúng làm những điều chúng biết phải làm, và xa tránh những điều chúng biết là không nên làm. Chúng cũng có một tâm lý như thánh Phaolô, và cũng là tâm lý của tất cả mọi người: «Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm» (Rm 7,15.19). Ai cũng có tính xác thịt yếu đuối: «Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn» (Gl 5,17). Vì thế, đừng quan trọng hóa những lầm lỗi của chúng hơn việc biểu lộ tình thương và thông cảm của ta. Hãy bắt chước Thiên Chúa: «Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải» (Kn 11,23). Ngài kiên nhẫn chờ đợi ta trở về với Ngài. Tại sao ta không thể kiên nhẫn chờ đợi con cái mình thay đổi?

Điều quan trọng là tạo cho chúng sức mạnh hơn là cho chúng một mớ lý thuyết. Khi làm cho con cái mình cảm nghiệm rằng chúng được cha mẹ yêu thương, quan tâm, tôn trọng, chăm sóc và sẵn sàng hy sinh tất cả cho chúng, thì tôi nhận thấy chúng tỏ ra yêu thương cha mẹ hơn, hiếu thảo, vâng lời, chịu khó làm việc hơn, vì thế ít lầm lỗi hơn. Khi ấy, tôi thấy rõ rằng hình phạt không làm chúng sợ cho bằng việc nhìn thấy chúng tôi buồn. Chính tình thương đầy thông cảm và tha thứ mà chúng cảm nhận được nơi chúng tôi, và những gương hy sinh, chiến đấu mà chúng thấy nơi chúng tôi đã giúp chúng vượt thắng khi chiến đấu với cám dỗ, với thói hư tật xấu của tuổi trẻ. Chúng tôi khám phá ra rằng để trở nên tốt, con cái chúng ta cần tình thương, sự dịu dàng, âu yếm, sự quan tâm, gần gũi của chúng ta hơn những lời khuyên bảo, trừng phạt. Nếu chúng không cảm nghiệm được tình thương của ta, thì mọi lời khuyên, mọi cố gắng giáo dục của ta đều trở nên vô ích.

Vì thế, tôi không muốn khuyên bảo con cái tôi quá nhiều, nhất là về những điều mà tôi nghĩ chúng đã quá biết rồi. Khuyên và trừng phạt quá nhiều chỉ làm cho bầu khí giữa cha mẹ và con cái luôn căng thẳng, khiến sự thân mật và thông cảm giữa chúng với ta ngày càng giảm đi. Nhất là làm cho chúng có cảm tưởng rằng chúng ta ghét chúng hoặc không thương chúng đủ. Và từ đó, chúng càng ngày càng xa cách ta, không muốn nghe ta nói gì nữa, khiến cho mọi lời khuyên bảo răn đe của ta đều ra «công dã tràng». Cổ nhân ta có câu: «giáo đa thành oán» mà tôi phải công nhận là đúng khi thấy mình thất bại trong việc giáo dục con cái một thời gian. Hay chê bai và phiền trách chúng quá nhiều có thể làm chúng thất vọng, mất tự tin, khiến chúng nghĩ rằng chúng không thể làm được điều tốt. Vì nếu không có động lực là tình yêu thúc đẩy, chúng không thể làm được những điều chúng biết là phải làm. Tình yêu của chúng đối với ta là động lực mạnh nhất để chúng nên trở nên tốt.

4. Áp dụng vào việc cải hóa người xấu

Làm cho mọi người chung quanh ta trở nên tốt hơn là một bổn phận của mọi Kitô hữu. Từ bài học của bài Tin Mừng hôm nay, và từ kinh nghiệm giáo dục con cái, tôi nhận ra rằng: để trở nên tốt, người ta cần lời khuyến khích hơn trách cứ, cần cảm thông hơn kết án, cần động viên hơn trừng phạt, cần tình thương và gương sáng hơn lời khuyên bảo, cần được gần gũi hơn bị xa tránh. Cả hai cách đều tốt, nhưng cách trước thường tốt, dễ sử dụng và có hiệu quả hơn cách sau mà không gây tai hại. Cách sau khó sử dụng hơn rất nhiều, vì nó có thể động chạm đến tự ái, danh dự, quyền lợi của người khác, hoặc tạo nên khó khăn cho họ, nên dễ bị phản tác dụng, có thể gây ác cảm, thù ghét, căng thẳng. Vì thế, muốn sử dụng cách sau thì phải hết sức khôn khéo và tế nhị. Nhưng dù sử dụng cách nào thì cũng phải làm cho người mà ta muốn cải hóa cảm nhận được tình thương, thiện cảm và thiện chí của ta đối với họ. Và trước khi cảm hóa ai, hãy nhận thức rằng rất nhiều khi – trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai – ta cũng yếu đuối và lầm lỗi không kém gì họ.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con nhận ra bản tính yếu đuối và hay lầm lỗi của mình trước khi muốn cảm hóa bất kỳ ai. Nhờ nhận thức đó, con sẽ thông cảm với tất cả những yếu đuối và lầm lỗi của mọi người, con sẽ yêu thương họ nhiều hơn. Chính nhờ sự yêu thương và thông cảm đó, con sẽ cảm hóa được nhiều người hơn. Xin cho con học được cách hành xử của Đức Giêsu đối với những ai bị mọi người coi là tội lỗi như Giakêu. Cho con biết thật sự yêu thương những con người như thế trước khi muốn cảm hóa họ. Amen.

 

59.Gặp - thấy -  suy tư và sống

(Suy niệm của Joshepus Quang Nguyễn)

Đời sống con người gắn liền với những cuộc gặp gỡ giữa người với nhau và nhìn thấy vạn vật hoặc các biến cố sự kiện. Nhưng trong những lần gặp và thấy đó, chúng ta có bao giờ suy nghĩ hay có cái nhìn thâm sâu để rồi sau đó mình sống sao cho tốt hơn ở bên ngoài cuộc sống chúng ta chưa? Chẳng hạn, có những lần chúng ta gặp gỡ người mình yêu, mình mến mộ, hay gặp một nhân vật nổi tiếng, gặp một người thân xa cách đã lâu nay đã thành đạt, chúng ta có tự hỏi lòng mình, tại sao họ thành công như thế còn mình thì như thế này? Mình phải phấn đấu cho bằng được thôi! Hay là có những lần ta gặp người khó ưa, người tội lỗi, ích kỷ, ta có đặt câu hỏi tại sao họ lại như vậy, ta phải làm gì bây giờ, phải sống sao với họ đây? Rồi có những lần ta gặp những người nghèo hèn, các bệnh nhân mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, lòng ta có đau thắc, động lòng thương xót hay thủ thầm rằng ta phải làm gì để giúp họ đây, có nên ra tay giúp họ không? Đó là những lần gặp những con người mắt thấy tai nghe, còn gặp những sự kiện những biến cố xẩy ra quanh ta thì sao? Chẳng hạn, như nhìn thấy biến cố 39 người Việt nam đi xuất khẩu lao động bị chết ngạt trong thùng Contenner tại nước Anh ngày 23-10 vừa qua, chúng ta có cúi đầu cầu nguyện cho họ không? Chúng ta chợt nghĩ rằng mình phải sống sao đây vì đời người sao nhanh quá? Và hôm nay, chúng ta đang ở trong tháng cầu cho những đã qua đời, chúng ta có đến gặp các bậc tiền nhân ông bà tổ tiên cha mẹ cô chú bác hay mọi người đã qua đời tại các nhà Mồ hay các nghĩa trang không, và khi đến thắp hương cho họ, cầu nguyện cho họ là dĩ nhiên nhưng lòng chúng ta nghĩ gì? Có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ cố gắng sống đạo đức thánh thiện hơn, cố gắng hoán cải thay đổi để hôm nay được thánh thiện mai sau được lên Thiên Đàng? Nếu làm được như vậy, những cuộc gặp gỡ như thế không chỉ dừng lại ở việc gặp mặt, gặp gỡ xã giao, nhưng là cuộc gặp gỡ thâm sâu, gặp gỡ giữa hai tâm hồn và dẫn đến một hướng sống tốt cho ta ở tương lai.

Trang Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Giakêu. Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, lại muốn kết thân với Giakêu, kẻ tội lỗi bị mọi người xa lánh. Qua cuộc gặp gỡ này, Đức Giêsu đã cứu được một tội nhân khỏi vòng tội lụy; còn Giakêu không chỉ chia nửa gia tài của mình cho người nghèo, nhưng Ông và cả gia đình còn đón nhận được hồng ân cứu độ. Ông được như vậy là nhờ đâu? Nhờ Ông nghe thấy tiếng tăm và Lời Chúa từ xa, ông suy nghĩ và muốn sống như Ngài và Lời Ngài dạy, nên ông tìm gặp cho bằng được? Vì trước đó ông cũng leo lên được nấc thang xã hội, đã đạt được vị trí ước mong, đã thu tích được một gia tài. Có được gia tài này, một phần là nhờ trí tuệ, sự miệt mài làm việc, một phần cũng là nhờ bòn mót và kiếm chác của người khác, bởi lẽ ông đứng đầu những người thu thuế. Cho nên, người ta khinh bỉ ông, cho ông là kẻ tội lỗi. Và hôm nay, khi nghe nói Đức Giêsu đi qua đó, và Ngài là bạn của những kẻ không được ai yêu thương, nên ông đã leo lên một cây sung bên đường để xem cho biết mặt Đấng ấy và gặp cho được Ngài.

 Bề ngoài cái nhìn đầu tiên là của Giakêu, đang cháy bỏng ước muốn xem Đức Giêsu thôi, nhưng bên trong muốn hoán cải. Nhưng sẽ không có gì xảy ra nếu như Đức Giêsu đã không ngước mắt nhìn ông trên cây sung. Chúa Giêsu đã “nhìn lên” Giakêu. Người không xem thường ông, nhưng nhận ra nơi ông một con người sẵn sàng đón nhận và hoán cải. Anh mắt, thái độ và lời nói của Người là biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Vì lòng thương xót đối với tội nhân, Người chẳng màng đến những lời xì sầm, bàn tán hay dị nghị của đám đông nên đã hạ mình xuống làm bạn với một người tội lỗi, quả như Lời Chúa trong bài đọc 1, Sách Khôn Ngoan khẳng định: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa. Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa”.

Qua cuộc gặp gỡ chân tình của Chúa Giêsu, ông Giakêu thay đổi tức khắc từ ác đổi thành thiện, từ ích kỷ hà tiện thành rộng rãi, từ trí tuệ đến tâm linh, từ trái tim chai đá đến trái tim biết yêu thương, nên ông sẵn sàng cho đi tất cả để chuộc lại những lỗi lầm mình đã gây ra cho tha nhân hầu tương lai tương ông được sáng hơn, thanh thản hơn, bình an và hạnh phúc hơn, thánh thiện hơn. Cho nên Lời tuyên bố của Đức Giêsu cho thấy phép lạ thật sự đã xảy ra ngay trong cuộc gặp gỡ giữa Người và Giakêu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Giờ đây, Giakêu không còn mang danh hiệu kẻ tội lỗi nữa, nhưng ông mang tên thật của mình là “người thanh khiết”.

 Hôm nay, Đức Giêsu hằng mong muốn gặp gỡ mỗi người chúng ta, vì trước mặt Thiên Chúa chúng ta cũng là những kẻ tội lỗi đáng thương như Giakêu, cũng cần đến sự hoán cải và ơn tha thứ. Thiên Chúa không chờ ta quyết định đến với Người. Người luôn đi bước trước đến với ta, và Người vẫn còn đến và tiếp xúc chúng ta qua các Bí Tích nhất là Thánh Lễ. Thế nên chúng ta phải năng đến gặp Thiên Chúa để Ngài dìu dắt, đồng hành, sẻ chia bảo ban dạy dỗ hầu ta nên thánh và thiện nhờ chúng ta biết hoán cải hằng ngày để từ một tấm lòng kín trở nên rộng mở bao dung, từ một quả tim chai đá, bất công trở thành mềm mại và ngời sáng qua việc sống công bằng, bác ái và sẻ chia, cầu nguyện cho người còn sống hay đã qua đời.

Tháng 11 là tháng cơ hội để chúng ta đi viếng mộ gặp các người đã khuất và cầu nguyện cho những người đã chết trong thân xác bụi trần và đang cần được thanh luyện để được vào thiên đàng vĩnh phúc, vì “ai nên khôn mà không dại một lần”. Ai cũng cần được thanh luyện trong tình thương của Chúa. Vì thế, qua những thánh lễ chúng ta dâng để gặp Chúa và cầu nguyện cùng Chúa cho các Đẳng linh hồn, qua những hy sinh bác ái để lập công đền tội cho các Đẳng linh hồn qua việc thăm viếng mộ, lời kinh cầu hằng đêm ngày và qua những việc lành phúc đức chúng ta làm để dâng cho các Đẳng linh hồn vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Với niềm tin đó, chúng ta cùng nhau tuyên xưng đức tin…

home Mục lục Lưu trữ