Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 43

Tổng truy cập: 1359626

DỌN SẴN CON ĐƯỜNG CHO ĐỨC CHÚA

DỌN SẴN CON ĐƯỜNG CHO ĐỨC CHÚA

 

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Chúng ta đã lãnh nhận một hồng ân quí báu đó là Tin Mừng Con Thiên Chúa “đến viếng thăm Dân Người”.

“Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một cho thế gian”. Đó không phải là một Tin Mừng lớn lao sao?

Chúa Giê-su là quà tặng vô giá cho chúng ta. Ngài chính là Tin Mừng, vì Ngài là Con Thiên Chúa thật đã được ban cho chúng ta.

Thánh Mac-cô đã khởi đầu Tin Mừng của Ngài đã xác định rõ ràng: Tin Mừng Con Thiên Chúa.

Phải, đây là một Tin Mừng cho chúng ta đang vật lộn với cuộc sống hằng ngày, đang mong chờ một ngày hạnh phúc đang vắng bóng. Chúng ta đang khát khao một cái gì đó, tốt hơn, an lành hơn.

Cuộc đời chúng ta vắng bóng tin vui. Lũ lụt, mưa dầm, động đất đè nặng trên chúng ta. Thêm vào đó, xã hội thối nát, bất công, bạo lực, gian dối, tội ác tràn đầy. Đa số chúng ta đang nghẹt thở vì bầu không khí ô nhiễm bởi tội ác. Ngày nào chúng ta cũng nghe những tin “không vui”, nhìn thấy những cảnh tượng đau lòng và chết chóc. Ai có thể đem lại cho chúng ta bầu không khí trong lành dịu mát? Ai?

Chỉ có một người thôi, đó là Giê-su Na-da-ret, Thiên Chúa Nhập Thể.

“Không có danh hiệu nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (diễn từ của Thánh Phê-rô trước Hội Đồng Do thái).

Ngài đã đến rồi, Ngài vẫn đang đến và sẽ đến. Ngài đến để mang lại nguồn sống thật, nguồn sống mới mà chúng ta đang khao khát.

Con người của thế kỷ này đang loại trừ Ngài, từ chối Ngài, muốn tiêu diệt Ngài, nhưng trong thâm tâm họ vẫn khao khát Ngài, vì Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống”. Ngài là Đấng muôn dân đang trông đợi. Chúng ta càng trông đợi Ngài nôn nóng hơn.

Tất cả Cựu Ước đều hướng về Ngài, kêu cầu Ngài: “Trời, hãy đổ sương mai…”

Ngài đến rồi, nơi miền đất Na-da-ret. Ngài có mặt tại Bê-lem. Ngài rảo khắp các làng mạc Pa-lét-tin. Ngài đã chết thê thảm trên thập giá. Ngài đã sống lại rồi… Ngài hứa “ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết…

Chúng ta đang chờ Ngài vì chúng ta đang cần một vị cứu tinh, cứu chúng ta khỏi tội lỗi, đem lại cho chúng ta bình an, giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của nết xấu, của tội lỗi.

Xưa kia, Chúa sai Gioan Tẩy Giả đến rao giảng, kêu gọi dân Do-thái ăn năn sám hối, dọn đường cho Chúa đến.

Gioan đã đến. Tiếng gọi của ông đã đánh thức nhiều tâm hồn. Họ đã đến với ông, xưng thú tội lỗi và nhận lấy phép rửa.

Hôm nay, tiếng gọi ấy vẫn còn vang dội qua Giáo Hội: “Hãy dọn đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi”.

Chúng ta có nghe thấy tiếng gọi của Giáo Hội trong Mùa Vọng này không?

Toàn thể Giáo Hội hôm nay đang đi vào một biến chuyển lớn là ăn năn sám hối, dọn đường cho Chúa đến, như xưa kia dân Do-thái tuôn đến với Gioan, thú tội và chịu phép rửa. Chúng ta hãy hòa nhịp với anh em trong Giáo Hội đón chờ Chúa.

Chúa đến với chúng ta trong mầu nhiệm Giáng sinh, mang cho chúng ta Tin Mừng bình an. Chúng ta có thấy đó là một Tin Vui đáng chú ý không?

Giữa một thế giới hỗn loạn và bất an, chúng ta có cảm thấy cần đón Vua Bình An nhỏ bé và khiêm nhường của chúng ta không?

Hay chúng ta chỉ chờ những tin “giật gân”, chỉ thỏa mãn tính tò mò thôi sao? Vua Giê-su đang đến trong mầu nhiệm, và mầu nhiệm này là có thật, đó là Thiên Chúa làm người. Điều này không đáng cho chúng ta lưu tâm sao? Hay chúng ta đã trở nên “duy vật” đến mức độ không còn nhìn thấy những “kỳ công Chúa đang thực hiện giữa chúng ta?”

Chúng ta không chỉ chờ đón Chúa qua em bé Bê-lem mà thôi, chúng ta đang chờ Ngài đến trong vinh quang để cho chúng ta vào vinh quang của Ngài, vì Ngài đã hứa “Thầy ở đâu, chúng con cũng ở đó với Thầy”. Như thế cuộc đời chúng ta mới mang đầy ý nghĩa của nó. Chúng ta đang chờ đón biến cố trọng đại đó.

Mùa Vọng hướng chúng ta về cùng đích của cuộc sống. Đức Thánh Cha Gioan- Phao-lô II luôn nói đến “mùa vọng của thế giới hôm nay”, đang mong chờ Chúa đến hoàn tất mọi sự (thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người). Chúng ta chờ đợi hai biến cố trọng đại, nhưng chỉ là một biến cố duy nhất vì Đấng đang đến và sẽ đến là một: Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng là Lời của Chúa Cha vô hình, là hiện thân của tình yêu vô biên của Chúa Cha, là hạnh phúc duy nhất của chúng ta. Vì ngoài Ngài ra, chúng con không tìm đâu được hạnh phúc.

Chờ đón Chúa đến chính là chờ đón nguồn hạnh phúc bất diệt của chúng ta.

Đừng ngủ mê trong giấc ngủ vật chất chúng ta nữa. Hãy đứng lên, chào đón Bình Minh đang ló dạng, Bình Minh vẫn mãi là Bình Minh.

Nhưng chúng ta đã sẵn sàng chưa?

“Hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy…” Lời mời gọi của vị tiên tri xưa vẫn còn vang vọng. Sẵn sàng là “cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền không gì đáng trách và sống bình an”. (Thánh Phê-rô)

Sẵn sàng là vẫn luôn hướng về Chúa, mặc dù “Ngài tỏ ra chậm trễ. Ngài chậm trễ vì Ngài kiên nhẫn với anh em, vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong” (Thánh Phê-rô).

Chúa không chậm trễ như chúng ta tưởng, vì Ngài luôn có mặt trong cuộc sống chúng ta, nhất là hôm nay, nơi bàn thờ này. Ngài có mặt một cách rõ ràng, tuy dưới hình thức bí tích, là một tấm bánh, nhưng chính Ngài đấy. Tình thương của Ngài không hao hụt. Trong tấm bánh nhỏ bé này, chúng ta đọc thấy một tình yêu tuyệt đỉnh, tràn đầy. Đợi chờ gì nữa khi chúng ta có Ngài ở trong chúng ta? Đợi chờ vì mọi sự đang còn ẩn giấu. Chúng ta đợi chờ ngày chúng ta nhìn thấy mặt Ngài và không có gì ngăn cách nữa.

 

15.Chúa Nhật 2 Mùa Vọng

(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)

Sau khi Nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế. Nhưng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến, Thiên Chúa đã thiết lập một dân riêng, đó là dân Do thái. Qua các thời kỳ lịch sử, Thiên Chúa đã sai các vị lãnh đạo đến để chăn dắt dân riêng Ngài đã tuyển chọn.

Đặc biệt, Ngài sai các vị tiên tri đến để nhắc nhở cho dân thực hiện các điều họ đã cam kết với Thiên Chúa trong giao ước và loan báo ơn cứu độ Thiên Chúa sẽ thực hiện qua Đấng Cứu Thế. Và để lãnh nhận ơn cứu độ qua Đấng Cứu Thế, dân Chúa luôn luôn phải sống trong tư thế sẵn sàng. Trong tinh thần đó, khoảng gần 700 trước khi Đấng Cứu Thế đến, tiên tri Isaia đã mời gọi dân riêng chuẩn bị đón Chúa đến bằng cách: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng.”(Is 40, 3-4).

Lời mời gọi đó được Thánh Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, lặp lại trong đoạn Tin mừng hôm nay: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng.”(Mc 1,3).Gioan Tẩy Giả còn được gọi là Gioan Tiên Hô. Ngài có sứ mạng trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế ngự đến. Ngài đã chu toàn sứ mạng đó bằng lời nói, việc làm và cả cái chết.

Sống trong tâm tình của Mùa vọng, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi tiếp tục sứ mạng của các tiên tri, của Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta có thể thực hiện sứ mạng đó bằng cách dọn đường để Chúa đến với chúng ta. Từ đó, chúng ta có thể thực hiện sứ mạng dọn đường để Chúa đến với tha nhân.

Thứ nhất, dọn đường để Chúa đến với bản thân: Chúa đã đến với chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Chúa lại đến với chúng ta khi chúng ta cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích hay qua Lời Chúa. Nhưng Chúa lại rời khỏi chúng ta khi chúng ta phạm tội mất lòng Chúa. Bởi vì, khi chúng ta phạm tội thì con đường thiêng liêng giữa chúng ta với Chúa và giữa ta với tha nhân sẽ bị ngăn cách: Ngăn cách do lồi lõm bởi tính tham lam ích kỷ, sự giận hờn, chia rẽ, bất hòa, ghen ghét, đố kỵ và danh lợi thú; ngăn cách do quanh co bởi sự giả hình, dối trá; ngăn cách do gồ ghề bởi những lời nói hay thái độ độc ác, tàn nhẫn với tha nhân...Vì thế, để Chúa tiếp tục trở lại, cần phải khai thông những ngăn cách đó bằng việc nhận ra tội lỗi của mình và thành tâm sám hối. Hãy làm như kẻ trộm lành trên thánh giá nhận ra tội lỗi của mình và xin Đức Giêsu tha thứ: “Lạy Ngài, khi nào về Nước trời, xin nhớ đến tôi” (x. Lc 23, 40-43). Hãy làm như Da-kêu, sám hối bằng cách đền bù những sai phạm của mình trong quá khứ: “đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 18,9). Thực hành được như thế, Chúa sẽ tiếp tục trở lại với tâm hồn chúng ta. Khi được Chúa trở lại với tâm hồn, chúng ta hãy quyết tâm sống gắn bó với Chúa. Khi chúng ta sống gắn bó với Chúa, Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta đến với tha nhân.

Thứ đến, dọn đường để Chúa đến với tha nhân: Sau khi dọn đường để Chúa đến với bản thân, chúng ta còn phải có sứ mạng dọn đường để Chúa đến với tha nhân. Chồng có trách nhiệm dọn đường để Chúa đến với vợ và ngượi lại. Cha mẹ có trách nhiệm dọn đường để Chúa đến với con cái. Cha xứ có trách nhiệm dọn đường để Chúa đến với giáo dân. Người Kitô hữu có trách nhiệm dọn đường để Chúa đến với người lương dân. Dọn đường bằng cách nào? Dọn đường bằng lời nói, bằng chứng tá đời sống.

Dọn đường để Chúa đến với tha nhân bằng lời nói: Về vấn đề này, chúng ta hãy bắt chước Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài đã dọn đường cho Chúa đến với tha nhân bằng cách dùng lời nói để giảng dạy và khuyên bảo mọi tầng lớp trong xã hội thời bấy giờ. Ngài kêu mời họ chịu phép rửa tỏ lòng thống hối để lãnh nhận ơn tha tội (x. Lc 3,3). Ngài mời gọi đám đông: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” (lc 3,11). Ngài mời gọi những người thu thuế: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” (Lc 3,13). Ngài mời gọi các binh lính: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”(Lc 3,14). Để giúp các Biệt phái nhận ra sự giả hình, gian dối của họ, Ngài không ngần ngại gọi họ là “loài rắn độc” và mời gọi họ “hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối.” (x. Ga 3,7-9). Cuối cùng, Ngài đã thà chấp nhận ngồi tù và kể cả cái chết chứ không thể im lặng trước tội loạn luân của vua Hêrôđê (x. Ga 3,19-20). Khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, Ngài giới thiệu cho các môn đệ rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29). Ngài còn giới thiệu và để cho các môn đệ của mình đi theo Đức Giêsu (x. Ga 1,35-37). Ngài còn khiêm tốn nói về Đức Giêsu rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1,30).

Chúng ta hãy bắt chước thánh Gioan Tẩy Giả biết dùng lời nói để dọn đường cho Chúa đến với tha nhân. Vì hiện nay vẫn có nhiều người chưa nhận biết Chúa vì họ chưa bao giờ nghe nói về Chúa. Thánh Phaolô đã nói trong thư Rôma rằng: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14). Vì thế, mỗi người chúng ta có trách nhiệm rao giảng về Chúa cho mọi người và trong mọi nơi mọi lúc: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” (2 Tm 4,2).

Dọn đường để Chúa đến với tha nhân bằng chứng tá đời sống: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định: “Con người thời đại này thích nghe những chứng nhân hơn là những nhà giảng thuyết, và nếu họ có nghe những nhà giảng thuyết là chỉ vì những nhà giảng thuyết là những chứng nhân”. Thánh Gioan Tẩy Giả đã trở thành thầy dạy và chứng nhân. Trước khi công khai rao giảng về sự sám hối, Ngài đã vào sa mạc để tĩnh tâm, sống thân mật với Thiên Chúa bằng cuộc sống khắc khổ: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ngài nói những gì Ngài đã sống. Ngài khiêm tốn khi nói về Đức Giêsu rằng: “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1, 27). Ngài nói về sự thật, bênh vực cho sự thật và chết cho sự thật (x. Mc 6,17-29).

Chúng ta hãy bắt chước Thánh Gioan Tẩy Giả để giới thiệu Chúa cho tha nhân bằng đời sống đạo của chúng ta. Hãy sống công bằng, thành thật trong một xã hội đầy dẫy bất công và sự dối trá lừa lọc. Hãy sống chung thủy vợ chồng trong một xã hội chủ trương ly dị, phóng khoáng. Hãy sống bác ái, yêu thương trong một xã hội vô cảm, thiếu vắng tình người. Thực hành được như vậy, chúng ta sẽ dọn đường cho Chúa đến với tha nhân. Mẹ Têrêxa kể rằng: “Có một người đàn ông sau khi đã quan sát rất kỹ lượng chị nữ tu băng bó cho người hấp hối một cách trìu mến và vui vẻ đã nói với tôi: ‘ngày hôm nay khi đến đây, tôi không có chút lòng tin vào Thiên Chúa, trái lại tâm hồn tôi đầy căm ghét Người. Nhưng bây giờ sắp rời khỏi nơi đây, tôi đã là người tin Chúa. Tôi đã thấy tình thương của Chúa được biểu lộ bằng những hành động như thế nào. Qua đôi bàn tay của chị nữ tu kia, qua bộ điệu của chị, qua sự trìu mến của chị với người hấp hối cùng cực, tôi đã thấy tình yêu của Thiên Chúa bao phủ người khốn cực này như thế nào, và bây giờ tôi tin.’”

Ước gì, tâm hồn của chúng ta luôn có Chúa ở cùng để từ đó lời nói và việc làm của chúng ta dọn đường để Chúa đến với tha nhân. Amen.

 

16.Chúa nhật 2 Mùa Vọng

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê)

HOÁN CẢI: NIỀM VUI GẶP CHÚA!

Kính thưa quý cố ông bà và anh chị em,

Gặp gỡ là nhu cầu cuộc sống, nó làm cho con người nên giầu có và khôn ngoan, thế nên, người ta đã tạo ra muôn vàn nẻo đường, xây dựng vô số cây cầu, nhằm nối kết con người với nhau.

Văn hóa gặp gỡ, hiệp thông bắt nguồn từ Thiên Chúa. Hiệp thông là chính danh Ngài.

Liên đới, hiệp thông được xây dựng trên nền tảng “tình yêu và sự sống”. Do vậy, Phải lấy Chúa làm khuôn mẫu. Tất cả những gì đi ngược với tình hiệp thông của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, đều là sự méo mó, biến dạng của tình liên đới đích thực.

Soi cuộc đời chúng ta vào tấm gương hiệp thông Thiên Chúa mới thấy cần phải hoán cải, canh tân.

Chúa đang ở đó mời gọi chúng ta hiệp thông với Ngài. Bước khởi đầu và cũng là bước căn bản, đó là, hoán cải, canh tân. Con đường đầy ắp niềm vui, chan chứa hy vọng, đến với Chúa là được đắm chìm trong “tình yêu và sự sống”.

Hoán cải, canh tân tạo kết quả mỹ mãn là được nảy nở phong nhiêu, tỏa hương thơm dường như khóm huệ ngoài đồng.

Chính Chúa sẽ cho nở hoa công chính trên miền đất con người sinh sống và ơn thái bình sẽ vô cùng, vô tận.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta thực hành liên lỉ cuộc hòa giải, canh tân, dọn lòng đón Chúa, trong niềm vui và hạnh phúc.

Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Isaia, diễn tả niềm vui gặp Chúa. Những hình ảnh cho thấy năng động của cuộc gặp gỡ ở cả hai phía: Thiên Chúa và con người, đều chủ động hướng về nhau, đều cố gắng tạo ra một môi trường tích cực, giúp cuộc gặp gỡ đạt kết quả cao nhất.

Về phía Thiên Chúa, qua miệng ngôn sứ, Chúa nói lời hòa bình, ngọt ngào, dịu dàng, khích lệ, an ủi dân vững lòng trông cậy, xúc tiến hòa giải, canh tân, vì thời phục dịch đã mãn, tội lỗi đã được thứ tha, Chúa ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi (cf. Is 40, 1-2).

Chúa đến khởi xướng công cuộc hòa giải, canh tân theo một lộ trình đã được định hướng: “Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, mọi núi đồi hãy san cho phẳng, đường cong queo hãy nắn cho ngay” (Is 40, 4).

Thiên Chúa ở đó ra hiệu bằng muôn vạn nẻo đường, có khi, bằng sự an ủi vỗ về như một người mẹ, có khi nghiêm khắc, cương nghị như một người cha, cốt làm sao để dân nhận ra lỗi lầm đã phạm, mà dốc lòng hòa giải canh tân, để được Người yêu thương tha thứ. “Hãy tìm kiếm Chúa, khi Người còn cho gặp, hãy kêu khấn Người lúc Người còn ở kề bên” (Is 55, 6).

Về phía con người, chuyên chăm nghe lời giáo huấn, khiêm tốn mở lòng tiếp nhận, để Lời Chúa hoạt động, biến đổi tận căn, mới có thể chỗi dậy và đứng vững trước mặt Con Người.

Chúa là người mở đường, nhưng con người phải chấp nhận để con đường được mở trong tâm hồn chúng ta. Đó là con đường nhân đức, con đường thiêng liêng được khởi sự và tiếp tục khởi sự lại mỗi ngày.

Chúng ta có sẵn sàng cộng tác với Chúa để bạt đồi cao là tính tự phụ, kiêu căng, hiếu chiến? Chúng ta đã sẵn sàng chưa, để lấp đầy tính tham lam, ích kỷ, đang ngày càng khoét sâu vào tâm trí chúng ta? Chúng ta đã sẵn sàng uốn cho ngay thẳng tâm trí vạy vò, dối trá, đang làm giặc trong lòng chúng ta? Có sẵn sàng thể hiện lòng trung thực “có thì nói có, không thì nói không” trong mọi hoàn cảnh cuộc sống?

Phải lấy Gio-an Tiền Hô làm khuôn mẫu trong việc thực thi ý Chúa, mới được coi là người tích cực, năng động, chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ nhiệm mầu giữa Chúa và chúng ta.

Phàm ai nghe tiếng Chúa, mở cửa, thì Người sẽ vào dùng bữa tối với họ và cho họ quyền làm con Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng, Thánh Gio-an được tuyên bố là người có phúc, vì được chọn làm ngôn sứ, là người dọn đường, sửa lối cho thẳng, để đón Chúa ngự đến.

Dân chúng hiểu đây là việc thiêng liêng, dọn đường tâm hồn, cụ thể, sống tinh thần hoán cải canh tân: “Mọi người kéo đến với ông, thú tội và xin được chịu phép rửa trong dòng sông Gio-đan” (Mc 1, 5).

Gio-an nêu gương sáng về một đời tận tụy, hy sinh, chu toàn bổn phận như một đầy tớ chuyên chăm, không đòi công lương, luôn tâm niệm, mình chỉ là đầy tớ mà thôi.

Ông tự thú: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người. Tôi rửa anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 7 – 8).

Thưa anh chị em,

Lời rao giảng của Gio-an có đặc tính siêu thời gian, sẽ đạt thấu chúng ta, những người cũng đang khao khát muốn đón và gặp Chúa.

Chúng ta cũng hãy thành tín và chuyên chăm lắng nghe. Hãy dốc lòng hoán cải canh tân kíp thời, vì Chúa đã đến gần. Người sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc họ làm.

Thánh Phê-rô nhìn ngày Chúa thực hiện lời hứa như có vẻ chậm trễ, nhưng kỳ thực, là do sự nhẫn nại, khoan dung, vì muốn mọi người sám hối canh tân để được cứu độ, mà hoán cải cuộc đời thì luôn cần phải có thời gian.

Phê-rô mời gọi chúng ta sống đạo đức, thánh thiện trong khi chờ đợi Chúa đến. Đó là cách tỉnh thức, sẵn sàng của Tin Mừng.

Giáo huấn Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hoán cải, canh tân khi vay mượn những hình ảnh rất đẹp: bạt đồi cao, lấp hố sâu, nắn cho thẳng con đường, để Chúa ngự qua. Những hình ảnh ấy gợi lên tình trạng tâm hồn chúng ta với tất cả con người thật: tham, sân, si (danh, lợi, thú).

Lối sống này không phù hợp với Chúa, nên phải hoán cải bằng hành động mạnh, nghĩa là, cố gắng loại trừ bằng mọi giá và phải tích cực canh tân bằng tinh thần quảng đại, yêu thương và bác ái.

Bởi vậy, hoán cải là chết đi cho con người cũ với những đam mê, lầm lạc, còn canh tân là mặc lấy con người mới, trong Chúa Kitô, thực hành sự chính trực, công minh và lòng đạo đức thánh thiện ở đời này, với dẫy tràn niềm hy vọng Chúa đến.

Chắc chắn, chúng ta sẽ cùng muôn vàn nhân chứng đi đón Chúa trên các tầng mây và như vậy, sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi.

Xin Chúa nâng đỡ và chúc lành cho chúng ta trong ngày chúa nhật hôm nay. Amen.

 

17.Những con đường cần phải dọn

(Suy niệm của Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm)

Dọn đường là chủ điểm của Tin Mừng hôm nay. Dọn đường nào? Đường 2/4 hay đường Lang Liêu? Đường Nguyễn Đình Chiểu hay đường nội bộ trải nhựa, dính nhựa đây? Chắc phải là những con đường dính … Kinh Thánh! Gioan đã kể một số đường: quanh co, gập ghềnh, lồi lõm… mà Mùa Vọng nào ta cũng nghe. Hôm nay ta lại nương theo Kinh Thánh để tìm ra một số con đường khác cần phải dọn, dọn sạch; cần phải chữa, chữa cho ngay để đón Chúa đến.

1. Đường vòng vo: Đó là con đường Kinh Thánh kể dân Do Thái đã đi qua trong sa mạc: một con đường quanh co đi hoài đi mãi suốt 40 năm mới về tới Đất Hứa. Thật ra quãng đường từ Ai Cập về Đất Hứa Ca-na-an, đi chừng hơn một tháng là tới. Không quá xa. Nhưng chuyện gì đã xảy ra để đi mãi 40 mùa thu mới tới. Là vì họ ca thán Chúa. Số là thám thính viên thuật rằng đất chảy sữa và mật thật, mùa màng cây trái tốt tươi thật, nhưng cũng nhờ đó mà dân chúng Đất Hứa mập mạp lực lưỡng. Làm sao người Do Thái chúng ta lang thang trong sa mạc ăn toàn manna chán ngấy lại có thể địch lại họ. Thế là dân lo, dân phản đối: thà chết bên Ai Cập còn hơn chết dưới cánh tay lực lưỡng của người Ca-na-an. Kết quả là Chúa phạt. Một ngày đi thám thính biến thành một năm—nhất nhật thám thính thành nhất niên lưu lạc—40 ngày thám thính thành 40 năm đi lang thang trong hoang địa, mục đích là thế hệ cứng đầu chết hết đi. Chỉ con cháu họ mới được vào đất Hứa.

Đường vòng vo của dân Do Thái xưa nay vẫn còn diễn lại nơi cuộc sống hiện tại của người Kitô hữu. Sống vòng vo là sống giả hình. Sống vòng vo là sống lươn lẹo. Sống vòng vo là cứ ở mãi trong đam mê thú vui tiền tình, làm ăn bất chính. Cứ lén lút lấp ló sống trong tội lỗi. Cứ thích ở trong đó, không muốn thoát ra. Thánh Augustino có một lời kinh thật dễ thương diễn tả tâm tình này, thánh nhân ghi trong cuốn Tự Thú của ngài, khi ngài đã trở lại với Chúa như sau, ngài xin: Lạy Chúa xin ban cho đức khiết tịnh (trong sạch), nhưng từ từ hẵng ban, đừng ban ngay bây giờ. Đó là ví dụ về đường vòng vo quanh co. Kẻ dọn đường đón Chúa phải sửa lại cho ngay, thì Thầy Giêsu mới tới.

2. Đường chặn lại. Chúa Giêsu và các môn đồ muốn đi từ Galilê xuống Giê-ru-sa-lem thì phải qua Samaria. Dân Samari chận lại không cho đi, khiến hai anh em con của sấm sét là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" (Lc 9:54).

Con đường bị chặn lại đó, hay con đường kẽm gai ngày nay vẫn còn giăng đầy trên lối bước. Những thù hận, oán ghét chính là kẽm gai rào kín lối vào. Hai người thù oán nhau thì hết tiếp xúc, hết giáp mặt. Nếu có giáp mặt là sẽ giáp mặt để xin lửa bởi trời xuống tiêu huỷ hắn thôi.

Tôi nghe có nhiều chị nói với tôi thế này: Con tha nhưng nhất định con không quên.

Có anh chồng kia xúc phạm đến chị khi đi lăng nhăng gì đó. Chị biết được, nên chàng xin lỗi chị, chị tha cho. Nhưng thỉnh thoảng chị vẫn nhắc lại chuyện xưa. Hơi bị chạm, nên chàng nói.

- “Chuyện đó em đã tha thứ cho anh rồi mà.”

- “Thì em nhắc lại cho anh biết là em đã tha thứ.”

Tha nhưng không quên thì cũng gần như chưa tha. Đài truyền hình Mỹ kia tuần nào cũng có một chương trình mang tựa đề: Forgive and Forget. Tha thứ và Quên luôn. Bấy giờ cuộn gai mới được dẹp lại cất đi, chứ nếu dẹp lại rồi để đó thì con đường vẫn có thể bị chặn lại, vì sơ ý là kẽm gai bung ra liền. Hãy dọn đường bằng cách cuộn kẽm gai lại cất đi thì mới không chặn bước Chúa đến với bạn.

3. Đường hiểm trở. Đó là con đường từ Giêrusalem xuống thành Giêricô: một con đường hiểm trở đầy những ổ phục kích của bọn cướp. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về một người lữ hành đi qua con đường đó bị bọn cướp đánh dở sống dở chết. Một thầy Lê-vi đi qua, gặp thấy, bỏ mặc. Một linh mục đi qua, nhận ra, phớt lờ. Và một người Samaritanô chợt trông, liền xuống ngựa đưa vào nhà thương Hoàn Mỹ.

Đường hiểm trở ngày nay dẫy đầy. Có những người mang danh Kitô hữu đó nhưng cạnh tranh nhau, rình rập phục kích chờ những sơ hở của bạn bè, đồng nghiệp mà nhảy ra khai thác, ăn có, làm hại. Một lời nói sai, một cơ hội lỡ, một hành vi lầm là họ chụp ngay, ra tay làm hại. Đường hiểm trở như vậy, nếu ta không dọn dẹp, chắc chắc “chăm phần chăm” Chúa chẳng chịu chen chân vào đâu mà chớ!

4. Đường mù sương. Có lẽ phải qua Đảo Anh Quốc khi mùa đông tới, xe hơi chiếu đèn sáng, chạy san sát nhau, mà chẳng nhận ra nhau. Hay lên miền Sapa mây mù, Đalat mờ sương, đi bên nhau mà không nhận được mặt, thì ta mới hiểu được thế nào là con đường mù sương. Con đường mù sương trong Kinh Thánh chính là con đường về làng Emmau mà có lần sau phục sinh, hai môn đệ của Chúa Giêsu đã cùng Ngài sánh bước: đi chung đường, mà bị sương mù che khuất, không nhận ra Thầy.

Con đường mù sương không thời nào không có, không nước nào vắng bóng, không chỗ nào nó không hiện diện. Mù sương khiến ta không nhận ra Chúa là ai—đúng hơn, không nhận ra ai là Chúa, và không nhận ra đồng loại là anh em. Ta chỉ dừng lại nơi con đường mù sương khiến ta không nhận ra đồng loại là anh em trên con đường đón Chúa.

Con người nhiều khi cư xử với nhau như thú dữ, điều mà ngạn ngữ Latinh nói: Con người là chó sói của nhau (Homo lupus homini).

Chỉ cần dán cho họ một nhãn hiệu, một cái mác, là ta không còn coi họ là anh em, là tứ hải giai huynh đệ, mà nhiều khi, tệ hơn không muốn thấy mặt họ nữa, muốn họ biến mất trên đời. Cái nhãn, cái mác đó có thể là da màu. Đảng 3K Ku Klux Klan thề không cho da màu sống trên đất Mỹ. Cái mác đó có thể là khủng bố, trục ác quỉ: ai khủng bố và ai chứa chấp khủng bố đều bị xử sự như nhau, tức là bom dội trên đầu họ, như TT Bush đã nói như thế sau biến cố 11-9, như Thủ Tướng Sharone của Israel dán cho Arafat cái nhãn là kẻ dung dưỡng khủng bo để tự cho mình làm những hành vi còn mạnh hơn khủng bố tức là tự do bắn phá giết hại từ trên không… Trước đây ít lâu, cái mác đó có thể là xét lại, là phản động, địa chủ, là thế này là thế nọ… Rồi cho bọn họ lên máy chém hết.

Ta cũng đừng quên ngay trong giòng lịch sử giáo hội, cũng có những bóng đen lớn như thế, cũng có những sương mù dày như vậy, khi vào thời mà muốn kết án ai, giáo hội dán cho họ nhãn “phù thuỷ”, phù thuỷ là đi với quỷ, với ma, thế là cho lên dàn thiêu, cho lên máy chém. Phát minh một cái gì mới: coi chừng trò phù thuỷ. Những cái mác, cái nhãn đó như lớp mây mù dày đặc làm cho ta không nhận ra họ là người, là đồng loại, và là con Chúa, có một Cha chung.

Ta mải nói chuyện thế sự, lịch sử, nói chuyện đâu đâu, có thể làm ta quên con đường sương mù không cho người nhận ra người là anh chị em vẫn còn nằm ngay trên mi cửa của gia đình, nằm ngay trong chính cảnh đẹp thay êm ái thay của cộng đoàn đời tu, nói chi đến nơi chợ đời, nơi công ăn sở làm, nó càng nằm chình ình ngay giữa.

Đường vòng vo, đường chặn lại, đường hiểm trở, đường mờ sương… đó là những con đường Kinh Thánh gợi ý để chúng ta tìm cách dọn dẹp trong chính lối sống chúng ta. Ước mong được vậy để Chúa boon boon đến với con người. Amen.

 

18.Chuẩn bị

Để đạt một giải thưởng thể thao ở Thế Vận Hội, vận động viên phải tập luyện nhiều năm, nếu không nói là tập làm quen với môn loại đó từ lúc thiếu thời mới mong đạt được huy chương cấp quốc tế nhưng cũng là danh dự chóng qua. Để đạt được phần thưởng lớn lao vĩnh cửu, chúng ta càng phải chuẩn bị nhiều hơn. Thiên Chúa sẵn sàng ban cho con người phần thưởng lớn lao, nhưng Ngài muốn con người đón nhận phần thưởng cách xứng đáng. Ngay từ bây giờ, chúng ta lo chăm sóc linh hồn, điều hướng cuộc sống đời này cho đúng đường lối Chúa. Chúa không đến muộn nhưng Chúa muốn chờ đợi mọi người chuẩn bị đón Chúa, không muốn ai phải hư mất.

Xưa kia, trước khi Chúa đến, Ngài sai Gioan Tẩy Giả dọn lòng dân Israel đón Chúa. Ngày nay, Chúa tiếp tục ban ơn và dạy chúng ta dọn lòng đón Chúa qua lời nhắc nhở của các linh mục, qua những biến cố của cuộc sống… các linh mục giúp chúng ta nhớ lời Chúa nói trong Kinh Thánh: hãy dọn lòng đón Chúa, sửa đổi, sống cho ngay thẳng. Chúa cũng nhắc chúng ta trong các biến cố của cuộc sống để chúng ta hướng lòng về Chúa và được gần Chúa hơn. Nhờ Bí tích Giải tội, chúng ta được thanh tẩy trong sạch, xứng đáng lãnh nhận các Bí tích khác nhất là Bí tích Thánh thể mỗi ngày. Và qua các Bí tích, Chúa ban dồi dào ơn phúc để chúng ta nên giống Chúa ngày một hơn, xứng đáng đứng vào hàng ngũ các thánh.

Chúng ta là con cái Chúa, chúng ta không thể để lòng mình mê muội trong những cám dỗ của thế gian như quá coi trọng tiền bạc, địa vị, kiến thức… nhưng luôn nhớ tới Chúa, nhận thức sự hiện diện của Chúa trong thế giới. Chúng ta sống thế nào cho phù hợp với ý Chúa, cho đẹp lòng Chúa và luôn vui mừng vì ơn cứu độ Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

Trong việc chuẩn bị đón Chúa, chúng ta rất cần ơn Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cầu xin với Ngài, năng nhớ tới Ngài, đừng để Ngài phải cô đơn. Chúng ta hãy biết thanh lặng mỗi ngày ít phút, để những lo toan, xô bồ của cuộc sống không làm chúng ta xa Chúa. Những công việc, vấn đề tiền bạc, địa vị, … chỉ là phương tiện cho chúng ta sống đạo. Chúng ta biết để các phương tiện trần thế qua một bên khi cầu nguyện, để lòng lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo để đi đúng đường về nhà Cha của mình. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ bổ sức cho chúng ta trên con đường theo Chúa. Chúa thánh Thần dạy chúng ta biết sống đạo, và thực thi thánh ý Chúa cho bản thân mình. Đời chúng ta sẽ bớt khổ nhọc khi đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần vì ách của Chúa êm ái, gánh của Chúa nhẹ nhàng. Cái khổ của người có tâm hồn trông cậy sẽ khác với với cái khổ của những người không biết hy vọng. Có Chúa, dù có khó nhọc chúng ta vẫn cảm thấy bình an và hơn nữa, cảm thấy vui sướng vì được giống Chúa Kitô trong niềm tin vào lời hứa của Người.

Gioan lấy nước mà rửa cho người Do thái, còn chúng ta được tẩy rửa trong Chúa Thánh Thần. Do đó, mỗi ngày chúng ta càng trở nên giống Chúa hơn, quãng đại, vị tha hơn theo gương Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ nên thánh nếu biết sống theo sự soi dẫn của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến rồi mà nhiều khi chúng con còn thờ ơ, còn mê muội trong những đam mê thú vui vật chất, chưa ý thức Chúa đang ngự trong lòng mình mỗi khi rước Chúa, chưa xứng đáng với tấm lòng ưu ái của Chúa. Trong mùa Vọng này, chúng con xin Chúa thêm sức cho chúng con biết sửa đổi, biết mở lòng ra đón nhận lời Chúa và sống xứng đáng với tình yêu Ngôi Hai giáng sinh vì nhân loại.

 

19.Chúa Nhật 2 Mùa Vọng

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

GIOAN, CON NGƯỜI THẬT LẠ LÙNG

Hôm nay chúng ta cùng chiêm ngắm một con người thật lạ lùng. Lạ lùng từ khi được cưu mang. Lạ lùng trong cách sống. Lạ lùng đến nỗi cha ông là Zacaria đã không tin rằng mình sẽ làm cha vào tuổi bóng đã ngả về chiều. Lạ lùng vì ngay từ trong dạ mẹ ông đã reo lên khi Chúa đến viếng thăm. Lạ lùng vì ông sống khắc khổ nơi rừng vắng. Ông chỉ ăn châu chấu với mật ong. Lạ lùng vì ông được người đời ca tụng nhưng ông đã từ khước tất cả danh vọng chỉ nhận mình là tiếng kêu nơi hoang địa. Cuộc đời ông luôn khiêm tốn nhỏ bé để Chúa được lớn lên. Ông có tên gọi thật khiêm nhường là Gioan.

Tin mừng thánh Luca trình thuật về việc làm của ông cũng thật lạ lùng. "Có tiếng người hô trong hoang địa". Tại sao ông lại hô giữa nơi hoang địa? Hoang địa khô cằn lại lắm hiểm nguy? Hoang địa làm sao có kẻ qua người lại mà ông đến nơi hoang địa để hô vang dọn đường cho Chúa? Thế mà tiếng hô của ông lại đánh động lòng người. Hàng ngàn người đã ăn năn sám hối. Hàng ngàn người tìm đến với ông để canh tân, sửa đổi cuộc đời. Như vậy, hoang địa ở đây có thể không mang nghĩa địa lý. Hoang địa ở đây chính là sa mạc của lòng người. Cuộc đời đã khô cạn tình người. Giữa phố xá đông người nhưng con người vẫn cô đơn, thất vọng, chán chường bởi sự ích kỷ, lạnh lùng trong quan hệ giữa người với người. Đây là "một ngõ vắng xôn xao nằm trong thành phố lớn". Dù rằng thành phố có trăm ngàn ngõ ngách nhưng bởi tính ích kỷ và sự vô cảm nên xã hội vẫn đầy những ngõ vắng cô đơn của cuộc đời. Vâng, cuộc đời trở thành một hoang địa khi tình người đã mất. Khi người ta sống bên nhau nhưng không còn liên đới, chia sẻ với nhau thì con người vẫn cô đơn giữa lòng nhân thế. Cuộc đời trở thành một hoang địa khô cằn nên cuộc đời buồn nhiều hơn vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười.

Tiếng hô của ông đi xuyên qua hoang địa lòng người. Ông đề nghị sửa lại lối sống. Đường quanh co hãy uốn cho ngay thẳng. Người quanh co là người sống thiếu chân thật. Người quanh co thường có lối sống gian dối, điêu ngoa, sống lắc lẻo, lừa bịp. Ăn không nói có. Thêm điều đặt chuyện để hại người hại đời. Lối sống như vậy chỉ là một loại phá hoại sự yên ổn của xóm làng và gây chia rẽ khu xóm, chỉ khiến con người xa rời nhau. Làm sao có thể tin tưởng và yêu mến nhau nếu trong giao tiếp thiếu sự chân thành, lại còn thêm điều đặt chuyện? Gioan còn đề nghị phải lấp đầy thung lũng của lòng người. Vì "sông sâu còn có kẻ dò - Lòng người nham hiểm trùng khơi khôn dò". Do vậy, phải lấp đầy thung lũng của những ngăn cách, của những phân biệt giai cấp và nghi kỵ hiểu lầm. Và cuối cùng là hãy bạt đi núi đồi của kiêu căng, tự mãn để nhờ đó mà con người khắp năm châu sẽ nắm tay nhau hát vang câu hát của thanh bình. Đây cũng là cách thức duy nhất để Nước Thiên Chúa hiển trị và ơn cứu độ của Thiên Chúa trải rộng đến muôn tâm hồn.

Vâng thưa anh chị em, thế giới hôm nay vẫn còn đó tiếng kêu đơn độc giữa phố phường. Có biết bao người sống cô đơn lây lất vì thiếu sự cảm thông nâng đỡ của anh em bạn bè. Có biết bao trái tim đang co thắt trong đau khổ vì sự nghi kỵ, kết án, tẩy chay của anh em. Có biết bao cuộc đời đang thất vọng buông xuôi vì sự bỏ vạ, cáo gian, vì sự lừa gạt và hãm hại của đồng loại. Có biết bao giọt nước mắt vẫn rơi rớt trên giòng đời vì vô ơn bội bạc, vì sự bất trung, bất hiếu của những người thân trong gia đình. Và vẫn còn đó, còn rất nhiều những nỗi đau là hệ quả của một thế giới hoang địa khô cằn tình người.

Mùa vọng giáo hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để nhận ra tiếng kêu cầu cứu của tha nhân. Hãy yêu mến tha nhân trong tình yêu chân thành, đừng lường gạt lẫn nhau, hãy sống thật lòng với nhau. Hãy xóa đi những hố sâu của nghi kỵ, hiểu lầm để sống cảm thông và tha thứ cho nhau, đừng gây chia rẽ và tạo nên những hố sâu của bất đồng, của oán hận hờn căm. Hãy xan bằng những ngăn cách bởi kiêu căng tự mãn bằng một đời sống hoà hợp với nhau trong tình anh em có chung một cha trên trời.

Ước mong mỗi người chúng ta hãy sửa lại lối sống cho phù hợp với tin mừng cứu độ, để thiết lập một màu xanh yêu thương và ngập tràn niềm vui và hạnh phúc thay cho sự khô cằn của sa mạc tình người.

Nguyện xin Đấng Emmanuel, là Đường là sự thật và là sự sống dẫn dắt chúng ta đi trong hồng ân của Ngài, ngõ hầu mỗi người chúng ta sẽ được hưởng một mùa xuân của hoa công lý và tình thương nở rộ khắp nhân trần. Amen.

 

20.Nhận sai – sửa sai

(Suy niệm của Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

Alfred Nobel được biết tới như người cổ súy mạnh mẽ cho hòa bình, chống lại chiến tranh. Nghiệt ngã thay, các sản phẩm sáng tạo nổi tiếng nhất của Nobel lại là thuốc nổ, những công trình nghiên cứu chấn động với chất nitroglycerine và các loại thuốc nổ khác.

Khi tạo ra thuốc nổ, Nobel chưa từng nghĩ rằng các phát minh của ông rồi sẽ được dùng để phục vụ chiến tranh. Tuy nhiên khả năng tàn phá của thuốc nổ nhanh chóng được biết tới và người ta đã đưa chúng vào sử dụng trong chiến tranh.

Vô tình năm 1888, tờ báo Pháp đăng tin nhà khoa học phát minh ra chất nổ Alfred Nobel qua đời với dòng tin:

"Tiến sĩ Alfred Nobel, người trở nên giàu có nhờ tìm cách giết người nhanh hơn bao giờ hết, đã qua đời hôm qua". Tờ báo dành cả trang để đăng bài cáo phó với ngôn từ mỉa mai Nobel, "tưởng nhớ" ông như một "kẻ buôn bán tử thần". Nhưng người chết khi đó là anh trai ông, Alfred Ludvig.

Bàng hoàng trước nhận định ấy, Nobel quyết định sử dụng tài sản tặng thưởng cho những thành tựu đem lại lợi ích cho nhân loại. Theo di chúc của Nobel, giải này sẽ chỉ được trao cho những con người có công lao gây dựng tình anh em giữa các quốc gia, giúp xóa bỏ hoặc giảm bớt quy mô quân đội thường trực và cổ súy cho các hội nghị hòa bình.

Người ta nói rằng Alfred Nobel là một con người đã biết thức tỉnh và trở về trong sám hối. Dù rằng phát minh của ông không mục đích giết người nhưng gián tiếp để phục vụ chiến tranh gây nên những cái chết tang thương, thế nên, ông đã sám hối và dùng toàn bộ tài sản ấy để cổ súy cho hòa bình yêu thương.

Cuộc đời vẫn có những sai lầm, điều quan trọng là biết nhận sai và sửa sai. Dẫu có muộn màng vẫn hơn. Dẫu có tái phạm vẫn can đảm sửa chữa và không cố tình ở lỳ trong tội.

Thánh Gioan Baotixita là sứ giả của Thiên Chúa. Ông đến để sửa lại lỗi lầm cho con người. Ông đi trước Chúa để uốn lại lòng dân. Ông dọn lại những gồ ghề trong tâm hồn con người bởi những tham sân si. Ông sửa lại con đường để Chúa đến bằng việc sám hối ăn năn. Có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu lối đi. Lối đi nào cũng có thể có sai lầm. Lối đi nào cũng có cạm bẫy giăng đầy.

- Có con đường giăng kẽm gai là con đường của những kẻ thù hận nhau, ngăn chận những tương giao qua lại.

- Có con đường đầy ổ phục kích: con đường của những kẻ cạnh tranh nhau, chờ cơ hội để hại nhau.

- Có con đường sa mạc nóng bỏng: con đường của những kẻ khô khan việc đạo.

- Có con đường quanh co: con đường của những kẻ lọc lừa dối gian.

- Có con đường hầm u tối: con đường của những kẻ sống trong tội lỗi.

- Có con đường cỏ dại mọc đầy: con đường của những kẻ không vướng mắc tội nặng nhưng còn rất nhiều tội nhẹ v.v. và v.v

Gioan đã mời gọi con người dọn đường Chúa đến bằng sám hối. Sám Hối là thú nhận lỗi lầm, và hứa không tái phạm. Sám hối là hành động của bản thân biết nhìn ra tội lỗi của mình mà sửa đổi, mà canh tân. Không có sám hối sẽ không có những cuộc canh tân làm thay đổi đời sống và môi trường sống. Chính nhờ sám hối và bản thân được thăng tiến, môi trường cũng được đổi thay thêm xinh đẹp hơn.

Xin Chúa giúp chúng ta biết nhìn lại những yếu đuối của bản thân mà sám hối ăn năn. Xin Chúa nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta và giúp chúng ta can đảm sửa lại lối sống theo tin mừng để xứng đáng đón mừng Đại lễ giáng sinh sắp đến. Amen.

 

21.Sửa đường Chúa đến

(Suy niệm của Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

Mùa vọng luôn mời gọi: hãy dọn đường cho Chúa – hãy sửa lối cho thẳng để Chúa ngự đến. Hành vi dọn đường và sửa lối cho thẳng được thánh Gioan tiền hô mời gọi là hãy “Sám Hối”. Sám hối bao gồm nhận biết tội mình, hối tiếc vì đã phạm tội, và trông cậy vào ơn Chúa giúp mình chừa bỏ nó. Thiếu một trong ba yếu tố đó thì việc sám hối xem ra chưa trọn vẹn. Giuđa biết tội, hối tiếc vì tội đã làm nhưng ông thiếu niềm tin tưởng cậy trông vào sự tha thứ của Chúa, nên ông đã treo cổ tự vẫn. Thánh Phêrô cũng biết tội, cũng hối tiếc tội, nhưng thánh nhân còn trông cậy vào ơn Chúa nên đã trở lại với tình thương của Ngài.

Chúng ta thử nhìn lại lối đường của chúng ta là thẳng ngay hay quanh co để sám hối những lối đường lầm lỗi của mình. Chúng ta có khúc quanh co, lồi lõm nào cần uốn nắn, sửa đổi. Lối mòn của chúng ta đang đi là nhân đức hay tội lỗi thành thói quen không thể sửa? Nhìn lại con đường chúng ta đang đi để uốn nắn sửa đổi cho phù hợp với tin mừng của Chúa.

Trước tiên chúng ta cùng nhìn vào thế giới hôm nay, một thế giới có quá nhiều những lối mòn sai lầm nhưng người ta cố tình không nhìn nhận và không chịu sửa đổi như gian dối trong mọi lãnh vực: thông tin, giáo dục, thương trường. Tình trạng đó dẫn đến sự phá sản khắp nơi và trong mọi lãnh vực từ vật chất đến tinh thần.

Thực vậy, trong những năm gần đây, người ta thường hay xôn xao về những vụ phá sản, bể nợ, thua lỗ và mất khả năng chi trả của rất nhiều công ty xí nghiệp. Song song với những phá sản về tài chính, chúng ta cũng chứng kiến những phá sản về đạo đức và tinh thần. Khủng bố, chiến tranh, bắt cóc, giết người, các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng: xì ke, ma tuý, mại dâm. Mỗi ngày xem tivi chúng ta lại đau buồn khi thấy biết bao người đã chết do chiến tranh, khủng bố, cướp bóc, đói nghèo, bệnh tật. Ở Việt Nam còn có một vụ phá sản về tình người, ngay giữa gia đình vẫn không có tình yêu chân thành. Cụ thể: mỗi ngày hơn 1 người tự tử vì thiếu tình yêu từ gia đình. Vợ chồng thiếu chung thuỷ vơi nhau. Con cái thiếu tin tưởng nơi cha mẹ. Anh em lừa dối nhau.

Trước sự phá sản về đạo đức, về giá trị làm người, Đức Piô X đã nói một cách xót xa: “Con người hôm nay đã đánh mất ý thức về tội”. Nghĩa là họ không còn sống theo lẽ phải, họ cố tình làm ngơ trước tiếng cảnh tỉnh của lương tâm, họ quá quen với khuynh hướng tuyệt đối về tự do nên họ không còn thấy những điều gì là cấm. Họ muốn, họ thích và họ làm mà không cần suy xét có hợp với luân thường đạo lý hay không?

Có lẽ đây là lúc phải trực diện với một trong những chủ đề then chốt nhất của mầu nhiệm cứu độ: vấn đề sự dữ, tức là tội. Tại sao sự dữ vẫn hoành hành, tỗi lỗi vẫn tràn lan? Đâu là nguyên nhân đưa đến sự xấu hiện diện trong thế giới hôm nay?

Trước tiên cũng nên nhớ lại: tội là toàn bộ những hành vi ác hại, sai quấy, mất trật tự của con người; đó là hành động ác hại làm đổ máu hoặc xúc phạm đến danh dự, là trộm cướp, vu khống, phẫn nộ, lười biếng, là kiêu căng chà đạp người khác, là đam mê nhục dục, v.v... mà truyền thống gọi là bảy mối tội đầu. Như vậy nguồn gốc sự dữ hệ tại ở chính lòng người. Chính lòng dạ con người là nguyên nhân dẫn đến những sự dữ ở trần gian.

Căn nguyên của tội chính là con người đã dùng sai sự tự do. Sự tự do đích thực là tự do hướng về sự thiện, là điều khiển hành vi nhân linh của con người theo lề luật tự nhiên, theo những quy tắc của luân thường đạo lý, hay nói cách khác chính là biết sử dụng tự do để điều khiển hành vi của mình theo lẽ phải. Nhiều người lầm tưởng rằng, tự do là muốn làm gì thì làm, nhưng thực ra họ đã đánh mất tự do khi buông mình theo những đam mê thấp hèn, những thói hư tật xấu. Họ bị lệ thuộc vào đam mê nghĩa là họ mất tự do đích thực. Họ trở thành nô lệ của những thói hư tật xấu mà các nhà luân lý gọi là nô lệ tội lội. Adam tưởng đã sử dụng tự do theo ý mình nhưng thực ra ông đã đánh mất tự do khi không chế ngự được bản tính kiêu căng của mình. Cain đã đánh mất tự do khi để sự ghen tương làm chủ dẫn đến án mạng mà hậu quả là cả đời trốn chạy, bất an và lo sợ. Con người ngày hôm nay tưởng rằng mình có khả năng làm ra vật chất và tận hưởng theo ý mình, nhưng thực ra họ đã để mình lệ thuộc vào những tiện nghi vật chất, trở thành nô lệ cho vật chất một cách mù quáng đến độ, số tiền làm ra chỉ đủ để trang trải cho những tiện nghi, những trò vui chơi giải trí. Rốt cuộc vẫn cảm thấy thiếu thốn vì chẳng bao giờ con người thỏa mãn những nhu cầu vật chất tầm thường.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần xét lại con đường chúng ta đang đi có phải là con đường quanh co, thiếu chân thành với nhau, thế nên, vẫn còn đó sự gian dối, thiếu cởi mở, với nhau không? Con đường chúng ta vẫn còn đó khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm nên hành động hồ đồ và làn thương tổn đến tha nhân. Con đường chúng ta đang đi là con đường gồ ghề bởi những lời nói thiếu suy nghĩ, thiếu bác ái, thiếu xây dựng, luôn chỉ trích nặng lời với nhau, dẫn đến một đời sống thiếu hoà nhã với mọi người, thiếu khiêm tốn nên luôn bẳn gắt, luôn khó chịu về người khác một cách vô cớ, đôi khi nóng giận một cách hồ đồ mà không có nguyên do. Con đường chúng ta vẫn còn những thung lũng của những tư tưởng lỗi đức trong sạch, những ước muốn lầm lạc, luôn làm chúng ta quyến luyến các tạo vật mà xa lìa Chúa, vẫn còn đó những hố sâu của chia rẽ, hận thù, luôn gây ra bất hoà, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ với nhau. Con đường chúng ta đang đi, vẫn còn đó những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn đề cao mình quá đáng đến coi khinh anh em, không bao giờ chịu thua kém người khác.

Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Vì thế mùa vọng, là thời gian mời gọi chúng ta hãy sửa chữa lại con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa đến. Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những sự trống vắng Thiên Chúa nơi tâm hồn bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá và giả hình. Hãy san bằng những nghi kỵ, ganh ghét, bất hoà. Hãy san bằng những lượn sóng gồ ghề nói hành, nói xấu nhau nhưng hãy luôn nói tốt, nghĩ tốt về nhau.

Đó là cách duy nhất để dọn lòng Chúa đến, để Chúa giáng sinh mang lại niềm vui cho tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa, xin hãy cất khỏi chúng con tất cả những gì làm cho chúng con xa lìa Chúa, và xin ban cho tâm tình thống hối ăn năn để sửa đổi con người theo tinh thần phúc âm của Chúa. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ