Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 39

Tổng truy cập: 1356237

ĐỒNG HÀNH

ĐỒNG HÀNH

 

Đôi khi người ta cũng cần ở một mình, bởi vì linh hồn đòi hỏi sự cô tịch, để giữ được tính cách cá nhân của nó. Nhưng chúng ta không thể sống cô đơn được. Chúng ta sẽ hóa đien. Sự thật là: rõ ràng chúng ta lệ thuộc vào nhau. Trong cuộc sống của mình, chúng ta cần đến người khác – để nâng đỡ, xác nhận, khích lệ, đồng hành với chúng ta. Họ nuôi dưỡng và hỗ trợ chúng ta theo hàng trăm cách thức khác nhau. Và tất nhiên, chúng ta cũng nuôi dưỡng họ nữa.

Ngày nay, con người được giáo dục theo chủ nghĩa cá nhân, hậu quả là người ta cảm thấy đời sống cộng đồng là khó khăn. Trong thế giới hiện nay, có nhiều nỗi cô đơn. Nhiều người đang kêu gào một người bạn, một người đồng hành, theo nghĩa thuộc về nhau.

Từ ngữ “bạn đồng hành” là một từ ngữ rất hay. Nó xuất phát từ tiếng Latinh: cum, nghĩa là cùng với, và panis, nghĩa là bánh. Như vậy, hiểu theo từng chữ, “bạn đồng hành” nghĩa là một người nào đó mà chúng ta chia sẻ bánh. Không phải bất cứ ai bạn cũng mời vào uống trà với bạn. Đó phải là một người có quan hệ với bạn. Và mối quan hệ này đươc đào sâu thêm, nhờ việc chia sẻ đồ ăn và thức uống với nhau.

Khi có người nào mời chúng ta tới bàn của họ, là họ hiến tặng chúng ta một thứ gì đó còn nhiều hơn là thức ăn. Họ hiến tặng chúng ta sự tin tưởng, đón nhận và tình bạn. Chúng ta cảm thấy được tôn trọng. Câu chuyện là một phần lớn của thức ăn. Sau đó, chúng ta cảm thấy được nuôi dưỡng, không phải chỉ về mặt thể xác, nhưng còn về mặt tinh thần và tâm hồn nữa.

Phép Thanh Thể chính là bữa ăn mà chúng ta chia sẻ với nhau, để tưởng nhớ Chúa và vâng theo lời truyền dạy của Người. Đức Giêsu làm cho chúng ta trở thành những người đồng hành và bạn bè của Người, bằng cách mời gọi chúng ta đến chia sẻ thức ăn đã được hiến thánh của Phép Thánh Thể. Và trong khi làm như vậy, chúng ta trở thành những người đồng hành và bạn bè của nhau. Nhưng điều này có xảy ra được không?

Ngày nay, người ta có thể ngồi trong xe hơi để tham dự thánh lễ, và sau đó, ra đi, mà không hề có quan hệ với bất cứ ai. Một người như thế nói rằng mình đã thực sự và chân thành tham dự thánh lễ không? Chúng ta đã được gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng liệu chúng ta có gặp gỡ các Kitô hữu đồng chí hướng với chúng ta, những người lân cận của chúng ta không? Có hai chân lý được kết nối với nhau – chúng ta được hiệp thông với Đức Giêsu, để có thể hiệp thông với người khác.

Ngươi ta có thể bị đổ vỡ, mà không một người nào biết đến, không một ai quan tâm cả. Việc xây dựng cộng đoàn không gay go như vậy. Chỉ cần sự thân thiện bình thường mà thôi. Bước đầu tiên là phải trở nên quen biết với nhau.

Nếu chúng ta có thể đi vào căn phòng, nơi Đức Giêsu cùng ăn Bữa Tiệc Ly với các tông đồ của Người, thì ngay tức khắc, chúng ta sẽ cảm thấy được mối quan hệ đó. Ở đây, có một nhóm người đang ngồi chung quanh một cái bàn, để chia sẻ bữa ăn với nhau. Đôi khi, trong các nhà thờ của chúng ta, người ta ngồi càng xa nhau càng tốt. Tại sao như vậy? Dường như người ta miễn cưỡng trong việc gặp gỡ nhau. Và nếu không gặp gỡ nhau, thì chúng ta khong thể chia sẻ được với nhau. Điều mà chúng ta đem đến cho nhau ở đây, thì chúng ta sẽ được nhận lại gấp trăm. Nhưng nếu không biết cho nhau, thì chúng ta sẽ chẳng nhận được gì cả.

Chúng ta cần đến Đức Kitô – đó là điều rõ ràng. Nhưng chúng ta cũng cần đến nhau nữa. Trong thế giới ngày nay, để trở thành một người có lòng tin, hoặc chỉ là một người có đời sống tinh thần mà thôi, thì có thể đó là một công việc cô độc. Đây là một nơi ma cộng đoàn gia nhập vào. Chúng ta là một cộng đoàn của những kẻ tin, niềm tin chung của mọi người củng cố cho niềm tin của mỗi cá nhân.

Những Kitô hữu tiên khởi nâng đỡ nhau. Họ tha thứ cho những sự xúc phạm đến nhau, chia sẻ tài sản cho nhau, và tăng cường tinh thần cộng đoàn. Sự chia sẻ tạo ra mối quan hệ, và mối quan hệ đưa đến sự chia sẻ. Phép Thánh Thể là trung tâm của tất cả mọi sự. Chính Phép Thánh Thể nối kết mọi người với nhau, và đem đến cho họ khả năng để hiến tặng cho nhau một cách thức phục vụ đầy yêu thương.

 

45.Chia sẻ

Trong ý nghĩa yêu thương, trước giờ biệt ly, Chúa Giêsu muốn để lại cho loài người một vật kỷ niệm. Người đời trước khi đi xa, thường lưu lại cho người thân thích một món đồ nào đó để ghi nhớ: một cuốn sách, một khăn tay, một tấm hình, một cái áo, một chiếc nhẫn v.v… Đối với Chúa Giêsu, những vật đó hay bất cứ vật nào cũng đều tầm thường quá, hời hợt quá, không đủ nói lên tấm lòng yêu thương nồng nhiệt của Chúa đối với nhân loại. Kỷ vật Chúa muốn lưu lại cho loài người phải hết sức đặc biệt, đó là chính bản thân Chúa.

Nhưng bản thân bằng xương bằng thịt của Chúa lại sắp sửa bị bắt và bị giết chết. Do đó, Chúa đã thực hiện ý muốn trên bằng một thể thức vô cùng linh diệu, là lưu lại bản thân dưới hình thức nhiệm mầu. Chúa lấy bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu Ngài: “Này là Mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy”. Với những lời ấy, Chúa Giêsu đã lập Phép Thánh Thể. Rồi Chúa còn truyền cho các môn đệ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, tức là Chúa ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao quý này để tưởng niệm đến Ngài.

Như thế, trong bữa tiệc ly và cũng là thánh lễ đầu tiên do Chúa Giêsu cử hành, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và ban quyền chức linh mục cho các tông đồ. Từ đó trở đi, cho tới ngày nay, và cho tới tận thế, trong thánh lễ, khi linh mục trịnh trọng lặp lại những lời của Chúa Giêsu: “Này là Mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa, nhưng là Mình và Máu Chúa Kitô. Đây là một chân lý cao siêu vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người. Bởi vì trước và sau khi linh mục đọc lời truyền phép, chúng ta có nhìn xem, đụng chạm tới hay nếm bánh và rượu chưa truyền phép và đã truyền phép, chúng ta chẳng thấy có gì khác nhau. Nhưng theo đức tin thì lại khác xa nhau một trời một vực: một đàng là Mình Máu Thánh Chúa Kitô, một đàng là một tấm bánh nhỏ bé, một chút rượu tầm thường. Vì thế, chúng ta gọi đây là một bí tích và là một mầu nhiệm đức tin.

Như vậy, trong tình yêu và vì tình yêu, Chúa Giêsu đã tìm ra một phương thế để ở lại với các môn đệ; và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Dưới hình bánh và hình rượu, Chúa Giêsu hiện diện luôn mãi với loài người nơi trần gian. Thánh thể còn là bí tích của sự hiep nhất. Trước hết, Thánh Thể làm cho chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, bởi vì Ngài đến với chúng ta dưới hình bánh hình rượu, làm cho chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài. Đồng thời, khi kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, thì thánh thể cũng kết hiệp chúng ta với nhau: được qui tụ chung quanh một bàn ăn, chúng ta cùng uống một chén, chia sẻ cùng một của ăn, chúng ta sống bằng chính mầu nhiệm của tình thương, chúng ta càng hiệp nhất với nhau còn hơn là con cái của một gia đình.

Thánh Thể còn là bí tích của sự chia sẻ: Bí tích Thánh Thể đã được Chúa Giêsu thiết lập trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa Giêsu đã cầm và phan chia cho các môn đệ cũng như chén rượu Ngài đã trao cho các môn đệ là để họ cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ; và chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ cho các môn đệ làm để nhớ đến Ngài. Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người không được đóng khung những buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh thể, mầu nhiệm yêu thương ngay trong cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực nếu chúng ta sống dửng dưng, ích kỷ, không quan tâm đến những anh chị em chung quanh. Nếu chúng ta nghèo của cải vật chất, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho tình thương, sự thông cảm, vị tha, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.

Tóm lại, về Phép Thánh Thể, chúng ta hãy nhớ: Thánh Thể là một bí tích. Trong Thánh Thể, có Chúa Giêsu thật sự. Vì thế, sau khi truyền phép, không còn bánh và rượu trên bàn thờ nữa. Chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ. Mỗi lần dâng thánh lễ là chúng ta cử hành việc Chúa lập Phép Thánh Thể. Đàng khác, chúng ta hãy cố gắng rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ, bởi vì rước lễ làm cho chung ta kết hiệp với Chúa Kitô và hiệp nhất với nhau; tăng thêm sức mạnh cũng như nghị lực cho chúng ta trên đường lữ thứ trần gian; và bảo đảm sự sống đời đời của chúng ta. Như thế, bàn tiệc Thánh Thể trở nên điểm hẹn diệu kỳ, nơi đó, chúng ta được nối kết với Chúa Kitô và nối kết với nhau, để cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.

 

46.Bữa tiệc linh thánh

Trong cuộc bắt đạo năm 1980, những người Công Giáo tại Guatemala vẫn tiếp tục tụ tập tại nhà thờ mỗi Chúa Nhật cho dù là không có linh mục để cử hành Thánh Lễ, cho dù toàn quốc không có một linh mục nào cả.

Diễn tả lại những lúc tụ tập lại mà không có linh mục, Fernando Bermudez viết trong cuốn “Death and Resurrection in Gautemala, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Gautemala” như sau: “Tất cả mọi người, quì trước mặt nhau, đều xưng tội lỗi mình ra, và cùng nhau hát bài xin Thiên Chúa tha thứ. Và một người làm đầu trong nhóm đứng lên đọc một đoạn Phúc Âm rồi giảng giải với hết khả năng theo sự hiểu biết của anh. Sau đó, anh mời mọi người trong nhóm chia sẻ ý nghĩ của họ về bài Phúc Âm đó.

Mỗi tháng một lần, các giáo xứ gởi đi một đại diện đến một chỗ mà các linh mục vẫn còn được hoạt động. Người đại diện đó phải đi bộ mất 18 tiếng đồng hồ để tham dự Thánh Lễ nhân danh giáo xứ của họ.

Diễn tả về Thánh Lễ này, Bermudez viết: “Bàn thờ được chẩn bị những rổ bánh. Sau Thánh Lễ, các đại diện đến nhận lại cái rổ bánh của mình, bây giờ là Mình Thánh Chúa, đem về giáo xứ của mình để chia sẻ với những anh chị em khác.”

Đó là lòng yêu mến Thánh Thể mà Thánh Lễ hôm nay, kính Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta đang kính nhớ.

Thánh Lễ đặc biệt này cử hành để kỷ niệm món quà rất quý giá mà Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ trong Bữa Tiệc ly. Thánh Luca đã tả lại như sau:

“Người cấm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “Này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con; hãy làm sự này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu mà nói: “Này là máu Ta, máu Giao ước mới, đổ ra vì các ngươi” (Lc 22:19-20).

Lời của Chúa Giêsu thật quan trọng. Ngài phán: “Đây là mình Ta, sẽ bị nộp vì các con” và “Đây là Máu Ta, sẽ đổ ra vì các con.”

Những lời này, “sẽ bị nộp vì các con” và “sẽ đổ ra vì các con” nói lên tinh thần hy sinh cao cả. Những lời này nói lên hy tế Thân xác và Máu của của Chúa Giêsu trên thánh giá.

Diễn tả về hy tế cực thánh trong Thánh Thể, Thánh Phaolô đã viết: “Chén chuc tụng ta (cầm lên mà) đội ơn, lại không phải là thông phần Máu Đức Kitô sao? Bánh ta bẻ, lại không phải là thông phần Thân mình Đức Kitô sao?” (1 Cor 10:16).

Thánh Phaolô nêu ra cho chúng ta một điểm quan trọng. Mỗi lần khi chúng ta cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta tham dự vào hiến tế của Chúa Kitô lên Thiên Chúa Cha.

Nói một cách khác, bữa tiệc Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi Chúa Nhật là một hy tế giống như hy tế mà Chúa Giêsu đã bắt đầu trong Bữa Tiệc ly và hoàn tất trên đồi Golgôtha. Khi chúng ta hiểu được điều đó thì Thánh Thể sẽ mang một ý nghĩa mới.

Đó là một mầu nhiệm cao cả mà chúng ta tụ họp nơi đây để cùng nhau cử hành cach đặc biệt trong Thánh Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Trong một vài phút nữa, khi vị chủ tế cầm Mình Thánh và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, xin các bạn hãy nỗ lực nhận thức cách đặc biệt cái gì bạn đang đón nhận.

 

47.Lễ Mình Máu Chúa Kitô

(Suy Niệm của Lm Trần Bình Trọng)

CÁC CON LẠI KHÔNG THỨC VỚI THÀY ĐƯỢC MỘT GIỜ SAO?

Hôm nay Giáo hội mừng lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Trước khi về trời, Chúa không lỡ bỏ rơi loài người mồ côi, Chúa để lại cho loài người mot kỷ vật cao quý là mình máu Thánh Người trong Bí tích Thánh thể để làm của ăn uống thiêng liêng cho loài người, để ban sức mạnh thiêng liêng và an ủi loài người: Đây là Mình Thày (Mc 14,22), Đây là Máu Thày, máu giao ươc đổ ra cho muôn người (Mc 14,24). Cái giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người không phải được ký kết bằng máu hiến tế của chiên cừu, mà Môsê đã dùng trong Cựu ước, nhưng bằng máu Con Thiên Chúa như Chúa phán trong Phúc âm hôm nay và được Thánh Phaolô thuật lại trong Thư gửi tín hữu Do thái (Dt 9,14).

Thánh lễ mi-sa là việc làm mới lại lễ hi sinh thánh giá. Tham dự vào bàn tiệc thánh là dấu chỉ ta chấp nhận giao ước mới với Thiên Chúa. Nếu người công giáo được hỏi xem có tin vào sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể không, chắc đa số sẽ trả lời là có. Đó là một trong những điểm khác biệt giữa người Công giáo và người Tin lành. Người Công giáo tin có Chúa hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh thể do lời truyền phép của linh mục. Tuy nhiên đôi khi ta có thể nghi ngờ về sự hiện diện thực của Chúa trong Bí tích Mình thánh. Có khi nào ta nghe tiếng cám dỗ bảo ta điều gì không nên tin, việc gì không nên làm, vấn đề gì cần phải được xét lại không? Có bao giờ ta tự hỏi không biết khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép trong thánh lễ: Này là mình Ta... Này là máu Ta có thực sự như vậy không? Không biết bánh rượu sau khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép có thực sự trở thành mình máu thánh Chúa không? Sở có những câu hỏi như vậy là vì ta thấy bánh rượu sau khi được truyền phép trông bề ngoai không có gì khác với bánh rượu trước khi truyền phép? Có một linh mục kia tự nghĩ nếu quả thật bánh rượu sau khi được truyền phép không phải là mình máu thánh Chúa thì những lần ngài dâng lễ quả là vô ích. Nếu quả thật không có sự biến đổi thực sự do lời truyền phép của linh mục dâng thánh lễ, thì vị linh mục đó không thể tự lừa dối mình, nghĩa là không thể tiếp tục dâng thánh lễ. Và vị linh mục đó lý luận chẳng lẽ từ khi Chúa lập Bí tích Thánh thể và lập chức linh mục đã có cả hàng triệu linh mục trên thế giới đã đọc lại lời Chúa hàng ngày: Đây là Mình Ta… Đây là Máu Ta lại tiếp tục dâng thánh lễ được sao?

Ta cứ giả sử người công giáo tin trong đầu óc có Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh thể, và khi rước lễ là rước mình thánh Chúa. Tuy nhiên ta có cảm nghiệm được bằng con tim có Chúa hiện diện thực sự trong Bí tích Mình Máu thánh không lại là chuyện khác. Để có thể cảm nghiệm được có Chúa hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh thể, ta hãy đáp lại lời Chúa mời gọi: Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,28). Nếu chưa có kinh nghiệm cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, ta hãy đến cầu nguyện và thờ lạy trước Mình thánh Chúa, để bày tỏ nỗi lòng với Chúa, để trút những gánh nặng của cuộc sống, những nỗi khổ tâm của lòng mình vao lòng từ ái của Chúa. Ta có thể cầu nguyện riêng một mình, hay với nhóm, hay chỉ cần ngồi đó thinh lặng để cho lòng mình nói với Chúa. Khi mẹ Teresa, thành Calcutta được hỏi tại sao bà có đủ nghị lực để tiếp tục phục phu người nghèo bên Ấn Độ một cách liên tục và hăng say như vậy? Bà trả lời Chúa Thánh thể là sức mạnh của bà và bà cầu nguyện hàng giờ trước Mình thánh Chúa. Chúa bảo ta qua các tông đồ: Các con lại không thức với Thày được một giờ sao (Mc 14,37)?

Để đáp lại lời Chúa mời gọi, ta hãy thức với Chúa một giờ, hãy cầu nguyện với Chúa một giờ trước Thánh thể Chúa, hoặc ban ngày hay ban tối, hoặc với ngưòi khác hay một mình xem ta cảm thấy thế nào? Nếu lần này không cảm thấy gì, thì lần sau, rồi lần sau nữa. Ta hãy thức với Chúa một giờ xem lời Chúa và Mình thánh Chúa có sức tác động và biến đổi tâm hồn và đời sống ta không, xem Chúa có thực sự la sức mạnh, là nguồn vui, là niềm an ủi, là sự cậy trông và là lẽ sống của đời ta không?

 

home Mục lục Lưu trữ